Chính sách quan trọng có hiệu lực từ giữa tháng 4/2021 (từ 11/4 - 20/4)

Chính sách quan trọng có hiệu lực từ giữa tháng 4/2021 (từ 11/4 - 20/4)
Nguyễn Trinh

Giữa tháng 04/2021 (từ ngày 11/04 - 20/04) sẽ có những chính sách quan trọng về Xuất nhập khẩu - Hải quan; Giao thông vận tải; Cán bộ, công chức, viên chức;… có hiệu lực thi hành, các chính sách cụ thể bao gồm:

1. Phạt đến 3 triệu đồng đối với người đánh đập, hành hạ vật nuôi

Nghị định 14/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2021 đã quy định chi tiết mức xử phạt đối với các hành vi đối xử không nhân đạo với vật nuôi. Cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.

- Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có 01 trong các hành vi vi phạm sau đây:

  • Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ;

  • Đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ;

  • Không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.

Như vậy, theo quy định này, đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn vật nuôi trong chăn nuôi thì sẽ bị phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng đối với người nuôi là cá nhân, từ 02 – 06 triệu đồng đối với người nuôi là tổ chức, còn đối với hành vi đánh đập, hành hạ vật nuôi trước khi giết mổ hoặc không có biện pháp gây ngất cho vật nuôi trước khi giết mổ thì mức phạt tiền sẽ từ 03 – 05 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung là cá nhân và từ 06 – 10 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung là tổ chức.

2. 05 điều kiện để cơ sở đào tạo được bồi dưỡng viên chức ngành GTVT

Thông tư 04/2021/TT-BGTVT quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, nghiên cứu được tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng viên chức ngành giao thông vận tải có hiệu lực từ ngày 15/4/2021.

Theo đó, cơ sở đào tạo, nghiên cứu tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng viên chức ngành GTVT bắt buộc phải đủ các điều kiện sau:

  • Chương trình bồi dưỡng: Phải theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành GTVT và theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng, chuyên ngành của viên chức ngành GTVT;

  • Tài liệu bồi dưỡng: Phải được biên soạn hoặc lựa chọn và ban hành trên cơ sở chương trình bồi dưỡng;

  • Giảng viên: Phải đảm bảo tiêu chuẩn quy định về giảng viên đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC và phải đủ để tham gia giảng dạy ít nhất 50% khối lượng chương trình bồi dưỡng được giao tổ chức thực hiện;

  • Cơ sở vật chất, cơ sở thực hành: Có đủ phòng học, phòng chức năng và trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy lý thuyết và thực hành các kỹ năng nghề nghiệp phù hợp và có đủ nguồn thông tin tư liệu, gồm: sách, giáo trình, bài giảng, các tài liệu có liên quan phù hợp với chương trình bồi dưỡng;

  • Kinh nghiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng: Cơ sở đào tạo, nghiên cứu phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong tổ chức bồi dưỡng viên chức hoặc được tổ chức đào tạo trình độ trung cấp trở lên.

3. Hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại hàng hóa XNK từ ngày 12/4/2021

Thông tư 17/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 14/2015/TT-BTC hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XNK) có hiệu lực từ ngày 12/4/2021.

Theo đó, tại Thông tư 17/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu đã được quy định trước đó tại Thông tư 14/2015/TT-BTC như sau:

Cơ quan hải quan nơi có yêu cầu phân tích hàng hoá có trách nhiệm lập và gửi hồ sơ yêu cầu phân tích gồm:

  • Phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa XNK kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa (theo mấu số 05/PYCPT/2021). Mỗi mặt hàng lập 1 Phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa XNK kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa;

  • Phiếu ghi số, ngày, văn bản chứng từ thuộc hồ sơ hải quan liên quan đến mẫu hàng hóa;

  • Mẫu hàng hóa yêu cầu phân tích;

  • Tài liệu kỹ thuật của hàng hóa (quy định mới).

Trường hợp không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan hải quan nơi gửi hồ sơ phải nêu rõ lý do hàng hóa không có tài liệu kỹ thuật tại mục 12 theo mẫu số 05/PYCPT/2021 về phiếu yêu cầu phân tích hàng hòa XNK kiêm Biên bản lấy mẫu.

4. Điều kiện cấp phép lái tàu trên tuyến đường sắt đô thị mới khai thác

Thông tư 05/2021/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 33/2018/TT-BGTVTThông tư 24/2020/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường sắt có hiệu lực từ ngày 15/4/2021.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải bổ sung quy định điều kiện cấp giấy phép lái tàu (GPLT) cho các lái tàu đầu tiên trên các tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam gồm:

- Có đủ hồ sơ theo quy định, đơn cử như:

  • Văn bản đề nghị cấp GPLT của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị theo mẫu quy định;

  • Đơn đề nghị cấp GPLT của nhân sự lái tàu theo mẫu;

  • Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khỏe lái tàu;

  • 03 ảnh màu cỡ 3X4cm chụp trong vòng 06 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ;...

- Là nhân sự lái tàu được doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị hoặc Chủ đầu tư dự án (hoặc tổ chức được Chủ đầu tư dự án giao quản lý dự án đường sắt đô thị) đánh giá đạt yêu cầu khi trực tiếp điều khiển đoàn tàu bảo đảm an toàn trong thời gian vận hành thử toàn hệ thống của Dự án;

- Đã được Hội đồng sát hạch cấp giấy phép lái tàu đánh giá đạt yêu cầu theo quy định.

643 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;