Trình tự thực hiện chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế được quy định như thế nào?
Hồ sơ thực hiện chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế gồm những gì?
Căn cứ tại Điều 22 Nghị định 123/2020/NĐ-CP và theo hướng dẫn tại tiểu mục 4 Mục II thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 1464/QĐ-BTC năm 2022, hồ sơ thực hiện chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế gồm:
- Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử Mẫu số 01/TH-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP-CP;
- Văn bản kèm theo tài liệu chứng minh điều kiện đáp ứng yêu cầu về định dạng chuẩn dữ liệu và quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn số lượng lớn, có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu về định dạng chuẩn dữ liệu và quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, có nhu cầu chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử theo hình thức gửi trực tiếp đến cơ quan thuế);
- Danh sách công ty con (đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có tổ chức mô hình Công ty mẹ - con, có xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu hóa đơn tập trung tại Công ty mẹ và có nhu cầu Công ty mẹ chuyển toàn bộ dữ liệu hóa đơn điện tử bao gồm cả dữ liệu của các công ty con đến cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế).
Trình tự thực hiện chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Trình tự thực hiện chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế ra sao?
Căn cứ tại Điều 22 Nghị định 123/2020/NĐ-CP và theo hướng dẫn tại tiểu mục 4 Mục II thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 1464/QĐ-BTC năm 2022 như sau:
Bước 1:
Trường hợp 1: Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử theo Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử áp dụng với các trường hợp đặc thù:
+ Người bán hàng chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử theo Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử theo Mẫu số 01/TH-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 về hóa đơn, chứng từ cùng thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các trường hợp sau:
++ Cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực: Bưu chính viễn thông, bảo hiểm, tài chính ngân hàng, vận tải hàng không, chứng khoán;
++ Bán hàng hóa là điện, nước sạch nếu có thông tin về mã khách hàng hoặc mã số thuế của khách hàng.
+ Đối với hóa đơn gửi theo bảng tổng hợp thì người bán gửi thông tin hủy, điều chỉnh trực tiếp trên bảng tổng hợp của các kỳ tiếp theo mà không gửi thông báo hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ đến cơ quan thuế.
+ Riêng đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng thì người bán tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán xăng dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử này ngay trong ngày.
Trường hợp 2: Chuyển đầy đủ nội dung hóa đơn áp dụng với trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không thuộc trường hợp 1.
Phương thức chuyển đầy đủ nội dung hóa đơn áp dụng đối với trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không thuộc quy định tại điểm a1 khoản 3 Điều 22 Nghị định 123/2020/NĐ-CP: Người bán sau khi lập đầy đủ các nội dung trên hóa đơn gửi hóa đơn cho người mua và đồng thời gửi hóa đơn cho cơ quan thuế.
Người bán hàng lập hồ sơ và gửi đến cơ quan thuế, theo một trong các hình thức như sau:
+ Đối với hình thức gửi trực tiếp:
++ Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn số lượng lớn, có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu về định dạng chuẩn dữ liệu và quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, có nhu cầu chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử theo hình thức gửi trực tiếp đến cơ quan thuế gửi văn bản kèm theo tài liệu chứng minh điều kiện đáp ứng đến Tổng cục Thuế;
++ Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có tổ chức mô hình Công ty mẹ - con, có xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu hóa đơn tập trung tại Công ty mẹ và có nhu cầu Công ty mẹ chuyển toàn bộ dữ liệu hóa đơn điện tử bao gồm cả dữ liệu của các công ty con đến cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế thì gửi kèm theo danh sách công ty con đến Tổng cục Thuế để thực hiện kết nối kỹ thuật.
+ Đối với hình thức gửi thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử:
++ Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp nêu tại điểm a khoản này thực hiện ký hợp đồng với tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử làm dịch vụ chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế;
++ Căn cứ hợp đồng được ký kết, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có trách nhiệm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để tổ chức này gửi tiếp đến cơ quan thuế.
Bước 2: Cơ quan Thuế tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo quy định.
Thời gian nộp hồ sơ chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là khi nào?
Căn cứ tại Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019, tiểu mục 4 Mục II thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 1464/QĐ-BTC năm 2022 quy định thời gian nộp hồ sơ chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế như sau:
- Hàng tháng/ quý chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế (đối với trường hợp khai và nộp thuế giá trị gia tăng theo tháng);
- Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế (đối với trường hợp khai và nộp thuế giá trị gia tăng theo quý);
- Chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế (chỉ áp dụng đối với trường hợp khai và nộp thuế giá trị gia tăng theo Tờ khai mẫu số 05/GTGT theo lần phát sinh).
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;