Công văn 443/VKSTC-V9: Giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình?
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành công văn giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình?
- Giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc?
- Giải đáp về kiểm sát quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án là như thế nào?
Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành công văn giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình?
Ngày 15/02/2023, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 9) ban hành Công văn 443/VKSTC-V9 năm 2023 về việc giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình.
Theo ghi nhận tại Công văn 443/VKSTC-V9 năm 2023 thì trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 9) nhận được nhiều ý kiến, câu hỏi của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp dưới nêu những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình.
Vụ 9 đã tổng hợp, lựa chọn các vấn đề mới, quan trọng, nhiều Viện kiểm sát gặp phải và phối hợp với Vụ 14 VKSND tối cao trả lời đối với 11 vấn đề về nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình.
Công văn 443/VKSTC-V9: Giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình?
Giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc?
Về vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc,VKSND tối cao giải đáp vướng mắc tại Câu 6 Công văn 443/VKSTC-V9 năm 2023 như sau:
Trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc”, tại Hợp đồng đặt cọc các bên thỏa thuận: Bên A giao số tiền đặt cọc cho bên B ngay khi ký hợp đồng; bên B cam kết sẽ hoàn thành các giấy tờ, thủ tục để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bên A; ngoài ra, còn thoả thuận về nghĩa vụ của các bên và việc phạt cọc.
Thực hiện hợp đồng, bên A đã giao đủ tiền nhưng bên B không liên hệ cơ quan nhà nước để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục chuyển nhượng cho A. Bên A khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc và phạt cọc.
Có 02 quan điểm về việc giải quyết vụ án:
Quan điểm thứ nhất: Do bên B đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ đã thỏa thuận trong Hợp đồng nên Tòa án căn cứ Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 427 Bộ luật Dân sự 2015 để hủy hợp đồng đặt cọc và phạt cọc đối với bên B.
Quan điểm thứ hai: Phải xác định hợp đồng đặt cọc có hiệu lực, không hủy hợp đồng. Bên B vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thì phải chịu các chế tài đã thỏa thuận trong Hợp đồng.
Quan điểm nào là đúng?
Trả lời:
Trong vụ án trên, hợp đồng đặt cọc đã có hiệu lực và đang được thực hiện, bên A đã giao đủ tiền nhưng bên B vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng. Vi phạm của bên B được xác định là “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng” vì dẫn đến không thể giao kết được hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (do bên B không được cấp GCNQSDĐ), đây là căn cứ hủy bỏ hợp đồng theo điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015.
Điều 427 Bộ luật Dân sự 2015 về hậu quả của việc huỷ bỏ hợp đồng, tại các khoản 1 và 2 có quy định: “1. Khi hợp đồng bị huỷ bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thoả thuận, trừ thoả thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. 2. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng...”. Vì vậy, Tòa án có thể tuyên hủy hợp đồng đặt cọc theo yêu cầu của bên A. Bên B phải trả lại tiền cọc cho bên A và phải chịu phạt cọc.
Nếu Toà án không hủy hợp đồng thì sẽ không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bên A vì trường hợp tiếp tục thực hiện hợp đồng thì bên A không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trong khi vẫn phải chịu thiệt hại do tiền đặt cọc đã giao cho bên B đầy đủ; nếu bên A từ chối việc giao kết hợp đồng thì bên A sẽ bị mất tiền đặt cọc theo khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự, trong khi bên A không có vi phạm trong việc thực hiện hợp đồng đặt cọc.
Giải đáp về kiểm sát quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án là như thế nào?
Trước những vướng mắc được đặt ra về quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án như
- Tòa án không gửi thông báo thụ lý vụ việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho Viện kiểm sát mà chỉ gửi Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành dẫn đến khó khăn trong việc cập nhật sổ kiểm sát, thống kê, báo cáo số liệu.
- Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án không có trong hệ thống biểu mẫu về giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính nên Viện kiểm sát không có căn cứ để kiểm sát về hình thức quyết định.
Thì tại Câu 1 Công văn 443/VKSTC-V9 năm 2023, VKSTC có giải đáp vướng mắc về kiểm sát quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án như sau:
Từ ngày 01/01/2021, Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án 2020 có hiệu lực thi hành, Viện kiểm sát phải kiểm sát quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án với các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể được quy định trong Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án 2020 như sau:
Viện kiểm sát được nhận Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hoà giải thành, đối thoại thành; có quyền kiến nghị xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hoà giải thành, đối thoại thành nếu có căn cứ xác định nội dung thoả thuận có vi phạm (các khoản 1 và 3 Điều 36 Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án 2020, Điều 37 Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án 2020); có quyền rút kiến nghị (Điều 38 Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án 2020); được nhận quyết định của Toà án về việc giải quyết đề nghị, kiến nghị (Điều 38 Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án 2020).
Theo Điều 2 Thông tư 03/2020/TT-TANDTC quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Toà án và chỉ định Hoà giải viên thì không có thủ tục thụ lý vụ việc được hòa giải, đối thoại tại Toà án mà chỉ có việc Toà án ghi vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn trước khi thực hiện thủ tục thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hoà giải, đối thoại và lựa chọn Hoà giải viên.
Ngày 31/12/2021, Toà án nhân dân tối cao ban hành Công văn 235/TANDTC-PC năm 2021 xác định một số biểu mẫu về quyết định công nhận, không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, gồm 06 mẫu quyết định sau:
(1) Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án;
(2) Quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án;
(3) Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các bên tham gia hòa giải tại Tòa án;
(4) Quyết định không công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các bên tham gia hòa giải tại Tòa án;
(5) Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành tại Tòa án;
(6) Quyết định không công nhận kết quả đối thoại thành tại Tòa án. Cả 06 quyết định trên đều được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Hiện nay, VKSND tối cao chưa quy định chỉ tiêu công tác về kiểm sát quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án nhưng Viện kiểm sát phải kiểm sát đầy đủ các quyết định nêu trên. Nội dung kiểm sát gồm:
(1) Kiểm sát về thời hạn Tòa án gửi quyết định cho Viện kiểm sát theo khoản 4 Điều 32 Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án 2020 (trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định);
(2) Kiểm sát hình thức của Quyết định theo mẫu được ban hành tại Công văn 235/TANDTC-PC năm 2021 nêu trên;
(3) Kiểm sát vụ việc đã hòa giải, đối thoại có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án 2020 không;
(4) Kiểm sát điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo Điều 33 Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án 2020
(5) Thực hiện quyền kiến nghị khi phát hiện vi phạm theo các Điều 36 Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án 2020, Điều 37 Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án 2020 và Điều 38 Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án 2020
Viện kiểm sát có quyền kiến nghị đối với 03 loại quyết định: Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án, Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các bên tham gia hòa giải tại Tòa án, Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành tại Tòa án.
Các loại quyết định này không được kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định. Các quyết định không công nhận không bị kiến nghị vì vụ việc sẽ được Tòa án thụ lý và Viện kiểm sát sẽ tiếp tục kiểm sát việc giải quyết vụ, việc theo quy định.
Viện kiểm sát cần chủ động lập sổ sách theo dõi, bảo đảm nắm được tình hình các vụ việc được hoà giải, đối thoại tại Toà án và kết quả kiểm sát. Hồ sơ kiểm sát việc công nhận kết quả hòa giải thành được lập theo Điều 6 Quy định về lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân (được ban hành kèm theo Quyết định 264/QĐ-VKSTC năm 2022 của Viện trưởng VKSND tối cao).
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;