Người lao động bị tạm đình chỉ công việc có được hưởng lương không? Tiền phạt vi phạm liên quan đến tạm đình chỉ công việc người lao động là bao nhiêu?
Người lao động bị tạm đình chỉ công việc có được hưởng lương không?
Hiện nay, pháp luật lao động Việt Nam không nêu rõ thế nào là tạm đình chỉ công việc đối với người lao động.
Tuy nhiên có thể hiểu tạm đình chỉ công việc là việc người sử dụng lao động nhận thấy để người lao động làm việc sẽ gây khó khăn cho việc điều tra nên buộc người lao động phải ngừng việc tạm thời để điều tra, xác minh những vụ vi phạm nội quy lao động phức tạp mà người lao động đó là đương sự.
Đồng thời, căn cứ theo khoản 4 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tạm đình chỉ công việc như sau:
Tạm đình chỉ công việc
...
4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
Theo Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động quy định về thời gian làm việc để được tính nghỉ hằng năm của người lao động như sau:
Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động
1. Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.
2. Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
3. Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động.
4. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
5. Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
6. Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.
7. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
8. Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.
9. Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.
10. Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.
Theo đó, trong trường hợp người lao động bị tạm đình chỉ công việc để điều tra, xác minh lỗi vi phạm và xác định được không phải lỗi của người lao động thì người lao động vẫn được hưởng nguyên lương đối với những ngày bị đình chỉ lao động.
Ngoài ra số ngày nghỉ này cũng sẽ được coi là thời gian làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm của người lao động.
Người lao động bị tạm đình chỉ công việc có được hưởng lương không? Tiền phạt vi phạm liên quan đến tạm đình chỉ công việc người lao động là bao nhiêu?
Ngoài tiền lương, người lao động bị tạm đình chỉ công việc còn được hưởng những khoản tiền gì?
Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tạm đình chỉ công việc như sau:
Tạm đình chỉ công việc
...
2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.
...
Như vậy, ngoài khoản tiền lương thì trong thời gian đình chỉ công việc, người lao động sẽ được nhận tạm ứng 50% tiền lương cho những ngày bị tạm đình chỉ.
Và không phải trả lại khoản lương đã tạm ứng khi xác minh là có vi phạm và bị xử lý kỷ luật lao động.
Ví dụ: A nhận quyết định tạm đình chỉ công việc 10 ngày. Trong 10 ngày này có 1 ngày nghỉ. Số ngày làm việc thực tế bị đình chỉ 9 ngày.
Thì A được tạm ứng 50% tiền lương của 9 ngày (tức 4,5 ngày lương). Nếu:
- A bị xử lý kỷ luật thì không phải trả lại 4,5 ngày lương đã tạm ứng.
- A không bị xử lý kỷ luật thì A sẽ không phải trả lại 4,5 ngày lương đã tạm ứng, đồng thời công ty trả thêm 4,5 ngày lương còn lại.
Tiền phạt vi phạm liên quan đến tạm đình chỉ công việc người lao động là bao nhiêu?
Theo quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về tiền lương
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
3. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:
a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
Theo đó, người sử dụng lao động nếu như không ứng lương cho người lao động hoặc không trả lương cho những ngày người lao động bị tạm đình chỉ công việc nếu chứng minh được người lao động không vi phạm thì có thể bị phạt tiền thấp nhất là 5.000.000 đồng và cao nhất là 75.000.000 đồng.
Ngoài ra người sử dụng lao động phải trả lương cho nhân viên với số tiền bằng lương những ngày bị đình chỉ công việc nhân với mức lãi suất không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Lưu ý: Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;