Đã có Công văn 207/TANDTC-PC giải đáp 38 vướng mắc trong công tác xét xử vụ án hành chính đúng không?
- Đã có Công văn 207/TANDTC-PC giải đáp 38 vướng mắc trong công tác xét xử vụ án hành chính đúng không?
- Người đại diện theo ủy quyền có được quyền kháng cáo không? Có quyền rút đơn khởi kiện không hay vẫn cần có ý kiến của người khởi kiện?
- Một đương sự có thể vừa yêu cầu một người làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp vừa ủy quyền cho người đó làm người đại diện theo ủy quyền không?
Đã có Công văn 207/TANDTC-PC giải đáp 38 vướng mắc trong công tác xét xử vụ án hành chính đúng không?
Ngày 30/10/2024, Tòa án Nhân dân Tối cao đã có Công văn 207/TANDTC-PC về việc thông báo kết quả giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử vụ án hành chính.
Tải về Công văn 207/TANDTC-PC
Cụ thể, tại Mục 6 Công văn 207/TANDTC-PC có hướng dẫn xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với trường hợp đương sự yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Nhưng trên giấy chứng nhận có 10 nội dung cập nhật biến động sang tên do nhận chuyển nhượng như sau:
Căn cứ tại khoản 10 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 có quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
...
10. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Tòa án) chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
...
Cạnh đó, tại khoản 5 Điều 95 Luật Đất đai 2013 (đã hết hiệu lực thi hành) có quy định trường hợp đăng ký biển động đất đai thì người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc chứng nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp.
Theo đó, trường hợp này, Tòa án phải xem xét việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được cập nhật biến động nào thì xác định người đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Nếu trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có 10 người được cập nhật biến động sang tên do nhận chuyển nhượng mà quyền, nghĩa vụ của người được cập nhật biến động sau phủ định quyền, nghĩa vụ của người được cập nhật biến động trước thì xác định người được cập nhật biển động cuối cùng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Nếu trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có 10 người được cập nhật biến động mà quyền, nghĩa vụ của những người được cập nhật biến động liên quan trực tiếp đến việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chủ sử dụng đất chuyển nhượng 10 phần của mảnh đất cho 10 người) thì phải xác định cả 10 người được cập nhật biến động là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đã có Công văn 207/TANDTC-PC giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử vụ án hành chính đúng không? (Hình từ internet)
Người đại diện theo ủy quyền có được quyền kháng cáo không? Có quyền rút đơn khởi kiện không hay vẫn cần có ý kiến của người khởi kiện?
Cụ thể, tại Mục 7 Công văn 207/TANDTC-PC có nêu trường hợp văn bản ủy quyền có nội dung cho phép người đại diện theo ủy quyền được toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án thì người đại diện theo ủy quyền có được quyền kháng cáo không? Người đại diện theo ủy quyền có quyền rút đơn khởi kiện không hay vẫn cần có ý kiến của người khởi kiện?
Theo đó, Tòa án Nhân dân Tối cao có giải đáp về trường hợp này như sau:
Căn cứ tại khoản 5 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính 2015 có quy định về người đại diện như sau:
Người đại diện
...
5. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng hành chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của đương sự mà mình là đại diện.
Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của người ủy quyền. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba.
...
Như vậy, người đại diện theo ủy quyền có quyền kháng cáo, rút đơn khởi kiện hay không tùy thuộc vào nội dung ủy quyền, phạm vi ủy quyền và thời hạn ủy quyền.
Trường hợp trong văn bản ủy quyền, đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền được toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến vụ án đến khi kết thúc việc xét xử sơ thẩm thi người được ủy quyền không được quyền khảng cáo; người đại diện theo ủy quyền được rút đơn khởi kiện trong quá trình giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm mà không cần có ý kiến của người khởi kiện.
Trường hợp trong văn bản ủy quyền, đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền được toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến vụ án đến khi kết thúc toàn bộ quá trình giải quyết vụ án thì người đại diện theo ủy quyền được quyền kháng cáo đối với bản án theo quy định tại Điều 204 và khoản 2, khoản 3 Điều 205 Luật Tố tụng hành chính 2015. Người đại diện theo ủy quyền có quyền rút đơn khởi kiện mà không cần có ý kiến của người khởi kiện.
Một đương sự có thể vừa yêu cầu một người làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp vừa ủy quyền cho người đó làm người đại diện theo ủy quyền không?
Tại Mục 3 Công văn 207/TANDTC-PC có giải đáp về trường hợp một đương sự vừa yêu cầu một người làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp vừa ủy quyền cho người đó làm người đại diện theo ủy quyền như sau:
- Đối với người bị kiện: Theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính 2015, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình làm người đại diện theo ủy quyền; người bị kiện có thể yêu cầu bất kỳ người nào thuộc trường hợp được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính 2015 làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Theo đó, trường hợp này người bị kiện chỉ có thể ủy quyền cho cấp phó của mình vừa làm người đại diện, vừa làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Đối với người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Pháp luật không cấm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự làm đại diện theo ủy quyền của chính đương sự đó; đồng thời, không cấm người đại diện theo ủy quyền của đương sự được tham gia là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Theo đó, một đương sự có thể vừa yêu cầu một người làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp vừa ủy quyền cho người đó làm người đại diện theo ủy quyền cho mình nếu người đó thuộc trường hợp được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Xem chi tiết tại Công văn 207/TANDTC-PC ngày 30/10/2024.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;