20/03/2023 15:09

Vi phạm quy định về nuôi con nuôi bị xử phạt như thế nào?

Vi phạm quy định về nuôi con nuôi bị xử phạt như thế nào?

Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về hành vi vi phạm trong lĩnh vực nuôi con nuôi? Hành vi nào thì bị xem là bị cấm? Vũ Lệ - Hà Tĩnh.

1. Nuôi con nuôi là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật nuôi con nuôi năm 2010 của Việt Nam về giải thích thuật ngữ nuôi con nuôi:

“Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.”

2. Xử lí hành vi vi phạm về nuôi con nuôi

Căn cứ theo quy định tại Điều 62 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã về hành vi vi phạm quy định về nuôi con nuôi, cụ thể:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Thuộc một trong các hành vi sau:

+ Khai không đúng sự thật để đăng ký việc nuôi con nuôi.

+ Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.

+ Không thực hiện nghĩa vụ báo cáo tình hình phát triển của con nuôi trong nước.

+ Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

- Thuộc một trong các hành vi sau:

+ Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.

+ Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Thuộc một trong các hành vi sau:

+ Mua chuộc, ép buộc, đe dọa hoặc thực hiện các hành vi khác trái pháp luật để có sự đồng ý của người có quyền đồng ý cho trẻ em làm con nuôi.

+ Lợi dụng việc cho, nhận hoặc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi, trừ trường hợp lợi dụng việc nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột sức lao động của con nuôi.

+ Lợi dụng việc nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột sức lao động của con nuôi.

- Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật là văn bản, giấy tờ bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi.

Ngoài ra, khi vi phạm về quy định nuôi con nuôi thì còn phải khắc phục hậu quả:

- Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi:

+ Khai không đúng sự thật để đăng ký việc nuôi con nuôi.

+ Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi.

+ Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước.

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi:

+ Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước.

+ Lợi dụng việc cho, nhận hoặc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi, trừ trường hợp lợi dụng việc nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột sức lao động của con nuôi.

+ Lợi dụng việc nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột sức lao động của con nuôi.

- Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh và chi phí khác (nếu có) do thực hiện hành vi lợi dụng việc nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột sức lao động của con nuôi.

Như vậy, đối với các hành vi như phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi, lợi dụng việc nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột sức lao động của con nuôi… thì người nhận nuôi bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật, chịu các hình thức phạt bổ sung, khắc phục hậu quả.

Trẻ con là thế giới trong sáng, dễ bị tổn thương. Nên không đáng tội để nhận những lời sỉ vả, những nỗi ám ảnh và những đòn roi cay nghiệt. Bất cứ đứa trẻ nào dù là con ruột hay con nuôi cũng có điều đáng yêu của chúng, cũng đáng được thông cảm và dạy dỗ nên người.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Nguyễn Ngọc Trầm
475


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;