Rửa tiền không chỉ ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị mà còn đe dọa tới an ninh quốc gia. Hiện nay, hoạt động rửa tiền tại Việt Nam đang ngày càng một gia tăng và phức tạp.
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng chống rửa tiền Việt Nam 2022 quy định rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.
Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 3 Luật Phòng chống rửa tiền Việt Nam 2022 quy định tài sản do phạm tội mà có là tài sản có được trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi phạm tội; phần thu nhập, hoa lợi, lợi tức, lợi nhuận sinh ra từ tài sản có được từ hành vi phạm tội.
Theo đó, rửa tiền là hành vi nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản thu được từ các hoạt động phạm tội.
Tại Việt Nam, tội rửa tiền được xử lý theo mức khung hình phạt quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015 sửa đổi 2017 như sau:
- Khung cơ bản: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
+ Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
+ Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
+ Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 324 Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015 sửa đổi 2017 đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
- Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Có tổ chức;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
+ Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
+ Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
- Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Theo đó, người phạm tội rửa tiền tại Việt Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt từ 01 năm đến 15 năm, tùy thuộc vào mức độ hành vi vi phạm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Sau đây là một số bản án về tội rửa tiền do Tòa án tại Việt Nam xét xử:
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương
- Trích dẫn nội dung: Vào khoảng từ tháng 6/2019, các đối tượng giả danh cán bộ ngành Tư pháp gọi điện lừa đảo các bị hại cho rằng họ có liên quan đến phạm pháp hình sự và yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản do chúng ấn định. Mặc dù, biết đây là tiền do phạm tội mà có nhưng Chang Chao C, Lê Minh T đã nhờ Trần Mạnh H, Lê Minh H, Lê Minh Ch và bản thân T trực tiếp mở tài khoản để các bị hại chuyển tiền vào theo yêu cầu của những người giả danh cán bộ ngành Tư pháp.
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh
- Trích dẫn nội dung: Để có tiền tiêu xài, Nguyễn Quốc H đã có hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook, Z, đưa ra thông tin giả tạo mua bán bán hàng thực phẩm đông lạnh để lừa đảo chiếm đoạt 2.212.273.000 đồng của 39 bị hại.
Ngoài ra, H còn sử dụng tài khoản của Hồ Trinh A (vợ của H) mở tại Ngân hàng thương mại cổ phần N2 hoặc tài khoản của Lê Phước H1 mở tại Ngân hàng thương mại cổ phần Q, để nhận tiền lừa đảo của bị hại nhằm cố ý gây khó khăn, trở ngại cho việc làm rõ nguồn gốc, bản chất thực sự; vị trí, quá trình di chuyển đối với tiền do H phạm tội mà có để sử dụng vào việc đánh bạc, mở đại lý vé số và tiêu xài cá nhân.
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng
- Trích dẫn nội dung: rong khoảng thời gian từ đầu năm 2020 đến ngày 17/4/2020 tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, các bị cáo N Chibuzor F, Nnameka Samuel U, Ngô Hãi N2, Umeh S C, Vũ Ái L2 và Phạm Ngọc D đã có hành vi lên mạng Internet đặt mua các tài khoản Ngân hàng khác nhau, rồi sử dụng các tài khoản ngân hàng này vào việc nhận, rút tiền do người khác phạm tội mà có chuyển vào, để được hưởng tiền công.
Đối với Phạm Ngọc D cũng trong thời gian trên đã tìm mua trên mạng Internet nhiều tài khoản Ngân hàng rồi bán lại cho các đối tượng người nước ngoài để kiếm lời. Thông qua việc mua bán tài khoản ngân hàng, D đã đồng ý đi rút tiền khi các đối tượng này yêu cầu. Tổng số tiền do người khác phạm tội mà có mà D đã tham gia rút là 3.153.420.000 đồng, D được trả tiền công là thu lợi bất chính số tiền 63.068.400 đồng.
Trân trọng!
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về