13/06/2024 16:53

Phòng chống thiên tai: Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền là gì?

Phòng chống thiên tai: Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền là gì?

Phòng chống thiên tai là gì? Cần làm gì để phòng, chống thiên tai an toàn? Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong công cuộc phòng, chống thiên tai hiện nay?

Trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, nhiều địa phương tại Việt Nam đang phải đối mặt với sự thay đổi của thời tiết một cách đột ngột, người dân không kịp thời ứng phó dẫn đến thiệt hại về người và tài sản xảy ra liên tục. Vậy, phòng chống thiên tai là gì? Cần làm gì để việc phòng chống thiên tai an toàn và hiệu quả? Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc tuyên truyền và phòng chống thiên tai hiện nay là gì?

1. Phòng chống thiên tai là gì?

"Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác."

Căn cứ tại Khoản 1, Điều 3 Luật phòng chống thiên tai 2013 được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm a Khoản 1 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020.

Vậy, phòng chống thiên tai là quá trình mang tính hệ thống, bao gồm hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo khoản 3, Điều 3 Luật phòng chống thiên tai 2013.

2. Cần làm gì để phòng chống thiên tai an toàn?

Căn cứ vào loại thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra, các cơ quan sau có thẩm quyền quyết định lựa chọn một hoặc một số biện pháp phòng chống thiên tai phù hợp và an toàn theo quy định tại Điều 26 Luật phòng chống thiên tai 2013 được sửa đổi bởi Điểm d Khoản 4 Điều 54 Luật Phòng thủ dân sự 2023, bao gồm:

- Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia;

- Ban chỉ huy phòng thủ dân sự Bộ, cơ quan ngang Bộ;

- Ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương.

Thêm vào đó, theo Điều 26 Luật phòng chống thiên tai 2013 tùy vào mức độ và loại thiên tai mà các cơ quan trên đưa ra các biện pháp cơ bản ứng phó phù hợp như:

- Biện pháp cơ bản ứng phó đối với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy gồm 10 biện pháp theo khoản 1,Điều 26 Luật phòng chống thiên tai 2013;

- Biện pháp cơ bản ứng phó đối với hạn hán và xâm nhập mặn gồm 4 biện pháp theo khoản 2, Điều 26 Luật phòng chống thiên tai 2013;

- Biện pháp cơ bản ứng phó đối với sương muối, rét hại gồm 3 biện pháp theo khoản 3, Điều 26 Luật phòng chống thiên tai 2013;

- Biện pháp cơ bản ứng phó đối với động đất, sóng thần gồm 5 biện pháp theo khoản 4, Điều 26 Luật phòng chống thiên tai 2013.

Ngoài ra Đối với nắng nóng, lốc, sét, mưa đá, gió mạnh trên biển, sương mù, cháy rừng do tự nhiên và các loại thiên tai khác thì căn cứ vào dự báo, cảnh báo, tính chất và diễn biến thực tế của từng loại thiên tai, chủ động triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với tình huống cụ thể quy định tại khoản 5, Điều 26 Luật phòng chống thiên tai 2013 sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020.

Như vậy, để phòng chống thiên tai, cần có những biện pháp an toàn được đưa ra kịp thời và nhanh chóng để tránh thiệt hại về người và tài sản.

3.Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong công cuộc phòng, chống thiên tai hiện nay?

Những cơ quan sau đây có trách nhiệm công tác dự báo, cảnh báo về thiên tai theo khoản 3, Điều 24 Luật phòng chống thiên tai 2013 được bổ sung bởi Điểm c Khoản 14 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 bao gồm:

"a) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai liên quan đến khí tượng, thủy văn và hải văn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng do tự nhiên;

b) Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có trách nhiệm ban hành bản tin báo tin động đất và dự báo, cảnh báo sóng thần;

c) Các cơ quan quy định tại điểm a và điểm b khoản này gửi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan theo quy định và chịu trách nhiệm về nội dung các dự báo, cảnh báo về thiên tai."

Ngoài các cơ quan chuyên ngành trên, việc công tác dự báo, cảnh báo về thiên tai còn thuộc trách nhiệm của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam theo khoản 4, Điều 24 Luật phòng chống thiên tai 2013.

Đồng thời trong công tác ứng phó thiên tai, Điều 27 Luật phòng chống thiên tai 2013 đã có sự thay đổi bởi Khoản 4 Điều 54 Luật Phòng thủ dân sự 2023 bao gồm những tổ chức, cá nhân sau đây:

- Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia;

- Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương;

- Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai;

- Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp;

- Lực lượng vũ trang nhân dân;

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân;

- Chính phủ.

Như vậy, để việc phòng chống thiên tai được bảo đảm và tránh thiệt hại, các cơ quan có thẩm quyền theo luật định có trách nhiệm thực hiện đủ và đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc ứng phó với thiên tai hiện nay. Thêm vào đó, mỗi cá nhân cũng như hộ gia đình cũng cần trang bị cho mình kiến thức và các biện pháp an toàn để phòng, chống thiên tai.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Nguyễn Hải Phương Thảo
11


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;