Quấy rối tình dục nơi công sở được xác định dựa trên hành vi, không gian, thời gian thực hiện. Chúng ta cần làm rõ thế nào là quấy rối tình dục và thế nào là quấy rối tình dục nơi công sở?
Quấy rối tình dục được hiểu một cách khái quát là hành vi có tính chất tình dục của bất kì người nào đối với người khác tại bất cứ khoảng thời gian và không gian nào mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.
Đây là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.
Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 của Việt Nam quy định như sau: "Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động."
Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định rõ tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP bao gồm:
- Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;
- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
- Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Như vậy có thể thấy, những hành vi mang tính quấy rối và được thực hiện ở những nơi mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc theo phân công của người sử dụng lao động thì mới được coi là “quấy rối tình dục tại nơi làm việc”. Còn quấy rối đồng nghiệp nhưng ở không gian ngoài nơi làm việc thì không được xem xét là “quấy rối tình dục tại nơi làm việc”.
Cụ thể, tại Bản án về tranh chấp lao động cá nhân xử lý kỷ luật sa thải số 01/2018/LĐ-ST do Tòa án nhân dân thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh xét xử:
"Ngày 05/4/2017, các phân xưởng sản xuất trong công ty tổ chức giao lưu bóng đá, đây chỉ là hoạt động mang tính tự phát. Liên hoan xong, Ông K và bà H cùng nhau thuê xe taxi của hãng Mai Linh để đi về nhà. Trong xe taxi, ông K đã có hành vi sờ soạng vào nơi nhạy cảm trên cơ thể bà H, bà H đã phản kháng nhưng ông K không dừng lại. Do đó bà H gửi đơn tố cáo đến lãnh đạo Công ty.
Ngày 30/5/2017 ông Phạm Quang K được Công ty mời lên làm việc theo đơn tố cáo. Ngày 31/5/2017 Công ty ra Quyết định “Sa thải” ông K. Ông K khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố Quyết định "Sa thải" là trái pháp luật."
Tòa án nhận định: Tại biên bản họp, ông K thừa nhận có hành vi trêu đùa và bị bà H cầm tay đẩy ra và yêu cầu ông ngồi xa ra. Bà H khẳng định tối ngày 05/4/2017 khi hai người ngồi cùng xe taxi về nhà ông K đã có hành vi “Sờ ngực, sờ bẹn sờ đùi... bà và bà đã phản kháng bằng cách đẩy ông Kỳ ra nhưng ông Kỳ vẫn thực hiện ” Như vậy đã đủ căn cứ để xá định ông K có hành vi "Quấy rối" Tuy nhiên xét thời gian không gian ông K thực hiện hành vi là trên xe taxi mà hai người tự thuê sau khi hai người đi tham gia hoạt động ngoại khóa do người lao động công ty ra tự tổ chức là nằm ngoài phạm vi quan hệ lao động, chưa đúng với phạm vi điều chỉnh trong quan hệ lao động nên Công ty áp dụng hình thức sa thải đối với ông K là trái pháp luật.
Có thể thấy, ngoài hành vi, đối tượng cần phải xem xét đến đặc điểm về thời gian, không gian để xác định đó có phải là “quấy rối tình dục tại nơi làm việc” theo sự điều chỉnh của pháp luật lao động hay không, để xem xét áp dụng hình thức xử phạt phù hợp.
Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa hoàn thiện Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bổ sung, cập nhật dựa trên Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc được ban hành năm 2015.
Theo đó quấy rối tình dục sẽ được xác định dưới 03 hình thức: quấy rối mang tính thể chất, bằng lời nói, phi lời nói. Cụ thể:
- Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất như có những hành động, cử chỉ động chạm, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục, như cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn; tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm…
- Quấy rối bằng lời nói: Dùng lời nói trực tiếp, qua điện thoại, hoặc phương tiện điện tử có nội dung tính dục, ngụ ý tình dục, nhận xét không phù hợp về xã hội, văn hóa, có lời lẽ khiếm nhã, nhận xét về trang phục, cơ thể của người nào đó khi có mặt hoặc hướng vào họ, đề nghị đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục...
- Quấy rối tình dục phi lời nói: Gồm ngôn ngữ cơ thể, trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan hoạt động tình dục, nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, dùng cử chỉ ngón tay, phô bày tài liệu khiêu dâm, gửi ảnh, đồ vật, tin nhắn liên quan tới tình dục.
Như vậy theo dự thảo, một người chỉ cần có hành động nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục cũng được xem là quấy rối tình dục.
Qua đó, pháp luật Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn để quấy rối tình dục nơi công sở, tích cực ban hành các quy định, quy tắc ứng xử nhằm hạn chế tình trạng này và đảm bảo công bằng cho những người bị quấy rối.
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về