Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam giải thích từ ngữ "Vi bằng" như sau:
“Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP.”
Đồng thời, tại Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng như sau:
- Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP.
- Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
- Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.
Như vậy, từ những quy định trên có thể hiểu mục đích chính của việc lập vi bằng là ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc (trừ trường hợp khác do luật định); tạo nguồn chứng cứ cho Tòa án xem xét trong các vụ việc dân sự và hành chính, đồng thời làm căn cứ cho các giao dịch giữa các bên…
Dưới đây, là một số bản án liên quan đến lập vi bằng được Tòa án tại Việt Nam giải quyết:
Bản án 67/2018/DS-PT ngày 13/04/2018 về yêu cầu hủy vi bằng của văn phòng Thừa phát lại
- Cơ quan xét xử:Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai.
- Trích dẫn nội dung: “nhận thấy Vi bằng số 719/VB-TPLBH lập ngày 30/11/2015 không đúng sự thật. Hơn nữa trong vi bằng lại ghi vợ chồng ông bà và ông T có hùn tiền mua chung thửa đất 84, tờ bản đồ số 5 phường Q, thành phố B là sai vì ông Hồng Q là chủ của thửa đất 84, tờ bản đồ số 5 chứ không phải ông bà. Do đó, ông bà yêu cầu Tòa án hủy Vi bằng số 719/VB-TPLBH lập ngày 30/11/2015 tại Văn phòng thừa phát lại B.”
Bản án 1071/2018/DS-PT ngày 20/11/2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán nhà
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
- Trích dẫn nội dung: “Vì căn cứ nội dung vi bằng lập ngày 02/10/2013 thể hiện vi bằng chỉ xác nhận sự việc ông N và bà P ký hợp đồng đặt cọc ngày 25/8/2013 và ông N đã nhận của bà P 2.300.000.000 (hai tỷ ba trăm triệu) đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm ông N và bà P cũng hoàn toàn xác nhận vi bằng không phải là hợp đồng mua bán nhà mà chỉ xác nhận lại sự việc các bên đã ký hợp đồng ngày 25/8/2013 và việc giao nhận tiền. Như vậy, vi bằng là chứng cứ để các bên chứng minh có việc giao dịch mua bán nhà ngày 25/8/2013 và số tiền các bên đã giao nhận với nhau, không phải là hợp đồng mua bán nhà. Vì vậy, cần sửa án sơ thẩm về việc hủy vi bằng.”
Bản án 234/2018/DS-PT ngày 24/08/2018 về tranh chấp đòi tài sản (nhà)
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Trích dẫn nội dung: “bà L khởi kiện yêu cầu bà C trả lại cho bà L 02 căn nhà 93A và 93B Đường S, phường B2, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và yêu cầu hủy vi bằng do Văn phòng Thừa phát lại Quận 8 lập ngày 27/9/2010. Bà L không đồng ý tặng cho bà C căn nhà 93B Đường S, phường B2, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh vì bà C đã không thực hiện đúng cam kết trả lại căn nhà 93A Đường S, phường B2, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho bà L như hai bên đã thỏa thuận trong vi bằng. Ngày 09/6/2016, bà L đã lập văn bản tuyên bố hủy bỏ nội dung ý kiến trong vi bằng lập ngày 27/9/2010.”
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về