Rằm tháng Giêng, hay Tết Thượng Nguyên, là một trong những ngày lễ quan trọng trong năm của Việt Nam, diễn ra vào đêm 15 tháng Giêng âm lịch. Đây là đêm trăng tròn đầu tiên của năm mới, mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tâm linh và văn hóa của người dân Việt Nam. Vào dịp này, các gia đình thường dâng lễ vật lên tổ tiên, cầu nguyện cho một năm mới bình an, hạnh phúc và phát đạt.
Không chỉ là dịp để thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên, Rằm tháng Giêng còn là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa và nghệ thuật độc đáo. Những sự kiện này không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân địa phương mà còn hấp dẫn du khách thập phương, tạo nên không khí vui tươi, náo nhiệt khắp mọi miền.
Rằm tháng Giêng 2025 sẽ rơi vào thứ Tư ngày 12/02/2025 dương lịch, được xem là ngày đẹp nhất để cúng rằm. Theo đó, tham khảo khung giờ đẹp cúng Rằm tháng Giêng 2025 trong ngày này như sau:
- Cúng vào giờ Quý Mão (từ 5h-7h);
- Cúng vào giờ Bính Ngọ (từ 11h-13h);
- Cúng vào giờ Mậu Thân (từ 15h-17h);
- Cúng vào giờ Kỷ Dậu (từ 17h-19h).
Cúng Rằm tháng Giêng ngoài trời là một nghi thức quan trọng nhằm bày tỏ lòng biết ơn và sự tôn kính đối với các vị thần linh. Việc thờ cúng ngoài trời mang ý nghĩa tạo sự kết nối giữa con người và thế giới tâm linh, giúp những nguyện cầu của gia đình dễ dàng đến được với các đấng bề trên.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị mâm cúng rằm tháng Giêng trong nhà cũng không thể thiếu, nhằm tưởng nhớ và tri ân tổ tiên. Điều này không chỉ thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với những người đã khuất mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần, ôn lại những kỷ niệm và gắn kết tình cảm .
Vì vậy, để thể hiện sự thành kính trọn vẹn, lễ cúng Rằm tháng Giêng nên được thực hiện cả trong nhà lẫn ngoài trời, vừa để tôn vinh thần linh, vừa để tưởng nhớ tổ tiên và gắn kết gia đình.
Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo
Căn cứ khoản 4 Điều 3 Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL về quy định cấm trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng như sau:
Quy định cấm trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng
…
4. Hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá có nội dung mê tín dị đoan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế là những hoạt động có nội dung làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: Cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép, lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa, đốt đồ mã ở nơi công cộng và các hình thức mê tín dị đoan khác.
...
Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP có quy định như sau:
Quy định cấm trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng
Nghiêm cấm các hoạt động sau đây:
1. Các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa có nội dung:
...
b) Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, gây hại cho sức khỏe và hủy hoại môi trường sinh thái;
...
Như vậy, từ những quy định nêu trên có thể thấy rằng, việc cúng Rằm tháng Giêng ở Việt Nam có phải là hành vi mê tín dị đoan hay không còn tùy thuộc vào mục đích của mỗi cá nhân.
Trong trường hợp các cá nhân lợi dụng việc Cúng rằm tháng Giêng để trục lợi hoặc truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, trái với thuần phong mỹ tục, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa thì đây sẽ được xem là hành vi mê tín dị đoan và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn trong trường hợp việc Cúng rằm tháng Giêng chỉ để cầu bình an, thể hiện lòng thành và gắn liền với phong tục dân gian thì sẽ không bị coi là hành vi mê tín dị đoan.
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về