Ngày 04/02/2025, Bộ Tư pháp Việt Nam đã ban hành Công văn 481/BTP-HTQTCT về việc triển khai thực hiện các quy định của Nghị định 07/2025/NĐ-CP.
Theo đó, để triển khai thực hiện thống nhất quy định của Nghị định 07/2025/NĐ-CP , Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm triển khai các nội dung sau:
(1) Chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ngành liên quan phổ biến, quán triệt nội dung của Nghị định 07/2025/NĐ-CP tới cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó tập trung lưu ý một số nội dung:
- Khi tiếp nhận yêu cầu đăng ký khai sinh, cơ quan đăng ký hộ tịch không yêu cầu xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ trẻ đã đăng ký kết hôn, trừ trường hợp cha, mẹ trẻ là người nước ngoài); khi tiếp nhận yêu cầu đăng ký kết hôn, cơ quan đăng ký hộ tịch không yêu cầu nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam) mà thực hiện tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của cha, mẹ trẻ, tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của người yêu cầu đăng ký kết hôn trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh thông qua kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp không tra cứu được tình trạng hôn nhân do chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiến hành xác minh theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 2 Nghị định 07/2025/NĐ-CP.
- Đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, triển khai kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương với Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân đúng quy định.
- Sở Tư pháp chủ động yêu cầu cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho người có yêu cầu xin nhập/trở lại/thôi quốc tịch Việt Nam trong thời gian cư trú tại Việt Nam để hoàn thiện hồ sơ xin nhập/trở lại/thôi quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp người yêu cầu đã có Phiếu lý lịch tư pháp tại thời điểm nộp hồ sơ.
- Sở Tư pháp hoặc Cơ quan đại diện, nơi người yêu cầu cư trú vào thời điểm nộp hồ sơ có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam (quy định tại khoản 5, khoản 7 Điều 4 Nghị định 07/2025/NĐ-CP).
- Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận (quy định bổ sung thẩm quyền tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 07/2025/NĐ-CP).
(2) Các hồ sơ chứng thực, hộ tịch, quốc tịch tiếp nhận trước ngày Nghị định có hiệu lực mà chưa giải quyết xong thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của Nghị định 23/2015/NĐ-CP, Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Nghị định số 87/2020/NĐ-CP, Nghị định 16/2020/NĐ-CP.
Như vậy, tại Công văn 481/BTP-HTQTCT của Bộ Tư pháp (Việt Nam) có nội dung nổi bật đó là: Khi tiếp nhận yêu cầu đăng ký khai sinh, cơ quan đăng ký hộ tịch không yêu cầu xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em; Sở Tư pháp chủ động yêu cầu cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho người có yêu cầu xin nhập/trở lại/thôi quốc tịch Việt Nam trong thời gian cư trú tại Việt Nam để hoàn thiện hồ sơ xin nhập/trở lại/thôi quốc tịch Việt Nam.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật hộ tịch 2014 do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm
- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; làm hoặc sử dụng giấy tờ giả, giấy tờ của người khác để đăng ký hộ tịch;
- Đe dọa, cưỡng ép, cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch;
- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đăng ký hộ tịch;
- Cam đoan, làm chứng sai sự thật để đăng ký hộ tịch;
-Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ hộ tịch hoặc thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch;
- Đưa hối lộ, mua chuộc, hứa hẹn lợi ích vật chất, tinh thần để được đăng ký hộ tịch;
- Lợi dụng việc đăng ký hộ tịch hoặc trốn tránh nghĩa vụ đăng ký hộ tịch nhằm động cơ vụ lợi, hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước hoặc trục lợi dưới bất kỳ hình thức nào;
- Người có thẩm quyền quyết định đăng ký hộ tịch thực hiện việc đăng ký hộ tịch cho bản thân hoặc người thân thích theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình;
- Truy cập trái phép, trộm cắp, phá hoại thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Lưu ý: Cá nhân thực hiện hành vi được quy định trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cán bộ, công chức vi phạm quy định trên, ngoài bị xử lý như trên còn bị xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức.
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về