06/09/2023 16:54

Cơ cấu tổ chức của Chính phủ Việt Nam

Cơ cấu tổ chức của Chính phủ Việt Nam

Em muốn biết về cơ cấu, tổ chức của Chính phủ Việt Nam hiện nay? “Vũ Ninh-Quảng Ninh”


Chào bạn, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ Việt Nam 

Theo khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 thì Cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ Việt Nam như sau:

- Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ trưởng Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Trong đó:

+ Thủ tướng Chính phủ: là người đứng đầu Chính phủ, đứng đầu hệ thống hành chính nhà nước. Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội mà Chủ tịch nước đề nghị.

+ Phó Thủ tướng Chính Phủ: chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các công việc, nhiệm vụ được giao. Trong Chính phủ, thường sẽ có 4 Phó Thủ tướng Chính phủ.

+ Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ: là thành viên của Chính phủ, đứng đầu Bộ, Ngành và quản lý theo từng lĩnh vực khác nhau; chịu trách nhiệm quản lý, thực hiện và giám sát việc tuân thủ Pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao trong phạm vi cả nước.

Hiện nay, Chính phủ nước CHXHCN Việt nam hiện có 22 bộ cùng với 4 cơ quan ngang bộ. Các Bộ được tổ chức theo chiều dọc, phân theo các ngành kinh tế - xã hội. Mỗi cơ quan Bộ đảm nhiệm quản lý một ngành, đứng đầu Bộ là Bộ trưởng. Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội và Chủ tịch nước. Cụ thể như sau:

22 Bộ bao gồm:

- Bộ Quốc Phòng

- Bộ Công an

- Bộ Ngoại giao

- Bộ Nội vụ

- Bộ Tư pháp

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Bộ Tài chính

- Bộ Công thương

- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Bộ Giao thông vận tải

- Bộ Xây dựng

- Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Bộ Thông tin và truyền thông

- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Bộ Khoa học và Công nghệ

- Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Bộ Y tế

4 Cơ quan ngang Bộ gồm:

- Ủy ban dân tộc

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

- Thanh tra Chính phủ

- Văn phòng Chính phủ

Ngoài ra, Chính phủ còn có 7 cơ quan khác như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh,....

2. Chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ là gì? 

Theo Điều 94, 96 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 thì Chính phủ có chức năng, nhiệm vụ sau đây:

- Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

- Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

- Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ như sau:

+ Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;

+ Đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều này; trình dự án luật, dự án ngân sách nhà nước và các dự án khác trước Quốc hội; trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội;

+ Thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân;

+ Trình Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;  

+ Thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước; lãnh đạo công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp; hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do luật định; 

+ Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

+ Tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, trừ điều ước quốc tế trình Quốc hội phê chuẩn quy định tại khoản 14 Điều 70; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;

+ Phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. 

Trân trọng!

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Bùi Thị Như Ý
12597


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;