Bản án 20/2021/HS-ST ngày 15/04/2021 về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 20/2021/HS-ST NGÀY 15/04/2021 VỀ TỘI TỔ CHỨC CHO NGƯỜI KHÁC NHẬP CẢNH VIỆT NAM TRÁI PHÉP

Ngày 15 tháng 4 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 19/2021/TLST-HS ngày 30 tháng 3 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 19/2021/QĐXXST-HS ngày 01 tháng 4 năm 2021 đối với bị cáo:

Phạm Văn Ch, sinh ngày 01/01/1981; nơi cư trú: Ấp 20, xã Ng, huyện U, tỉnh Cà Mau; nghề nghiệp: Làm biển; trình độ học vấn: 3/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Cao Đài; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn H và bà Mai Thị X (tên gọi khác là Xuống); có vợ và 02 người con; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Đây là lần đầu tiên bị cáo có hành vi vi phạm pháp luật; bị bắt tạm giữ từ ngày 17/02/2021; bị tạm giam từ ngày 26/02/2021 đến nay. Bị cáo có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Đỗ Văn Tống, là Luật sư của Chi nhánh Công ty Luật TNHH MTV Công Hùng và Cộng sự tại Cà Mau Mau thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Luật sư có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Võ Ngọc V, sinh năm 1983 (có mặt) Địa chỉ: Ấp 20, xã Ng, huyện U, tỉnh Cà Mau

- Người làm chứng: Ông Lê Văn Đ, sinh năm 1988 (vắng mặt) Địa chỉ: Khóm 6B, thị trấn S, huyện Tr, tỉnh Cà Mau

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Phạm Văn Ch và Phạm Hoàng L (là người Việt Nam định cư ở Malaysia) có mối quan hệ chú cháu. L hứa cho Ch mượn tiền mua tàu cá để đi đánh bắt thủy sản. Ch và L đều quen biết với A (chưa xác định được nhân thân).

Ngày 25/01/2021, Ch mua tàu cá CM 91651TS của ông Hồ Hoàng Ng, trú tại ấp Kinh 4, xã Kh, huyện Tr, tỉnh Cà Mau với số tiền 280.000.000 đồng. L cho Ch mượn số tiền 60.000.000 đồng, do bà Nguyễn Ngọc H là vợ của L chuyển khoản Ngân hàng Viettinbank cho Ch. Ch đã đặt cọc cho ông Ng số tiền 50.000.000 đồng, còn nợ lại 230.000.000 đồng.

Ngày 28/01/2021, A gọi điện qua mạng Zalo thuê Ch chở 01 mỏ neo, 02 bao gạo, 10 miếng xốp nhựa ra biển cho A, sau đó chở mực về đất liền với giá từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng/01 chuyến, tùy thuộc vào đoạn đường gần hay xa. Sau khi thỏa thuận với A xong, Ch thuê Lê Văn Đ đi phụ tải hàng hóa, câu mực với Ch. Mỗi ngày Ch trả tiền công là 400.000 đồng. Đ thống nhất và Trần Thị Th là vợ của Đ đã ứng trước số tiền 4.000.000 đồng.

Đối với tên A, sau khi thỏa thuận với Ch xong, khoảng 8 giờ ngày 30/01/2021, A điện thoại kêu Phạm Văn S (là anh ruột của L và là chú của Ch) tìm thuê giúp cho A 01 chiếc đò loại lớn để chở 02 tấn khô mực và kêu S mua sim điện thoại khác để liên hệ với người chạy đò và Ch.

Khoảng 17 giờ ngày 30/01/2021, Ch điều khiển tàu CM 91651 TS cùng với Đ xuất bến theo đường sông đến cửa Gành Hào - Bạc Liêu đi ra biển. Khi tàu ra biển, A với Ch tiếp tục liên lạc với nhau qua bộ đàm và hẹn gặp nhau tại tọa độ 07040’N- 103035’E thuộc vùng biển Việt Nam.

Khoảng 02 giờ ngày 31/01/2021, Ch điều khiển tàu cá CM 91651 TS đến khu vực tọa độ như đã hẹn neo đậu lại để chờ A. Đến 08 giờ cùng ngày, A điều khiển tàu cá đến cặp vào tàu của Ch cho 02 người qua tàu của Ch nhận đồ do Ch chở ra. Tiếp theo, A đưa 34 người trên tàu của A S1 tàu của Ch để Ch đưa về Việt Nam nhập cảnh trái phép, rồi A và Ch tự điều khiển tàu chạy đi.

Khoảng 16 giờ ngày 02/02/2021, A sử dụng số điện thoại nước ngoài (+601135727501) điện cho S. A nói với S khoảng 01 giờ ngày 03/02/2021 tàu chở hàng vào tới, A kêu S thuê thêm 01 chiếc đò nữa. Sau đó, S cùng với chị ruột là Phạm Thị Chuộng liên hệ thuê đò dọc của Phạm Văn S1 và Phạm Văn V số tiền là 3.000.000 đồng, S trả trước cho S1 số tiền 2.000.000 đồng.

Sau khi tiếp nhận người, Ch điều khiển tàu hướng về vùng biển Cà Mau. Đến 21 giờ ngày 02/02/2021, Ch nhận được điện thoại từ số lạ yêu cầu Ch điều khiển tàu đến cửa biển thuộc ấp S, xã Kh, huyện Tr, tỉnh Cà Mau neo đậu sẽ có người ra nhận người đưa vào đất liền. Ch điều khiển tàu đến neo đậu tại tọa độ 09012’026”N- 104047’07”E thuộc cửa biển ấp S, xã Kh, huyện Tr, tỉnh Cà Mau.

Khoảng 01 giờ 38 phút ngày 03/02/2021, Đồn Biên phòng Sông Đốc đi tuần tra, kiểm soát phát hiện bắt quả tang, đưa Ch, Đ và 34 người nhập cảnh trái phép gồm: (1) Võ Thị Ánh Ng, (2) Võ Thị Thu V, (3) Nguyễn Văn H, (4) Phạm Văn Th, (5) Trần Thị Mỹ T, (6) Nguyễn Thị Bích Ng, (7) Y Sa Kiêl Ml, (8) Trần Thị Th, (9) Đặng Thị T, (10) Lê Ngọc Minh Th, (11) Lưu Xuân H, (12).Võ Thị L, (13) Nguyễn Thị Diệu Th, (14) Trần Thị Ngọc Tr, (15) Đỗ Thị Ng, (16) Nguyễn Thị Do L, (17) Nguyễn Thị Mộng Tr, (18) Cao Thị B, (19) Lương Thị K, (20) Nguyễn Thị Kim H, (21) Nguyễn Thị Cẩm T, (22) Lê Thụy Hồng Tr, (23) Trần Thị Th, (24) Lê Thị Th, (25) Ngô Thị Mỹ Ng, (26) Trịnh Ngọc Th, (27) Nguyễn Hữu Tr, (28) Lê Văn Th, (29) Trần Thị L, (30) Đoàn Văn H, (31) Kpă H’ U, (32) Lê Thị Kim Th, (33) Lê Ánh Ng, (34) Lê Văn Th đi cách ly phòng dịch Covid-19 tại Trung đoàn Bộ binh 896, tỉnh Cà Mau.

Tất cả 34 người nêu trên đều xuất cảnh hợp pháp bằng đường hàng không qua các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cần Thơ để đi du lịch, thăm người thân và làm thuê tại Malaysia. Do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, không có việc làm và cũng không về Việt Nam được bằng con đường hợp pháp nên những người này nhờ một số người trung gian ở Malaysia thông qua người môi giới để được đưa về Việt Nam bằng đường biển và tất cả được đưa xuống tàu của A. A đưa những người này ra biển rồi đưa những người này qua tàu của Ch để về Việt Nam bằng con đường bất hợp pháp.

Quá trình điều tra Ch khai nhận, việc tiếp nhận 34 người nêu trên Ch và A không có thỏa thuận từ trước, từ khi tiếp nhận 34 người đến khi bị bắt quả tang, Ch không có trình báo với cơ quan chức năng. Ch xác định nếu đưa 34 người này trót lọt không bị cơ quan chức năng phát hiện thì A sẽ trả cho Ch một khoản tiền nhất định, trừ đi chi phí sẽ có lợi nhuận, nhưng không xác định được là bao nhiêu.

Ngày 05/02/2021, trong thời gian Ch bị cách ly để theo dõi dịch Covid-19, Võ Ngọc V (là vợ của Ch) đã vay của bà Nguyễn Thị Th1 là mẹ ruột của ông Hồ Hoàng Ng (người bán ghe) số tiền 100.000.000 đồng, lãi suất 8.000.000 đồng/tháng; V nhờ Th vợ của Lê Văn Đ (người làm thuê trên tàu của Ch) lấy tài sản nhà đất thế chấp vay giùm cho V 100.000.000 đồng, lãi 5.000.000 đồng/tháng; V cầm vàng lấy số tiền 30.000.000 đồng và đã trả đủ số tiền nợ mua tàu cho Ng là 230.000.000 (hai trăm ba mươi triệu) đồng.

- Tại Cáo trạng số 19/CT-VKS-P1 ngày 30 tháng 3 năm 2021, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau đã truy tố Ch về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép” theo điểm a khoản 3 Điều 348 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa hôm nay:

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tham gia phiên tòa phát biểu:

+ Về trách nhiệm hình sự: Đề nghị áp dụng điểm a khoản 3 Điều 348; khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, tuyên bố bị cáo phạm tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”, phạt bị cáo từ 08 năm đến 10 năm tù.

+ Về xử lý vật chứng: Đề nghị áp dụng Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tịch thu sung quỹ Nhà nước 01 tàu cá, 01 điện thoại di động, 02 triệu đồng và 05 tờ tiền nước ngoài; Trả lại cho bị cáo số tiền 6.450.000 đồng, thẻ Ngân hàng, Giấy chứng minh nhân dân, hình 4x6.

- Luật sư bào chữa cho bị cáo trình bày: Thống nhất với tội danh mà Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau truy tố đối với bị cáo. Đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo với các tình tiết: Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra; Gây thiệt hại không lớn (34 người nhập cảnh trái phép không bị nhiễm và làm lây lan Covid-19 ra cộng đồng); Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Nhất thời phạm tội. Đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự để quyết định hình phạt thấp nhất ở khoản 2 Điều 348 của Bộ luật Hình sự.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày: Chiếc tàu cá CM 91651TS là tài sản của vợ chồng, nên xin được nhận lại chiếc tàu.

- Lời nói sau cùng của bị cáo: Thừa nhận có nhận 34 người từ tàu của A ở vùng biển giáp với vùng biển của Malaysia và chở vào đất liền là vi phạm, nhưng bị cáo không cố ý, không có thỏa thuận trước và không có nhận lợi ích gì từ tên A.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra (đối với bị cáo) và tại phiên tòa (đối với bị cáo và người liên quan) không ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Khoảng 01 giờ 38 phút ngày 03/02/2021, tại cửa biển thuộc ấp S, xã Kh, huyện Tr, tỉnh Cà Mau, lực lượng Biên phòng Sông Đốc phát hiện và bắt giữ Phạm Văn Ch có hành vi điều khiển tàu cá CM 91651TS chở 34 người không có giấy tờ hợp pháp đang neo đậu chờ đò dọc ra rước. Quá trình điều tra, xác định 34 người đều là người Việt Nam xuất cảnh sang Malaysia chủ yếu theo diện xuất khẩu lao động, du lịch, thăm người thân (đi bằng đường hàng không). Do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nên họ không về được Việt Nam bằng con đường hợp pháp. Quá trình sinh sống, làm việc tại Malaysia gặp nhiều khó khăn, thời điểm gần tết cổ truyền, muốn trở về Việt Nam để đoàn tụ gia đình, nên họ mới tìm đến các đối tượng môi giới ở Malaysia (tên A, S) để nhập cảnh trái phép về Việt Nam bằng đường biển. [3] Tại phiên tòa, tuy bị cáo thừa nhận có nhận 34 người từ tàu của A ở vùng biển giáp với vùng biển của Malaysia và chở họ vào đất liền là vi phạm, nhưng bị cáo lại không thừa nhận có thỏa thuận trước và không có nhận lợi ích gì từ tên A.

Đối chiếu với các chứng cứ có trong hồ sơ, thấy rằng: Bị cáo mới mua tàu CM 91651TS vào ngày 25/01/2021 (còn nợ tiền mua tàu) và đến khi bị cáo nhận và chở 34 người vào 08 giờ ngày 31/01/2021 là lần đầu tiên bị cáo điều khiển phương tiện ra biển để đánh bắt hải sản (bút lục số 146, 160). Theo bị cáo, mỗi lần đi biển có chi phí không nhỏ, mất nhiều thời gian. Thực tế ra biển, bị cáo không có đánh bắt hải sản, khi gặp tàu của A và những người từ tàu của A sang tàu của bị cáo, thì bị cáo không có phản đối gì. Trước khi ra biển, bị cáo có bản cam kết ngày 30/01/2021 gửi Trạm kiểm soát biên phòng Gành Hào (bút lục số 763), trong đó tại mục 6 có nêu “Thường xuyên thông báo cho các Đồn BP về tình hình ANCT-TTATXH và tình hình nhập cư trái phép trên biển, các hoạt động và biểu hiện nghi vấn của người, phương tiện nghi từ nước ngoài về”. Bị cáo là người có kinh nghiệm đi biển 20 năm, đã được đào tạo TH trưởng hạng AII (bút lục số 80, 158). Đoạn đường từ khi gặp tàu của A đến khi vào cửa biển S là quãng đường dài (khoảng 100 hải lý), mất nhiều thời gian (khoảng 40 giờ chạy, bút lục số 126) đủ để bị cáo suy nghĩ, trình báo cơ quan chức năng, nhưng sau khi điều khiển tàu chở 34 người vào bờ, bị cáo không trình báo theo cam kết mà điều khiển phương tiện vào cửa biển theo sự chỉ dẫn của người khác. Do đó, chỉ có lợi ích nhiều hơn lợi nhuận từ việc đánh bắt hải sản, bị cáo mới thực hiện hành vi chở người nhập cảnh Việt Nam mà không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra cũng đã thể hiện rõ mục đích vụ lợi này (bút lục số 137-138; 145-150; 154). Với những tình tiết này, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau truy tố bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép” được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 348 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, không oan cho bị cáo, phù hợp với bào chữa của Luật sư về phần tội danh.

[4] Với hành vi của bị cáo điều khiển tàu cá CM 91651TS chở 34 người Việt Nam từ Malaysia nhập cảnh trái phép bằng đường biển là nguy hiểm cho xã hội, thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành Chh trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vào thời điểm bị cáo thực hiện hành vi, thì tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp và khó lường không chỉ đối với Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, số người mắc mới và tử vong chưa có dấu hiệu dừng lại, chưa có thuốc đặc trị. Đối với tỉnh Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung, số lượng người lây nhiễm chưa bị đẩy lùi, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, S khỏe con người và kinh tế - xã hội. Đối với bị cáo, chỉ vì động cơ vụ lợi, bị cáo đã bất chấp sự nguy hiểm của dịch bệnh và sự nỗ lực của toàn xã hội mà cố ý thực hiện.

Với số lượng lớn người nhập cảnh Việt Nam trái phép như trên là một trong những nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài là rất cao, không chỉ là mối nguy hại cho những nỗ lực phòng dịch của cả nước Đ được trong suốt thời gian qua, mà còn liên quan đến an ninh, trật tự quốc gia. Trong bối cảnh người dân tỉnh Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung đang phải thực hiện các giải pháp nghiêm ngặt để chung tay ngăn chặn và kìm chế đại dịch, thì việc xử lý nghiêm khắc đối với bị cáo là rất cần thiết.

[5] Khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử có cân nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ sau đây cho bị cáo: Trình độ học vấn thấp; Có cha ruột là thương binh; Chưa có tiền án, tiền sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo quanh co chối tội không thể hiện thái độ ăn năn, hối cải; phạm tội cố ý và do hành vi bị bắt quả tang, cơ quan chức năng đã phải cách ly y tế tập trung đối với 34 người nhập cảnh trái phép. Vì vậy, bị cáo không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h, l, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự theo như ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa.

[6] Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và các đặc điểm nhân thân của bị cáo, xét đề nghị về mức hình phạt của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tại phiên tòa là có cơ sở, Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để cải tạo bị cáo thành người tốt cũng như phòng ngừa chung. Do không có các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, nên không chấp nhận ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

[7] Về xử lý vật chứng:

Các vật chứng liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội cần được tịch thu sung quỹ Nhà nước gồm: Tàu thân gỗ số hiệu CM 91651TS, 01 điện thoại di động, 05 (năm) tờ tiền nước ngoài và 2.000.000 đồng (tiền thu lợi bất chính của Phạm Văn S1 nộp).

Đối với các giấy tờ cá nhân và tài sản của bị cáo gồm chứng minh nhân dân, thẻ Ngân hàng, ảnh 4x6 và số tiền 6.450.000 đồng không liên quan đến hành vi phạm tội, cần trả lại cho bị cáo.

[8] Do bị kết án nên bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.

[9] Đối với Lê Văn Đ là người đi làm thuê trên tàu của Ch, quá trình điều tra không có căn cứ chứng minh Đ đồng phạm với Ch, Cơ quan An ninh điều tra không xử lý đối với Đ là có căn cứ.

[10] Đối với Phạm Văn S1 và Phạm Văn V sau khi thỏa thuận và nhận tiền từ Phạm Văn S, nhưng sau đó S1 và V không thực hiện hành vi dùng phương tiện đò để đi đón 34 người đưa vào đất liền như đã thỏa thuận mà trình báo cơ quan chức năng cũng như giao nộp khoản tiền thu lợi bất chính. Cơ quan An ninh điều tra không xử lý đối với S1 và V là phù hợp.

[11] Đối với 34 người có hành vi nhập cảnh trái phép, do họ chưa bị xử phạt vi phạm hành Chh về hành vi này, nên Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Cà Mau chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý hành Chh theo quy định.

[12] Đối với Phạm Hoàng L, Phạm Văn S, Phạm Thị Ch1, Nguyễn Ngọc H và A có liên quan trong vụ án, nhưng hiện nay chưa làm việc được với L và A. Vì vậy, Cơ quan An ninh điều tra tách ra tiếp tục điều tra xử lý sau.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 348; Khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự; Khoản 2 Điều 106 và khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

1. Tuyên bố bị cáo Phạm Văn Ch phạm tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”.

2. Phạt bị cáo Ch 08 (tám) năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày 17 tháng 02 năm 2021.

3. Tịch thu sung quỹ Nhà nước các vật chứng gồm: 01 (một) tàu thân gỗ CM 91651TS; 2.000.000 (hai triệu) đồng (bao gồm 04 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng có trong 01 phong bì niêm phong ngày 12/3/2021 có chữ ký, họ tên Phạm Văn S1 và điều tra viên Nguyễn Chí Nhân); 01 (một) điện thoại di động Samsung màu bạc số Sêri: R58K73LNRZM và 05 tờ tiền nước ngoài (tiền nước ngoài và điện thoại di động có trong 01 phong bì niêm phong ngày 03/02/2021 có chữ ký, họ tên của Phạm Văn Ch và điều tra viên Nguyễn Chí Nh). Các vật chứng hiện do Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau quản lý (Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 01 và ngày 06/4/2021).

4. Trả lại cho bị cáo: 6.450.000 (sáu triệu bốn trăm năm mươi nghìn) đồng; 01 (một) thẻ khách hàng của Ngân hàng Viettinbank tên Phạm Văn Ch số thẻ 101872757003; 01 (một) Chứng minh nhân dân số 381495805; 01 (một) ảnh 4 x 6.

Các vật và tiền (gồm 12 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, 02 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng, 01 tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng) có trong 01 phong bì niêm phong ngày 03/02/2021 có chữ ký, họ tên của Phạm Văn Ch và điều tra viên Nguyễn Chí Nh và hiện do Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau quản lý (Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 01/4/2021).

5. Bị cáo phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.

6. Bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

7. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1981
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 20/2021/HS-ST ngày 15/04/2021 về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép

Số hiệu:20/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;