TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT, TỈNH ĐĂK LĂK
BẢN ÁN 68/2023/DS-ST NGÀY 08/05/2023 VỀ YÊU CẦU TUYÊN BỐ VĂN BẢN THỎA THUẬN PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ VÔ HIỆU VÀ PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ
Vào các ngày 05, 08/5/2023, tại Toà án nhân dân TP. Buôn Ma Thuột xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 195/2022/TLST-DS ngày 05/5/2022, về việc “Yêu cầu tuyên văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vô hiệu và phân chia di sản thừa kế”, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 51/2023/QĐXXST-DS ngày 17/3/2023, thông báo chuyển thời gian xét xử ngày 03/4/2023, quyết định hoãn phiên tòa số 59/2023/QĐST-DS ngày 14/4/2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn:
1. Bà Bùi Thị H, sinh năm 1970 - (Có mặt); Địa chỉ: Thôn X, xã Th, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
2. Bà Bùi Thị L1, sinh năm 1968 - (Có mặt); Địa chỉ: Thôn Y, xã Th, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
- Bị đơn: Ông Bùi S, sinh năm 1968; Địa chỉ: Số Z, đường B, xã Th, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện theo ủy quyền của ông Bùi S: Bà Mai Thị Ngọc A - (Có mặt); Địa chỉ: Số L, đường X, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Ông Bùi T1, sinh năm 1972 - (Có mặt); Ông Bùi Sơn T2 - (Vắng mặt);
Cùng địa chỉ: Hẻm N đường B, thôn X, xã Th, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
+ Bà Bùi Thị Th, sinh năm 1974 - (Có mặt); Địa chỉ: Số Z, đường B, xã Th, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
+ Ông Bùi T3, sinh năm 1966; Ông Bùi L2, sinh năm 1976; Ông Bùi Ph1, sinh năm 1979 (Cùng địa chỉ: Số Z, đường B, xã Th, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk).
+ Bà Bùi Thị Diễm Ph2, sinh năm 1985; Địa chỉ: Số N đường Qu, phường Qu, quận Ph, thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo ủy quyền của ông Bùi T3, ông Bùi L2, ông Bùi Ph1 và bà Bùi Thị Diễm Ph2: Bà Mai Thị Ngọc A - (Có mặt); Địa chỉ: Số L, đường X, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
+ Văn phòng công chứng A - Người đại diện theo ủy quyền: Bà Trần Đặng Miên Th - (Có đơn xin xét xử vắng mặt); Công chứng viên bà Trần Thị M - (Vắng mặt); Cùng địa chỉ: Số A, Qu, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
+ Ông Nguyễn Hồng S1 - (Có đơn xin xét xử vắng mặt); Địa chỉ: Thôn X, xã Th, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
+ Bà Võ Thị Như T4 - (Có đơn xin xét xử vắng mặt); Địa chỉ: Số Z, đường B, xã Th, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
+ Bà Đinh Thị Nh - (Có đơn xin xét xử vắng mặt); Địa chỉ: Thôn X, xã Th, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn, lời trình bày của các đương sự và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ông Bùi B (sinh năm 1928 - mất năm 2000) và bà Trần Thị Kim Th (sinh năm 1934 - mất năm 2012) có 09 người con, gồm ông (bà): Bùi T3, Bùi S, Bùi Thị L, Bùi Thị H, Bùi T1, Bùi Thị Th, Bùi L2, Bùi Ph1, Bùi Thị Diễm Ph2.
Ông Bùi B và bà Trần Thị Kim Th có quyền sử dụng (QSD) đối với lô đất tại xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột. Ngày 11/3/2000, ông Bùi B mất không để lại di chúc. Đến ngày 25/07/2000 lô đất được UBND thành phố Buôn Ma Thuột cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất số K 260449 cho hộ bà Trần Thị Kim Th, thuộc thửa đất số 293, tờ bản đồ số 06, diện tích:
1.605m2, trong đó 240m2 đất ở, 1.365m2 đất cà phê; Trên lô đất có xây dựng 01 căn nhà một lầu, có vách ngăn ở giữa chia cách căn nhà thành 02 phần.
Năm 2001, 2002, gia đình bà Th chuyển nhượng một phần QSD đất, diện tích còn lại là 1.505m2, trong đó 140m2 đất ở, 1.365m2 đất cà phê; Ngày 21/8/2006, tiếp tục chuyển nhượng cho ông S diện tích 150m2 (là thửa 293A, trong đó 60m2 đất ở), diện tích còn lại 1.355m2, trong đó 80m2 đất ở, 1.285m2 đất cà phê.
Ngày 30/01/2008, bà Th lập di chúc được chứng thực tại UBND xã Hòa Thắng (chia phần cho 08 người con), trong đó: Ông T3 được nhận 5m chiều ngang phía sau, dài 27m; Phần ông T1 được để lại cho cháu là T2 nhận 5m ngang phía sau, dài 27m; Ông L2 được nhận nửa căn nhà và 5m chiều ngang phía sau, dài 27m; Ông Ph1 được nhận nửa căn nhà và 5m chiều ngang phía sau, dài 27m; Bà H được nhận 5m chiều ngang phía sau và dài 27m; Bà L1 được nhận 4m chiều ngang phía sau và dài 27m; Bà Th được nhận 5m chiều ngang phía sau và dài 30m; Bà Ph2 được nhận 5m ngang quốc lộ 27, dài 30m; Diện tích còn lại 5,3m phía trước theo quốc lộ, phía sau 5,5m, dài 30m để bà Th dưỡng già.
Ngày 24/8/2008, bà H đã ký hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất 23m x 8m = 184m2 cho ông S, phần QSD đất này gồm 5m của bà H và 3m của bà L1 được chia theo di chúc bà Th, giá trị 100.000.000 đồng (đã nhận đủ).
Ngày 03/02/2009, ông Bùi Ph1 đã ký hợp đồng chuyển nhượng 23m x 5m = 115m2 đất cho ông S (nguồn gốc phần QSD đất này là do thừa kế), giá trị 62.500.000 đồng; Hợp đồng chuyển nhượng có sự chứng kiến của bà Th.
Đến ngày 04/11/2012 bà Th mất.
Ngày 26/10/2013, tại biên bản họp gia đình, 09 người con của ông B bà Th là các ông (bà) T3, S, T1, L2, Ph1, L1, H, Th, Ph2 đã họp công bố di chúc ngày 30/01/2008 của bà Th. Đồng thời các ông, bà đã thực hiện thỏa thuận phân chia, hỗ trợ về tài sản, trong đó xác định: Bà H đã bán cho ông S 8m mặt sau, trong đó có 3m của bà L1; Bà H có trách nhiệm trả cho bà L1 20.000.000 đồng; Ông L2 ở căn thờ tự cha mẹ tổ tiên; Ông L2 có trách nhiệm hỗ trợ ông Ph1 5.000.000 đồng; Ông Ph1 ở căn 5m còn lại; 5m ngang mặt sau của ông Ph1 đã bán cho ông S; Bà Th có miếng đất thừa kế trong di chúc đã bán cho ông S, chỉ còn 4m ngang.
Sau đó, ngày 13/6/2014 gia đình ông S nhận chuyển nhượng thêm thửa đất số 288, diện tích 169m2 đất ở của bà Đinh Thị Nh.
Ngày 19/09/2014 tại Văn phòng công chứng A, các anh chị em trong gia đình (gồm 09 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là ông (bà) Bùi T3, Bùi S, Bùi Thị L1, Bùi Thị H, Bùi T1, Bùi Thị Th, Bùi L2, Bùi Ph1, Bùi Thị Diễm Ph2) lập “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế” (viết tắt là Văn bản chia thừa kế) để thực hiện việc khai nhận di sản thừa kế (đối với GCNQSDĐ số K 260449 ngày 25/07/2000, thửa đất số 293, tờ bản đồ số 06, diện tích: 1.355m2) và thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế, trong đó: Ông (bà) T3, L1, H, T1, Th, L2, Ph1, Ph2 cùng đồng ý tặng cho phần mà mỗi người được hưởng trong khối di sản thừa kế do ông B và bà Th để lại cho ông S; Ông S đồng ý nhận toàn bộ phần QSD đất được tặng cho nêu trên và gộp với phần QSD đất mà mình được hưởng thừa kế cùng với phần QSD đất của mình để dược toàn quyền sử dụng.
Sau đó ông S đã thực hiện thủ tục cấp GCNQSD đất đối với toàn bộ diện tích đất gồm thửa đất số 293, diện tích: 1.355m2 (theo Văn bản chia thừa kế) và thửa 288, diện tích: 169m2 (ông S mua của bà Nh) và được UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp GCNQSD đất số BT 895240 ngày 12/11/2014 đứng tên ông Bùi S đối với thửa đất là 293, tờ bản đồ số 6, diện tích: 1.524m2.
Ngày 03/7/2015, ông S lập hợp đồng tặng cho QSD đất cho ông T3, ông L2, ông Ph1, bà Ph2 với diện tích là 596m2 (tương ứng với phần diện tích đất mà được thừa kế). Sau đó ông T3, ông L2, ông Ph1, bà Ph2 đã được UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp GCNQSD đất số BT 883821 ngày 10/8/2015 đối với thửa đất là 293E, tờ bản đồ số 6, diện tích: 596m2,trong đó đất ở 80m2, đất trồng cây lâu năm 516m2. Phần diện tích còn lại của ông S còn lại thuộc thửa đất 293, tờ bản đồ số 6, diện tích: 928m2 (viết tắt là thửa 293 - năm 2015), trong đó đất ở:
169m2 (mua của bà Nh), đất trồng cây lâu năm: 759,0m2 (phần đất này bao gồm một phần đất nông nghiệp của ông L2 và bà Th mà bà Th để lại trong di chúc).
Ngày 06/8/2016, gia đình ông S đổi GCNQSD đất với ông T2 (là con trai ông T1) có sự chứng kiến của ông T1, trong đó ông T2 đổi phần diện tích đất 120m2, chiều ngang 5m, chiều dài 24m (phần đất bà Th chia thừa kế) để lấy diện tích đất 114,8m2 theo GCNQSD đất số 310699 cấp ngày 03/8/2016 của gia đình ông S;
Tháng 01/2022, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã thu hồi và phê duyệt phương án bồi thường đối với thửa đất là 293E, tờ bản đồ số 6 của ông T3, ông L2, ông Ph1, bà Ph2. Sau khi bị thu hồi đất và nhận tiền bồi thường thì ông T3, ông L2, ông Ph1, bà Ph2 không có ý kiến gì.
Đến tháng 8/2022 UBND TP. Buôn Ma Thuột đã có quyết định thu hồi thửa đất 293 - năm 2015 của ông S và phê duyệt phương án bồi thường. Sau đó, toàn bộ lô đất đã bị Nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án đường Đại lộ Đông Tây; Số tiền bồi thường: đất ở 169m2 là 1.910.655.864 đồng; đất cây lâu năm 759,0m2 là 1.669.800.000 đồng. Sau khi nhận số tiền bồi thường, ông S đã tự nguyện chi trả lại theo phần đất tương ứng còn lại cho bà Th (số tiền 352.000.000 đồng - tương ứng giá trị của 160m2 đất nông nghiệp, trong đó bà Th có 100m2 + ông S cho thêm 60m2) và cho ông L2 (số tiền 313.000.000 đồng - tương ứng giá trị của 142,3m2 đất nông nghiệp). Sau khi nhận số tiền nói trên, bà Th và ông L2 không có ý kiến gì.
1. Ý kiến của nguyên đơn - bà Bùi Thị H và bà Bùi Thị L1:
- Tại đơn khởi kiện, quá trình giải quyết và tại phiên tòa, bà H và bà L1 cho rằng: Khi ký văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thì các anh em không hề biết việc ký văn bản là để lại toàn bộ thửa đất 293 cho một mình ông S; Văn bản chia thừa kế ghi trước khi chết ông B bà Th không để lại di chúc; Chữ ký của bà Ph2 trong văn bản phân chia không phải do bà Ph2 ký; QSD đất của hộ nhưng Văn bản chia thừa kế chỉ đề cập phần thừa kế của bà Th và chỉ tặng cho phần thừa kế của mình do bà Th để lại. Do đó bà H và bà L1 yêu cầu:
1. Tuyên vô hiệu Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do Công chứng viên văn phòng công chứng A chứng nhận số 07365, quyển số 09/CC- SCC/HĐGD ngày 19/9/2014;
2. Phân chia di sản thừa kế của ông Bùi B và bà Trần Thị Kim Th để lại đối với là thửa đất số 293, tờ bản đồ số 6, tại xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk theo quy định pháp luật, cụ thể: Phần còn lại của thửa đất số 293 - năm 2015 diện tích còn lại 928m2 (trong đó có 169m2 thổ cư mua từ bà Nh) chia cho 04 người là bà H, bà L1, Th và ông T1 (không có phần của ông S); Chia đất theo phần quyền được hưởng (mỗi người khoảng 232m2, trong đó 42,25m2 đất thổ cư) sau đó bà H, bà L1, bà Th, ông T1 sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng để thực hiện lại các thủ tục về đền bù.
- Tại biên bản đối chất ngày 01/3/2023, bà H, bà L1 trình bày:
+ Đối với biên bản cuộc họp gia đình ngày 26/10/2013 và Văn bản chia thừa kế ngày 19/09/2014 tại Văn phòng công chứng A thì bà H, bà L1 có ký và không có ý kiến gì;
+ Theo di chúc thì bà H được 5m ngang, bà L1 được 4m ngang nhưng khi ký hợp đồng chuyển nhượng QSD đất và giấy nhận tiền ngày 24/8/2008 thì bà H và bà L1 chỉ còn tổng cộng 8m. Bà H có ký nhận 100.000.000 đồng; Bà H và bà L1 có ký hợp đồng chuyển nhượng QSD đất và giấy nhận tiền ngày 24/8/2008. Việc chuyển nhượng giữa bà H, bà L1 với ông S các bên không yêu cầu làm rõ, không yêu cầu giải quyết (các bên tự giải quyết với nhau hoặc sau này khởi kiện bằng vụ án khác).
Ngoài ra, tại phiên tòa, bà L1 cũng một lần nữa xác định: Sau khi bà H chuyển nhượng diện tích đất 8m ngang cho ông S (gồm 5m của bà H và 3m của bà L1) thì phần đất của bà L1 cũng không còn nữa, bà L1 được bà Th chia theo di chúc của là 4m nhưng thực tế chỉ còn có 3m; Khi bà H và ông S ký hợp đồng chuyển nhượng QSD đất thì bà L1 có biết, có ký làm chứng và bà L1 không phản đối gì.
2. Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn - ông Bùi S là bà Mai Thị Ngọc Anh trình bày tại phiên tòa:
Ông Bùi B và bà Trần Thị Kim Th có lô đất tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột. Năm 2000, ông B mất không để lại di chúc; Năm 2008, bà Th mất để lại di chúc. Ngày 25/07/2000 lô đất được UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp GCNQSD đất số K 260449, thửa đất số 293, tờ bản đồ số 06. Đến ngày 21/8/2006 lô đất được điều chỉnh biến động còn lại diện tích 1.355m2, trong đó 80m2 đất ở, 1.285m2 đất cà phê. Ngày 26/10/2013 tại biên bản họp gia đình, 09 người con của ông B bà Th là các ông (bà) T3, S, T1, L2, Ph1, L1, H, Th, Ph2 đã họp công bố di chúc ngày 30/01/2008 của bà Th. Đồng thời các ông bà đã tự nguyện thực hiện thỏa thuận phân chia và hỗ trợ về tài sản, trong đó xác định rõ:
Bà H đã bán cho ông S 8m mặt sau, trong đó có 3m của bà L1; Bà H có trách nhiệm trả cho bà L1 20.000.000 đồng…Tiếp sau đó, ngày 19/09/2014 tại Văn phòng công chứng A, các anh em trong gia đình đã tự nguyện, thống nhất lập “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế” với nội dung để lại toàn bộ lô đất nêu trên cho ông S. Căn cứ vào đó, ông S đã thực hiện thủ tục xin cấp GCNQSD đất đối với toàn bộ diện tích đất gồm thửa 293, diện tích: 1.355m2 và thửa 288, diện tích: 169m2 (mua của bà Nh) và được UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp GCNQSD đất số BT 895240 ngày 12/11/2014 đứng tên ông S (ghi thửa 293, tờ bản đồ số 6, diện tích: 1.524m2).
Đến 2015, ông S tách phần đất diện tích đất là 596m2 cho ông (bà) T3, Ph1, L2, Ph2 và đã được UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp GCNQSD đất số BT 883821 ngày 10/08/2015 (thửa 293E, tờ bản đồ số 6, diện tích: 596m2). Phần đất còn lại của ông S là 928m2 (đã bao gồm đất ở 169m2 mua của bà Nh và phần đất trồng cây lâu năm: 759,0m2), thuộc thửa 293, tờ bản đồ số 6 (thửa đất 293 - năm 2015).
Như vậy, phần đất có liên quan đến nguồn gốc lô đất của cha mẹ để lại thừa kế trong thửa đất 293 - năm 2015 chỉ còn: 928m2 - 169m2 = 759,0m2 đất trồng cây lâu năm. Đồng thời trong phần đất này bao gồm phần đất của ông L2 và bà Th; Và khi toàn bộ lô đất đã bị thu hồi, ông S đã nhận số tiền bồi thường và tự nguyện chi trả lại số tiền theo phần tương ứng diện tích đất bị thu hồi (bà Th 352.000.000 đồng - tương ứng 160m2, ông L2 313.000.000 đồng - tương ứng 142,3m2). Do đó xác định phần đất còn lại của ông S là 759,0m2 - (160m2 + 142,3m2) = 456,7m2; Đồng thời phần đất này là do ông S đã bỏ tiền ra để mua lại từ bà H và bà L1, ông Ph1, bà Th; Và cộng với phần ông S đổi đất với ông T2 (đã sang tên cho ông T2).
Qua đó khẳng định rằng: Sau khi họp gia đình thì các ông bà ông (bà) T3, S, T1, L2, Ph1, L1, H, Th, Ph2 đã họp công bố di chúc ngày 30/01/2008 của bà Th và đã tự nguyện thực hiện thỏa thuận phân chia và hỗ trợ về tài sản. Đến ngày 19/09/2014 tại Văn phòng A, các đồng thừa kế hoàn toàn tự nguyện (không có hành vi lừa dối, ép buộc), đồng ý toàn bộ nội dung và đã tự nguyện thống nhất lập, ký tên vào “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế” với nội dung để lại toàn bộ lô đất nêu trên cho ông S. Từ đó ông S được cấp GCNQSD đất và quản lý sử dụng đất mà không ai có ý kiến gì. Tuy nhiên sau đó ông S cũng đã tự nguyện tặng cho lại phần đất cho ông (bà) T3, Ph1, L2, Ph2; Và ông S cũng tự nguyện giao tiền Nhà nước bồi thường cho bà Th, ông L2 khi đất bị thu hồi; Còn đối với phần đất còn lại ông S bị thu hồi - được hưởng bồi thường là do ông S nhận chuyển nhượng (đã giao - nhận đủ tiền) và đổi đất (đã giao - nhận đất) nên ông S không phân chia phần tiền được bồi thường này cho bà H và bà L1, ông Ph1, ông T2 (ông T1).
Vì vậy, yêu cầu khởi kiện của bà H và bà L1 (về việc: Tuyên bố Văn bản chia thừa kế vô hiệu và phân chia di sản thừa kế của ông B và bà Th đối với phần diện tích còn lại 928m2 của thửa đất số 293, tờ bản đồ số 6) là không có căn cứ; Kính đề nghị Tòa án xét xử bác toàn bộ các yêu cầu này.
3. Người đại diện theo ủy quyền của của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - ông (bà) T3, Ph1, L2, Ph2 là bà Ngọc Anh trình bày:
- Về yêu cầu phân chia di sản thừa kế đối với thửa đất số 293, tờ bản đồ số 06:
Trước khi mất, bà Th có di nguyện là phân chia lô đất trên thành nhiều phần cho các anh em trong nhà. Sau đó ông Ph1 có chuyển nhượng một phần đất là 5m ngang phía sau cho ông S (còn lại diện tích căn nhà vẫn sử dụng). Phần đất mà ông T3, Ph1, L2, bà Ph2 được hưởng nêu trên được gộp chung thành thửa đất số 293E, tờ bản đồ số 6, diện tích: 596m2 và đã được UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp GCNQSD đất số BT 883821 ngày 10/08/2015 đứng tên ông T3, Ph1, L2 và bà Ph2. Cả 4 hộ gia đình đã sinh sống trên căn nhà tại mảnh đất đó cho đến nay. Hiện tại thì phần đất này đã bị Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án đường Đông Tây và cả 4 anh em đã nhận tiền bồi thường liên quan đến lô đất này.
Ngoài ra, được biết phần đất mà các anh em trong gia đình được hưởng thì cũng đã chuyển nhượng hết cho ông S và nhận tiền đầy đủ, cụ thể:
+ Bà H và bà L1 chuyển nhượng 8m ngang (trong đó phần bà L1 3m ngang) với giá là 100.000.000 đồng;
+ Ông Ph1 chuyển nhượng 5m ngang với giá là 62.500.000 đồng;
+ Bà Th chuyển nhượng 02 lần đầu 133m2, phần diện tích còn lại là 100m2 đất nông nghiệp thuộc GCNQSD đất cấp cho ông Bùi S và hiện phần đất này cũng đã bị thu hồi đất, ông S đã nhận tiền bồi thường và đưa lại tiền cho bà Th, thậm chí còn cho thêm.
+ Phần đất ông Bùi T1 là dành cho cháu Bùi Sơn T2. Ông T2 và ông S đã đổi đất cho nhau.
Như vậy, theo như nguyện vọng mẹ để lại và theo sự thỏa thuận của các anh em trong gia đình về việc phân chia di sản thừa kế của bố mẹ thì tất cả anh em đã được phân chia đất đai đầy đủ, người chuyển nhượng thì đã nhận đủ tiền, người đổi đất thì cũng đã được nhận đất, còn lại không chuyển nhượng thì cũng đã được tách thành sổ đỏ riêng. Do đó, ông T3, Ph1, L2, bà Ph2 khẳng định không còn liên quan gì và cũng không có yêu cầu phân chia di sản thừa kế từ bố mẹ là ông B, bà Th.
- Về yêu cầu tuyên vô hiệu Văn bản thỏa thuận chia thừa kế do văn phòng A chứng nhận ngày 19/09/2014: Việc ký văn bản này là hoàn toàn tự nguyện và được sự thống nhất của tất cả anh chị em trong gia đình, đã được công chứng chứng thực đầy đủ. Do đó, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc tuyên hủy văn bản này là không có căn cứ.
4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - ông T1 tại phiên tòa trình bày:
Đối với Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do văn phòng A công chứng thì chúng tôi có ký văn bản này; Văn bản đã được công chứng và thực hiện nên chúng tôi chấp nhận; Phiên tòa hôm nay tôi không có ý kiến gì thêm nữa.
Về phần thừa kế, theo di chúc thì tôi không được hưởng phần thừa kế, phần của tôi đã được chia cho con tôi là T2 (cháu nội bà Th). Sau đó con tôi đã đổi đất cho ông S và các bên không có ý kiến gì. Tuy nhiên tôi có mong muốn nếu phần ông S được Nhà nước bồi thường có thể chia thêm cho tôi (về phần bồi thường đất đường đi) để tôi có thêm chi phí hỗ trợ cho các con, cháu.
5. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - bà Th tại phiên tòa trình bày:
Tôi có ký Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do văn phòng công chứng A chứng nhận số 07365, quyển số 09/CC-SCC/HĐGD ngày 19/9/2014. Từ đó đến nay tôi không có ý kiến gì.
Đối với yêu cầu phân chia di sản thừa kế của ông Bùi B và bà Trần Thị Kim Th để lại là thửa đất số 293, tờ bản đồ số 6 thì tại giấy nhận tiền đền bù ngày 01/9/2022 tôi đã nhận số tiền đền bù do ông S giao lại là 352.000.000 đồng. Tôi không có ý kiến thêm về việc thu hồi, đền bù hay phân chia thừa kế; Tôi xác định phần quyền, nghĩa vụ đã được đảm bảo, không yêu cầu gì thêm. Tuy nhiên tôi cũng có mong muốn nếu cơ quan có thẩm quyền, Tòa án phân chia tôi được hưởng thêm phần quyền lợi thì tôi mong muốn được nhận; Hoặc nếu nguyên đơn được chia thừa kế thì tôi xin trả lại ông S khoản tiền đền bù để được chia phần thừa kế theo ý kiến của các nguyên đơn.
6. Văn phòng công chứng A - Người đại diện theo ủy quyền: Bà Trần Đặng Miên Thùy tại bản tự khai trình bày:
Ngày 19/9/2014, các ông bà: Bùi T3, Bùi Thị L1, Bùi S, Bùi Thị H, Bùi T1, Bùi Thị Th, Bùi L2, Bùi Ph1 và Bùi Thị Diễm Ph2 là các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Bùi B và bà Trần Thị Kim Th, đến Văn phòng công chứng A để yêu cầu công chứng “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế” để phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất theo GCNQSD đất số K 260449 do UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp ngày 25/7/2000. (thửa đất số 293 tờ bản đồ số 6; diện tích 1.355m2...). Sau khi tiếp nhận hồ sơ, công chứng viên đã kiểm tra hồ sơ, giải thích rõ cho các bên về quyền và nghĩa vụ của mình khi tiến hành ký Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Khi ký Văn bản, các đồng thừa kế hoàn toàn tự nguyện, đã đọc và đồng ý toàn bộ nội dung của Văn bản, cam kết không bỏ sót người thừa kế và đã ký tên vào Văn bản thỏa thuận trước mặt công chứng viên. Việc ký Văn bản của các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông B và bà Th hoàn toàn tự nguyện không có hành vi lừa dối ép buộc, tại thời điểm công chứng, các bên ký kết văn bản có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Bà Trần Thị M là công chứng viên của Văn phòng công chứng A đã ký công chứng văn bản nói trên là đúng thẩm quyền và theo đúng trình tự thủ tục. Nay bà H, bà L1 khởi kiện yêu cầu tuyên văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vô hiệu, đề nghị Quý Tòa xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
7. Ông Nguyễn Hồng S1 tại bản tự khai trình bày: Tôi là chồng cũ của bà H. Trong thời kỳ hôn nhân với bà H, cụ thể là vào ngày 24/08/2008, bà H có chuyển nhượng cho ông S, bà T4 một phần QSD đất nông nghiệp tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, diện tích: 8m ngang x 23m dài = 184m2 (tứ cận: Phía Bắc giáp đất ông S; Phía Nam giáp đất bà Th và bà Nh; Phía Đông giáp đất bà Th; Phía Tây giáp đất ông L2); Nguồn gốc là đất cha mẹ để lại cho bà L1 và bà H; Giá chuyển nhượng là 100.000.000 đồng. Các bên có lập Hợp đồng chuyển nhượng ngày 24/08/2008. Tôi và bà L1 có chứng kiến việc chuyển nhượng và đồng ý, ký tên trên Hợp đồng chuyển nhượng QSD đất nêu trên. Hợp đồng còn có người làm chứng là ông T3, bà Th, ông Ph1.
8. Bà Võ Thị Như T4 tại bản tự khai trình bày: Tôi là vợ của ông S. Lô đất đang tranh chấp gồm thửa đất 293 có nguồn gốc gia đình và thửa đất số 288 nhận chuyển nhượng từ bà Nh. Liên quan đến lô đất đang tranh chấp, tôi xác nhận có ký Biên bản cuộc họp gia đình ngày 26/10/2013 và các hợp đồng chuyển nhượng đất với các anh em trong gia đình, với bà Nh. Theo như nguyện vọng mẹ để lại và theo sự thỏa thuận của các anh em trong gia đình về việc phân chia di sản thừa kế của bố mẹ thì tất cả anh em đã được phân chia đất đai hoặc nhận đủ tiền chuyển nhượng hoặc đã đổi đất, còn lại không chuyển nhượng thì cũng đã được tách thành sổ đỏ riêng hoặc khi Nhà nước thu hồi đất thì cũng chi trả lại tiền bồi thường.
9. Bà Đinh Thị Nh tại bản tự khai trình bày: Ngày 13/06/2014, tôi có chuyển nhượng cho vợ chồng ông Bùi S, bà Võ Thị Như T4 một phần QSD đất tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, thuộc thửa đất số 288, tờ bản đồ số 60, diện tích: 169m2 đất ở, theo GCNQSD đất số BK 895572 cấp ngày 12/12/2012; Giá chuyển nhượng là 155.000.000 đồng. Việc chuyển nhượng có lập Hợp đồng viết tay. Tôi đã nhận đủ tiền chuyển nhượng lô đất nêu trên.
* Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Buôn Ma Thuột phát biểu ý kiến:
Trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án, Thẩm phán, HĐXX, Thư ký phiên tòa và nguyên đơn, đại diện bị đơn đã chấp hành đúng quy định của BLTTDS.
Về nội dung: Sau khi phân tích tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, trên cơ sở kết quả hỏi, tranh luận tại phiên tòa; Xét thấy: Ngày 19/9/2014, các ông bà: Bùi T3, Bùi Thị L1, Bùi S, Bùi Thị H, Bùi T1, Bùi Thị Th, Bùi L2, Bùi Ph1 và Bùi Thị Diễm Ph2 lập “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế” để phân chia di sản thừa kế là QSD đất theo GCNQSD đất số K 260449 do UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp ngày 25/7/2000 (thửa đất số 293 tờ bản đồ số 6; diện tích 1.355m2, tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột). Việc ký Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của các đồng thừa kế hoàn toàn tự nguyện, không có hành vi lừa dối ép buộc, phù hợp nguyên vọng các bên, đã được công chứng viên ký công chứng và được các bên thực hiện trên thực tế, không ai có ý kiến. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn - bà Bùi Thị H, bà Bùi Thị L1 (về việc: 1. Tuyên bố Văn bản chia thừa kế vô hiệu; 2. Phân chia di sản thừa kế của ông Bùi B và bà Trần Thị Kim Th, cụ thể là chia phần còn lại diện tích 928m2 của thửa đất số 293, tờ bản đồ số 6, tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột).
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và căn cứ vào kết quả thẩm tra công khai các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa, HĐXX nhận định:
[1]. Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: Căn cứ yêu cầu giải quyết của đương sự, căn cứ hồ sơ vụ án, HĐXX xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án là “Yêu cầu tuyên bố văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vô hiệu” và “Phân chia di sản thừa kế”; Bị đơn có nơi cư trú tại TP. Buôn Ma Thuột. Do đó vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân TP. Buôn Ma Thuột theo quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của BLTTDS.
[2]. Về thời hiệu khởi kiện: Theo Giấy chứng tử thì Ông Bùi B mất năm 2000 và bà Trần Thị Kim Th mất tháng 11/2012. Ngày 19/09/2014 những người hàng thừa kế thứ nhất lập “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế”. Đến ngày 08/4/2022, bà H và bà L1 có đơn khởi kiện yêu cầu tuyên bố Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vô hiệu và chia thừa kế là còn trong thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 623 BLDS 2015.
[3]. Về thủ tục tố tụng: Tại phiên toà, ông T2, ông S1, bà Nh, bà T4, đại diện VPCC A, bà Trần Thị M đã được triệu tập nhưng vắng mặt hoặc có đơn xin xét xử vắng mặt. Vì vậy HĐXX căn cứ khoản 2 Điều 227, Điều 228 BLTTDS 2015 xét xử vắng mặt các đương sự nêu trên.
[4]. Về nội dung vụ án: Căn cứ yêu cầu khởi kiện và nội dung trình bày của các đương sự; Căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, Hội đồng xét xử xét thấy:
[4.1]. Đối với di chúc bà Th lập ngày 30/01/2008:
Thửa đất số 293, tờ bản đồ số 06 theo GCNQSD đất số K 260449 là di sản thừa kế của cả ông Bùi B và bà Trần Thị Kim Th. Sau khi ông B mất (không để lại di chúc) thì bà Th lập di chúc, trong đó định đoạt đối với toàn bộ QSD đất nói trên là không đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên không đương sự nào yêu cầu công nhận hay tuyên vô hiệu di chúc của bà Th.
Mặt khác, tại biên bản họp gia đình ngày 26/10/2013, tất cả 09 người con của ông B bà Th đã họp công bố di chúc của bà Th và không ai phản đối gì; Đồng thời các ông bà đã thực hiện thỏa thuận phân chia, hỗ trợ về tài sản, sau đó cũng tự thực hiện một phần của di chúc. Và đến ngày 19/09/2014, 09 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đã tự nguyện lập Văn bản thỏa thuận để khai nhận di sản thừa kế và thỏa thuận phân chia toàn bộ phần thừa kế của cả ông B và bà Th để lại; Trong văn bản này ghi bà Th không để lại di chúc là đã thể hiện ý chí 09 người hàng thừa kế thứ nhất thực hiện thỏa thuận, phân chia di sản thừa kế của cả ông B và bà Th để lại theo Văn bản thỏa thuận ngày 19/09/2014, xác định đây là văn bản cuối cùng. Như vậy, di chúc của bà Th đã được các đồng thừa kế công nhận một phần và tự thực hiện; Sau đó lập văn bản thỏa thuận mới để phân chia, định đoạt phần thừa kế đối với toàn bộ di sản nên HĐXX không đề cập xem xét giá trị pháp lý của bản di chúc này.
[4.2]. Đối với Biên bản họp gia đình lập ngày 26/10/2013 có chữ ký của các anh chị em trong gia đình, là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với ý chí của những người thừa kế và không ai phản đối gì. Theo đó đã thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, hỗ trợ về tài sản và thống nhất giao GCNQSD đất cho ông S quản lý.
[4.3]. Đối với “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế”:
Để thuận tiện cho việc tách thửa đất để phân chia di sản thừa kế và phân chia toàn bộ QSD đất là di sản của cả ông B và bà Th để lại theo quy định pháp luật, ngày 19/09/2014 tại Văn phòng công chứng A, các anh chị em trong gia đình (gồm 09 người hàng thừa kế thứ nhất là ông (bà): Bùi T3, Bùi S, Bùi Thị L1, Bùi Thị H, Bùi T1, Bùi Thị Th, Bùi L2, Bùi Ph1, Bùi Thị Diễm Ph2) lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế để thực hiện việc khai nhận di sản thừa kế (đối với GCNQSD đất số K 260449 ngày 25/07/2000, thửa đất số 293, tờ bản đồ số 06, diện tích: 1.355m2, trong đó đất ở 80m2, đất cà phê 1.285m2) và thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế, trong đó các ông (bà) T3, L1, H, T1, Th, L2, Ph1, Ph2 cùng đồng ý tặng cho phần mà mỗi người được hưởng trong khối di sản thừa kế do ông B và bà Th để lại cho ông S; Ông S đồng ý nhận toàn bộ phần QSD đất được tặng cho nêu trên và gộp với phần QSD đất mà mình được hưởng thừa kế cùng với phần QSD đất của mình để được toàn quyền sử dụng.
HĐXX xét thấy: Việc lập và ký văn bản thỏa thuận là hoàn toàn tự nguyện, được công chứng đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục, đúng quy định pháp luật; Đồng thời đảm bảo quyền tự thỏa thuận, định đoạt và quyết định cụ thể, cuối cùng của các bên để có cơ sở thực hiện việc phân chia di sản thừa kế của cả ông B và bà Th để lại.
Trên thực tế, sau các bên ký Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thì ông S mới có cơ sở và thực hiện thủ tục xin cấp GCNQSD đất đối với toàn bộ diện tích đất gồm thửa đất số 293, diện tích: 1.355m2 (theo Văn bản chia thừa kế) và thửa đất số 288, diện tích: 169m2 (ông S mua của bà Nh) và được UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp GCNQSD đất số BT 895240 ngày 12/11/2014 đứng tên ông Bùi S (thửa 293, tờ bản đồ số 6, diện tích: 1.524m2); Sau đó ông S cũng đã tự nguyện tặng cho và tách GCNQSD đất phần cho các ông bà T3, Ph1, L2, Ph2; Phần còn lại ông S quản lý sử dụng. Như vậy Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có hiệu lực pháp luật và đã được thực hiện trên thực tế từ năm 2014, không ai phản đối gì.
Qua đó cũng xác định ý kiến của bà H và bà L1 (về việc: Khi ký Văn bản chia thừa kế ngày 19/09/2014 thì các anh em không hề biết việc ký văn bản thỏa thuận là để lại toàn bộ thửa đất 293 cho mình ông S; Chữ ký của bà Ph2 trong văn bản không phải do bà Ph2 ký; QSD đất của hộ, Văn bản chia thừa kế chỉ đề cập phần thừa kế của bà Th và chỉ tặng cho phần của mình do bà Th để lại…) là không có căn cứ, không phù hợp thực tế; Đồng thời bị đơn - ông S và những người liên quan khác cũng không đồng ý với các ý kiến này.
[4.3]. Đối với phần quyền lợi của những người được chia di sản thừa kế:
Tại phần [4.2] nói trên, xác định: Đến ngày 12/11/2014, toàn bộ phần di sản thừa kế của ông B và bà Th để lại đã được thừa kế, tặng cho, sang tên ông S (GCNQSD đất mới số BT 895240 ngày 12/11/2014 thửa đất là 293, tờ bản đồ số 6) đúng theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi của anh em trong gia đình và tự nguyện thực hiện di nguyện của bà Th thì ông S đã tự nguyện tách phần đất diện tích đất là 596m2 cho ông (bà) T3, Ph1, L2, Ph2; Phần đất có liên quan đến nguồn gốc lô đất của cha mẹ để lại thừa kế trong thửa đất chỉ còn 759,0m2 đất trồng cây lâu năm (gồm: 1. Phần đất của ông Bùi L2 5m ngang phía sau và bà Bùi Thị Th 100m2 đất nông nghiệp theo di chúc bà Th; 2. Đất do ông S đã bỏ tiền ra để mua lại từ bà H và bà L1, từ ông Ph1, từ bà Th; 3. Phần ông S đổi đất với ông T2). Và khi toàn bộ lô đất đã bị thu hồi, ông S đã nhận số tiền bồi thường và cũng tự nguyện chi trả lại số tiền theo phần đất tương ứng cho bà Th và ông Bùi L2.
Từ những nhận định nói trên, HĐXX xét thấy: Về mặt pháp lý thì việc phân chia di sản thừa kế của cả ông B và bà Th để lại theo Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế ngày 19/09/2014 tại Văn phòng công chứng A, là hợp pháp, đảm bảo quyền định đoạt của những người thừa kế (trong đó có bà H, bà L1); Về mặt thực tế thì sau khi được tặng cho tài sản, ông S cũng đã tự nguyện thực hiện việc nhập - tách thửa, tặng cho lại hoặc đã tự nguyện thanh toán tiền bồi thường… qua đó phân chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại đảm bảo quyền lợi tất cả anh em (người chuyển nhượng thì đã nhận tiền, người đổi đất thì đã nhận đất, còn lại không chuyển nhượng thì cũng đã được tách thành sổ đỏ riêng, còn ai chưa nhận thì khi Nhà nước thu hồi đất thì cũng được chi trả lại tiền bồi thường). Vì vậy, yêu cầu của bà Bùi Thị H, bà Bùi Thị L1 tại phiên tòa (về việc: Tuyên bố Văn bản chia thừa kế vô hiệu và đề nghị chia thừa kế đối với diện tích 928m2 thuộc thửa 293 chia cho 4 người là bà H, bà L1, Th và ông T1 (không có phần của ông S) là không phù hợp, không có căn cứ để chấp nhận; Tài sản mà bà H bà L1 yêu cầu chia thừa kế đã được phân chia và thực hiện xong, hiện nay cũng đã được Nhà nước thu hồi, bồi thường, giải tỏa toàn bộ để làm công trình công cộng.
[5]. Đối với ý kiến của ông Bùi T1 và bà Th tại phiên tòa; HĐXX xét thấy: Theo di chúc của bà Th có chia cho bà Th, ông T2 (không chia cho ông T1 mà để lại cho cháu là ông T2). Khi lập Văn bản chia di sản thừa kế của ông B và bà Th theo pháp luật thì bà Th, ông T1, ông T2 không có ý kiến gì. Trên thực tế thì phần thừa kế của ông T1 để lại cho ông T2 đã được đảm bảo (ông T2 đã đổi GCNQSD đất với ông S); Phần bà Th cũng đã được nhận tiền bồi thường. Như vậy, việc hưởng thừa kế của ông T2 (ông T1) và bà Th về mọi mặt đã được đảm bảo quyền lợi và thực hiện xong (theo pháp luật thì đã thỏa thuận phân chia, theo di chúc thì đã được thực hiện); Đến nay ông T1, ông T2, bà Th không có yêu cầu khởi kiện gì. Do đó HĐXX không có cơ sở, không đề cập giải quyết.
[6]. Về án phí: Do yêu cầu không được chấp nhận nên bà H và bà L1, mỗi người chịu án phí DSST là: 300.000đ (đối với yêu cầu tuyên Văn bản chia thừa kế vô hiệu) + 300.000đ (đối với yêu cầu Phân chia di sản thừa kế) = 600.000 đồng.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 3, khoản 5 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 và các Điều 147, 227, 228, 266, 271, 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Áp dụng Điều 634, Điều 676 của Bộ luật dân sự 2005; Các Điều 609, 612, 613, khoản 1 Điều 623, Điều 630, Điều 649, Điều 656, Điều 660 của Bộ luật dân sự năm 2015; Áp dụng khoản 4 Điều 57 Luật Công chứng; Áp dụng Điều 27 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện đã bổ sung tại phiên tòa của nguyên đơn - Bà Bùi Thị H và bà Bùi Thị L1, về việc:
- Tuyên vô hiệu Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do Công chứng viên văn phòng công chứng A chứng nhận số 07365, quyển số 09/CC- SCC/HĐGD ngày 19/9/2014;
- Phân chia di sản thừa kế của ông Bùi B và bà Trần Thị Kim Th đối với thửa đất số 293, tờ bản đồ số 6 (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BT 895240 ngày 12/11/2014, phần diện tích còn lại 928m2, tại xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia cho 04 người là bà Bùi Thị H, bà Bùi Thị L1, Bùi Thị Th và ông Bùi T1.
2. Về án phí:
- Bà Bùi Thị H phải nộp 600.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm; Khấu trừ tiền tạm ứng án phí đã nộp là 4.050.000 đồng theo biên lai số AA/2021/0012704 ngày 20/4/2022 tại Chi cục Thi hành án dân sự TP. Buôn Ma Thuột. Bà Bùi Thị H còn được nhận lại 3.450.000 đồng.
- Bà Bùi Thị L1 phải nộp 600.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm; Khấu trừ tiền tạm ứng án phí do bà Bùi Thị H đã nộp thay là 4.050.000 đồng theo biên lai số AA/2021/0012705 ngày 20/4/2022 tại Chi cục Thi hành án dân sự TP. Buôn Ma Thuột. Bà Bùi Thị L1 còn được nhận lại 3.450.000 đồng.
Về quyền kháng cáo: Các đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; Các đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Bản án 68/2023/DS-ST về yêu cầu tuyên bố văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vô hiệu và phân chia di sản thừa kế
Số hiệu: | 68/2023/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 08/05/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về