TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
BẢN ÁN 24/2021/DS-PT NGÀY 18/08/2021 VỀ YÊU CẦU TUYÊN BỐ VĂN BẢN PHÂN CHIA TÀI SẢN THỪA KẾ VÔ HIỆU
Ngày 18/8/2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 11/2021/TLPT- DS ngày 14/5/2021 về việc “Yêu cầu tuyên bố văn bản phân chia tài sản thừa kế vô hiệu” do bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2021/DS - ST ngày 09 tháng 4 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 1304/2021/QĐ-PT ngày 13/7/2021, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: ông Nguyễn Duy T; địa chỉ: Xóm N, thôn H, xã C, huyện P, tỉnh Bình Thuận. Có đơn xin phép vắng mặt.
- Người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn: ông Hồ Lý H - Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Hồ Lý H, Đoàn luật sư tỉnh Quảng Bình; địa chỉ: thôn K, xã A, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Có mặt.
2. Bị đơn: bà Phan Thị L; địa chỉ: thôn B, xã H, huyện B, tỉnh Quảng Bình. Có mặt.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn tại phiên tòa phúc thẩm: Luật sư Trương Văn B - Văn phòng luật sư C, Đoàn luật sư tỉnh Quảng Bình. Có mặt.
3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
+ Uỷ ban nhân dân xã H, huyện B, tỉnh Quảng Bình.
Người đại diện theo pháp luật: bà Phan Thị A - Chủ tịch UBND xã H.
Vắng mặt.
+ Bà Nguyễn Thị T1; địa chỉ: thôn B, xã H, huyện B, tỉnh Quảng Bình.
Có mặt.
- Người làm chứng: ông Dương Văn L - Công chức tư pháp xã T, huyện B, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và các ý kiến trình bày trong quá trình giải quyết vụ án, ông Nguyễn Duy T trình bày như sau:
Bố mẹ ông T là cụ Nguyễn Duy N chết năm 2000 và cụ Nguyễn Thị A chết năm 2002, không để lại di chúc. Hai cụ sinh được 03 người con gồm ông (Nguyễn Duy T), bà Nguyễn Thị T1 và ông Nguyễn Duy T2. Di sản hai cụ để lại gồm 01 ngôi nhà cấp 4 được xây dựng trên thửa đất số 548, tờ bản đồ số 03, diện tích 1.872m2 tại thôn B, xã P (nay là xã H), huyện B, tỉnh Quảng Bình, đã được UBND huyện B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây viết tắt là GCNQSDĐ) số K241865 ngày 01/6/1997 mang tên cụ Nguyễn Duy N. Bản thân ông T ở xa nên thỉnh thoảng mới về quê giỗ bố mẹ, ông T2 đi làm ăn xa nên bà Nguyễn Thị T1 (đã đi lấy chồng) thỉnh thoảng đến dọn dẹp nhà cửa và hương khói cho bố mẹ. Năm 2011, ông T2 lấy vợ là bà Phan Thị L và đến năm 2014 chuyển về sinh sống trong ngôi nhà mà hai cụ để lại. Năm 2018 ông T2 chết. Đầu năm 2020, ông T về quê mới biết được việc bà Phan Thị L khởi kiện bà Nguyễn Thị T1 về việc hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất từ ông T2 sang bà T1 và hủy GCNQSDĐ của bà T1. Ông T tìm hiểu mới biết được vào năm 2014, mặc dù không có mặt ông và cũng không được sự đồng ý của ông, nhưng ông T2 đã lập Văn bản phân chia tài sản thừa kế với nội dung phân chia tài sản của bố mẹ ông để lại và giao các tài sản đó cho ông T2. Ngày 09/12/2014, Chủ tịch UBND xã P đã chứng thực Văn bản phân chia tài sản thừa kế nói trên mà không có ông tham gia và trực tiếp ký vào văn bản đó. Sau đó, UBND huyện B đã cấp GCNQSDĐ cho ông T2. Do đó, ông đã làm đơn khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan có liên quan xem xét giải quyết về việc giả mạo chữ ký của ông trong “Văn bản phân chia tài sản thừa kế ngày 09 tháng 12 năm 2014”. Tại Công văn số 56/TTr ngày 15/6/2020 của Thanh tra huyện B về việc “Xử lý đơn của công dân” và tại Thông báo số 2474/TB - CABT ngày 10/8/2020 của Công an huyện B về việc “Thông báo kết quả giải quyết đơn tố cáo” đã thể hiện kết quả xác minh việc ông không có mặt khi chứng thực và không trực tiếp ký vào văn bản phân chia tài sản thừa kế ngày 09/12/2014 trước mặt người thực hiện chứng thực. Việc UBND xã P chứng thực Văn bản phân chia tài sản thừa kế ngày 09/12/2014 mà không có mặt ông là trái quy định của pháp luật, vì vậy ông khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố Văn bản phân chia tài sản thừa trên vô hiệu.
- Bị đơn bà Phan Thị L trình bày:
Năm 2011, bà kết hôn với ông Nguyễn Duy T2, sau khi kết hôn được một thời gian, hai vợ chồng chuyển về sống tại ngôi nhà cấp 4 trên thửa đất số 548, tờ bản đồ số 3, diện tích 1.872m2 tại xã P, huyện B do bố mẹ chồng là ông Nguyễn Duy N và bà Nguyễn Thị A để lại. Do bố mẹ ông T2 không để lại di chúc nên ngày 09/12/2014, ông Nguyễn Duy T, bà Nguyễn Thị T1 và chồng bà (ông T2) đã tự nguyện lập Văn bản phân chia tài sản thừa kế và được Chủ tịch UBND xã P chứng thực với nội dung: phân chia thừa kế đối với tài sản của bố mẹ để lại cho ông T, bà T1 và ông T2; ông T, bà T1 và ông T2 thỏa thuận để lại toàn bộ tài sản của bố mẹ cho ông T2. Việc thỏa thuận ký vào văn bản trên là đúng theo quy định của pháp luật nên UBND huyện B đã cấp GCNQSD đất số BY 967459 ngày 03/5/2015 cho ông Nguyễn Duy T2. Thời điểm này bà vừa sinh và nuôi con nhỏ nên không biết rõ sự việc chứng thực như thế nào. Năm 2017 (lúc này bà đang lao động ở nước ngoài), ông T2 ốm nặng phải điều trị tại Hà Nội, bà T1 mang hợp đồng tặng cho toàn bộ nhà, đất bố mẹ để lại từ ông T2 sang bà T1 ra buộc ông T2 ký và sau đó UBND huyện B đã cấp GCNQSD đất cho bà T1. Sau này bà về nước mới biết sự việc đó, nên năm 2019 bà làm đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu hủy văn bản tặng cho tài sản giữa ông T2 với bà T1. Tại Bản án số: 03/2020/DS -ST ngày 21/4/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà, tuyên bố Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông T2, bà T1 vô hiệu và hủy GCNQSDĐ của bà T1. Sau đó bà T1 kháng cáo và Bản án số: 186/2020/SD - PT ngày 13/9/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên không chấp nhận kháng cáo của bà T1.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc GCNQSDĐ đứng tên ông T2 vẫn còn giá trị và tài sản là nhà, đất vẫn là của ông T2 và mẹ con bà là người được hưởng di sản thừa kế đó của ông T2. Nếu ông Nguyễn Duy T không thừa nhận chữ ký và chữ viết của mình thì đề nghị ông T giám định chữ ký của mình. Mặt khác, Văn bản phân chia tài sản thừa kế ngày 09/12/2014 đến thời điểm ông T khởi kiện đã trên 06 năm nên đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 427 Bộ luật dân sự năm 2005. Do đó, yêu cầu Tòa án áp dụng điểm e, g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự đình chỉ giải quyết vụ án.
- Bà Nguyễn Thị T1 trình bày:
Bố mẹ bà là cụ Nguyễn Duy N và cụ Nguyễn Thị A sinh được 03 người con là ông T, bà và ông T2, khi hai cụ chết để lại các di sản là ngôi nhà cấp 4 gắn liền thửa đất số 548, tờ bản đồ số 02, diện tích 1.872m2 tại thôn B, xã P, huyện B nhưng không có di chúc. Sau khi bố mẹ bà mất, do ông T và ông T2 ở xa nên bà chịu trách nhiệm qua lại hương khói, quét dọn. Sau đó thì vợ chồng ông T2 dọn về sinh sống tại ngôi nhà này. Ngày 09/12/2014, ông T2 xuống nhà bà yêu cầu bà ký vào Văn bản phân chia tài sản thừa kế, lúc đó, bà cứ nghỉ văn bản trên đã được ông T đồng ý và ký vào nên bà cũng vội vàng ký vào văn bản xong rồi đi làm chứ không đến ký trực tiếp tại UBND xã. Nay ông T yêu cầu hủy Văn bản phân chia tài sản thừa kế ngày 09/12/2014 bà cũng đồng ý, vì văn bản đó đã vô hiệu do không thực hiện đúng trình tự, thủ tục về chứng thực theo quy định của pháp luật.
- Ông Nguyễn Ngọc P đại diện UBND xã Hải Phú trình bày:
Ngày 09/12/2014, UBND xã P nhận được yêu cầu của ông Nguyễn Duy T2 về việc chứng thực Văn bản phân chia tài sản thừa kế giữa ông Nguyễn Duy T, bà Nguyễn Thị T1 và ông Nguyễn Duy T2 đối với thửa đất số 548, tờ bản đồ số 03, diện tích 1.872m2 tại xã P là tài sản do ông Nguyễn Duy N và bà Nguyễn Thị A để lại nhưng không có di chúc. Việc chứng thực trên cơ sở đề xuất của cán bộ tư pháp ông Dương Văn L lập hồ sơ và đã có chữ ký của các bên trong văn bản. Trước lúc ký ông có hỏi ông L: “Các ông, bà này có về trực tiếp ký không?” thì ông L trả lời là có nên thay mặt UBND xã ông đã ký chứng thực văn bản. Nay UBND xã H đề nghị Tòa án xem xét giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
- Ông Dương Văn L trình bày (tại bản tự khai ngày 24/3/2021):
Khi thực hiện thủ tục chứng thực văn bản phân chia thừa kế của các ông bà Nguyễn Duy T, Nguyễn Thị T1 và Nguyễn Duy T2 ngày 09/12/2014, công chức địa chính xã là bà Lê Thị N giao cho ông hồ sơ gồm: Biên bản họp gia đình, Biên bản niêm yết phân chia thừa kế, Biên bản kết thúc công khai niêm yết, Văn bản phân chia tài sản thừa kế. Khi chứng thực, do ông T có việc đột xuất nên đã ký trước và ông T có điện thoại về cho ông là xin vắng mặt. Do vậy, khi chứng thực Văn bản phân chia thừa kế không có mặt ông T.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2021/DS-ST ngày 09/4/2021, Toà án nhân dân huyện Bố Trạch quyết định:
Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 167 Luật Đất đai; các Điều 122, 127, 134 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 407, Điều 429 và Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 22, điểm b khoản 1 Điều 24 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực; khoản 2 Điều 17 Nghị định số 79/2007/NĐ - CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; điểm a khoản 1 Điều 24 và khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, xử:
Chấp nhận đơn khởi kiện của ông Nguyễn Duy T. Tuyên bố văn bản phân chia tài sản thừa kế giữa ông Nguyễn Duy T bà Nguyễn Thị T1 và ông Nguyễn Duy T2 được UBND xã P (nay là xã H) chứng thực ngày 09/12/2014 vô hiệu.
Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn quyết định về phần án phí dân sự sơ thẩm, quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 19/4/2021, bị đơn bà Phan Thị L làm đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm số 04/2021/DS-ST ngày 09/4/2021 của Toà án nhân dân huyện Bố Trạch, đề nghị Tòa án sửa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu áp dụng thời hiệu để đình chỉ vụ án; hoặc hủy bản án sơ thẩm vì đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Luật sư Trương Văn B và bà Phan Thị L đều cho rằng bản án sơ thẩm xác định bà Phan Thị L là bị đơn trong vụ án là không đúng, vì bà L chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Vì vậy, đề nghị Tòa án hủy án sơ thẩm để giải quyết lại.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn kháng cáo của bà L, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Thửa đất số 548, tờ bản đồ số 3, diện tích 1.872 m2 tại xã P (nay là xã H), huyện B, tỉnh Quảng Bình có nguồn gốc là của vợ chồng cụ Nguyễn Duy N và cụ Nguyễn Thị A, hai cụ chết không để lại di chúc, hai cụ có 03 người con gồm ông Nguyễn Duy T, bà Nguyễn Thị T1 và ông Nguyễn Duy T2 (anh T2 chết ngày 31/3/2018). Năm 2014 dựa trên văn bản phân chia tài sản thừa kế (văn bản được Chủ tịch UBND xã P chứng thực ngày 09/12/2014) giữa ba anh em (ông T, bà T1 và ông T2), nên ông T2 đã làm thủ tục cấp đổi và được UBND huyện B cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BY 967459 ngày 05/3/2015 mang tên ông Nguyễn Duy T2.
[2] Tháng 01/2018, xuất phát từ hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn Duy T2 với bà Nguyễn Thị T1 (đối với thửa đất của bố mẹ để lại đã được cấp đổi sang tên ông T2), thì bà T1 đã làm thủ tục cấp đổi và được Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CI 916154 ngày 05/02/2018 mang tên Nguyễn Thị T1. Tuy nhiên sau đó do bà Phan Thị L (vợ ông T2) khởi kiện và tại Bản án số: 03/2020/DS- ST ngày 21/4/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông T2 và bà T1 vô hiệu; hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BY 967459 ngày 05/3/2015 do Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Bình cấp cho bà Nguyễn Thị T1; kiến nghị UBND huyện B và Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Bình phục hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện B đã cấp cho ông Nguyễn Duy T2. Sau khi xét xử sơ thẩm bà T1 có kháng cáo. Tại bản án số:
186/2020/DS-PT ngày 13/9/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định không chấp nhận kháng cáo của bà T1 và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Cả hai bản án trên đều đã có hiệu lực pháp luật thi hành.
[3] Xét yêu cầu của ông Nguyễn Duy T về việc tuyên bố Văn bản phân chia tài sản thừa kế vô hiệu, thấy rằng:
[3.1] Theo nội dung của văn bản phân chia tài sản thừa kế thì cả ba anh em gồm ông Nguyễn Duy T, bà Nguyễn Thị T1 và ông Nguyễn Duy T2 thỏa thuận toàn bộ tài sản thừa kế (thửa đất của bố, mẹ) được để lại cho ông Nguyễn Duy T2. Do đó ngày 09/12/2014, ông Nguyễn Duy T2 (chồng bà L) đã mang văn bản trên đến UBND xã P để chứng thực và đã được Chủ tịch UBND xã P chứng thực cùng ngày 09/12/2014. Sau khi được chứng thực, ông T2 đã làm thủ tục cấp đổi và được UBND huyện B cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BY 967459 ngày 05/3/2015 mang tên ông Nguyễn Duy T2.
[3.2] Tuy nhiên, theo ông Dương văn L (là cán bộ địa chính tiếp nhận hồ sơ tại thời điểm chứng thực) trình bày tại thời điểm ông T2 đến chứng thực thì không có mặt ông Nguyễn Duy T; còn theo lời trình bày của ông Nguyễn Ngọc P (nguyên Chủ tịch UBND xã P) thì chỉ có một mình ông L lên trình ký chứ không có mặt của cả ông T, bà T1 và ông T2, lúc đó do tin tưởng ông L nên ông P đã ký chứng thực cho ông T2. Lời trình bày của ông L và ông P cũng phù phù hợp với nội dung tại Thông báo số 2474/TB - CABT ngày 10/8/2020 về việc “Thông báo kết quả giải quyết đơn tố cáo” của Công an huyện B đã kết luận ông Nguyễn Duy T không có mặt tại UBND xã P để trực tiếp ký trước mặt người thực hiện việc chứng thực là ông Dương Văn L. Như vậy, việc UBND xã P chứng thực văn bản phân chia tài sản thừa kế ngày 09/12/2014 nhưng không có mặt của ông Nguyễn Duy T là thực hiện không đúng trình tự thủ tục chứng thực chữ ký theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính Phủ.
[3.3] Mặt khác ông Nguyễn Duy T còn khẳng định Ông không hề ký vào văn bản phân chia tài sản thừa kế ngày 09/12/2014.
Hội đồng xét xử thấy: Theo yêu cầu của bị đơn bà Phan Thị L, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tiến hành trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh Quảng Bình thực hiện giám định chữ ký, chữ viết Nguyễn Duy T dưới mục những người thừa kế trên Văn bản phân chia tài sản thừa kế được lập giữa ông Nguyễn Duy T, bà Nguyễn Thị T1, ông Nguyễn Duy T2 đã được UBND xã P (nay là xã H) chứng thực ngày 09/12/2014 với các mẫu chữ viết, chữ ký của ông Nguyễn Duy T trong các biên bản làm việc do ông T trực tiếp viết và ký có tại hồ sơ vụ án. Tại kết luận giám định số: 862/GĐ-PC09 ngày 08/7/2021 của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Quảng Bình kết luận chữ ký dạng chữ viết “T”, chữ viết “Nguyễn Duy T” dưới mục “Những người thừa kế” trên mẫu cần giám định so với chữ ký, chữ viết của Nguyễn Duy T trên các mẫu so sánh không phải do cùng một người ký, viết ra. Do đó, việc ông T cho rằng ông không ký vào văn bản phân chia tài sản thừa kế là có căn cứ.
[4] Bị đơn bà Phan Thị L đề nghị Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu của ông T. Theo bà L thì ông T, ông T2 và bà T1 lập văn bản phân chia tài sản thừa kế từ tháng 12 năm 2014 nhưng đến tháng 11 năm 2020 ông T mới khởi kiện để yêu cầu tuyên bố văn bản vô hiệu là đã hết thời hiệu khởi kiện.
Xét thấy: Theo kết quả giám định thì chữ ký trong văn bản phân chia tài sản thừa kế lập ngày 09/12/2014 không phải do ông T ký, do đó việc ông T trình bày đến đầu năm 2020 khi ông về quê thì mới biết về nội dung của Văn bản phân chia tài sản thừa kế, còn trước đó ông không hề biết là có cơ sở. Quá trình giải quyết vụ án bà L không chứng minh được ông T đã biết (hoặc buộc phải biết) văn bản phân chia tài sản thừa kế cụ thể vào thời gian nào. Mặt khác, theo kết quả giám định thì chữ ký trong văn bản phân chia tài sản thừa kế không phải do ông T ký, nên giao dịch dân sự trên đã vi phạm điều cấm theo quy định tại Điều 123 của Bộ luật dân sự 2015, và theo quy định tại điều 132 Bộ luật dân sự năm 2015 thì trong trường hợp này thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế. Do đó, không có căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do “Thời hiệu khởi kiện đã hết” như yêu cầu của bà L.
[5] Về ý kiến của luật sư Trương Văn B và bà Phan Thị L cho rằng cấp sơ thẩm xác định bà Phan Thị L là bị đơn trong vụ án là không đúng, Hội đồng xét xử thấy rằng: Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự thì “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm”. Mặt khác về phần nội dung thì bà L là người trực tiếp quản lý tài sản và trong trường hợp nếu văn bản phân chia tài sản thừa kế trên không bị vô hiệu thì bà L là người được thừa kế tài sản đó (do chồng bà L đã chết). Như vậy, Tòa án sơ thẩm xác định bà Phan Thị L là bị đơn trong vụ án là đúng quy định.
[6] Về chi phí giám định: Theo yêu cầu của bà L, Toà án đã tiến hành trưng cầu giám định chữ ký và chữ viết của ông Nguyễn Duy T. Số tiền chi phí giám định là 1.620.000 đồng. Theo khoản 1 Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự thì do yêu cầu của bị đơn không được chấp nhận nên bị đơn phải chịu toàn bộ chi phí giám định. Số tiền trên bà L đã nộp tạm ứng đủ nên không phải nộp thêm.
[7] Về án phí dân sự phúc thẩm: Bà Phan Thị L kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì lẽ các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 161, khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Tuyên xử:
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Phan Thị L;
2. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2021/DS-ST ngày 09/4/2021 của Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
3. Về chi phí giám định: Bị đơn bà Phan Thị L phải chịu 1.620.000 đồng (Số tiền này bà L đã nộp tạm ứng đủ nên không phải nộp thêm).
4. Về án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn bà Phan Thị L phải chịu 300.000 đồng, được khấu trừ vào số tiền 300.000 đồng mà bà L đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm tại biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2020/0000614 ngày 20/4/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Bố Trạch.
Án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày tuyên án (18/8/2021)
Bản án về yêu cầu tuyên bố văn bản phân chia tài sản thừa kế vô hiệu số 24/2021/DS-PT
Số hiệu: | 24/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Bình |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 18/08/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về