Bản án về yêu cầu thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa số 20/2022/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 20/2022/KDTM-PT NGÀY 17/08/2022 VỀ YÊU CẦU THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Ngày 17 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 03/TBTL-TA ngày 10 tháng 3 năm 2022 về việc “Yêu cầu thực hiện Hợp đồng mua bán hàng hóa”.Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum bị kháng cáo, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty TNHH K; địa chỉ: tỉnh Kom Tum.

Người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn: ông Huỳnh Thúc K, chức vụ - Giám đốc, có mặt;

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Đinh Văn H - Văn phòng Luật sư V, thuộc đoàn Luật sư tỉnh Kon Tum; địa chỉ: tỉnh Kon Tum, có mặt;

2. Bị đơn:

2.1. Công ty TNHH MTV N; địa chỉ: nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào;

Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV N: ông Dương Đình C, chức vụ - Giám đốc, vắng mặt;

2.2. Công ty TNHH P; địa chỉ: tỉnh Quảng Ngãi.

Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH P: bà Vương Thị Thu D, chức vụ - Giám đốc;

Người đại diện theo ủy quyền:

- Ông Huỳnh Ngọc A; địa chỉ: tỉnh Quảng Ngãi, có mặt;

- Ông Nguyễn Hữu P; địa chỉ: tỉnh Quảng Ngãi, có mặt;

3. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Công ty TNHH MTV N; địa chỉ: tỉnh Champasak, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Người đại diện theo pháp luật: ông Dương Đình C, chức vụ - Giám đốc, vắng mặt;

3.2. Công ty TNHH P; địa chỉ: tỉnh Quảng Ngãi.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Vương Thị Thu D, chức vụ - Giám đốc Người đại diện theo ủy quyền:

- Ông Huỳnh Ngọc A; địa chỉ: tỉnh Quảng Ngãi, có mặt;

- Ông Nguyễn Hữu P; địa chỉ: tỉnh Quảng Ngãi, có mặt;

3.3. Ông Trần K1; địa chỉ: tỉnh Hà Tĩnh, vắng mặt.

Người kháng cáo: Công ty TNHH P và Công ty TNHH K.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo đơn khởi kiện, đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện ngày 10/02/2019 và ngày 15/9/2018, các Bản tự khai, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và trình bày của nguyên đơn thể hiện:

1.1. Về yêu cầu khởi kiện đối với Công ty N:

Trong thời gian làm ăn ở tỉnh Attapư, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (gọi tắt là tỉnh Attapư, Lào), thông qua ông Dương Đình C là Giám đốc Công ty TNHH MTV N (gọi tắt là Công ty N) tôi được biết tỉnh Attapư phê duyệt cho Công ty N vào khai thác gỗ tại thủy điện Năm Công 1 khu vực 2 năm 2014 – 2015 (theo Quyết định số 1509/TTr-ATP ngày 19/12/2004) và ký Hợp đồng khai thác và mua bán gỗ, nông lâm sản khu vực lòng hồ thủy điện Năm Công 1, 2, 3 huyện Phu Vông, tỉnh Attapư năm 2014 – 2015 (theo Hợp đồng số 1540/TTr-ATP ngày 25/12/2004).

Công ty N đã bán lại chỉ tiêu (Côta) cho Công ty TNHH K (gọi tắt là Công ty K) và cùng thỏa thuận: Công ty N làm việc với Ban phụ trách khu vực thủy điện Năm Công 1, 2, 3 để đơn vị máy móc của tôi khai thác gỗ cho Công ty N trong khu vực thủy điện Năm Công 01 tới 02. Công ty K có trách nhiệm thuê người và phương tiện, máy móc để thực hiện việc khai thác gỗ.

Quá trình thực hiện thỏa thuận:

- Ngày 31/12/1014 tôi (đại diện Công ty K) ký Hợp đồng khai thác gỗ với ông Trần K1 – Đội trưởng đội khai thác làm đại diện. Nội dung ông Trần K1 chịu trách nhiệm tập trung máy móc, thiết bị, phương tiện, con người để khai thác gỗ theo yêu cầu Công ty K;

- Ngày 05/01/2015 Ban phụ trách hiện trường thủy điện Năm Công 1, 2, 3 cùng Công ty N và K ký Hợp đồng số 118/Btr-NC nội dung: đơn vị máy móc của tôi có quyền vào khai thác gỗ cho Công ty N trong khu vực thủy điện Năm Công 01 cụm 2.

Để thực hiện Hợp đồng đã nộp bảo chứng hợp đồng là 10.000 USD;

- Ngày 09/01/2015 tôi nhận đầy đủ các giấy tờ cần thiết của Ban quản lý thủy điện Năm Công 1, 2, 3 cấp và cho ông Trần K1 vào khai thác gỗ theo hợp đồng đã ký giữa Công ty K với Công ty N;

- Ngày 25/01/2015 Công ty N cùng Công ty K ký Hợp đồng Ủy thác đầu tư và tiêu thụ gỗ tròn số 02/HĐ-UT có nội dung: Công ty N đồng ý ủy thác cho Công ty K đầu tư toàn bộ vốn, tổ chức lực lượng để khai thác, nộp các khoản thuế theo quy định của Nhà nước Lào và tiêu thụ gỗ tròn từ nhóm 1 đến nhóm 4 ở trong khu vực lòng hồ thủy điện Năm Công 1, 2, 3 huyện Phu Vông, tỉnh Attapư, Lào; Công ty N chịu trách nhiệm về các thủ tục pháp lý của Nhà nước Lào cho việc khai thác và tiêu thụ sản phẩm gỗ tròn đã được khai thác về Việt Nam trong số lượng 3.000m3, ngoài số lượng 3.000m3 Công ty N sẽ xuất hết về Việt Nam cho Công ty K;

Công ty K chịu trách nhiệm đầu tư toàn bộ vốn để khai thác nộp thuế cho Nhà nước Lào và các khoản lệ phí có liên quan cho Công ty N theo thỏa thuận như sau: Gỗ cứng-120USD/m3; Gỗ mềm-40USD/m3;

- Ngày 08/03/2015 Công ty K và Công ty N ký Hợp đồng nguyên tắc mua – bán gỗ tròn số 02/HĐ với khối lượng là 3.000m3. Địa điểm giao hàng tại xã B, Việt Nam. Hợp đồng có hiệu lực đến 31/12/2016 và được gia hạn đến 31/12/2017;

- Ngày 18/3/2015 Công ty K đã vận chuyển đợt 1 ra bãi 2 huyện Phu Vông, Lào số lượng gỗ 987,616 m3 và được cấp có thẩm quyền tỉnh Attapư kiểm tra và chấp thuận tại Biên bản đo lượng và phân loại chất lượng gỗ thủy điện Năm Công số 323/BTTHT-Attapư ngày 18/3/2015;

- Ngày 30/3/2015 Công ty N ký hợp đồng mua bán gỗ tròn với Công ty K số 01 ngày 30/3/2015, khối lượng gỗ tròn đã được các ngành chức năng Lào nghiệm thu nộp thuế đợt 1 là 987,616m3, đã được Sở Tài chính và Công chứng tỉnh Attapư, Lào xác nhận có hiệu lực thành tiền 159,451.56USD để xuất về Việt Nam cho Công ty K qua cửa khẩu Phu Cưa, tỉnh Attapư, nước Lào.

Toàn bộ lô gỗ tròn 987,616m3 đã được Công ty N xuất khẩu cho Công ty K vận chuyển về đến cửa khẩu Quốc tế B Việt Nam;

- Ngày 11/05/2015 Công ty K đã vận chuyển đợt 2 ra bãi hai huyện Phu Vông, Lào được số gỗ tròn là 1.359,729 m3;

- Ngày 01/06/2015 Công ty N ký hợp đồng với Công ty K hợp đồng số 02 để xuất khẩu về Việt Nam với số lượng gỗ 1.359,729m3, thành tiền 229,380.39 USD;

- Ngày 03/06/2015 Công ty N có Giấy phép xuất khẩu gỗ 1.359,729m3 về Việt Nam cho Công ty K qua cửa khẩu Phu Cưa, tỉnh Attapư, nước Lào, đã được Công ty K vận chuyển về đến cửa khẩu Quốc tế B Việt Nam. Nhưng Công ty N chỉ thực hiện việc giao 685,43m3 gỗ tròn (số đo tại Lào); về Việt Nam đo lại khối lượng 775,07m3 cho Công ty K theo Hợp đồng mua bán gỗ tròn số 02 ngày 08/3/2015.

Ngày 14/04/2015 Công ty K làm thủ tục nhập khẩu và xuất bán cho Công ty P gỗ có khối lượng 775,07m3, tại Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000015, ký hiệu KH/11P, mẫu số 01GTKT3/001 và Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000016, ký hiệu KH/11P, mẫu số 01GTKT3/001 thành tiền 6.690.226.400 đồng bao gồm thuế giá trị gia tăng. Lý do gỗ do Công ty K khai thác theo chỉ tiêu của Công ty N, nhưng lại ký các hợp đồng mua bán với Công ty N vì Công ty N ký với Ban quản lý phụ trách chỉ đạo về việc khai thác gỗ và làm sạch lòng hồ của đập thủy điện Nặm Công 1, 2, 3 Hợp đồng số 1540/TTr ngày 25/12/2014 về việc khai thác và mua bán gỗ, đồ lâm sản và tại khoản 1 Điều 4 Hợp đồng có quy định: “...Hạn chế cấm giao, chuyển hợp đồng này cho người khác, nếu bị bắt gặp và nắm bắt được sẽ hủy hợp đồng ngay…”.

Số gỗ còn lại 2.347,345m3 – 775,07m3 = 1.572,275m3 Công ty N bán cho Công ty P.

Công ty K đề nghị Tòa án giải quyết yêu cầu Công ty N thanh toán cho Công ty K số tiền là 5.627.510.617đ (Năm tỷ sáu trăm hai mươi bảy triệu năm trăm mười nghìn sáu trăm mười bảy đồng) tương ứng số gỗ 1.572,275m3. Tại phiên tòa nguyên đơn rút yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền 3.777.068.050đ (Ba tỷ bảy trăm bảy mươi bảy triệu không trăm sáu mươi tám nghìn không trăm năm mươi đồng).

Về thời hiệu khởi kiện đối với Công ty N, nguyên đơn cho rằng thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty K bị xâm phạm là ngày ông Dương Đình C – Giám đốc Công ty N gửi văn bản trình bày đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum (ngày 06/6/2017), tính đến ngày Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn đối với Công ty N (28/12/2018).

1.2. Về yêu cầu khởi kiện đối với Công ty P:

- Ngày 26/12/2014 Công ty K và Công ty P ký Hợp đồng mua bán gỗ tròn số 15/HĐKT/PP/14 có nội dung: Công ty K bán gỗ tròn cho Công ty P trị giá 6.082.024.000 đồng (chưa tính thuế VAT 10%).

Công ty P chuyển tiền mua gỗ tròn trước cho Công ty K bằng ủy nhiệm chi ngày 09/02/2015 số tiền 1.000.000.000 đồng; ngày 02/3/2015 số tiền 1.000.000.000 đồng; ngày 17/3/2015 số tiền 1.000.000.000 đồng và ngày 26/3/2015 số tiền 2.000.000.000 đồng.

Tổng cộng 5.000.000.000 đồng.

- Ngày 14/04/2015 Công ty K đã giao cho Công ty P 775,07m3 gỗ tại cửa khẩu B, Ngọc Hồi, Kon Tum.

Công ty P vi phạm hợp đồng và còn nợ Công ty K số tiền 1.690.226.400 đồng (đã tính 10% giá trị gia tăng).

Về mức lãi suất được quy định tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 và Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về lãi, lãi suất, phạt vi phạm: mức lãi suất cho vay tại Ngân hàng V, B và A đều ở mức 7,5%/năm x 1,5% = 11,25%/năm và bằng = 0,9375%/tháng.

Tiền lãi cụ thể (tính lãi từ ngày 15/9/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm 07/01/2022 = 39 tháng 22 ngày): 1.690.226.400 đồng x 0,9375%/tháng x 39 tháng 22 ngày = 629.609.344đ.

Đề nghị Tòa án giải quyết yêu cầu Công ty P phải trả cho Công ty K số tiền còn nợ là 1.690.226.400 đồng và tiền lãi quá hạn 629.609.344 đồng. Tổng cộng là 2.319.836.360 đồng (Hai tỷ ba trăm mười chín triệu tám trăm ba mươi sáu nghìn ba trăm sáu mươi đồng).

Về thời hiệu khởi kiện đối với Công ty P, nguyên đơn cho rằng thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty K bị xâm phạm là ngày nguyên đơn khởi kiện Công ty P ra Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum (ngày 15/9/2018), tính đến ngày Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum xét xử vụ án (ngày 07/01/2022).

2. Bị đơn:

2.1. Công ty TNHH N (do ông Dương Đình C – Người đại diện theo pháp luật) trình bày:

Sau khi được Chính phủ Lào cấp phép Quyết định số 1540/TTV ngày 25/12/2014 về việc tận thu khai thác gỗ tại lòng hồ thủy điện Năm Công 1, 2, 3 thuộc tỉnh Attapư, Lào, vì điều kiện Công ty bận nhiều công việc không khai thác được nên ủy quyền và chuyển nhượng lại cho Công ty K và Công ty P hợp tác đầu tư khai thác chung với nhau.

Theo thỏa thuận hợp đồng, Công ty K và Công ty P phải trả cho Công ty N là 40USD/m3 đồng thời chịu trách nhiệm những khoản thuế cho Nhà nước Lào và đóng góp những chi phí nhỏ có liên quan tới địa bàn khai thác ở địa phương.

Công ty N phải đảm bảo các thủ tục pháp lý như: làm Hợp đồng mua bán gỗ và ký các Hóa đơn xuất khẩu thuận tiện cho việc Công ty K và Công ty P đưa gỗ về Việt Nam. Ngoài ra, Công ty N không thu phí những khoản nào khác… Tổng cộng số gỗ Công ty N hoàn tất về các thủ tục như: Hợp đồng mua bán gỗ, thủ tục xuất khẩu đã đưa về Việt Nam cho hai Công ty K và Công ty P là 2.347,345 m3, Công ty N đã nhận phí Cota của Công ty K trích nộp số tiền 82.157,04 USD = 2.347,345 m3.

Các văn bản gửi đến Tòa án và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum, ông Dương Đình C thừa nhận có ký kết với Công ty K Hợp đồng ủy thác đầu tư và tiêu thụ gỗ tròn số 02 ngày 25/01/2015 và các Hợp đồng mua bán gỗ tròn như ông Huỳnh Thúc K – Giám đốc Công ty K trình bày.

Do vậy Công ty N không đồng ý yêu cầu khởi kiện của Công ty K và có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

2.2. Công ty TNHH P (do bà Vương Thị Thu D – Người đại diện theo pháp luật) trình bày:

Ngày 22/12/2014 Công ty N có Ủy quyền cho Công ty P khai thác gỗ theo Quyết định số 1509/QĐ ngày 19/12/12014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Attapư, nước Lào cấp cho Công ty N có nội dung: Công ty P chịu trách nhiệm khai thác đúng theo quy định hợp đồng của Ban quản lý lòng hồ đề ra, quản lý công nhân trong quá trình khai thác và phương tiện đúng theo quy định của Chính phủ Lào. Sau khi bên B khai thác ra thì phải chi trả cho bên A với giá 30USD/m3. Công ty N chịu trách nhiệm về pháp lý để xuất khẩu gỗ nhập cho Công ty P. Chồng tôi là ông Nguyễn Hữu P đại diện cho Công ty P trực tiếp quản lý, thuê nhân công, phương tiện, đầu tư vốn, chi phí cho việc khai thác gỗ.

Ông Huỳnh Thúc K - Giám đốc Công ty K đề nghị chồng tôi cho Công ty K cùng hợp tác khai thác gỗ với Công ty P theo Ủy quyền của Công ty N và được chồng tôi đồng ý. Theo thỏa thuận Công ty P góp 2/3, Công ty K góp 1/3 số tiền đầu tư và được chia trên tỷ lệ vốn đầu tư. Việc thỏa thuận giữa hai bên chỉ bằng lời nói chứ không lập thành văn bản. Trong phần vốn khai thác của Công ty K thì tôi được biết có sự đóng góp của các ông Phạm Ngọc Đ, La Ngọc A nhưng tôi không biết những người này đóng góp là bao nhiêu.

Ngày 26/12/2014 Công ty P lập Hợp đồng mua gỗ của Công ty K và vay Ngân hàng 5 tỷ để chuyển cho Công ty K.

Tổng số gỗ tròn khai thác tại Lào của Công ty P và Công ty K do Công ty N đại diện nhập về Việt Nam gồm 02 lô gỗ: lô đầu 987,616m3 và lô sau 1.359,729m3. Lẽ ra toàn bộ số gỗ khai thác trên phải nhập hết về cho Công ty P, nhưng vì có liên quan đến số tiền 5.000.000.000 đồng Công ty P vay theo Hợp đồng mua bán gỗ giữa Công ty P và Công ty K nên khoảng 2/3 lô gỗ đầu 987,616m3 được chở về nhập cho Công ty K 775,07m3 để Công ty K bán lại cho Công ty P nhằm hợp thức hóa thủ tục vay 5.000.000.000 đồng tại Ngân hàng. Số gỗ còn lại 1.699,259m3 được nhập cho Công ty P.

Năm 2017 trong lúc giữa Công ty P và Công ty K chưa giải quyết xong với nhau việc góp vốn, phân chia lợi nhuận thì ông Huỳnh Thúc K – Giám đốc Công ty K làm đơn tố cáo đến Công an tỉnh Kon Tum cho rằng chồng tôi (ông Nguyễn Hữu P) đại diện Công ty P lừa đảo số tiền 12 tỷ đồng. Qua kết quả điều tra, Công an tỉnh Kon Tum xác định không có dấu hiệu tội phạm mà do không thống nhất được số tiền góp vốn và chi phí trong quá trình hợp tác kinh doanh giữa ông K với chồng tôi nên xảy ra tranh chấp dân sự, do đó không khởi tố về hình sự.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, ông Huỳnh Ngọc A và ông Nguyễn Hữu P là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn nhất trí với ý kiến trình bày nêu trên của bà D và bổ sung thêm nội dung sau:

+ Điều lệ hoạt động của Công ty P từ năm 2013 đến nay không có thay đổi gì, bà Vương Thị Thu D – Giám đốc Công ty vẫn là người đại diện theo pháp luật của Công ty P.

+ Giữa Công ty K và Công ty P cùng hợp tác khai thác gỗ tại tỉnh Attapư, nước Lào theo chỉ tiêu của Công ty N với tỷ lệ góp: Công ty P 2/3, Công ty K 1/3, nhưng chỉ thỏa thuận bằng lời nói chứ không có hợp đồng bằng văn bản.

+ Công ty K và Công ty P có ký Hợp đồng mua bán gỗ số 12 ngày 26/12/2014. Trong đó, Công ty P là bên mua, Công ty K là bên bán. Sau đó, thay đổi bằng Hợp đồng số 15 cùng ngày 26/12/2014, mục đích thay đổi hợp đồng số 15 là để vay tiền.

+ Công ty P đã góp vốn cùng khai thác gỗ với Công ty K số tiền 05 tỷ.

+ Ngày 22/12/2014 Công ty N có Ủy quyền cho Công ty P khai thác gỗ theo chỉ tiêu của Công ty N tại tỉnh Attapư, nước Lào.

Qúa trình giải quyết tại cấp sơ thẩm, ông Huỳnh Ngọc A đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty P trình bày bổ sung: yêu cầu tuyên Hợp đồng số 15 ngày 26/12/2014 vô hiệu với lý do hợp đồng này giả tạo vì đã thay thế Hợp đồng số 12 ngày 26/12/2014. Do đó, Công ty P không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

3. Người làm chứng ông Phạm Ngọc Đ và ông La Ngọc A có ý kiến:

Vào khoảng tháng 10/2014 (âm lịch) tôi và 03 người (ông Nguyễn Hữu P, ông La Ngọc A và ông Huỳnh Thúc K) có hùn vốn để khai thác gỗ tại Lào, các bên thống nhất ăn chia lời, lỗ được thống nhất như sau: Tôi đóng 1/9 (một phần chín); ông A đóng 1/9 (một phần chín); ông K đóng 1/9 (một phần chín); ông P đóng 6/9 (sáu phần chín).

Để đảm bảo các thủ tục khai thác gỗ tại Lào theo quy định, chúng tôi đã thống nhất giao cho ông Huỳnh Thúc K (Giám đốc Công ty K) đứng tên ký hợp đồng để mua cota khai thác gỗ với Công ty N do ông Dương Đình C làm Giám đốc, cụ thể góp vốn như sau:

- Ông Phạm Ngọc Đ: Tổng số tiền góp là 1.550.000.000đ (Một tỷ năm trăm năm mươi triệu đồng chẵn),trong đó:

+ Chuyển tiền vào tài khoản số 0291000305666 tại Ngân hàng TMCP V do ông Huỳnh Thúc K đứng tên là 1.050.000.000đ (Một tỷ không trăm năm mươi triệu đồng) + Chuyển tiền trực tiếp cho ông Nguyễn Hữu P với số tiền là 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng chẵn), cụ thể: ngày 27/01/2015 (âm lịch) chuyển lần 1 với số tiền 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng chẵn); ngày 10/02/2015 (âm lịch) chuyển lần 2 với số tiền 300.000.000đ (Ba trăm triệu đồng chẵn). Số tiền này ông P đã trả cho ông Đ nên ông Đ không yêu cầu xem xét.

- Ông La Ngọc A: Tổng số tiền góp vốn đưa cho ông Huỳnh Thúc K- Giám đốc Công ty K tại Kon Tum với số tiền là 500.000.000đ (Năm trăm triệu đồng chẵn).

Quá trình giải quyết vụ án, ông K và ông P thừa nhận có nhận số tiền như ông Đ và ông A trình bày như trên, đồng thời các bên đều cho rằng số tiền này là quan hệ cá nhân với nhau, không liên quan gì đến Công ty K và Công ty P.

Với nội dung nêu trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 07/01/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum đã quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 30; khoản 3 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 37; điểm b khoản 1 Điều 39; điểm g khoản 1 Điều 40; Điều 42; Điều 143; Điều 144; Khoản 1 Điều 147; Điều 151; Điều 152; khoản 1 Điều 153; Điều 154; Điều 185; điểm e khoản 1 Điều 217; Điều 218; Điều 244; Điều 273; điểm c khoản 1 Điều 470; Điều 476; khoản 1, 2 Điều 479 Chương XXXVIII quy định chung về thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Điều 149; Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015. Điều 4; Điều 306; Điều 319 Luật Thương mại năm 2005. Điều 6; Điều 24; khoản 4 Điều 26; khoản 3 Điều 18; Điều 44 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:

1. Chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn – Công ty TNHH K đề ngày 15/9/2018: Buộc Công ty TNHH P phải trả cho Công ty TNHH K số tiền 2.319.835.744đ (Hai tỷ ba trăm mười chín triệu tám trăm ba mươi lăm nghìn bảy trăm bốn mươi bốn đồng). Trong đó: tiền mua gỗ 1.690.226.400 đồng, tiền lãi 629.609.344 đồng.

2. Đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn – Công ty TNHH K đề ngày 27/12/2018, đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện ngày 10/02/2019 đối với yêu cầu Công ty TNHH MTV N thanh toán cho Công ty TNHH K số tiền là 5.627.510.617đ (Năm tỷ sáu trăm hai mươi bảy triệu năm trăm mười nghìn sáu trăm mười bảy đồng) tương ứng số gỗ 1.572,275m3.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo và nghĩa vụ thi hành án theo quy định của pháp luật.

Ngày 22/01/2022 Công ty TNHH K kháng cáo một phần bản án sơ thẩm với nội dung: Hợp đồng số 15/HĐKT/PP/14 ngày 26/12/2014 giữa Công ty TNHH P và Công ty TNHH K được thanh lý kể từ ngày 07/01/2022; hủy quyết định đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn – Công ty TNHH K đề ngày 27/12/2018, đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện ngày 10/02/2019 đối với yêu cầu Công ty TNHH MTV N thanh toán cho Công ty TNHH K số tiền là 5.627.510.617đ (Năm tỷ sáu trăm hai mươi bảy triệu năm trăm mười nghìn sáu trăm mười bảy đồng). Hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.

Ngày 17/01/2022 Công ty TNHH P kháng cáo và kháng cáo bổ sung vào các ngày 18, 24/01/2022 đối với bản án sơ thẩm với nội dung: yêu cầu Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH K và đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn trình bày giữ nguyên đơn khởi kiện và đơn kháng cáo; bị đơn Công ty P trình bày giữ nguyên đơn kháng cáo. Các bên đương sự không thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn Luật sư Đinh Văn Hiến trình bày: Hợp đồng số 15 là có thật, không giả tạo. Công ty K đã giao hết gỗ, thực hiện xong nghĩa vụ của người bán; còn Công ty P không thực hiện việc trả tiền nên Công ty K mới khởi kiện. Công ty N lấy gỗ của Công ty K xuất bán cho Công ty P. Công ty K đã nhiều lần làm việc với N và N hứa sẽ giải quyết trong thời gian ngắn nhất, gia hạn Hợp đồng đến năm 2017 nhưng không thực hiện nên năm 2019 Công ty K khởi kiện là đúng và trong thời hiệu khởi kiện. Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện Công ty N là không đúng. Vì vậy, đề nghị HĐXX phúc thẩm thanh lý Hợp đồng số 15, buộc Công ty P trả cho Công ty K số tiền 1.690.226.400 đồng và tiền lãi quá hạn 629.609.344 đồng, tổng cộng là 2.319.836.360 đồng; đồng thời giải quyết yêu cầu khởi kiện buộc Công ty N thanh toán cho Công ty K số tiền là 5.627.510.617đ. Ông Huỳnh Thúc K thống nhất như ý kiến của Luật sư Đinh Văn Hiến.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn (Công ty P) ông Huỳnh Ngọc A trình bày: Công ty P khai thác gỗ là do Ủy quyền của Công ty N, có nộp thuế Lào và nhập gỗ về Việt Nam. Công ty K và Công ty P cùng hợp tác khai thác gỗ như tôi đã trình bày ở phần hỏi đáp. Công ty P được Công ty K, ông Đ, ông A giao nhiệm vụ bán gỗ với khối lượng 2.740m3, trong đó có cả 775m3. Do đó, Hợp đồng số 12 và số 15 là để vay Ngân hàng 5.000.000.000đ nhằm làm nguồn vốn chung khai thác gỗ tại Lào. Thực tế Công ty P chuyển cho Công ty K bằng 04 ủy nhiệm chi với số tiền 5.000.000.000đ. Do đó hai Hợp đồng số 12 và số 15 là giả tạo. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn Công ty P, sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ông Nguyễn Hữu P thống nhất với ý kiến của ông A.

Ông K tranh luận: Tôi khẳng định Công ty P và Công ty K không làm ăn, khai thác chung. Còn quyết định của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Kon Tum là việc của 04 cá nhân tôi, A, Đ, P. Không liên quan đến Công ty K, Công ty P và Công ty N. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giải quyết buộc Công ty P trả tiền cho Công ty K.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu:

Về tố tụng: Việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng và việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng từ khi thụ lý phúc thẩm vụ án, đến trước thời điểm nghị án là đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đơn kháng cáo của Công ty TNHH K và của Công ty TNHH P là trong thời hạn luật định.

Về nội dung vụ án: Công ty K, Công ty TNHH P và Công ty N không có quan hệ mua bán hàng hóa theo như các Hợp đồng đã ký kết, mà thực chất là hợp thức hóa giấy tờ để đưa số gỗ khai thác bên Lào về Việt Nam và các công ty này đã thanh toán dứt điểm tiền phí cho nhau. Giữa Công ty K và Công ty TNHH P có đầu tư chung để khai thác gỗ bên Lào, nên Công ty K tố giác Công ty TNHH P lừa đảo là không có căn cứ. Đề nghị HĐXX phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của Công ty K, giữ nguyên phần quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của Công ty K đối với Công ty N. Áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, chấp nhận kháng cáo của Công ty P, sửa án sơ thẩm theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của Công ty K đối với Công ty P.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của đương sự và của Kiểm sát viên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về tố tụng:

Ngày 22/01/2022 Công ty TNHH K kháng cáo một phần bản án sơ thẩm; ngày 17/01/2022 Công ty TNHH P kháng cáo, kháng cáo bổ sung vào các ngày 18, 24/01/2022 đối với bản án sơ thẩm. Như vậy đơn kháng cáo của Công ty TNHH K và của Công ty TNHH P là trong thời hạn quy định tại Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự, do đó Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

[2]. Xét kháng cáo của Công ty TNHH K:

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, ông Huỳnh Thúc K trình bày cho rằng: Hợp đồng giữa Công ty TNHH K với Công ty N về việc khai thác gỗ chưa được quyết toán thanh lý. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và trình bày của các đương sự đã áp dụng Điều 185 Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều 4; Điều 319 Luật Thương mại năm 2005 quyết định:

Đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn – Công ty TNHH K đề ngày 27/12/2018, đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện ngày 10/02/2019 đối với yêu cầu Công ty TNHH MTV N thanh toán cho Công ty TNHH K số tiền là 5.627.510.617đ (Năm tỷ sáu trăm hai mươi bảy triệu năm trăm mười nghìn sáu trăm mười bảy đồng) tương ứng số gỗ 1.572,275m3 do hết thời hiệu khởi kiện là có căn cứ, đúng pháp luật. Hơn nữa, chính ông Huỳnh Thúc K trình bày tại phiên tòa phúc thẩm cho rằng Hợp đồng giữa Công ty TNHH K với Công ty N về việc khai thác gỗ chưa được quyết toán thanh lý nên chưa đủ điều kiện khởi kiện. Do Công ty TNHH K không rút đơn khởi kiện Công ty N nên Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ đối với yêu cầu này của Công ty TNHH K là có căn cứ.

[3]. Xét kháng cáo của Công ty TNHH P: Công ty TNHH K khởi kiện Công ty TNHH P đòi tiền theo Hợp đồng mua bán gỗ tròn số 15/HĐKT/PP/14 ngày 26/12/2014 được ký kết giữa Công ty K và Công ty P. Qúa trình giải quyết vụ án: Công ty TNHH K cho rằng: Công ty TNHH P còn nợ Công ty TNHH K số tiền 2.319.835.744đ (Hai tỷ ba trăm mười chín triệu tám trăm ba mươi lăm nghìn bảy trăm bốn mươi bốn đồng). Trong đó: tiền mua gỗ là 1.690.226.400 đồng, tiền lãi là 629.609.344 đồng.

Công ty TNHH P cho rằng: Công ty TNHH P và Công ty TNHH K có hợp tác khai thác gỗ tại Lào. Để có nguồn vốn góp, Công ty TNHH P và Công ty TNHH K ký Hợp đồng mua bán gỗ tròn số 15/HĐKT/PP/14 ngày 26/12/2014 nhằm hợp thức hóa thủ tục vay 5.000.000.000 đồng tại Ngân hàng, chứ thực tế không có việc mua bán gỗ giữa hai Công ty.

Xét thấy: tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện:

(1)Tại Biên bản ghi lời khai do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum lập đối với ông Huỳnh Thúc K có nội dung:

Biên bản ngày 13/6/2017 ông K trình bày: “... Tôi (K) trình bày: qúa trình khai thác 02 lô gỗ theo cô ta của Công ty TNHH N thì Công ty TNHH K chỉ chuyển cho Công ty TNHH N 52.000 USD (Năm hai ngàn đô la Mỹ) chi phí mua cô ta và đưa bằng tiền mặt chứ không phải chuyển khoản... Số tiền thuế Lào đối với lô gỗ 987,616m3 là do Công ty TNHH K nộp, lô gỗ 1.359,729m3 là do Công ty TNHH P nộp. Số tiền vận chuyển từ bãi 2 về cửa khẩu B thì Công ty TNHH K có trả hơn 01 tỷ, còn lại bao nhiêu thì Công ty TNHH P trả...” (bút lục số 428, 429);

Biên bản ngày 16/5/2017 ông K trình bày: “... Số tiền ông P phải trả cho tôi là 7.008.389.833đ... giữa tôi (K) và ông P, ông A, ông Đ là các đối tác làm ăn chung với nhau và gỗ khai thác được vận chuyển về Việt Nam đã bán hết, đề nghị ông P phải thanh toán tiền cho tôi (K) và ông A, ông Đ. Nếu ông P nói là đã chuyển trả tiền cho Công ty TNHH N thì đề nghị Công ty TNHH N làm rõ có nhận tiền hay không, nếu có thì phải trả tiền cho tôi (K), ông A, ông Đ. Nếu không nhận thì đề nghị ông P phải trả cho chúng tôi... lúc ông L - Công ty TNHH N ký khống chỉ cho ông P thì tôi (K) cũng ở đó và tôi (K) biết việc ông L ký khống chỉ đưa cho ông P để ông P đi làm thủ tục mở Tờ khai nhập khẩu gỗ về Việt nam...” (bút lục số 430, 431);

Biên bản ngày 27/6/2016 ông K trình bày: “... Vào khoảng cuối năm 2014 tôi (K), ông Phạm Ngọc Đ, ông Nguyễn Hữu P, ông La Ngọc A có gặp nhau và thỏa thuận góp vốn để làm ăn khai thác gỗ tại nước CHDCND Lào. Số tiền góp vốn được chia làm 02 phần; tôi (K) với ông Đ, ông A chịu 01 phần, còn ông P chịu 02 phần. Sau khi thỏa thuận thống nhất thì tất cả đồng ý giao cho Công ty TNHH K do tôi làm Giám đốc đứng ra ký kết Hợp đồng nguyên tắc mua bán gỗ tròn với Công ty TNHH N, số lượng gỗ được khai thác khoảng 3.000m3, thời gian khai thác đến 31/12/2016 theo đúng Hợp đồng nguyên tắc mua bán gỗ tròn số 02/HĐ-MB ngày 08/3/2015. .. Số gỗ khai thác được là 2.347,344m3 chia làm 02 đợt nghiệm thu tại nước Lào; đợt 1 là 987,615m3, đợt 2 là 1.359,729m3. Trong đợt 1 Công ty TNHH K có mở 01 Tờ khai nhập khẩu gỗ về Việt Nam với khối lượng là 775,070m3, còn lại Công ty TNHH P do bà Vương Thị Thu D (vợ của ông P) đứng ra mở Tờ khai. Số gỗ đã làm thủ tục nhập về Việt Nam là 2.714,75m3, gỗ được để tại tỉnh Kon Tum. Trong đợt 1 gỗ nghiệm thu tại nước Lào là 987,615m3, nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam thì khối lượng gỗ thực tế là 1.114,6m3, Công ty TNHH K có mở 01 Tờ khai với khối lượng là 775,070m3; còn Công ty TNHH P mở 01 Tờ khai với khối lượng là 339,53m3. Trong đợt 2 nghiệm thu tại Lào là 1.359,729m3, nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam thì khối lượng gỗ thực tế là 1.600,15m3, số gỗ này Công ty TNHH P mở Tờ khai... Tôi là người trực tiếp nộp thuế bên Lào đối với lô gỗ 987,615m3, còn lô gỗ 1.359,729m3 thì Công ty TNHH P nộp thuế, nhưng công ty tôi vẫn đứng tên để nộp thuế... Tổng số tiền mà tôi (K) đã chi cho lô gỗ khai thác bên Lào: 11.242.989.833đ... Số tiền 11.242.989.833đ mà tôi đã chi: gồm có tiền của tôi 5.142.989.833đ; tiền ông P 5.100.000.000đ; tiền ông Đ là 1.000.000.000đ... Về vốn góp thì tôi (K), ông Đ, ông A chịu một phần, còn ông P chịu hai phần... Tính tới thời điểm hiện nay thì số tiền tôi (K) và ông A đã đầu tư là 5.142.989.833đ... Tổng của 03 Tờ khai nhập khẩu gỗ là 2.714,75m3 và số gỗ này giao cho ông P và ông Đ bán khoảng 1.714m3, còn lại 1.000m3 để tại bãi gỗ Đ, N và giao cho ông D (người Quảng Ngãi) trông coi chờ đến khi nào anh em thống nhất thì mới bán, nhưng tới khoảng tháng 7/2015 thì ông P đã tự ý lên chở toàn bộ số gỗ này về để tại Quảng Ngãi (để tại nhà của ông P một nửa và để tại kho của ông Sơn một nửa). Sau khi tôi biết ông P đã chở gỗ về Quảng Ngãi thì tôi có điện cho ông P và ông nói là lỡ chở rồi, thôi có gì anh em về dưới này tính toán cho cụ thể. Sau đó tôi (K), ông Đ, ông A, ông P có ngồi tại nhà ông P nhiều lần để tính toán chi phí cụ thể và chia lợi nhuận, nhưng giữa tôi (K), ông Đ, ông A, ông P không thống nhất được chi phí và kéo dài cho tới hôm nay...” (bút lục số 477 đến số 479);

Biên bản ngày 28/9/2016 ông K trình bày: “... Tôi (K), ông P, ông Đ, ông A thống nhất góp vốn đầu tư khai thác gỗ bên Lào... ngoài Hợp đồng ký giữa Công ty TNHH N, Công ty TNHH K thì Công ty TNHH N còn ký 02 Hợp đồng với Công ty TNHH P do bà Vương Thị Thu D (vợ ông P) làm Giám đốc... 02 Hợp đồng này cũng nằm trong số gỗ mà chúng tôi khai thác được bên Lào...” (bút lục số 448, 449);

Biên bản ngày 11/7/2016 ông K trình bày: “... Chi phí 02 lô gỗ 987,615m3 và 1.359,729m3 khai thác tại nước Lào tôi (K) và P tính ngày 17/9/2015 có ký xác nhận là 34.843.085.000đ... Việc tính toán chi phí 02 lô gỗ này căn cứ sổ ghi chép của ông P và tôi và chúng tôi tạm chấp nhận... Tôi (K), P, A, Đ nhiều lần ngồi tính toán chi phí nhưng vẫn chưa thống nhất được ... Tổng số tiền bán gỗ khoảng 35 tỷ đồng. Đợt 1 là 21.709.619.000đ...” (bút lục số 464, 465);

(2)Tại Biên bản ghi lời khai do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum lập đối với ông Dương Đình C ngày 17/10/2016, ông C trình bày: “... Cuối 2016 ông P (đại diện cho Công ty TNHH P) và ông K (đại diện cho Công ty TNHH K) qua Lào đặt vấn đề mua cô ta khai thác gỗ... Công ty N ký Hợp đồng nguyên tắc với Công ty K và ký 02 Hợp đồng với Công ty P. Việc ký với Công ty P ông K biết, vì chúng tôi hay ngồi nói chuyện với nhau nên việc này ông K biết, vì hai bên có làm ăn chung... Các khoản thuế Lào trong lô gỗ xuất cho Công ty P và Công ty K thì Công ty N phải đứng ra nộp. Do đó, Công ty P và Công ty K phải chuyển tiền cho Công ty N theo các Hợp đồng vào tài khoản của Công ty N. Sau đó Công ty N viết Séc cho ông K, ông P đi nộp thuế Lào...” (bút lục số 438 đến 441);

(3)Tại Biên bản ghi lời khai do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum lập đối với ông La Ngọc A có nội dung:

Biên bản ngày 04/7/2016 ông A trình bày “... Tôi làm ăn chung với ông K. Sau khi có được cô ta thì ông P mới góp vốn làm ăn chung. Công ty K làm thủ tục nhập lô gỗ 987,615m3; Công ty P làm thủ tục nhập lô gỗ 1.359,729m3. Tôi (A), K, Đ chịu trách nhiệm ký Hợp đồng khai thác gỗ vận chuyển từ Lào về Việt Nam. Sau khi nhập về Việt Nam thì ông P chịu trách nhiệm bán 02 lô gỗ trên. Tổng 02 lô gỗ là 2.347,344m3, ông P đã bán được 1.267,344m3 với số tiền 21,7 tỷ đồng. Số còn lại 1.080m3 ông P bán...” (bút lục số 466, 467);

Biên bản ngày 04/8/2016 ông A trình bày “... Ngày 17/9/2016 ông P, ông K lập Biên bản và ký xác nhận cổ phần: P là 262.955 USD; K là 152.348 USD. Tổng chi phí là 34.842.085 USD...” (bút lục số 462, 463);

(4)Tại Biên bản ghi lời khai do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum lập đối với ông Phạm Ngọc Đ ngày 04/7/2016, ông Đ trình bày: “... Cuối 2014 ông K rủ tôi chung làm gỗ Lào. Góp vốn gồm tôi (Đ), A, P, K. Tôi (Đ), A, K 01 phần; P 02 phần. Đồng ý Công ty K ký Hợp đồng. Toàn bộ gỗ khai thác được ở Lào giao cho P đứng ra bán được 35 tỷ đồng. 02 lô 339,53m3, lô 1.600,15m3 chính là 02 lô 987,615m3 và lô 1.359,729m3...” (bút lục số 460, 461);

(5)Tại Biên bản ghi lời khai do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum lập đối với ông Nguyễn Hữu P các ngày 27, 28/6/2016; các ngày 02, 24, 25/8/2016 và ngày 04/10/2016 ông P trình bày: “... P, K làm ăn chung; P 02 phần, K 01 phần. 02 lô 339,53m3 và 1.600,15m3 nằm trong 02 lô 987,615m3 và lô 1.359,729m3 Công ty K ký với Công ty N. Công ty P không ký vì làm thủ tục vay 05 tỷ đồng và ký Hợp đồng mua bán gỗ để làm thủ tục vay Ngân hàng. Thực tế 05 tỷ đồng chuyển cho Công ty K để huy động vốn. 02 lô gỗ này tôi bán hết là 13.335.426.238đ. Vốn góp, tôi (P) là 10.732.384.000đ; K là 3.948.384đ. Chi phí hết 34.843.085.000đ. bán 2.714,750m3 thực tế được 19.863.352.956đ...” (bút lục số 446 đến 481).

[4]. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm hôm nay, các đương sự không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ mới. Căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các bên đương sự và những nội dung được phân tích tại các mục [1], [2] và [3] nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

Mặc dù các bên không thỏa thuận bằng văn bản hoặc đều thừa nhận là có hợp tác làm ăn chung. Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của các bên tại Công an tỉnh Kon Tum có căn cứ xác định: Công ty TNHH K và Công ty TNHH P có hợp tác làm ăn chung mua cô ta cùng khai thác gỗ bên Lào là có căn cứ. Trong quá trình khai thác gỗ để bổ sung nguồn vốn chung, Công ty TNHH K và Công ty TNHH P ký Hợp đồng số 12 ngày 26/12/2014 và sau đó là Hợp đồng số 15 ngày 26/12/2014 nhằm mục đích để Công ty TNHH P vay 05 tỷ đồng của Ngân hàng và Công ty TNHH P đã chuyển 05 tỷ đồng cho Công ty TNHH K bằng những ủy nhiệm chi. Do đó, việc mua bán gỗ giữa Công ty TNHH K và Công ty TNHH P theo Hợp đồng số 12 ngày 26/12/2014 và Hợp đồng số 15 ngày 26/12/2014 là không có thật. Từ đó, bản án sơ thẩm đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa có căn cứ và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn là Công ty TNHH P. Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH P, sửa một phần bản án sơ thẩm.

[5]. Do sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm nên án phí sơ thẩm tính lại cho phù hợp. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty TNHH K phải chịu theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH K đối với yêu cầu khởi kiện Công ty TNHH MTV N.

Đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn – Công ty TNHH K đề ngày 27/12/2018, đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện ngày 10/02/2019 đối với yêu cầu Công ty TNHH MTV N thanh toán cho Công ty TNHH K số tiền là 5.627.510.617đ (Năm tỷ sáu trăm hai mươi bảy triệu năm trăm mười nghìn sáu trăm mười bảy đồng) tương ứng số gỗ 1.572,275m3.

2. Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH P, sửa một phần bản án sơ thẩm.

Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH K đề ngày 15/9/2018 về việc buộc Công ty TNHH P phải trả cho Công ty TNHH K số tiền 2.319.835.744đ (Hai tỷ ba trăm mười chín triệu tám trăm ba mươi lăm nghìn bảy trăm bốn mươi bốn đồng). Trong đó: tiền mua gỗ 1.690.226.400 đồng, tiền lãi 629.609.344 đồng.

3. Án phí:

Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty TNHH K phải chịu 78.396.715đ. Được trừ vào số tiền Công ty TNHH K đã nộp 31.357.000đ, 57.442.750đ và 300.000đ tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0000161 ngày 03/10/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ngọc Hồi và các Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0000536 ngày 10/4/2019 và số 0000009 ngày 28/01/2022 đều của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum. Hoàn trả cho Công ty TNHH K số tiền 10.703.035đ.

Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty TNHH P không phải chịu.

Hoàn trả cho Công ty TNHH P 300.000đ đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2021/0000012 ngày 16/02/2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

312
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về yêu cầu thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa số 20/2022/KDTM-PT

Số hiệu:20/2022/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 17/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;