Bản án về yêu cầu hủy thông báo nộp thuế, hủy văn bản trả lời đơn số 64/2022/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 64/2022/HC-PT NGÀY 17/03/2022 VỀ YÊU CẦU HỦY THÔNG BÁO NỘP THUẾ, HỦY VĂN BẢN TRẢ LỜI ĐƠN

Ngày 17 tháng 3 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 540/2020/TLPT-HC ngày 06 tháng 11 năm 2020 về việc “Yêu cầu hủy thông báo nộp thuế và hủy văn bản trả lời đơn” do có kháng cáo của người khởi kiện đối với Bản án hành chính sơ thẩm số 11/2020/HC-ST ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1635/2022/QĐ-PT ngày 02 tháng 3 năm 2022 giữa các đương sự:

I. Người khởi kiện: Công ty TNHH IAN P Người đại diện theo pháp luật: Bà Uhm Mi R- Chức vụ: Giám đốc Địa chỉ: Lô B2, Khu công nghiệp Đại Đ - Hoàn S, xã Hoàn S, huyện Tiên D, tỉnh Bắc Ninh.

- Người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện:

1. Ông JEONG K, Hộ chiếu số: M59231872, chức vụ: Phó Giám đốc Công ty TNHH IAN P; vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

2. Ông PARK SANG H, Hộ chiếu số: M30302082; địa chỉ: Công ty TNHH IAN P - Lô B2, Khu công nghiệp Đại Đ - Hoàn S, xã Hoàn S, huyện Tiên D, tỉnh Bắc Ninh; vắng mặt.

II. Người bị kiện:

1. Chi cục hải quan Cảng nội địa Tiên S.

2. Chi cục trưởng Chi cục hải quan Cảng nội địa Tiên S.

Địa chỉ: Đường TS 9, phường Đồng N, TX Từ S, tỉnh Bắc Ninh.

- Đại diện: Ông Vũ Danh H1 - Chi cục trưởng Chi cục hải quan Cảng nội địa Tiên S; có mặt.

3. Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh; địa chỉ: Số 99 Đường Lê Quang Đ, phường Đồng N, thị xã Từ S, tỉnh Bắc Ninh.

- Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Chí T - Phó cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng người khởi kiện và người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Công ty TNHH IAN P (sau đây viết tắt: Công ty IAN) là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và gia công một số sản phẩm phụ kiện trong lĩnh vực điện tử, như chân cắm sạc điện thoại, để cung cấp cho các đối tác trong và ngoài nước.

Để phục vụ hoạt động sản xuất của mình, Công ty IAN tiến hành nhập khẩu một số sản phẩm là nguyên liệu đồng. Quá trình sản xuất và gia công mà Công ty thực hiện phát sinh một số rác thải được phân loại là phế liệu đồng. Công ty tiến hành thu gom các phế liệu đồng này và xuất khẩu ra nước ngoài để thuê các đối tác nước ngoài có chức năng phù hợp thực hiện các công đoạn gia công nhằm tạo ra nguyên liệu đồng ban đầu, tương tự các nguyên liệu mà Công ty nhập khẩu để phục vụ hoạt động sản xuất và gia công.

Sau quá trình gia công phế liệu đồng tại nước ngoài, Công ty nhập khẩu trở lại sản phẩm gia công hoàn thiện, là các nguyên liệu đồng, để tiếp tục sử dụng là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất và gia công của Công ty.

Do hoạt động xuất khẩu phế liệu đồng để gia công sau đó nhập khẩu trở lại sản phẩm đồng hoàn thiện thuộc diện được miễn thuế xuất khẩu theo quy định tại Luật Thuế Xuất khẩu - Thuế Nhập khẩu hiện hành, Công ty đã kê khai các sản phẩm phế liệu xuất khẩu thuộc diện miễn thuế xuất khẩu.

Trong giai đoạn đầu năm 2017, Chi cục Hải quan ICD Tiên S (sau đây viết tắt: Hải quan Tiên S), là nơi Công ty thực hiện các khâu xuất nhập khẩu, đã liên hệ với Công ty, và thông báo rằng Công ty cần kê khai bổ sung đối với các lô hàng phế liệu đồng xuất khẩu theo hướng các lô hàng này sẽ phải chịu thuế xuất khẩu.

Sau quá trình trao đổi và thảo luận, ngày 12 tháng 4 năm 2018, Hải quan Tiên S ban hành Công văn số 132/CCHQTS-NV ("Công văn 132") trả lời Công ty rằng căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu thì phế liệu, phế phẩm kim loại xuất khẩu để gia công không được miễn thuế xuất khẩu, thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu.

Tiếp đó, ngày 4 tháng 5 năm 2018, Hải quan Tiên S đã ban hành Công văn số 171/CCHQTS-NV ("Công văn 171") yêu cầu Công ty thực hiện khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày 4/5/2018 và nộp đủ số tiền thuế thiếu theo quy định đối với các tờ khai hải quan trong giai đoạn từ 01/9/2016 đến 14/7/2017 với tổng số tiền thuế xuất khẩu dự kiến là 4.287.615.619 đồng.

Trong và sau thời điểm ban hành Công văn 171, Công ty IAN đã tích cực làm việc và giải trình bằng văn bản với Hải quan Tiên S, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính thể hiện việc Công ty không đồng ý với cách diễn giải của Hải quan Tiên S. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã không xem xét đến các phân tích, lập luận cũng như chứng minh và giải trình của Công ty IAN.

Ngày 21/5/2018, Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh có Công văn số 515/HQBN-NV (Công văn số 515) về việc trả lời chính sách thuế đối với phế liệu xuất gia công ở nước ngoài.

Công ty vẫn luôn bảo lưu quan điểm của mình và chưa từng chấp nhận cách giải thích của Hải quan Tiên S. Tuy nhiên, Công ty hiểu rằng với các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì một quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn có giá trị pháp lý chừng nào quyết định đó chưa bị hủy bỏ bởi cơ quan hành chính cấp trên, hoặc phán quyết của Tòa án. Hơn thế nữa, việc Công ty không tuân thủ quyết định hành chính của Hải quan Tiên S nêu tại Công văn 171 có thể dẫn đến nguy cơ bị phạt hành chính với hình thức vi phạm nghiêm trọng hơn (vi phạm trốn thuế thay vì khai sai); điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cũng như hoạt động kinh doanh của Công ty. Trên cơ sở đó, mặc dù Công ty không đồng ý với quyết định của của Chi cục Hải quan ICD Tiên S thể hiện tại Công văn 171 và đã tiến hành song song việc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện hành chính đối với quyết định này, Công ty vẫn kê khai bổ sung thuế theo yêu cầu của cơ quan Hải quan.

Do khó khăn về mặt tài chính, Công ty chỉ có khả năng thực hiện nộp được số thuế là 572.510.839 đồng và đã đề nghị và được Hải quan Tiên S chấp nhận cho nộp dần số thuế còn lại, thể hiện tại Công văn số 315/TB-CCHQTS ngày 25/7/2018 ("Công văn 315").

Thực hiện lịch trình nộp dần số thuế còn lại theo quy định tại Thông báo 315, tính đến ngày của Đơn Khởi kiện này (2/5/2019), Công ty đã thực hiện nộp đủ tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp là 5.119.957.083 đồng.

Căn cứ khởi kiện:

Xuyên suốt giai đoạn từ 01/7/2016 cho đến nay, chính sách thuế GTGT nhất quán trong việc xác định rằng chỉ những tài nguyên, khoáng sản có nguồn gốc trong nước và những sản phẩm từ tài nguyên khoáng sản trên mới là đối tượng không chịu thuế GTGT.

Nghị định 87/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, áp dụng việc miễn thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài để gia công cho phía Việt Nam, khi nhập khẩu trở lại được miễn thuế nhập khẩu trên phần trị giá của hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài để gia công theo hợp đồng.

Khoản 6, Điều 16 Luật Thuế XNK quy định: Hàng hóa xuất khẩu để gia công sau đó nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu ...

Nghị định 134/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 87/2010/NĐ-CP ("Nghị định 134"), có hiệu lực từ ngày 01/9/2016, đã thay đổi quy định này theo hướng: Hàng hóa xuất khẩu để gia công, sản phẩm gia công nhập khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, gồm:

a) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu.

Trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện đã xuất khẩu tương ứng với sản phẩm gia công không nhập khẩu trở lại phải chịu thuế xuất khẩu theo mức thuế suất của nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu.

Hàng hóa xuất khẩu để gia công là tài nguyên, khoáng sản, sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51 % giá thành sản phẩm trở lên và hàng hóa xuất khẩu để gia công thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu thì không được miễn thuế xuất khẩu.

Tại Công văn 132 và Công văn 171, Hải quan Tiên S chỉ dựa vào duy nhất quy định: ...hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu để áp thuế xuất khẩu đối với phế liệu đồng xuất khẩu của Công ty IAN. Công ty hoàn toàn đồng ý với Hải quan Tiên S rằng sản phẩm phế liệu đồng là hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu.

Hải quan Tiên S không xem xét đến quy định Các tài nguyên, khoáng sản đưa vào tính mức 51% giá thành sản phẩm trở lên phải là tài nguyên, khoáng sản có nguồn gốc trong nước. Điều này có nghĩa là khi xem xét một sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, mà nguyên liệu để sản xuất sản phẩm đó có nguồn gốc là tài nguyên, khoáng sản, thì phải xem xét liệu các tài nguyên, khoáng sản đó có phải là tài nguyên, khoáng sản có nguồn gốc ở Việt Nam hay không.

Trong khi đó, toàn bộ các nguyên liệu đồng (thanh đồng) phục vụ hoạt động sản xuất của Công ty IAN đều là các nguyên liệu nhập khẩu, hoàn toàn không hề có nguồn gốc trong nước. Toàn bộ nguyên liệu đồng tạo ra phế liệu đồng đều là các nguyên liệu nhập khẩu.

Nay Công ty IAN khởi kiện đề nghị Tòa án:

1. Hủy Công văn số 171/CCHQTS-NV ngày 04/5/2018 của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S về việc yêu cầu khai bổ sung hồ sơ hải quan.

2. Hủy Công văn số 515/HQBN-NV ngày 21/5/2018 của Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh về việc trả lời chính sách thuế đối với phế liệu xuất gia công ở nước ngoài.

3. Hủy Công văn số 315/TB-CCHQTS ngày 25/7/2018 của Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S về việc nộp dần tiền nợ thuế.

4. Buộc Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S hoàn trả lại số tiền đã nộp thuế là 5.119.957.083 đồng.

* Chi cục trưởng Chi cục hải quan Cảng nội địa Tiên S trình bày:

Ngày 23/3/2018 Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S (gọi tắt là Chi cục Hải quan Tiên S) nhận được công văn đề ngày 23/3/2018 của Công ty TNHH IAN P (gọi tắt là Công ty IAN) hỏi về việc xuất khẩu phế liệu đồng đi gia công ở nước ngoài. Ngày 12/4/2018, Chi cục Hải quan Tiên S có công văn số 132/CCHQTS-NV hướng dẫn thủ tục hải quan. Theo đó căn cứ điểm a, khoản 1, Điều 11 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chỉ tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì phế liệu, phế phẩm kim loại xuất khẩu để gia công không được miễn thuế xuất khẩu.

Ngày 20/4/2018, Chi cục Hải quan Tiên S nhận được công văn số 20180418/IAN ngày 18/4/2018 xin gia hạn khai bổ sung và nộp thuế đối với 2 tờ khai năm 2016. Theo nội dung công văn thì trên cơ sở hướng dẫn của Chi cục Hải quan Tiên S, Công ty IAN tự rà soát và xác định năm 2016 Công ty có 02 tờ khai thuộc đối tượng phải nộp thuế xuất khẩu nhưng trong lúc chờ văn bản trả lời của Cục hải quan Bắc Ninh, Công ty IAN xin gia hạn cho đến khi có hướng dẫn của Cục hải quan Bắc Ninh. Ngày 04/5/2018 Chi cục hải quan Tiên S có Công văn số 171/CCHQTS-NV về việc yêu cầu khai bổ sung hồ sơ hải quan. Theo nội dung công văn, Chi cục hải quan Tiên S trả lời Công ty IAN về thẩm quyền xin gia hạn khai bổ sung không thuộc Chi cục, do vậy yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc khai bổ sung theo quy định. Hải quan Tiên S cũng thông báo kết quả rà soát hồ sơ làm thủ tục tại Chi cục từ ngày 01/9/2016 đến ngày 14/7/2017 của Công ty IAN là 15 tờ khai xuất khẩu mảnh vụn đồng thuê gia công, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc khai bổ sung theo quy định với số tiền dự kiến là 4.287.615.619 đồng.

Căn cứ Công văn số 515 của Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh trả lời Công ty IAN về chính sách thuế đối với phế liệu xuất gia công ở nước ngoài, Hải quan Tiên S đã có Công văn số 214 về việc khai bổ sung thuế xuất khẩu.

Ngày 25/7/2018, Công ty IAN có công văn về việc đề nghị nộp dần tiền nợ thuế. Ngày 25/7/2018, Chi cục hải quan Tiên S có Thông báo số 315/TB- CCHQTS gửi Công ty IAN và Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đông Hà Nội về việc nộp dần tiền thuế theo đề nghị của doanh nghiệp từ ngày 10/9/2018 đến 25/4/2019. Tổng số tiền thuế Công ty IAN đã nộp là 5.202.597.011 đồng.

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Công văn số 9744 ngày 04/11/2016 và số 10466 ngày 04/11/2016 của Tổng cục Hải quan; Công văn số 11081 ngày 18/8/2017 của Bộ Tài chính thì: Doanh nghiệp xuất khẩu phế liệu, phế phẩm kim loại để gia công, thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 134/2016/NĐ-CP, theo đó phế liệu, phế phẩm kim loại thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu thì không được miễn thuế xuất khẩu.

Căn cứ Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016; Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 thì các hàng hóa xuất khẩu thuộc mã số HS khai báo 7404000010 có mức thuế xuất khẩu 22%, là đối tượng chịu thuế xuất khẩu.

Chi cục hải quan Tiên S không đồng ý việc khởi kiện của Công ty IAN.

* Đại diện theo ủy quyền của Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh trình bày:

Công ty IAN có văn bản gửi đến Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh về việc đề nghị xác nhận phế liệu đồng xuất khẩu gia công ở nước ngoài thuộc đối tượng chịu thuế hay miễn thuế. Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh đã có Công văn số 515 ngày 21/5/2018 trả lời theo đúng thẩm quyền và đúng quy định pháp luật.

Về căn cứ để ban hành Công văn số 515 trả lời Công ty IAN về chính sách thuế đối với phế liệu xuất gia công ở nước ngoài dựa trên quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016; Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017. Ngoài ra, còn căn cứ vào các văn bản chỉ đạo tại Công văn số 9744 ngày 04/11/2016, Công văn số 10466 ngày 04/11/2016 của Tổng cục hải quan;

Công văn số 11081 ngày 18/8/2017 của Bộ Tài chính, cụ thể mặt hàng phế liệu, phế phẩm đồng xuất khẩu để gia công của Công ty IAN thuộc mã số hàng hóa 7404000010, thuế suất thuế xuất khẩu là 22%. Đề nghị Tòa án bác đơn khởi kiện của Công ty IAN.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 11/2020/HCST ngày 21/8/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh quyết định:

- Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH IAN P, cụ thể:

+ Bác yêu cầu khởi kiện hủy Công văn số 171/CCHQTS-NV ngày 04/5/2018 của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S về việc yêu cầu khai bổ sung hồ sơ hải quan.

+ Bác yêu cầu khởi kiện hủy Công văn số 515/HQBN-NV ngày 21/5/2018 của Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh về việc trả lời chính sách thuế đối với phế liệu xuất gia công ở nước ngoài.

+ Bác yêu cầu khởi kiện hủy Công văn số 315/TB-CCHQTS ngày 25/7/2018 của Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S về việc nộp dần tiền nợ thuế.

+ Bác yêu cầu khởi kiện buộc Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S hoàn trả lại số tiền đã nộp thuế là 5.119.957.083 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 04/9/2020, Công ty TNHH IAN P có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH IAN P vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt và đề nghị giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Người bị kiện là Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S và Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh do người đại diện theo ủy quyền trình bày: Căn cứ quy định tại khoản 24 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính Phủ; Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính Phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan thì phế liệu đồng của Công ty IAN là đối tượng chịu thuế xuất khẩu và khẳng định việc ban hành Công văn số 171/CCHQTS-NV ngày 04/5/2018 về việc yêu cầu khai bổ sung hồ sơ hải quan, Công văn số 315/TB- CCHQTS ngày 25/7/2018 về việc nộp dần tiền nợ thuế và Công văn số 515/HQBN-NV ngày 21/5/2018 về việc trả lời chính sách thuế đối với phế liệu xuất gia công ở nước ngoài là đúng thủ tục, trình tự ban hành và đúng quy định của pháp luật; phù hợp với số lượng hàng hóa của Công ty IAN. Thực tế Công ty IAN đã thực hiện xong nghĩa vụ nộp thuế đối với mặt hàng này. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH IAN P, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi phân tích nội dung vụ án, kết quả tranh tụng tại phiên tòa đã kết luận: Công văn số 171/CCHQTS-NV ngày 04/5/2018 của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S về việc yêu cầu khai bổ sung hồ sơ hải quan, Công văn số 315/TB-CCHQTS ngày 25/7/2018 về việc nộp dần tiền nợ thuế của Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S là những văn bản đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính nên 02 văn bản này là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S, Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S đã căn cứ các quy định của pháp luật về thuế xuất, nhập khẩu để ban hành Công văn số 171/CCHQTS-NV ngày 04/5/2018 về việc yêu cầu Công ty IAN khai bổ sung hồ sơ hải quan và Công văn số 315/TB-CCHQTS ngày 25/7/2018 về việc nộp dần tiền nợ thuế là đúng thẩm quyền. Từ đó, bác yêu cầu khởi kiện của Công ty IAN về việc hủy 02 văn bản nêu trên, bác yêu cầu buộc Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S hoàn trả lại số tiền thuế xuất khẩu đã nộp là có căn cứ. Đối với Công văn số 515/HQBN-NV ngày 21/5/2018 của Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh về việc trả lời chính sách thuế đối với phế liệu xuất gia công ở nước ngoài là văn bản không đáp ứng đủ các điều kiện là quyết định hành chính theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính (không phải văn bản áp dụng 01 lần đối với 01 đối tượng thực hiện) nên không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Tòa án cấp sơ thẩm xác định Công văn số 515/HQBN-NV ngày 21/5/2018 của Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là thiếu sót nên cần rút kinh nghiệm. Do Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty IAN là có căn cứ nên không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của Công ty IAN. Thực tế Công ty IAN đã có văn bản xin gia hạn nộp bổ sung thuế đối với 02 tờ khai năm 2016 và có văn bản đề nghị nộp dần tiền thuế là đã thể hiện Công ty IAN đã biết và có ý thức nộp thuế. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Công ty IAN, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu; chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã thẩm tra tại phiên tòa; kết quả tranh luận và trình bày của đương sự; ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa; Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

[1] Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Về người tham gia tố tụng: Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH IAN P có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người bị kiện có mặt tham gia phiên tòa và đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị tiến hành xét xử vắng mặt Công ty TNHH IAN P. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy đây là phiên tòa phúc thẩm mở lần thứ ba, người khởi kiện là Công ty TNHH IAN P kháng cáo có đơn đề nghị xét xử vắng mặt nên quyết định tiến hành xét xử vắng mặt người khởi kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 225 Luật Tố tụng hành chính.

[1.2] Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính: Tòa án cấp sơ thẩm xác định Công văn số 171/CCHQTS-NV ngày 04/5/2018 của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S về việc yêu cầu khai bổ sung hồ sơ hải quan và nộp đủ số tiền thuế thiếu theo quy định; Công văn số 315/TB-CCHQTS ngày 25/7/2018 của Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S về việc nộp dần tiền nợ thuế là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là đúng quy định của pháp luật. Đối với Công văn số 515/HQBN-NV ngày 21/5/2018 của Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh về việc trả lời chính sách thuế đối với phế liệu xuất gia công ở nước ngoài là văn bản không đáp ứng đủ các điều kiện là quyết định hành chính theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xác định Công văn số 515/HQBN-NV ngày 21/5/2018 của Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính dẫn đến việc xác định tư cách tham gia tố tụng của Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh là không đúng. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm có sai sót trong việc xác định không đúng đối tượng khởi kiện đối với Công văn số 515/HQBN-NV ngày 21/5/2018 như đã nêu trên, nhưng sai sót này không làm thay đổi bản chất của vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của Cục trưởng Cục hải quan tỉnh Bắc Ninh đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm nên việc xem xét, xác định lại tư cách tham gia tố tụng là không cần thiết. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thụ lý, giải quyết vụ án hành chính theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính.

[1.3] Thời hiệu khởi kiện: Ngày 02/5/2019, Công ty IAN đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu hủy các Công văn nêu trên là vẫn nằm trong thời hiệu khởi kiện được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính.

[1.4] Thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Tòa án: Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh thụ lý, giải quyết là đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 30; khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính.

[1.5] Đơn kháng cáo của đương sự: Ngày 04/9/2020, Công ty TNHH IAN P có đơn kháng cáo hợp lệ, được gửi trong thời hạn và nộp tạm ứng án phí theo quy định tại các Điều 205, 206, 209 Luật Tố tụng hành chính nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Về nội dung:

Xét kháng cáo của Công ty TNHH IAN P đề nghị chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty, hủy Công văn số 171/CCHQTS-NV ngày 04/5/2018 của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S, Công văn số 315/TB- CCHQTS ngày 25/7/2018 của Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S và Công văn số 515/HQBN-NV ngày 21/5/2018 của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh; buộc Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S hoàn trả lại cho Công ty IAN 5.119.957.083 đồng. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

[2.1] Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành văn bản: Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S ban hành văn bản yêu cầu Công ty IAN phải nộp tiền nợ thuế là đúng thẩm quyền quy định tại Điều 39 Luật quản lý thuế năm 2006; khoản 3 Điều 33 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng nội địa Tiên S trong quyền hạn, nhiệm vụ và chức năng của mình đã ban hành văn bản yêu cầu khai bổ sung hồ sơ hải quan và Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh ban hành văn bản trả lời về chính sách thuế đối với phế liệu xuất gia công ở nước ngoài là đúng quy định.

[2.2] Về nội dung của văn bản:

Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2016) về miễn thuế thì:“Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công; sản phẩm gia công xuất khẩu.

Sản phẩm gia công xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư trong nước có thuế xuất khẩu thì không được miễn thuế đối với phần trị giá nguyên liệu, vật tư trong nước tương ứng cấu thành trong sản phẩm xuất khẩu.

Hàng hóa xuất khẩu để gia công sau đó nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu tính trên phần trị giá của nguyên vật liệu xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công. Đối với hàng hóa xuất khẩu để gia công sau đó nhập khẩu là tài nguyên, khoáng sản, sản phẩm có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thì không được miễn thuế.” Tại khoản 24 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng quy định “Chính phủ quy định chi tiết Điều này.” Ngày 01/9/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều 11 quy định cụ thể như sau:

Điều 11. Miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu để gia công, sản phẩm gia công nhập khẩu 1. Hàng hóa xuất khẩu để gia công, sản phẩm gia công nhập khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, gồm:

a) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu.

Trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện đã xuất khẩu tương ứng với sản phẩm gia công không nhập khẩu trở lại phải chịu thuế xuất khẩu theo mức thuế suất của nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu.

Hàng hóa xuất khẩu để gia công là tài nguyên, khoáng sản, sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51 % giá thành sản phẩm trở lên và hàng hóa xuất khẩu để gia công thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu thì không được miễn thuế xuất khẩu… Như vậy, nội dung điều luật quy định 02 trường hợp không được miễn thuế xuất khẩu gồm: “Hàng hóa xuất khẩu để gia công là tài nguyên, khoáng sản, sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” và “hàng hóa xuất khẩu để gia công thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu thì không được miễn thuế xuất khẩu”.

Tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì hàng hóa xuất khẩu để gia công thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu. Công ty IAN cho rằng phế liệu đồng xuất khẩu của công ty là khoáng sản có nguồn gốc nước ngoài và thuộc đối tượng được miễn thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, mặt hàng công ty IAN xuất khẩu để gia công là phế liệu đồng được sinh ra trong quá trình sản xuất linh kiện điện tử có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài nên không thể xác định là tài nguyên, khoáng sản được khai thác nên không được miễn thuế xuất khẩu mà là một loại hàng hóa nằm trong danh mục phải chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Việc xác định sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm căn cứ vào quy định về xác định sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng 51% trở lên quy định tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016; Luật thuế giá trị gia tăng; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành thì tài nguyên, khoáng sản phải được khai thác và có nguồn gốc trong nước. Do đó, quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu với việc hướng dẫn, quy định chi tiết tại điểm a, khoản 1 Điều 11 Nghị định 134/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính Phủ không có sự mâu thuẫn hay xung đột pháp luật.

Theo các quy định nêu trên kể từ ngày 01/9/2016 (ngày Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực pháp luật) thì hàng hóa xuất khẩu để gia công thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu thì người khai báo hải quan phải khai báo và nộp thuế xuất khẩu theo mức thuế xuất khẩu theo quy định. Trong khi đó, mặt hàng Công ty IAN xuất khẩu để gia công là phế liệu đồng trong quá trình sản xuất linh kiện điện tử không phải là tài nguyên, khoáng sản (được khai thác) mà là một loại hàng hóa thuộc Mã hàng 74.04 Phế liệu và mảnh vụn của đồng có mức thuế xuất là 22% nằm trong danh mục phải chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Liên quan đến vụ việc này không chỉ có Công ty IAN mà cũng có rất nhiều doanh nghiệp khác trên toàn quốc có thắc mắc cho rằng việc thu thuế xuất khẩu đối với phế liệu, phế phẩm kim loại xuất khẩu gia công là chưa phù hợp và cũng đã có văn bản phản ánh gửi đến Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị làm rõ. Sau khi có ý kiến thống nhất của nhiều Bộ, Ngành có liên quan, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 11081/BTC-TCHQ ngày 18/8/2017 trả lời về chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu để gia công theo quy định tại Nghị định 134. Theo đó, Phế liệu, phế phẩm kim loại thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu thì không được miễn thuế xuất khẩu. Trên thực tế Công ty IAN đã chấp hành việc nộp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phế liệu đồng của công ty với tổng số tiền 5.119.957.083 đồng (bao gồm cả tiền chậm nộp) theo quy định và không có thắc mắc về số lượng hàng hóa trên tờ khai hải quan khai nộp thuế, số lượng tờ khai hải quan khai nộp thuế, số tiền nộp thuế xuất khẩu cũng như số tiền phạt chậm nộp. Việc quy định về mức tiền chậm nộp là đúng quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá, xem xét và quyết định bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH IAN P là có căn cứ pháp luật. Trên cơ sở nhận xét, đánh giá và quyết định của bản án sơ thẩm, ý kiến kết luận của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH IAN P là không có cơ sở chấp nhận.

Về án phí: Do kháng cáo của Công ty TNHH IAN P không được chấp nhận nên Công ty TNHH IAN P phải chịu án phí hành chính phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Bác kháng cáo của Công ty TNHH IAN P; giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 11/2020/HC-ST ngày 21/8/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

2. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

3. Về án phí: Công ty TNHH IAN P phải chịu 300.000đ án phí hành chính phúc thẩm, được đối trừ số tiền 300.000 đ tạm ứng án phí đã nộp tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2017/ 0004685 ngày 21/9/2020 đều của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh .

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1085
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về yêu cầu hủy thông báo nộp thuế, hủy văn bản trả lời đơn số 64/2022/HC-PT

Số hiệu:64/2022/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 17/03/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;