TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ PHỔ YÊN, TỈNH THÁI NGUYÊN
BẢN ÁN 01/2023/LĐ-ST NGÀY 26/04/2023 VỀ VIỆC YÊU CẦU TRẢ LƯƠNG,BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRÁI LUẬT
Ngày 26 tháng 4 năm 2023, tại Tòa án nhân dân thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên xét xử sơ thẩm công khai vụ án Lao động thụ lý số: 01/2020/TLST - LĐ ngày 01 tháng 06 năm 2020, về “Yêu cầu trả lương và Bồi thường thiệt hại do chấm dứt Hợp đồng lao động trái luật”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2023/QĐXXST - LĐ, ngày 15 tháng 01 năm 2023, giữa các đương sự:
1.Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị B , sinh năm 1952 (chết năm 2022); ĐKHKTT: TDP Duyên Bắc, phường Tân Hương, T.P Phổ Yên, Thái Nguyên Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Bằng:
1.1. Ông Trần Xuân T , sinh năm 1946;
1.2. Anh Trần Xuân T , sinh năm 1974;
1.3. Anh Trần Xuân Q , sinh năm 1975;
1.4. Chị Trần Thị Thanh T , sinh năm 1983;
Cùng ĐKHKTT: TDP Duyên Bắc, phường Tân Hương, T.P Phổ Yên, Thái Nguyên.
Người được những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Bằng cử đại diện tham gia tố tụng: Anh Trần Xuân Q , sinh năm 1975;
ĐKHKTT: TDP Duyên Bắc, phường Tân Hương, T.P Phổ Yên, Thái Nguyên.
2.Bị đơn: UBND thành phố Phổ Yên;
Trụ sở: TDP 4, phường Ba Hàng, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Văn L – Chức vụ: Chủ tịch.
Đại diện theo uỷ quyền: Ông Đồng Văn T – Chức vụ: Phó chủ tịch UBND thành phố Phổ Yên (Văn bản uỷ quyền số 7175 ngày 21/7/2021).
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Trung tâm Y tế thành phố Phổ Yên;
Đại diện theo pháp luật: Ông Hoàng Thái S – Chức vụ: Giám đốc.
Đại diện theo uỷ quyền: Ông Nguyễn Văn Đ – Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính Trung tâm Y tế Phổ Yên. (Giấy uỷ quyền số 01/GUQ ngày 22/7/2021).
3.2. Bảo hiểm xã hội thành phố Phổ Yên.
Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Hữu C – Chức vụ: Giám đốc.
Đại diện theo uỷ quyền: Ông Trương Văn D – Chức: Phó Giám đốc. (Văn bản uỷ quyền số 320A ngày 06/7/2020).
(Có mặt ông Q là đại diện của những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn; vắng mặt đại diện UBND thành phố Phổ Yên, vắng những người liên quan: Bảo hiểm Xã hội TP Phổ Yên; vắng Trung tâm Y tế Phổ Yên – do đều có đơn xin xét xử vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện, bản tự khai, trong quá trình tố tụng và tại phiên toà, đại diện cho những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Bằng được uỷ quyền (anh Trần Xuân Q ),trình bầy:
Anh là con trai thứ hai của bà Nguyễn Thị B (Bà B là người khởi kiện) vụ án Lao động tại Toà án nhân dân thành phố Phổ Yên. Quá trình khởi kiện đến tháng 7/2022 mẹ anh chết. Anh và các thành viên trong gia đình gồm 4 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà B gồm: Bố đẻ - là chồng bà B và anh, em ruột đều là con của bà Bằng đã có Văn bản họp gia đình cũng như Văn bản phân chia thừa kế thống nhất cử anh làm đại diện tham gia tố tụng tại Toà án nhân dân thành phố Phổ Yên, việc lập văn bản hoàn toàn đúng quy định được Công chứng tại Văn phòng Công chứng Nam Thái và địa phương nơi cư trú xác thực. Anh được uỷ quyền toàn bộ nội dung để trình bầy tại Phiên toà:
Về yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị B như sau:
Năm 1973, bà B tốt nghiệp Trung cấp kế toán, đã công tác tại nhiều cơ quan. Đến năm 1990, bà B nhận công tác kế toán tại Phòng tài vụ tại Bệnh Viện Phổ Yên (nay là Trung tâm Y tế thành phố Phổ Yên) . Trong công tác, bà Bằng luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạ m kỷ luật, đạt lao động tiên tiến loại A cấp huyện. Tháng 01/1992, Bệnh viện sáp nhập với Phòng Y tế huyện Phổ Yên, nâng cấp thành Trung tâm Y tế Phổ Yên. Sau khi sáp nhập thì giám đốc của Bệnh viện cũng chuyển công tác đến địa phương khác. Khi có giám đốc mới với lý do Bệnh viện đang dư thừa kế toán nên cho rằng bà Bằng thuộc diện dôi dư không bố trí được công việc , mặc dù hàng năm bà Bằng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ luôn đạt lao động tiên tiến loại A . Do không bố trí được công việc cho bà Bằng nên Bệnh viện cũng phân công bà dọn vệ sinh và cho nghỉ việc từ tháng 4/1992. Sau khi nghỉ việc bà B đã kêu cứu khắp nơi, đến ngày 11 tháng 3 năm 1993, bà Bằng nhận được Quyết định số 44/QĐ -UB của UBND huyện Phổ Yên về việc cho bà Bằng thôi việc, hưởng trợ cấp 1 lần và 06 tháng trợ cấp nghề số tiền nhận là 3.350.338 đồng (Ba triệu ba trăm năm mươi ngàn ba trăm ba tám đồng).
Không đồng ý với Quyết định buộc thôi việc số QĐ số 44 ngày 11/3/1993 của UBND huyện Phổ Yên, bà B cho rằng Quyết định buộc thôi việc của UBND huyện Phổ Yên đối với bà là không đúng với các quy định pháp luật hiện hành, bà Bằng không nhận tiền theo Quyết đinh nên đã đi khiếu kiện đến các cơ quan có thẩm quyền nhưng không được giải quyết.
Quá trình kêu cứu tại nhiều nơi, đến ngày 30/7/2002, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Công văn số 113/CV- LĐTBXH ngày 30/7/2002 và công văn số 13/KLTTra ngày 29/01/2004 của Thanh tra tỉnh Thái Nguyên, kết luận QĐ buộc thôi việc ngày 11/3/1993 của UBND huyện Phổ Yên ban hành chưa đảm bảo quy định pháp luật, chưa đủ căn cứ pháp lý, khiếu nại của bà Bằng có cơ sở xem xét. Thanh tra tỉnh đề nghị UBND huyện Phổ Yên ra Quyết định hủy bỏ QĐ số 44/QĐ - UB ngày 11/3/1993 về việc giải quyết cho bà Bằng thôi việc, đồng thời căn cứ chế độ, chính sách pháp luật để vận dụng giải quyết khôi phục quyền lợi ích hợp pháp cho bà Bằng. Thời điểm đó bà Bằng đã 51 tuổi và có nguyện vọng nghỉ hưu là chính đáng đề nghị UBND huyện xem xét quyết định.
Ngày 11/11/2004 UBND huyện Phổ Yên ra Quyết định số 3998/QĐ -UB hủy QĐ số 44/QĐ - UB ngày 11/3/1993 của UBND huyện Phổ Yên . Tuy nhiên, lại không giải quyết chế độ cho bà Bằng mà giải quyết theo hướng cho nghỉ hưu sớm chứ không tiếp tục nhận vào làm việc, không thực hiện bồi thường trong thời gian bà Bằng bị nghỉ trái pháp luật.
Tại Công văn số 111/CVUB ngày 19/10/2004 của UBND tỉnh Thái Nguyên; Quyết định số 2248/QĐ – UB ngày 18/10/2005 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc giải quyết khiếu nại của b à Nguyễn Thị B với nội dung: Việc UBND huyện Phổ Yên ra Quyết định 3998/QĐ -UB hủy bỏ QĐ số 44/QĐ - UBND ngày 11/3/1993 đối với bà B là đúng, yêu cầu UBND huyện và các ngành liên quan giải quyết chế độ hưu trí cho bà B , gồm: Nộp bảo hiểm theo chế độ chính sách trong thời gian nghỉ việc; được nâng một bậc lương ; được giải quyết hưu trí theo quy định. Tờ trình 43/Ttr ngày 6/7/2005 của UBND huyện Phổ Yên, Biên bản hội nghị ngày 07/6/2005 của UBND huyện Phổ Yên đã thống nhất đề nghị cho bà Bằng được truy đóng tiếp bảo hiểm xã hội trong suốt thời gian nghỉ việc theo chế độ hiện hành, nâng 01 bậc lương trước tháng nghỉ hưu.
Tuy nhiên, ngày 29/9/2006 UBND huyện Phổ Yên mới ban hành Quyết định số 4471/QĐ - UBND cho bà B nghỉ hưu không đúng hướng dẫn, chỉ giải quyết chế độ hưu trí cho bà Bằng là 20 năm 01 tháng, hưởng tỷ lệ hưu trí là 60%, bà B không nhất trí theo phương án của UBND huyện Phổ Yên đưa ra.
Đến nay bà Bằng yêu cầu UBND thành phố Phổ Yên bồi thường thiệt hại do chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, trả lương trong những ngày không được làm việc thời gian từ tháng 4/1992 đến 30/9/2006, tiền lương và thu nhập giảm sút số tổng số tiền là 1.746.928.300đ (một tỷ bảy trăm bốn mươi sáu triệu, chín trăm hai mươi tám ngàn, ba trăm đồng), bao gồm các khoản:
1. Bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị giảm sút từ tháng 4/1992 đến tháng 9/2006 = 174 tháng lương: 3,26 x 1.490.000đ/tháng x 174= 845.187.600đ; thu nhập giảm sút trong thời gian nghỉ việc 161 tháng tính từ 01/10/2006 đến 01/3/2020 là 161 tháng {(50% thu nhập thực tế = (3,26 x 1.490.000đ/tháng x 161)/2} = 391.020.700đ. Tổng là: 1.236.208.300đ;
1.1.Bồi thường chi phí khác (đi lại, thuê phòng nghỉ, in ấn tài liệu, gửi đơn thư khiếu nại: cụ thể từ tháng 4 năm 1992 đến ngày 01/3/2020 (tạm tính) Lương cơ sở x 6 tháng x số năm đi khiếu nại (28 năm) = 1.490.000đ/tháng x 6 x 28 = 250.320.000đ;
1.2. Bồi thường thiệt hại sức khỏe, về tinh thần trong 28 năm cụ thể:
+ Tiền bồi thường tổn thất tinh thần: 30 tháng lương tối thiểu:
3.170.000đ/tháng x 30 tháng = 113.300.000đ;
+ Tiền bồi thường uy tín, danh dự bằng 10 tháng lương tối thiểu:
3.710.000đ/tháng x 10 tháng = 37.100.000đ;
+ Bồi thường tổn hại sức khỏe: do thời gian mất việc bà Bằng thường xuyên phải vào viện điều trị, không có chế độ Bảo hiểm Y tế, bình quân mỗi năm điều trị 4 .000.000đ x 28 năm = 112.000.000đ.
2. Buộc UBND thành phố Phổ Yên phải đóng tiếp bảo hiểm XH, BH Y tế và nâng bậc cho bà Bằng trong khoảng thời gian bà bị buộc thôi việc trái pháp luật từ năm 1993 đến tháng 10/2006.
Ngày 15/7/2020, bà Bằng có đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện như sau:
1.Đề nghị Toà án giải quyết buộc UBND thị xã Phổ Yên trả khoản tiền lương trong thời gian không được làm việc 174 tháng tính từ tháng 4/1992 đến tháng 9/2006, yêu cầu tính khoản tiền lãi của số tiền phải thanh toán cho bà Bằng theo mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định;
2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần cũng như bồi thường thêm tiền lương, bảo hiểm xã hội khác.
3. Các yêu cầu khác trong đơn khởi kiện vẫn giữ nguyên.
Tại phiên toà ngày hôm nay, anh Q được uỷ quyền đề nghị tính toán khoản tiền lương trong những ngày mẹ anh bị buộc nghỉ việc theo đúng quy định của pháp luật, anh không yêu cầu tính giá trị trượt giá của đồng tiền chưa được thanh toán.
Đại diện UBND thành phố Phổ Yên trình bầy (tại Công văn số 978 ngày 30/6/2020), thể hiện quan điểm:
Sau khi xem xét nội dung khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ do bên nguyên đơn đưa ra cũng như ý kiến trình bày của người đại diện theo ủy quyền của bà Bằng, quan điểm của UBND thành phố Phổ Yên không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn đưa ra với những lý do sau:
Bên khởi kiện hiểu chưa đúng, chưa triệt để nội dung Quyết định số 2248 của UBND tỉnh Thái nguyên.
UBND huyện phổ Yên( nay là thành phố) đã ra Quyết định hủy Quyết định số 44 ngày 11/3/1993 (Quyết định thôi việc), đồng thời đã giải quyết quyết chế độ cho bà Bằng nghỉ theo chế độ hưu trí , tại QĐ số 4471ngày 29/9/2006. Do đó, UBND huyện Phổ Yên xác định đã thực hiện đúng theo nội dung Quyết định số 2248 của UBND tỉnh, sau đó đã thông báo cho bà Bằng biết.
Về yêu cầu nâng bậc lương, đóng bảo hiểm th ời gian nghỉ việc, UBND huyện Phổ Yên đã văn bản hỏi cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ lao động Thương binh và Xã hội). Tại Công văn số 1894 ngày 06/6/2006 của Bộ Lao động thương binh xã hội về việc tính thời gian công tác hưởng bảo hiểm xã hội đối với bà Bằng đã trả lời thời gian từ tháng 3/1993 đến tháng 11/2005, bà Bằng nghỉ việc nên đề nghị của Ủy ban cho bà Bằng được đóng bảo hiểm trong thời gian này là không có cơ sở.
Theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo không có cách tính bồi thường thiệt hại số tiền: 1.746.928.300đ nên bà Bằng yêu cầu UBND thị xã Phổ Yên bồi thường là không có cơ sở.
Về yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà B từ năm 1993 đến 2006, đề nghị bên khởi kiện tính toán các chi phí theo đúng quy định của pháp luật.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bầy:
Đại diện Trung tâm Y tế thành phố Phổ Yên:
Về hồ sơ cán bộ của bà Nguyễn Thị B – nguyên cán bộ kế toán của Bệnh viện huyện Phổ Yên (nay là Trung tâm y tế thành phố Phổ Yên) không còn lưu trữ do Trung tâm Y tế đã thay đổi mô hình hoạt động nhiều lần tách ra và sáp nhập lại, thay đổi trụ sở đơn vị. Tuy nhiên, căn cứ vào Quyết định số 44/QĐ – UBND ngày 11/3/1993của UBND huyện Phổ Yên đã giải quyết cho bà Bằng thôi việc và được hưởng trợ cấp 1 lần thì xác định bà B là cán bộ công chức. Sau khi nhận Quyết định thôi việc được hưởng trợ cấp 1 lần, bà B đã có đơn khiếu nại đến các cấp. Thực hiện Văn bản chỉ đạo số 111/CV – UB ngày 19/10/2004 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc giải quyết chế độ cho bà Bằng, theo đó UBND huyện Phổ Yên đã ban hành Quyết định số 3998/QĐ – UB ngày 11/11/2004, về việc huỷ bỏ Quyết định số 44/QĐ – UB ngày 11/3/1993. Ngày 29/9/2006 UBND huyện Phổ Yên ban hành Quyết định số 4471/QĐ – UB về việc cho cán bộ nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Như vậy, kể từ ngày 01/10/2006, bà Bằng được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, căn cứ Quyết định số 1512/QĐ ngày 16/10/2006 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên thì tiền lương hưu hàng tháng bà Bằng được lĩnh là 741.969đ.
Thời gian từ khi có Quyết định nghỉ việc hưởng trợ cấp 1 lần (ngày 01/9/1993) đến ngày 30/3/2006 do bà B không đi làm nên không có căn cứ để tính lương hàng tháng cũng như tiền thưởng hay nâng lương trong những năm không làm việc.
Bà B nghỉ không được hưởng lương từ ngày 01/4/1992 với mức lương 310đ/tháng. Căn cứ Quyết định số 111/HĐBT, bà Bằng lúc đó là kế toán viên trung cấp lương được hưởng là bậc 7, mã số 06.032, hệ số được hưởng lương là 2,18. Hệ số lương cũng như biến động tăng lương cơ sở theo từng giai đoạn (có phụ biểu riêng gửi cho Toà án).
Về Bảo hiểm Xã hội và Bảo hiểm Y tế của bà B trong thời gian nghỉ việc (tháng 4/1992 đến 30/9/2006): Trước thời điểm tháng 01/1995, người lao động không phải đóng Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế. Từ ngày 01/01/1995 thì người lao động mới phải đóng. Theo đó Bảo hiểm Xã hội và Bảo hiểm Y tế cơ quan phải đóng cho bà Bằng đến tháng 9/2006 là 20% (trong đó Bảo hiểm Xã hội là 17%, Bảo hiểm Y tế là 3%), tổng tiền bà Bằng được đóng là 14.010.504đ.
Đại diện Bảo hiểm Xã hội thành phố Phổ Yên trình bầy:
Đối với trường hợp của bà Nguyễn Thị B , bà B trong diện nghỉ chế độ, buộc thôi việc; không có quyết định nào về việc cho bà Bằng trở lại làm việc vì bà Bằng đã được hưởng chế độ hưu trí.
Bảo hiểm xã hội đã dừng thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với bà B từ năm 1993 đến năm 2006. Do vậy, bà B không thuộc đối tượng truy thu đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Từ tháng 10/2006, bà Bằng nghỉ chế độ hưu trí và được cấp bảo hiểm y tế nên từ 2006 đến nay, bà Bằng được hưởng chế độ khám chữ a bệnh hưu trí theo bảo hiểm y tế chứ không phải 28 năm như đơn khởi kiện bà Bằng trình bày.
Bảo hiểm xã hội dừng thu bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế của bà Bằng từ tháng 4/1993 đến tháng 9/2006 chứ không phải tháng 4/1992 như đơn khởi kiện bà Bằng trình bày. Bà B hưởng hưu trí từ 01/10/2006 (QĐ số 1512/QĐ ngày 16/10/2006).
Tại phiên toà, đại diện VKS nhân dân thành phố Phổ Yên phát biểu quan điểm:
*Về tố tụng:
- Việc tuân theo pháp luật trong thời gian chuẩn bị xét xử: Thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết vụ án đã thực hiện đúng, đầy đủ quy định tại Điều 26, 35, 39 BLTTDS về thẩm quyền thụ lý; Điều 68 về xác định tư cách tham gia tố tụng; Điều 96, 97 BLTTDS về xác minh, thu thập, giao nhận chứng cứ; Điều 195, 196 BLTTDS về việc thụ lý, giao nhận thông báo thụ lý vụ án cho VKS và đương sự; Điều 203 về thời hạn chuẩn bị xét xử; Điều 205, 208, 209, 210, 211 BLTTDS về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
- Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký tại phiên tòa: Hội đồng xét xử đã tuân theo đúng các quy định của BLTTDS về việc xét xử sơ thẩm vụ án.
- Việc tuân theo pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.
Đối với đương sự: Từ khi thụ lý vụ án nguyên đơn, bị đơn, đã thực hiện đúng quy định tại Điều 70, Điều 71, Điều 72, Điều 75,76, 86 của Bộ luật Tố tụng dân sự và cũng tại phiên tòa hôm nay đại diện theo uỷ quyền của những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn, đã thực hiện đúng quy định tại Điều 234 BLTTDS năm 2015.
*Về nội dung:
Đề nghị áp dụng: Điểm b khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39, điểm c khoản 1 Điều 217, Điều 218 và khoản 2 Điều 244, Điều 273, khoản 1 Điều 280 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Căn cứ Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự;
Căn cứ Điều 22, Điều 36, Điều 38, Điều 41, Điều 42 và Điều 90, Điều 91, Điều 95, 96 của Bộ Luật Lao động năm 2012;
- Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 13 của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ngày 11/01/2019;
- Căn cứ Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động; Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động;
- Căn cứ vào Luật phí và lệ phí Tòa án năm 2015 của Quốc hội và Điểm a khoản 1 Điều 12 và Khoản 2, Khoản 4 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị B về yêu cầu trả lương bồi thường thiệt hại do bị chấm dứt HĐ LĐ trái pháp luật.
Buộc UBND thành phố Phổ Yên có trách nhiệm thanh toán cho bà Nguyễn Thị B khoản tiền lương, tiền BHXH, BHYT và tiền lãi phát sinh trong những ngày không được làm việc (từ tháng 4/1992 – tháng 9/2006), số tiền: 248.879.000đ (Bằng chữ: Hai trăm bốn mươi tám triệu tám trăm bẩy mươi chín ngàn đồng).
2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Bằng với các nội dung yêu cầu sau:
Yêu cầu thanh toán tiền khám chữa bệnh, chi phí đi lại, chi phí in ấn tài liệu đi khởi kiện, bồi thường tiền lương 161 tháng kể từ ngày 01/10/2006 đến 01/3/2020, tổng số tiền là: (1.746.928.300đ - 248.879.000đ) = 1.498.049.300đ;
3. Khoản tiền trượt giá không xem xét do đương sự không yêu cầu.
4. Về án phí: Bị đơn phải chịu do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận.
5. Về quyền kháng cáo: Đương sự được quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Về tố tụng:
[1.1]. Thẩm quyền giải quyết vụ án: Bị đơn trong vụ kiện là UBND thị xã (nay là thành phố Phổ Yên) có trụ sở tại Phổ Yên nên Tòa án nhân dân thành phố Phổ Yên thụ lý, giải quyết vụ án Lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 35 và điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.
[1.2]. Về quan hệ pháp luật: Bà Nguyễn Thị B khởi kiện yêu cầu UBND huyện Phổ Yên (nay là thành phố) Phổ Yên bồi thường các khoản liên quan đến tiền lương, bồi thường thiệt hại do chấm dứt Hợp đồng lao động trái luật. Do đó, Tòa án nhân dân thành phố Phổ Yên căn cứ vào Điểm b Khoản 1 Điều 32 của Bộ luật tố tụng dân sự, xác định quan hệ là “Tranh chấp yêu cầu trả lương và bồi thường thiệt hại do chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật”.
[1.3] Về sự ủy quyền và tham gia tố tụng của người kế thừa quyền nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn và việc hủy bỏ Hợp đồng ủy quyền:
Trong quá trình khởi kiện bà B đã có Hợp đồng ủy quyền cho ông Nguyễn Thành B tham gia tố tụng, Hợp đồng ủy quyền được lập tại Văn phòng công chứng Nam Thái. Việc uỷ quyền đúng theo quy định tại Điều 85, Điều 87 của Bộ luật Tố tụng dân sự nên được chấp nhận. Tuy nhiên, sau đó bà Bằng đã lập Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đối với ông Nguyễn Thành B . Hội đồng xét xử thấy đây là quyền tự định đoạt của đương sự theo quy định tại Điều 86 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Quá trình khởi kiện và tham gia tố tụng bà Nguyễn Thị B chết ngày 22/7/2022, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà Nguyễn Thị Bằng gồm 4 người: Ông Trần Xuân T (chồng bà B ), (anh Trần Xuân T , Trần Xuân Q và Trần Thị Thanh T – đều là con của bà B ), có văn bản họp gia đình thống nhất cử anh Trần Xuân Q làm đại diện ủy quyền tham gia tố tụng tại Tòa án và là người quản lý di sản của bà Bằng. Việc lập văn bản của ngưởi tham gia tố tụng đúng quy định tại Khoản 1 Điều 74 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nên được chấp nhận.
[1.4]. Sự vắng mặt của những người tham gia tố tụng: Tại phiên tòa vắng mặt đại diện theo ủy quyền của UBND thành phố Phổ Yên; vắng mặt những người liên quan khác trong vụ án. Tuy nhiên, tất cả đều có đơn xin được xét xử vắng mặt. Xét thấy việc vắng mặt của bị đơn và người tham gia tố tụng khác không ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Do đó, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt theo quy định tại Điều 227, Điều 228 và Điều 238 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[1.5]. Về việc bổ sung yêu cầu khởi kiện: Quá trình giải quyết bà B bổ sung yêu cầu khởi kiện về yêu cầu tính lãi suất của khoản tiền bồi thường, các khoản tiền bồi thường tổn thất tinh thần và yêu cầu bồi thường thêm tiền lương. Xét việc bổ sung nội dung không vượt quá yêu cầu khởi kiện nên Hội đồng xét xử căn cứ Điều 5 và Khoản 1 Điều 218 Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận nội dung yêu cầu khởi kiện bổ sung trên.
[2]. Về nội dung:
Đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của các đương sự, Hội đồng xét xử xét thấy:
[2.1]. Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và căn cứ giải quyết trả lương, đóng tiếp BHXH, BHYT trong những ngày không được làm việc.
[2.1.1]. Theo kết quả xác minh thu thập chứng cứ đối với Trung tâm Y tế thị xã (nay là thành phố) Phổ Yên đối với bà B thì thấy: Bà Nguyễn Thị B tham gia công tác từ tháng 3/1973, qua nhiều cơ quan công tác đến năm 1990 bà được điều động về nhận công tác tại Bệnh viện huyện Phổ Yên làm kế toán. Năm 1991 bà Bằng công tác tại Trung tâm Y tế Phổ Yên (lúc này bệnh viện huyện sáp nhập với Trung tâm Y tế). Tháng 4/1992 đơn vị không bố trí sắp xếp được công việc kế toán cho bà Bằng, Trung tâm Y tế huyện đã bàn giao bà Bằng về phòng Tổ chức xã hội huyện. Sau khi tiếp nhận, phòng Tổ chức xã hội không bố trí được việc làm cho bà B và cho bà B nghỉ 6 tháng để liên hệ việc làm nhưng không thấy bà xin chuyển công tác. Ngày 11/3/1993 UBND huyện Phổ Yên đã ban hành Quyết định số 44/QĐ – UB giải quyết cho bà Bằng thôi việc và hưởng trợ cấp 1 lần (bằng 20 tháng lương và 7 tháng trợ cấp học nghề, tổng số tiền là 3.550.000đ) nhưng bà B không nhất trí Quyết định, không nhận tiền và có đơn khiếu nại tới nhiều nơi vì cho rằng Quyết định giải quyết nghỉ thôi việc là trái pháp luật. Quá trình tiếp nhận đơn khiếu nại của bà Bằng UBND huyện Phổ Yên tiến hành giải quyết khiếu nại và giữ nguyên Quyết định số 44/QĐ – UB ngày 11/3/1993. Do không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của UBND huyện Phổ Yên , bà Bằng tiếp tục có đơn khiếu nại đến các nơi.
Thực hiện Công văn số 338/CV – UB của UBND tỉnh Thái Nguyên ngày 19/5/2003, đã giao cho Thanh tra tỉnh Thái Nguyên tiến hành xác minh đơn khiếu nại của bà Bằng: Kết quả xác minh của Thanh tra tỉnh Thái Nguyên về quá trình công tác của bà Bằng thời gian công tác từ 01/3/1973, đã công tác tại nhiều nơi. Từ năm 1990 đến tháng 4/1992 công tác tại Trung tâm Y tế Phổ Yên. Trong quá trình công tác tại Trung tâm y tế xác nhận bà Bằng không mắc khuyết điểm, không vi phạm kỷ luật, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tại Báo cáo kết luận số: 13/KL – XKT ngày 29/01/2004, của Thanh tra tỉnh Thái Nguyên đối với khiếu nại của bà Nguyễn Thị Bằng đã kết luận:
Quyết định số 44/QĐ – UB ngày 11/3/1993 và quá trình giải quyết khiếu nại của bà Bằng thôi việc hưởng trợ cấp một lần kể từ ngày 01/3/1993 thì Quyết định không ghi cụ thể khoản, mục của các Văn bản áp dụng là Quyết định số 111/HĐBT; Nghị định 109/HĐBTT; Thông tư 04/TTLB ngày 24/5/1991 của Liên bộ.
Theo Nghị Quyết 109/HĐBT; Quyết định số 111/HĐBT; Thông tư 04/TTLB ngày 24/5/1991 của Liên bộ thì khi thực hiện biên chế, căn cứ vào chỉ tiêu biên chế được giao, cần phân loại lao động thành 4 nhóm:
- Nhóm 1: Bao gồm những công nhân, viên chức tiếp tục làm việc trong biên chế hành chính sự nghiệp;
- Nhóm 2: Những người chuyển từ cơ quan hành chính sự nghiệp đến những nơi khác có nhu cầu (vẫn trong biên chế Nhà nước);
- Nhóm 3: Những người thôi việc chuyển hẳn ra ngoài biên chế Nhà nước... thường xuyên vi phạm kỷ luật, không đủ sức khỏe; những người dôi dư so với nhiệm vụ.
- Nhóm 4: Những người giải quyết nghỉ hưu (đến tuổi và trước tuổi theo quy đinh).
Ngoài các Văn bản nêu trên UBND huyện Phổ Yên không viện dẫn văn bản nào làm căn cứ giải quyết cho bà Bằng nghỉ việc.
Về quá trình giải quyết cho bà Bằng thôi việc của UBND huyện Phổ Yên chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định. Theo Thông tư 04/TTLB ngày 24/5/1991 hướng dẫn sắp xếp lao động phải thực hiện các bước bình xét, phân loại lao động thành 4 nhóm. Hồ sơ không có văn bản thể hiện bà B thuộc nhóm nào trong 4 nhóm trên. Do vậy, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND huyện hủy bỏ QĐ số 44 ngày 11/3/1993, về việc cho bà B thôi việc. Đồng thời căn cứ các chế độ chính sách khôi phục lại quyền lợi ích hợp pháp cho bà Bằng. Bà Bằng có nguyện vọng nghỉ hưu đề nghị xem xét là có cơ sở.
Ngày 11/11/2004 UBND huyện Phổ Yên ban hành Quyết định số 3998/QĐ – UB về việc hủy bỏ Quyết định số 44/QĐ – UB ngày 11/3/1993 về việc giải quyết chế độ thôi việc hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 111/HĐBT ngày 12/4/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ) đối với bà Bằng.
Tuy nhiên, sau khi UBND huyện Phổ Yên ban hành Quyết định số 3998 về việc hủy bỏ Quyết định số 44/QĐ – UB ngày 11/3/1993, nhưng UBND huyện Phổ Yên vẫn không giải quyết chế độ, chính sách đối với bà Bằng. Bà Bằng tiếp tục khiếu nại đến nhiều nơi. Đến ngày 29/9/2006 UBND huyện Phổ Yên ban hành Quyết định số 4471/QĐ – UBND về việc cho cán bộ nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, theo đó bà Bằng được nghỉ chế độ hưu trí từ ngày 01/10/2006. Ngày 16/10/2006 Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên ra Quyết định số 1512/QĐ về việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng đối với bà Bằng, theo đó lương hưu hàng tháng bà Bằng hưởng = 60%, số tiền lĩnh là: 741.969đ [2.1.2]. Hội đồng xét xử thấy từ khi bà B bị cho nghỉ việc tháng 4/1992 đến ngày 01/10/2006 mới giải quyết cho bà B nghỉ hưởng chế độ hưu trí hàng tháng. Như vậy, việc ban hành Quyết định số 44/QĐ – UBND ngày 11/3/1993 cho thôi việc của bà B không đúng quy định đã làm ảnh hưởng đến đời sống và tinh thần của bà B . Thời gian nghỉ tính đến ngày nhận được chế độ là 174 tháng bà Bằng nghỉ không được hưởng bất cứ chế độ nào của Nhà nước. Do vậy, yêu cầu khởi kiện buộc UBND thị xã (nay là thành phố) Phổ Yên phải bồi thường tiền lương trong những ngày nghỉ việc là có căn cứ.
Hội đồng xét xử căn cứ Điều 90 Bộ luật lao động năm 2012, Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động và Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, thì thời gian bà B nghỉ việc không đi làm nên không có căn cứ tính mức lương cơ sở của Doanh nghiệp hoặc lương cơ sở hiện tại mà chỉ tính theo hệ số lương tối thiểu theo từng thời điểm của hệ số lương do Nhà nước quy định, cụ thể: hệ số lương theo Biên bản xác minh giữa Tòa án với Trung tâm Y tế thị xã Phổ Yên (nay là thành phố Phổ Yên) ngày 05/7/2021, trước khi nghỉ việc lương bà B thực hưởng là 310đ, căn cứ Quyết định số 111/HĐBT bà Bằng được quy đổi là bậc 7, mã số 06.032, hệ số lương là 2,18 và được tăng hệ số theo quy định.
[2.1.3]. Việc bà B yêu cầu Bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị giảm sút số tiền: 1.236.208.300đ. Xét yêu cầu bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị giảm sút của bà B , Hội đồng xét xử thấy: bà B không đi làm thời gian nghỉ việc nên không có căn cứ bình xét tăng lương cũng như các khoản thu nhập khác. Vì vậy, chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà B đối với khoản thu nhập lương trong những ngày không được làm việc. Buộc UBND thành phố Phổ Yên thanh toán khoản tiền lương 174 tháng, tiền BHXH, BHYT theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Bộ luật Lao động, cụ thể như sau:
1.Thời gian từ ngày 01/4/1992 đến ngày 31/12/1994, hệ số lương là 2,18 x 120.000đ/tháng x 33 tháng = 8.632.800đ (chưa thực hiện thu BHXH, BHYT) 2. Thời gian từ 01/01/1995 đến 31/12/1996, hệ số lương 2,18 x 120.000đ x 24 tháng + 1.255.680đ (BHYT + BHXH) = 7.534.080đ;
3. Thời gian từ ngày 01/01/1997 đến ngày 31/12/1999, hệ số lương 2,18 x 144.000đ x 36 tháng + 2.260.224đ (BHXH + BHYT) = 13.561.344đ;
4.Thời gian từ 01/01/2000 đến 01/12/2000, hệ số lương 2,18 x 180.000đ x 12 tháng + 941.760đ ( BHYT + BHXH) =5.650.560đ;
5. Thời gian từ 01/01/2001 đến 31/12/2002, hệ số lương 2,18 x 210.000đ x 24 tháng + 2.197.760đ ( BHYT + BHXH) = 13.184.640đ;
6. Thời gian từ 01/01/2003 đến 30/9/2004, hệ số lương 2,18 x 290.000đ x 21 tháng + 2.655.240đ ( BHYT + BHXH) = 15.931.440đ;
7. Thời gian từ 01/10/2004 đến 30/9/2005, hệ số lương 3,06 x 290.000đ x 12 tháng + 2.129.760đ (BHYT + BHXH) = 12.778.560đ;
8. Thời gian từ 01/10/2005 đến 30/9/2006, hệ số lương 3,06 x 350.000đ x 12 tháng + 2.570.400 (BHYT + BHXH) = 15.422.400đ.
Tổng số tiền lương và BHXH + BHYT là: 92.695.824đ (Chín mươi hai triệu sau trăm chín mươi lăm triệu tám trăm hai mươi bốn đồng).
Do việc bị chấm dứt lao động trái pháp luật nên bà Bằng còn được hưởng 02 tháng tiền lương theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động, được tính lương cơ sở hiện tại là 1.490.000đ, theo đó số tiền bà Bằng được thanh toán 1.490.000đ x 2 tháng = 2.980.000đ.
[2.2]. Về yêu cầu khởi kiện đóng tiếp Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế:
Theo quy định tại khoản 1, khoản 3, Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội và Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo kết quả quả cung cấp chứng cứ của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên thì việc cho bà Bằng hưởng chế độ hưu trí từ 01/10/2006 đã tính toán đảm bảo quyền lợi cho bà Bằng. Mặt khác Bảo hiểm xã hội cũng dừng thu Bảo hiểm của bà Bằng từ tháng 3/1993. Như vậy, Theo quy định tại Điều 41 BLLĐ thì ngoài tiền lương phải trả cho người lao động trong những ngày nghỉ việc thì người sử dụng lao động còn phải tiếp tục đóng BHXH, BHYT trong thời gian người lao động bị thôi việc. Tuy nhiên, do BHXH đã dừng thu từ năm 1993, nên số tiền buộc đóng tiếp từ tháng 4/1992 đến tháng 9/2006 được tính cho bà B được hưởng, số tiền này đã được tính toán trong mục [2.1.3] nêu trên.
[2 3].Về số tiền bồi thường tổn thất về tinh thần, sức khỏe: Theo quy định tại khoản 2 Điều 592 Bộ luật dân sự quy định:
“Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận;
nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định” Việc bà B yêu cầu bồi thường tiền tổn thất tinh thần và sức khỏe trong 28 năm là quá cao không đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, nên chỉ chấp nhận tối đa 10 tháng lương cơ sở x 1.490.000đ/tháng = 14.900.000đ.
[2.4]. Về yêu cầu khởi kiện trả tiền lãi chậm thanh toán tiền lương:
Căn cứ Điều 24 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/01/2015, UBND thành phố Phổ Yên còn phải thanh toán số tiền lãi chậm thanh toán tiền lương kể từ ngày 01/10/2006 đến ngày xét xử 26/4/2023, số ngày là 6.051 ngày x 92.695.824 đ x 9%/năm = 138.304.709đ (Một trăm ba mươi tám triệu ba trăm linh tư ngàn bẩy trăm linh chín đồng).
[3]. Với những căn cứ phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy:
[3.1]. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị B về khoản tiền lương, tiền BHXH + BHYT chưa được thanh toán và khoản tiền lãi phát sinh đối với khoản tiền chưa được nhận từ tháng 4/1992 đến tháng 9/2006 = 174 tháng. Số tiền UBND thành phố phải thanh toán gồm:
1. Lương 174 tháng + BHYT, BHXH = 92.695.824đ (Chín mươi hai triệu sáu trăm chín mươi lăm ngàn tám trăm hai mươi bốn đồng);
2. Tiền lãi suất tính đến ngày xét xử: 92.695.824 đ x 9%/năm x 6.051 ngày = 138.304.709đ (được làm tròn = 138.304.000đ (Một trăm ba mươi tám triệu ba trăm linh tư ngàn đồng);
3. Bồi thường 02 tháng tiền lương cơ sở (1.490.000đ/tháng x 2 tháng) = 2.980.000đ;
4. Bồi thường tổn thất tinh thần 10 tháng lương cơ sở (1.490.000đ/tháng x 10 tháng) = 14.900.000đ;
Tổng số tiền buộc UBND thành phố Phổ Yên phải thanh toán cho bà Bằng gồm: 1 + 2 + 3 + 4 = (được làm tròn số: 248.879.000đ) (Bằng chữ: hai trăm bốn mươi tám triệu tám trăm bẩy mươi chín ngàn đồng).
[3.2]. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị B số tiền: 1.498.049.300đ, với các nội dung yêu cầu: Yêu cầu thanh toán tiền khám chữa bệnh, chi phí đi lại, chi phí in ấn tài liệu đi khởi kiện, bồi thường tiền lương 161 tháng kể từ ngày 01/10/2006 đến 01/3/2020, tổng số tiền là: (1.746.928.300đ - 248.879.000đ) = 1.498.049.300đ.
[4]. Đối với khoản tiền trượt giá khi chưa được thanh toán khoản tiền lương: Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Bằng không yêu cầu. Do đó, Hội đồng xét xử không xem xét.
[5]. Xét ý kiến đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phổ Yên tại phiên tòa là có căn cứ, phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
[6]. Về án phí: Bà B và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bà B không phải chịu án phí LĐST. Bị đơn phải chịu án phí lao động tương ứng 3% giá trị thanh toán, được xác định là 7.466.000đ (đã làm tròn).
[7].Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo bản án theo luật định.
Bởi các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng: Điểm b khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39, điểm c khoản 1 Điều 217, Điều 218 và Điều 244, Điều 273, khoản 1 Điều 280 của Bộ luật tố tụng dân sự;
- Căn cứ Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự;
- Căn cứ Điều 22, Điều 36, Điều 38, Điều 41, Điều 42 và Điều 90, Điều 91, Điều 95, 96 của Bộ Luật Lao động năm 2012;
- Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 13 của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ngày 11/01/2019;
- Căn cứ Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động; Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động;
- Căn cứ vào Luật phí và lệ phí Tòa án năm 2015 của Quốc hội và điểm a khoản 1 Điều 12 và Khoản 2, Khoản 4 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
- Căn cứ vào Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị B (đã chết ngày 22/7/2022) và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà B (thuộc hàng thừa kế thứ nhất), về yêu cầu trả lương, tiền BHXH, BHYT, khoản tiền lãi và bồi thường thiệt hại tổn thất tinh thần do bị chấm dứt HĐ LĐ trái pháp luật.
Buộc UBND thành phố Phổ Yên có trách nhiệm thanh toán cho bà Nguyễn Thị B khoản tiền lương, tiền BHXH, BHYT và tiền lãi phát sinh của khoản tiền lương và bảo hiểm được nhận trong những ngày không được làm việc (từ tháng 4/1992 – tháng 9/2006), tiền bồi thường tổn thất về tinh thần, tổng số tiền là: 248.879.000đ (Bằng chữ: Hai trăm bốn mươi tám triệu tám trăm bẩy mươi chín ngàn đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thanh toán một lần ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.
2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị B với các nội dung sau:
Yêu cầu thanh toán tiền khám chữa bệnh, chi phí đi lại, chi phí in ấn tài liệu đi khởi kiện, bồi thường tiền lương 161 tháng kể từ ngày 01/10/2006 đến 01/3/2020, tổng số tiền là: (1.746.928.300đ - 248.879.000đ) = 1.498.049.300đ;
3. Khoản tiền trượt giá không xem xét do đương sự không yêu cầu.
4. Về án phí: Uỷ ban nhân dân thành phố Phổ Yên phải chịu án phí lao động có giá ngạch số tiền (248.879.000đ x 3%) án phí phải nộp là = 7.466.000đ (đã được làm tròn) (Bằng chữ: bẩy triệu bốn trăm sáu mươi sáu ngàn đồng).
5. Về quyền kháng cáo:
Án xử công khai sơ thẩm, báo cho các đương sự có mặt biết có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Các đương sự vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc bản án được niêm yết công khai hợp lệ theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6,7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Bản án 01/2023/LĐ-ST về việc yêu cầu trả lương,bồi thường thiệt hại do chấm dứt hợp đồng lao động trái luật
Số hiệu: | 01/2023/LĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thị xã Phổ Yên - Thái Nguyên |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 26/04/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về