TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 256/2023/DS-PT NGÀY 03/07/2023 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU TUYÊN BỐ DI CHÚC VÔ HIỆU, HỢP ĐỒNG TẶNG CHO, HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Trong các ngày 26 tháng 6 và 03 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 60/2023/TLPT-DS ngày 03 tháng 3 năm 2023 về việc “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố di chúc vô hiệu, hợp đồng tặng cho, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 156/2022/DS-ST ngày 21 tháng 11 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo, kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 182/2023/QĐPT-DS ngày 04 tháng 5 năm 2023; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 255/2023/QĐ-PT ngày 02 tháng 6 năm 2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1970; địa chỉ: số A (số C) đường Đ, tổ B, khu B, phường Đ, thành phố T, tỉnh Bình Dương; địa chỉ liên hệ: số A, Tỉnh lộ 8, ấp C, xã B, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn:
1. Ông Trương Nguyễn Lữ H, sinh năm 1977; địa chỉ: số C H, Phường A, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo ủy quyền (Hợp đồng ủy quyền ngày 21/5/2020), có đơn đề nghị giải quyết, xét xử vắng mặt.
2. Ông Huỳnh Minh P, sinh năm 1992; địa chỉ: số A N, Phường E, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo ủy quyền (Hợp đồng ủy quyền ngày 21/5/2020), có mặt.
- Bị đơn:
1. Ông Lê M, sinh năm 1955; địa chỉ: số A, ấp T, xã T, T (nay là thành phố ) T, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn ông Lê M: Ông Phan Nguyễn Hoàng T1, sinh năm 1988; địa chỉ: ấp T, phường T, thị xã (nay là thành phố ) T, tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền (văn bản uỷ quyền ngày 17/12/2021), có đơn xin xét xử vắng mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lê M: Ông Nguyễn Phước L, là Luật sư Công ty L2 thuộc Đoàn Luật sư tỉnh B, có mặt.
2. Ông Nguyễn Thanh P1, sinh năm 1975;
3. Bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1977; có đơn xin xét xử vắng mặt.
Ông P1, bà Đ ở cùng địa chỉ: số E, đường T, khu phố G, thị trấn T, huyện T, tỉnh Tây Ninh.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn ông P1: Ông Đinh Tấn T2, sinh năm 1981; địa chỉ: số G Đại lộ B, tổ D, khu G, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 20/5/2023), có đơn xin xét xử vắng mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ủy ban nhân dân phường Đ, thành phố T, tỉnh Bình Dương; địa chỉ: số A, Đại lộ B, phường Đ, thành phố T, tỉnh Bình Dương, vắng mặt.
2. Ủy ban nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương; địa chỉ: số A, đường Q, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương, có đơn đề nghị giải quyết, xét xử vắng mặt.
3. Ông Nguyễn Văn H1, sinh năm 1953; địa chỉ: số B, hẻm H, đường Đ, khu phố A, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương, vắng mặt.
4. Ông Huỳnh Thái B, sinh năm 1973; vắng mặt;
5. Bà Đoàn Thị N, sinh năm 1977; có mặt, Ông B và bà N ở cùng địa chỉ: số B, đường P, khu phố A, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương.
6. Văn phòng C1; địa chỉ: đường Đ, khu phố B, phường T, thị xã (nay là thành phố ) T, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Hữu T3, chức vụ: Trưởng Văn phòng, có đơn đề nghị giải quyết, xét xử vắng mặt.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Nguyễn Văn T.
- Viện Kiểm sát kháng nghị: Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐKNPT-VKSTDM ngày 05/12/2022 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo nội dung bản án sơ thẩm:
Nguyên đơn và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Cha, mẹ của ông Nguyễn Văn T là cụ Nguyễn Văn N1 (chết năm 1985) và cụ Nguyễn Thị B1 (chết năm 2009). Cụ N1 và cụ B1 không có con ruột nên năm 1977, cụ B1 đã đến cô nhi viện xin ông Nguyễn Văn T làm con nuôi và thực hiện các thủ tục nhận con nuôi theo quy định của pháp luật. Ông T đã sống với cụ N1, cụ B1 từ năm 1977 đến năm 1985 cụ N1 chết nên ông T sống cùng với cụ B1. Cuối năm 2005, cụ B1 bị bệnh lao phổi nặng, đến đầu năm 2006 phải nhập viện điều trị, sau đó cụ B1 gầy yếu và thường trong tình trạng quên, nhớ và đến ngày 08/8/2009 cụ B1 chết. Lúc còn sống cụ B1 có đứng tên phần đất diện tích 2.019m2 đã được Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) thị xã T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đổi lại sổ ngày 21/9/2007, diện tích cấp lại chỉ còn 1.558m2. Sau khi cụ B1 chết được 03 ngày thì ông Lê M công bố di chúc của cụ B1 được UBND xã (nay là phường) Định Hòa chứng thực ngày 27/7/2006 có nội dung: “Tôi tên Nguyễn Thị B1...hiện tôi đang sử dụng một miếng đất vườn diện tích 1.719m2, QSD đất số L076105 cấp ngày 27/5/1998. Đất tọa lạc tại xã Đ, Tx. T. Trong khi tôi đang khỏe mạnh và còn sáng suốt nên tôi quyết định lập tờ di chúc này nhằm để tương phân số trên cho cháu tôi là Lê M, sinh năm 1955, số CMND 270119808 do công an tỉnh Đ cấp ngày 25/8/1978, hiện ngụ xã T, huyện T, tỉnh Bình Dương”... Dù ông T không đồng ý nhưng ông M vẫn lập đơn xin xác nhận ngày 21/12/2009 gửi UBND phường Đ cho rằng cụ B1 có làm di chúc để lại cho ông Lê M diện tích là 1.719m2 theo sổ quyền sử dụng đất số L076105 cấp ngày 27/5/1998, trong khi cụ B1 còn sống có cho cháu nội là Nguyễn Thanh P1 một phần diện tích và đã làm mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK475669, diện tích 1.558m2 cấp ngày 21/9/2007. Ngày 16/4/2010, ông Lê M đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH00407, diện tích 200m2 đất ở tại đô thị thuộc thửa 1093, tờ bản đồ số 20 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH00408 diện tích 1.345,8m2 đất trồng cây hàng năm thuộc thửa 1092, tờ bản đồ số 20, bộ Đ3. Ngày 13/4/2010, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã T cập nhật biến động thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H27857 đã cấp cho cụ Nguyễn Thị B1 vì đã chuyển quyền sử dụng toàn bộ diện tích cho ông Lê M theo hồ sơ số 000135 tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H27857 ngày 27/9/2007.
Ông T xác định tờ di chúc này là trái pháp luật vì di chúc được lập lúc tinh thần cụ B1 không minh mẫn và cụ B1 hoàn toàn không biết chữ. Do cụ B1 hiện nay đã chết nên việc chứng minh cụ B1 không biết chữ là dựa vào lời khai của những người làm chứng sống lâu năm tại địa phương đều xác định cụ B1 không biết chữ như bà Nguyễn Thị T4, bà Trương Thị C, bà Bùi Thị Yến N2, ông Huỳnh Văn D; lời khai của những người thân của cụ B1 là bà Lê Thị H2 (em ruột cụ B1) cũng như sự thừa nhận của bị đơn ông Lê M tại biên bản lấy lời khai ngày 14/6/2011: “Việc cụ B1 có đi học hay không thì ông M không biết nhưng ông M xác định là cụ B1 bị mù chữ nên không biết đọc, biết viết gì cả; khi cần thiết làm thủ tục giấy tờ gì tại cơ quan Nhà nước thì cụ B1 đều nhờ ông hai viết và ký tên giùm cụ B1”.
Đối với việc Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một có quyết định nhập hai vụ án dân sự thụ lý số 336/2019/TLST-DS ngày 04/9/2019 giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn T với bị đơn ông Nguyễn Thanh P1, bà Nguyễn Thị Đ vào vụ án dân sự thụ lý số 376/2017/TLST-DS ngày 11/10/2017 giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn T với bị đơn ông Lê M để giải quyết trong cùng một vụ án một cách khách quan, toàn diện thì nguyên đơn thống nhất.
Do đó, nguyên đơn ông Nguyễn Văn T khởi kiện yêu cầu:
- Hủy di chúc ngày 27/7/2006 của cụ Nguyễn Thị B1 lập và chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã (nay là phường) Định Hòa với lý do di chúc lập không hợp pháp, cụ B1 không biết chữ, di chúc được lập bằng hình thức đánh máy nhưng không có người làm chứng.
- Hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 01/8/2007 giữa bên tặng cho là cụ Nguyễn Thị B1, ông Nguyễn Văn T với bên nhận tặng cho là ông Nguyễn Thanh P1 và hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 373 ngày 23/7/2009 giữa ông Nguyễn Thanh P1, bà Nguyễn Thị Đ với ông Huỳnh Thái B lập tại Văn phòng C1 vì cụ B1 không biết chữ, việc lập các hợp đồng trên là không đúng ý chí cụ B1. Đồng thời, yêu cầu hủy 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Lê Minh S CH00407 và CH00408 ngày 16/4/2010 do Ủy ban nhân dân thị xã (nay là thành phố) Thủ Dầu M1 cấp cho ông Lê M. Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H53989 do UBND thị xã (nay là thành phố ) T, tỉnh Bình Dương cấp ngày 03/9/2009 cho ông Huỳnh Thái B và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ cấp giấy chứng nhận số H27856 do UBND thị xã (nay là thành phố ) T, tỉnh Bình Dương cấp ngày 21/9/2007 cho ông Nguyễn Thanh P1. Nguyên đơn không yêu cầu giải quyết hậu quả của việc hủy hợp đồng tặng cho và hợp đồng chuyển nhượng.
Ngày 24/10/2022, đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Huỳnh Minh P có đơn trình bày ý kiến cho rằng ngày 19/11/2021, ông T bổ sung thêm yêu cầu khởi kiện là: Yêu cầu chia di sản thừa kế do cụ Nguyễn Thị B1 để lại là quyền sử dụng đất có diện tích 1.729,5m2 tọa lạc tại phường Đ, thành phố T, tỉnh Bình Dương theo quy định pháp luật. Cho ông Nguyễn Văn T được hưởng toàn bộ di sản là quyền sử dụng đất có diện tích 1.729,5m2 tọa lạc tại phường Đ, thành phố T, tỉnh Bình Dương theo quy định pháp luật.
Tại phiên toà sơ thẩm, ông P giữ nguyên ý kiến trình bày và xác định lại yêu cầu khởi kiện như sau:
- Yêu cầu tuyên bố di chúc của cụ Nguyễn Thị B1 là vô hiệu do khi lập di chúc cụ B1 không còn minh mẫn và là người không biết chữ nhưng di chúc lập không có người làm chứng.
- Yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 01/8/2017 giữa cụ Nguyễn Thị B1, ông Nguyễn Văn T và ông Nguyễn Thanh P1, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Nguyễn Thanh P1 do cụ B1 là người không biết chữ nên không thể ký vào hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất được. Chữ ký và chữ viết trong hợp đồng tặng cho không phải của ông Nguyễn Văn T.
- Yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn Thanh P1 với ông Huỳnh Thái B và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Huỳnh Thái B.
- Yêu cầu khởi kiện bổ sung là chia di sản thừa kế do cụ Nguyễn Thị B1 để lại là quyền sử dụng đất có diện tích 1.729,5m2 tọa lạc tại phường Đ, thành phố T, tỉnh Bình Dương theo quy định pháp luật. Cho ông Nguyễn Văn T được hưởng toàn bộ di sản là quyền sử dụng đất có diện tích 1.729,5m2 tọa lạc tại phường Đ, thành phố T, tỉnh Bình Dương.
- Đối với yêu cầu hủy 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Lê M thì hiện nay 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này đã bị thu hồi, hủy bỏ bằng Quyết định số 2832/QĐ-UBND ngày 26/8/2013 của Ủy ban nhân dân thị xã T nên nguyên đơn không yêu cầu giải quyết.
Bị đơn và người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:
Căn cứ vào Bản án phúc thẩm số 169/2019/DS-PT ngày 19/7/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương thì việc Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một có quyết định nhập hai vụ án dân sự thụ lý số 336/2019/TLST-DS ngày 04/9/2019 giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn T với bị đơn ông Nguyễn Thanh P1, bà Nguyễn Thị Đ vào vụ án dân sự thụ lý số 376/2017/TLST-DS ngày 11/10/2017 giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn T với bị đơn ông Lê M để giải quyết trong cùng một vụ án một cách khách quan, toàn diện bị đơn thống nhất.
- Đối với yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn T đối với ông Lê M về việc yêu cầu hủy di chúc và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Lê M, ông T1 có ý kiến:
Quyền sử dụng đất diện tích 2.019m2 tại phường Đ, thành phố T, tỉnh Bình Dương đã được Ủy ban nhân dân thành phố T giao cho cụ B1 tại Quyết định số 1232/QĐ-UB ngày 13/11/1993, có nguồn gốc do mẹ cụ B1 là bà Nguyễn Thị L1 để lại cho cụ B1. Cụ B1 và mẹ ruột của ông M (bà Nguyễn Thị N3) là chị em ruột.
Ngày 27/7/2006, cụ Nguyễn Thị B1 có lập di chúc định đoạt phần tài sản cho ông M diện tích đất vườn là 1.719m2, di chúc đã được UBND xã (nay là phường) Định H3 chứng thực. Ngoài di chúc nêu trên thì cụ B1 không còn di chúc nào khác. Năm 2007, cụ B1 tách 240m2 tặng cho cháu là ông Nguyễn Thanh P1. Ông P1 cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất này.
Sau khi cụ B1 chết, ngày 17/11/2009 ông M thông qua di chúc của cụ B1 để lại cho mọi người trong thân tộc nghe nhưng không ai có ý kiến gì. Năm 2010, ông M tiến hành các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã được UBND thị xã T cấp 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 16/4/2010 và sử dụng ổn định cho đến nay. Việc UBND thị xã (nay là thành phố) Thủ Dầu Một ban hành Quyết định số 2832/QĐ-UB ngày 26/8/2013 về việc thu hồi, hủy bỏ 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH00407 và CH00408 ngày 16/4/2010 cấp cho ông Lê M thì ông M chưa nhận được và vẫn giữ bản chính của 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên.
Đối với yêu cầu khởi kiện của ông T, ông M không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì:
- Về hình thức di chúc: khi lập di chúc, cụ B1 đã cung cấp đầy đủ hồ sơ để lập di chúc. Di chúc được lập đúng hình thức, được chứng thực đúng quy định.
- Về ý chí của cụ B1 khi lập di chúc: ông Nguyễn Văn H1 (là con cụ B1, anh của nguyên đơn ông T) trình bày, trước khi lập di chúc cụ B1 có bàn bạc với gia đình, vì nguồn gốc đất do ba mẹ cụ B1 để lại, trong đó có một phần của bà N3, là mẹ ruột ông M, nên cụ B1 mới lập di chúc để lại phần đất này cho ông M. Việc lập di chúc này là hoàn toàn thể hiện ý chí tự nguyện của cụ B1, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Điều này đã được Toà án nhân dân tối cao ghi nhận tại Quyết định Giám đốc thẩm số 487/2013/QĐ-GĐT ngày 14/11/2013 về việc cụ B1 để lại di sản thừa kế cho ông M là hoàn toàn hợp lý.
- Về việc ông T cho rằng lúc lập di chúc cụ B1 không còn minh mẫn, lúc nhớ lúc quên nhưng ông T không đưa ra được chứng cứ để chứng minh việc cụ B1 không còn minh mẫn. Tại Kết luận số 9521/GĐYK-SK ngày 27/7/2006 của Hội đồng giám định y khoa tỉnh Bình Dương đã kết luận: cụ B1 “hiện tại đủ sức khỏe lập di chúc, tâm thần kinh bình thường”. Từ đó có cơ sở để khẳng định lúc lập di chúc, sức khỏe cụ B1 hoàn toàn bình thường.
- Về việc ông T cho rằng cụ B1 không biết chữ nhưng ông T không đưa ra được chứng cứ để chứng minh là cụ B1 không biết chữ. Nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu xác định cụ B1 không biết chữ là của ông T nhưng ngoài lời trình bày ra thì ông T đã không cung cấp chứng cứ để chứng minh cho lời trình bày của mình là có cơ sở. Trong khi đó ông Nguyễn Văn H1 trình bày, cụ B1 là mẹ ông có thể đọc được và viết được. Từ đó khẳng định là không có chứng cứ để kết luận là cụ B1 không biết chữ. Bị đơn cung cấp chứng cứ chứng minh thể hiện cụ B1 biết chữ vì vào ngày 22/11/1977, cụ B1 có làm đơn với đề mục “Xác nhận và bảo lãnh nuôi dưỡng 1 bé trai” để xin ông T làm con nuôi tại cô nhi viện.
- Do đó, có cơ sở khẳng định di chúc của cụ B1 là hợp pháp. Về điều kiện lập di chúc thì đã được thể hiện tại biên bản đối chất ngày 16/01/2018 của Ủy ban nhân dân phường Đ là cụ B1 có đủ điều kiện lập di chúc. Tại biên bản lấy lời khai của Ủy ban nhân dân phường Đ ngày 16/01/2018 thể hiện nội dung di chúc là đúng ý chí, tự nguyện của cụ B1 vì đã được đọc lại di chúc cho cụ B1 nghe, cụ B1 đã thống nhất và điểm chỉ vào di chúc.
Đối với yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 01/8/2007 giữa cụ Nguyễn Thị B1, ông Nguyễn Văn T và ông Nguyễn Thanh P1; hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 373 ngày 23/7/2009 giữa ông Nguyễn Thanh P1, bà Nguyễn Thị Đ và ông Huỳnh Thái B, ông T1 có ý kiến: bị đơn ông Lê Minh xác đ không tranh chấp, không có ý kiến gì.
Bị đơn ông Nguyễn Thanh P1 và bà Nguyễn Thị Đ do người đại diện là ông Đinh Tấn T2 trình bày:
Thống nhất ý kiến trình bày của người đại diện hợp pháp của bị đơn ông Lê M. Đối với yêu cầu hủy Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 01/8/2007 giữa cụ Nguyễn Thị B1, ông Nguyễn Văn T và ông Nguyễn Thanh P1 và hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 373 ngày 23/7/2009 giữa ông Nguyễn Thanh P1, bà Nguyễn Thị Đ với ông Huỳnh Thái B thì ông T2 không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông T, vì hợp đồng tặng cho và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoàn toàn là ý chí tự nguyện và hợp pháp giữa các chủ thể thực hiện hợp đồng.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Huỳnh Thái B và bà Đoàn Thị N trình bày:
Ông B và bà N nhận chuyển nhượng thửa đất số 1013, diện tích 183,7m2 tờ bản đồ số 20 tại phường Đ, thành phố T, tỉnh Bình Dương từ ông Nguyễn Thanh P1 theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số công chứng 373, quyển số 07TP/CC SCC/HĐGD được Văn phòng C1 chứng thực ngày 23/7/2009 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H53989 do UBND thị xã (nay là thành phố ) T, tỉnh Bình Dương cấp ngày 03/9/2009, việc chuyển nhượng giữa hai bên là hợp pháp, do đó ông B, bà N không đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn. Ông B, bà N không có yêu cầu độc lập trong vụ án.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời là người làm chứng là ông Nguyễn Văn H1 trình bày:
Ông Nguyễn Văn H1 là con nuôi của cụ Nguyễn Thị B1 và cụ Nguyễn Văn N1. Ông H1 được cụ B1 nhận nuôi vào năm 1935. Đến năm 1977 cụ B1 làm thủ tục xin ông Nguyễn Văn T về nuôi. Ông H1 sống với cụ B1 từ nhỏ, đến năm 1988 thì lập gia đình, xây nhà kế bên đất của cụ B1 cho. Khi ở chung với cụ B1, ông H1 cho rằng cụ B1 biết chữ nên năm 1977, cụ B1 có làm đơn xin nhận ông Nguyễn Văn T làm con nuôi cũng như xin cho ông T được nhập vào hộ khẩu gia đình. Cụ B1 biết đọc, biết viết, ký tên dù chữ không lưu loát, nếu cụ B1 không biết chữ thì trong các văn bản trên cụ B1 đã đánh dấu “+” chứ không phải viết tên “Bưởi”, qua sinh hoạt thường ngày ông H1 thấy cụ B1 hay đọc kinh phật.
Đối với tờ Di chúc ngày 27/7/2006 của cụ B1 được chứng thực tại UBND phường Đ, ông H1 có biết về tờ di chúc này vì trước khi lập di chúc, cụ B1 có bàn bạc trước với ông H1 là nguồn gốc đất của cha mẹ cụ B1 để lại cho cụ B1 đứng tên trong đó có phần của bà N3 (là mẹ ruột ông Lê M) nên cụ B1 để lại phần đất vườn cho ông M. Cụ B1 có nói ông H1 đi cùng đến UBND xã Đ để làm di chúc nhưng ông H1 bận việc nên không đi được. Sau khi làm xong tờ di chúc thì ngày hôm sau (28/7/2006) cụ B1 có đưa tờ di chúc cho ông H1 xem thì ông H1 thống nhất, không có ý kiến gì vì đây là sự tự nguyện định đoạt của cụ B1, ông H1 đã có phần được chia trước đó rồi. Ông H1 khẳng định chữ ký trong văn bản đề mục “Xác nhận bảo lãnh và nuôi dưỡng 01 bé trai” ngày 22-11-77 là chữ ký của cụ B1.
Ông Nguyễn Văn T là em nuôi của ông Nguyễn Văn H1. Ông Nguyễn Thanh P1 là con ruột của ông Nguyễn Văn H1, bà Nguyễn Thị Đ là con dâu của ông Nguyễn Văn H1. Ông H1 không biết về hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 01/8/2017 giữa cụ B1, ông T tặng cho ông P1. Đối với việc ông T khởi kiện ông P1, bà Đ về việc tranh chấp yêu cầu hủy di chúc, hợp đồng tặng cho, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì ông H1 không có ý kiến, đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân phường Đ: Được triệu tập hợp lệ nhưng không đến tham dự phiên tòa, không gửi văn bản trình bày ý kiến nên Tòa án không ghi nhận được ý kiến của UBND phường Đ.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân thành phố T:
Cung cấp toàn bộ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Văn bản số 222/TNMT ngày 25/5/2021 trình bày ý kiến về việc UBND thị xã (nay là thành phố) Thủ Dầu Một cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là phù hợp trình tự thủ tục quy định tại thời điểm cấp. Đối với việc ông Nguyễn Văn T yêu cầu hủy 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H27856 ngày 21/9/2007 cho ông Nguyễn Thanh P1; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H53989 ngày 03/9/2009 cho ông Huỳnh Thái B, đề nghị Toà án căn cứ vào quy định của pháp luật để giải quyết.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Văn phòng C1 trình bày: Văn phòng C1 tiếp nhận hồ sơ công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn Thanh P1, bà Nguyễn Thị Đ và ông Huỳnh Thái B. Theo nội dung hợp đồng, ông P1 và bà Đ chuyển nhượng toàn bộ tài sản là quyền sử dụng đất diện tích 240m2, tọa lạc tại phường Đ, thành phố T theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 475668, số vào sổ H27856 do UBND thị xã (nay là thành phố) Thủ Dầu Một cấp ngày 24/9/2007 cho ông Nguyễn Thanh P1. Khi tiếp nhận hồ sơ, Công chứng viên đã tiến hành kiểm tra toàn bộ hồ sơ pháp lý, đối chiếu bản chính, bản sao các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu bên mua, bên bán; kiểm tra phần mềm ngăn chặn chuyển dịch tài sản của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Sau khi kiểm tra, Công chứng viên nhận thấy hồ sơ hợp lệ như quyền sử dụng đất không bị tranh chấp, không bị kê biên để đảm bảo thi hành án, không quy hoạch giải tỏa, các bên có đủ năng lực hành vi dân sự và tự nguyện thực hiện giao dịch nên Công chứng viên đã soạn hợp đồng, cho các bên đọc lại và đồng ý ký tên trước sự chứng kiến của Công chứng viên. Sau đó, Công chứng viên đã chứng nhận vào hợp đồng đúng theo quy định pháp luật.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn ông Nguyễn Phước L trình bày: Thống nhất với trình bày của bị đơn ông Lê M và trình bày luận cứ như sau:
Thứ nhất, xét về ý chí lập di chúc của cụ B1:
- Người làm chứng ông Nguyễn Văn H1 trình bày: Trước khi lập di chúc, cụ B1 có bàn bạc với gia đình. Vì nguồn gốc đất trên do bố mẹ cụ B1 để lại, trong đó có một phần của cụ N3 (là mẹ ruột của bị đơn ông M), nên cụ B1 mới lập di chúc để lại một phần đất cho ông M (bút lục 68). Cụ Lê Thị H2 là em ruột của cụ B1 trình bày: sau khi cụ B1 chết được 03 ngày, ông M công bố di chúc, ông T không đồng ý (bút lục 28). Như đã phân tích, nguồn gốc đất trên do cha mẹ để lại cho cụ B1 đứng tên trong đó có cả phần của em ruột mình là cụ N3 (mẹ ông M) vì thế cụ B1 đã lập di chúc để lại phần đất vườn cho ông M là hoàn toàn phù hợp.
- Nguyên đơn khởi kiện cho rằng cụ B1 không biết chữ nhưng lại không đưa ra được tài liệu chứng cứ nào để chứng minh. Cho nên đối với yêu cầu khởi kiện hủy di chúc ngày 27/7/2006 của nguyên đơn là không có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận đối với yêu cầu này.
Thứ hai, đối với yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Lê M. Trước đây, nguyên đơn có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông M, tuy nhiên hiện nay 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông M đã bị thu hồi, hủy bỏ theo Quyết định số 2832/QĐ-UBND ngày 26/8/2013 của UBND thị xã T. Tại phiên toà, nguyên đơn không có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên ông L không phát biểu ý kiến về vấn đề này.
Thứ ba, nguyên đơn yêu cầu khởi kiện bổ sung giải quyết hậu quả của việc hủy di chúc và yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản do cụ B1 để lại là quyền sử dụng đất diện tích 1.729,5m2. Như đã phân tích, trình bày ở phần bên trên, đủ cơ sở để khẳng định di chúc do cụ Nguyễn Thị B1 lập ngày 27/7/2006 có hiệu lực pháp luật; di chúc thể hiện ý chí tự nguyện của cụ B1, người lập di chúc không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Do đó di chúc do cụ Nguyễn Thị B1 lập ngày 27/7/2006 đã phát sinh hiệu lực pháp luật theo quy định tại các Điều 646, 647, 648, 649, 650, 652, 657, 658, 667 Bộ luật Dân sự 2005. Ông Lê Minh S1 là người thừa kế hợp pháp theo di chúc do cụ Nguyễn Thị B1 lập ngày 27/7/2006. Cho nên việc nguyên đơn yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản do cụ B1 để lại là quyền sử dụng đất diện tích 1.729,5m2 là không có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận đối với yêu cầu này.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm 156/2022/DS-ST ngày 21 tháng 11 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã quyết định:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn T đối với bị đơn ông Lê M về việc “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố di chúc vô hiệu”.
Tuyên bố di chúc lập ngày 27/7/2006 của cụ Nguyễn Thị B1 được chứng thực tại UBND xã (nay là phường) Định Hòa là hợp pháp.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn T đối với bị đơn ông Nguyễn Thanh P1, bà Nguyễn Thị Đ về việc yêu cầu hủy Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất số 492/07 ngày 01/8/2007, quyển số 02/TP/CC- SCT/HĐGD tại UBND phường Đ; hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H27856 do UBND thị xã (nay là thành phố) Thủ Dầu Một cấp ngày 21/9/2007 cho ông Nguyễn Thanh P1; hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số công chứng 373 quyển số 07/TP-CC SCC/HĐGD được Văn phòng C1 chứng thực ngày 23/7/2009 giữa ông Nguyễn Thanh P1, bà Nguyễn Thị Đ với ông Huỳnh Thái B và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H53959 do UBND thị xã (nay là thành phố) Thủ Dầu Một cấp ngày 03/9/2009 cho ông Huỳnh Thái B.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo.
Sau khi có bản án sơ thẩm, các ngày 13, 21 và 27 tháng 12 năm 2022 ông Nguyễn Văn T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐKNPT-VKSTDM ngày 05/12/2022 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Huỳnh Minh P cho rằng Kết luận giám định số 2011 ngày 07/9/2016 của Phòng K Công an tỉnh B là không hợp pháp, không biết Phòng K Công an tỉnh B dùng phương pháp gì để giám định, trong khi bằng mắt thường ông P cho rằng dấu vân tay của ông T là không giống nhau. Đối với giấy khám sức khỏe của cụ B1 cũng chỉ mang tính chất tham khảo, không có cơ sở chắc chắn vì thời điểm trên cụ B1 đã 80 tuổi, thường xuyên ốm đau, không còn minh mẫn. Lời khai của người làm chứng, lời khai của ông Lê M và ông Nguyễn Văn H1 đều thừa nhận cụ B1 không biết chữ, không biết đọc, biết viết nên có căn cứ xác định cụ B1 không biết viết.
Đối với phần diện tích đất 1.719m2 đất là di sản của cụ B1 chết để lại, đây là tài sản riêng của cụ Nguyễn Thị B1, không có chứng cứ nào để xác định có một phần của bà N3. Việc Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một căn cứ Công văn số 178/PC06 ngày 24/3/2002 của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh B xác định cụ Nguyễn Thị B1, sinh năm 1926 có làm chứng minh nhân dân, nội dung Tờ khai chứng minh nhân dân, phần người khai ký tên ngày 01/4/1978 có ký tên “Bưởi" ghi họ tên “Nguyễn Thị B1” và tại mục số 15 về “trình độ văn hóa 02/12” và Công văn 147/CATP-QLHC ngày 06/9/2022 của Công an thành phố T để nhận định cụ B1 biết chữ, biết đọc, biết viết là chưa có cơ sở. Nguyên đơn không được tiếp cận các chứng cứ này theo quy định pháp luật là vi phạm thủ tục tố tụng. Trình tự, thủ tục chứng thực di chúc tại UBND phường Đ ngày 27/7/2006 là không đúng quy định tại Điều 8, Điều 11, Điều 13 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ do Di chúc không có người làm chứng vì cụ B1 không biết chữ là vi phạm khoản 3 Điều 652 Bộ luật Dân sự 2005; di chúc đã được phía bị đơn ông Lê M đánh máy sẵn rồi mang tới UBND phường Đ yêu cầu chứng thực nhưng lại không có người làm chứng là vi phạm Điều 656 Bộ luật Dân sự năm 2005; di chúc không được ký trước mặt người chứng thực là ông Nguyễn Văn Đ1 (Phó Chủ tịch UBND xã Đ) mà ký trước mặt ông Lê Văn H4 (là cán bộ tư pháp), sau đó ông H4 mới tham mưu cho ông Đ1 ký chứng thực là vi phạm khoản 1 Điều 11 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ. Di chúc không thể xác định được ý chí thực tế của cụ Nguyễn Thị B1 khi lập di chúc để lại toàn bộ di sản sau khi chết cho ông Lê M, vì sau khi ký di chúc thì cụ B1 tiếp tục ký hợp đồng tặng cho phần diện tích đất nằm trong di chúc cho ông Nguyễn Thanh P1. Do cụ Nguyễn Thị B1 không biết chữ nhưng lại không có người làm chứng nên việc xác lập và chứng thực Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất số 492/07 ngày 01/08/2007, quyển số 027P/CC- SCC/HĐGD tại UBND phường Đ là không đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Do đó, nguyên đơn kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu quan điểm:
Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về nội dung: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương giữ nguyên Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐKNPT-VKSTDM ngày 05/12/2022 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Các lý do kháng nghị sau:
- Vi phạm về tố tụng:
Không đình chỉ xét xử đối với một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đã rút đối với 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH 00407 và số CH 00408 do UBND thị xã (nay là thành phố) Thủ Dầu M1 cấp cho ông Lê M ngày 16/4/2016. Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Huỳnh Minh P xác định nguyên đơn không yêu cầu Tòa án giải quyết đối với yêu cầu hủy 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH 00407 và số CH 00408 do UBND thị xã (nay là thành phố) Thủ Dầu M1 cấp cho ông Lê M ngày 16/4/2010 do hiện nay hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên đã bị thu hồi, hủy bỏ bằng Quyết định số 2832/QĐ-UBND ngày 26/8/2013 của UBND thị xã (nay là thành phố) Thủ Dầu M1. Như vậy, nguyên đơn đã rút một phần yêu cầu khởi kiện so với nội dung đơn khởi kiện ban đầu. Tuy nhiên, khi xét xử Tòa án cấp sơ thẩm không nhận xét đối với yêu cầu khởi kiện này trong phần nhận định của bản án và không tuyên đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện tại phần quyết định của bản án là vi phạm khoản 2 Điều 244, điểm c khoản 2 Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Vi phạm trong việc không thụ lý yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn: Bản án sơ thẩm nhận định đối với yêu cầu chia di sản của cụ B1 chết để lại là quyền sử dụng đất có diện tích 1.729,5m2 (bao gồm cả phần đất đã tặng cho ông P1) tọa lạc tại phường Đ, thành phố T, tỉnh Bình Dương, nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh đã nộp đơn khởi kiện bổ sung cho Tòa án và việc nguyên đơn khởi kiện bổ sung đối với yêu cầu chia di sản thừa kế tại phiên tòa là vượt quá phạm vi khởi kiện nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn về việc yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ B1 chết để lại là không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án vì trong quá trình tố tụng của Tòa án đã thể hiện: Tại Biên bản hòa giải ngày 19/11/2021 (bút lục số 609-611) và Biên bản hòa giải ngày 28/12/2021, Tòa án đã ghi nhận ý kiến của nguyên đơn ông T về việc bổ sung yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế và tiến hành hòa giải giữa các đương sự đối với yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất 1.729,5m2 do cụ B1 chết để lại. Xét thấy, đây là yêu cầu chính đáng của nguyên đơn nhưng trong suốt quá trình tố tụng từ khi nguyên đơn có yêu cầu khởi kiện bổ sung (ngày 19/11/2021) cho đến khi Tòa án mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án (ngày 21/11/2022), Tòa án sơ thẩm không hướng dẫn, yêu cầu đương sự làm đơn khởi kiện bổ sung hoặc lập biên bản làm việc về việc bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là lỗi của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, dẫn đến giải quyết vụ án chưa triệt để là vi phạm Điều 5, Điều 70, Điều 71 Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Vi phạm về nội dung: Bản án sơ thẩm xác định di chúc cụ Nguyễn Thị B1 lập ngày 27/7/2006 có giá trị pháp lý nên không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Nguyễn Văn T về việc tuyên bố di chúc vô hiệu là đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án chưa khách quan và không toàn diện, bởi lẽ:
Xét tính hợp pháp của di chúc do cụ Nguyễn Thị B1 lập ngày 27/7/2006 và được UBND xã Đ chứng thực ngày 27/7/2006, nhận thấy: Bản di chúc được đánh máy chữ, có dấu vân tay điểm chỉ của cụ B1 và trong bản di chúc không có một chữ viết tay nào của cụ B1.
Phía nguyên đơn ông T cho rằng cụ B1 là người không biết chữ nên di chúc ngày 27/7/2006 của cụ B1 là không hợp pháp. Xét thấy, theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện khi cụ B1 lập các thủ tục hành chính như thủ tục xin cấp chứng minh nhân dân, thủ tục nhận nuôi ông Nguyễn Văn T làm con nuôi, thủ tục xin cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi đã tặng cho ông P1 phần diện tích đất 240m2 vào năm 2007 đều chỉ thể hiện cụ B1 có ký chữ “Bưởi” vào các giấy tờ nêu trên; ngoài chữ ký “Bưởi” trong các văn bản nói trên không thể hiện chữ viết tay nào khác của cụ B1. Trong khi đó theo lời khai của cụ Lê Thị H2 là em ruột cụ B1 đã xác định khi còn sống cụ B1 không được đi học nên cụ B1 không biết đọc, biết viết. Điều này cũng phù hợp với lời khai của những người làm chứng khác là bà Bùi Thị Yến N2, ông Huỳnh Văn D, bà Trương Thị C, bà Nguyễn Thị T4, ông Nguyễn Văn B2 cũng đều xác định cụ B1 không biết đọc, biết viết và ngay cả ông Lê M tại biên bản lấy lời khai ngày 14/6/2011 (bút lục số 189) cũng trình bày “Việc cụ B1 có đi học hay không thì ông M không biết nhưng ông M xác định cụ B1 bị mù chữ nên không biết đọc, biết viết gì cả; khi cần thiết làm thủ tục giấy tờ gì tại cơ quan Nhà nước thì cụ B1 đều nhờ ông H1 viết và ký tên dùm cụ B1”. Như vậy, có đủ cơ sở để xác định cụ Nguyễn Thị B1 không biết chữ như lời trình bày của nguyên đơn.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực”. Tuy nhiên, di chúc của cụ B1 lập không có người làm chứng. Theo lời khai của ông Lê M, tại thời điểm cụ B1 lập di chúc chính ông M là người chở cụ B1 đến văn phòng dịch vụ đánh máy nhờ soạn thảo nội dung và sau khi soạn thảo xong nội dung di chúc thì ông M chở cụ B1 đến UBND xã Đ chứng thực di chúc nhưng hiện nay ông M không còn nhớ văn phòng nào đánh máy soạn thảo nội dung di chúc cho cụ B1. Căn cứ Điều 656 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng”. Đối chiếu quy định của pháp luật, cụ B1 nhờ người khác viết nội dung di chúc nhưng không có người làm chứng là không đúng quy định của pháp luật. Căn cứ lời khai của ông Lê Văn H4 là cán bộ tư pháp xã Đ thì vào ngày 27/7/2006, cụ B1 đi cùng ông M mang tờ di chúc đã được soạn sẵn nội dung đến UBND xã Đ yêu cầu chứng thực di chúc, ông H4 có đọc lại nội dung di chúc cho cụ B1 nghe và cụ B1 thống nhất điểm chỉ vào di chúc trước mặt ông H4, sau đó ông H4 tham mưu cho ông Nguyễn Văn Đ1 là Phó Chủ tịch UBND xã Đ xác nhận vào di chúc. Căn cứ khoản 1 Điều 11 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Đ1 là người chứng thực di chúc của cụ B1 nhưng cụ B1 không điểm chỉ trước mặt ông Đ1 mà điểm chỉ trước mặt ông H4 là người không có thẩm quyền chứng thực là không đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, tại phần chứng thực UBND xã Đ thể hiện nội dung “Người lập di chúc đã đọc lại bản di chúc này, đã đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong di chúc và đã ký vào di chúc trước mặt tôi” là không đúng sự thật khách quan vì cụ B1 không biết đọc, không ký tên vào di chúc như phần chứng thực của UBND xã Đ. Việc UBND xã Đ cho rằng đây là sơ suất do lời chứng thực là mẫu sẵn nên khi chứng thực không sửa lại nội dung thể hiện mức độ trách nhiệm của người chứng thực hời hợt, không chặt chẽ trong việc thực hiện thủ tục chứng thực. Như vậy, trình tự thủ tục chứng thực di chúc của UBND xã Đ tại thời điểm chứng thực là chưa đúng theo quy định tại các Điều 8, 11, 13 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ và Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Di chúc ngày 27/7/2006 của cụ B1 có nội dung “Hiện tôi đang sử dụng miếng đất vườn diện tích 1.719m2, QSD đất số L076105 cấp ngày 27/5/1998. Đất tọa lạc tại xã Đ, thị xã T, tỉnh Bình Dương. Trong khi tôi đang khỏe mạnh và còn sáng suốt nên Tôi quyết định lập tờ di chúc này nhằm để tương phân số đất trên cho cháu tôi là Lê M, sinh năm 1955”. Tuy nhiên, sau thời điểm lập di chúc thì ngày 01/8/2007, cụ B1 tiếp tục lập hợp đồng tặng cho ông Nguyễn Thành P2 phần diện tích đất 240m2 trong đó có 140m2 đất cây hàng năm là một phần nằm trong tổng diện tích 1.719m2 cụ B1 đã định đoạt để lại cho ông M theo di chúc ngày 27/7/2006. Như vậy, thực tế ý chí, nguyện vọng của cụ B1 đã thay đổi nên không đủ cơ sở xác định ý chí thực tế của cụ B1 khi lập di chúc là để lại di sản sau khi chết cho ông M.
Từ những phân tích nêu trên, căn cứ Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì di chúc của cụ B1 lập ngày 27/7/2006 là không hợp pháp nên việc nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tuyên bố di chúc vô hiệu là có cơ sở chấp nhận. Việc Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào “Tờ khai chứng minh nhân dân” của cụ Nguyễn Thị B1 lập ngày 01/4/1978 có thể hiện trình độ văn hóa của cụ B1 là 2/12 và bản khai nhân khẩu tháng 01/1997 để xác định cụ B1 là người biết chữ, biết đọc, biết viết để xác định di chúc của cụ B1 lập ngày 27/7/2006 có chứng thực của UBND xã (nay là phường) Đ là hợp pháp nên tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về tuyên bố di chúc vô hiệu là giải quyết vụ án không phù hợp quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nguyên đơn và các đồng thừa kế khác của cụ Nguyễn Thị B1.
Do đó, kháng cáo của nguyên đơn là có căn cứ chấp nhận; kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Dầu Một là có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy Bản án số 156/2022/DS-ST ngày 21 tháng 11 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, lời trình bày của đương sự, Luật sư, Kiểm sát viên,
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn ông Nguyễn Văn T là ông Trương Nguyễn Lữ H; người đại diện hợp pháp của bị đơn ông Lê M là ông Phan Nguyễn Hoàng T1; người đại diện hợp pháp của bị đơn ông Nguyễn Thanh P1 là ông Đinh Tấn T2; bị đơn bà Nguyễn Thị Đ; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân thành phố T, Văn phòng C1 vắng mặt do có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; ông Nguyễn Văn H1, ông Huỳnh Thái B, Ủy ban nhân dân phường Đ vắng mặt không rõ lý do nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự nêu trên theo quy định tại Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Huỳnh Minh P xác định yêu cầu khởi kiện ban đầu có yêu cầu hủy hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH 00407 và số CH 00408 do UBND thị xã (nay là thành phố) Thủ Dầu M1 cấp cho ông Lê M ngày 16/4/2010, đồng thời sau khi biết hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này bị thu hồi, hủy bỏ bằng Quyết định số 2832/QĐ-UBND ngày 26/8/2013 của UBND thị xã (nay là thành phố) Thủ Dầu M1 nên nguyên đơn đã thay đổi yêu cầu khởi kiện, không yêu cầu Tòa án giải quyết hủy hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên. Như vậy, căn cứ lời trình bày của người đại diện hợp pháp của nguyên đơn có cơ sở xác định nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện theo khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[3] Tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện:
[3.1] Về nguồn gốc đất: đất tranh chấp nằm trong phần diện tích 2.019m2 (gồm 300m2 đất thổ cư, 1.719m2 ĐRM) tọa lạc tại phường Đ, thành phố T, tỉnh Bình Dương của cụ Nguyễn Thị L1 để lại cho con là cụ Nguyễn Thị B1. Cụ Nguyễn Thị B1 đã được giao đất bằng Quyết định số 1232/QĐ/UB ngày 13/11/1993 của U (nay là thành phố ) T, tỉnh Bình Dương (bút lục 47) và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1022/GCN-SB (sổ trắng) ngày 13/11/1993 (bút lục 48-53), sau đó được chuyển đổi thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ: 108/QSDĐ ngày 27/5/1998 (bút lục 38-39). Ngày 13/9/2007, đăng ký thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận do đã chuyển cho ông Nguyễn Thanh P1 240m2, theo hợp đồng số 492/07/HĐGD ngày 01/8/2007 được lập tại UBND xã Đ, diện tích còn lại 1.558m2. Ngày 24/9/2007, cụ Nguyễn Thị B1 được cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ: H27857 (bút lục 36-37) với diện tích đất 1.558m2 (gồm 200m2 đất ở tại nông thôn và 1.358m2 đất trồng cây hàng năm khác).
[3.2] Ngày 27/7/2006, cụ Nguyễn Thị B1 lập di chúc có nội dung: “Hiện tôi đang sử dụng miếng đất vườn diện tích 1.719m2, QSD đất số L076105 cấp ngày 27/5/1998. Đất tọa lạc tại xã Đ, thị xã T, tỉnh Bình Dương. Trong khi Tôi đang khỏe mạnh và còn sáng suốt nên Tôi quyết định lập tờ di chúc này nhằm để tương phân số đất trên cho cháu tôi là Lê M, sinh năm 1955… sau khi Tôi qua đời cháu tôi mới được quyền hưởng theo tờ di chúc và nhờ chính quyền địa phương xác nhận di chúc này để làm cơ sở về sau cho cháy của tôi…”. Ở góc phải phần cuối tờ di chúc có dấu lăn tay của người lập di chúc. Di chúc được UBND xã Đ chứng thực ngày 27/7/2006 (bút lục 63-64).
Ngày 01/8/2007, cụ Nguyễn Thị B1 lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất có nội dung: bên tặng cho là cụ Nguyễn Thị B1, ông Nguyễn Văn T, bên được tặng cho là ông Nguyễn Thanh P1, diện tích đất được tặng cho là 240m2 (gồm 100m2 đất thổ cư, 140m2 CHN) thuộc thửa đất số 786, tờ bản đồ số 20, địa chỉ thửa đất: xã Đ, T, Bình Dương. Hợp đồng tặng cho được lập trên mẫu in sẵn, viết bổ sung thông tin bằng bút mực, phần dưới có chữ ký “Bưởi”, họ tên “Nguyễn Thị B1” và dấu lăn tay; chữ ký, họ tên “Nguyễn Văn T” và dấu lăn tay; chữ ký, họ tên “Nguyễn Thanh P1”. Phần cuối có lời chứng thực của UBND xã Đ, số 492/07, quyển số 02 TP/CC-SCT/HĐGD.
[3.3] Quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn cho rằng căn cứ lời khai của những người làm chứng, lời khai của ông Lê M, lời khai của ông Nguyễn Văn H1 xác định cụ B1 là người không biết chữ, không biết đọc, không biết viết nên Di chúc lập ngày 27/7/2006 và Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất số 492/07, quyển số 02 TP/CC-SCT/HĐGD ngày 01/8/2007 là không hợp pháp do không có người làm chứng; dấu vân tay không phải của ông T và không đồng ý với Kết luận giám định số 2011 ngày 07/9/2016 của Phòng K Công an tỉnh B nên yêu cầu giám định lại dấu vân tay của ông T. Hội đồng xét xử nhận thấy:
Những người làm chứng: cụ Lê Thị H2 (em ruột cụ B1), bà Bùi Thị Ngọc Y, bà Trương Thị C, bà Nguyễn Thị T4, ông Huỳnh Văn Đ2 (hàng xóm cụ B1), ông Nguyễn Văn Đ1 (nguyên Phó Chủ tịch xã Đ), ông Lê Văn H4 (nguyên cán bộ địa chính xã Đ) đều xác định cụ B1 không biết đọc, biết viết.
Tuy nhiên, tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập được tại Công văn số 178/PC06 ngày 24/3/2022 của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh B (bút lục 621) xác định cụ Nguyễn Thị B1, sinh năm 1926 có làm chứng minh nhân dân, nội dung Tờ khai chứng minh nhân dân, ở phần người khai ký tên ngày 01/4/1978 có chữ ký “Bưởi”, ghi họ tên “Nguyễn Thị B1”; tại mục số 15 ghi “trình độ văn hóa 02/12”. Và Công văn số 147/CATP-QLHC ngày 06/9/2022 của Công an thành phố T (bút lục 669) có nội dung: “Bản khai nhân khẩu (NK1) tháng 01/1997 của cụ Nguyễn Thị B1, SN: 1925, khai: 1/ Nguyễn Văn N1 (chồng) chết; 2/ Nguyễn Văn H1, SN: 1953 (con); 3/ Nguyễn Văn T, SN: 1970 (con)”.
Tại Phiếu khám sức khỏe số 9521/GĐYK-SK ngày 27/7/2006 kết luận: “Hiện tại đủ sức khỏe lập di chúc. Tâm thần kinh bình thường”.
Tại các văn bản có nội dung: Đề mục: xác nhận và bảo lãnh nuôi dưỡng 1 bé trai ngày 22/11/1977, ở phần cuối có chữ ký “Bưởi”, họ tên “Nguyễn Thị B1” (bút lục 105). Văn bản gửi Ban quản đốc cô nhi viện P3, có trích yếu: “v/v – xin bảo lãnh con nuôi”, có chữ ký “Bưởi”, họ tên “Nguyễn Thị B1” (bút lục 106). Những tài liệu này là bản phô tô, không có bản chính đối chiếu, UBND phường Đ xác nhận thất lạc hồ sơ gốc nhưng được các đương sự thừa nhận.
Tại Biên bản lấy lời khai ngày 10/8/2022 đối với ông Nguyễn Văn H1 (bút lục 694-698) thì ông H1 khai “Cụ B1 biết đọc, biết viết, ký tên dù chữ không lưu loát, nếu má tôi (cụ B1) không biết chữ thì trong các văn bản trên cụ B1 đã đánh dấu thập chứ không phải viết tên “Bưởi”, qua sinh hoạt thường ngày tôi thấy má tôi (cụ B1) thường hay đọc kinh”.
Như vậy, có cơ sở pháp lý rõ ràng để xác định cụ B1 có biết đọc, biết viết và tại thời điểm lập di chúc, cụ B1 không bị hạn chế hay mất năng lực hành vi dân sự.
Mặt khác, tại Kết luận giám định số 2011 ngày 07/9/2016 của Phòng K Công an tỉnh B (bút lục 180 – hồ sơ thụ lý số 336/2019/TLST-DS ngày 04/9/2019) kết luận “Hai mẫu vân tay màu đỏ, được đánh số 1, số 2 mang tên “Nguyễn Văn T” dưới mục “Bên A”(ký, ghi họ tên) trên một “hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất” có chứng thực của UBND xã (nay là phường) Đ (ký hiệu A) so với mẫu vân tay được đánh số 1, số 2 của Nguyễn Văn T trên tài liệu mẫu (ký hiệu M5) là của cùng một người in ra. Như vậy, có cơ sở để xác định ông T biết việc cụ B1 tặng cho quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Thanh P1, ông T tự nguyện ký tên, điểm chỉ vào Hợp đồng tặng cho ngày 01/8/2007. Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn yêu cầu giám định lại dấu vân tay của ông T vì cho rằng không biết Phòng K Công an tỉnh B dùng phương pháp nào để đưa ra kết luận giám định, trong khi bằng mắt thường của ông Huỳnh Minh P nhận thấy dấu vân tay không giống dấu vân tay thực tế của ông T, phía nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Hội đồng xét xử nhận thấy căn cứ trình bày của người đại diện hợp pháp của nguyên đơn đưa ra để yêu cầu giám định lại là không có chứng cứ chứng minh, không có cơ sở pháp lý nên không được chấp nhận.
Ngoài ra, sau khi cụ B1 chết, ông M đã công bố di chúc của cụ B1 cho tất cả mọi người nghe trong đó có ông T, ông H1 và bà Lê Thị H2 (em ruột cụ B1). Hồ sơ vụ án còn thể hiện ngày 08/10/2013, Phòng C2 tỉnh Bình Dương đã có Thông báo số 143/TB-CC2 niêm yết về việc khai nhận di sản thừa kế của cụ Nguyễn Thị B1 (bút lục 111-112) nhưng hết thời hạn niêm yết, ông T cũng không khiếu nại, tranh chấp gì.
[3.4] Tại Công văn số 222/TNMT ngày 25/5/2021 của Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố T (bút lục 494-496) xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ B1, ông Nguyễn Thanh P1, ông Huỳnh Thái B là đúng trình tự, thủ tục quy định tại thời điểm cấp.
[3.5] Từ những chứng cứ nêu trên, Hội đồng xét xử có cơ sở xác định hình thức và nội dung của Di chúc của cụ Nguyễn Thị B1 lập ngày 27/7/2006 và Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất số 492/07 ngày 01/8/2007 là phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Đất đai năm 2003. Tuy sau thời điểm cụ B1 lập di chúc (ngày 27/7/2006) thì ngày 01/8/2007, cụ B1 lập hợp đồng tặng cho ông P1 diện tích đất 240m2 thuộc một phần đất trong di chúc là có sự thay đổi nội dung di chúc và phía ông M, ông P1 cũng không tranh chấp phần đất được tặng cho nêu trên và cho đến khi chết cụ B1 cũng không có sự thay đổi nào về việc xác lập di chúc. Cho nên, Tòa án cấp sơ thẩm xác định di chúc của cụ Nguyễn Thị B1 lập ngày 27/7/2006 và Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất số 492/07 ngày 01/8/2007 là có giá trị pháp lý, không bị vô hiệu là phù hợp.
[3.6] Đối với kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Dầu Một liên quan đến việc thụ lý khởi kiện bổ sung đối với yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ B1 để lại, xét thấy:
Tại Biên bản hòa giải ngày 19/11/2021 (bút lục số 609-611) thì người đại diện hợp pháp của nguyên đơn có ý kiến về việc bổ sung yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế đối với quyền sử dụng đất 1.729,5m2 do cụ B1 chết để lại. Ngày 24/10/2022, nguyên đơn có đơn đề nghị thụ lý yêu cầu khởi kiện sửa đổi, bổ sung (bút lục 721-722); Đơn khởi kiện sửa đổi, bổ sung ngày 19/11/2021 (bút lục 716- 717). Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn cho rằng trước khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì ông Nguyễn Văn T đã trực tiếp đến Tòa án nộp đơn khởi kiện sửa đổi, bổ sung nhưng không được Tòa án cấp biên nhận nên khi tham gia hòa giải và sau hòa giải, nguyên đơn đã yêu cầu Tòa án thụ lý yêu cầu khởi kiện bổ sung nhưng không được Tòa án xem xét. Xét thấy, tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án không thể hiện việc Tòa án cấp sơ thẩm nhận đơn yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn và nguyên đơn không giao nộp được chứng cứ chứng minh; Đơn đề nghị thụ lý yêu cầu khởi kiện sửa đổi, bổ sung ngày 24/10/2022 của nguyên đơn (bút lục 721-722) được nộp sau khi Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một ban hành Thông báo mở lại phiên tòa ngày 17/10/2022 nên Tòa án cấp sơ thẩm không thụ lý là có cơ sở. Tòa án cấp sơ thẩm cũng có sai sót cụ thể: ngày 19/11/2021 nguyên đơn đã trình bày ý kiến về việc bổ sung yêu cầu khởi kiện trong quá trình hòa giải nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không giải thích trình tự, thủ tục khởi kiện bổ sung cho nguyên đơn mà bỏ qua ý kiến trình bày của nguyên đơn. Tuy nhiên, như phân tích nêu trên, Di chúc ngày 27/7/2006 và Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 01/8/2007 có hiệu lực pháp luật nên di sản của cụ B1 được thừa kế theo di chúc, mà không phát sinh trường hợp thừa kế theo pháp luật và vụ án đã được giải quyết triệt để, do đó sai sót này của Tòa án cấp sơ thẩm không nghiêm trọng phải hủy bản án sơ thẩm, mà Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
[4] Trên cơ sở phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn. Đối với kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương không có căn cứ chấp nhận.
[5] Án phí dân sự phúc thẩm: Người kháng cáo phải chịu theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 1 Điều 148, Điều 296, khoản 1 Điều 308, Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, 1. Không chấp nhận kháng nghị theo Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐKNPT-VKSTDM ngày 05/12/2022 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
2. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Văn T.
3. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 156/2022/DS-ST ngày 21 tháng 11 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
4. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Nguyễn Văn T phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm, được trừ hết vào tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002368 ngày 01/02/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 256/2023/DS-PT về tranh chấp yêu cầu tuyên bố di chúc vô hiệu, hợp đồng tặng cho, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 256/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 03/07/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về