Bản án về tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền và bồi thường thiệt hại số 24/2018/KDTM-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 24/2018/KDTM-ST NGÀY 23/11/2018 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU THỰC HIỆN NGHĨA VỤ TRẢ TIỀN VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Trong ngày 23 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 03/2017/TLST-KDTM ngày 24/4/2017 về việc “Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền” và thụ lý vụ án bổ sung số 03a/2017/TB-TLVA ngày 29/12/2017 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại” và thụ lý bổ sung số 03b/2018/TB-TLVA ngày 05/10/2018 về việc “Yêu cầu trả lãi suất chậm trả” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 10/2018/QĐXXST-KDT ngày 16/10/2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 08/2018/QĐST-DS ngày 25/10/2018, giữa:

1. Nguyên đơn: Công ty TNHH MTV A; Địa chỉ: Số Z, đường Y, quận X, thành phố Đà Nẵng.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần N, sinh năm: 1975; Địa chỉ: Số A, đường B, quận H, thành phố Đà Nẵng (theo văn bản ủy quyền ngày 29/10/2016) (có mặt). 

2. Bị đơn: Công ty TNHH B; Địa chỉ: Số F, đường G, quận T, thành phố Đà Nẵng.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn H; Địa chỉ: Số I, đường S, quận H, thành phố Đà Nẵng (theo giấy ủy quyền ngày 28/10/2016)(có mặt).

3. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1 Doanh nghiệp F; Địa chỉ: Số 20, thành phố T, Hạt H, Cộng Hòa Estonia.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn H; Địa chỉ: Số I, đường S, quận H, thành phố Đà Nẵng (theo giấy ủy quyền ngày 20/02/2018) (có mặt).

3.2 Bà Nguyễn C, sinh năm: 1967; Địa chỉ: Số Q, đường F, quận H, thành phố Đà Nẵng (vắng mặt lần 2).

3.3 Ông Trần M, sinh năm: 1988; Địa chỉ: Số S, đường J, quận N, thành phố Đà Nẵng (có đơn giải quyết vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo trong đơn khởi kiện ngày 25/8/2016, đơn khỏi kiện bổ sung ngày 30/9/2018, bản tự khai, biên bản hòa giải cũng như tại phiên tòa, ông Trần N người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn Công ty TNHH MTV A trình bày:

Mối quan hệ giữa Công ty TNHH MTV A (gọi tắt là Công ty A) và Công ty TNHH B (gọi tắt là Công ty B) được thiết lập trên cơ sở hợp đồng thuê mặt bằng và trang thiết bị số 01/2014/HĐTMBTB ngày 26/9/2014 (gọi tắt là Hợp đồng). Trong đó, bên cho thuê là Công ty A, bên thuê là Công ty B; thời hạn thuê là 06 tháng tính từ ngày 01/10/2014 đến hết ngày 31/3/2015 (khoản 1 Điều 2 Hợp đồng); giá thuê là25.000.000đ /tháng (khoản 1 Điều 3 Hợp đồng) và được thanh toán 03 tháng một lần sau khi bên cho thuê xuất hóa đơn tài chính cho bên thuê (khoản 2 Điều 3 Hợp đồng).

Khi gần hết hạn Hợp đồng, vào ngày 27/3/2015, Công ty A gửi Thông báo số 11/TB-BVPN đến Công ty B thông báo về thời hạn kết thúc của Hợp đồng là ngày 31/3/2015. Sau đó, Công ty B bàn giao mặt bằng và các trang thiết bị cho Công ty A, điều này được thể hiện rõ tại Biên bản tiếp nhận tài sản cho thuê; Biên bản kiểm kê vật tư, công cụ, sản phẩm, hàng hóa; Biên bản kiểm kê tài sản y tế khoa hiếm muộn ngày 31/3/2015. Về phía Công ty A thì xuất hóa đơn giá trị gia tăng đối với số tiền thuê mặt bằng của 03 tháng còn lại của Hợp đồng là 82.500.000đ.

Đối với số công nợ 82.500.000đ này đã được ghi rõ trong Hợp đồng nhưng khi Công ty A yêu cầu Công ty B xác nhận công nợ thì Công ty B lại viện lý do là chưa có trong báo cáo tài chính của mình do kế toán bỏ sót chi phí này; hẹn chậm nhất đến ngày 31/10/2016 sẽ thanh toán số tiền nêu trên cho Công ty A. Gần đến thời hạn thanh toán công nợ theo cam kết của Công ty B tại văn bản ngày 23/5/2016 thì vào ngày 4/7/2016, phía Công ty B bất ngờ gửi cho Công ty A thông báo về việc vi phạm Hợp đồng và yêu cầu Công ty A bồi thường số tiền 82.500.000đ. Do yêu cầu này không có căn cứ pháp lý nên phía Công ty A không đồng ý và phúc đáp lại bằng văn bản ngày 19/7/2016 cho Công ty B. Phúc đáp lại văn bản này của chúng tôi, phía Công ty B đã gửi văn bản ngày 8/8/2016, nội dung không những không chịu thanh toán công nợ còn thiếu cho chúng tôi mà còn buộc Công ty A bồi thường với số tiền là 263.108.335đ.

Nhận thấy thiện chí giải quyết tranh chấp phát sinh giữa hai bên liên quan đến số công nợ nêu trên khó có thể giải quyết bằng con đường thương lượng, hòa giải nên nay bằng đơn này, Công ty A kính đề nghị quý Tòa xem xét giải quyết buộc Công ty B thanh toán số công nợ là 82.500.000đ cho chúng tôi theo quy định của Hợp đồng.

Ngoài ra, yêu cầu Tòa án buộc Công ty B phải thực hiện việc trả lãi suất chậm trả cho Công ty A như sau: 82.500.000 đồng x (10% năm) x 30 tháng = 24.700.000 đồng (Lãi tính từ ngày 31/3/2015 đến 30/9/2018). Tổng số tiền Công ty B phải trả là: Tiền nợ 82.500.000 đồng + tiền lãi 24.700.000 đồng = 107.200.000đ.

Đối với yêu cầu phản tố của Công ty B, nguyên đơn không đồng ý với yêu cầu phản tố của bị đơn.

* Theo đơn yêu cầu phản tố ngày 23/11/2017, bản tự khai, biên bản hòa giải cũng như tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền bị đơn Công ty B trình bày:

Sau khi nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án số 03/TB-TLVA của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng ngày 24/4/2017 về việc: Công ty A có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty B phải trả tiền thuê nhà 3 tháng 82.500.000đ (Tám mươi hai triệu năm trăm nghìn đồng) cho Công ty A, bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và có yêu cầu phản tố như sau: Giữa Công ty B mà chủ đầu tư là Doang nghiệp F và Công ty A có dự án hợp tác đầu tư trong lĩnh vực hiếm muộn. Giữa Doanh nghiệp F và Công ty A đã ký kết hợp đồng nguyên tắc về thuê mặt bằng số 01/2014 ngày 11 tháng 3 năm 2014.

Theo Điều 1 của hợp đồng thể hiện: Mặt bằng cho thuê tại Tầng 5 Tòa nhà Số Z, đường Y, quận X. Mục đích sử dụng: Làm văn phòng giao dịch, triển khai các dịch vụ khám và điều trị hiếm muộn bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tại Điều 2 của hợp đồng quy định: “Thời hạn thuê: 5 năm kể từ ngày bên B được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư”. Trên cơ sở hợp đồng này, Ủy bannhân dân thành phố Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Doanh nghiệp F được đưa dự án đầu tư vào Đà Nẵng trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm.

Trên giấy chứng nhận đầu tư số 321043000227 cấp lần đầu ngày 04/7/2014, tại “Điều 3: Điều kiện ràng buộc đối với hoạt động của dự án: Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Doanh nghiệp phải tiến hành ký kết Hợp đồng thuê mặt bằng với Công ty A và được công chứng bởi tổ chức hành nghề công chứng hợp pháp”.

Điều đó thể hiện, UBND thành phố Đà Nẵng buộc Doanh nghiệp F phải thực hiện dự án (IVF) với Công ty A chứ không phải là bất kỳ Công ty nào khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đó là sự chỉ đạo và cũng là điều kiện để thực hiện dự án tại Đà Nẵng. Khi Công ty A chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng sau 6 tháng hợp tác đã gây khó khăn rất lớn cho Công ty B, đồng nghĩa với việc chấm dứt hoạt động của cả một dự án đầu tư về hiếm muộn, đã gây thiệt hại rất lớn cho Công ty B và Doanh nghiệp F.

Việc hợp tác giữa Công ty B và Công ty A là sự hợp tác dài lâu, cả một quá trình dài 5 năm kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư (04/7/2014 đến 04/7/2019) để thực hiện dự án chứ không phải 6 tháng thuê mặt bằng như hợp đồng thuê mặt bằng ngày 26/9/2014. Việc ký hợp đồng 6 tháng chỉ là sự hợp tác từng giai đoạn của dự án, kết thúc 6 tháng sẽ tái tiếp tục ký hợp đồng chứ không phải hết 6 tháng là chấm dứt. Vậy mà hết thời hạn 6 tháng thuê đầu tiên của dự án 5 năm thực hiện việc hợp tác giữa hai bên. Công ty A đã ra thông báo số 01/TB-BVPN ngày 27/3/2015 yêu cầu chúng tôi trả lại mặt bằng với lý do không thể hợp tác được. Ngay lập tức ngày 30/3/2015 Công ty A lập tổ kiểm tra và yêu cầu buộc chúng tôi phải bàn giao mặt bằng bao gồm: trang thiết bị kỹ thuật và nhân viên cử đi đào tạo căn cứ vào biên bản tiếp nhận tài sản cho thuê ngày 31/3/2015.

Doanh nghiệp F đã đầu tư một số tiền lớn trị giá 83.836,87 EUR và 125.443,00 USD theo giấy xác nhận góp vốn ngày 31/12/2016. Tổng hợp các khoản chi mà chúng tôi đã đầu tư là: 4.865.243,740đ bao gồm máy móc, trang thiết bị kỹ thuật, đưa người của Công ty A đi đào tạo trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm. Công ty B chưa kịp thực hiện dự án, chưa kịp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hiếm muộn thì đã bị chấm dứt dự án do Công ty A chấm dứt hợp đồng thuê đột ngột, không báo trước, buộc chúng tôi phải bàn giao trả mặt bằng sau 02 ngày thông báo chấm dứt. Điều đó đã gây thiệt hại rất lớn cho Công ty B nói riêng và Doanh nghiệp F nói chung. Tổng thiệt hại mà chúng tôi phải chịu tổn thất do việc chấm dứt đột ngột của dự án bao gồm:

Chi phí chuyển đổi trụ sở, khiến chúng tôi chỉ thực hiện được chức năng đại diện tại Đà Nẵng chứ không thực hiện được chức năng kinh doanh của Doanh nghiệp. Suốt một thời gian dài chúng tôi không có doanh thu, không có lợi nhuận. Chi phí thay đổi giấy phép đăng ký đầu tư do thay đổi trụ sở đăng ký đầu tư:12.000.000đ (Mười hai triệu đồng) theo Hợp đồng kinh tế số 10/HĐ-TVĐT ngày26/5/2016 giữa Công ty B với Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Đà Nẵng.

Bên phía Công ty A cũng có quyết định đồng ý cử bác sĩ C đi học theo chương trình đào tạo của Công ty B và nói rõ: Công ty A sẽ chi trả lương cơ bản, còn lại mọi chi phí đào tạo và tiền sinh hoạt, đi lại, tiền lương trả cho nhân viên trong thời gian cử đi đào tạo đều do Công ty B chi trả. Cụ thể: Công ty B đã chi trả cho bác sĩ Nguyễn C tổng số tiền là 157.433.335đ (Một trăm năm mươi bảy triệu bốn trăm ba mươi ba ngàn ba trăm ba mươi lăm đồng). Chi phí chi trả cho cử nhân Trần M số tiền là 23.175.000đ (Hai mươi ba triệu một trăm bảy mươi lăm ngàn đồng). Tổng chi phí đào tạo là 180.608.335đ (Một trăm tám mươi triệu sáu trăm lẻ tám ngàn ba trăm ba mươi lăm đồng). Công ty A cũng có hợp đồng ràng buộc với bác sĩ C trong việc cho phép đi đào tạo và sau khi học xong theo chương trình của Công ty B.

Tổng thiệt hại mà Công ty B phải chịu tổn thất do việc chấm dứt đột ngột dự án của Công ty A là: Chi phí đào tạo: 180.608.335đ + 12.000.000đ (chi phí thay đổi giấy chứng nhận đầu tư) = 192.608.335đ (Một trăm chín mươi hai triệu sáu trăm lẻ tám ngàn ba trăm ba mươi lăm đồng). Đến nay Công ty B yêu cầu Tòa án buộc Công ty A phải bồi thường toàn bộ thiệt hại nêu trên cho Công ty B.

Bị đơn xác nhận là đã xác nhận công nợ còn nợ 03 tháng tiền thuê mặt bằng còn lại đối với nguyên đơn.

* Trong bản tự khai, biên bản hòa giải cũng như tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của Doanh nghiệp F trình bày:

- Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Công ty A: Buộc Công ty B thanh toán cho Công ty A tổng số tiền thuê mặt bằng còn nợ là 82.500.000đ (Tám mươi hai triệu năm trăm ngàn đồng). Doanh nghiệp F thể hiện quan điểm như sau:

Chúng tôi không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bởi lẽ: sự hợp tác giữa Nguyên đơn và Doanh nghiệp F là sự hợp tác dài lâu kéo dài 05 năm về thụ tinh trong ống nghiệm theo hợp đồng nguyên tắc được ký kết giữa đại diện Doanh nghiệp F với đại diện Công ty A. Sự hợp tác này được UBND thành phố Đà Nẵng chấp thuận bằng việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp được đầu tư vốnvào TP. Đà Nẵng. Điều kiện của giấy chứng nhận đầu tư là: phải ký hợp đồng thuê mặt bằng tại Công ty A để triển khai dự án. Việc nguyên đơn chấm dứt hợp đồng hợp tác sau 6 tháng cho thuê mặt bằng là đã vi phạm hợp đồng nguyên tắc, vi phạm dự án đầu tư được UBND TP. Đà Nẵng chấp thuận, việc chấm dứt này đã gây khó khăn và thiệt hại rất lớn về vật chất cho doanh nghiệp F. Vì vậy, chúng tôi không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Công ty B là công ty có vốn đầu tư nước ngoài với chủ sở hữu ban đầu làCông ty F thuộc nước Cộng Hòa Estonia theo giấy chứng nhận đầu tư số321043000227 do UBND TP.Đà Nẵng cấp ngày 04/7/2014. Địa chỉ: trụ sở chính và là nơi thực hiện dự án: Số Z, đường Y, quận X, TP. Đà Nẵng. Dự án: Trung tâm hỗ trợ sinh sản Âu Châu. Giữa Doanh nghiệp F và Công ty A có sự hợp tác trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Có sự đồng ý của UBND TP.Đà Nẵng và Sở Y tế thành phố Đà Nẵng về việc hợp tác về điều trị hiếm muộn.

Tại báo cáo ngày 22/10/2013 của Công ty A về phương án hợp tác với Estonia với nội dung: Công ty A sẽ cho tập đoàn Global Pharma thuê một phần tầng5 để làm phòng khám điều trị, hỗ trợ một phần về nhân lực và bằng chuyên khoa hiếm muộn, cụ thể: Mặt bằng cho thuê: toàn bộ các phòng làm việc, labo, phòng IUI thuộc khoa hiếm muộn và 3 phòng bệnh yêu cầu trên tầng 5 của Công ty A. Hỗ trợ một phần nhân lực: nhân lực hiện tại của khoa hiếm muộn sẽ được chuyển qua bên đối tác thuê. Riêng lực lượng bác sĩ hỗ trợ cho đối tác trong công tác khám điều trị hiếm muộn chưa có, Công ty A sẽ tuyển dụng trong thời gian sớm nhất và đề nghị đối tác có phương án đào tạo. Thời gian hợp tác: từ 03 đến 05 năm.

Công ty A cũng đã cử cán bộ đi công tác tại Estonia theo quyết định cử số 57 ngày 22/10/2013 của giám đốc và phó giám đốc Công ty A. Toàn bộ chi phí chuyến công tác của giám đốc và phó giám đốc Công ty A đều do Công ty B chi trả, điều này cho thấy giữa Công ty B và Công ty A có sự hợp tác lâu dài trong lĩnh vực hiếm muộn, chứ không chỉ đơn thuần là quan hệ cho thuê mặt bằng 6 tháng để lấy phí như trong hồ sơ khởi kiện của Nguyên đơn. Công ty A cũng đã có tờ trình số 07 ngày 12/01/2014 xin phép sở y tế để bổ sung ngành nghề kinh doanh cho thuê mặt bằng với mục đích: Cho Công ty B thuê mặt bằng để hợp tác trong lĩnh vực hiếm muộn thụ tinh trong ống nghiệm.

Trước khi đầu tư vào Việt Nam, giữa Doanh nghiệp F và Công ty A đã ký hợp đồng nguyên tác về thuê mặt bằng số 01/2014 ngày 11 tháng 3 năm 2014. Theo Điều 1 của hợp đồng thể hiện: Mặt bằng cho thuê tại tầng 5, Số Z, đường Y, quận X,TP.Đà Nẵng. Mục đích sử dụng: Làm văn phòng giao dịch, triển khai các dịch vụ khám và điều trị hiếm muộn bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tại Điều 2 của Hợp đồng quy định: “Thời hạn thuê: 5 năm kể ngày bên B được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư”. Trên cở sở hợp đồng này, Công ty B với vốn đầu tư 100% vốn nước ngoài là Doanh nghiệp F - Estonia đã xin giấy phép đầu tư được UBND TP. Đà Nẵng chấp thuận và giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh được Sở kế hoạch đầu tư TP. Đà Nẵng cấp giấy phép lần đầu ngày 04/7/2014 với ngành nghề kinh doanh: Hoạt động phòng khám chuyên ngành sản phụ khoa. Theo đó, giữa Công ty B và Công Ty A có sự liên kết để Công ty B hoạt động thực hiện quy trình kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm điều trị hiếm muộn tại tầng 5 , Số Z, đường Y, quận X, TP.Đà Nẵng của Công ty A.

- Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn yêu cầu nguyên đơn “bồi thường thiệt hại” và Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng thụ lý vụ án (bổ sung) số 03a/2017/TLST-KDTM về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Công ty B yêu cầu Công ty A bồi thường toàn bộ thiệt hại do việc chấm dứt đột ngột dự án là192.609.355đ, trong đó bao gồm:Chi phí thay đổi giấy phép đăng kí đầu tư do thay đổi trụ sở là 12.000.000đChi phí đào tạo là 180.608.355đ (chi phí đào tạo cho bác sỹ Nguyễn C là157.433.335đ và cử nhân Trần M là 23.175.000đ).

Công ty B đã ký hợp đồng đào tạo bác sỹ là nhân sự của Công ty A là bác sỹ Nguyễn C số 01/2014 ngày 15/8/2014 và ông Trần M hợp đồng đào tạo số 02/2014 ngày 15/9/2014. Bác sỹ C và cử nhân M đều là nhân sự của Công ty A chuyển qua đề nghị được đào tạo chuyên sâu hiếm muộn thụ tinh trong ống nghiệm, để đáp ứng việc hợp tác giữa Công ty B và Công ty A trong lĩnh vực hiếm muộn. Bên phía Công ty A cũng có quyết định đồng ý cử bác sĩ C đi học theo chương trình đào tạo của Công ty B và nói rõ: Bệnh viện sẽ chi trả lương cơ bản, còn lại mọi chi phí đào tạo và tiền sinh hoạt, đi lại, tiền lương trả cho nhân viên trong thời gian cử đi đào tạo đều do Công ty B chi trả. Cụ thể: Công ty B đã chi trả cho bác sĩ C tổng số tiền là 157.433.335đ (Một trăm năm mươi bảy triệu bốn trăm ba mươi ba ngàn ba trăm ba mươi lăm đồng). Chi phí trả cho Cử nhân M số tiền là 23.175.000đ (Hai mươi ba triệu một trăm bảy mươi lăm ngàn đồng). Tổng chi phí đào tạo là: 180.608.335đ (Một trăm tám mươi triệu sáu trăm lẻ tám ngàn ba trăm ba mươi lăm đồng). Công ty A cũng có hợp đồng ràng buộc với bác sĩ C trong việc cho phép đi đào tạo và sau khi học xong theo chương trình của Công ty B.

Toàn bộ quy trình, công nghệ trong điều trị hiếm muộn bằng thụ tinh nhân tạo của chúng tôi đã bị Công ty A sử dụng. Hai nhân viên là bác sĩ C và kỹ thuật viên M vẫn là nhân viên hoạt động hành nghề tại khoa hiếm muộn Công ty A tại thời điểm cử đi đào tạo - tháng 8 năm 2014 cho đến thời điểm hiện tại - tháng 10 năm 2016. Toàn bộ chi phí của chúng tôi bỏ ra đưa người đi đào tạo chưa thu hồi được, chi phí thuê mặt bằng, chi phí đầu tư trang thiết bị đưa từ nước ngoài về Việt Nam chưa kịp được đưa vào sử dụng đã phải đắp mền nằm đấy vì việc chấm dứt hợp tác của Công ty A. Việc chấm dứt này quá sức đột ngột, gây thiệt hại quá lớn đến tài sản cũng như uy tín mới gây dựng của chúng tôi. Các đối tác tiềm năng, các đơn vị mà chúng tôi đang dự định hợp tác đã nhìn vào sự không hợp tác của Công ty A để không hợp tác với chúng tôi.

Một lần nữa Doanh nghiệp F thể hiện quan điểm rằng: không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đồng ý với yêu cầu phản tố của bị đơn. Kính đề nghị Tòa xem xét giải quyết có một bản án công minh, công bằng đúng pháp luật để trả lại niềm tin cho Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Nhà nước Việt Nam của chúng tôi.

* Trong đơn trình bày ngày 24/8/2018 bà Nguyễn C trình bày:

Vào ngày 15/8/2014, tôi được Công ty A cử đi đào tạo lớp “Định hướng chuyên khoa về thụ tinh trong ống nghiệm khoá 11 niên khoá 2014 - 2015”. Thời gian học tập từ ngày 04/8/2014 đến ngày 31/5/2015. Khi đó đồng hành tôi có cộng tác viên của Công ty B, ký hợp đồng đào tạo ở Công ty B do bà Nguyễn T ký (bà Nguyễn T lúc đó vừa là Phó giám đốc Công ty A vừa làm việc ở Công ty B). Kinh phí đào tạo: Công ty A hỗ trợ lương cơ bản hàng tháng cho tôi trong thời gian đi học. Công ty B hỗ trợ tiền học phí, hỗ trợ một vòng tiền vé máy bay từ Đà Nẵng đi Sài Gòn… Tổng số tiền là: 97.500.000 đồng.

Công ty B chỉ hỗ trợ chi phí được một thời gian từ tháng 9/2014 đến 02/2015, thời gian học còn lại từ tháng 3/2015 - 31/5/2015 Công ty B không hỗ trợ chi phí, tự tôi phải xoay sở lấy. Công ty B không thông báo, không liên lạc với tôi trong thời gian còn lại (tháng 3/2015 - 5/2015). Sau khi đi học về tôi không được làm việc liên quan đến chuyên môn đã học. Thời gian sau khi học về từ tháng 6/2015 đến nay tôi vẫn công tác tại Công ty A. Công ty B yêu cầu Công ty A trả chi phí đào tạo của tôi theo như đơn phản tố là 157.433.335 đồng, đề nghị Toà án giải quyết theo pháp luật.

* Trong đơn trình bày ngày 24/9/2018 ông Trần M trình bày:

Khoảng tháng 9/2014, tôi được cử đi học khoá học thụ tinh trong ống nghiệm tại Fstonia; thời gian học 02 tháng. Vì thời gian học chưa đủ và việc liên doanh giữa Công ty A và Công ty B bị đức quãng, tôi không nhận bất kỳ chứng chỉ gì về khóa học do chưa đủ thời gian đào tạo. Tháng 11/2014, tôi về lại Công ty B làm việc, sau khoảng vài tháng, Công ty B tạm ngừng hoạt động tại Văn phòng thuê của Công ty A do tranh chấp. Sau đó, Công ty B và Công ty A làm văn bản tiếp nhận tôi làm việc tại Công ty A khoa hiếm muộn. Tháng 6 năm 2016, tôi đã nghĩ việc tại Công ty A và được Giám đốc Công ty A đồng ý thôi việc. Chi phí vé máy bay, kinh phí làm visa, tạm ứng phí về khóa học và hỗ trợ chi phí lưu trú khi máy bay bị trễ là đúng với liệt kê bản cho phí mà bên Công ty B gửi tôi với tổng số tiền là 23.157.000 đồng. Vì lý do công việc, tôi không thể tham gia trực tiếp tại Tòa án, yêu cầu Tòa án cho tôi được vắng mặt trong việc giải quyết tranh chấp vụ án này.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định:

[1] Về tố tụng: Ông Trần M có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt, bà Nguyễn C, đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai vẫn vắng mặt, nên HĐXX căn cứ vào khoản2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự, tiến hành xét xử vụ án.

[2] Về nội dung:

[2.1] Đối với yêu cầu của Công ty A buộc Công ty B thanh toán số công nợ là 82.500.000 đồng, thấy:Ngày 26/9/2014, Công ty TNHH MTV A (gọi tắt là Công ty A) và Công ty TNHH B (gọi tắt là Công ty B) có ký Hợp đồng thuê mặt bằng và trang thiết bị số 01/2014/HĐTMBTB. Bên cho thuê là Công ty A (Bên A), bên thuê là Công ty B (Bên B); thời hạn thuê là 06 tháng tính từ ngày 01/10/2014 đến hết ngày 31/3/2015.

Ngày 27/3/2015, Công ty A đã có Thông báo về việc Công ty B sắp xếp bàn giao lại mặt bằng và trang thiết bị cho Công ty A sau khi kết thúc Hợp đồng. Ngày 31/3/2015, Công ty A và Công ty B đã lập biên bản tiếp nhận tài sảncho thuê.

Ngày 29/3/2016, Công ty A và Công ty B có lập biên bản xác nhận công nợ, Công ty B có ghi: Theo BCTC của Công ty B tính đến ngày 31/12/2015 không có số dư nợ nêu trên, Công ty B sẽ tra soát số công nợ này trong năm 2016.

Ngày 15/5/2016, Công ty B có giấy xác nhận công nợ phải trả, với nội dung: Thời điểm ngày 15/5/2016, căn cứ theo chứng từ, sổ sách kế toán, Công ty B phảitrả cho Công ty A như sau : Công nợ phải trả 82.500.000đồng, tương đương 3.705USD.

Ngày 06/6/2016, Công ty A có Công văn số: 21/CV - BVPN “ Đề nghị thanh toán chi phí thuê mặt bằng và trang thiết bị của Công ty A theo nội dung Hợp đồng số 01/2014/HĐTMBTB”.

Nay Công ty A yêu cầu Tòa án buộc Công ty B thanh toán số công nợ là 82.500.000 đồng.

Còn Công ty B cho rằng: Trước khi đầu tư vào Việt Nam, giữa Doanh nghiệp F và Công ty A đã ký hợp đồng nguyên tắc về thuê mặt bằng số 01/2014 ngày 11 tháng 3 năm 2014. Theo Điều 1 của hợp đồng thể hiện: Mặt bằng cho thuê tại Tầng 5 Tòa nhà Số Z, đường Y, quận Z, TP.Đà Nẵng. Mục đích sử dụng: Làm văn phòng giao dịch, triển khai các dịch vụ khám và điều trị hiếm muộn bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Thời hạn thuê 5 năm kể ngày bên B được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư. Việc nguyên đơn chấm dứt hợp đồng hợp tác sau 6 tháng cho thuê mặt bằng là đã vi phạm hợp đồng nguyên tắc, vi phạm dự án đầu tư được UBND TP. Đà Nẵng chấp thuận, việc chấm dứt này đã gây khó khăn và thiệt hại rất lớn về vật chất cho doanh nghiệp F. Vì vậy, Công ty B không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Xét khai nại của Công ty B thì thấy: Hợp đồng nguyên tắc về thuê mặt bằng số 01/2014 ngày 11/3/2014 được ký kết giữa Doanh nghiệp F và Công ty A, còn Hợp đồng thuê mặt bằng và trang thiết bị số 01/2014/HĐTMBTB ngày 26/9/2014, được ký kết giữa Công ty A và Công ty B. Tại khoản 2 Điều 2 của Hợp đồng thuê mặt bằng và trang thiết bị có ghi: Bên B được quyền thương lượng thuê tiếp diện tích thuê...Trong trường hợp này, bên B phải thông báo cho Bên A để đề nghị gia hạn hợp đồng. Nếu hai bên muốn ký hợp đồng mới phải thông báo cho nhau trước ít nhất 01 tháng.

Ngày 27/3/2015 (thời hạn thuê còn lại 4 ngày), Công ty A đã có Thông báo về việc Công ty B sắp xếp bàn giao lại mặt bằng và trang thiết bị sau khi kết thúc Hợp đồng, bên phía Công ty B cũng không có ý kiến gì, không có thông báo tiếp tục thuê mặt bằng, nên vào ngày 31/3/2015 Công ty A và Công ty B đã lập biên bản tiếp nhận tài sản cho thuê.

Mặt khác, tại khoản 1 Điều 6 của Hợp đồng thuê mặt bằng và trang thiết bị có nội dung: Hợp đồng này thiết lập toàn bộ các thỏa thuận giữa hai bên và thay thế cho mọi thỏa thuận, cam kết trước đó.

Ngoài ra, tại Công văn số 4461/UBND-STP ngày 15 tháng 6 năm 2017 V/v liên quan đến vụ kiện của Công ty A và Công ty B, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng có ý kiến:“Giữa Công ty A và Công ty B có hai hợp đồng về thuê mặt bằng: Hợp đồng nguyên tắc về thuê mặt bằng ( ngày 11/3/2014 ) và Hợp đồng thuê mặt bằng và trang thiết bị ( ngày 26/9/2014 ). Đây là quan hệ giao dịch giữa hai tổ chức kinh tế, UBND thành phố Đà Nẵng không đóng vai trò là bên thứ ba có liên quan hoặc chi phối tới bất kỳ giai đoạn hợp tác nào giữa hai bên. Nên UBND thành phố không phải là cơ quan giải quyết tranh chấp dân sự giữa các bên và UBND thành phố không có ý kiến về việc xử lý tranh chấp giữa các bên tại Hợp đồng trước khi đưa ra TAND xét xử. Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng giải quyết vụ việc theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật”.

Như vậy, sau khi gần hết thời hạn hợp đồng thuê mặt bằng và trang thiết bị, Công ty A đã có Thông báo về việc chấm dứt Hợp đồng thuê mặt bằng và trang thiết bị số 01/2014/HĐTMBTB ngày 26/9/2014 cho Công ty B, về phía Công ty B không có văn bản đề nghị gia hạn hợp đồng. Hết hạn hợp đồng hai bên không ký gia hạn hợp đồng và đã tiến hành bàn giao mặt bằng và trang thiết bị. Ngày 15/5/2016 Công ty B có giấy xác nhận công nợ phải trả cho Công ty A là 82.500.000đồng. HĐXX thấy cần chấp nhận yêu cầu của Công ty A về việc buộc Công ty B thanh toán số công nợ là 82.500.000 đồng là có căn cứ và phù hợp với khoản 1 Điều 481 Bộ luật dân sự.

[2.2] Đối với yêu cầu tiền lãi suất:

Ngày 30/9/2018, Công ty A có đơn khởi kiện bổ sung, yêu cầu Tòa án buộc Công ty B thanh toán trả lãi suất chậm trả: 82.500.000 đồng x (10% năm) x 30 tháng = 24.700.000 đồng ( lãi tính từ ngày 31/3/2015 đến 30/9/2018).

Tại phần tranh luận phiên tòa sơ thẩm, đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty B yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu tính lãi suất của Công ty A, vì theo như Công ty A trình bày, lãi suất được tính từ ngày31/3/2015 đến 30/9/2018. Ngày 31/3/2015 (ngày kết thúc hợp đồng), là ngày Công ty A cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nhưng đến ngày 30/9/2018 ( 3 năm 6 tháng sau) mới có đơn khởi kiện bổ sung về tiền lãi là đã hết thời hiệu khởi kiện.

Xét yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tiền lãi của Công ty A thấy: Điều 319 Luật Thương mại năm 2005 qui định: Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, nên HĐXX thấy cần chấp nhận yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tiền lãi của Công ty Fest Việt Nam là có căn cứ và phù hợp với Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự. HĐXX áp dụng điểm e khoản 1 Điều 217 và khoản 3 Điều 218 Bộ luật tố tụng dân sự, đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu tính tiền lãi của Công ty A.

[3] Đối với yêu cầu phản tố:

[3.1] Công ty B có yêu cầu phản tố, buộc Công ty A phải bồi thường chi phí đào tạo cho bác sỹ Nguyễn C 180.608.355đ và cử nhân Trần T 23.175.000đ, tổng cộng 157.433.335đ. Còn Công ty A cho rằng, Công ty A và Công ty B không có thỏa thuận về hợp đồng hợp tác, hợp đồng đào tạo cho bác sỹ Nguyễn C và cử nhân Trần T được ký kết giữa hai bên không thể hiện trách nhiệm liên quan đến Công ty A, nên đề nghị HĐXX bác toàn bộ nội dung phản tố của Công ty B.

Xét yêu cầu phản tố Công ty B thấy:

Ngày 15/8/2014, Công ty B và bà Nguyễn C có ký hợp đồng đào tạo số 01/2014/HĐ ĐT-CT, Công ty B hỗ trợ cho bà C toàn bộ kinh phí đào tạo khóa học về: “ Định hướng chuyên khoa về Thụ tinh trong ống nghiệm khóa 11 - niên khóa 2014 - 2015” tại Bệnh viện Từ Dũ, Sài Gòn. Tại khoản 4 và 5 Điều 3 Hợp đồng đào tạo quy định: Ngay sau khi hoàn thành khóa đào tạo, học viên phải về thành phố Đà Nẵng và phục vụ cho Công ty B trong thời gian ít nhất 05 năm và chịu trách nhiệm bồi thường gấp 05 lần toàn bộ kinh phí đào tạo do Công ty B hỗ trợ, nếu học viên không thực hiện đúng hợp đồng.

Ngày 15/9/2014, Công ty B và ông Trần M có ký hợp đồng đào tạo số 02/2014/HĐ ĐT-CT, Doanh nghiệp F hỗ trợ cho ông M toàn bộ kinh phí khóa học về: “ Định hướng chuyên khoa về Phôi học -Thụ tinh trong ống nghiệm” tại trường Đại học khoa học tại Cộng hòa Estonia. Chi phí đào tạo và sinh hoạt phí do Doanh nghiệp F tài trợ. Tại khoản 4 và 5 Điều 3 Hợp đồng đào tạo quy định: Ngay sau khi hoàn thành khóa đào tạo, học viên phải về thành phố Đà Nẵng và phục vụ cho Công ty B trong thời gian ít nhất 05 năm và chịu trách nhiệm bồi thường gấp 05 lần toàn bộ kinh phí đào tạo do Doanh nghiệp F hỗ trợ, nếu học viên không thực hiện đúng hợp đồng.

Như vậy, Công ty B có ký hợp đồng đào tạo với cá nhân bà C và ông M, chứ không ký hợp đồng với Công ty A, trong hợp đồng đào tạo chỉ qui định về trách nhiệm bồi thường của cá nhân bà C và ông M, vì vậy không có cơ sở để buộc Công ty A phải bồi thường chi phí đào tạo của bà C và ông M cho Công ty B.

[3.2] Công ty B có yêu cầu phản tố, buộc Công ty A phải thanh toán chi phí thay đổi giấy phép đăng kí đầu tư do thay đổi trụ sở là 12.000.000đ. Xét yêu cầu này của Công ty B thấy: Ngày 27/3/2015 (thời hạn thuê còn lại 4 ngày), Công ty A đã có Thông báo về việc Công ty B sắp xếp bàn giao lại mặt bằng và trang thiết bị sau khi kết thúc hợp đồng ngày 31/3/2015, tại thời điểm này bên phía Công ty B không có khiếu nại gì về chấm dứt hợp đồng. Do đó không có căn cứ để buộc Công ty A phải bồi thường cho Công ty B chi phí thay đổi giấy phép đăng kí đầu tư do thay đổi trụ sở.

[4] Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng phát biểu việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa, của người tham gia tố tụng và quan điểm đối với vụ án như sau: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty A và bác yêu cầu phản tố của Công ty B.

Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát thấy:

[4.1] Đối với yêu cầu thanh toán tiền nợ thuê mặt bằng là 82.500.000đ của Công ty A đối với Công ty B và không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty B đối với Công ty A đối với tiền bồi thường thiệt hại 192.609.355đ, xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát phù hợp với nhận định của HĐXX, nên HĐXX chấp nhận.

[4.2] Đối với yêu cầu tính lãi suất chậm trả: Viện kiểm sát cho rằng: Theo công văn số 01/05.16/CV ngày 23/5/2016, Công ty B cam kết: “ đã được chủ đầu tư thống nhất cân đối nguồn thanh toán cho Công ty A số tiền trên chậm nhất là vào ngày 31/10/2016”. Quá thời hạn trên, nguyên đơn yêu cầu thanh toán lãi trả chậm: 82.500.000đồng x 10% năm x 30 tháng = 24.700.000đồng là phù hợp với Điều 306 Luật Thương mại năm 2005; lãi suất chậm trả của nguyên đơn yêu cầu là phù hợp với lãi suất nợ quá hạn trung bình của các Ngân hàng thương mại tại thời điểm xét xử sơ thẩm ( lãi suất qúa hạn bình quân 13%). Như vậy, thời điểm phát sinh lãi trả chậm từ thời điểm Công ty B cam kết thanh toán cho Công ty A chậm nhất vào ngày 31/10/2016. Do đó, tranh chấp về lãi suất trả chậm phát sinh phải tính từ ngày 01/11/2016, thời điểm này bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện theo Điều 319 Luật thương mại năm 2005.

Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát thấy: Ngày 25/8/2016, Công ty A đã có đơn khởi kiện đến Tòa án. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án cho đến ngày 30/9/2018, Công ty A mới có đơn khởi kiện bổ sung về việc tính lãi suất chậm trả đối với số tiền nợ thuê mặt bằng 82.500.000đ. Ngày 31/3/2015 là ngày hết hạn thuê mặt bằng và trang thiết bị, Công ty B đã bàn giao mặt bằng và trang thiết bị, nhưng đối với tiền nợ thuê mặt bằng lại không thanh toán, vì vậy Công ty A xác định ngày 31/3/2015 là ngày quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và yêu cầu tính lãi suất chậm trả kể từ ngày 31/3/2015. Tuy nhiên đến ngày 30/9/2018 ( 03 năm 06 tháng sau) Công ty A mới có yêu cầu tính tiền lãi. Tại phần tranh luận, đại diện theo ủy quyền của Công ty B có yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tiền lãi, nên HĐXX áp dụng qui định về thời hiệu theo yêu cầu của đại diện theo ủy quyền của Công ty B là có căn cứ và phù hợp với Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự. Viện kiểm sát căn cứ theo công văn số 01/05.16/CV ngày 23/5/2016 để tính lại thời hiệu khởi kiện từ ngày 01/11/2016 là không có căn cứ. Vì lẽ, ngày 15/5/2016 Công ty B đã có giấy xác nhân công nợ phải trả cho Bệnh viện Phụ nữ là 82.500.000đ (bút lục số 17). Công văn số 01/05.16/CV ngày 23/5/2016 của Công ty B có nội dung nhắc lại một lần nữa công nợ phải trả cho Công ty A là 82.500.000đ, đề nghị của đại diện Viện kiểm sát yêu cầu tính lại thời hiệu khởi kiện từ ngày 01/11/2016 là không có cơ sở theo qui định tại Điều 157 Bộ luật dân sự, nên HĐXX không chấp nhận.

[5] Về án phí:

[5.1] Do yêu cầu thanh toán công nợ 82.500.000đ của Công ty A được chấp nhận, nên Công ty B phải chịu án phí theo qui định là 82.500.000đ x 5% =4.125.000đ.Công ty A không phải chịu án phí. Hoàn lại cho Công ty A tiền tạm ứng án phí 2.062.500đ theo biên lai thu số 0002756 ngày 18/10/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự quận T, thành phố Đà Nẵng.

[5.2] Do toàn bộ yêu cầu phản tố Công ty B không được chấp nhận, nên Công ty B phải chịu án phí theo qui định là 192.608.355đ x 5% = 9.630.417đ. Do Công ty B đã nộp tạm ứng án phí là 4.815.500đ theo biên lai thu số 001263 ngày 29/12/2017 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng, nên còn phải tiếp tục nộp án phí là 4.814.917đ.

[5.3] Do yêu cầu tính lãi suất của Công ty A đã hết thời hiệu khởi kiện, nên Công ty A không phải chịu án phí. Hoàn trả lại tạm ứng án phí 617.500đ cho Công ty A theo biên lai thu số 001521 ngày 01/10/2018 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng.

[6] Về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài :

Công ty B phải chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài 150.000đ. Công ty B đã nộp 150.000đ chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài theo biên lai thu số 001071 ngày 16/5/2017 của Cục thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng. Công ty B đã nộp đủ chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài.

[7] Về chi phí thực tế do cơ quan ở nước ngoài thu: Công ty B không phải chịu. Hoàn trả lại chi phí thực tế cho Công ty B là 3.000.000đ theo biên lai thu số 001075 ngày 17/5/2017 của Cục thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 227; điểm e khoản 1 Điều 217; khoản 3 Điều 218 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 481 Bộ luật dân sự; Điều 319 Luật Thương mại năm 2005; Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc “Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền” với số tiền thuê mặt bằng 82.500.000đ của Công ty TNHH MTV A đối với Công ty TNHH B.

Không chấp nhận yêu cầu phản tố về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại” với số tiền 192.608.355đ của Công ty TNHH B đối với Công ty TNHH MTV A.

Đình chỉ yêu cầu khởi kiện về việc “Yêu cầu trả lãi suất chậm trả” với số tiền24.700.000đ của Công ty TNHH MTV A đối với Công ty TNHH B.Xử:

1. Buộc Công ty TNHH B phải trả cho Công ty TNHH MTV A số tiền thuê mặt bằng 82.500.000đ.

Kể từ khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Về án phí:

- Công ty TNHH B phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 4.125.000đ.

- Án phí do không chấp nhận yêu cầu phản tố Công ty TNHH B phải chịu9.630.417đ. Công ty TNHH B đã nộp tạm ứng án phí 4.815.500đ theo biên lai thu số 001263 ngày 29/12/2017 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng, nên còn phải tiếp tục nộp án phí là 4.814.917đ.

- Hoàn trả tiền tạm ứng án phí 2.062.500đ cho Công ty TNHH MTV A theo biên lai thu số 0002756 ngày 18/10/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự quận T, thành phố Đà Nẵng.

- Hoàn trả tiền tạm ứng án phí 617.500đ cho Công ty TNHH MTV A theo biên lai thu số 001521 ngày 01/10/2018 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng.

3. Về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài:

Công ty TNHH B phải chịu là 150.000đ. Công ty TNHH B đã nộp 150.000đ chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài theo biên lai thu số 001071 ngày 16/5/2017 của Cục thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng. Công ty TNHH B đã nộp đủ chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài.

4. Hoàn trả lại chi phí thực tế cho Công ty TNHH B là 3.000.000đ theo biên lai thu số 001075 ngày 17/5/2017 của Cục thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng.

Các đương sự được quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Doanh nghiệp F vắng mặt tại phiên tòa được quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

11381
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền và bồi thường thiệt hại số 24/2018/KDTM-ST

Số hiệu:24/2018/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đà Nẵng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 23/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;