Bản án về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải số 09/2017/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 09/2017/LĐ-PT NGÀY 13/07/2017 VỀ TRANH CHẤP XỬ LÝ LAO ĐỘNG THEO HÌNH THỨC SA THẢI

Ngày 13 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 05/2017/TLPT-LĐ ngày 06 tháng 6 năm 2017 về việc tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải. Do Bản án lao động sơ thẩm số 04/2017/LĐ-ST ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo, kháng nghị. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 05/2017/QĐ-PT ngày 16 tháng 6 năm 2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1988; địa chỉ: Ấp L, xã P, huyện M, tỉnh Hậu Giang. Tạm trú: Phòng trọ số 44, nhà trọ ông T, khu phố B, phường K, thị xã T, tỉnh Bình Dương. Vắng mặt. Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Phạm Văn T, sinh năm 1986; Địa chỉ liên hệ: X, tổ y, khu phố z, phường U, thị xã T, tỉnh Bình Dương (theo văn bản ủy quyền ngày 01/3/2016), có mặt.

2. Bị đơn: Công ty TNHH Q R G; địa chỉ: Khu phố B, phường K, thị xã T, tỉnh Bình Dương. Người đại diện theo pháp luật: Ông TS; chức vụ: Tổng giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Nguyễn Minh T, chức vụ: Tổng vụ Công ty TNHH Q R G (văn bản ủy quyền ngày 15/7/2016), có mặt.

3. Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Nguyễn Văn N do ông Phạm Văn T làm đại diện.

4. Viện Kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 31/5/2016 và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn – ông Phạm Văn T trình bày:

Ngày 12/5/2010, ông Nguyễn Văn N vào làm công nhân tại Công ty TNHH Q R G (gọi tắt là Công ty), thuộc bộ phận lắp ráp. Ngày 01/02/2011, ông N và Công ty ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 01 năm (từ ngày 01/02/2011 đến ngày 31/01/2012), mức lương là 2.520.000 đồng/tháng và ngày 01/02/2012, ông N và Công ty tiếp tục ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 01 năm (từ ngày 01/02/2012 đến ngày 31/01/2013). Hết hạn hợp đồng, ngày 01/02/2013, hai bên thỏa thuận ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 03 năm (từ ngày 01/02/2013 đến ngày 31/01/2016) và một số phụ lục hợp đồng, công việc phải làm là nhóm trưởng của bộ phận lắp ráp. Theo phụ lục hợp đồng ngày 01/12/2013, mức lương của ông N là 3.450.000 đồng/tháng, tiền lương thực tế được lãnh là 4.400.000 đồng/tháng, phụ cấp trách nhiệm 200.000 đồng/tháng, phụ cấp kỹ năng 200.000 đồng/tháng, phụ cấp chuyên cần 250.000 đồng/tháng, phụ cấp thâm niên 190.000 đồng/tháng, tổng tiền lương và phụ cấp lương là 5.240.000 đồng/tháng. Quá trình làm việc, ông N luôn chấp hành tốt nội quy lao động của Công ty. Tuy nhiên, ngày 29/02/2016, Công ty ban hành Quyết định số 01/2016 sa thải ông N với lý do ông N có hành vi đánh bạc và cố ý gây thương tích.

Người đại diện của ông N cho rằng không có việc ông N đánh bạc và đánh người gây thương tích tại Công ty. Do đó, việc Công ty tự ý mở cuộc họp xử lý kỷ luật ông N nhưng không mời ông N tham dự là vi phạm trình tự xử lý kỷ luật sa thải. Việc Công ty cho rằng ông N có tham dự buổi họp là không đúng vì người có trong hình do bị đơn cung cấp không phải là ông N, đồng thời biên bản họp xử lý kỷ luật kết thúc lúc 10 giờ 35 phút nhưng hình chụp lúc 10 giờ 46 phút là không phù hợp; những người tham gia họp buổi họp xử lý kỷ luật ông N không ký tên đầy đủ vào biên bản họp nên biên bản này không có giá trị pháp lý. Do trình tự xử lý kỷ luật lao động ông N là không đúng quy định của pháp luật nên Công ty cho ông N nghỉ việc là trái pháp luật. Ông N khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty giải quyết và bồi thường như sau:

- Hủy Quyết định kỷ luật sa thải số 01/2016 ngày 29/02/2016;

- Buộc Công ty phải nhận ông N trở lại làm việc và bố trí công việc theo Hợp đồng lao động ngày 01/02/2013;

+ Bồi thường tiền lương và phụ cấp lương trong những ngày không được làm việc tính từ ngày 29/02/2016 đến ngày Tòa án xét xử sơ thẩm là 13 tháng 14 ngày với số tiền 5.240.000 đồng x 13 tháng 14 ngày = 70.934.000 đồng;

+ Bồi thường 02 tháng tiền lương và phụ cấp lương do sa thải trái pháp luật với số tiền 5.240.000 đồng/tháng x 02 tháng = 10.480.000 đồng

+ Bồi thường tiền do vi phạm thời gian báo trước với số tiền 5.240.000 đồng/30 ngày x 45 ngày = 7.860.000 đồng;

+ Thanh toán tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho ông N từ ngày 29/02/2016 đến khi Tòa án xét xử sơ thẩm tạm tính là 13 tháng 14 ngày với số tiền 5.240.000 đồng x 13 tháng 14 ngày x 22% = 15.605.480 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện nguyên đơn yêu cầu Công ty bồi thường thêm 02 tháng tiền lương và phụ cấp lương do không yêu cầu Công ty nhận trở lại làm việc với số tiền 10.480.000 đồng. Tổng số tiền ông N khởi kiện yêu cầu Công ty phải bồi thường là 115.359.480 đồng.

Chứng cứ nguyên đơn xuất trình là bản sao các Hợp đồng lao động ngày 01/02/2011, ngày 01/02/2012, ngày 01/02/2013; Bản sao Phụ lục hợp đồng lao động ngày 01/01/2014 và ngày 01/12/2015; bản sao Quyết định kỷ luật lao động số 01/2016 ngày 29/02/2016; bản sao sổ bảo hiểm xã hội.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Nguyễn Minh T trình bày: Thống nhất với lời trình bày của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn về quá trình ký kết hợp đồng lao động, làm việc, công việc được phân công và mức lương của ông Nguyễn Văn N tại Công ty. Ngày 05/12/2014, ông N có hành vi đánh bạc thắng thua bằng tiền với các công nhân khác trong Công ty nên Công ty đã chuyển ông N cho Công an phường K xử lý và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường K đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N. Ngày 16/4/2015, ông N tiếp tục có hành vi đánh bạc thắng thua bằng tiền tại Công ty và bị bảo vệ Công ty bắt gặp. Ông N đã có bản cam kết với nội dung sẽ không tái phạm, nếu vi phạm sẽ bị sa thải khỏi Công ty. Ngày 13/01/2016, ông N đánh gây thương tích ông Nguyễn Văn T là nhân viên tạp vụ tại Công ty vì ông T vay tiền của ông N nhưng chưa trả. Sau khi xảy ra sự việc, Công ty đã yêu cầu và ông N cũng đã làm bản tường trình đồng thời Công ty tiến hành xác minh nội dung sự việc. Ngày 26/02/2016, Công ty họp xét kỷ luật ông N theo đúng quy định. Ông N có tham gia họp nhưng không chịu ký tên vào biên bản họp. Biên bản họp xử lý kỷ luật ông N có đầy đủ thành phần tham dự của những người được ghi trong biên bản là ông TS là người đại diện theo pháp luật của Công ty, các ông Nguyễn Thanh S là Thư ký, Nguyễn Minh Q là xưởng trưởng, Nguyễn Văn T1 là Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở và ông Âu Thiếu H là Trợ lý tổng giám đốc (phiên dịch). Tuy nhiên, do sơ suất nên ông S, Q, T1 và ông H không Nký tên vào biên bản. Việc Công ty xử lý kỷ luật sa thải ông N là đúng quy định pháp luật, có hình ảnh lưu giữ chứng minh cuộc họp có mặt ông N tham gia nên trước yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn không đồng ý.

Chứng cứ do bị đơn xuất trình là Bản tường trình của ông Nguyễn Văn N ngày 13/01/2016; Biên bản làm việc ngày 15/01/2016; Biên bản xác minh ngày 14/01/2016; Biên bản làm việc ngày 21/01/2016; Tờ cam kết ngày 16/4/2016; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 188/QĐ-XPVPHC ngày 10/12/2014 của Ủy ban nhân dân phường K; Biên lai thu phạt vi phạm hành chính ngày 12/12/2014 của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh thị xã T, tỉnh Bình Dương; Biên bản xử lý vi phạm kỷ luật lao động ngày 26/02/2016; Quyết định về việc kỷ luật lao động ngày 29/02/2016.

Tại Bản án sơ thẩm số 04/2017/LĐ-ST ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã T đã tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn N đối với Công ty TNHH Q R T về việc tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải. Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 14 tháng 4 năm 2017, ông Phạm Văn T là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.Ngày 27 tháng 4 năm 2017, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã T có Quyết định số 01/QĐKNPT-LĐ kháng nghị bản án sơ thẩm. Về lý do xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải ông N là có căn cứ vì ông N có hành vi cố ý gây thương  tích (thương  tích  kín) cho ông Nguyễn Văn T vào ngày 13/01/2016 được ông N thừa nhận tại biên bản làm việc ngày 15/01/2016, phù hợp với lời trình bày của ông Nguyễn Văn T và những người làm chứng khác có trong hồ sơ. Về hình thức xử lý kỷ luật sa thải của Công ty: Biên bản họp xử lý kỷ luật có thành phần tham dự là 09 người nhưng không được ông S (thư ký ghi biên bản), ông N, ông H, ông Q, ông T1 ký tên vào biên bản là vi phạm Khoản 1, 2, 3 Điều 30 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ hướng dẫn Bộ luật Lao động, Khoản 1, 2, 3 Thông tư số 47/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Biên bản họp xét kỷ luật có 09 người nhưng hình chụp chỉ có 03 người, biên bản kết thúc lúc 10 giờ 35 phút nhưng hình chụp lúc 10 giờ 46 phút nên hình ảnh này không chứng minh được là hình chụp cuộc họp xét kỷ luật lao động của Công ty. Mặt khác, biên bản thể hiện về ý chí của ông T (đại diện Công đoàn) không đề nghị xử lý sa thải ông N xin cho ông N ở lại làm việc. Biên bản không có chữ ký của người phiên dịch cho Tổng giám đốc. Công ty đã vi phạm về nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động, do vậy đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu thanh toán tiền nhận ông N trở lại làm việc, lương, phụ cấp đối với thời hạn báo trước.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

* Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Giữ nguyên yêu cầu kháng cáo tại đơn kháng cáo đề ngày 14/4/2017.

* Bị đơn trình bày: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, kháng nghị của Viện Kiểm sát, giữ nguyên bản án sơ thẩm.* Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương: Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự đã  thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ khi tham gia phiên tòa theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung, các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm cho thấy ông N đã có hành vi đánh ông T, Công ty đã tổ chức họp xử lý kỷ luật đối với ông N có đủ thành phần bắt buộc theo quy định của pháp luật, biên bản họp xử lý kỷ luật là có thật, nhưng có thiếu sót là không có chữ ký của thư ký phiên họp và chữ ký của người phiên dịch. Tuy nhiên, thiếu sót này không làm thay đổi bản chất sự việc là Công ty đã có tổ chức cuộc họp để xử lý kỷ luật đối với ông N, ông N có tham gia cuộc họp nhưng không đồng ý ký tên. Từ cơ sở trên, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương xin rút Quyết định số 01/QĐKNPT-LĐ ngày 27 tháng 4 năm 2017 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã T. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Khoản 1, Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của các đương sự và của Kiểm sát viên tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Đối với yêu cầu kháng cáo của đại diện nguyên đơn thấy rằng: Giữa ông N với Công ty có quan hệ lao động từ năm 2010. Ngày 29/02/2016, Công ty ban hành Quyết định số 01/2016 về việc kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải đối với ông N do đánh bạc và cố ý đánh người gây thương tích.

\Xét căn cứ xử lý kỷ luật ông N thấy rằng: Các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện trưa ngày 13/01/2016 ông N có hành vi nắm áo đe dọa giết ông Nguyễn Văn T (Bản tường trình ngày 13/01/2016 của ông N - bút lục 55) và kẹp cổ ông Nguyễn Văn T từ nhà vệ sinh xưởng đóng gói xuống kho pha màu (biên bản làm việc ngày 15/01/2016 có chữ ký, ghi tên ông N tại bút lục 56). Lời khai của những người làm chứng ông Nguyễn Thanh S, ông H, ông T1 (các bút lục 73-77, 138-141) và ông V xác định sau khi bị ông N kẹp cổ và lên gối ông T bị đau và Công ty đã cử người đưa ông T đi kiểm tra tại Phòng khám Đa khoa C -Nam T. Kết quả chẩn đoán ông T bị chấn thương ngực/đả thương, đề nghị nghỉ 10 ngày (bút lục 83). Như vậy có căn cứ xác định ngày 13/01/2016 có sự việc ông N đánh ông T cùng là nhân viên Công ty. Hành vi nêu trên của ông N vi phạm vào nội quy Công ty tại Khoản 17.3 Điều 17. Tại Khoản 17.3 Điều 17 Nội quy Công ty (bút lục 37) có quy định "hình thức xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau: Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích...". Như vậy, việc Công ty áp dụng hình thức xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải đối với ông N là có căn cứ, phù hợp nội quy Công ty, phù hợp với Khoản 1, Điều 126 Bộ luật Lao động.

Xét về trình tự xử lý kỷ luật lao động của Công ty đối với ông N thấy rằng: Người đại diện của Công ty xác định đã mời đầy đủ các thành phần theo quy định gồm Tổng giám đốc, đại diện công đoàn cơ sở, người lao động có hành vi vi phạm và một số thành phần có liên quan. Đại diện người lao động cho rằng Công ty không mời ông N họp và khẳng định ông N không tham gia cuộc họp ngày 26/02/2016. Đồng thời, đại diện nguyên đơn xác định hình ảnh do Công ty cung cấp không có ông N và thời gian chụp ảnh không nằm trong thời gian diễn ra cuộc họp theo biên bản Công ty cung cấp. Về vấn đề này Hội đồng xét xử thấy rằng, căn cứ lời khai của những người làm chứng: Ông TR (chủ tịch công đoàn Công ty), ông H, ông H1 (tại các bút lục 85, 86, 92, 93), bức hình chụp vào lúc 10h46 ngày 26/02/2016 (bút lục 118) và tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện bị đơn nộp cho Tòa án hình thẻ của ông N (được đại diện nguyên đơn thừa nhận) và máy ảnh của Công ty để chứng minh nguồn gốc ảnh chụp ông N và một số thành viên tham gia cuộc họp xử lý kỷ luật lao động ngày 26/02/2016 thì có căn cứ xác định: Ông N có tham gia cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, nhưng không ký tên biên bản. Người đại diện của ông N cho rằng người mặc áo đỏ trong ảnh chụp  không  phải  ông N, chữ  ký, chữ viết trong bản tường trình ngày N13/01/2016, biên bản làm việc ngày 15/01/2016 nêu trên không phải của ông N nhưng không yêu cầu giám định chữ ký, chữ viết, không yêu cầu ông N đến Tòa đối chứng và cũng không đưa ra được chứng cứ nào khác để chứng minh. Tòa án cấp phúc thẩm cũng đã tiến hành triệu tập hợp lệ đối với ông N để tham gia phiên tòa nhưng ông N vẫn vắng mặt. Do đó, không có cơ sở chấp nhận ý kiến nêu trên của đại diện nguyên đơn. Như vậy, trước khi ra quyết định số 01/2016 về việc kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải đối với ông N, Công ty đã tổ chức họp để xử lý kỷ luật lao động vào ngày 26/02/2016. Cuộc họp có sự tham gia của Chủ tịch Công đoàn Công ty là ông TR, người lao động ông Nguyễn Văn N, người đại diện theo pháp luật của Công ty là ông TS, người phiên dịch và một số thành viên khác. Biên bản họp xử lý kỷ luật nêu trên chỉ có chữ ký của ông T1, ông TR, bà M, ông TS (người đại diện theo pháp luật của Công ty) mà không có chữ ký của đầy đủ các thành phần tham gia họp gồm ông H, ông Q, ông S (người lập biên bản). Việc biên bản không có chữ ký của ông Q, ông H không làm mất đi giá trị pháp lý của biên bản vì buổi họp đã có đủ thành phần bắt buộc tham dự theo quy định tại Khoản 1, Điều 30 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động. Biên bản không có chữ ký của ông S (người lập biên bản) là có thiếu sót so với quy định tại Khoản 3, Điều 30 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.

Tuy nhiên, như trên đã xác định, ông N có hành vi vi phạm nội quy Công ty, Công ty đã tổ chức họp xử lý kỷ luật đối với ông N, có sự tham gia của ông N. Biên bản cuộc họp đã được thư ký cuộc họp hoàn thành trước 10 giờ 46 phút ngày 26/02/2016 nhưng ông N không đồng ý ký tên. Như vậy, việc ông N có mặt tại cuộc họp xử lý kỷ luật lao động nhưng không đồng ý ký tên và biên bản thiếu chữ ký của người lập biên bản không làm thay đổi được bản chất của sự việc là ông N có hành vi vi phạm và Công ty đã họp xử lý kỷ luật đối với ông N theo đúng quy định pháp luật.

Từ những căn cứ trên nhận thấy, Tòa án cấp sơ thẩm xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, đúng pháp luật. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Văn T là đại diện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn N.

[2] Đối với Quyết định kháng nghị số 01/QĐKNPT-LĐ ngày 27 tháng 4 năm 2017 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã T. Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đã rút toàn bộ kháng nghị nên Hội đồng xét xử căn cứ Khoản 3, Điều 284 Bộ luật Tố tụng dân sự, đình chỉ xét xử đối với quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã T.

Ý kiến của Kiểm sát viên đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương về việc bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, phù hợp quy định của pháp luật.

[3] Về án phí: Án phí sơ thẩm, phúc thẩm ông N được miễn theo quy định của pháp luật. Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Khoản 1, Điều 148; Khoản 3, Điều 284; Khoản 1, Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Tuyên xử:

1. Đình  chỉ  xét  xử  phúc  thẩm  đối  với  Quyết  định  kháng  nghị  số 01/QĐKNPT-LĐ ngày 27/4/2017 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương.

2. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Văn T đại diện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn N.

Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 04/2017/LĐ-ST ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương như sau: Áp dụng các Điều: 22, 42, 123, 124, 126, 201 và 202 Bộ luật Lao động; Điều 30 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động. Áp dụng: Điểm a, Khoản 1, Điều 12; Khoản 1, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn N đối với Công ty TNHH Q T G về việc tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải.

- Về án phí sơ thẩm, phúc thẩm: Ông Nguyễn Văn N không phải nộp.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2424
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải số 09/2017/LĐ-PT

Số hiệu:09/2017/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 13/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;