Bản án về tranh chấp trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 61/2021/LĐ-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 1, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 61/2021/LĐ-ST NGÀY 24/12/2021 VỀ TRANH CHẤP TRƯỜNG HỢP BỊ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Trong ngày 24 tháng 12 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 173/2020/TLST-LĐ ngày 06 tháng 11 năm 2020 về việc “Tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 6171/2021/QĐXXST-LĐ ngày 26 tháng 11 năm 2021, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Võ Thị T D, sinh năm 1995 Địa chỉ: Thôn P, xã T, huyện Đ, tỉnh Quảng Ngãi Địa chỉ liên hệ: Số a đường N, Phường F, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh 2. Bị đơn: Công ty TNHH iC Địa chỉ trụ sở: Tầng b, Tòa nhà PP, Số c đường D, phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Ngô N M, sinh năm 1989, địa chỉ: Số z đường X, Phường Y, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 01 tháng 12 năm 2020)

3. Người làm chứng:

3.1. Bà Văn B T, sinh năm 1994 Địa chỉ: Ấp M, phường PHĐ, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh Địa chỉ nơi làm việc: Tầng b, Tòa nhà PP, Số c đường D, phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

3.2. Bà Nguyễn Thị A D, sinh năm 1991 Địa chỉ: Ấp A, xã V, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu Địa chỉ nơi làm việc: Tầng b, Tòa nhà PP, Số c đường D, phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

3.3. Ông Bùi A D, sinh năm 1990 Địa chỉ: Số y đường VHT, Phường R, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh Địa chỉ nơi làm việc: Tầng b, Tòa nhà PP, Số c đường D, phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh 3.4. Bà Phạm Q T, sinh năm 1969 Địa chỉ: Số z đường NTB, phường NTB, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh Địa chỉ nơi làm việc: Tầng b, Tòa nhà PP, Số c đường D, phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

3.5. Bà Trần T T X, sinh năm 1958 Địa chỉ: Số d đường CT, Phường F, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh Địa chỉ nơi làm việc: Tầng b, Tòa nhà PP, Số c đường D, phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong Đơn khởi kiện đề ngày 05 tháng 10 năm 2020, Đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện đề ngày 22 tháng 12 năm 2020 và trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn là bà Võ Thị T D đều trình bày:

Nguyên đơn làm việc tại trụ sở của bị đơn là Công ty TNHH iC theo Thư tuyển dụng số 01/2020 ngày 17 tháng 3 năm 2020, làm việc chính thức theo Hợp đồng lao động số 06/HĐ/2020 ký ngày 25 tháng 5 năm 2020, hợp đồng có thời hạn 01 năm, chức danh theo hợp đồng là Nhân viên kinh doanh-Tư vấn.

Ngày 30 tháng 9 năm 2020, bà Trần T T X (Kế toán trưởng của công ty) yêu cầu nguyên đơn chấm dứt hợp đồng lao động vào ngay hôm đó và bàn giao lại toàn bộ công việc đang làm, nộp lại các công cụ lao động (Thẻ ra vào thang máy, máy tính, sim điện thoại). Ngày 01 tháng 10 năm 2020, nguyên đơn không được lên công ty làm việc. Ngay sau đó, bà Trần T T X báo cho bộ phận IT-Marketing khóa các quyền truy cập dữ liệu và email của nguyên đơn.

Sau khi buộc nguyên đơn bàn giao, bà X yêu cầu nguyên đơn viết đơn xin nghỉ việc nhưng nguyên đơn không đồng ý. Sau đó bà X đưa biên bản thanh lý hợp đồng theo thỏa thuận nhưng nguyên đơn không ký. Bị đơn yêu cầu nguyên đơn không được đi làm từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 nhưng theo nội dung của biên bản mà phía bị đơn soạn sẵn thì hợp đồng kết thúc vào ngày 31 tháng 10 năm 2020. Bà Trần T T X nói nếu nguyên đơn ký sẽ trả cho nguyên đơn lương tháng 10 năm 2020 vào ngày 05 tháng 11 năm 2020. Khi nguyên đơn yêu cầu phải gửi Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động thì bà Trần T T X nói đây là tài liệu mật của bị đơn nên không gửi.

Từ ngày 01 tháng 10 năm 2020, vì đã bị tịch thu toàn bộ phương tiện làm việc nên nguyên đơn không thể đi làm được. Sau đó, bà Trần T T X gọi điện thông báo cho nguyên đơn ngày 05 tháng 10 năm 2020 lên công ty ký Biên bản thanh lý. Sáng ngày 05 tháng 10 năm 2020 nguyên đơn có gặp bà Phạm Q T (Phó giám đốc và đại diện Việt Nam) trao đổi về lý do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Bà Phạm Q T cho rằng vì công ty kinh doanh không hiệu quả, ngoài ra nguyên đơn không có bất cứ vi phạm nào. Bà Phạm Q T cho rằng công ty không có nhu cầu sử dụng lao động nữa thì có quyền chấm dứt hợp đồng lao động, yêu cầu nguyên đơn nghỉ ngay và trả lương tháng 10 năm 2020 cho nguyên đơn nếu nguyên đơn ký vào biên bản thanh lý hợp đồng và sau đó không bao giờ được lên công ty nữa. Nếu không ký, bà T sẽ cắt lương tháng 10 năm 2020 và sẽ có những phản hồi không tốt về nguyên đơn. Nguyên đơn đề nghị được tiếp tục làm việc và xin thêm thời gian cân nhắc rồi hợp tác thỏa thuận nhưng bà Phạm Q T không đồng ý. Trước khi về bà Trần T T X đưa cho nguyên đơn thông báo số 01/09/2020 về việc chấm dứt hợp đồng ghi rõ lý do “Hai bên thỏa thuận”.

Từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 đến nay, nguyên đơn không đến công ty làm việc vì đã bị tịch thu hết toàn bộ công cụ lao động, khóa quyền truy cập dữ liệu, sim điện thoại, quyền ra vào thang máy và công ty.

Khi chấm dứt hợp đồng lao động, bị đơn đã thanh toán tiền lương hết ngày 30 tháng 9 năm 2020 cho nguyên đơn và chưa trả sổ bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn. Nguyên đơn khẳng định chưa bao giờ nhận được Quyết định số 01.10/QĐ/2020 về việc thu hồi Thông báo chấm dứt HĐLĐ và Thư mời lần thứ 7 đề ngày 23 tháng 10 năm 2020 về việc mời nguyên đơn trở lại làm việc vào ngày 27 tháng 10 năm 2020 của bị đơn.

Đối với các vi bằng do Văn phòng Thừa phát lại Quận 1 lập, nguyên đơn có ý kiến như sau:

- Nguyên đơn khẳng định người phụ nữ trong các hình ảnh của Vi bằng số 473/2020/VB-TPL ngày 23 tháng 10 năm 2020 không phải là nguyên đơn;

- Nguyên đơn không nhìn thấy các văn bản mà bà Văn B T dán lên cửa chính căn hộ và nhét vào bên trong khe cửa theo ghi nhận tại Vi bằng số 488/2020/VB-TPL ngày 09 tháng 11 năm 2020;

- Vi bằng số 496/2020/VB-TPL ngày 16 tháng 11 năm 2020 ghi nhận vào hồi 14 giờ 30 phút ngày 16 tháng 11 năm 2020, bà Văn B T dùng điện thoại cá nhân gọi cho nguyên đơn, tuy nhiên bà Văn B T không mở loa ngoài nên việc Văn phòng Thừa phát lại Quận 1 ghi nhận nội dung “… sau khi nghe máy bà Trân cho biết bà Duyên từ chối nhận…” là không đúng sự thật. Sáng ngày 16 tháng 11 năm 2020, nguyên đơn và đại diện bị đơn đã có mặt ở Tòa án nhân dân Quận 1 theo giấy triệu tập.

Nguyên đơn không nhận được Quyết định số 01.10/QĐ/2020 về việc thu hồi Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động và tất cả Thư mời của bị đơn.

Nhận thấy việc làm của bị đơn là không đúng theo quy định pháp luật nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Tuyên Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động số 01/09/2020 ngày 30 tháng 9 năm 2020 là trái pháp luật.

- Do Hợp đồng lao động số 06/HĐ/2020 ngày 25 tháng 5 năm 2020 đã hết hạn nên nguyên đơn không yêu cầu bị đơn nhận nguyên đơn trở lại làm việc, nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả cho nguyên đơn toàn bộ tiền lương những ngày nguyên đơn không được làm việc từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 đến ngày 24 tháng 5 năm 2021 là 13.000.000 đồng/tháng x 07 tháng 21 ngày = 101.500.000 đồng, bồi thường hai tháng tiền lương theo hợp đồng lao động là 26.000.000 đồng.

- Buộc bị đơn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho nguyên đơn trong những ngày nguyên đơn không được làm việc kể từ ngày 30 tháng 9 năm 2020 đến ngày 24 tháng 5 năm 2021 theo quy định của pháp luật; hoàn thành thủ tục xác nhận và trả sổ bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn.

- Buộc bị đơn bồi thường cho nguyên đơn một khoản tiền lương bằng tiền lương của những ngày không báo trước (30 ngày) là 13.000.000 đồng.

- Buộc bị đơn xin lỗi công khai vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

- Buộc bị đơn bồi thường tổn thất tinh thần cho nguyên đơn tương đương 50 tháng lương cơ sở là 72.500.000 đồng.

Ông Ngô N M là người đại diện hợp pháp của bị đơn không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, có yêu cầu phản tố và trình bày:

Bị đơn là công ty được thành lập và hoạt động từ ngày 13 tháng 9 năm 2019, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tư vấn định cư, du học và đầu tư bất động sản ở nước ngoài. Vào ngày 25 tháng 5 năm 2020, bị đơn và nguyên đơn ký kết Hợp đồng lao động số 06 HĐ/2020 gồm một số nội dung chính như sau: Vị trí làm việc: Nhân viên Kinh doanh – Tư vấn; Thời hạn hợp đồng lao động: từ ngày 25 tháng 5 năm 2020 đến ngày 24 tháng 5 năm 2021; Mức lương: 13.000.000 đồng/tháng (trước thuế).

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 khiến cho các hoạt động kinh doanh đều bị đình trệ, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến nước ngoài mà bị đơn hoạt động chủ yếu. Tác động này khiến bị đơn rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, buộc phải có sự sắp xếp lại một số nhân sự để duy trì hoạt động. Nguyên đơn đảm nhận vị trí nhân viên tư vấn du học, đây là vị trí đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và mùa vụ đối với mảng du học thường diễn ra vào khoảng thời gian từ tháng 01 đến tháng 8 hàng năm. Do nhận thấy mùa vụ đối với mảng du học đã qua và nguyên đơn là người chưa có kinh nghiệm trong mảng tư vấn du học, chưa thực sự phù hợp với yêu cầu công việc nên bị đơn quyết định thỏa thuận với nguyên đơn để chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

Ngày 30 tháng 9 năm 2020, đại diện của bị đơn và nguyên đơn có buổi họp về việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 31 tháng 10 năm 2020 (việc họp này diễn ra 30 ngày trước ngày chấm dứt). Sau khi nghe trình bày từ phía bị đơn, nguyên đơn nói rất hiểu và thông cảm cho tình hình của bị đơn và nguyên đơn đã đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động, vui vẻ tiến hành bàn giao công việc cho người phụ trách. Nguyên đơn đã ký vào Biên bản bàn giao tài sản nhưng không ký vào Biên bản thanh lý hợp đồng lao động. Sau đó, vào lúc 17 giờ 58 phút ngày 30 tháng 9 năm 2020, nguyên đơn có gửi email cho tất cả mọi người trong công ty với nội dung rằng đây là ngày làm việc cuối cùng tại công ty, xác nhận làm việc tại công ty trong giai đoạn khó khăn, chào tạm biệt mọi người và cảm ơn tất cả mọi người.

Vào ngày 01 tháng 10 năm 2020, bị đơn có mời nguyên đơn đến để ký Biên bản thanh lý hợp đồng lao động nhưng nguyên đơn báo bận và đề nghị bị đơn gửi nội dung văn bản cho xem trước. Nguyên đơn nói rằng sẽ ký Biên bản thanh lý hợp đồng lao động rồi gửi lại bị đơn sau khi xem xét mà không có vướng mắc gì. Cùng ngày, người đại diện Bộ phận Nhân sự là bà Trần T T X và nguyên đơn có trao đổi qua tin nhắn. Theo đó, tin nhắn từ số điện thoại 0931771095 của nguyên đơn có nội dung: “Chị gửi giúp em 2 văn bản qua email: 1 là quyết định chấm dứt hợp đồng của công ty và 2 là biên bản qua hd, email của em. Em xem trước nếu không có gì vướng mắc em in ra ký rồi gửi về công ty cho chị nha”; “Dạ, trong 1 tháng này đáng lẽ em vẫn đi làm mà, chị X nói off thì em off thui, nên anh chị em cần gì em vẫn support [hỗ trợ] như em đi làm”.

Kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2020, nguyên đơn không đến trụ sở công ty để làm việc dù bị đơn nhiều lần liên hệ để nhắc thông qua tin nhắn đến số điện thoại 09x**x, email aabb@gmail.com và chuyển phát nhanh đến nơi cư trú của nguyên đơn tại Số a đường N, Phường F, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.

Vào lúc 09 giờ 00 phút ngày 05 tháng 10 năm 2020, nguyên đơn có đến trụ sở công ty gặp Phó Giám đốc và Quản lý Nhân sự. Bị đơn đã giải thích một lần nữa tình hình khó khăn hiện tại và giao cho nguyên đơn Thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động số 01/09/2020, trong đó có nêu lý do thông báo chấm dứt là “Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (báo trước 30 ngày)”. Mục đích của Thông báo này là để nhắc lại nguyên đơn về việc các bên đã đồng ý việc hợp đồng lao động chấm dứt như thỏa thuận ngày 30 tháng 9 năm 2020. Nguyên đơn nói sẽ suy nghĩ về việc ký Biên bản thanh lý hợp đồng lao động và giữ bản thông báo nêu trên.

Từ ngày 06 tháng 10 năm 2020, nguyên đơn không đi làm, bị đơn đã gọi điện cho nguyên đơn nhưng không được. Nhận thấy bị đơn chưa có xác nhận bằng văn bản của nguyên đơn về việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động cũng như nguyên đơn vẫn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động, bị đơn ban hành Quyết định số 01.10/QĐ/2020 về việc thu hồi Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn. Cùng ngày, bị đơn đã gửi Thư mời đề ngày 06 tháng 10 năm 2020 để bàn về việc thực hiện hợp đồng lao động cho nguyên đơn nhưng không chuyển phát thành công vì lý do nguyên đơn từ chối nhận thư từ đơn vị vận chuyển là Công ty Cổ phần Thương mại và Chuyển phát nhanh NB (XY)..

Sau đó, bị đơn đã nhiều lần gửi Thư mời đến nguyên đơn để bàn về việc thực hiện hợp đồng lao động qua email cá nhân aabbb@gmail.com và chuyển phát nhanh đến Số a đường N, Phường F, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh vào các ngày 09, 10, 12, 13 và 14 tháng 10 năm 2020. Tất cả các Thư mời này đều không thể giao thành công vì đơn vị chuyển phát là Công ty Cổ phần Thương mại và Chuyển phát nhanh NB (XY). không thể liên lạc được với nguyên đơn.

Vào ngày 23 tháng 10 năm 2020, đại diện của bị đơn đã đến giao trực tiếp cho nguyên đơn Quyết định số 01.10/QĐ/2020 về việc thu hồi Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động và Thư mời lần thứ 7 đề ngày 23 tháng 10 năm 2020 mời nguyên đơn trở lại làm việc vào ngày 27 tháng 10 năm 2020 tại Căn hộ ab, Tầng C, Tòa nhà E, Số a đường N, Phường F, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Việc giao văn bản này đã được Văn phòng Thừa phát lại Quận 1 lập Vi bằng số 473/2020/VB-TPL ngày 23 tháng 10 năm 2020.

Từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 10 năm 2020, nguyên đơn liên tục vắng mặt tại nơi làm việc mà không thông báo bất kỳ lý do nào cho bị đơn. Bị đơn đã ghi nhận lại sự vắng mặt này bằng các Biên bản lao động về việc vắng mặt tại nơi làm việc trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động của nguyên đơn được lập vào các ngày 27, 28, 29, 30 và 31 tháng 10 năm 2020.

Vào các ngày 09 và 16 tháng 11 năm 2020, đại diện của bị đơn đã đến địa chỉ cư trú mới của nguyên đơn tại Số a đường N, Phường F, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh để giao Thư mời tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động nhưng không gặp được nguyên đơn. Sự việc đã được Văn phòng Thừa phát lại Quận 1 lập Vi bằng số 488/2020/VB-TPL ngày 09 tháng 11 năm 2020 và số 496/2020/VB-TPL ngày 16 tháng 11 năm 2020.

Do bị đơn mới thành lập công ty vào tháng 9 năm 2019, chưa có công đoàn cơ sở nên bị đơn có gửi các Thư mời tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Liên đoàn Lao động Quận 1.

Vào ngày 16 tháng 11 năm 2020, bị đơn được Tòa án thông báo về việc nguyên đơn đã khởi kiện tại Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nên bị đơn chưa tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động dự kiến vào ngày 23 tháng 11 năm 2020 và chưa ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với nguyên đơn.

Bị đơn không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và có ý kiến:

- Lý do bị đơn thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động: Bị đơn mới được thành lập vào cuối năm 2019 với hoạt động kinh doanh chủ yếu là tư vấn du học, định cư và đầu tư bất động sản tại nước ngoài. Khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, việc kinh doanh của bị đơn đã bị ảnh hưởng nặng nề. Từ tháng 02 đến tháng 9 năm 2020, bị đơn chỉ ký kết được một số thỏa thuận nguyên tắc, không đủ tài chính để chi trả các chi phí nên bị đơn rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ. Vì vậy, để có thể tiếp tục duy trì hoạt động, bị đơn buộc phải rà soát và sắp xếp lại đội ngũ nhân sự.

- Hai bên đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động và nguyên đơn đã tiến hành bàn giao lại các trang thiết bị cho bị đơn, sự việc này diễn ra trước sự chứng kiến của bà Trần T T X và các nhân sự khác của bị đơn.

Bị đơn cung cấp Biên bản thanh lý hợp đồng lao động với các nội dung mà hai bên đã thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng lao động nhưng nguyên đơn chưa ký vào Biên bản thanh lý hợp đồng lao động mà chỉ ký vào Biên bản bàn giao đề ngày 30 tháng 9 năm 2020 tại mục 3 có nội dung “Biên bản bàn giao này là một phần của Biên bản thanh lý Hợp đồng. Kể từ ngày ký biên bản bàn giao này hai bên không còn thắc mắc, khiếu nại gì về sau”.

Vào lúc 17 giờ 58 phút ngày 30 tháng 9 năm 2020, nguyên đơn đã có email gửi tới bà Phạm Q T, bà Trần T T X cùng với các nhân viên khác của công ty để chào tạm biệt. Nội dung email thể hiện rõ việc nguyên đơn đã đồng ý bị đơn có khó khăn, chấp nhận việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với bị đơn và cũng không có bất kỳ ý kiến nào khác.

Từ các tin nhắn trao đổi giữa nguyên đơn và bà Trần T T X thể hiện rõ rằng nguyên đơn đã đồng ý với bị đơn về việc chấm dứt hợp đồng lao động cũng như việc thực hiện nghĩa vụ của người lao động cho đến khi chính thức chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 31 tháng 10 năm 2020, như trong buổi làm việc trước đó.

Từ các sự kiện trên, bị đơn nhận thấy rằng nguyên đơn đã đồng ý với việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, mặc dù nguyên đơn chưa ký xác nhận vào Biên bản thanh lý hợp đồng lao động. Việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động này phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 36 của Bộ luật Lao động.

- Mặc dù các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 31 tháng 10 năm 2020 nhưng nguyên đơn không đến làm việc kể từ sau ngày 30 tháng 9 năm 2020. Trong khoảng thời gian từ ngày 01 đến ngày 31 tháng 10 năm 2020, nguyên đơn vẫn phải tuân thủ hợp đồng lao động với trách nhiệm của một người lao động, bị đơn đã nhiều lần liên lạc với nguyên đơn nhưng không được. Do đó, bị đơn thấy rằng nguyên đơn không thực hiện đúng nghĩa vụ của người lao động theo hợp đồng lao động.

Do việc chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định của Bộ luật Lao động nên bị đơn không có nghĩa vụ phải thanh toán các khoản tiền mà nguyên đơn yêu cầu khởi kiện.

Bị đơn xác nhận đã thanh toán cho nguyên đơn tiền lương hết ngày 30 tháng 9 năm 2020 và hiện đang giữ sổ bảo hiểm xã hội của nguyên đơn.

Bị đơn có yêu cầu phản tố yêu cầu nguyên đơn xin lỗi công khai:

- Về việc cung cấp thông tin không đúng sự thật về vụ tranh chấp, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của công ty, vì: Ngày 20 tháng 11 năm 2020, trang thông tin điện tử của Tạp chí Kinh tế Tập đoàn đã đăng bài viết “Công ty nước ngoài phải hầu tòa vì chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật”, có hình ảnh của bị đơn cùng với hợp đồng lao động của nguyên đơn và bị đơn. Bài viết dựa trên thông tin nguyên đơn cung cấp không đúng sự thật, chưa có kết luận chính thức và cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của bị đơn. Những người có liên quan đến nguyên đơn đã cố ý công kích bị đơn trên mạng xã hội theo chủ ý của nguyên đơn, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh bị đơn bằng những bình luận tiêu cực như em trai nguyên đơn với tài khoản facebook là “KH”, người quen của nguyên đơn với tài khoản facebook là “NH” và “TL”.

- Về việc trong thời gian làm việc cho công ty đã lấy và sử dụng trái phép các thông tin, dữ liệu, hình ảnh của công ty để phục vụ cho mục đích cá nhân, vì: Nguyên đơn là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Tư vấn du học và Định cư R được thành lập ngày 30 tháng 01 năm 2019 và hiện nay vẫn đang hoạt động, có phạm vi tương tự với bị đơn. Trong thời gian làm việc, nguyên đơn đã sao chép bài viết quảng bá của bị đơn để đăng tải lên trang facebook “Du học R”, cụ thể: Ngày 03 tháng 02 năm 2020, bị đơn có ký hợp đồng dịch vụ tư vấn du học với khách hàng là bà Nguyễn H H để hỗ trợ học sinh Nguyễn Trần B T thực hiện các thủ tục du học. Sau đó học sinh này đã nhận được visa và được bà Nguyễn Thị A D đăng tải hình ảnh lên facebook ngày 11 tháng 4 năm 2020 để chúc mừng; Ngày 03 tháng 6 năm 2020, nguyên đơn đã sao chép bài viết và hình ảnh để đăng lên facebook “DV”. Tài khoản facebook “Du học R” đã sao chép toàn bộ và đăng các bài viết: “Du học định cư Canada – lợi ích cho cả vợ và chồng” ngày 24 tháng 6 năm 2020; “Top 5 chương trình định cư Canada có tỷ lệ thành công cao” ngày 20 tháng 7 năm 2020; “Du học Canada – Bí kíp xin visa thành công” ngày 09 tháng 9 năm 2020. Qua đó, có thể khẳng định nguyên đơn ký hợp đồng lao động với bị đơn không phải để tìm kiếm việc làm mà để sao chép ý tưởng, bí mật kinh doanh của bị đơn phục vụ mục đích kinh doanh Công ty TNHH Tư vấn du học và Định cư R.

Người làm chứng:

Bà Văn B T trình bày: Bà là đồng nghiệp với nguyên đơn từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2020, do tiện đường đi làm nên bà thường ghé chở nguyên đơn đi làm tại Số a đường N, Phường F, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ do nguyên đơn cung cấp. Ngày 30 tháng 9 năm 2020, sau cuộc họp với Ban Lãnh đạo, nguyên đơn thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng và bàn giao công việc. Đối với bà, nguyên đơn bàn giao laptop, sim điện thoại, thẻ ra vào thang máy và một hồ sơ du học của khách hàng đang tiến hành. Ngày 05 tháng 10 năm 2020, nguyên đơn có đến công ty để giải quyết vấn đề chấm dứt hợp đồng. Bà có nhiệm vụ nhận thư mời từ Ban Giám đốc và gửi chuyển phát nhanh cho nguyên đơn, lần đầu tiên gửi thư ngày 06 tháng 10 năm 2020 và được trả về ngày 09 tháng 10 năm 2020 với lý do từ nhân viên của Netco là nguyên đơn nói đã thay đổi địa chỉ và sẽ nhắn địa chỉ mới, sau đó liên hệ lại nguyên đơn không nhận máy (ngày 07 tháng 10 năm 2020); ngày 08 tháng 10 năm 2020 Netco đổi nhân viên giao thư khác thì nguyên đơn nhận điện thoại và báo đi làm không nhận thư được, hẹn giao sau; sau đó liên hệ nhiều lần không được nên Netco trả thư về. Sau đó, bị đơn cũng nhiều lần gửi thư mời cho nguyên đơn qua chuyển phát nhanh của Netco nhưng đều không liên hệ được. Khoảng 14 giờ ngày 23 tháng 10 năm 2020, bà và ông Bùi A D cùng Thừa phát lại đến gửi thư mời, có gặp và giao thư mời tận tay cho nguyên đơn (có hình ảnh trong vi bằng, chụp rõ mặt). Sau đó cùng ngày, nguyên đơn có nhắn tin trong nhóm “Hội buồn mồm” thông báo sẽ đi làm lại vào tuần sau. Ngày 09 và 16 tháng 11 năm 2020, bà và Thừa phát lại giao thư cho nguyên đơn nhưng đều không gặp được và bà đã dán một bản thư mời lên cánh cửa phòng 406 và nhét một bản khác vào khe cửa phòng 406 (có hình ảnh trong vi bằng).

Bà Nguyễn Thị A D trình bày: Bà là đồng nghiệp với nguyên đơn từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2020. Trong quá trình làm việc, nguyên đơn chưa tập trung 100% cho công việc, thường có việc riêng xin ra ngoài, có điện thoại việc riêng… Bà cũng đã động viên và nhắc nhở nguyên đơn qua điện thoại nhiều lần. Bị đơn tạo điều kiện tốt nhất cho bà và nguyên đơn dù không có khách hàng và doanh thu. Vào lúc 17 giờ ngày 30 tháng 9 năm 2020, nguyên đơn nói ngưng làm việc và bàn giao công việc cho bà. Ngày hôm đó, nguyên đơn rất vui vẻ và không có vấn đề gì với bị đơn, gửi email chào mọi người trước khi ra về. Bà có biết việc nguyên đơn không đồng ý thanh lý hợp đồng và cũng có gọi điện chia sẻ. Nguyên đơn có nói sẽ lên ký thanh lý hợp đồng nhưng vẫn chưa ký và khởi kiện để đòi bồi thường, sau đó, cũng có nói sẽ quay lại làm việc nhưng không làm. Kể từ khi khởi kiện, nguyên đơn đã khóa tất cả tài khoản zalo, whatsapp thường trao đổi với bà. Bà cũng có biết việc nguyên đơn lấy thông tin, kết quả kinh doanh của bị đơn đưa lên công ty riêng của nguyên đơn, kết quả visa của khách hàng mà bà trực tiếp làm thành công.

Ông Bùi A D trình bày: Khoảng 14 giờ ngày 23 tháng 10 năm 2020, ông và bà Văn B T cùng Thừa phát lại đến Phòng 406, Số a đường N, Phường F, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh giao trực tiếp cho nguyên đơn quyết định thu hồi thông báo chấm dứt hợp đồng lao động và thư mời lần thứ 7 đề ngày 23 tháng 10 năm 2020. Ông, bà Văn B T gọi điện thoại cho quản lý tòa nhà thì nói “Hai bên tự làm việc và đưa trực tiếp giấy tờ cho nguyên đơn”, sau đó, ông, bà Văn B T đã lên phòng của nguyên đơn thấy phòng nguyên đơn mở cửa và nguyên đơn đi ra cửa, hỏi có việc gì vậy, ông nói là đến đưa giấy tờ cho nguyên đơn; Bà Văn B T cầm giấy tờ đưa trực tiếp cho nguyên đơn, sau đó ra về (có hình ảnh trong vi bằng). Sau khi nguyên đơn nghỉ việc, ông phát hiện nguyên đơn có Công ty TNHH Tư vấn du học và Định cư R và nguyên đơn đã lấy nội dung, hình ảnh và visa du học thành công của bị đơn để đưa lên facebook Du học R.

Bà Phạm Q T và bà Trần T T X trình bày: Bà thống nhất với toàn bộ ý kiến của bị đơn. Hợp đồng lao động giữa nguyên đơn và bị đơn được các bên chấm dứt theo thỏa thuận: Do nhận thấy mùa vụ đối với mảng du học đã qua và nguyên đơn chưa có kinh nghiệm, chưa thực sự phù hợp yêu cầu công việc nên bị đơn đã thỏa thuận với nguyên đơn để chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn; Ngày 30 tháng 9 năm 2020, bị đơn và nguyên đơn đã họp để thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 31 tháng 10 năm 2020, nguyên đơn nói rất hiểu, thông cảm và đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động, vui vẻ tiến hành bàn giao công việc cho người phụ trách, ký biên bản bàn giao tài sản trong đó có nội dung “Biên bản bàn giao này là một phần của Biên bản thanh lý hợp đồng. Kể từ ngày ký biên bản bàn giao này hai bên không còn thắc mắc, khiếu nại gì về sau” nhưng không ký biên bản thanh lý hợp đồng lao động; Vào lúc 17 giờ 58 phút cùng ngày, nguyên đơn gửi email cho mọi người rằng đây là ngày làm việc cuối cùng, chào tạm biệt và cám ơn tất cả mọi người; Ngày 01 tháng 10 năm 2020, bà Trần T T X có nhắn tin mời nguyên đơn đến ký biên bản thanh lý nhưng nguyên đơn báo bận và đề nghị gửi nội dung văn bản xem trước; sau đó, nguyên đơn không đến làm việc dù đại diện bị đơn nhiều lần nhắc nhở qua tin nhắn, email, chuyển phát nhanh đến nơi cư trú của nguyên đơn. Bị đơn đã giao quyết định thu hồi thông báo chấm dứt hợp đồng lao động và thư mời lần 7 tận tay nguyên đơn để mời nguyên đơn trở lại làm việc vào ngày 27 tháng 10 năm 2020. Dù đã nhận được các tài liệu nói trên nhưng từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 10 năm 2020 nhưng nguyên đơn liên tục vắng mặt không có lý do. Bà Trần T T X đã gửi thư mời Liên đoàn Lao động Quận 1 tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động. Vào các ngày 09 và 16 tháng 11 năm 2020, đại diện bị đơn đã đến Số a đường N, Phường F, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh để giao thư mời tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động nhưng không gặp được nguyên đơn. Nguyên đơn đã cung cấp thông tin để báo chí đăng tải thông tin không đúng sự thật về vụ việc tranh chấp lao động và có hành vi sao chép bài viết quảng bá của bị đơn, bôi nhọ hình ảnh của bị đơn, những người có liên quan với nguyên đơn đã cố ý công kích bị đơn trên mạng xã hội theo chủ ý của nguyên đơn.

Tại phiên tòa, nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện yêu cầu bị đơn xin lỗi công khai vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bồi thường tổn thất tinh thần tương đương 50 tháng lương cơ sở là 72.500.000 đồng và thay đổi yêu cầu bị đơn bồi thường 50 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động là 650.000.000 đồng thành bồi thường 02 tháng tiền lương là 26.000.000 đồng, giữ nguyên các yêu cầu còn lại; Người đại diện hợp pháp của bị đơn giữ nguyên yêu cầu phản tố và ý kiến trình bày; Người làm chứng là bà Văn B T, ông Bùi A D, bà Trần T T X giữ nguyên ý kiến trình bày; Người làm chứng là bà Nguyễn Thị A D, bà Phạm Q T vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án tuân thủ đúng quy định pháp luật và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu nguyên đơn đã rút.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Nguyên đơn khởi kiện tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bị đơn là Công ty TNHH iC có trụ sở tại Tầng b, Tòa nhà PP, Số c đường D, phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Tại phiên tòa hôm nay, người làm chứng là bà Nguyễn Thị A D và bà Phạm Q T vắng mặt có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt và trước đó họ đã có lời khai trực tiếp với Tòa án và gửi lời khai cho Tòa án; việc vắng mặt người làm chứng tại phiên tòa không gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án nên Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 229 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Theo quy định tại khoản 4 Điều 91 của Bộ luật Tố tụng dân sự, đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc.

[4] Về nội dung: Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời thừa nhận của các bên trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, có cơ sở xác định hai bên có ký Hợp đồng lao động số 06/HĐ/2020 ngày 25 tháng 5 năm 2020 có thời hạn 01 năm, từ ngày 25 tháng 5 năm 2020 đến ngày 24 tháng 5 năm 2021, chức danh chuyên môn là Nhân viên kinh doanh-Tư vấn, mức lương chính hoặc tiền công là 13.000.000 đồng/tháng (trước thuế). Ngày 30 tháng 9 năm 2020, đại diện của bị đơn và nguyên đơn có buổi họp về việc chấm dứt hợp đồng lao động và nguyên đơn đã tiến hành bàn giao laptop, chuột máy tính, sim điện thoại, thẻ thang máy và hồ sơ du học của khách hàng theo Biên bản bàn giao và Biên bản bàn giao tài sản, công cụ đề ngày 30 tháng 9 năm 2020 nhưng không ký Biên bản thanh lý hợp đồng lao động đề ngày 30 tháng 9 năm 2020. Ngày 05 tháng 10 năm 2020, nguyên đơn đến trụ sở công ty và bị đơn giao nguyên đơn Thông báo số 01/09/2020 đề ngày 30 tháng 9 năm 2020 thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn ngày 31 tháng 10 năm 2020, lý do hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (báo trước 30 ngày). Từ ngày 01 tháng 10 năm 2020, nguyên đơn không đến công ty làm việc. Khi chấm dứt hợp đồng lao động, bị đơn đã thanh toán tiền lương hết ngày 30 tháng 9 năm 2020 cho nguyên đơn và hiện đang giữ sổ bảo hiểm xã hội của nguyên đơn.

[5] Tại Tòa, người đại diện hợp pháp của bị đơn xác nhận không có tài liệu, chứng cứ chứng minh có thỏa thuận giữa hai bên về việc chấm dứt hợp đồng, nguyên đơn chỉ đồng ý bằng lời nói, nhưng khi bị đơn đưa biên bản thanh lý hợp đồng thì nguyên đơn không ký và bị đơn chưa ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với nguyên đơn; Tuy nhiên, nguyên đơn đã bàn giao tài sản, ký tên vào biên bản bàn giao tài sản mà biên bản này là một phần không tách rời của biên bản thanh lý hợp đồng, nguyên đơn cũng đã rất vui vẻ gửi thư chào tạm biệt mọi người trong công ty đồng thời gửi tin nhắn cho bà Trần T T X thể hiện ý chí đồng ý thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động và sẽ ký biên bản thanh lý gửi lại cho bị đơn; Bị đơn thấy rằng nếu nguyên đơn không đồng ý về việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với bị đơn vì sao không phản đối ngay lúc đó hoặc gửi email/tin nhắn thể hiện sự phản đối? Khi bị đơn mời nguyên đơn lên làm việc thì nguyên đơn tránh né không liên lạc. Do đó, bị đơn khẳng định giữa hai bên có thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Còn nguyên đơn khẳng định chấm dứt hợp đồng lao động là ý chí của bị đơn, nguyên đơn không đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động, biên bản thanh lý không đúng thực tế nên nguyên đơn không ký và yêu cầu bị đơn phải ghi đúng nội dung, phù hợp với lời khai của bà Trần T T X về đoạn tin nhắn nguyên đơn nhắn có nội dung: “C X ơi, hnay em đi HN. C gửi giúp em 2 văn bản qua email: 1 là quyết định chấm dứt hd của cty và 2 là biên bản qua hd, email của em: aabb@gmail.com. E xem trước nếu ko có gì vướng mắc e in ra ký rồi gửi về cty cho c nha” và lời khai của bà Nguyễn Thị A D về việc bà Nguyễn Thị A D có biết việc nguyên đơn không đồng ý thanh lý hợp đồng và cũng có gọi điện chia sẻ. Xét, bị đơn cho rằng hai bên có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ để chứng minh và không được nguyên đơn thừa nhận, không đúng quy định tại Điều 36 của Bộ luật Lao động nên có cơ sở xác định bị đơn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn.

[6] Theo lời trình bày của người đại diện hợp pháp của bị đơn thì kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2020, nguyên đơn không đến trụ sở công ty để làm việc dù bị đơn nhiều lần liên hệ để nhắc thông qua tin nhắn đến số điện thoại 0931771095, email aabbb@gmail.com và chuyển phát nhanh đến nơi cư trú của nguyên đơn tại Số a đường N, Phường F, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Từ ngày 06 tháng 10 năm 2020, nguyên đơn không đi làm, bị đơn đã gọi điện cho nguyên đơn nhưng không được nên bị đơn ban hành Quyết định số 01.10/QĐ/2020 về việc thu hồi Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn và gửi cùng Thư mời đề ngày 06 tháng 10 năm 2020 cho nguyên đơn nhưng không chuyển phát thành công vì nguyên đơn từ chối nhận thư. Sau đó, bị đơn đã nhiều lần gửi Thư mời đến nguyên đơn để bàn về việc thực hiện hợp đồng lao động qua email cá nhân aabbb@gmail.com và chuyển phát nhanh đến địa chỉ của nguyên đơn tại Số a đường N, Phường F, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh vào các ngày 09, 10, 12, 13 và 14 tháng 10 năm 2020 nhưng không thể giao thành công vì không thể liên lạc được với nguyên đơn. Như vậy, có thể thấy nguyên đơn tìm cách trốn tránh liên lạc với bị đơn dù bị đơn thiện chí mời nguyên đơn trở lại làm việc. Vào ngày 23 tháng 10 năm 2020, đại diện của bị đơn đã đến giao trực tiếp cho nguyên đơn Quyết định số 01.10/QĐ/2020 về việc thu hồi Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động và Thư mời lần thứ 7 đề ngày 23 tháng 10 năm 2020 tại Căn hộ ab, Tầng C, Tòa nhà E, Số a đường N, Phường F, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, được Văn phòng Thừa phát lại Quận 1 lập Vi bằng số 473/2020/VB-TPL ngày 23 tháng 10 năm 2020. Cùng ngày, nguyên đơn nhắn tin vào nhóm “Hội buồn mồm”: “Hello mn tuần sau em đi làm lại nè, Amy biết chưa…Công ty mời đi làm lại…” thể hiện nguyên đơn nhận được các văn bản này. Từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 10 năm 2020, nguyên đơn liên tục vắng mặt tại nơi làm việc không lý do, bị đơn đã lập các Biên bản lao động về việc vắng mặt tại nơi làm việc ngày 27, 28, 29, 30 và 31 tháng 10 năm 2020. Vào các ngày 09 và 16 tháng 11 năm 2020, đại diện của bị đơn đã đến địa chỉ cư trú mới của nguyên đơn tại Số a đường N, Phường F, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh để giao Thư mời tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động nhưng không gặp được nguyên đơn, được Văn phòng Thừa phát lại Quận 1 lập Vi bằng số 488/2020/VB-TPL ngày 09 tháng 11 năm 2020 và số 496/2020/VB-TPL ngày 16 tháng 11 năm 2020 và gửi các Thư mời tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Liên đoàn Lao động Quận 1. Vào ngày 16 tháng 11 năm 2020, bị đơn được Tòa án thông báo về việc nguyên đơn đã khởi kiện nên bị đơn chưa tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động vào ngày 23 tháng 11 năm 2020 và chưa ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với nguyên đơn. Mặc dù đã có các hình ảnh màu ghi nhận chính xác hình ảnh của nguyên đơn trong vi bằng nhưng nguyên đơn luôn phủ nhận các thư mời của bị đơn, tuy nhiên, trong Đơn phản ánh đề ngày 10 tháng 11 năm 2020, nguyên đơn trình bày: “Thời gian gần đây, lãnh đạo công ty iC nhiều lần cho người lạ mặt tới nơi ở của tôi, quay phim, chụp hình, dán thông tin cá nhân của tôi ở khắp nơi, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi và những người thân trong gia đình” mâu thuẫn với lời khai của nguyên đơn về việc không thấy các văn bản mà bị đơn đưa vào căn hộ và dán thông báo ngoài cửa. Sau khi bị đơn giao cho nguyên đơn quyết định thu hồi thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, nguyên đơn đã nhắn tin trong nhóm “Hội buồn mồm” nội dung tuần sau nguyên đơn đi làm lại, thể hiện nguyên đơn đồng ý.

[7] Còn nguyên đơn cho rằng nguyên đơn không nhận được Quyết định số 01.10/QĐ/2020 đề ngày 06 tháng 10 năm 2020 thu hồi Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động và cũng không đồng ý với quyết định này nên đã nộp đơn khởi kiện. Theo Giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện số 1560/GXN-TA ngày 05 tháng 10 năm 2020 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh thì Tòa án đã nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn. Mặt khác, các tin nhắn trong nhóm “Hội buồn mồm” không được nguyên đơn thừa nhận và bị đơn cũng xác định nguyên đơn chỉ gửi tin nhắn trong nhóm này, không có phản hồi với bị đơn, hay bà Phạm Q T, bà Trần T T X là người có thẩm quyền về nhân sự công ty nên không có cơ sở để xác định nguyên đơn đồng ý với quyết định thu hồi thông báo chấm dứt hợp đồng lao động của bị đơn.

[8] Căn cứ quy định tại Điều 40 của Bộ luật Lao động thì mỗi bên đều có quyền huỷ bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hết thời hạn báo trước nhưng phải thông báo bằng văn bản và phải được bên kia đồng ý. Do đó, việc bị đơn cho rằng bị đơn đã ra Quyết định số 01.10/QĐ/2020 đề ngày 06 tháng 10 năm 2020 về việc thu hồi Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không giao được cho nguyên đơn với các lý do nêu trên hoặc cho rằng nguyên đơn có biết nhưng không trở lại làm việc, thể hiện nguyên đơn không đồng ý nên không phải là căn cứ để bị đơn có quyền hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

[9] Ngoài ra, việc bị đơn cho rằng bị đơn có yêu cầu nguyên đơn đi làm lại là không có căn cứ vì theo Văn bản số 676/BHXH ngày 06 tháng 4 năm 2021 của Bảo hiểm xã hội Quận 1 thì bị đơn đã báo giảm nghỉ không lương cho nguyên đơn từ tháng 10 năm 2020 đến nay.

[10] Xét lý do chấm dứt hợp đồng lao động theo Thông báo số 01/09/2020 đề ngày 30 tháng 9 năm 2020 là hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động không thuộc các trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Lao động nên có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc tuyên Thông báo số 01/09/2020 đề ngày 30 tháng 9 năm 2020 về việc chấm dứt hợp đồng lao động là trái pháp luật.

[11] Do Hợp đồng lao động số 06/HĐ/2020 ngày 25 tháng 5 năm 2020 đã hết hạn ngày 24 tháng 5 năm 2021 nên nguyên đơn không yêu cầu bị đơn nhận nguyên đơn trở lại làm việc. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38, Điều 41, các khoản 1 và 5 Điều 42 của Bộ luật Lao động, bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn tiền lương những ngày nguyên đơn không được làm việc từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 đến ngày 24 tháng 5 năm 2021 là 101.500.000 đồng, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho nguyên đơn trong những ngày nguyên đơn không được làm việc theo quy định của pháp luật, cộng với hai tháng tiền lương theo hợp đồng lao động là 26.000.000 đồng và bồi thường cho nguyên đơn một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước (30 ngày) là 13.000.000 đồng.

[12] Theo Văn bản số 676/BHXH ngày 06 tháng 4 năm 2021 của Bảo hiểm xã hội Quận 1 thì nguyên đơn có quá trình đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp tại công ty từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 9 năm 2020, mức lương 13.000.000 đồng/tháng. Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2, khoản 1, khoản 2 Điều 21, Điều 85 và Điều 86 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 1 Điều 13 của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014; điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 43 của Luật Việc làm năm 2013; Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cần buộc nguyên đơn và bị đơn phải thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật trong thời gian từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 đến ngày 24 tháng 5 năm 2021, mức lương làm cơ sở đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc cho nguyên đơn là 13.000.000 đồng/tháng. Số tiền truy đóng này chưa tính lãi phạt chậm đóng. Do bị đơn đang giữ sổ bảo hiểm xã hội của nguyên đơn nên bị đơn có nghĩa vụ chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn.

[13] Xét yêu cầu phản tố của bị đơn yêu cầu nguyên đơn công khai xin lỗi về việc cung cấp thông tin không đúng sự thật về vụ tranh chấp, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của công ty, Hội đồng xét xử nhận định:

[14] Người đại diện hợp pháp của bị đơn cho rằng bài viết với tiêu đề “Công ty nước ngoài phải hầu tòa vì chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật” được đăng trên trang thông tin điện tử của Báo Kinh tế Tập đoàn ngày 20 tháng 11 năm 2020 có hình ảnh của bị đơn và hợp đồng lao động giữa hai bên do nguyên đơn cung cấp với các nội dung không đúng sự thật, chưa có kết luận chính thức và cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của bị đơn. Theo Văn bản số 2960/2021/QĐ-CCTLCC ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Tạp chí Kinh tế Tập đoàn thì Tạp chí Kinh tế Tập đoàn từ chối cung cấp tài liệu căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của Luật Báo chí.

[15] Xét, bài viết nêu trên có nội dung: “Mới đây Tạp chí Kinh tế tập đoàn nhận được thông tin phản ánh từ Chị Võ Thị D. (25 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) chị cho biết vừa mới đệ đơn lên Tòa án nhân dân Quận 1 về việc chị bị công ty TNHH iC chấm dứt hợp đồng trái pháp luật dù chị vẫn hoàn thành tốt công việc và không vi phạm bất kì nội quy nào của công ty TNHH iC. Ngày 05 tháng 10 năm 2020, Tòa án nhân dân Quận 1 nhận được đơn khởi kiện của chị Võ Thị D. (25 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) về việc chị bị công ty TNHH iC đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Theo đơn khởi kiện, chị D. làm việc tại công ty iC từ ngày 25 tháng 5 năm 2020, hợp đồng có thời hạn 1 năm, với chức danh là Nhân viên kinh doanh – Tư vấn. Trong quá trình làm việc, chị luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình và tuân thủ nội quy của công ty. Chị D. trình bày: Lúc 3 giờ chiều ngày 30 tháng 9 năm 2020, khi đang làm việc, chị được Ban giám đốc gọi vào phòng và thông báo công ty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với chị, yêu cầu chị đọc và ký vào biên bản thỏa thuận bàn giao do công ty soạn thảo, đóng dấu sẵn. Theo chị D., lý do công ty đưa ra để buộc chị thôi việc là không thỏa đáng, nên chị kiên quyết không ký vào bản thỏa thuận trên. Tuy nhiên, chị vẫn bị buộc bàn giao toàn bộ công việc đang làm, buộc nộp các công cụ lao động (máy tính, thẻ nhân viên, hệ thống dữ liệu đang quản lý) và không được vào công ty kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2020. Ngày 05 tháng 10 năm 2020, Ban giám đốc công ty iC gọi chị trở lại để ký biên bản thỏa thuận. Trong quá trình trao đổi, chị D. tiếp tục hỏi về lý do chấm dứt hợp đồng lao động thì không nhận được câu trả lời thỏa đáng và còn bị hăm dọa rằng nếu không ký tên vào biên bản trên thì sẽ bị gây khó dễ nếu sau này xin việc ở nơi khác. Những ngày sau đó, công ty iC liên tiếp cho nhiều người đến nơi ở của chị D., quay phim chụp hình, dán những thông tin cá nhân của chị khắp nơi, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, tinh thần của chị và những người thân trong gia đình…” phù hợp với nội dung Đơn phản ánh đề ngày 01 tháng 11 năm 2020 của nguyên đơn gửi Tạp chí Kinh tế Tập đoàn. Nội dung do nguyên đơn cung cấp cho Tạp chí Kinh tế Tập đoàn thể hiện quan điểm của nguyên đơn về quá trình thực hiện hợp đồng lao động và nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không có nội dung nguyên đơn khẳng định bị đơn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên không thể cho rằng thông tin này làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của bị đơn. Hành vi này của nguyên đơn không trái pháp luật, không có lỗi, không xâm phạm về danh dự, nhân phẩm và uy tín của bị đơn và gây ra thiệt hại về tinh thần nên không chấp nhận yêu cầu phản tố này của bị đơn.

[16] Việc bị đơn cho rằng người có liên quan đến nguyên đơn đã cố ý công kích bị đơn trên mạng xã hội theo chủ ý của nguyên đơn, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh bị đơn bằng những bình luận tiêu cực như em trai nguyên đơn với tài khoản facebook là “KH”, người quen của nguyên đơn với tài khoản facebook là “NH” và “TL” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần của của nhân viên trong công ty nhưng không giao nộp tài liệu, chứng cứ về chủ tài khoản của các facebook “KH”, “NH”, “TL” là ai, có quan hệ như thế nào với nguyên đơn và không có tài liệu, chứng cứ chứng minh các bình luận này là chủ ý của nguyên đơn nên không có cơ sở chấp nhận. Mặt khác, bị đơn cũng xác định rằng các chủ facebook nêu trên có liên quan đến nguyên đơn chứ không phải là nguyên đơn nên việc bị đơn yêu cầu nguyên đơn xin lỗi do hành vi của người khác gây ra là không có căn cứ và không đúng quy định tại Điều 584 của Bộ luật Dân sự; Trong trường hợp có phát sinh tranh chấp với các chủ facebook “KH”, “NH”, “TL”, bị đơn có quyền khởi kiện các chủ facebook này bằng vụ án khác.

[17] Xét yêu cầu phản tố của bị đơn yêu cầu nguyên đơn công khai xin lỗi về việc trong thời gian làm việc cho công ty đã lấy và sử dụng trái phép các thông tin, dữ liệu, hình ảnh của công ty để phục vụ cho mục đích cá nhân, Hội đồng xét xử nhận định:

[18] Phía bị đơn và bà Nguyễn Thị A D trình bày các bài viết và hình ảnh đăng tải lên facebook ngày 11 tháng 4 năm 2020; “Du học định cư Canada – lợi ích cho cả vợ và chồng” ngày 24 tháng 6 năm 2020; “Top 5 chương trình định cư Canada có tỷ lệ thành công cao” ngày 20 tháng 7 năm 2020; “Du học Canada – Bí kíp xin visa thành công” ngày 09 tháng 9 năm 2020 do bị đơn đăng tải lên facebook của bị đơn trước khi được đăng tải lên facebook của nguyên đơn và “Du học R”. Người đại diện hợp pháp của bị đơn cho rằng hai facebook này là của nguyên đơn và việc nguyên đơn tự ý sao chép các bài viết nhằm quảng bá, sử dụng cho mục đích kinh doanh thương mại của nguyên đơn là hành vi vi phạm pháp luật quy định tại khoản 2 và khoản 7 Điều 4, khoản 1 Điều 6, điểm a khoản 1 Điều 14, Điều 18, khoản 1 và khoản 3 Điều 28, Điều 36, Điều 39 của Luật Sở hữu trí tuệ. Còn nguyên đơn xác nhận nguyên đơn là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Tư vấn du học và định cư R được thành lập ngày 30 tháng 01 năm 2019, trên thực tế đã không kinh doanh, không có doanh thu kể từ tháng 01 năm 2020 và hiện nay đã làm thủ tục giải thể, không có lập trang facebook nào và cũng không đăng các bài viết như phía bị đơn trình bày.

[19] Theo Văn bản số 1564/PA05-Đ4 ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Thành phố Hồ Chí Minh thì Tòa án chưa cung cấp được đường link hoặc ID của tài khoản facebook “Du học R” do đó không có cơ sở để xác định tài khoản và cung cấp thông tin liên quan; Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Thành phố Hồ Chí Minh không phải là cơ quan quản lý, lưu giữ chứng cứ đó theo như quyết định của Tòa án. Người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày bị đơn đã cố gắng thu thập các chứng cứ có liên quan bằng cách chụp màn hình hiển thị trang “Du học R” và gửi cho Tòa án, nhưng sau khi Tòa án yêu cầu bị đơn cung cấp tài liệu, chứng cứ về facebook “Du học R” thì bị đơn phát hiện facebook này đã bị xóa, bị đơn không thể tự thu thập chứng cứ này từ facebook nên yêu cầu Tòa án thu thập.

[20] Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 thì tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

Xét, bài viết đăng tải lên facebook ngày 11 tháng 4 năm 2020; các bài viết “Du học định cư Canada – lợi ích cho cả vợ và chồng” ngày 24 tháng 6 năm 2020; “Top 5 chương trình định cư Canada có tỷ lệ thành công cao” ngày 20 tháng 7 năm 2020; “Du học Canada – Bí kíp xin visa thành công” ngày 09 tháng 9 năm 2020 do bị đơn xuất trình, có nội dung của một sự vật, sự việc, vấn đề, chứa đựng thông tin tốt về sản phẩm và doanh nghiệp, được sử dụng để quảng cáo, đánh giá, nhận xét và cung cấp thông tin nhằm giúp người đọc có cái nhìn đầy đủ và chính xác nhất về sản phẩm và dịch vụ, không phải là tác phẩm nên không thuộc đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019. Mặt khác, tại Tòa, người đại diện hợp pháp của bị đơn cũng thừa nhận chỉ đăng các bài viết trên facebook của bị đơn, không công bố hay đăng ký nên yêu cầu phản tố này của bị đơn không có căn cứ để được chấp nhận.

[21] Nguyên đơn rút yêu cầu bị đơn xin lỗi công khai vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và bồi thường tổn thất tinh thần cho nguyên đơn tương đương 50 tháng lương cơ sở là 72.500.000 đồng, việc rút yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn là tự nguyện nên căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu khởi kiện nguyên đơn đã rút.

[22] Về án phí: Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu 600.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận và 4.215.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 4 Điều 91, khoản 2 Điều 244, Điều 271 và khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm b khoản 2 Điều 38, Điều 41, các khoản 1 và 5 Điều 42 của Bộ luật Lao động; điểm a khoản 1 Điều 2, khoản 1, khoản 2 Điều 21, Điều 85 và Điều 86 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 1 Điều 13 của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014; điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 43 của Luật Việc làm năm 2014; Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; khoản 1 Điều 3 và khoản 7 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019; khoản 4 và khoản 5 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị T D 1.1. Buộc Công ty TNHH iC có nghĩa vụ thanh toán cho bà Võ Thị T D 101.500.000 đồng tiền lương những ngày không được làm việc từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 đến ngày kết thúc hợp đồng lao động là ngày 24 tháng 5 năm 2021, cộng với hai tháng tiền lương theo hợp đồng lao động là 26.000.000 đồng và bồi thường cho bà Võ Thị T D một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước là 13.000.000 đồng. Tổng cộng là 140.500.000 đồng.

1.2. Buộc Công ty TNHH iC có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho bà Võ Thị T D (phần của người sử dụng lao động) từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 đến ngày 24 tháng 5 năm 2021 tại cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội có thẩm quyền theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và Luật Việc làm; mức lương làm cơ sở đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc cho bà Võ Thị T D là 13.000.000 đồng/tháng.

Buộc bà Võ Thị T D có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho bà Võ Thị T D (phần của người lao động) từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 đến ngày 24 tháng 5 năm 2021 tại cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội có thẩm quyền theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và Luật Việc làm; mức lương làm cơ sở đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc cho bà Võ Thị T D là 13.000.000 đồng/tháng.

1.3. Buộc Công ty TNHH iC chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho bà Võ Thị T D.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty TNHH iC yêu cầu bà Võ Thị T D xin lỗi công khai về việc đã cung cấp thông tin không đúng sự thật về vụ tranh chấp, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của công ty trong bài viết “Công ty nước ngoài phải hầu tòa vì chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật” ngày 20 tháng 11 năm 2020 đăng trên trang thông tin điện tử của Tạp chí Kinh tế Tập đoàn, những người có liên quan đến bà Võ Thị T D với tài khoản facebook là “KH”, “NH”, “TL” đã cố ý công kích Công ty TNHH iC trên mạng xã hội theo chủ ý của bà Võ Thị T D, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Công ty TNHH iC bằng những bình luận tiêu cực và trong thời gian làm việc bà Võ Thị T D đã lấy và sử dụng trái phép các thông tin, dữ liệu, hình ảnh của Công ty TNHH iC để phục vụ cho mục đích cá nhân.

3. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị T D về việc yêu cầu Công ty TNHH iC xin lỗi công khai vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và bồi thường tổn thất tinh thần cho bà Võ Thị T D tương đương 50 tháng lương cơ sở là 72.500.000 đồng.

4. Về án phí: Công ty TNHH iC phải chịu 4.815.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 600.000 đồng theo các biên lai số AA/2019/0030788 và số AA/2019/0030789 ngày 12 tháng 5 năm 2021 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; Công ty TNHH iC còn phải nộp 4.215.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành được thực hiện tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

5. Về quyền kháng cáo: Đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

166
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 61/2021/LĐ-ST

Số hiệu:61/2021/LĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận 1 - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 24/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;