TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 29/2017/KDTM-PT NGÀY 14/08/2017 VỀ TRANH CHẤP TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA NGƯỜI QUẢN LÝ CÔNG TY
Ngày 14 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 01/2017/TLPT-KDTM ngày 03 tháng 01 năm 2017 về tranh chấp “Về trách nhiệm dân sự của người quản lý công ty”.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 857/2016/KDTM-ST ngày 19 tháng 8 năm 2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 175/2017/QĐ-PT ngày 03 tháng 4 năm 2017, giữa các đương sự:
* Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn H.
Cư trú tại: Lầu 2-202, số 60 NT, phường BT, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà Đặng Thị Ngọc L.
Cư trú tại: Số 162/10 Nguyễn Văn Lượng, phường 17, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh (theo giấy ủy quyền ngày 23 tháng 6 năm 2017)
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Bà Phạm Kim A- Luật sư của Văn phòng Luật sư Kim Anh, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.
* Bị đơn: Ông Kakazu S.
Cư trú tại: Số 23 TKH, phường BN, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Hoàng Ngọc Q.
Cư trú tại: Số 93/1017 LĐT, phường 6, quận GV, Thành phố Hồ Chí Minh (theo giấy ủy quyền ngày 27 tháng 11 năm 2015).
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Bà Nguyễn Thị Lệ D - Luật sư của Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông NLQ1.
Cư trú tại: Số 02-17-1-1605 Akasaka, Minato-Ku, Tokyo, Japan (Nhật Bản).
2. Ông NLQ2.
Cư trú tại: Số 06-39-33 Izumi, thành phố Kumamoto, Japan (Nhật Bản).
3. Công ty NLQ3.
Địa chỉ trụ sở tại: Số 351/31 NTL, phường 13, quận BT, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thu H1.
Cư trú tại: Số 245 XV NT, phường 17, quận BT, Thành phố Hồ Chí Minh (theo văn bản ủy quyền ngày 07 tháng 6 năm 2017).
4. Công ty NLQ4.
Địa chỉ trụ sở tại: Số 11 Bis NGT, phường 16, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Tuấn H2.
Cư trú tại: Số 706 PVT, phường 10, quận GV, Thành phố Hồ Chí Minh (theo giấy ủy quyền ngày 19 tháng 4 năm 2017).
* Người kháng cáo: Bị đơn - ông Kakazu S.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn, ông Nguyễn Văn H trình bày:
Ông Kakazu S được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), kiêm Tổng giám đốc Công ty NLQ4 (Công ty STT) từ tháng 9/2014. Ông Kakazu S đã thực hiện quyền và nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật, Điều lệ của Công ty gây thiệt hại cho Công ty STT. Vì vậy, ông H yêu cầu:
1. Tuyên bố Hợp đồng thuê văn phòng số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG- SGTTC ngày 06/5/2015 giữa Công ty STT và Công ty NLQ3 (Công ty NLQ3) vô hiệu do người tham gia ký kết hợp đồng là ông Kakazu S không có thẩm quyền, việc này do Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Công ty quyết định.sau:
2. Yêu cầu ông Kakazu S bồi thường 1.483.954.720 đồng, gồm các thiệt hại
Thiệt hại do ký hợp đồng thuê văn phòng số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG-SGTTC trái pháp luật để chuyển trụ sở từ số 25 P, quận 1 về số 11bis NGT, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh khi chưa xin ý kiến ĐHĐCĐ tính từ tháng 06/2015 đến tháng 11/2015 là: 1.017.094.720 đồng (gồm chi phí thuê mặt bằng 877.050.720 đồng và chi phí sửa chữa mặt bằng 140.044.000 đồng).
Thiệt hại 72.000.000 đồng (gồm hành vi sử dụng lao động là người nước ngoài khi chưa có giấy phép lao động, bị Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phạt 60.000.000 đồng và sử dụng lái xe để tham gia kinh doanh vận tải mà không có hợp đồng lao động, bị Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh phạt 12.000.000 đồng.
Thiệt hại 384.160.000 đồng do ký hợp đồng với xe liên kết hoạt động taxi không tuân thủ theo pháp luật quy định, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Công ty.
Bị đơn, ông Kakazu S trình bày:
Việc tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ quản lý đối với ông Kishi Kentaro, quốc tịch Nhật Bản giữ chức vụ Giám đốc Tổ chức-Hành chính là thuộc thẩm quyền của Tổng giám đốc, theo đề xuất của bộ phận nhân sự. Đối với hoạt động liên kết taxi, đây là chủ trương kinh doanh được Công ty STT triển khai thực hiện từ năm 2008, trước khi ông Kakazu S làm Tổng giám đốc. Do vậy, các quyết định xử phạt của Sở Giao thông Vận tải và Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh không phải là lỗi của cá nhân ông Kakazu S. Việc thuê văn phòng làm việc tại số 11 bis NGT, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh là do cần quản lý tập trung quản lý các công ty trực thuộc tại một địa điểm, chi phí thuê do 3 đơn vị cùng thanh toán, gồm: Công ty STT và 2 đơn vị trực thuộc là Công ty BVLV và Công ty TMDLSG. Trụ sở Công ty STT tại số 25 P hiện đã xuống cấp, Công ty đang tiến hành đo vẽ, lập thủ tục đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh chuyển từ đất thuê hàng năm sang thuê đất 50 năm và sửa chữa trụ sở, khi nào sửa chữa xong và hoàn tất về mặt pháp lý đối với quyền sử dụng đất thì Công ty sẽ chuyển về trụ sở cũ.
Về yêu cầu hủy Hợp đồng thuê văn phòng số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG- SGTTC ngày 06/05/2015 giữa Công ty NLQ3 với Công ty STT. Đây là yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn, không liên quan đến quan hệ pháp luật tranh chấp ban đầu. Do ông Kakazu S thực hiện đúng pháp luật và Điều lệ Công ty STT nên không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông H.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, Công ty NLQ4 trình bày: Công ty STT không có thiệt hại nên không yêu cầu bồi thường. Việc ký hợp đồng liên kết taxi là chủ trương của Công ty từ năm 2008, với mục đích để quảng bá thương hiệu chứ không có lợi nhuận nên không có thiệt hại. Việc di dời trụ sở chỉ là tạm thời để sửa chữa và hoàn tất thủ tục pháp lý về thuê đất. Hợp đồng thuê văn phòng số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG-SGTTC ngày 06/05/2015 tuân thủ quy định pháp luật nên có hiệu lực pháp luật. Công ty STT không đồng ý hủy hợp đồng theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan,Công ty NLQ3 trình bày: Khi ký kết hợp đồng thuê văn phòng số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG-SGTTC ngày 06/05/2015, các bên đều có tư cách pháp nhân và tuân thủ quy định pháp luật. Vì vậy, Công ty NLQ3 không đồng ý hủy hợp đồng theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại bản án sơ thẩm số 857/2016/KDTM-ST ngày 19/8/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
Căn cứ Bộ luật tố tụng Dân sự 2015; Luật Doanh nghiệp 2014; Bộ luật Dân sự năm 2005; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, tuyên xử:
1. Hợp đồng số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG-SGTTC giữa Công ty NLQ3 và Công ty STT ký ngày 06/5/2015 là vô hiệu.
2. Ông Kakazu S phải chịu trách nhiệm bồi thường cho Công ty STT 1.483.954.720 đồng.
3. Đình chỉ giải quyết các yêu cầu: Đòi bồi thường khoản tiền đặt cọc 48.000.000 đồng của Công ty BVLV, bồi thường 4 tháng tiền lương thử việc cho ông Nguyễn Văn P (Giám đốc Công ty BVLV) là 66.000.000 đồng và thiệt hại do trả lương cho ông Phạm Tuấn H2 với tư cách Phó Tổng giám đốc Công ty là 16.907.650 đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 26/8/2016, đại diện theo ủy quyền của ông Kakazu S có đơn kháng cáo, yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau: Không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về tuyên bố Hợp đồng số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG- SGTTC vô hiệu và không đồng ý bồi thường thiệt hại cho Công ty STT như quyết định của bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của ông Kakazu S xác nhận Công ty STT bị Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh phạt về hành vi vi phạm hành chính như nguyên đơn đã nêu là đúng. Công ty STT trình bày: Công ty không thiệt hại từ hoạt động liên kết taxi. Số tiền 160.000 đồng/xe/tháng là doanh thu từ hoạt động liên kết taxi, sau khi trừ chi phí thì Công ty STT không có lợi nhuận. Trước khi ký hợp đồng thuê trụ sở số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG-SGTTC, HĐQT Công ty STT đã thống nhất chuyển trụ sở từ 25 P, quận 1 về số 11 bis NGT, quận 3. Vì vậy, ngày 06/05/2015, ông Kakazu S mới ký hợp đồng. Do hợp đồng trên đúng pháp luật nên Công ty STT không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Công ty NLQ3 có ý kiến: Không đồng ý hủy Hợp đồng thuê trụ sở số 2415- HĐTVP/2015/PVM SG-SGTTC do hợp đồng được ký kết đúng pháp luật.
Đại diện ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Chủ trương liên kết taxi được Công ty STT thực hiện từ 2013, đây thực chất là bán thương hiệu, chứ không phải liên kết taxi. Việc niêm yết giá taxi là trách nhiệm của lái xe. Sau khi ông H khởi kiện vụ án tại Tòa án thì Công ty STT mới tiến hành các thủ tục đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh chuyển hợp đồng thuê đất hàng năm thành hợp đồng thuê đất có thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, việc này ông H cũng không biết chủ trương này do HĐQT không họp.
Luật sư của bị đơn trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, bác đơn khởi kiện của nguyên đơn, vì các lý do sau: Bản án sơ thẩm không căn cứ sự thật khách quan, yêu cầu bồi thường không dựa trên báo cáo tài chính của Công ty STT để giải quyết vụ án, cụ thể: Do trụ sở tại số 25 P bị hư hỏng, phải sửa chữa nên tạm dời nhân viên đến làm việc tại số 11 bis NGT. Về mặt pháp lý, theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trụ sở Công ty STT vẫn ở địa chỉ số 25 P, Công ty STT chưa làm bố cáo thông báo về việc chuyển trụ sở Công ty sang số 11 bis NGT, điều này được Ủy ban chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận trụ sở Công ty STT vẫn tại địa chỉ số 25 P. Theo Điều lệ Công ty và đề xuất ngày 07/11/2014 của Phòng Tổ chức-Hành chính thì ông Kakazu S bổ nhiệm ông Kishi Kentaro là đúng thẩm quyền. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Sở Lao động Thương binh và Xã hội và của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh là phạt Công ty STT, không phải phạt cá nhân ông Kakazu S. HĐQT Công ty chưa có văn bản nào xác định ông Kakazu S phải chịu trách nhiệm cá nhân. Theo quy định của Điều lệ Công ty STT thì ông Kakazu S có đủ thẩm quyền để ký kết hợp đồng xe liên kết taxi vì đây là hoạt động kinh doanh thường nhật của Công ty. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là phạt Công ty STT không phải phạt cá nhân ông Kakazu S. Hợp đồng thuê trụ sở số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG-SGTTC mặc dù được ký trước khi có Nghị quyết của HĐQT nhưng sau đó đã được HĐQT thống nhất và việc chuyển trụ sở từ số 25 P về 11 NGT phù hợp với Nghị quyết của HĐQT nên hợp đồng trên có giá trị pháp lý.
Luật sư của nguyên đơn trình bày: Căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa có cơ sở kết luận việc chuyển trụ sở từ 25 P về 11 bis NGT là có thật. Tuy nhiên, theo Điều lệ Công ty STT và Luật Doanh nghiệp thì việc chuyển trụ sở thuộc thẩm quyền quyết định của ĐHĐCĐ. Vì vậy, ông Kakazu S không có quyền quyết định nên hợp đồng thuê trụ sở bị vô hiệu là đúng. Về tuyển dụng lao động, ông Kakazu S bổ nhiệm ông Kishi Kentaro giữ chức vụ Giám đốc Tổ chức-Hành chính và sử dụng lao động không có hợp đồng lao động nên bị cơ quan Nhà nước phạt vi phạm hành chính là trách nhiệm của ông Kakazu S. Công ty STT đã nộp phạt nên ông Kakazu S phải bồi thường số tiền này cho Công ty. Do không tuân thủ quy định về ký hợp đồng liên kết taxi, dẫn đến Công ty STT bị thiệt hại nên ông Kakazu S phải bồi thường cho Công ty là có căn cứ. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến: Việc chuyển trụ sở thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ nhưng ông Kakazu S đã ký hợp đồng và chuyển trụ sở là trái pháp luật nên cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tuyên bố hợp đồng thuê trụ sở vô hiệu và buộc ông Kakazu S bồi thường thiệt hại do ký hợp đồng trái pháp luật là có căn cứ. Đối với yêu cầu bồi thường do vi phạm hành chính, do ông Kakazu S không thực hiện đúng chức trách nên Công ty STT đã bị cơ quan nhà nước phạt, Công ty STT đã nộp phạt nên do ông Kakazu S phải bồi thường như bản án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ. Đối với yêu cầu bồi thường từ hoạt động liên kết taxi, các đương sự đều xác nhận chủ trương liên kết taxi được Công ty STT thực hiện từ 2013, trước thời điểm ông Kakazu S làm Tổng giám đốc, quá trình thực hiện ông Kakazu S tuy có vi phạm nhưng không cố ý gây thiệt hại cho Công ty nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo này của ông Kakazu S, giữ nguyên các quyết định khác của bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, sau khi nghe các đương sự tranh luận và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: Nguyên đơn, ông Nguyễn Văn H là thành viên HĐQT, đại diện cho 21% cổ phiếu của Công ty STT yêu cầu ông Kakazu S, Tổng giám đốc, là người đại diện theo pháp luật của Công ty STT bồi thường thiệt hại cho Công ty STT nên cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là "Tranh chấp về trách nhiệm dân sự của người quản lý công ty" và giải quyết là đúng quy định tại Điều 161 Luật Doanh nghiệp; khoản 5 Điều 30 và điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Tại phiên tòa, đại diện Công ty STT cung cấp văn bản xin xét xử vắng mặt đề ngày 12/6/2017 của ông NLQ2, thành viên HĐQT Công ty STT. Thấy rằng, ông NLQ2 có quốc tịch Nhật Bản, văn bản trên không được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam nên không hợp lệ. Tuy nhiên, quan hệ pháp luật tranh chấp là "Tranh chấp về trách nhiệm dân sự của người quản lý công ty", không liên quan đến ông NLQ2. Vì vậy, việc xét xử vắng mặt ông NLQ2 cũng không ảnh hưởng quyền lợi của đương sự.
[2] Xét kháng cáo của ông Kakazu S, thấy rằng: HĐQT của Công ty STT có 5 thành viên, gồm: Ông NLQ1, Chủ tịch HĐQT; ông Kakazu S, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty; ông Nguyễn Văn H; ông NLQ1 và ông NLQ2.
a) Đối với kháng cáo về bồi thường 1.017.094.720 đồng do chuyển trụ sở từ số 25 P, quận 1 sang tòa nhà PSG tại số 11bis NGT, quận 3, thấy rằng:
a1. Ngày 06/5/2015, ông Kakazu S đại diện Công ty STT ký hợp đồng thuê văn phòng số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG-SGTTC với Công ty NLQ3. Ngày 21/5/2015, ông Kakazu S đại diện theo ủy quyền của ông NLQ1, Chủ tịch HĐQT Công ty STT tổ chức họp để xin ý kiến các thành viên HĐQT về việc trình ĐHĐCĐ để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản việc thay đổi địa chỉ trụ sở Công ty và bổ sung ngành nghề kinh doanh. Tại điểm 5.1 mục 5 Biên bản họp HĐQT ngày 21/5/2015 có nội dung: "Thống nhất tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thay đổi địa chỉ công ty hiện tại sang địa chỉ mới tại: Tầng trệt tòa nhà PSG tại số 11bis NGT, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh". Biên bản được 5/5 thành viên HĐQT đồng ý ký tên. Sau đó, ngày 23/6/2015, ông Kakazu S thay mặt HĐQT ký Phiếu lấy ý kiến bằng văn bản của cổ đông về nội dung: Chuyển trụ sở Công ty từ số 25 P, quận 1 sang tầng trệt tòa nhà PSG tại số 11bis NGT, quận 3. Tại phần IV Biên bản kiểm phiếu về việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản số 01/2015/ĐHĐCĐ-BB ngày 08/7/2015 có nội dung: "Thông qua việc thay đổi trụ sở của Công ty từ địa chỉ: 25 P, phường NTB, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam sang: Tầng trệt tòa nhà PSG tại số 11bis NGT, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam". Biên bản được 5/5 thành viên HĐQT đồng ý ký tên. Căn cứ biên bản kiểm phiếu trên, ngày 09/7/2015, ông Kakazu S thay mặt HĐQT ký Nghị quyết số 18/2015/NQ-ĐHĐCĐ của ĐHĐCĐ có nội dung: "Thông qua việc thay đổi trụ sở của Công ty từ địa chỉ: 25 P, phường NTB, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam sang: Tầng trệt tòa nhà PSG tại số 11bis NGT, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam".
a2. Ngày 30/7/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 5429/TNMT-QLSDĐ gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh, tại mục hiện trạng và phương án sử dụng đất có nội dung: "...Công ty dự kiến sửa chữa, nâng cấp xây dựng mới lại văn phòng kiến nghị xin điều chỉnh (tăng) thời gian thuê đất lên 50 năm, trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê". Tại phiên tòa, đại diện ủy quyền của nguyên đơn xác nhận Công ty STT có thực hiện thủ tục sửa chữa trụ sở và đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh chuyển sang cho Công ty thuê có thời hạn 50 năm như ông Kakazu S trình bày nhưng Công ty STT thực hiện các công việc nêu trên sau khi ông H khởi kiện tại Tòa án. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện, ông H khởi kiện ngày 16/9/2015 là sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Công văn số 5429/TNMT-QLSDĐ ngày 30/7/2015 nêu trên. Vì vậy, có căn cứ xác định việc chuyển trụ sở về 11bis NGT là vì lợi ích của Công ty STT.
a3. Từ phân tích nêu tại mục a1, a2 nêu trên, thấy rằng: Mặc dù việc tổ chức họp HĐQT lấy ý kiến ĐHĐCĐ sau khi ông Kakazu S đã ký hợp đồng thuê văn phòng số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG-SGTTC ngày 06/5/2015, nhưng tất cả 5/5 thành viên HĐQT đã tham gia họp và đồng ý. Việc thực hiện hợp đồng thuê văn phòng số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG-SGTTC và tạm thời thay đổi địa chỉ của Công ty STT đã được sự đồng ý của HĐQT, ông Kakazu S thực hiện đúng Nghị quyết số 18/2015/NQ-ĐHĐCĐ của ĐHĐCĐ, vì sự cần thiết và lợi ích của Công ty STT; Ông Kakazu S không có vụ lợi cá nhân khi ký kết và thực hiện hợp đồng nêu trên nên yêu cầu của ông H đòi ông Kakazu S phải bồi thường thiệt hại là không có căn cứ. Vì vậy, kháng cáo của ông Kakazu S về nội dung này là có căn cứ chấp nhận.
b) Đối với Hợp đồng thuê văn phòng số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG- SGTTC ngày 06/05/2015 giữa Công ty STT với Công ty NLQ3: Về hình thức, khi ký kết hợp đồng các bên đều có tư cách pháp nhân; người ký hợp đồng là đại diện theo pháp luật của mỗi bên; quá trình tố tụng cũng như tại phiên tòa, các bên tham gia hợp đồng không có tranh chấp về hợp đồng. Về nội dung, như đã phân tích tại mục a nêu trên thì việc tổ chức họp HĐQT lấy ý kiến ĐHĐCĐ sau khi ông Kakazu S đã ký hợp đồng thuê văn phòng số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG- SGTTC ngày 06/5/2015 là chưa phù hợp nhưng đã được 5/5 thành viên HĐQT, trong đó có nguyên đơn, ông H đã tham gia họp và đồng ý tại biên bản họp HĐQT ngày 21/5/2015 và bản kiểm phiếu của HĐQT ngày 08/7/2015. Như vậy, hợp đồng thuê văn phòng số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG-SGTTC ngày 06/05/2015 đúng quy định về hình thức, việc ký kết hợp đồng hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Vì vậy, căn cứ Điều 122 Bộ luật dân sự năm 2004 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì hợp đồng thuê văn phòng số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG-SGTTC nêu trên có hiệu lực pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố hợp đồng thuê văn phòng số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG- SGTTC vô hiệu là không chính xác. Vì vậy, cần chấp nhận kháng cáo của ông Kakazu S.
c) Đối với kháng cáo về yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến hoạt động liên kết taxi, thấy rằng:
c1. Việc ngày 07/7/2015, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2791/QĐ-SGTVTvề việc thu hồi phù hiệu phương tiện vi phạm đối với phù hiệu taxi của 49 xe là có thật. Nguyên đơn cho rằng do vi phạm nên ông Kakazu S đã gây thiệt hại cho Công ty STT là 384.160.000 đồng. Theo hợp đồng thì số tiền lái xe phải nộp cho công ty là doanh thu khoán của lái xe. Nguyên đơn cho rằng số tiền 384.160.000 đồng là lợi nhuận mà Công ty STT thu về nhưng không có căn cứ chứng minh. Trong khi tại Báo cáo doanh thu, chi phí và lợi nhuận xe liên kết do Phòng Kế toán-Tài chính của Công ty STT lập ngày 18/8/2016, đượcTổng giám đốc Công ty STT xác nhận có nội dung: Các chi phí của hoạt động liên kết taxi gồm: Lương bộ phận tổng đài, lương điều hành tại các bến bãi, lương trung tâm taxi, chi phí thuê bến bãi kinh doanh taxi, chi phí bộ đàm taxi. Hoạt động của xe liên kết Công ty trong năm 2015 hiện lỗ 997,977 đồng/xe/tháng. Mặc dù, nguyên đơn không thừa nhận báo cáo trên nhưng cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh số thiệt hại thực tế từ việc thu hồi phù hiệu taxi là bao nhiêu mà chỉ xác định Công ty STT bị mất doanh thu 2 tháng (28 ngày/tháng) theo nguyên tắc: (140.000 đồng/xe x 28 ngày/tháng x 49 xe) x 2 tháng = 384.160.000 đồng và xác định số tiền trên là lợi nhuận của Công ty STT bị mất là không có căn cứ.
Tại phiên tòa, bị đơn thừa nhận việc liên kết taxi là chủ trương được Công ty triển khai thực hiện từ năm 2013, trước khi ông Kakazu S làm Tổng giám đốc. Việc sau khi làm Tổng giám đốc, ông Kakazu S thực hiện việc liên kết taxi cũng là thực hiện Nghị quyết của ĐHĐCĐ, ông Kakazu Shugo không tự ý liên kết taxi. Vì vậy, kháng cáo của ông Kakazu là có căn cứ, được chấp nhận.
d. Đối với kháng cáo về việc bồi thường thiệt hại liên quan đến việc tuyển dụng lao động, thấy rằng:
d1. Ngày 07/11/2014, ông Kakazu S ban hành quyết định số 09/QĐ-HĐQT bổ nhiệm ông Kishi Kentaro làm Giám đốc Phòng Tổ chức-Hành chính. Ngày 26/01/2015, Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 658/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty STT về việc sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động, phạt Công ty 60.000.000 đồng. Ngày 24/6/2015, Thanh tra Sở giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số A167162, xử phạt Công ty STT đã có hành vi sử dụng lái xe để tham gia kinh doanh vận tải mà không có hợp đồng lao động theo quy định, phạt 5.000.000 đồng.
d2. Ông Kakazu S là Tổng giám đốc, theo Luật doanh nghiệp và Điều lệ Công ty STT thì Tổng giám đốc có toàn quyền bổ nhiệm người quản lý và ký hợp đồng với người lao động nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Công ty. Việc cho rằng tuyển dụng ông Kishi Kentaro là theo đề xuất của Phòng Tổ chức-Hành chính là không có căn cứ chấp nhận, bởi lẽ ông Kakazu S là người đại diện theo pháp luật của Công ty STT đã có lỗi trong việc tuyển dụng ông Kishi Kentaro và sử dụng lái xe nhưng không ký hợp đồng lao động, bị cơ quan Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính. Do Công ty STT đã nộp phạt theo các quyết định nêu trên nên ông Kakazu S phải chịu trách nhiệm đối với khoản thiệt hại này. Cấp sơ thẩm buộc ông Kakazu S phải bồi thường 65.000.000 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật. Vì vậy, kháng cáo của ông Kakazu S không có căn cứ chấp nhận.
e. Đối với kháng cáo về việc bồi thường 7.000.000 đồng do vi phạm quy định niêm yết giá taxi, thấy rằng: Ngày 24/6/2015, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số A167162, xử phạt Công ty STT đã có hành vi không thực hiện đúng các nội dung đã niêm yết về giá cước phạt 7.000.000 đồng. Tại mục 6.2 Điều 6 của hợp đồng thuê xe ô tô và khoản 4 mục II của Bản thỏa thuận về hợp đồng xe liên kết ghi rõ: Trong quá trình thực hiện hợp đồng thì chủ xe phải cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với mọi hành vi của lái xe do mình giới thiệu/đề nghị trong quá trình hoạt động khai thác kinh doanh xe liên kết. Tại phiên tòa, đại diện ủy quyền của nguyên đơn xác nhận niêm yết giá taxi là trách nhiệm của lái xe. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ trình bày của nguyên đơn để xác định không niêm yết giá taxi là lỗi của ông Kakazu S và buộc ông Kakazu S bồi thường 7.000.000 đồng là không chính xác. Vì vậy, kháng cáo của ông Kakazu S là có căn cứ, được chấp nhận.
Từ những phân tích tại mục [2] nêu trên thấy rằng kháng cáo của ông Kakazu S và ý kiến của Luật sư của ông Kakazu S có căn cứ chấp nhận một phần; không chấp nhận nội dung trình bày của Luật sư của nguyên đơn; chấp nhận một phần ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với kháng cáo về bồi thường thiệt hại 384.160.000 đồng của ông Kakazu S.
Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên ông Kakazu S không phải chịu án phí phúc thẩm. Nguyên đơn, bị đơn phải chịu án phí sơ thẩm theo quy định pháp luật.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 308, 309 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 32, khoản 1 Điều 34 Điều lệ Công ty NLQ4, Điều 160, 161 Luật Doanh nghiệp 2014; Điều 307, 605 Bộ luật dân sự năm 2005; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Kakazu S.
2. Sửa một phần Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 857/2016/KDTM-ST ngày 19/8/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn H về việc yêu cầu ông Kakazu S bồi thường cho Công ty NLQ4. Buộc ông Kakazu S phải bồi thường cho Công ty NLQ4 65.000.000 (Sáu mươi lăm triệu) đồng, gồm 60.000.000 đồng do việc sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động và 5.000.000 đồng do việc sử dụng lái xe để tham gia kinh doanh vận tải mà không có hợp đồng lao động theo quy định, đã bị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh phạt về hành vi vi phạm hành chính.
4. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn H về việc yêu cầu tuyên bố vô hiệu đối với hợp đồng số 2415-HĐTVP/2015/PVM SG-SGTTC ngày 06/5/2015 giữa Công ty NLQ3 với Công ty NLQ4.
5. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn H về việc yêu cầu ông Kakazu S bồi thường cho Công ty NLQ4 1.408.254.720 đồng, gồm 1.017.094.720 đồng do việc ký hợp đồng trái pháp luật để chuyển trụ sở từ số 25 P, phường NTB, quận 1 sang tầng trệt tòa nhà PSG tại số 11bis NGT, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh; 384.160.000 đồng do ký hợp đồng liên kết taxi trái pháp luật và 7.000.000 đồng do bị phạt về hành vi không thực hiện đúng các nội dung niêm yết giá cước taxi.
6. Đình chỉ giải quyết các yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn H về việc yêu cầu ông Kakazu S bồi thường tiền đặt cọc 48.000.000 đồng của Công ty BVLV, 66.000.000 đồng là tiền lương thử việc 4 tháng của ông Nguyễn Văn P, Giám đốc Công ty BVLV và 16.907.650 đồng là tiền lương trả cho ông Phạm Tuấn H2 với tư cách Phó Tổng giám đốc Công ty Công ty NLQ4.
7. Về nghĩa vụ chậm thi hành án: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
8. Về án phí sơ thẩm: Ông Nguyễn Văn H phải chịu 54.247.641, khấu trừ 24.124.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo các biên lai thu số 09731 ngày 10/12/2015 và số 09246 ngày 17/9/2015 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh, ông H còn phải nộp 30.123.641 (Ba mươi triệu một trăm hai mươi ba ngàn sáu trăm bốn mốt) đồng. Ông Kakazu S phải chịu 3.250.000 (Ba triệu hai trăm năm mươi ngàn) đồng.
9. Về án phí phúc thẩm: Ông Kakazu S không phải chịu và được hoàn lại 200.000 (Hai trăm ngàn) đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0031049 ngày 01/9/2016 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Về hướng dẫn thi hành án dân sự: Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
11. Về hiệu lực của bản án: Bản án phúc thẩm này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án là ngày 14 tháng 8 năm 2017./.
Bản án về tranh chấp trách nhiệm dân sự của người quản lý công ty số 29/2017/KDTM-PT
Số hiệu: | 29/2017/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 14/08/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về