Bản án về tranh chấp tiền trợ cấp thôi việc số 06/2021/LĐ-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỨC HÒA, TỈNH LONG AN

BẢN ÁN 06/2021/LĐ-ST NGÀY 22/11/2021 VỀ TRANH CHẤP TIỀN TRỢ CẤP THÔI VIỆC

Trong các ngày 16 và ngày 22 tháng 11 năm 2021, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xét xử sơ thẩm công khai vụ án lao động thụ lý 05/2021/TLST-LĐ ngày 22 tháng 4 năm 2021 về việc: “Tranh chấp tiền trợ cấp thôi việc” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 07/2021/QĐXXST-LĐ ngày 25 tháng 10 năm 2021 giữa các đương sự:

- Các nguyên đơn:

1. Ông Đào Phước L, sinh năm 1969

Địa chỉ: khu vực 2, thị trấn H, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

2. Bà Hoàng Thị Hiếu H, sinh năm 1971.

Địa chỉ: khu phố 4, thị trấn Đ, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

3. Ông Lê Văn Th, sinh năm 1978.

Địa chỉ: ấp T, xã H, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.

4. Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1974.

Địa chỉ: ấp G, xã T, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.

Người đại diện theo ủy quyền của bà H, ông Th, ông H: Ông Nguyễn Ngọc A, sinh năm 1968; Địa chỉ: số C337, khu vực 2, thị trấn H, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

- Bị đơn: Công ty M.

Địa chỉ: khu vực 1, thị trấn H, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Người đại diện theo pháp luật: Ông K - Tổng giám đốc. Địa chỉ: số 38E, đường L, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

(Ông A, ông L có mặt; Ông K có đề nghị vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện của các nguyên đơn và tại phiên tòa ông Đào Phước L và các nguyên đơn do ông Nguyễn Ngọc A đại diện trình bày:

Các nguyên đơn Đào Phước L, Hoàng Thị Hiếu H, Lê Văn Th, Nguyễn Văn H đều là công nhân có hợp đồng lao động làm việc tại Công cổ phần M (sau đây gọi tắt là Công ty M). Từ tháng 01/2016, Công ty M ngưng hoạt động nhưng không thanh toán tiền lương, tiền trợ cấp thôi việc cho các nguyên đơn. Trong các năm 2018, 2019, 2020, các nguyên đơn có khởi kiện yêu cầu được thanh toán tiền lương nhưng riêng tiền trợ cấp thôi việc đến nay Công ty M chưa thanh toán. Nay các nguyên đơn căn cứ vào sổ bảo hiểm xã hội để xác định thời gian tham gia làm việc, mức lương bình quân để khởi kiện yêu cầu thanh toán cho các nguyên đơn tiền trợ cấp thôi việc chưa chi trả, cụ thể như sau:

1. Ông Đào Phước L yêu cầu Công ty M thanh toán tiền trợ cấp thôi việc với số tiền 44.677.500đ (thời gian làm việc 18 năm 06 tháng từ 1990 đến 2008; Lương ông L hưởng vào tháng 6 năm 2017 là 4.830.000đ);

2. Bà Hoàng Thị Hiếu H yêu cầu Công ty M thanh toán tiền trợ cấp thôi việc với số tiền 9.951.000đ (thời gian làm việc 6 năm từ 2003 đến 2008; Lương bà H hưởng vào tháng 6 năm 2017 là 3.317.000đ);

3. Ông Lê Văn Th yêu cầu Công ty M thanh toán tiền trợ cấp thôi việc với số tiền 9.951.000đ (thời gian làm việc 6 năm từ 2003 đến 2008; Lương ông Th hưởng vào tháng 6/2017 là 3.317.000đ);

4. Ông Nguyễn Văn H yêu cầu Công ty M thanh toán tiền trợ cấp thôi việc với số tiền 16.585.000đ (thời gian làm việc 10 năm từ 1999 đến 2008; Lương ông H hưởng vào tháng 6/2017 là 3.317.000đ);

Ngoài ra các nguyên đơn không còn yêu cầu gì khác.

Đối với bị đơn Công ty M:

Sau khi thụ lý, Tòa án đã tiến hành triệu tập và tống đạt hợp lệ nhưng Công ty M vẫn vắng mặt nên không thể tiến hành hòa giải được.

Đến ngày 10/11/2021, ông K là người đại diện theo pháp luật của Công ty M có gửi văn bản trình bày ý kiến: Hiện nay toàn bộ tài sản của Công ty M đã được bán đấu giá để thi hành án, số tiền còn lại từ việc bán đấu giá do Cục thi hành án dân sự tỉnh Long An quản lý. Do đó, nay Công ty H không còn bất kỳ tài sản nào để thi hành án cho người lao động, đề nghị Tòa án căn cứ vào các tài liệu chứng cứ để xem xét yêu cầu khởi kiện của người lao động khách quan, đúng quy định pháp luật. Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên ông K đề nghị được vắng mặt trong các buổi hòa giải, tiếp cận công khai chứng cứ và vắng mặt xét xử tại tòa án các cấp.

Bị đơn Công ty M không có yêu cầu phản tố và không cung cấp thêm chứng cứ gì khác.

Quan điểm của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 262 BLTTDS năm 2015:

Về thủ tục: Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã đua đúng và đầy đủ người vào tham gia tố tụng, việc thu thập chứng cứ và điều tra vụ án được tiến hành khách quan, đúng pháp luật; không có đương sự khiếu nại trong quá trình giải quyết vụ án. Tham gia trực tiếp tại phiên tòa xét thấy các bên đương sự và Hội đồng xét xử đã tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Tại phiên tòa nguyên đơn xác định rõ yêu cầu khởi kiện, bị đơn có ý kiến trình bày và đề nghị vắng mặt; bị đơn không có yêu cầu phản tố; các bên không cung cấp thêm chứng cứ gì khác.

Về nội dung vụ án: Các nguyên đơn khởi kiện và có cung cấp đầy đủ sổ bảo hiểm xã hội, xác nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội, bảng lương để chứng minh người lao động có hợp đồng lao động và có tham gia làm việc thực tế cho Công ty M. Từ tháng 01/2016, Công ty M ngừng hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho các nguyên đơn là vi phạm các quy định tại Điều 46, Điều 48 Bộ Luật lao động năm 2019. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả xét hỏi tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền gii quyết:

Theo đơn khởi kiện, các nguyên đơn căn cứ vào các hợp đồng lao động ký kết với Công ty M để chứng minh các bên có xác lập quan hệ lao động. Căn cứ vào sổ bảo hiểm xã hội để xác định quá trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội, từ đó các nguyên đơn yêu cầu Công ty M thanh toán tiền trợ cấp thôi việc chưa thanh toán. Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa thụ lý vụ án lao động xác định quan hệ tranh chấp: “Tranh chấp đòi tiền trợ cấp thôi việc”, việc thụ lý là đúng thẩm quyền theo quy định tại các Điều 32, Điều 35 BLTTDS năm 2015.

[2]. Về t tụng:

[2.1]. Về điều kiện khởi kiện: Các nguyên đơn khởi kiện “Tranh chấp trợ cấp thôi việc” đối với Công ty H. Tranh chấp được các cơ quan quản lý lao động huyện Đức Hòa tổ chức hòa giải tại biên bản ngày 11/8/2020, tranh chấp đã thực hiện thủ tục hòa giải trước khi khởi kiện là thực hiện theo đúng thủ tục quy định tại Điều 188 của Bộ luật lao động năm 2019. Do đó, các nguyên đơn có quyền khởi kiện tranh chấp lao động tại Tòa án theo quy định tại Điều 32, Điều 35, Điều 188 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

[2.2]. Về sự vắng mặt của bị đơn: Bị đơn Công ty M có đề nghị vắng mặt tại phiên tòa nên Tòa án xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định khoản 2 Điều 227 BLTTDS năm 2015;

[3]. Về nội dung:

[3.1] Xét yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn:

Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ; căn cứ vào các bản án về tranh chấp tiền lương đã có hiệu lực pháp luật thì xác định các nguyên đơn Đào Phước L, Hoàng Thị Hiếu H, Lê Văn Th, Nguyễn Văn H đều là công nhân của Công ty M. Quá trình làm việc các nguyên đơn tham gia đầy đủ và thực hiện đúng các chế độ của người lao động. Tuy nhiên, từ tháng 01/2016 đến nay, Công ty M dừng hoạt động nhưng chưa thanh toán tiền và các chế độ cho người lao động. Nay các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Công ty M phải thanh toán cho các nguyên đơn được nhận tiền trợ cấp thôi việc theo quy định pháp luật.

[3.2]. Hội đồng xét xử nhận định:

[3.2.1]. Căn cứ vào Sổ bảo hiểm xã hội, Bản xác nhận quá trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội; Văn bản hướng dẫn số 1063/SLĐTBXHLĐVL&GDNN ngày 07/4/2021 và số 3370/SLĐTBXHLĐVL&GDNN ngày 22/10/2021 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Long An; Căn cứ văn bản trình bày ý kiến ngày 10/11/2021 của ông Kumar Arunachanlam Mohan là người đại diện theo pháp luật của Công ty M:

Hội đồng xét xử thấy: thực tế Công ty M đã ngừng hoạt động từ tháng 01/2016 đến nay nhung Công ty M vẫn chưa thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho các nguyên đơn ông Đào Phước L, Hoàng Thị Hiếu H, Lê Văn Th, Nguyễn Văn H là vi phạm quy định tại Điều 46 Bộ Luật lao động năm 2019. Do đó căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 48 Bộ Luật Lao động năm 2019, các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Công ty M phải thanh toán một lần tiền trợ cấp thôi việc là có căn cứ chấp nhận.

[3.2.2]. Cơ sở để xác định thời gian làm việc của người lao động: Theo điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12 /01/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động: “c. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được thanh toán theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được thanh toán bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được thanh toán bằng 01 năm làm việc”. Do đó, căn cứ vào Bản xác nhận quá trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội và sổ bảo hiểm xã hội của từng người lao động thì xác định được thời gian làm việc thường xuyên tại Công ty M để tính tiền trợ cấp thôi việc.

[3.2.3]. Về mức tiền lương để áp dụng tính trợ cấp cho người lao động: Theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Tiền lương để tỉnh trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc”. Nên HĐXX xác định tiền lương để tính tiền tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc và tham gia đóng bảo hiểm xã hội để tính tiền trợ cấp thôi việc.

Do đó, tiền trợ cấp thôi việc của các nguyên đơn Đào Phước L, Hoàng Thị Hiếu H, Lê Văn Th, Nguyễn Văn H được tính cụ thể như sau:

1. Ông Đào Phước L được Công ty M thanh toán tiền trợ cấp thôi việc với số tiền 44.677.500đ (thời gian làm việc 18 năm 06 tháng từ 1990 đến 2008; Lương L hưởng vào tháng 6 năm 2017 là 4.830.000đ);

2. Bà Hoàng Thị Hiếu H được Công ty M thanh toán tiền trợ cấp thôi việc với số tiền 9.951.000đ (thời gian làm việc 6 năm từ 2003 đến 2008; Lương bà H hưởng vào tháng 6 năm 2017 là 3.317.000đ);

3. Ông Lê Văn Th được Công ty M thanh toán tiền trợ cấp thôi việc với số tiền 9.951.000đ (thời gian làm việc 6 năm từ 2003 đến 2008; Lương ông Th hưởng vào tháng 6 năm 2017 là 3.317.000đ);

4. Ông Nguyễn Văn H được Công ty M thanh toán tiền trợ cấp thôi việc với số tiền 16.585.000đ (thời gian làm việc 10 năm từ 1999 đến 2008; Lương ông H hưởng vào tháng 6 năm 2017 là 3.317.000đ);

[4]. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH.14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án. Buộc bị đơn Công ty H phải chịu án phí lao động sơ thẩm sung ngân sách Nhà nước.

(Tổng số tiền trợ cấp thôi việc Công ty H phải trả cho 04 người lao động Đào Phước L, Hoàng Thị Hiếu H, Lê Văn Th, Nguyễn Văn H là 81.164.500đồng, án phí lao động sơ thẩm phải nộp là 2.434.935đồng)

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 32, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, điểm c khoản 1 Điều 217, khoản 2 Điều 227, Điều 271; Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ Điều 274, Điều 280, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015;

Căn cứ Điều 46, Điều 48 Bộ Luật lao động năm 2019;

Tuyên Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn Đào Phước L, Hoàng Thị Hiếu H, Lê Văn Th, Nguyễn Văn H về việc tranh chấp “Đòi tiền trợ cấp thôi việc” đối với Công ty M.

2. Buộc Công ty M thanh toán cho các nguyên đơn Đào Phước L, Hoàng Thị Hiếu H, Lê Văn Th, Nguyễn Văn H tiền trợ cấp thôi việc cụ thể như sau:

2.1. Ông Đào Phước L được Công ty M thanh toán tiền trợ cấp thôi việc với số tiền là 44.677.500 đồng;

2.2. Bà Hoàng Thị Hiếu H được Công ty M thanh toán tiền trợ cấp thôi việc với số tiền là 9.951.000 đồng;

2.3. Ông Lê Văn Tha được Công ty M thanh toán tiền trợ cấp thôi việc với số tiền là 9.951.000 đồng;

2.4. Ông Nguyễn Văn H được Công ty M thanh toán tiền trợ cấp thôi việc với số tiền là 16.585.000 đồng;

3. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) bên có nghĩa vụ chưa thi hành xong số tiền trên thì còn phải trả cho bên được thi hành án khoản tiền lãi suất theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

4. Án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Buộc Công ty M phải nộp 2.434.935đồng (Hai triệu bốn trăm ba mươi bốn ngàn chín trăm ba mươi lăm đồng) án phí lao động sơ thẩm sung ngân sách Nhà nước. Công ty M chưa nộp.

5. Về quyền kháng cáo: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, các nguyên đơn có mặt được quyền kháng cáo xin xử phúc thẩm. Riêng bị đơn Công ty M vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc từ ngày niêm yết.

6. “Trường hợp bản án hoặc quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án là 05 năm theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án”

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

577
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp tiền trợ cấp thôi việc số 06/2021/LĐ-ST

Số hiệu:06/2021/LĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đức Hòa - Long An
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 22/11/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;