TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 339/2018/LĐ-PT NGÀY 02/04/2018 VỀ TRANH CHẤP TIỀN LƯƠNG
Trong các ngày 31/01/2018, ngày 27/03/2018 và ngày 02/04/2018 tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 103/2017/TLPT-LĐ ngày 29/11/2017 về việc “Tranh chấp tiền lương”.
Do bản án lao động sơ thẩm số 1275/2017/LĐ-ST ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 468/2018/QĐ-PT ngày 31 tháng 1 năm 2018; Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 919/2018/QĐPT-LĐ ngày 31/01/2018 và Thông báo số 1198/TB-TA ngày 28/02/2018, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông A, sinh năm 1979
Địa chỉ: D77 Mỹ Hòa 2, xã X, Huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư S, Công ty Luật TNHH S và Cộng sự thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bị đơn: Ngân hàng Thương mại Cổ phần B
Trụ sở: đường Đ, Phường P, Quận Q, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông C (Theo Giấy ủy quyền số 61/2017/UQ-PCTT ngày 17/4/2017 của Tổng giám đốc) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Y, Công ty Luật hợp danh I thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Người kháng cáo: Ông A là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 10/3/2017 và tại các buổi làm việc tại Tòa án, nguyên đơn ông A có bà D là người đại diện theo ủy quyền trình bày:
Ông A là nhân viên bảo vệ - phòng Hành chính quản trị tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần B từ ngày 01/5/2009 đến 30/11/2010: hợp đồng không xác định thời hạn; sau đó ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ ngày 01/12/2010, mức lương tăng qua các thời kỳ. Đến ngày 23/9/2016 thì Ngân hàng ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động theo nguyện vọng của ông A.
Thời gian làm việc của ông A là 12 giờ/ngày, 7 ngày/tuần. Ông A cũng như các anh em bảo vệ khác không được nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, tết mà chỉ được nghỉ 12 ngày phép năm.
Thế nhưng trong suốt thời gian làm việc đó, Ngân hàng lại không trả cho ông A tiền lương làm thêm giờ (làm thêm 4 giờ/ngày thường, làm thêm 12 giờ/ ngày cuối tuần, chỉ trả tiền lương làm thêm giờ ngày lễ, tết) mà vẫn yêu cầu ông A trực liên tục ngày đêm 12 giờ/ngày mà không bố trí ngày nghỉ cuối tuần.
Trước và sau khi nghỉ việc, ông A có gửi đơn yêu cầu Ngân hàng thanh toán tiền lương làm thêm giờ từ ngày 01/5/2009 đến 22/9/2016 nhưng Ngân hàng không thanh toán và lãnh đạo Ngân hàng chỉ trả lời là sẽ không giải quyết yêu cầu của ông A.
Ngày 03/3/2017, ông A và Ngân hàng đã hòa giải tranh chấp tại Phòng Lao động Thương bình và Xã hội Quận Q nhưng không thành vì Ngân hàng không đồng ý thanh toán cho ông theo quy định.
Nay ông A khởi kiện yêu cầu Ngân hàng Thương mại Cổ phần B phải trả cho ông tiền lương làm thêm giờ và lãi chậm trả tổng số tiền 504.134.025 đồng.
Tại bản tự khai ngày 19/4/2017, bản giải trình nộp ngày 27/9/2017 và tại các buổi làm việc tại Tòa án, bị đơn – Ngân hàng Thương mại Cổ phần B có ông C là đại diện theo ủy quyền trình bày:
- Nội dung thỏa thuận với người lao động và quá trình làm việc của Ông A: Ông A làm việc tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần B từ năm 2009 đến tháng 9/2016 nghỉ việc theo nguyện vọng của người lao động. Ông A được ký 3 Hợp đồng lao động, Hợp đồng số 417 ngày 03/7/2009 thời hạn 06 tháng từ 01/6/2009 đến 01/12/2009; Hợp đồng số 332 ngày 17/12/2009 thời hạn 12 tháng; hiện nay là Hợp đồng số 480/2010/HĐLĐ GDB ngày 13/12/2010 không xác định thời hạn.
Nội dung thỏa thuận trong Hợp đồng lao động số 480: thời gian làm việc theo ca trực, thời gian làm việc cụ thể sẽ được điều chỉnh theo từng thời kỳ phù hợp với tình hình của ngân hàng; mức lương: bậc 1 hệ số 1,65. Mức lương sẽ được người sử dụng lao động điều chỉnh phù hợp theo vị trí công tác, năng lực và công việc thực hiện của người lao động.
Theo Thỏa ước Lao động tập thể của Ngân hàng đã được ký kết giữa Đại diện Người sử dụng lao động và Đại diện Người lao động là Ban chấp hành công đoàn ngày 03/03/2009 (đã được đăng ký cho Phòng Lao động Thương binh và Xã hội Quận Q1), tại Điểm a, Khoản 2, Điều 9 của Thỏa ước lao động tập thể đã nêu thời giờ làm việc của Nhân viên Bảo vệ là thực hiện chế độ theo ca trực tương đương 12 tiếng/ngày.
Thực tế quá trình làm việc của ông A: Ông A đã thực hiện công việc bảo vệ từ năm 2009 theo thời gian làm việc 12 giờ/ngày và thời gian nghỉ ngơi theo quy định của Ngân hàng mà không có khiếu nại, ý kiến gì. Tương ứng với thời gian làm việc thì ông A được trả các khoản lương, hỗ trợ tương ứng, ông A cũng không có kiến nghị và thắc mắc qua nhiều năm. Tháng 9 năm 2016 ông A nộp đơn xin nghỉ việc, ông A đã được giải quyết đầy đủ các chế độ, chốt sổ Bảo hiểm xã hội và nhận sổ mà không có khiếu nại gì.
- Giải trình về cách tính lương và thu nhập thực lãnh của ông A.
Theo thỏa thuận với ông A tại Hợp đồng lao động số 480/2010//HĐLĐ- GDB ngày 13/12/2010.
Áp dụng theo quy chế lương ban hành theo Quyết định số 290 năm 2012, Phục lục 3.5 thì Nhân viên bảo vệ là lao động phổ thông được phân công làm việc theo ca trực do yêu cầu công tác, được tính lương theo thời gian làm việc trong đó gồm:
+ Lương cơ bản: là lương trong ngày làm việc bình thường trả theo tháng theo quy định, được xác định trên cơ sở mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật trong từng thời kỳ.
+ Lương ngoài giờ: tính theo thời gian làm ngoài giờ trong các ngày làm việc bình thường, trên cơ sở mức lương tối thiểu vùng theo quy định.
Như vậy thu nhập của ông A sẽ bao gồm: Lương cơ bản của ngày làm việc bình thường 8 tiếng + lương làm thêm giờ ngày thường 4 tiếng + lương làm thêm giờ các ngày nghỉ hàng tuần trong tháng + lễ tết, các khoản hỗ trợ. Diễn giải cụ thể như sau: Nếu người lao động làm việc thêm 04 tiếng vào ngày làm việc bình thường thì lương làm thêm giờ trong ngày làm việc bình thường theo quy định của pháp luật được tính ở mức 150% mức lương trong giờ làm việc bình thường. Trường hợp Ngân hàng không sắp xếp được ngày nghỉ hàng tuần và Người lao động đồng ý làm việc thêm trong những ngày này thì Người lao động được tính ở mức 200% mức lương trong giờ làm việc bình thường.
Căn cứ vào số liệu hiện thống kê của Ngân hàng trích xuất dữ liệu ra được chi tiết bảng cơ cấu thu nhập của ông A từ năm 2013 đến năm 2016. Đối chiếu với bảng sao kê tài khoản lương của ông A thì đều trùng khớp với số tiền ông được thực lãnh mỗi năm. Như vậy thu nhập thực lãnh của ông A đã có bao gồm tiền lương làm thêm giờ ngày thường và lương làm thêm giờ các ngày nghỉ hàng tuần trong tháng. Dẫn chứng cụ thể: năm 2013 tổng thu nhập thực lãnh là 84.380.502 đồng, trong đó có lương làm thêm giờ là 34.165.380 đồng; năm 2014 tổng thu nhập thực lãnh là 85.654.118 đồng trong đó có lương làm thêm giờ là 39.253.848 đồng; năm 2015 tổng thu nhập thực lãnh là 90.651.628 đồng trong đó có lương làm thêm giờ là 45.069.228 đồng; năm 2016 tổng thu nhập thực lãnh là 75.030.761 đồng trong đó có lương làm thêm giờ là 36.649.206 đ.
Dẫn chứng cụ thể một số tháng:
Mức lương cơ bản (8 giờ) |
Lương làm thêm ngày thường (4 giờ) |
Lương làm thêm các ngày nghỉ hàng tuần trong tháng |
Hỗ trợ |
Đóng BHXH, BHYT, BHTN |
Đóng đoàn phí |
Thuế TNCN |
Thu nhập thực lãnh |
Năm |
2,350,000 |
1,762,500 |
1,084,615 |
1,624,798 |
518,465 |
54,575 |
115,172 |
6,133,701 |
T3/2013 |
2,700,000 |
2,025,000 |
1,246,154 |
850,760 |
573,041 |
54,575 |
|
6,194,298 |
T6/2014 |
+ Đối với các số liệu từ năm 2012 trở về trước hiện việc trích xuất và thống kê rất khó thực hiện vì thời gian quá lâu (quá 5 năm), ngân hàng không buộc phải lưu trữ những số liệu này vì người lao động là ông A không có bất kỳ khiếu nại về tiền lương làm thêm giờ mà ngân hàng đã trả.
- Theo nội dung đơn khởi kiện, ông A cho rằng Ngân hàng đã không trả cho ông tiền lương làm thêm giờ (làm thêm 4 giờ/ngày thường, làm thêm 12 giờ/cuối tuần,) từ ngày 01/05/2009 đến ngày 30/09/2016 theo bảng kê đính kèm đơn khởi kiện là hoàn toàn không có cơ sở đề nghị tòa bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.
Tại phiên tòa sơ thẩm:
Nguyên đơn ông A không tiếp tục yêu cầu bà D làm đại diện ủy quyền và ông yêu cầu bị đơn Ngân hàng Thương mại Cổ phần B phải trả cho ông các khoản tiền lương làm thêm giờ 430.948.947 đồng và tiền lãi chậm trả 148.848.528 đồng tổng cộng 579.797.475 đồng.
Bị đơn Ngân hàng Thương mại Cổ phần B có ông C đại diện theo ủy quyền vẫn giữ nguyên ý kiến như đã trình bày, và không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn có ý kiến: Theo Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự thì trách nhiệm cung cấp chứng cứ thuộc về người sử dụng lao động và Phòng Lao động Thương binh và Xã hội Quận Q2, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Q3 xác nhận Ngân hàng không đăng ký thang lương, bảng lương. Theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm công khai thang lương, bảng lương và đăng ký tại cơ quan Nhà nước quản lý về lao động. Hợp đồng lao động xác định theo ngạch, bậc lương, hệ số là không rõ ràng, không bảo vệ quyền lợi của người lao động chỉ ghi mức lương chính sẽ được điều chỉnh theo quy chế của Ngân hàng làm cho người lao động không biết và không hiểu việc chi trả lương của Ngân hàng như thế nào.
Về thời giờ làm việc thì các đương sự cũng thống nhất việc ông A có làm thêm giờ ngày thường và ngày nghỉ, lễ tết. Ngân hàng đã chi trả tiền làm ngày thêm ngày lễ, tết cho ông A.
Vì người lao động không có các tài liệu chứng cứ nào về việc chi trả lương của Ngân hàng nên căn cứ vào số tiền đóng bảo hiểm của người lao động để xác định mức lương cơ bản chưa tính lương làm thêm giờ của ông A. Các bản kê tiền lương của Ngân hàng cung cấp không thể hiện rõ số tiền nào làm cơ sở để đóng bảo hiểm xã hội cho ông A. Vì lương cơ bản chưa tính lương làm thêm giờ là cơ sở để đóng bảo hiểm xã hội nên do đó Ngân hàng chưa trả đủ lương làm thêm giờ cho ông A. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của ông A, buộc Ngân hàng trả tiền làm thêm giờ và lãi chậm trả tổng cộng 579.797.475 đồng.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn có ý kiến: Hợp đồng lao động số 480/2010/HĐLĐ GDB ngày 13/12/2010 đã thỏa thuận rõ về thời giờ làm việc và mức lương. Về thời gian làm việc 12 giờ/ngày thì nguyên đơn cũng đã thừa nhận. Ngân hàng đã cung cấp đủ các tài liệu chứng cứ như bản sao kê, và giải trình về cơ cấu tính lương, căn cứ vào quy chế lương, và phụ lục thì Ngân hàng đã trả đủ lương cho ông A gồm lương cơ bản và lương làm thêm giờ. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 3 tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của các đương sự và Hội đồng xét xử: Trong quá trình giải quyết vụ án, và tại phiên tòa, các đương sự và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 3 có ý kiến về việc giải quyết vụ án: Đề nghị không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Tại bản án lao động sơ thẩm số 1275/2017/LĐ-ST ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 32; điểm c, khoản 1, Điều 35; điểm a, khoản 1, Điều 39; khoản 1 Điều 147, khoản 1, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ Điều 55, Điều 68, Điều 69, Điều 90 Bộ luật Lao Động năm 1994 (sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007);
Căn cứ Điều 90, Điều 104, Điều 106 Bộ luật lao động năm 2012;
Căn cứ Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự. Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông A về việc buộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần B thanh toán tiền lương làm thêm giờ và tiền lãi chậm trả tổng số tiền 579.797.475 đồng.
2. Án phí lao động sơ thẩm: Nguyên đơn là ông A được miễn nộp án phí.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự và quy định về thi hành án.
Ngày 12/10/2017, ông A là nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Nội dung kháng cáo là đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm; Buộc bị đơn phải thanh toán tiền lương làm thêm giờ cho ông A từ tháng 5/2009 đến tháng 9/2016 và tiền lãi chậm trả, tạm tính là 579.797.475 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Người kháng cáo là ông A cùng người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông A xác định vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; xác định có thay đổi nội dung và yêu cầu kháng cáo, cụ thể:
- Rút yêu cầu kháng cáo về nội dung đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông A.
- Yêu cầu cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại vụ án với lý do:
+ Cấp sơ thẩm không thu thập chứng cứ đầy đủ và cấp phúc thẩm không thể bổ sung gồm: Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là buộc bị đơn trả tiền làm thêm giờ trong đó có bao gồm tiền làm thêm giờ vào ban đêm nhưng cấp sơ thẩm không làm rõ những yêu cầu này; cấp sơ thẩm không thu thập chứng cứ hoặc buộc phía bị đơn phải cung cấp chứng cứ, vì theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu chứng cứ giải quyết vụ án. Những tài liệu phải cung cấp là bản chi tiết tiền lương; thư thông báo mức lương cho ông A để làm cơ sở xác định việc chi trả lương của ngân hàng có thiếu, đủ hoặc dư hay không; phía ngân hàng không thực hiện việc đăng ký thang bảng lương đối với người lao động theo quy định pháp luật gây ra việc người lao động không biết rõ việc chi trả lương, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Từ việc cấp sơ thẩm không thu thập chứng cứ đầy đủ nên xem xét và áp dụng luật nội dung không đầy đủ; đánh giá chứng cứ phiến diện nên đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đúng pháp luật. Do đó đề nghị chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn hủy toàn bộ án sơ thẩm để giao về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại vụ án.
Tại phiên Tòa phúc thẩm người đại diện theo ủy quyền của bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn không đồng ý với kháng cáo của nguyên đơn, xác định bị đơn không kháng cáo bản án; đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn giữ nguyên bản án sơ thẩm. Phía bị đơn xác định đã cung cấp đầy đủ toàn bộ tài liệu, chứng cứ cho cấp sơ thẩm để giải quyết vụ án; phía bị đơn cũng xác định đã trả đủ và đúng tiền lương, tiền làm thêm giờ cho ông A theo đúng thỏa thuận của Hợp đồng lao động và quy định pháp luật nên không đồng ý các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc chấp hành pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án tại giai đoạn phúc thẩm có nêu: Thẩm phán, các thành viên Hội đồng xét xử, các đương sự trong vụ án đã chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Đề xuất về đường lối giải quyết vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến:
Về tố tụng: Ngày 27/9/2017, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử và tuyên án vụ án. Ngày 12/10/2017 nguyên đơn là ông A nộp đơn kháng cáo là còn trong hạn luật định nên kháng cáo hợp lệ và được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
Về nội dung: Đơn kháng cáo của nguyên đơn là ông A yêu cầu cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và yêu cầu sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Xét kháng cáo:
- Xét tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn tự nguyện rút một phần yêu cầu kháng cáo về việc sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Nguyên đơn chỉ còn yêu cầu hủy án sơ thẩm nên căn cứ Điều 289 Bộ luật tố tụng dân sự đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.
- Xét yêu cầu hủy án sơ thẩm:
+ Về thời hiệu, các bên không yêu cầu áp dụng nên không xem xét; Hợp đồng lao động giữa hai bên đã thỏa thuận cụ thể về tiền lương và thời giờ làm việc; Thỏa ước lao động tập thể của ngân hàng đã quy định cụ thể thời giờ làm việc của nhân viên bảo vệ làm việc theo ca 12 giờ/ngày, đảm bảo trực bảo vệ 24/24; Quyết định 290/12/QĐ-HĐQT ngày 20/9/2012 và Quyết định số 10c/16/QĐ-HĐQT ngày 26/01/2016 về việc ban hành quy chế về chính sách tiền lương của VCCB đều quy định chế độ tiền lương ngoài giờ của ngân hàng.
+ Tại phụ lục 3.5 về chi tiết hướng dẫn cách tính lương cho cán bộ nhân viên (áp dụng cho người lao động công tác tại ngân hàng) có xác định cơ cấu trả lương cho người lao động phổ thông làm việc theo ca trực gồm: Tiền lương cơ bản, tiền lương ngoài giờ và khoản tiền hỗ trợ (nếu có);
+ Phía ngân hàng đã cung cấp chứng cứ về việc trả lương cho ông A là đầy đủ và trùng khớp;
+ Tại phiên Tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm ông A xác định đã nhận đủ tiền lương làm việc thay thế cho nhân viên khác.
+ Việc Luật sư của nguyên đơn cho rằng ngân hàng có vi phạm pháp luật lao động về thời gian làm thêm giờ của người lao động. Vi phạm này của phía ngân hàng thuộc thẩm quyền xem xét giải quyết và xử lý của Thanh tra lao động, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
- Cấp sơ thẩm đã thu thập chứng cứ đầy đủ và xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A là có căn cứ. Do đó, yêu cầu kháng cáo của ông A là không có cơ sở.
Từ những nhận định trên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo về việc hủy án sơ thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên Toà, Hội đồng xét xử nhận định:
Về hình thức: Ngày 27/9/2017 Tòa án nhân dân Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử và tuyên án vụ án. Ngày 12/10/2017 nguyên đơn là ông A nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án là còn trong thời hạn theo quy định tại các Điều 272, 273, 276 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Do đó đơn kháng cáo của ông A được chấp nhận xem xét tại cấp phúc thẩm.
Về nội dung:
- Sau khi xét xử sơ thẩm, ông A là nguyên đơn nộp đơn kháng các toàn bộ bản án với hai yêu cầu:
+ Hủy án sơ thẩm.
+ Sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
[1] Tại phiên Tòa phúc thẩm, ông A và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông A xác định rút lại yêu cầu kháng cáo về việc yêu cầu cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn mà chỉ còn yêu cầu kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm do cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ mà tại phiên Tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được.
[2] Xét việc rút một phần kháng cáo của nguyên đơn là tự nguyện nên Hội đồng xét xử căn cứ vào Khoản 3 Điều 289, Khoản 3 Điều 298 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 chấp nhận việc rút kháng cáo của ông A và đình chỉ xét xử phần kháng cáo yêu cầu sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
[3] Xét yêu cầu kháng cáo của ông A về việc yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm:
Căn cứ yêu cầu khởi kiện của ông A theo đơn khởi kiện cũng như biên bản hòa giải không thành tại cấp sơ thẩm, xác định ông A yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải chi trả tiền làm thêm giờ gồm 04 giờ/ngày thường và 12 giờ/ngày cuối tuần (không yêu cầu trả lương làm thêm giờ những ngày lễ, tết, làm ban đêm) từ ngày 01/05/2009 đến ngày 22/09/2016; kèm theo yêu cầu khởi kiện là những chứng cứ gồm bản phô tô các lịch trực bảo vệ không đầy đủ của năm 2010, 2011, 2016; một số tài liệu chứng cứ khác về việc hòa giải tranh chấp lao động và các hợp đồng lao động.
Xét cấp sơ thẩm đã thu thập chứng cứ qua việc yêu cầu các bên đương sự cung cấp; tiến hành xác minh thu thập chứng cứ đối với cơ quan quản lý lao động để làm căn cứ giải quyết vụ án đã xác định quan hệ lao động giữa nguyên đơn với bị đơn; các bên thỏa thuận về công việc, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động qua các chứng cứ là Hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế tiền lương, phụ lục về chi tiết hướng dẫn cách tính lương cho người lao động. Cấp sơ thẩm cũng đã thu thập chi tiết quá trình tham gia và đóng bảo hiểm xã hội cho ông A; các sao kê chi tiết sổ phụ tài khoản lương của ông A trong những năm ông A làm việc tại ngân hàng.
Xét phía ngân hàng có trình bày việc tranh chấp tiền lương làm thêm giờ của ông A những năm từ năm 2009 đến năm 2016 có khoảng thời gian quá dài, các dữ liệu về việc chấm công, trả lương không thể thu thập là có cơ sở. Ngoài ra, chính phía ông A cũng không cung cấp được những tài liệu chứng cứ xác thực về thời gian làm việc thực tế, thời gian làm thêm giờ của những năm trước đây tại ngân hàng và hai bên hoàn toàn không có khiếu nại, tranh chấp hoặc thỏa thuận gì về việc ngân hàng có nợ tiền làm thêm giờ của ông A. Do đó, cấp sơ thẩm đã căn cứ những chứng cứ đã thu thập có trong hồ sơ vụ án để áp dụng pháp luật giải quyết vụ án là có cơ sở. Như vậy, kháng cáo của ông A cho rằng cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ là không có cơ sở và không được hội đồng xét xử chấp nhận.
[4] Đối với việc nguyên đơn cho rằng bị đơn không chấp hành các quy định pháp luật về lao động, vi phạm quy định thời giờ làm việc của người lao động; vi phạm về việc đăng ký thang lương bảng lương. Xét, vi phạm này của ngân hàng thuộc thẩm quyền xem xét giải quyết và xử lý của Thanh tra lao động và các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như cấp sơ thẩm đã nhận định là có cơ sở.
[5] Xét về việc giải quyết đối với nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Tại cấp sơ thẩm và tại phiên Tòa phúc thẩm Hội đồng xét xử đã xác định được giữa ông A với ngân hàng có thỏa thuận về thời giờ làm việc, thỏa thuận tiền lương. Đồng thời căn cứ các chứng cứ là sổ phụ chi trả lương, mức lương tham gia và đóng bảo hiểm xã hội đối với ông A suốt quá trình quan hệ lao động, thỏa ước lao động tập thể được cơ quan quản lý lao động xác nhận, Quyết định 290/12/QĐ-HĐQT ngày 20/9/2012 về việc ban hành quy chế về chính sách tiền lương của VCCB, phụ lục 3.5 về chi tiết hướng dẫn cách tính lương cho cán bộ nhân viên (áp dụng cho người lao động công tác tại ngân hàng) có cơ sở xác định phía ngân hàng đã trả đủ tiền lương và tiền lương làm thêm giờ cho ông A trong thời gian hai bên có quan hệ lao động .
Việc giữa ông A với ngân hàng không thể duy trì quan hệ lao động do ông A cho rằng không đảm bảo tiền lương, thời giờ làm việc cũng đã được hai bên chấm dứt thông qua đơn xin nghỉ việc của ông A và được Công ty chấp nhận ra quyết định chấp dứt hợp đồng lao động mà không có tranh chấp.
Do đó Hội đồng xét xử xét thấy cấp sơ thẩm đã thu thập chứng cứ đầy đủ và xem xét giải quyết vụ án là có căn cứ nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông A.
Từ những phân tích, nhận định đánh giá chứng cứ nêu trên, cũng như căn cứ đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa, Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Khoản 3 Điều 289; Khoản 3 Điều 298 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Căn cứ Điều 293 và Khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Căn cứ Điều 55, Điều 68, Điều 69, Điều 90 Bộ luật Lao Động năm 1994 (sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007);
Căn cứ Điều 90, Điều 104, Điều 106 Bộ luật lao động năm 2012;
Căn cứ Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự. Tuyên xử:
- Đình chỉ xét xử phần kháng cáo về yêu cầu sửa án sơ thẩm do người kháng cáo là ông A rút một phần yêu cầu kháng cáo.
- Không chấp nhận kháng cáo của ông A về yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông A về việc buộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần B thanh toán tiền lương làm thêm giờ và tiền lãi chậm trả tổng số tiền 579.797.475 đồng (Năm trăm bảy mươi chín triệu bảy trăm chín mươi bảy nghìn bốn trăm bảy mươi lăm đồng).
2. Án phí lao động sơ thẩm và phúc thẩm: Nguyên đơn là ông A được miễn nộp án phí.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014); thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Bản án về tranh chấp tiền lương số 339/2018/LĐ-PT
Số hiệu: | 339/2018/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 02/04/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về