Bản án 17/2024/DS-PT về tranh chấp thừa kế tài sản và đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 17/2024/DS-PT NGÀY 10/04/2024 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN VÀ ĐÒI LẠI TÀI SẢN LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 10 tháng 4 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 36/2023/TLPT-DS ngày 29 tháng 5 năm 2023, về việc: “Tranh chấp về thừa kế tài sản và đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 08/2023/DS-ST ngày 10 tháng 3 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 67/2023/QĐ-PT ngày 18 tháng 7 năm 2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị M - sinh năm 1957; cư trú tại xóm C, thôn B, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

- Bị đơn: Ông Nguyễn C - sinh năm 1960 và bà Đặng Thị T - sinh năm 1965; cư trú tại xóm C, thôn B, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi. .

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1/ Bà Nguyễn Thị L - sinh năm 1968;

2/ Chị Nguyễn Thị H - sinh năm 1986;

3/ Chị Nguyễn Thị T1 - sinh năm 1987;

4/ Anh Nguyễn Quốc T2 - sinh năm 1995;

Cùng cư trú tại xóm C, thôn B, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

- Người làm chứng:

1/ Ông Trần T3 - sinh năm 1949;

2/ Ông Phan Hồng N - sinh năm 1964;

Cùng cư trú tại xóm C, thôn B, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

(Bà Nguyễn Thị M, ông Nguyễn C, bà Đặng Thị T, bà Nguyễn Thị L có mặt; chị Nguyễn Thị H, chị Nguyễn Thị T1, anh Nguyễn Quốc T2, ông Phan Hồng N vắng mặt; ông Trần T3 vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 25 tháng 11 năm 2019, đơn khởi kiện bổ sung đề ngày 13 tháng 03 năm 2020, bản tự khai và các lời khai tiếp theo, biên bản hòa giải, nguyên đơn bà Nguyễn Thị M trình bày:

Về nguồn gốc thửa đất số 201, diện tích 1.914m2, tờ bản đồ số 12, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi (viết tắt là thửa 201), được Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) huyện S, tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 00415/QSDĐ/số 1354/QĐ-UB ngày 30/11/2000 đứng tên hộ ông Nguyễn D là của cha, mẹ bà là cụ Nguyễn D và cụ Trần Thị L1. Khi cha, mẹ bà còn sống đã xây dựng một căn nhà tại thửa đất nêu trên; sau này, ông Nguyễn C, bà Đặng Thị T có nói để cho vợ chồng ông C, bà T dỡ nhà cũ làm lại nhà mới để ở và thờ phụng ông bà, cha mẹ bà khi qua đời, nên cha mẹ bà đã đồng ý để cho vợ chồng ông C xây dựng nhà trước năm 2000, diện tích xây dựng khoảng 120m2. Nhưng lúc làm nhà xong thì ông C, bà T lại bội tín, không chăm sóc cha bà lúc tuổi già nên bà phải đưa cha bà về nhà bà để chăm sóc, thậm chí ông C còn không cho cha bà ở tại ngôi nhà tại thửa 201 từ lúc ốm đau đến lúc qua đời, nên khi cha bà chết, bà và em bà là bà Nguyễn Thị L phải che lều tạm để lo đám tang. Trên thửa 201 có khoảng 20 cây chuối, 02 cây mít, 01 cây xoài do cha mẹ bà và ông C trồng; ngoài ra còn có một số cây tạp tự mọc.

Ngoài thửa đất trên, cha mẹ bà còn được UBND huyện S cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 00416/QSDĐ/số 1354/QĐ-UB ngày 30/11/2000 đứng tên hộ cụ Nguyễn D đối với 06 thửa đất gồm 03 thửa đất ruộng màu và 03 thửa đất trồng lúa (cấp theo Nghị định 64/CP), cụ thể: Thửa đất số 108, diện tích 572m2 (đất ruộng màu), tờ bản đồ số 13, hiện do bà sử dụng; thửa đất số 29, diện tích 816m2 (đất ruộng màu), tờ bản đồ số 12, hiện do ông C, bà T chiếm giữ một phần để trồng cây keo lai (viết tắt là thửa 29); thửa đất số 573, diện tích 350m2 (đất lúa), tờ bản đồ số 7, hiện do bà Nguyễn Thị L sử dụng; thửa đất số 574, diện tích 208m2 (đất lúa), tờ bản đồ số 7, hiện do bà L sử dụng; thửa đất số 575, diện tích 193m2 (đất ruộng màu), tờ bản đồ số 7, hiện do bà sử dụng (viết tắt là thửa 575) và thửa đất số 521, diện tích 151m2 (đất lúa), tờ bản đồ số 7, hiện do bà L sử dụng; đều ở xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

Sau khi cưới vợ cho ông C xong, cha mẹ bà đã chia đất lúa, đất ruộng màu khác ngoài 06 thửa đất nêu trên cho ông C, bà T canh tác, sản xuất nông nghiệp riêng tư; ông C, bà T đã kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng biệt nên không còn liên quan gì đến diện tích đất ruộng màu và đất lúa của cha mẹ bà.

Mẹ bà già yếu đau chết năm 2006, cha bà già yếu đau chết năm 2017. Quá trình chung sống với cha mẹ bà, ông C, bà T đã lấy sổ hộ khẩu và 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vườn nhà ở, đất nông nghiệp của cha mẹ bà cất giấu. Khi cha mẹ bà già yếu, nhiều lần chị em bà yêu cầu ông C đưa các giấy tờ trên để giải quyết đất vườn nhưng ông C không đưa. Hiện tại, ông C, bà T đã chiếm và sử dụng toàn bộ thửa 201 và một phần thửa 29.

Cha mẹ bà là cụ Nguyễn D và cụ Trần Thị L1 có 03 người con chung là ông Nguyễn M1 (đã hi sinh, không có vợ con và tài sản gì), bà và bà Nguyễn Thị L. Cha ông C là anh ruột của cha bà; cha, mẹ ông C mất sớm nên cha, mẹ bà nuôi ông C từ lúc 03 tuổi.

Bà và bà L là người thừa kế theo pháp luật của cụ Nguyễn D và cụ Trần Thị L1. Trước khi chết cụ D, cụ L1 không để lại di chúc hoặc bất kỳ một nghĩa vụ tài sản nào mà những người thừa kế của cụ phải thực hiện; cha mẹ bà chỉ có người vợ, người chồng duy nhất và có các con nêu trên. Ngoài ra, không còn ai là vợ, chồng, con (bao gồm con chung, con riêng, con nuôi) nào khác. Cha mẹ đẻ cụ D và cụ L1 đã chết trước từ lâu; cụ D, cụ L1 cũng không có cha mẹ nuôi nào cả.

Tại Đơn khởi kiện ngày 25/11/2019 và Đơn khởi kiện bổ sung ngày 13/3/2020, bà có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông C, bà T phải thu hoạch hoa lợi trên đất và trả thửa 29, thửa 575 cho bà, bà L. Tuy nhiên, ngày 18/3/2021, bà rút phần yêu cầu khởi kiện đối với thửa 575; ngày 15/9/2022, bà rút phần yêu cầu khởi kiện đối với thửa 29.

Nay bà yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia di sản thừa kế do cha mẹ bà để lại là quyền sử dụng đất tại thửa đất vườn 201 thành 03 phần gồm: Ông Nguyễn C và bà Đặng Thị T 01 kỷ phần (ưu tiên cho ông C, bà T phần có ngôi nhà do ông C, bà T xây dựng); bà 01 kỷ phần; bà L 01 kỷ phần. Đối với ngôi nhà cấp IIIB do vợ chồng ông C, bà T xây dựng thì ông C, bà T được tiếp tục sử dụng, bà không có yêu cầu gì về ngôi nhà. Đối với số cây cối và vật kiến trúc khác thì vợ chồng ông C, bà T được sử dụng nhưng số tài sản này nằm trên phần đất nào mà chị em bà được chia thì vợ chồng ông C, bà T tự thu dọn để giao lại đất cho chị em bà. Ngoài ra, bà không yêu cầu Tòa án giải quyết về các công trình tài sản, cây cối trên đất và các di sản khác của cha mẹ bà.

Trong quá trình tố tụng bị đơn là ông Nguyễn C và bà Đặng Thị T trình bày:

Cụ Nguyễn D và cụ Trần Thị L1 có 03 người con là ông Nguyễn M1 hi sinh trong chiến tranh (chưa có vợ, con), bà Nguyễn Thị M và bà Nguyễn Thị L.

Cụ Trần Thị L1 chết năm 2006 và cụ Nguyễn D chết vào năm 2017.

Ông, bà được biết nguồn gốc thửa 201 là của cụ Lê Cao H1 (đã chết). Sau khi cha ông Cẩn là cụ Nguyễn Đ có gia đình thì cụ H1 cho cha ông Cẩn thửa đất này (chỉ cho đất bằng miệng chứ không có giấy tờ gì) sử dụng đến khi ông C được khoảng 05 tuổi thì cha mẹ ông C chết trong chiến tranh, nên ông C ở với cụ Nguyễn D tại thửa 201, lúc này có ngôi nhà tranh vách đất của vợ chồng cụ D, cụ L1. Năm 2006, cụ L1 chết thì cụ D về sống với con gái là bà Nguyễn Thị M và lúc này ngôi nhà vách đất mục nát gần sụp nên cụ D có bảo ông C, bà T xây dựng lại ngôi nhà cấp IV như hiện nay để thờ cúng ông bà tổ tiên; còn cụ D ở tại nhà con gái khoảng 06 đến 07 năm mới về sống tại thửa 201 một thời gian rồi chết. Hiện nay, ông bà đang sử dụng thửa 201 và ngôi nhà trên thửa đất này.

Đối với thửa 29, gia đình ông, bà đã sử dụng từ năm 2000 đến nay; hiện ông bà sử dụng để trồng cây keo. Thửa 29 được cân đối theo Nghị định 64/CP cho hộ cụ Nguyễn D; tại thời điểm đó, gia đình ông bà nằm trong hộ khẩu của cụ D, không có tên bà M và bà L trong hộ khẩu của cụ D.

Nay, bà M và bà L yêu cầu chia thừa kế đối với thửa 201 thì ông bà không đồng ý vì trong tờ di chúc (Biên bản giải quyết về việc đơn yêu cầu của cụ Nguyễn D đề ngày 05/3/2007) cụ Nguyễn D đã để lại thửa 201 cho ông bà sử dụng, trong hộ khẩu của cụ D cũng không có tên bà M và bà L. Trường hợp, Tòa án giải quyết chia thừa kế đối với thửa 201 thì ông bà yêu cầu tính công sức gìn giữ thửa đất trong thời gian vợ chồng ông bà ở với cụ Nguyễn Dẫm . Ông bà không đồng ý với yêu cầu trả lại thửa 29 cho bà M, bà L.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị L trình bày:

Cha mẹ bà là cụ Nguyễn D và cụ Trần Thị L1 có 03 người con chung:

Ông Nguyễn M1 (chết năm 1972), bà Nguyễn Thị M và bà. Cha bà chết ngày 22/11/2017; mẹ bà chết ngày 01/7/2006. Cha mẹ bà chết có để lại di sản là thửa 201, ngôi nhà tranh vách đất nằm trên thửa 201 và các thửa đất ruộng màu, đất lúa gồm: Thửa 108, thửa 29, thửa 573, thửa 574, thửa 575 và thửa 521.

Ông Nguyễn C sống chung với cha mẹ bà từ lúc 03 tuổi do cha mẹ ông C mất sớm, cha bà là anh ruột của cha ông Cẩn.

Khi cha mẹ bà còn sống thì có tạo lập được ngôi nhà tranh vách đất nằm trên thửa 201, nhưng đến khi mẹ bà mất thì cha bà đồng ý cho vợ chồng ông C, bà Đặng Thị Tuyết dỡ dọn ngôi nhà cũ để xây dựng lại ngôi nhà như hiện nay.

Tại thời điểm cân đối đất theo Nghị định 64/CP thì hộ cụ Nguyễn D gồm có bao nhiêu nhân khẩu thì bà không nhớ rõ. Khi cha mẹ bà chết không có lập di chúc gì.

Tại đơn khởi kiện ngày 25/11/2019, bà và bà M cùng đứng đơn khởi kiện nhưng đến đơn khởi kiện bổ sung ngày 13/3/2020 thì bà để cho bà M đứng đơn còn bà là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đến ngày 15/9/2022 bà có yêu cầu độc lập.

Nay, bà yêu cầu Toà án chia di sản thừa kế là quyền sử dụng thửa 201 thành 03 phần bằng nhau: Ông C và bà T 01 kỷ phần (ưu tiên cho ông C, bà T có ngôi nhà và công trình phụ); bà M 01 kỷ phần và bà 01 kỷ phần. Không yêu cầu ông C và bà T trả lại thửa 29, thửa 575 cho bà và bà M. Bà nhất trí với kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất hiện nay, bà chỉ đề nghị được chia đất, bà không đề nghị chia các di sản công trình trên đất và các di sản khác của cha mẹ bà. Ngoài ra bà không có đề nghị gì khác.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Nguyễn Thị H, anh Nguyễn Quốc T2 trình bày: Anh, chị thống nhất theo lời trình của cha mẹ anh, chị; không đồng ý đối với yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất tại thửa 201 của bà Nguyễn Thị M, bà Nguyễn Thị L vì trong tờ di chúc (Biên bản giải quyết về việc đơn yêu cầu của ông Nguyễn D đề ngày 05/3/2007) cụ Nguyễn D đã để lại thửa 201 cho gia đình cha mẹ và các anh, chị sử dụng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Nguyễn Thị T1 trình bày: Chị không đồng ý đối với yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất tại thửa 201 của bà Nguyễn Thị M, bà Nguyễn Thị L vì trong tờ di chúc (Biên bản giải quyết về việc đơn yêu cầu của ông Nguyễn D đề ngày 05/3/2007) cụ Nguyễn D đã để lại thửa 201 cho gia đình cha mẹ và các anh, chị sử dụng; đồng thời bà M, bà L cũng không có tên trong sổ hộ khẩu gia đình cụ D. Trường hợp cha mẹ chị đi làm giấy tờ thì bà M, bà L không có quyền đòi lại.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 05/01/2021, người làm chứng ông Trần T3 trình bày:

Vào năm 2006, ông làm xóm Trưởng xóm T, thôn B, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi. Ông có nghe nói lại nguồn gốc thửa 201 là của ông bà cụ Nguyễn D để lại cho cụ D sử dụng từ trước năm 1975; cha mẹ ông Nguyễn C chết trong chiến tranh nên từ trước năm 1975, cụ D đã đưa ông C về sống chung với gia đình cụ D tại thửa 201.

Vào khoảng đầu năm 2007, cụ D có đơn yêu cầu giải quyết việc ông C tự ý dỡ nhà cũ của cụ D xây lại ngôi nhà mới. Sau đó, Ban thôn chuyển đơn đến Ban xóm giải quyết. Vào ngày 05/3/2007 thì Ban xóm giải quyết nội dung đơn của cụ D như sau: Ông C phải xây dựng lại ngôi nhà mới cho cụ D, còn cụ D giao 02 sổ đỏ quyền sử dụng đất thổ cư và đất canh tác cho ông C, bà T sử dụng. Biên bản giải quyết ngày 05/3/2007 là do ông lập. Tuy trong biên bản giải quyết không có ghi nội dung ông C phải xây dựng lại ngôi nhà cho cụ D, nhưng thực tế thỏa thuận của cụ D với ông C thì ông C phải xây dựng nhà cho cụ D ở. Hiện nay trên thửa đất tranh chấp có ngôi nhà do vợ chồng ông C, bà T sử dụng, quản lý.

Tại phiên tòa sơ thẩm, người làm chứng là ông Phan Hồng N trình bày:

Vào năm 2006, ông làm thôn Trưởng thôn B, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi. Vào khoảng đầu năm 2007, cụ Nguyễn D có đơn yêu cầu giải quyết việc để lại quyền sử dụng đất thổ cư, đất canh tác cho ông Nguyễn C, bà Đặng T sử dụng (vì ông C không có con trai) và ông C, bà T phải xây nhà mới riêng ra cho cụ D ở. Sau đó, Ban thôn chuyển đơn đến Ban xóm giải quyết. Vào ngày 05/3/2007 thì Ban xóm giải quyết nội dung đơn của cụ D. Ông không rõ lúc đó cụ D có giao hai sổ đỏ quyền sử dụng đất thổ cư và đất canh tác cho ông C, bà T hay không nhưng đến năm 2013 thì ông C, bà T mới xây nhà cho cụ D. Biên bản giải quyết ngày 05/3/2007 là do ông Trần T3 lập, ông chỉ là người xác nhận, hiện nay không còn lưu giữ biên bản này.

Bản án số 08/2023/DS-ST ngày 10 tháng 3 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện S đã xử:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị M về yêu cầu chia thừa kế đối với phần di sản của cụ Nguyễn D, cụ Trần Thị L1 theo quy định của pháp luật.

- Chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Nguyễn Thị L chia thừa kế đối với phần di sản của cụ Nguyễn D, cụ Trần Thị L1 theo quy định của pháp luật.

- Đình chỉ đối với yêu cầu của bà Nguyễn Thị M về việc yêu cầu ông C, bà T trả lại thửa đất số 575, tờ bản đồ số 7, diện tích 193m2 và thửa đất số 29, tờ bản đồ số 12, diện tích 816m2, xã T được cấp cho hộ cụ D theo Nghị Định 64/CP.

- Các kỷ phần được phân chia như sau:

+ Chia cho bà Nguyễn Thị M diện tích 640,7m2, ký hiệu C (gồm có 65m2 đất ONT và 575,7m2 đất màu) thuộc một phần thửa số đất số 201, tờ bản đồ số 12, xã T là của cụ Nguyễn D kê khai, đăng ký quản lý và sử dụng, được UBND huyện S cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H 00415, ngày 30/11/2000 đứng tên hộ cụ Nguyễn D, gồm một nhà cấp 4, tường rào và cây trồng trên đất.

+ Chia cho bà Nguyễn Thị L diện tích 583,5m2, ký hiệu B (gồm có 65m2 đất ONT và 518,5m2 đất màu) thuộc một phần thửa số đất số 201, tờ bản đồ số 12, xã T là của cụ Nguyễn D kê khai, đăng ký quản lý và sử dụng được UBND huyện S cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H 00415, ngày 30/11/2000 đứng tên hộ cụ Nguyễn D, gồm tường rào và cây trồng trên đất.

+ Chia cho ông Nguyễn C, bà Đặng Thị T diện tích 808,3m2, ký hiệu A (gồm có 70m2 đất ONT và 738,3m2 đất màu) thuộc một phần thửa số đất thửa số 201, tờ bản đồ số 12, xã T là của cụ Nguyễn D kê khai, đăng ký quản lý và sử dụng được UBND huyện S cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H 00415, ngày 30/11/2000 đứng tên hộ cụ Nguyễn D và tài sản trên đất, gồm một nhà cấp IIIB, vật kiến trúc và cây trồng trên đất.

- Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng khác, quyền kháng cáo và nghĩa vụ thi hành án của các đương sự.

Ngày 21/3/2023 và ngày 07/4/2023, ông Nguyễn C có đơn kháng cáo, đơn kháng cáo bổ sung yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, đương sự kể từ khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đều đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Về hình thức: Đơn kháng cáo của ông Nguyễn C còn trong thời hạn kháng cáo và nội dung đơn đảm bảo theo quy định tại Điều 272, 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, được chấp nhận xem xét, giải quyết. Về nội dung: Căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đề nghị Hội đồng xét xử huỷ một phần bản án số 08/2023/DS-ST ngày 10 tháng 3 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện Sơn Tịnh, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án. Do đề nghị hủy bản án nên không đề nghị xem xét đối với kháng cáo của bị đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra xem xét và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, sau khi đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Ngày 10/3/2023, Tòa án nhân dân huyện S xét xử vụ án nêu trên. Ngày 21/3/2023 và ngày 07/4/2023, ông Nguyễn C có đơn kháng cáo, đơn kháng cáo bổ sung là còn trong thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, nên được chấp nhận.

[1.2] Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm các anh, chị Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị T1, Nguyễn Quốc T2 đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt. Căn cứ khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự nêu trên.

[1.3] Người làm chứng là các ông Trần T3, ông Phan Hồng N đã được Tòa án triệu tập nhưng vắng mặt.

[2] Về nội dung:

[2.1] Về quan hệ huyết thống và hàng thừa kế:

Cụ Nguyễn D, sinh năm 1924 và chết năm 2017; cụ Trần Thị L1, sinh năm 1923 và chết năm 2006. Cụ Nguyễn D và cụ Trần Thị L1 sinh được 03 người con chung gồm: ông Nguyễn M1, chết năm 1973, không có vợ con; bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1957 và bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1968. Các đương sự đều thừa nhận do cha mẹ ông Nguyễn C mất sớm khi ông C khoảng 04-05 tuổi nên cha mẹ bà M, bà L mới nuôi ông C từ nhỏ đến lớn, lo cưới vợ cho ông C và cùng sống chung một nhà. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ ông C có được công nhận là con nuôi của cụ D, cụ L1 hay không để đánh giá việc nuôi ông C có làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa người nuôi dưỡng là cụ D, cụ L1 đối với người được nuôi dưỡng là ông C và xem xét nhận định ông C có được quyền thừa kế đối với di sản của cụ D, cụ L1 hay không.

[2.2] Về nguồn gốc thửa đất:

[2.2.1] Tại Biên bản làm việc ngày 23/10/2020 (bút lục 176), Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) xã T, huyện S xác nhận: Nguồn gốc thửa đất số 201, tờ bản đồ số 12, xã T (viết tắt là thửa 201) là của ông bà cụ Nguyễn D lưu hạ lại. Theo hồ sơ thực hiện Chỉ thị 299/CTg (năm 1986) thuộc thửa đất số 979, tờ bản đồ số 18, diện tích 2.210m2, loại đất ở, do cụ Nguyễn D (cha đẻ của bà M, bà L) đăng ký kê khai tại trang số 31, quyển số 01, sổ đăng ký ruộng đất Hợp tác xã N1, xã T. Đến khi thực hiện Nghị định 64/CP (năm 2000) thuộc thửa 201, được UBND huyện S cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ cụ Nguyễn D vào ngày 30/11/2000. Thửa 201 không cân đối theo Nghị định 64/CP, diện tích đất này do Nhà nước cấp cho người đang sử dụng đất, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại chưa làm rõ ai là người đang sử dụng đất tại thời điểm đó; thửa đất không cân đối theo Nghị định 64/CP nhưng lại cấp cho hộ cụ Nguyễn D, vậy bà M, bà L là con của cụ D, cụ L1 không có tên trong hộ khẩu của cụ D tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa 201 thì bà M, bà L có được quyền quản lý, sử dụng thửa 201 hay không.

[2.2.2] Mặt khác, quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, ông C, bà T có trình bày các nội dung như sau: Ông C, bà T không đồng ý chia di sản thừa kế là quyền sử dụng thửa 201 vì cho rằng thửa 201 có nguồn gốc do cụ Lê Cao H1 (đã chết) khai hoang và sử dụng, khi đó cha ông C là cụ Nguyễn Đ là người làm thuê cho cụ H1, đến khi cụ Đ có gia đình thì cụ H1 đã cho cụ Đ thửa đất này để sinh sống, làm ăn và nuôi con; thực hiện theo Chỉ thị 299/TTg và Nghị định 64/CP, cụ D là người lớn nhất trong nhà nên đã đại diện làm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa 201. Có lúc, ông C, bà T khai rằng tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ cụ D thì hộ cụ D có 07 nhân khẩu gồm các tên: Nguyễn D, Trần Thị L1, Nguyễn C, Đặng Thị T, Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị T1, Nguyễn Quốc T2; không có bà M, bà L vì lúc này hai bà đã đi lấy chồng và không sinh sống tại địa phương. Lúc khác, ông C lại cho rằng Biên bản giải quyết đơn yêu cầu đề ngày 05/3/2007, có sự làm chứng của ông Trần T3 và ông Phan Hồng N như bản di chúc thể hiện nội dung thửa 201 đã được cụ D để lại cho ông C, bà T. Trên thửa 201 có ngôi nhà tranh vách đất của cụ D, cụ L1. Khi cụ L1 qua đời, cụ D về sống với con gái; ngôi nhà trên thửa 201 dần xuống cấp nên cụ D mới bảo ông C, bà T xây lại nhà mới. Sau này, cụ D chết thì ông C, bà T thờ cúng cụ D và ông, bà tổ tiên tại căn nhà trên.

Như vậy đã có sự mâu thuẫn giữa các lời khai của bị đơn về nguồn gốc đất, tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm lại nhận định trong bản án: “Các đương sự thừa nhận nguồn gốc thửa đất 201, tờ bản đồ số 12, xã T là của cụ Nguyễn D kê khai, đăng ký quản lý và sử dụng được UBND huyện S cấp GCNQSDĐ số H 00415, ngày 30/11/2000 đứng tên hộ ông Nguyễn D, trước khi chết không lập di chúc để lại”. Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm phải thụ lý giải quyết quan hệ tranh chấp đòi lại quyền sử dụng thửa 201 đối với nguyên đơn để giải quyết việc xác định thửa 201 là của ông C, bà T hay của các thành viên nào trong hộ cụ D được xét cấp quyền sử dụng đất hay thửa 201 là di sản của cụ D, cụ L1; phải giải quyết quan hệ tranh chấp đòi lại đất và xác định thửa 201 là di sản của cụ D, cụ L1 chết để lại thì từ đó mới có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M và yêu cầu độc lập của bà L về chia thừa kế quyền sử dụng đất đối với thửa 201 của cụ D, cụ L1 chết để lại.

[2.3] Tài sản gắn liền trên thửa 201:

Đối với các tài sản gắn liền thửa 201 hiện nay, qua các tài liệu có tại hồ sơ cho thấy đây là tài sản của ông C, bà T. Tại phần nhận định của bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định: “Đối với tài sản gắn liền trên đất, các đương sự trong vụ án không ai có ý kiến và đề nghị xem xét chia các công trình tài sản, cây cối trên đất và các di sản khác của cụ D và cụ L1. Nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét, giải quyết trong vụ án này. Nếu sau này các đương sự có yêu cầu thì xem xét giải quyết thành vụ án dân sự khác. Theo quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử thấy nếu trong thời gian quản lý di sản, người quản lý giữ gìn, làm tăng giá trị của di sản như sửa chữa nhà, bồi đắp nền đất, trồng cây chống xói mòn … thì có thể tính công sức đối với họ”; “Quá trình giải quyết nếu Toà án chia phần đất có tài sản trên đất thì không có ý kiến yêu cầu gì hoặc phải thối trả lại giá trị. Bà M và bà L trình bày trường hợp Tòa án chia di sản có phần ít hơn hoặc nhiều hơn về diện tích thì cũng chấp nhận và không có ý kiến yêu cầu gì”, nhưng tại phần quyết định của bản án sơ thẩm lại không ghi nhận sự tự nguyện này của các đương sự; đồng thời khi phân chia đất cho bà M, bà L còn có tài sản gắn liền trên đất là tường rào, nhà, cây cối trên đất do vợ chồng ông C, bà T xây dựng và trồng. Tại phiên tòa Hội đồng xét xử sơ thẩm cũng không hỏi ý kiến của các đương sự về cây trồng trên đất. Tại Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 14/12/2023, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy cây trồng trên đất có sự thay đổi so với Biên bản xem xét, thẩm định ngày 23/6/2020 của Tòa án cấp sơ thẩm; không còn các cây: xoài, xoài ghép, cây lộc vừng, bạch đàn, mít, đám mì, bụi trúc. Ngoài ra, tại phần đất mà Hội đồng xét xử sơ thẩm chia cho bà M còn có 01 phần mái tôn, máng nước, lăn tô của ông C, bà T, tuy nhiên lại không được thể hiện trên Sơ đồ địa chính thửa đất kèm theo bản án sơ thẩm; không thể hiện vị trí, chiều dài của tường rào gắn liền trên phần đất được chia cho bà M, bà L như thế nào.

Hội đồng xét xử sơ thẩm chưa làm rõ tài sản gắn liền trên đất được chia mà lại nhận định: “Nếu sau này các đương sự có yêu cầu thì xem xét giải quyết thành vụ án dân sự khác” là không giải quyết triệt để vụ án, gây khó khăn cho việc thi hành bản án và tại phiên toà phúc thẩm các đương sự vẫn không thoả thuận được với nhau về hướng giải quyết vụ án.

[2.4] Các phần khác của bản án không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[2.5] Xét thấy việc thu thập chứng cứ và xác minh của Tòa án cấp sơ thẩm vẫn còn thiếu sót; có những vi phạm thủ tục tố tụng dẫn đến việc giải quyết vụ án chưa triệt để, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự như đã nêu trên mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được. Do đó, cần hủy một phần bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án về cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Do hủy một phần bản án sơ thẩm nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét nội dung kháng cáo của ông Nguyễn C.

[3] Về án phí: Ông Nguyễn C không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm và ông C cũng thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí vì ông C là người cao tuổi. Tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, các chi phí tố tụng khác sẽ được Tòa án xem xét khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

[4] Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử và đúng pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 148, khoản 3 Điều 308 và Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 3 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:

1. Hủy một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2023/DS-ST ngày 10 tháng 3 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị M về việc yêu cầu ông Nguyễn C, bà Đặng Thị T trả lại thửa đất số 575, tờ bản đồ số 7, diện tích 193m2 và thửa đất số 29, tờ bản đồ số 12, diện tích 816m2, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi, được cấp cho hộ cụ Nguyễn D theo Nghị Định 64/CP.

3. Chuyển hồ sơ vụ án về cho Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

4. Về án phí: Ông Nguyễn C không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm. Tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, các chi phí tố tụng khác sẽ được Tòa án xem xét khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

61
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 17/2024/DS-PT về tranh chấp thừa kế tài sản và đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất

Số hiệu:17/2024/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 10/04/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;