TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GIA LÂM, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 32/2022/DS-ST NGÀY 24/03/2022 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Trong các ngày 22 và 24 tháng 3 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện G, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 14/2021/TLST-DS ngày 08 tháng 02 năm 2021 về việc: “Tranh chấp về thừa kế tài sản”; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 13/2022/QĐXX- DSST ngày 22/02/2022, Quyết định hoãn phiên tòa số 16/2022/QĐST- DSST ngày 10/3/2022, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Xuân S, sinh năm 1963 Địa chỉ: Thôn C, xã L, huyện G, Hà Nội; có mặt tại phiên tòa.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Xuân S: Luật sư Ngô Anh T - Văn phòng luật sư X thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; có mặt tại phiên tòa.
- Bị đơn: Ông Nguyễn Văn S1, sinh năm 1958 Địa chỉ: Thôn C, xã L, huyện G, thành phố Hà Nội; có mặt tại phiên tòa.
- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Dương Thị N, sinh năm 1944; địa chỉ: Thôn C, xã L, huyện G, thành phố Hà Nội; có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án.
2. Anh Nguyễn Văn P, sinh năm 1966 Địa chỉ: Số 7, ngõ 66, P, quận B, thành phố Hà Nội.
Anh P ủy quyền cho bà Dương Thị N (Theo Giấy ủy quyền số công chứng 2032 quyển số 05/2021 TP/CC-SCC/HĐGD ký ngày 20/4/2021 tại Văn phòng công chứng T).
3. Chị Nguyễn Thị Tuyết H, sinh năm 1968 Địa chỉ: Thôn Đ, xã Đ, huyện G, thành phố Hà Nội.
4. Anh Nguyễn Chí T1, sinh năm 1977 Địa chỉ: Số 229 C, phường V, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn.
Chị H, anh T1 ủy quyền cho bà Dương Thị N (Theo Giấy ủy quyền số công chứng 2946/2021/GUQ, quyển số 19/2021 TP/CC-SCC/HĐGD ký ngày 11/5/2021 tại Văn phòng công chứng A).
5. Ông Nguyễn Văn M, sinh năm 1947 Địa chỉ: Thôn C, xã L, huyện G, thành phố Hà Nội; có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án.
6. Ông Nguyễn Văn T2, sinh năm 1952 Địa chỉ: Số 208 H, phường P, quận B, thành phố Hà Nội; có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án.
7. Ông Nguyễn Văn T3, sinh năm 1955; có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án.
8. Chị Nguyễn Thị B, sinh năm 1975 9. Chị Nguyễn Thị H1, sinh năm 1977 10. Anh Nguyễn Ngọc T4, sinh năm 1979 11. Anh Nguyễn Văn T5, sinh năm 1984 Cùng địa chỉ: Thôn C, xã L, huyện G, thành phố Hà Nội.
12. Chị Nguyễn Thị H2, sinh năm 1982 Địa chỉ: Thôn S, xã L, huyện G, thành phố Hà Nội.
Chị B, chị H1, anh T4, chị H2 và anh T5 ủy quyền cho ông Nguyễn Văn T3 (theo Giấy ủy quyền số công chứng 2947/2021/GUQ, quyển số 19/2021 TP/CC-SCC/HĐGD ký ngày 11/5/2021 tại Văn phòng công chứng A).
13. Bà Nguyễn Thị B1, sinh năm 1960 Địa chỉ: Thôn C, xã L, huyện G, thành phố Hà Nội; có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án.
14. Bà Nguyễn Thị Ư, sinh năm 1966 Địa chỉ: Thôn G, xã L, huyện G, thành phố Hà Nội; có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án.
15. Bà Nguyễn Thị P1, sinh năm 1963; có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án.
16. Chị Nguyễn Thị N1, sinh năm 1984; vắng mặt 17. Anh Nguyễn Văn C, sinh năm 1986; có mặt 18. Anh Nguyễn Anh Đ, sinh năm 1989; có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án.
Địa chỉ: Thôn C, xã L, huyện G, thành phố Hà Nội.
19. Bà Nguyễn Thị N2, sinh năm 1965; có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án.
12. Anh Nguyễn Việt D, sinh năm 1989; vắng mặt 20. Chị Nguyễn Thị Thanh N3, sinh năm 1994; vắng mặt Địa chỉ: Thôn C, xã L, huyện G, thành phố Hà Nội.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Tại đơn khởi kiện và các lời khai của Nguyên đơn trình bày tại Toà án như sau:
- Về quan hệ huyết thống: Bố đẻ tôi là cụ Nguyễn Văn Y (chết năm 1991) và mẹ đẻ tôi là cụ Nguyễn Thị O (chết năm 2000). Cụ Y và cụ O sinh được 08 người con gồm: Ông Nguyễn Văn S2 (chết năm 2018), ông Nguyễn Văn M, ông Nguyễn Văn T2, bà Nguyễn Thị B2 (chết năm 2001), ông Nguyễn Văn S1, bà Nguyễn Thị B1, tôi là Nguyễn Xuân S và bà Nguyễn Thị Ư. Ngoài những người con đẻ trên, bố mẹ chúng tôi không còn người con nuôi, con riêng nào khác.
- Về di sản: Khoảng năm 1995-1998, mẹ đẻ tôi là cụ Nguyễn Thị O, sinh năm 1920 được Nhà nước giao cho 01 sào 06 thước đất nông nghiệp để canh tác tại: Thôn C, xã L, huyện G, thành phố Hà Nội (diện tích tương đương 505m2 đất). Diện tích đất này đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2002. Sau khi mẹ tôi chết, diện tích đất này do vợ chồng tôi (Nguyễn Xuân S + Nguyễn Thị N2) và vợ chồng ông Nguyễn Văn S1 + bà Nguyễn Thị P1 quản lý sử dụng.
Vào năm 2016, sau khi thực hiện việc “dồn điền, đổi thửa” thì diện tích 505m2 đất này được đăng ký tại 02 Giấy chứng nhận, cụ thể: Tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CE811161 mang tên ông Nguyễn Văn S1 và bà Nguyễn Thị P1 với diện tích 321,6m2 tại thửa đất số 25, tờ bản đồ số 6; tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH 108969 mang tên tôi (Nguyễn Xuân S) và vợ Nguyễn Thị N2 với diện tích 183,4m2 tại thửa đất số 26, tờ bản đồ số 6. Việc chia tách diện tích đất này, cũng như đăng ký trên 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên, tôi không được biết.
Như vậy, diện tích 505m2 đất nông nghiệp (nêu trên) là tài sản của mẹ tôi và hiện nay do ông Nguyễn Văn S1 quản lý diện tích 321,6m2 đất và tôi (Nguyễn Xuân S) quản lý diện tích đất 183,0m2. Anh em tôi đã nhiều lần họp gia đình để thỏa thuận chia diện tích 505m2 đất này, tuy nhiên không thỏa thuận được. Nay, tôi khởi kiện đề nghị Tòa án phân chia tài sản là quyền sử dụng đất nêu trên theo quy định của pháp luật. Kỷ phần mà tôi được hưởng, xin được nhận hiện vật vì vợ chồng tôi đang sản xuất nông nghiệp.
* Bị đơn - ông Nguyễn Văn S1 trình bày tại Tòa án như sau:
- Về quan hệ huyết thống: Thống nhất với lời trình bày của Nguyên đơn về quan hệ huyết thống.
- Về di sản: Năm 1998, xã L huyện G thực hiện giao đất sản xuất nông nghiệp theo Nghị đinh 64/CP, hộ gia đình tôi được Nhà nước giao quyền sử dụng đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U223912 do UBND huyện G cấp ngày 15/8/2002 theo hồ sơ số 00014 CL001. Chủ hộ trên Giấy chứng nhận là Nguyễn Văn S1 gồm 06 khẩu: Nguyễn Văn S1, Nguyễn Thị P1 (vợ), Nguyễn Thị N1, Nguyễn Văn C, Nguyễn Anh Đ (con), Nguyễn Thị O (mẹ đẻ) với tổng diện tích là 3090m2 (515m2/người) bao gồm 8 thửa (9 miếng). Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, Ủy ban nhân dân huyện đã thu lại để cấp đổi Giấy chứng nhận năm 2016. Gia đình tôi sử dụng ổn định đến năm 2014 (cùng năm 2014 Thôn C, xã L thực hiện dồn điền, đổi thửa) thì diện tích thu hồi giải phóng mặt bằng Trường mầm non L của gia đình là 47,4m2, diện tích còn lại là 3042,6m2. Thực hiện phương án “dồn điền, đổi thửa”, gia đình tôi được giao diện tích đất là 3042,6m2 (507,1m2/người), tôi đã chuyển 199m2 diện tích đất của mẹ tôi là Nguyễn Thị O (đã mất) cho ông Nguyễn Xuân S là em trai tôi. Tổng diện tích đất còn lại của hộ gia đình tôi đưa vào dồn điền, đổi thửa là 2843,6m2 gồm 06 khẩu (Nguyễn Văn S1, Nguyễn Thị P1, Nguyễn Thị N1, Nguyễn Văn C, Nguyễn Anh Đ và Nguyễn Thị O (mẹ tôi đã mất) đã được Ủy ban nhân dân huyện G cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất CE811161, mang tên người sử dụng đất: Nguyễn Văn S1, Nguyễn Thị P1 cùng 03 con tôi là Nguyễn Thị N1, Nguyễn Văn C, Nguyễn Anh Đ và mẹ tôi đã mất là Nguyễn Thị O:
+ Tờ bản đồ số 1: Thửa số 91, diện tích 1295,6m2;
+ Tờ bản đồ số 6: Thửa số 25, diện tích 1548m2; Tổng diện tích là 2845,6m2.
Như vậy, phần diện tích đất của mẹ tôi (đã mất) là 507,1m2 ở hộ gia đình nhà tôi đưa vào dồn điền, đổi thửa trên phương án giao đất dồn điền, đổi thửa gồm 02 hộ gia đình và đã được Ủy ban nhân dân huyện G cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 02 hộ gia đình:
1. Cho gia đình tôi Nguyễn Văn S1 2.843,6m2, trong đó có diện tích của mẹ tôi là 308,1m2;
2. Cho gia đình ông Nguyễn Xuân S (em trai tôi) 2.200,7m2, trong đó diện tích của mẹ tôi là 199m2.
Năm 1998, mẹ tôi là Nguyễn Thị O đã và đang ở hộ gia đình tôi và được Nhà nước giao đất nông nghiệp theo hộ gia đình là 515m2. Ông S đi kiện tự đưa ra số liệu mơ hồ, không đúng và vô căn cứ để kiện tôi. Gia đình tôi là đối tượng được Nhà nước giao đất theo hộ gia đình và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thời điểm giao đất, không phải mẹ tôi là đối tượng được giao đất cá nhân. Năm 1998, hộ gia đình tôi được giao đất nông nghiệp, diện tích đất 515m2/người, được giao tại hộ gia đình tôi, trong đó mẹ tôi được giao 515m2, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình Nguyễn Văn S1 gồm 6 khẩu, tổng diện tích là 3.090m2, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U223912 do Ủy ban nhân dân huyện G cấp ngày 15/8/2002 theo hồ sơ số 00014 CL001. Diện tích đất của mẹ tôi được giao năm 1998 không cấp ở 2 Giấy chứng nhận. Ông S cố tình nói sai sự thật, trong khi đó Ủy ban nhân dân xã L đã xác nhận rất rõ ràng đối với phương án giao đất theo Nghị định 64/CP của hộ gia đình Nguyễn văn S1 trước khi ông S khởi kiện.
Tại tờ bản đồ số 6, thửa số 25, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn Văn S1 và bà Nguyễn Thị P1 số GCN CE811161 với diện tích đất là 1.548m2, theo phương án giao đất thửa này gia đình Nguyễn Văn S1 là 6 khẩu x 258m2/khẩu = 1.548m2. Ông S cố tình lấy đâu ra diện tích ở thửa 25, tờ bản đồ số 6 với diện tích của mẹ tôi là 321,6m2. Tại thửa đất số 26, tờ bản đồ số 6 không có diện tích 183m2/tổng số 505m2 mà ông S kiện mẹ tôi được giao.
Theo phương án dồn điền đổi thửa thì thửa 26, tờ bản đồ số 6, gia đình ông S bà N2 được giao và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 1.047,5m2. Tại thửa này theo phương án dồn điền đổi thửa gia đình ông S bà N2 được giao 4 suất (Nguyễn Xuân S, Nguyễn Thị N2, Nguyễn Việt D, Nguyễn Thị Thanh N3), mỗi suất 258m2, diện tích bằng 1.032m2. Gia đình ông S đã nhận tiền giải phóng mặt bằng làm đường giao thông xã L là 26,7m2. Vậy thửa này gia đình ông S còn lại là 1.005,3m2 cộng với 42,2m2 giáp mương cứng giao cho gia đình ông S để đối trừ vào thửa thứ 2 mà ông S được giao. Vậy tổng diện tích thửa 26, tờ bản đồ số 6 gia đình ông S được giao và cấp giấy chứng nhận năm 2016 là 1.047,5m2.
Số diện tích 183m2 ông S đưa ra là của mẹ tôi, ông được chia ở thửa này là số liệu bịa đặt, gian lận để thực hiện ý đồ âm mưu gì. Ông S cố tình đưa vào đơn khởi kiện, gian lận diện tích đất của ông S, kê tăng diện tích của gia đình ông S1 nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong khi Ủy ban nhân dân xã L đã xác nhận theo đơn của ông S và UBND huyện G đã phê duyệt phương án giao đất dồn điền đổi thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông S cũng như ông S1 có địa chỉ, số liệu rất cụ thể. Bố mẹ tôi đã mất đều không để lại di chúc nhưng di sản của bố mẹ tôi để lại không chỉ có 505m2 đất nông nghiệp theo như ông S đưa vào nội dung đơn kiện mà bố mẹ tôi còn để lại 1 thửa đất ở nông thôn, gồm 4 thửa cho anh em tôi, nay đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên (Nguyễn Văn S2, Nguyễn Văn T2, Nguyễn Văn S1, Nguyễn Xuân S); còn 1 thửa độc lập khác mang tên người con của bố mẹ tôi Nguyễn Văn M. Trong khi đó bố mẹ tôi có 8 người con, vẫn yên bình không ai kiện ai để đòi chia thừa kế. Thế mà thực tế mẹ tôi mất đã 21 năm, để lại 507,1m2 đất nông nghiệp, cũng đã được Ủy ban nhân dân huyện G cấp Giấy chứng nhận cho 2 anh em tôi: Nguyễn Văn S1: 308.1m2; Nguyễn Xuân S:
199m2.
Nay, ông S lại khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện G để chia thừa kế đề nghị Tòa án xem xét kỹ lưỡng nội dung khởi kiện của ông S có đúng, chính xác và minh bạch chưa. Ông S đang khởi kiện chia thừa kế 505m2 đất này, mà trong đó ông đang sử dụng 199m2 = 199 triệu đồng mà ông S đi kiện để lấy phần 70 triệu đồng. So sánh với các nội dung phản tố trên thì ông S quá thủ đoạn, thể hiện bản chất tham lam, cố tình tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác. Ở việc định giá tài sản này, ông S lại tỏ ra thảo lảo, công bằng, nhưng công bằng ở đâu trong nếu chia đều ông S lại nhận phần nhiều hơn người khác. (Nếu chia đều: 507,1m2/8 người con = 63,3875m2 tương ứng 63,3875 triệu như ông ta tự định giá). Ông S đi kiện chia thừa kế cho 6 người con khác của mẹ tôi, thì đây có phải 6 người con kia thuê ông S đi kiện không? Hay 6 người kia cùng ông S để kiện chia thừa kế 505m2 này nằm mục đích lừa bịp gì mà ông S lại ra mặt ráo riết như vậy? Số liệu diện tích nhà nước đã giao Giấy chứng nhận sử dụng đất cho ông S nhiều hơn, thì ông lại đi kiện để nhận ít đi. Số liệu diện tích nhà nước đã giao Giấy chứng nhận sử dụng đất cho tôi ít hơn, thì ông S lại kê tăng lên. Ông S đang quản lý sử dụng 199m2/507,1m2 diện tích đất của mẹ tôi nhưng ông S lại là người đi kiện đề nghị Tòa chia di sản của mẹ tôi để lại, đối với diện tích đất mà tôi đang sử dụng diện tích đất của mẹ tôi là 308,1m2/507,1m2 và 6 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ông S đã lộ trần hoàn toàn bản chất tham lam, âm mưu thủ đoạn tính toán nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác (trong trường hợp này là gia đình tôi).
Từ các nội dung đơn khởi kiện của ông Nguyễn Xuân S và các đơn khác, các chứng cứ khác, phương án giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP của thôn C thực hiện năm 1998, phương án dồn điền đổi thửa của các hộ dân C thực hiện năm 2014 đã được UBND huyện G phê duyệt, đã được thực hiện giao đất đến từng hộ gia đình, cá nhân và đã được UBND huyện G cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến từng hộ gia đình cá nhân thôn C. Trong đó có 02 hộ gia đình anh em tôi là:
+ Gia đình ông Nguyễn Văn S1: Tổng diện tích 2843,6m2, tại tờ bản đồ số 6, thửa 25, diện tích là 1548m2 và thửa số 91 tờ bản đồ số 01, diện tích là 1.295,6m2 (trong đó nhà tôi có 6 người đồng sử dụng, mẹ tôi là Nguyễn Thị O - đã mất có 308,1m2);
+ Gia đình ông Nguyễn Xuân S: Tổng diện tích là 2.200,7m2 được giao tại tờ bản đồ số 6, thửa số 26, có 4 người được giao diện tích là 1.047,5m2, và tại tờ bản đồ số 01, tại thửa 92 có 4 người được giao đất, cộng với ông Nguyễn Văn S1 đã chuyển cho 199m2 diện tích đất của mẹ đẻ Nguyễn Thị O (đã mất) cho ông Nguyễn Xuân S, tổng diện tích thửa này là 1153,2m2.
Tôi kính đề nghị Tòa án bác bỏ đơn khởi kiện (về việc chia thừa kế) của người khởi kiện Nguyễn Xuân S đối với bị đơn Nguyễn Văn S1 và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bà Dương Thị N, ông Nguyễn Văn M, ông Nguyễn Văn T2, ông Nguyễn Văn T3, bà Nguyễn Thị B1, bà Nguyễn Thị Ư trình bày: Thống nhất với Nguyên đơn và Bị đơn trình bày về quan hệ huyết thống và di sản của cụ O để lại ở trên. Kỷ phần thừa kế của các ông bà được chia theo pháp luật, các ông bà thống nhất nhường cho ông Nguyễn Xuân S được quyền quản lý và sử dụng.
* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan - bà Nguyễn Thị P1, chị Nguyễn Thị N1, anh Nguyễn Văn C, anh Nguyễn Văn Đ: Thống nhất với lời trình bày của ông Nguyễn Văn S1 và đề nghị Tòa án bác đơn khởi kiện của Nguyên đơn.
* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan - bà Nguyễn Thị N2 trình bày: Thống nhất với lời trình bày của Nguyên đơn và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.
* Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nguyên đơn phát biểu quan điểm và đề nghị: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử chia thừa kế theo pháp luật di sản của cụ Nguyễn Thị O để lại.
* Tại phiên tòa:
- Ông S đề nghị Hội đồng xét xử phân chia di sản thừa kế của mẹ là cụ Nguyễn Thị O để lại là 507,1m2 đất nông nghiệp theo pháp luật. Hiện nay, ông S1 đang trực tiếp quản lý, sử dụng 308,1m2 còn ông đang trực tiếp quản lý, sử dụng 199m2. Yêu cầu được chia bằng hiện vật.
- Ông S1 giữ nguyên quan điểm, ý kiến, chứng cứ đã trình bày trong quá trình giải quyết vụ án và đề nghị Hội đồng xét xử bác đơn khởi kiện của ông S.
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bà Dương Thị N, ông Nguyễn Văn M, ông Nguyễn Văn T2, ông Nguyễn Văn T3, bà Nguyễn Thị B1, bà Nguyễn Thị Ư thống nhất kỷ phần thừa kế của các ông bà được chia nhường cho ông Nguyễn Xuân S được quyền quản lý và sử dụng. Bà N2 nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông S.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà P1, anh C, anh Đ đề nghị Hội đồng xét xử bác đơn khởi kiện của ông S.
* Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện G phát biểu quan điểm về việc chấp hành pháp luật tố tụng dân sự và quan điểm về việc giải quyết vụ án như sau:
- Về tố tụng:
+ Toà án nhân dân huyện G đã thụ lý và giải quyết vụ án đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
+ Thẩm phán lập hồ sơ, xác minh, thu thập chứng cứ, tiến hành giao các văn bản tố tụng và tiến hành các trình tự, thủ tục đúng quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử tiến hành tố tụng tại phiên toà đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
+ Các đương sự đã thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Về nội dung:
+ Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Xuân S đối với ông Nguyễn Văn S1.
+ Trích công sức duy trì bảo quản di sản cho ông S1 và ông S bằng 01 kỷ phần thừa kế đối với diện tích đất mà các ông đang quản lý, sử dụng.
+ Ghi nhận sự tự nguyện của vợ con ông S2, ông M, ông T2, chồng con bà B2, bà B1, bà Ư thống nhất nhường kỷ phần thừa kế của mình được hưởng cho ông S.
+ Chia cho ông S1 được quyền sử dụng 308,1m2 đất nông nghiệp; chia cho ông S được quyền sử dụng 199m2 đất nông nghiệp.
+ Ông S1 có trách nhiệm thanh toán cho ông S giá trị chênh lệch tài sản được hưởng.
- Về án phí: Vụ án này thụ lý ngày 08/02/2021 nên áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án để giải quyết.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên toà và căn cứ kết quả tranh tụng, Hội đồng xét xử nhận định:
* Về tố tụng:
[1]. Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án:
- Ngày 20/11/2020, ông Nguyễn Xuân S làm đơn khởi kiện đối với ông Nguyễn Văn S1 yêu cầu chia thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất nông nghiệp tại Thôn C, xã L, huyện G, thành phố Hà Nội của cụ Nguyễn Thị O (là mẹ đẻ) để lại. Đây là vụ án dân sự về việc: Tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện G theo quy định tại khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
[2]. Về tư cách tham gia tố tụng:
Ông Nguyễn Xuân S là người khởi kiện nên là Nguyên đơn. Ông Nguyễn Văn S1 là người bị kiện nên là Bị đơn. Bà Dương Thị N, anh Nguyễn Văn P, chị Nguyễn Thị Tuyết H, anh Nguyễn Chí T1 (là vợ, con của ông Nguyễn Văn S2 - chết năm 2018); ông Nguyễn Văn M; ông Nguyễn Văn T2; ông Nguyễn Văn T3, chị Nguyễn Thị B, chị Nguyễn Thị H1, anh Nguyễn Ngọc T4, anh Nguyễn Văn T5, chị Nguyễn Thị H2 (là chồng, con của bà Nguyễn Thị B2 - chết năm 2001); bà Nguyễn Thị B1; bà Nguyễn Thị Ư là các con của cụ Nguyễn Văn Y và cụ Nguyễn Thị O; bà Nguyễn Thị P1, chị Nguyễn Thị N1, anh Nguyễn Văn C, anh Nguyễn Anh Đ là vợ, con ông S1 và là các thành viên trong hộ gia đình ông Nguyễn Văn S1; bà Nguyễn Thị N2, anh Nguyễn Việt D, chị Nguyễn Thị Thanh N3 là vợ, con ông S và là các thành viên hộ trong hộ gia đình ông Nguyễn Xuân S là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
[3]. Về sự vắng mặt của các đương sự: Chị Nguyễn Thị N1, anh Nguyễn Việt D, chị Nguyễn Thị Thanh N3 là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai. Vì vậy, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 227 và Điều 228 của Bộ luật Tố tụng Dân sự để xét xử vắng mặt các đương sự trên là đúng quy định của pháp luật.
* Về yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn:
[4]. Về quan hệ huyết thống, các đương sự cùng thống nhất như sau:
Cụ Nguyễn Văn Y - chết năm 1991 và cụ Nguyễn Thị O - chết năm 2000 có 08 người con: Ông Nguyễn Văn S2, sinh năm 1942 (chết năm 2018) có vợ là bà Dương Thị N và các con là anh Nguyễn Văn P, chị Nguyễn Thị Tuyết H, anh Nguyễn Chí T1; ông Nguyễn Văn M, sinh năm 1947; ông Nguyễn Văn T2, sinh năm 1952; bà Nguyễn Thị B2, sinh năm 1956 (chết năm 2001) có chồng là ông Nguyễn Văn T3 và các con là chị Nguyễn Thị B, chị Nguyễn Thị H1, anh Nguyễn Ngọc T4, anh Nguyễn Văn T5, chị Nguyễn Thị H2; ông Nguyễn Văn S1, sinh năm 1958; bà Nguyễn Thị B1, sinh năm 1960; ông Nguyễn Xuân S, sinh năm 1963 và bà Nguyễn Thị Ư, sinh năm 1966.
[5]. Về hàng thừa kế theo pháp luật của cụ Nguyễn Thị O: Ngày 24/12/2000, cụ Nguyễn Thị O chết, hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của cụ O gồm: 1. Ông Nguyễn Văn S2 (chết năm 2018, hàng thừa kế thứ nhất của ông S2 gồm: Bà Dương Thị N, anh Nguyễn Văn P, chị Nguyễn Thị Tuyết H, anh Nguyễn Chí T1); 2. Ông Nguyễn Văn M; 3. Ông Nguyễn Văn T2; 4. Bà Nguyễn Thị B2 (chết năm 2001, hàng thừa kế thứ nhất của bà B2 gồm: Ông Nguyễn Văn T3, chị Nguyễn Thị B, chị Nguyễn Thị H1, anh Nguyễn Ngọc T4, anh Nguyễn Văn T5, chị Nguyễn Thị H2); 5. Ông Nguyễn Văn S1; 6. Bà Nguyễn Thị B1; 7. Ông Nguyễn Xuân S; 8. Bà Nguyễn Thị Ư. Cụ O chết không để lại di chúc.
[6]. Về thời hiệu khởi kiện: Cụ O chết ngày 24/12/2000 nên thời điểm mở thừa kế di sản của cụ O để lại là ngày 24/12/2000. Theo quy định tại khoản 1 Điều 623 của Bộ luật Dân sự 2015 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản đối với bất động sản là 30 năm. Như vậy, Nguyên đơn nộp đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ O là trong thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật.
[7]. Về di sản thừa kế:
[7.1]. Theo cung cấp của Ủy ban nhân dân xã L, huyện G, thành phố Hà Nội thể hiện:
- Diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình ông Nguyễn Văn S1 cụ thể như sau:
+ Đối với phương án giao đất theo Nghị định 64/CP: Hộ gia đình ông S1 gồm 06 khẩu: Bà Nguyễn Thị O, ông Nguyễn Văn S1, bà Nguyễn Thị P1, bà Nguyễn Thị N1, ông Nguyễn Văn C, ông Nguyễn Anh Đ. Diện tích được giao là 3.090m2 đã được UBND huyện G cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2002 cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn S1. Diện tích giải phóng mặt bằng trường mầm non là 47,4m2 còn lại là 3.042,6m2. Bình quân giao đất 515m2/khẩu.
+ Đối với phương án dồn điền đổi thửa: Diện tích còn lại đưa vào dồn điền đổi thửa là 3.042,6m2 đã chuyển 199m2 của bà Nguyễn Thị O sang cho ông Nguyễn Xuân S. Tổng diện tích còn lại đưa vào dồn điền đổi thửa của hộ gia đình ông S1 là 2.843,6m2 gồm 06 khẩu đã được Ủy ban nhân dân huyện G cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2016 theo Quyết định số 10694/QĐ-UBND thuộc tờ bản đồ số 06, thửa số 25, diện tích 1.548m2 và thửa số 91, tờ bản đồ số 01, diện tích 1.295,6m2. Bình quân giao đất 507,1m2/khẩu.
Thực chất, hộ gia đình ông S1 gồm 5 khẩu gồm: Ông Nguyễn Văn S1, bà Nguyễn Thị P1, bà Nguyễn Thị N1, ông Nguyễn Văn C, ông Nguyễn Anh Đ là 2.535,5m2 + 308,1m2 của bà Nguyễn Thị O. Tổng diện tích 2.843,6m2.
- Diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình ông Nguyễn Xuân S cụ thể như sau:
+ Đối với phương án giao đất theo Nghị định 64/CP: Hộ gia đình ông S gồm 03 khẩu: Ông Nguyễn Xuân S, ông Nguyễn Việt D, bà Nguyễn Thị Thanh N3. Diện tích được giao là 1.545m2 đã được Ủy ban nhân dân huyện G cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2002. Thời điểm này bà N2 là công nhân nên không được giao ruộng, không nằm trong Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, đến năm 2002 được giao bổ sung 515m2. Tổng diện tích sử dụng của hộ ông Nguyễn Xuân S là 2.060m2 (diện tích GPMB đường giao thông liên xã là 26,7m2 và diện tích giải phóng mặt bằng trường mầm non là 31,6m2) còn lại là 2.001,7m2. Bình quân giao đất 515m2/khẩu.
+ Đối với phương án dồn điền đổi thửa: Bình quân giao đất 507,1m2/khẩu. Tổng 4 khẩu = 2.028,4m2 (đối trừ diện tích đường giao thông liên xã là 26,7m2) = 2.001,7m2. Diện tích đưa vào dồn điền đổi thửa là 2.001,7m2 cộng 199m2 của bà Nguyễn Thị O chuyển từ hộ ông Nguyễn Văn S1 sang cho hộ ông Nguyễn Xuân S. Như vậy tổng diện tích là 2.200,7m2 đã được Ủy ban nhân dân huyện G cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2016 thuộc tờ bản đồ số 06, thửa số 26, diện tích 1.047,5m2 và thuộc tờ bản đồ số 01, thửa số 92, diện tích 1.153,2m2. Tổng diện tích là 2.200,7m2.
Thực chất, hộ gia đình ông S gồm 4 khẩu gồm: Ông Nguyễn Xuân S, bà Nguyễn Thị N2, bà Nguyễn Thị Thanh N3, ông Nguyễn Việt D là 2.001,7m2 + 199m2 của bà Nguyễn Thị O. Tổng diện tích 2.200,7m2.
[7.2]. Các đương sự đều khẳng định diện tích đất nông nghiệp của cụ O để lại là 507,1m2, trong đó có 308,1m2 đất đang do ông Nguyễn Văn S1 quản lý, sử dụng còn 199m2 đang do ông Nguyễn Xuân S quản lý, sử dụng. Ông S1 cho rằng diện tích diện tích 507,1m2 đất nông nghiệp của mẹ ông để lại đã cho vợ chồng ông nhưng chỉ nói miệng không có giấy tờ và không có ai chứng kiến ngoài vợ chồng và các con của ông; sau đó ông đã cho ông S 199m2. Ông S và các anh chị em của ông khẳng định không có việc mẹ ông để lại cho ông S1 được quyền sử dụng toàn bộ 507,1m2 đất; mẹ các ông bà chết đi không để lại di chúc gì cả. Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ chấp nhận lời trình bày của ông S1 và có đủ cơ sở khẳng định: Di sản của cụ Nguyễn Thị O để lại là 507,1m2 đất nông nghiệp tại Thôn C, xã L, huyện G, Hà Nội chưa được chia thừa kế; trong đó, ông Nguyễn Văn S1 đang trực tiếp quản lý, sử dụng 308,1m2; ông Nguyễn Xuân S đang trực tiếp quản lý, sử dụng 199m2. Cụ Nguyễn Thị O chết không để lại di chúc nên thừa kế được chia theo pháp luật. Do đó, ông Nguyễn Xuân S khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Thị O theo pháp luật là có căn cứ chấp nhận.
Theo kết quả định giá tài sản, giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp của cụ O để lại là: 507,1m2 x 823.000đ/m2 = 417.343.300 đồng.
[8]. Phân chia di sản thừa kế:
[8.1]. Tổng giá trị di sản thừa kế cụ O để lại là 417.343.300 đồng. Hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của cụ O gồm có 08 người con; mỗi người được hưởng 01 kỷ phần thừa kế là 417.343.300 đồng : 8 = 52.167.913 đồng tương đương 63,4m2 đất.
[8.2]. Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 618 của Bộ luật Dân sự 2015 thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản được thanh toán chi phí bảo quản di sản. Xét ông S1 và ông S đang là người trực tiếp quản lý, sử dụng di sản có công sức duy trì, tôn tạo, làm tăng giá trị quyền sử dụng đất nên cần trích trả công sức bảo quản di sản cho ông S1 và ông S bằng một kỷ phần thừa kế là phù hợp. Do ông S1 và ông S đang trực tiếp quản lý, sử dụng hai diện tích đất thuộc các thửa khác nhau nên cần tính công sức của hai ông đối với diện tích đất từng ông đang quản lý. Cụ thể như sau:
+ 308,1m2 đất ông S1 đang quản lý chia thành 09 kỷ phần thừa kế bằng nhau, mỗi kỷ phần = 34,2m2; trong đó, ông S1 được hưởng 02 kỷ phần là 68,4m2.
+ 199m2 đất ông S đang quản lý chia thành 09 kỷ phần thừa kế bằng nhau mỗi kỷ phần = 22,1m2; trong đó, ông S được hưởng 02 kỷ phần là 44,2m2.
Tổng cộng, mỗi thừa kế được hưởng 34,2m2 + 22,1m2 = 56,3m2 đất. Trong đó, ông S1 được hưởng 68,4m2 + 22,1m2 = 90,5m2 đất; ông S được hưởng 34,2m2 + 44,2m2 = 78,4m2 đất.
Tại phiên tòa, vợ con của ông S2, ông M, ông T2, chồng con của bà B2, bà B1, bà Ư thống nhất nhường kỷ phần thừa kế của mình được chia cho ông S được quyền quản lý, sử dụng. Đây là sự tự nguyện của các đương sự nên ghi nhận. Như vậy, ông S được hưởng thừa kế tổng cộng là 416,2m2 đất.
[8.3]. Về việc phân chia di sản: Nguyên đơn yêu cầu phân chia di sản thừa kế bằng hiện vật. Xét diện tích đất nông nghiệp phân chia cho các bên được quyền quản lý, sử dụng như đã nhận định ở trên không đảm bảo điều kiện tách thửa đất nông nghiệp theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Bện cạnh đó, ông S và ông S1 lại đang quản lý, sử dụng mỗi người một phần di sản. Do đó, Hội đồng xét xử thấy nên tiếp tục giao cho ông S1 và ông S diện tích đất nông nghiệp các ông đang trực tiếp quản lý, sử dụng và ai sử dụng vượt quá kỷ phần thừa kế được hưởng thì có trách nhiệm thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho bên kia là có căn cứ và phù hợp với pháp luật.
Xét ông S1 đang quản lý, sử dụng 308,1m2 đất là vượt quá kỷ phần thừa kế được chia là 308,1m2 – 90,5m2 = 217,6m2; ông S đang quản lý, sử dụng 119m2 đất là thiếu so với kỷ phần thừa kế được chia là 416,2m2 – 199m2 = 217,2m2. Như vậy, giao cho ông S1 được quyền quản lý, sử dụng 308,1m2 đất; giao cho ông S được quyền quản lý, sử dụng 199m2 đất và buộc ông S1 phải có trách nhiệm thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho ông S số tiền là 217,2m2 x 823.000 đồng/m2 = 178.755.600 đồng.
[9]. Các bên đương sự có quyền và nghĩa vụ liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký, kê khai, điều chỉnh biến động đất theo quy định của pháp luật đất đai theo quyết định của bản án.
[10]. Đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện G tại phiên tòa phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.
* Về án phí:
[11]. Các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với giá trị di sản thừa kế được hưởng; ông S1 là người cao tuổi nên được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
* Về quyền kháng cáo:
[12]. Các đương sự được quyền kháng cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 5 Điều 26, Điều 147, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng Dân sự;
- Căn cứ các Điều 611, 613, 623, 651 của Bộ luật Dân sự 2015;
- Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 7 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Xuân S với ông Nguyễn Văn S1.
2. Cụ Nguyễn Thị O chết ngày 24/12/2000; thời điểm mở thừa kế di sản của cụ O để lại là ngày 24/12/2000. Hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của cụ O gồm có:
1. Ông Nguyễn Văn S2 (chết năm 2018, hàng thừa kế thứ nhất của ông S2 gồm: Bà Dương Thị N, anh Nguyễn Văn P, chị Nguyễn Thị Tuyết H, anh Nguyễn Chí T1); 2. Ông Nguyễn Văn M; 3. Ông Nguyễn Văn T2; 4. Bà Nguyễn Thị B2 (chết năm 2001, hàng thừa kế thứ nhất của bà B2 gồm: Ông Nguyễn Văn T3, chị Nguyễn Thị B, chị Nguyễn Thị H1, anh Nguyễn N2 T4, anh Nguyễn Văn T5, chị Nguyễn Thị H2); 5. Ông Nguyễn Văn S1; 6. Bà Nguyễn Thị B1; 7. Ông Nguyễn Xuân S; 8. Bà Nguyễn Thị Ư.
3. Xác định di sản của cụ Nguyễn Thị O để lại là 507,1m2 đất nông nghiệp tại: Thôn C, xã L, huyện G, thành phố Hà Nội trị giá 417.343.300 đồng.
4. Ghi nhận sự tự nguyện của bà Dương Thị N, anh Nguyễn Văn P, chị Nguyễn Thị Tuyết H, anh Nguyễn Chí T1; ông Nguyễn Văn M; ông Nguyễn Văn T2; ông Nguyễn Văn T3, chị Nguyễn Thị B, chị Nguyễn Thị H1, anh Nguyễn N2 T4, anh Nguyễn Văn T5, chị Nguyễn Thị H2; bà Nguyễn Thị B1; bà Nguyễn Thị Ư nhường kỷ phần thừa kế được chia cho ông Nguyễn Xuân S được quyền quản lý, sử dụng.
5. Chia thừa kế cụ thể như sau:
5.1. Chia cho ông Nguyễn Văn S1 được quyền quản lý, sử dụng 308,1m2 đất nông nghiệp theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CE 811161 do Ủy ban nhân dân huyện G cấp ngày 06/12/2016;
5.2. Chia cho ông Nguyễn Xuân S được quyền quản lý, sử dụng 199m2 đất nông nghiệp theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH 108969 do Ủy ban nhân dân huyện G cấp ngày 30/12/2016;
5.3. Ông Nguyễn Văn S1 có trách nhiệm thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho ông Nguyễn Xuân S số tiền là 178.755.600 đồng.
6. Các bên đương sự có quyền và nghĩa vụ liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký, kê khai, điều chỉnh biến động đất đai theo quy định của pháp luật đất đai theo quyết định của bản án.
7. Về án phí dân sự sơ thẩm:
7.1. Ông Nguyễn Xuân S phải chịu 17.127.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Ông đã nộp số tiền 1.750.000 đồng tạm ứng án phí dân sự tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện G theo biên lai số: AA/2010/ 0005808 ngày 08/02/2021. Nay, ông S còn phải nộp tiếp 15.377.000 đồng.
7.2. Miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm cho ông Nguyễn Văn S1.
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong khoản tiền hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 của Bộ luật Dân sự 2015.
8. Quyền kháng cáo: Các đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền làm đơn kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa tuyên án. Các đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền làm đơn kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được tống đạt bản án.
Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 32/2022/DS-ST
Số hiệu: | 32/2022/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Gia Lâm - Hà Nội |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 24/03/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về