Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 253/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 253/2022/DS-PT NGÀY 16/12/2022 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 16-12-2022, tại trụ sở. Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 110/2022/TLPT-DS ngày 01-7-2022 về “Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2022/DS-ST ngày 17-5-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 428/2022/QĐ-PT ngày 01-12-2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

Trương Thị M, sinh năm: 1939; địa chỉ cư trú: Nhà số 46 H, thành phố Q, tỉnh Bình Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:

Luật sư Võ H N - Công ty TNHH MTV N thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định; địa chỉ công ty: thành phố Q, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

- Bị đơn:

1. Ông Trương M N, sinh năm 1967; địa chỉ cư trú: Nhà số 366 X, thành phố Q, tỉnh Bình Định, có mặt tại phiên toà.

2. Nguyễn Thị S, sinh năm 1969; địa chỉ cư trú: Nhà số 366 X, thành phố Q, tỉnh Bình Định, có mặt tại phiên toà.

Người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn (Giấy uỷ quyền ngày 12-7-2022):

Ông Trần Văn L, sinh năm 1972; địa chỉ cư trú: tỉnh Quảng Nam, có mặt tại phiên toà.

Ông Trần M D; địa chỉ cư trú: thành phố Đà Nẵng, có mặt tại phiên toà.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo:

1. Trương Thị L, sinh năm 1935; địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Bình Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Hải A, sinh năm 1964; địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Luật sư Võ H N - Công ty TNHH MTV N Luật thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định, vắng mặt.

2. Ông Diệp Hữu H; địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Bình Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Diệp Hữu H:

Luật sư Võ H N - Công ty TNHH MTV N Luật thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định, vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Trương Văn M, sinh năm 1969; địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Bình Định, có mặt tại phiên toà.

2. Bà Trương Thị H, sinh năm 1948; địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Bình Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

3. Bà Trương Thị T, sinh năm 1955; địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

4. Bà Trương Thị L, sinh năm 1959; địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

5. Bà Trương Thị L, sinh năm 1970; địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Bình Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

6. Ông Trương Văn N; địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

7. Bà Trương Thị T, sinh năm 1953; địa chỉ cư trú:, tỉnh Phú Yên, vắng mặt.

8. Bà Trương Thị M; địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

9. Ông Trương Ngọc A; địa chỉ cư trú: Nhà số 11 N, thành phố Q, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

10. Bà Khổng Thị Bích Đ; địa chỉ cư trú: Nhà số 11 N, thành phố Q, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

11. Chị Trương Thị T H; địa chỉ cư trú: Nhà số 11 N, thành phố Q, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

12. A Trương Ngọc H; địa chỉ cư trú: Nhà số 11 N, thành phố Q, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

13. Ông Diệp Hữu N, sinh năm 1957; địa chỉ cư trú: tỉnh Quảng Ngãi, vắng mặt

14. Ông H (Diệp Hữu H), sinh năm 1955; địa chỉ: USA, vắng mặt.

15. Ông Diệp Hữu P ; địa chỉ: Australia, vắng mặt.

16. Bà Diệp Thị M L, sinh năm 1961; địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

Người đại diện hợp pháp của ông N, ông H, ông P , bà L: Ông Diệp Hữu H;

địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Bình Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Nguyên đơn, bà Trương Thị M trình bày:

Cha, mẹ bà là cụ Trương Đ (chết năm 1945) và cụ Nguyễn Thị C (chết năm 1975) có 06 người con gồm:

1. Ông Trương T (chết năm 2005) có vợ là bà Nguyễn Thị B (đã chết). Ông T và bà B có 05 con, gồm: (1) Trương Văn N, (2) Trương Thị T, (3) Trương Thị M, (4) Trương Ngọc A và (6) Trương Văn H (chết sau ông T), vợ là Khổng Thị Bích Đ và có 02 con là Trương Thị T H và Trương Ngọc H.

2. Ông Trương Đ (chết năm 1980), có vợ là M Thị B (chết năm 1998), có 06 người con, gồm: (1) Trương Thị H, (2) Trương Thị T, (3) Trương Thị L, (4) Trương M N, (5) Trương Văn M và (6) Trương Thị L.

3. Bà Trương Thị M.

4. Bà Trương Thị M (chết ngày 04-5-2019, không có chồng, con).

5. bà Trương Thị L.

6. Bà Trương Thị S (chết năm 2015), có chồng là Diệp Hữu D (đã chết). Bà S và ông D có 05 người con, gồm: (1) Diệp Hữu H, (2) Diệp Hữu N, (3) ông Michael Huong Diep, (4) Diệp Hữu P và (5) bà Diệp Thị M L.

(Những người đã chết không có con riêng, cha mẹ nuôi, con nuôi, chết không để lại di chúc).

Cha, mẹ bà chết không để lại di chúc. Cha, mẹ bà để lại nhà đất có diện tích 75,8 m2 tại số 366 X, tổ 36, khu vực 4, phường T, thành phố Q, hiện nay vợ chồng ông Trương M N, bà Nguyễn Thị S (là con trai và con dâu ông Trương Đ) đang quản lý, sử dụng. Nhà đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không thế chấp tại cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.

Nguồn gốc thửa đất là do cha, mẹ bà khai hoang và xây nhà ở từ trước năm 1945 cho tới lúc chết. Các anh, chị em bà được sinh ra và sinh sống trên mảnh đất này cho đến khi lập gia đình thì ra ở riêng. Bà Trương Thị M không có chồng con nên tiếp tục ở chung với cha mẹ. Sau khi cha chết, mẹ và bà M quản lý, sử dụng nhà đất này và khi mẹ chết thì bà M tiếp tục ở. Sau đó, ông Trương Đ và vợ là bà M Thị B bán nhà ở Khu vực 5, phường T, thành phố Q cùng các con (trong đó có Trương Văn N) về ở cùng bà M. Sau khi ông Đ, bà B chết, thì bà M cùng vợ chồng ông Trương M N tiếp tục quản lý, sử dụng nhà đất này và thờ cúng ông bà.

Nguyên thủy nhà đất này có diện tích 229,95 m2 thuộc thửa đất 189, tờ bản đồ 22 tại tổ 36, khu vực 4, phường T, thành phố Q. Năm 2001, Nhà nước giải tỏa làm đường X, nên đã thu hồi 101,94 m2. Còn lại 128,1 m2, trong đó các con ông Trương Đ là Trương Văn M sử dụng 51,5 m2, Trương M N sử dụng 75,8 m2. Phần đất bị giải tỏa được Nhà nước cấp đền bù 01 lô đất có diện tích 80 m2 tại khu Bông H, phường G, thành phố Q. Do nhà của cha, mẹ để lại đã cũ nên các anh chị em thống nhất bán lô đất có diện tích 80 m2 tại khu Bông H, phường G, thành phố Q để xây lại nhà tại X như hiện nay. Tuy nhiên, năm 2015, vợ chồng ông Trương M N làm thủ tục nhận di sản thừa kế nhà này và khi Ủy ban nhân dân phường T niêm yết thủ tục, thì bà khiếu nại ngăn chặn việc làm trái pháp luật của ông N.

Vì vậy, bà (M) yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật diện tích đất 75,8 m2 tại số 366 X, tổ 36, khu vực 4, phường T, thành phố Q cho 05 thừa kế. Bà không yêu cầu chia hiện vật, vì đã có chỗ ở ổn định. Vợ chồng ông Trương M N không có chỗ ở nào khác và đã sinh sống trên đất này từ lâu, nên giao nhà đất cho vợ chồng ông N làm ăn và do ông N có công sức bảo quản di sản, nên bà đồng ý trích 01 phần là công sức bảo quản di sản, tương ứng 01 kỷ phần cho ông N. Ông Trương M N nhận đất thì phải thanh toán lại cho các thừa kế khác.

Về nhà: Nhà ở hiện nay có một phần từ tiền bán lô đất được đền bù, có diện tích 80 m2 tại khu Bông H, phường G, thành phố Q với giá 450.000.000 đồng, trong đó đã cho bà Trương Thị L 150.000.000 đồng, còn lại 300.000.000 đồng để xây cất nhà như hiện nay. Quá trình quản lý sử dụng, vợ chồng ông Trương M N có chi phí để sửa thêm phần phía trên. Bà không yêu cầu chia thừa kế nhà, mà để nhà cho vợ chồng ông N sở hữu, sử dụng thờ cúng và làm ăn.

- Bị đơn, ông Trương M N và bà Nguyễn Thị S trình bày:

Ông, bà thống nhất ông, bà nội là cụ Trương Đ (chết năm 1945) và cụ Nguyễn Thị C (chết năm 1975) và thống nhất hàng thừa kế của cụ Đ, cụ C như bà M trình bày, nhưng cho rằng nhà đất này là di sản của cha mẹ ông (Trương Đ, M Thị B) để lại, vì sau năm 1975 cha, mẹ ông đã quản lý, sử dụng. Tại thời điểm này, gia đình bên nội chỉ còn cô ruột là bà Trương Thị M sinh sống cùng cha, mẹ. Quá trình sử dụng nhà đất, mẹ ông đã đăng ký kê khai và có tên trong Hồ sơ kỹ thuật của Ủy ban nhân dân phường T ngày 05-7-1998, với diện tích 229,95 m2 đất ở và hàng năm mẹ ông đều thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước. Sau khi cha, mẹ ông chết, thì bà M và vợ chồng ông tiếp tục quản lý, sử dụng và hàng năm ông đều thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đất cho Nhà nước.

Nhà đất hiện nay do vợ chồng ông bỏ ra xây dựng. Nguồn tiền xây dựng từ việc bán thửa đất tại khu Bông H, phường G, thành phố Q. Vì vậy, ông bà không đồng ý yêu cầu khởi kiện của bà Trương Thị M.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Nguyễn Hải A là đại diện theo ủy quyền của bà Trương Thị L, ông Diệp Hữu H là đại diện theo ủy quyền của ông Diệp Hữu N, ông Michael Huong Diep, ông Diệp Hữu P , bà Diệp Thị M L trình bày:

Thống nhất toàn bộ lời trình bày của bà Trương Thị M, không bổ sung gì thêm.

2. Bà Trương Thị T trình bày:

Bà là con ông Trương T. Ông Trương Đ, bà Trương Thị M và bà Trương Thị M là chú và cô ruột của bà, ông Trương M N là con nhà chú của bà. Nguồn gốc nhà đất tại số 366 X tổ 36, khu vực 4, phường T, thành phố Q, tỉnh Bình Định do ông bà nội bà tạo lập. Ông bà nội sống tại nhà đất đó cùng với bà Trương Thị M cho đến khi chết. Bà không biết vào thời điểm ông, bà nội còn sống, vợ chồng ông Trương Đ có sống tại nhà đất này không, nhưng sau khi ông bà nội chết, thì vợ chồng ông Trương Đ cùng các con và bà Trương Thị M cùng sống tại đó. Sau khi vợ chồng ông Trương Đ chết, thì vợ chồng ông Trương M N và bà Trương Thị M tiếp tục sống tại nhà đất này. Bà Trương Thị M không lấy chồng, nên khi còn trẻ sống cùng ông bà nội, sau đó sống cùng vợ chồng ông Trương Đ. Khi vợ chồng ông Đ chết, vợ chồng ông Trương M N phụng dưỡng, chăm sóc bà M cho đến khi bà M chết (năm 2019). Trường hợp được chia thừa kế, bà giao lại phần của bà cho các em bà là Trương Văn N, Trương Thị M, Trương Thị A và Trương Văn H.

3. Bà Trương Thị T và bà Trương Thị H trình bày:

Bà là con của ông Trương Đ, chị của ông Trương M N. Trước đây cha mẹ bà sống ở thửa đất này tính đến nay khoảng 60 năm. Sau khi cha, mẹ chết thì chị em bà ở tại nhà đất này. Sau khi chị em gái đi lấy chồng đã để lại cho em trai bà là Trương M N cùng với cô là bà Trương Thị M ở để thờ cúng ông bà tổ tiên. Đây là nhà của cha, mẹ bà nên ông Trương M N là người thừa kế.

4. Bà Khổng Thị Bích Đ, chị Trương Thị T H và anh Trương Ngọc H trình bày:

Ông Trương Văn H là chồng bà Đ, là cha chị H, anh H. Nếu ông H được chia thừa kế thì bà Đ và chị H, anh H yêu cầu được chia bằng giá trị.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác là ông Trương Văn M, bà Trương Thị L, bà Trương Thị L, ông Trương Văn N, bà Trương Thị M, ông Trương Ngọc A đều không có lời khai (Tòa án đã thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng theo đúng quy định của pháp luật, nhưng các đương sự vắng mặt).

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 17/2022/DS-ST ngày 17-5-2022, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định quyết định:

Căn cứ khoản 3 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Tố tụng dân sựcác Điều 623, 649, 650, 651, 652 và 688 của Bộ luật Dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:

Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của bà Trương Thị M.

1. Ông Trương M N được quyền sử dụng diện tích 75,8 m2 đất tại số 366 đường X, tổ 36, khu vực 4, phường T, thành phố Q, tỉnh Bình Định. Trên đất có nhà thuộc sở hữu chung của ông Trương M N và bà Nguyễn Thị S (có sơ đồ kèm theo).

2. Ông Trương M N có nghĩa vụ thanh toán cho:

2.1. Bà Trương Thị M 2.707.142.800 đồng (hai tỷ bảy trăm linh bảy triệu một trăm bốn mươi hai nghìn tám trăm đồng).

2.1. Bà Trương Thị L 2.707.142.800 đồng (hai tỷ bảy trăm linh bảy triệu một trăm bốn mươi hai nghìn tám trăm đồng).

2.3. Ông Trương Văn M, bà Trương Thị H, bà Trương Thị T, bà Trương Thị L và bà Trương Thị L mỗi người 451.190.500 đồng (bốn trăm năm mươi mốt triệu một trăm chín mươi nghìn năm trăm đồng).

2.4. Ông Trương Văn N, bà Trương Thị M, ông Trương Ngọc A mỗi người 676.785.700 đồng (sáu trăm bảy mươi sáu triệu bảy trăm tám mươi lăm nghìn bảy trăm đồng).

2.5. Chị Trương Thị H và anh Trương H Hoàng 676.785.700 đồng (sáu trăm bảy mươi sáu triệu bảy trăm tám mươi lăm nghìn bảy trăm đồng).

2.6. Ông Diệp Hữu H, ông Diệp Hữu N, ông Michael Huong Diep, ông Diệp Hữu P và bà Diệp Thị M L mỗi người 541.428.500 đồng (năm trăm bốn mươi mốt triệu bốn trăm hai mươi tám nghìn năm trăm đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

- Ngày 25-5-2022, ông Trương M N kháng cáo, đề nghị sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

- Ngày 25-5-2022, bà Nguyễn Thị S kháng cáo, đề nghị xem xét lại giá nhà đất cho phù hợp với thực tế và giải quyết quyền lợi về tài sản cho bà, vì bà đã có công sức đóng góp, giữ gìn tôn tạo di sản thừa kế.

- Ngày 27-5-2022, bà Trương Thị M, bà Trương Thị L, ông Diệp Hữu H kháng cáo, đề nghị chia lại kỷ phần thừa kế.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Do không đồng với quyết định của bản án sơ thẩm, nên ngày 25 và ngày 27-7-2022, nguyên đơn là bà Trương Thị M, bị đơn là ông Trương M N và bà Nguyễn Thị S; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trương Thị L và ông Diệp Hữu H kháng cáo kháng bản án. Đơn kháng cáo của các đương sự là trong thời hạn quy định tại Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự, do đó Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Tại phiên tòa, người kháng cáo là bà Trương Thị M, bà Trương Thị L và ông Diệp Hữu H vắng mặt, nhưng đều có đơn xin xét xử vắng mặt và giữ nguyên nội dung kháng cáo; bị đơn là bà Nguyễn Thị S rút kháng cáo; ông Trương M N có mặt tại phiên toà, giữ nguyên kháng cáo, đề nghị sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Như vậy, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 289, khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự:

- Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bà Nguyễn Thị S.

- Không chấp nhận kháng cáo của các đương sự; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[2]. Xét kháng cáo của các đương sự:

[2.1]. Về tố tụng:

- Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cha, mẹ để lại là diện tích đất 75,8 m2 tại số 366 X, tổ 36, khu vực 4, phường T, thành phố Q cho các đồng thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm xác định cụ Trương Đ và cụ Nguyễn Thị C chết trước năm 1975, theo quy định khoản 2.2 mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trường hợp thừa kế mở trước ngày 01-7-1996 thì thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Pháp Lệnh thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; theo quy định của Pháp Lệnh thừa kế năm 1990, thừa kế mở trước ngày 10-9-1990, thì thời hiệu khởi kiện tính từ ngày 10-9-1990 và theo quy định tại Điều 623 của Bộ luật Dân sự, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản. Do đó, đã thụ lý và xác định quan hệ pháp luật giải quyết trong vụ án là “Tranh chấp về thừa kế tài sản” là đúng quy định tại khoản 5 Điều 26 và Điều 37 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông, bà: Trương Văn M, Trương Thị H, Trương Thị T, Trương Thị L, Trương Thị L, Trương Văn N, Trương Thị T, Trương Thị M, Trương Ngọc A, Khổng Thị Bích Đ, Trương Thị H T, Trương Ngọc H; những người làm chứng là các ông, bà: Nguyễn Văn C, Trương Văn H, Dương Văn O, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thu V, Nguyễn Thị Thúy V đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai, nhưng vắng mặt không có lý do. Vì vậy, Toà án cấp sơ thẩm tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự là đúng quy định tại khoản 2 Điều 227 và khoản 2 Điều 229 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2.2]. Về nội dung:

[2.2.1]. Đối với kháng cáo của bị đơn là ông Trương M N:

[2.2.1.1]. Nguồn gốc tài sản tranh chấp:

Các đương sự thống nhất diện tích 75,8 m2 tại số 366 X, tổ 36, khu vực 4, phường T, thành phố Q trước đây là thửa đất số 189, tờ bản đồ số 22, có diện tích 229,95 m2. Năm 2001, Nhà nước giải tỏa làm đường X đã thu hồi 101,94 m2, nên diện tích đất còn lại là 128,1 m2; trong đó, các con của ông Trương Đ, bà M Thị B là Trương Văn M sử dụng 51,5 m2 và đã chuyển nhượng cho người khác, ông Trương M N sử dụng 75,8 m2. Tuy nhiên, các đương sự không thống nhất được nguồn gốc thửa đất, cụ thể:

- Nguyên đơn cho rằng diện tích 75,8 m2 tại số 366 X, tổ 36, khu vực 4, phường T, thành phố Q thuộc thửa đất số 189, tờ bản đồ số 22 là do cha, mẹ bà (cụ Trương Đ, cụ Nguyễn Thị C) khai hoang và xây nhà ở từ trước năm 1945. Các anh, chị em bà được sinh ra và sinh sống trên thửa đất này cho đến khi lập gia đình thì ra ở riêng. Bà Trương Thị M không có chồng con, nên ở chung với cha, mẹ. Sau khi cha chết, mẹ và bà M quản lý, sử dụng nhà đất và khi mẹ chết, thì bà M tiếp tục ở tại đây. Sau đó, ông Trương Đ cùng vợ và các con (có ông Trương M N) về ở cùng bà M. Sau khi vợ chồng ông Đ chết, thì bà M cùng vợ chồng ông Trương M N quản lý, sử dụng nhà đất này.

- Bị đơn, ông Trương M N cho rằng nhà đất này là của cha, mẹ ông (ông Trương Đ, bà M Thị B) quản lý, sử dụng từ sau năm 1975. Tại thời điểm này, gia đình bên nội chỉ còn cô ruột là bà Trương Thị M sinh sống cùng cha, mẹ. Quá trình sử dụng nhà đất, mẹ ông đã đăng ký kê khai và có tên trong Hồ sơ kỹ thuật của Ủy ban nhân dân phường T ngày 05-7-1998, với diện tích 229,95 m2 đất ở và hàng năm mẹ ông đều thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước. Sau khi cha, mẹ ông chết, thì bà M và vợ chồng ông tiếp tục quản lý, sử dụng và hàng năm ông cũng thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ đóng thuế đất cho Nhà nước. Để chứng minh nguồn gốc thửa đất, bị đơn cung cấp hồ sơ kỹ thuật thửa đất do UBND phường T lập ngày 05- 7-1998 là thửa đất số 189, diện tích 229,9 m2 ghi tên chủ sử dụng là bà M Thị B và con là Trương M N, cùng các biên lai nộp thuế đất hàng năm.

Các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện lời khai của nguyên đơn phù hợp với lời khai của bà Trương Thị T (bút lục số 161): “Tôi là con ông Trương T. Ông Trương Đ, bà Trương Thị M và bà Trương Thị M là em ruột của ba tôi, ông Trương M N là con nhà chú của tôi. Nguồn gốc nhà đất số 366 X do ông bà nội tạo lập. Ông, bà nội tôi sống tại nhà đất đó cùng bà Trương Thị M cho đến khi chết. Bà M không lấy chồng nên khi còn trẻ sống cùng ông bà nội, sau đó sống cùng vợ chồng ông Đ. Khi vợ chồng ông Đ chết, vợ chồng ông N phụng dưỡng, chăm sóc bà M”; phù hợp với lời khai của người làm chứng là bà Trương Thị N (bút lục số 135), ông Nguyễn Văn C (bút lục số 134) và ông Trương Văn H (bút lục số 125): “Nguồn gốc nhà đất số 366 X, tổ 36 khu vực 4, phường T, thành phố Q, tỉnh Bình Định là của ông Trương Đ, bà Nguyễn Thị C. Nhà đất này ông Đ, bà C khai hoang, xây dựng nhà và sinh con đẻ cái trên đất này. Những người con của ông Đ, bà C ở nhà này từ nhỏ cho đến khi lập gia đình thì ở riêng. Chỉ có bà Trương Thị M không chồng con nên sinh sống cùng ông Đ, bà C trên nhà đất này cho đến khi qua đời. Sau khi ông Đ, bà C chết, ông Đ là con trai của ông Đ, bà C bán nhà ở Khu vực 5, phường T cho ông Dương Văn L rồi chuyển về sinh sống tại nhà của ông Đ, bà C cùng bà M” và phù hợp với lời khai của ông Dương Văn O, bà Dương Thị T (là các con ông Dương Văn L): “Khoảng năm 1975, ông Trương Đ, bà M Thị B bán nhà cho cha ông bà. Sau khi bán nhà, gia đình ông Đ, bà B chuyển về nhà số 366 X ở”.

Ngoài ra, lời khai của nguyên đơn còn phù hợp với chính lời khai của bị đơn là ông Trương M N, bà Trương Thị H và bà Trương Thị T (là chị của ông N) tại Biên bản lấy lời khai (bút lục số 154): “Trên đất này chỉ có cô Trương Thị M, cha mẹ và chị em tôi sống cùng bà nội…” và tại Biên bản đối chất ngày 18-3-2021 (bút lục số 309): “Nhà đất này trước đây ông nội tôi là Trương Đ (chết năm 1945), bà nội là Nguyễn Thị C (chết năm 1975) sinh sống. Sau khi ông, bà nội tôi chết, các chị em tôi theo cha tôi là Trương Đ (chết năm 1980), mẹ là M Thị B (chết năm 1998) về sinh sống tại nhà của ông bà nội tôi”, “Trước đây cha, mẹ và các chị em tôi sinh sống tại ngôi nhà thuộc Khu vực 5, phường T gần nhà ông, bà nội. Sau đó, cha mẹ tôi bán nhà này cho ai, bán năm nào tôi không nhớ, vì lúc đó tôi còn nhỏ. Khi cha, mẹ tôi và các chị em tôi về sống nhà nội thì chỉ có cô Trương Thị M”, “Nhà đất này ông, bà nội chết thì cha, mẹ tôi về sinh sống. Cha, mẹ tôi chết thì tôi là con tiếp tục sử dụng. Sau này nếu tôi chết thì con tôi tiếp tục quản lý, sử dụng chứ không mua bán, đổi chác gì”, “Cha mẹ, chị em tôi ở giữ đất của ông, bà nội nên không đồng ý chia”.

Như vậy, có đủ cơ sở để kết luận diện tích 75,8 m2 đất tại số 366 X, tổ 36, khu vực 4, phường T, thành phố Q (thửa đất số 189, tờ bản đồ số 22) có nguồn gốc do cụ Trương Đ và cụ Nguyễn Thị C khai hoang, sử dụng từ trước năm 1945.

[2.2.1.2]. Quá trình quản lý, sử dụng và đăng ký kê khai đất:

Mặc dù, nguồn gốc đất là do cụ Trương Đ, cụ Nguyễn Thị C khai hoang và sinh sống tại đó, nhưng thời gian từ trước năm 1945 đến năm 1975, các cụ không có giấy tờ gì về đất đai, không có trích lục bản đồ địa chính nào thể hiện thửa đất do các cụ quản lý, sử dụng. Bà Trương Thị M cho rằng thời điểm các cụ ở do “Nhà nước chưa có chủ trương kê khai quyền sử dụng đất”. Tuy nhiên, lời khai của bà M là không có cơ sở để chấp nhận, bởi lẽ việc xác lập quyền sử dụng đất đai có từ thời chế độ phong kiến, thời Pháp thuộc và đến nay vẫn còn tồn tại các văn bản tài liệu thể hiện nội dung này.

Cụ Trương Đ chết năm 1945, cụ Nguyễn Thị C chết năm 1975. Sau khi cụ C chết, vợ chồng ông Trương Đ, bà M Thị B cùng các con về sinh sống cùng với bà Trương Thị M (con cụ Đ, cụ C) và đăng ký thường trú tại địa chỉ thửa đất này (Sổ hộ khẩu đăng ký thường trú ngày 12-02-1976, thể hiện người đứng tên là ông Trương Đ, bà M Thị B - bút lục số 180-181). Đến năm 1977, vợ chồng ông Trương Đ, bà M Thị B làm lại nhà để ở (bút lục số 234). Quá trình quản lý, sử dụng thửa đất sau này, bà M Thị B thực hiện việc kê khai đăng ký đất đai lần đầu đối với toàn bộ thửa đất và ngày 05-7-1998, được Uỷ ban nhân dân phường T lập Hồ sơ kỹ thuật thửa đất có số hiệu 189, tờ bản đồ địa chính số 22, số hiệu Mảnh bản đồ gốc 524631-5-(6), tại tổ 36, khu vực 4, phường T, thành phố Q, mục đích sử dụng là đất ở, tên chủ sử dụng là bà M Thị B và con là Trương M N.

Năm 2001, Nhà nước giải tỏa để làm đường X đã thu hồi thửa đất số 189, tờ bản đồ số 22 hết 101,94 m2 đất, nên diện tích đất còn lại là 128,1 m2. Năm 2015, ông Trương M N và các chị em ruột của ông N tiến hành phân chia di sản thừa kế, thống nhất giao cho ông N quản lý, sử dụng diện tích 75,8 m2 đất, ông Trương Văn M quản lý, sử dụng diện tích 51,5 m2 đất. Tại thời điểm này (ngày 06-6-2015), bà Trương Thị M sống cùng vợ chồng ông Trương M N xác nhận: “Tôi ở chung ngôi nhà với cháu gọi tôi bằng cô ruột là Trương M N. Nay các con anh Đ làm thủ tục phân chia di sản là nhà, đất tại địa chỉ tổ 36, khu vực 4, phường T, thành phố Q cho Trương M N được thừa kế phần diện tích còn lại là 76,51 m2 tôi hoàn toàn đồng ý và không có ý kiến gì”; đồng thời, việc phân chia này diễn ra công khai, các con của cụ Trương Đ, cụ Nguyễn Thị C đều biết, nhưng không có ai tranh chấp, cản trở hoặc có ý kiến gì. Do đó, ông Trương Văn M (em ông N) mới được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được phân chia và sau đó chuyển nhượng cho người khác, nhưng cũng không ai có ý kiến.

Kể từ năm 1975, ông Trương Đ và bà M Thị B về sinh sống trên thửa đất, xây dựng nhà để ở và thực hiện việc đăng ký kê khai lần đầu đối với toàn bộ thửa đất từ năm 1975 và có tên trong hồ sơ kỹ thuật thửa đất lập ngày 05-7-1998. Tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 236 của Bộ luật Dân sự năm 2015) quy định: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu của tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu”. Như vậy, kể từ năm 1975 cho đến ngày bà Trương Thị M khiếu nại việc ông Trương M N tiến hành thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tháng 5-2018) thì ông Trương Đ, bà M Thị B và các con quản lý, sử dụng thửa đất đã hơn 40 năm và trong thời gian này, các đồng thừa kế của cụ Trương Đ và cụ Nguyễn Thị C không có ai tranh chấp, khiếu nại gì, điều này cho thấy ý chí của các đồng thừa kế của cụ Đ và cụ C đã thừa nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Trương Đ. Như vậy, ông Trương Đ và bà M Thị B được xác định là người quản lý, sử dụng hợp pháp đối với thửa đất nêu trên.

Do có cơ sở để xác định diện tích đất 75,8 m2 tại số 366 X, tổ 36, khu vực 4, phường T, thành phố Q (thửa đất số 189, tờ bản đồ số 22) thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông Trương Đ, bà M Thị B, nên diện tích đất này không còn là di sản thừa kế của cụ Trương Đ và cụ Nguyễn Thị C, do đó bà Trương Thị M khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với diện tích 75,8 m2 đất là không có cơ sở. Toà án cấp sơ thẩm xác định diện tích đất này là của cụ Trương Đ và cụ Nguyễn Thị C, từ đó chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của bà Trương Thị M là không đánh giá đúng các chứng cứ, tình tiết khách quan của vụ án, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đồng thừa kế của ông Trương Đ, bà M Thị B.

Như vậy, kháng cáo của ông Trương M N đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét và có cơ sở để chấp nhận.

[2.2.2]. Đối với kháng cáo của nguyên đơn (bà Trương Thị M); người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bà Trương Thị L và ông Diệp Hữu H):

- Về tố tụng:

Bà Trương Thị M, bà Trương Thị L và ông Diệp Hữu H kháng cáo, nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt. Căn cứ khoản 2, 3 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét kháng cáo vắng mặt các đương sự.

- Về nội dung:

Do diện tích đất 75,8 m2 tại số 366 X, tổ 36, khu vực 4, phường T, thành phố Q (thửa đất số 189, tờ bản đồ số 22) được xác định thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông Trương Đ, bà M Thị B, nên yêu cầu chia thừa kế của bà Trương Thị M là không có cơ sở. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét yêu cầu chia lại kỷ phần thừa kế của bà Trương Thị M, bà Trương Thị L và ông Diệp Hữu H.

Như vậy, kháng cáo của nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[2.2.3]. Đối với kháng cáo của bà Nguyễn Thị S:

Tại phiên toà phúc thẩm, bị đơn là bà Nguyễn Thị S rút kháng cáo. Xét thấy, việc rút kháng cáo của đương sự là tự nguyện, không bị ép buộc. Do đó, căn cứ điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 289 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định đình chỉ xét xử đối với kháng cáo của bà Nguyễn Thị S.

[3]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

[4]. Về án phí dân sự:

Do kháng cáo không được chấp nhận, nên ông Diệp Hữu H phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Các bà Trương Thị M, Trương Thị L là người cao tuổi nên được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

Bà Nguyễn Thị S rút kháng cáo tại phiên toà, nên phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 289 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị đơn là bà Nguyễn Thị S.

2. Căn cứ khoản 2, 3 Điều 296; khoản 1, khoản 2 Điều 308 và Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là bà Trương Thị M.

- Không chấp nhận kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trương Thị L và ông Diệp Hữu H.

- Chấp nhận kháng cáo của bị đơn là ông Trương M N.

- Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2022/DS-ST ngày 17-5-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.

2. Áp dụng các Điều 161, 163, 165, 180, 182, 183 và 236 của Bộ luật Dân sự, xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Trương Thị M về yêu cầu chia di dản thừa kế là diện tích 75,8 m2 đất (thửa đất số 189, tờ bản đồ số 22) tại số 366 X, tổ 36, khu vực 4, phường T, thành phố Q, tỉnh Bình Định.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Về án phí dân sự:

Căn cứ khoản khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 1 và khoản 4 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Bà Trương Thị M và bà Trương Thị L được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

- Ông Trương M N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nhưng số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm ông N nộp cùng bà Nguyễn Thị S sẽ được khấu trừ vào số tiền án phí dân sự phúc thẩm mà bà Nguyễn Thị S phải chịu.

- Bà Nguyễn Thị S phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0000164 ngày 09-6-2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định, nay được chuyển thành án phí; bà S đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

- Ông Diệp Hữu H phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0000170 ngày 14-6-2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định, nay được chuyển thành án phí; ông H đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

157
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 253/2022/DS-PT

Số hiệu:253/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 16/12/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;