TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUẢNG TRẠCH, TỈNH QUẢNG BÌNH
BẢN ÁN 17/2024/DS-ST NGÀY 24/09/2024 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 24 tháng 9 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 21/2023/TLST-TCDS ngày 19/5/2023 về “Tranh chấp về thừa kế tài sản”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 8A/2024/QĐXXST-DS, ngày 26/6/2024, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Phạm Văn Q; địa chỉ: K 2, phường B, thị xã B, tỉnh Quảng Bình. Có mặt.
2. Bị đơn:
+ Ông Phạm Văn L, địa chỉ: thôn X, xã L, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt.
+ Bà Nguyễn Thị Thanh L, địa chỉ: thôn X, xã L, huyện Q, tỉnh Quảng Bình.
Có mặt.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Bà Phạm Thị T, địa chỉ: K 3, phường B, thị xã B, tỉnh Quảng Bình. Có mặt.
+ Bà Phạm Thị L, địa chỉ: Tổ dân phố M, phường Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình. Có mặt.
+ Chị Phạm Thị H, địa chỉ: thôn X, xã L, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Có mặt.
4. Những người làm chứng:
+ Ông Nguyễn Đức Q; địa chỉ: thôn X, xã L, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt
+ Ông Phạm Xuân T; địa chỉ: thôn X, xã L, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt
+ Ông Phạm Minh T; địa chỉ: thôn X, xã L, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt
+ Ông Mai Ngọc L; địa chỉ: thôn X, xã L, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt
+ Ông Lê Anh Đ; địa chỉ: thôn X, xã L, huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 09/5/2023, bản tự khai, biên bản phiên họp và hoà giải, cũng như tại phiên tòa ông Phạm Văn Q trình bày: Năm 1946, bố mẹ ông là cụ Phạm L và cụ Trần Thị K kết hôn. Trong thời kỳ hôn nhân sinh được 05 người con gồm: ông là ông Phạm Văn Q, bà Phạm Thị D (chết năm 2007), bà Phạm Thị T, ông Phạm Văn L và bà Phạm Thị L. Ngoài những người con chung, bố mẹ ông không có con riêng, không có con nuôi.
Năm 1951, cụ L và cụ K đã tạo lập đất ở, đất trồng cây hàng năm tại thôn X, xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình (nay là xã L, huyện Q, tỉnh Quảng Bình). Ngày 19/3/1994, UBND huyện Quảng Trạch đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ L và cụ K tại thửa đất số 94, tờ bản đồ số 02, diện tích 1010m2 mang tên ông Phạm L. Ngày 01/4/2014, thửa đất trên được cấp đổi thành thửa đất số 147, tờ bản đồ số 04, diện tích 996,3m2, trong đó đất ở 300m2, đất trồng cây hàng năm 696,3m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BP 917129, số vào sổ cấp giấy CH 01152 mang tên ông Phạm L và bà Trần Thị K. Trong quá trình sinh sống bố mẹ ông đã tiết kiệm xây dựng nhà cấp 4, ba gian, lợp ngói và trồng một số cây cổ thụ trên thửa đất này.
Ngày 10/01/2011, cụ Trần Thị K chết, không để lại di chúc. Ngày 10/12/2016 cụ Phạm L chết, không để lại di chúc. Khi bố mẹ còn sống, ông L phá nhà bố mẹ để làm nhà, ông đi xa nên không biết. Đối với bản di chúc do ông Phạm Văn L cung cấp là hoàn toàn giả mạo, không phải do từ tay cụ Phạm L ký tên, điểm chỉ. Hơn nữa trong thời gian đó, cụ Phạm L đau ốm thường xuyên, đầu óc không minh mẫn nên không có việc cụ Phạm L tự nguyện lập bản di chúc đó. Đây là âm mưu chiếm dụng quyền sử dụng đất do ông Phạm Văn L dựng lên. Ông Q yêu cầu Tòa án phân chia khối tài sản của bố mẹ làm ba phần, một phần làm nhà thờ hương khói tổ tiên, ông bà, còn lại 2 phần chia đều cho hai anh em là ông Phạm Văn Q và ông Phạm Văn L.
Tại bản tự khai, biên bản phiên họp và hòa giải cũng như tại phiên tòa, bị đơn bà Nguyễn Thị Thanh L trình bày: Bố mẹ chồng bà là cụ Phạm L và cụ Trần Thị K kết hôn, chung sống với nhau. Trong thời kỳ hôn nhân sinh được 05 người con là:
Bà Phạm Thị D (chết năm 2007), ông Phạm Văn Q, bà Phạm Thị T, ông Phạm Văn L và bà Phạm Thị L.
Năm 1991, bà và ông Phạm Văn L kết hôn và sống chung với bố mẹ chồng trên mảnh đất hiện đang tranh chấp. Năm 2006, ngôi nhà của bố mẹ chồng bị hư hỏng, dột nát nên vợ chồng tháo dỡ xây dựng một ngôi nhà 2 tầng kiên cố, hàng rào, cổng trên khuôn viên đất này, khi xây nhà được sự cho phép của của bố mẹ và anh em dòng tộc bên chồng. Năm 2013, bố chồng bà là cụ Phạm L lập di chúc cho vợ chồng ½ mảnh vườn. Nay ông Phạm Văn Q yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ chồng thì bà không đồng ý, vì phần đất của cụ Phạm L đã có di chúc cho vợ chồng bà. Bà chỉ nhất trí chia phần đất của mẹ chồng bà là cụ Trần Thị K theo quy định của pháp luật. Đối với tài sản trên đất, vợ chồng bà đã xây dựng, nếu phân chia đất thì phải đền bù phần tài sản trên đất cho vợ chồng bà. Tại phiên toà, bà không yêu cầu phải thanh toán các tài sản trên đất ít giá trị, cây cối, hoa màu.
Ý kiến trình bày của bị đơn ông Phạm Văn L tại bản góp ý theo yêu cầu giải quyết tranh chấp di sản thừa kế: Ông nhất trí với giải quyết của Ủy ban nhân dân xã L vào ngày 18/5/2023. Ông có di chúc của bố Phạm L để lại là phần đất thì ông được thừa hưởng, còn ½ diện tích đất của mẹ (không có di chúc) thì chia đều cho anh em. Trong 5 phần đó ông được hưởng một phần và một phần (Đã có giấy cho tặng) là phần của cháu Phạm Thị H (con một của chị Phạm Thị D đã mất). Đề nghị Tòa án phân xử cho anh em được hưởng theo quy định.
Tài sản cố định trên đất như nhà, cổng hàng rào… xây dựng vào năm 2006 và được sự cho phép của bố mẹ khi bố mẹ ông còn sống, anh em dòng tộc 2 bên. Nếu lúc đó có sự cản trở và không đồng thuận của bố mẹ, anh em ruột thì tôi sẽ không xây dựng được. Vì mong muốn của bố mẹ và họ hàng cũng như bản thân ông sống trên mảnh đất này để hương khói cho ông bà, tổ tiên. Nay có sự tranh chấp đất của anh em trong gia đình, ông muốn được đền bù phần tài sản trên đất đã xây dựng mà anh em được thừa kế sau khi Tòa phân xử.
Tại bản tự khai, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị T, bà Phạm Thị L thống nhất trình bày: Năm 1942, bố mẹ là cụ Phạm L và cụ Trần Thị K kết hôn, chung sống với nhau. Trong thời kỳ hôn nhân sinh được 05 người con: Bà Phạm Thị D (chết năm 2007), ông Phạm Văn Q, bà Phạm Thị T, ông Phạm Văn L và bà Phạm Thị L.
Năm 1951, cụ L và cụ K đã tạo lập đất ở, đất trồng cây hàng năm tại thôn Xuân Trường, xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (Nay là xã L, huyện Q, tỉnh Quảng Bình). Ngày 19/3/1994, UBND huyện Quảng Trạch đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ L và cụ K tại thửa đất số 94, tờ bản đồ số 02, diện tích 1010m2 mang tên ông Phạm L. Ngày 01/4/2014, thửa đất trên được cấp đổi thành thửa đất số 147, tờ bản đồ số 04, diện tích 996,3m2, trong đó đất ở 300m2, đất trồng cây hàng năm 696,3m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BP 917129, số vào sổ cấp giấy CH 01152 mang tên ông Phạm L và bà Trần Thị K.
Trong quá trình sinh sống bố mẹ đã tiết kiệm xây dựng nhà cấp 4, ba gian, lợp ngói và trồng một số cây cổ thụ trên thửa đất này.
Ngày 10/01/2011, cụ Trần Thị K chết, không để lại di chúc. Ngày 10/12/2016 cụ Phạm L chết, không để lại di chúc. Ngày 15/9/2008, trong ngày giỗ của bà cố, bố mẹ đã công bố trước họ hàng, con cháu là đất của bố mẹ chia đều cho 2 người con trai là ông Phạm Văn Q và ông Phạm Văn L. Sau đó ông Phạm Văn Q đã phô tô sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân đưa cho bà Nguyễn Thị Thanh L để san đất nhưng vợ chồng ông L vẫn không thực hiện. Ông Phạm Văn Q yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ thì các bà có nguyện vọng chia 1/3 tổng diện tích đất để làm nhà thờ, thờ cúng tổ tiên; 2/3 diện tích đất còn lại chia đều cho ông Phạm Văn Q và ông Phạm Văn L mỗi người một nữa.
Tại bản tự khai, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Phạm Thị H thống nhất trình bày: Cụ Phạm L và cụ Trần Thị K kết hôn, chung sống với nhau và sinh được 05 người con là bà Phạm Thị D (chết năm 2007), ông Phạm Văn Q, bà Phạm Thị T, ông Phạm Văn L và bà Phạm Thị L.
Năm 1951, cụ L và cụ K đã tạo lập đất ở, đất trồng cây hàng năm tại thôn X, xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình (nay là xã L, huyện Q, tỉnh Quảng Bình). Ngày 19/3/1994, UBND huyện Quảng Trạch đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ L và cụ K tại thửa đất số 94, tờ bản đồ số 02, diện tích 1010m2 mang tên ông Phạm L. Ngày 01/4/2014, thửa đất trên được cấp đổi thành thửa đất số 147, tờ bản đồ số 04, diện tích 996,3m2, trong đó đất ở 300m2, đất trồng cây hàng năm 696,3m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BP 917129, số vào sổ cấp giấy CH 01152 mang tên ông Phạm L và bà Trần Thị K. Quá trình sinh sống, các cụ đã xây dựng nhà cấp 4, ba gian, lợp ngói và trồng một số cây cổ thụ trên thửa đất này.
Ngày 10/01/2011, cụ Trần Thị K chết, không để lại di chúc. Ngày 10/12/2016, cụ Phạm L chết, không để lại di chúc. Mẹ chị là bà Phạm Thị D chỉ sinh ra một mình chị (không xác định được cha), ngoài ra mẹ chị không có con riêng, không có con nuôi. Năm 2006, ông Phạm Văn L phá nhà cấp 4 của các cụ để làm nhà kiên cố. Năm 2018, ông Phạm Văn L có nói với chị là cụ Phạm L có để lại di chúc cho ông L. Ông Phạm Văn Q yêu cầu chia di sản thừa kế thì chị có nguyện vọng phần diện tích đất cụ Phạm L để lại di chúc cho ông L, bà L thì ông L, bà L được hưởng, đối với diện tích đất của cụ Trần Thị K chia đều cho các đồng thừa kế, trong đó có mẹ chị là Phạm Thị D. Mẹ chị đã chết nên phần thừa kế đó chị được hưởng. Phần của chị để lại cho ông Phạm Văn L, bà L hưởng. Chị mong muốn các cậu, các dì ngồi lại bàn bạc để thống nhất giải quyết, trong phần đất của cụ Phạm L và cụ Trần Thị K trích ra một phần đất để làm nhà thờ và đứng tên tất cả các anh em.
* Đại diện VKSND huyện Quảng Trạch phát biểu quan điểm:
Về thủ tục tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý cho đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và đương sự đã tuân theo pháp luật tố tụng. Bị đơn ông Phạm Văn L vắng mặt.
Về việc giải quyết vụ án: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào các Điều 26, 35, 39, 147, 157, 158, 165, 166, 227 và Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 649, 650, 652, 656 và 657 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 609, 611, 612, 613, 614, 620, 623, 624, 627, 630, 634, 635, 649, 650, 651, 652, 660 và Điều 688 của Bộ luật Dân sự 2015; Điều 12, 15, 26 và Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Văn Q về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản” đối với bị đơn ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L. Công nhận bản di chúc do cụ Phạm L lập ngày 07/8/2013 là hợp pháp.
Xác định, di sản thừa kế của cụ Trần Thị K để lại là ½ quyền sử dụng đất, có diện tích là 498,15m2, trong đó 150,0m2 đất ở và 348,15m2 đất trồng cây hàng năm khác, có giá trị là 34.588.500 đồng. Di sản được chia ra 07 kỷ phần, mỗi kỷ phần tương ứng 21,42m2 đất ở và 49,73m2 đất trồng cây hàng năm khác, có giá trị tương ứng là 4.941.214 đồng. Xác định di sản thừa kế do cụ Phạm L để lại là 171,42m2 đất ở và 397,88m2 đất trồng cây hàng năm khác, có giá trị là 39.529.714 đồng. Phần di sản này được định đoạt theo di chúc cho ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L được hưởng. Ghi nhận sự tự nguyện nhượng lại, tặng cho phần di sản thừa kế được hưởng cho ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L của chị Phạm Thị H.
Chia cho ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L được hưởng phần diện tích đất thuộc thửa đất số 147, tờ bản đồ số 04, tại thôn X, xã Q (nay là xã L), huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, có diện tích là 782,85m2, trong đó: đất ở là 235,74m2 và đất trồng cây hàng năm khác là 547,11m2, có giá trị là 54.353.356 đồng. Chia cho ông Phạm Văn Q được hưởng phần diện tích đất thuộc thửa đất số 147, tờ bản đồ số 04, tại thôn X, xã Q (nay là xã L), huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, có diện tích là 213,45m2, trong đó: đất ở là 64,26m2 và đất trồng cây hàng năm khác là 149,19m2, có giá trị là 14.823.642 đồng (Phần đất tọa lạc theo sơ đồ, vị trí giáp ranh, chiều dài cạnh thửa được xác định kèm theo). Các đương sự có quyền và nghĩa vụ liên hệ cơ quan có thẩm quyền kê khai, đăng ký, điều chỉnh, chỉnh lý biến động làm thủ tục tách thửa, cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định. Buộc ông Phạm Văn Q phải thanh toán cho bà Phạm Thị T và bà Phạm Thị L mỗi người số tiền là 4.941.214 đồng.
Về chi phí tố tụng: Ông Phạm Văn Q chịu số tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản là 2.100.000 đồng. Buộc ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L phải hoàn trả cho ông Phạm Văn Q số tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản là 2.000.000 đồng.
Về án phí: Miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm cho ông Phạm Văn Q. Buộc ông Phạm Văn L, bà Nguyễn Thị Thanh L, bà Phạm Thị T và bà Phạm Thị L phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm nộp sung vào ngân sách nhà nước
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng:
[1.1] Ông Phạm Văn Q làm đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với di sản thừa kế của cụ Phạm L và cụ Trần Thị K tại thôn X, xã Q (nay là xã L), huyện Q, tỉnh Quảng Bình. Tòa án nhân dân huyện Quảng Trạch thụ lý, giải quyết vụ án chia di sản thừa kế là đúng điều kiện, thời hiệu khởi kiện, quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 26, Điều 35, Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 623 của Bộ luật Dân sự.
[1.2] Bị đơn ông Phạm Văn L đã được tống đạt, triệu tập hợp lệ nhưng vẫn vắng mặt. Căn cứ vào Điều 227 và Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử xét xử vụ án vắng mặt ông Phạm Văn L.
[2] Về thời đi ểm mở th ừa k ế, hàng thừa k ế.
[2.1] Cụ Phạm L (sinh năm 1924, chết ngày 10/12/2016) và cụ Trần Thị K (sinh năm 1924, chết ngày 10/01/2011) có quan hệ vợ chồng. Quá trình chung sống hai cụ sinh được 05 người con gồm: Bà Phạm Thị D (sinh năm 1951, chết ngày 16/8/2007), ông Phạm Văn Q, bà Phạm Thị T, ông Phạm Văn L và bà Phạm Thị L.
Cụ Trần Thị K chết ngày 10/01/2011, trước khi chết thì không để lại di chúc để định đoạt, chuyển tài sản của mình cho người khác, điều này đã được các đồng thừa kế thừa nhận. Như vậy, di sản của cụ K để lại là 1/2 quyền sử dụng đất và hàng thừa kế của cụ K gồm có 06 người là cụ Phạm L, bà Phạm Thị D, ông Phạm Văn Q, bà Phạm Thị T, ông Phạm Văn L và bà Phạm Thị L.
[2.2] Bà Phạm Thị D chết năm 2007, chết trước thời điểm mở thừa kế của cụ Trần Thị K và cụ Phạm L nên con bà Phạm Thị D là chị Phạm Thị H thừa kế thế vị, được hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Các đồng thừa kế của cụ Phạm L, cụ Trần Thị K xác định trước khi chết hai cụ không để lại nghĩa vụ tài sản gì.
[3] Xác định di sản thừa kế:
[3.1] Các đương sự đều xác định di sản của cụ Phạm L và cụ Trần Thị K để lại là quyền sử dụng đất, có diện tích 996,3m2, trong đó đất ở 300,0m2, đất trồng cây hàng năm khác là 696,3m2, thuộc thửa đất số 147, tờ bản đồ số 04, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BP 917129, số vào sổ cấp GCN: CH 01152 mang tên hộ ông Phạm L và bà Trần Thị K.
[3.2] Do các đương sự không xác định được giá trị tài sản, không thỏa thuận được giá tài sản, không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản và đề nghị Tòa án xem xét định giá tài sản nên Tòa án quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá theo quy định. Kết quả định giá tài sản xác định, di sản thừa kế do cụ Phạm L và cụ Trần Thị K để lại là quyền sử dụng đất, có diện tích 996,3m2, trong đó đất ở là 300,0m2, đất trồng cây hàng năm khác là 696,3m2, có giá trị là 69.177.000 đồng, trong đó: đất ở là 300,0m2 x 154.000 đồng/1m2 = 46.200.000 đồng;
đất trồng cây hàng năm khác là 696,3m2 x 33.000 đồng/1m2 = 22.977.000 đồng. Các bên thống nhất giá trị của Hội đồng định giá xác định.
[4] Xét yêu cầu của đương sự, Hội đồng xét xử xét thấy:
[4.1] Xét về bản di chúc:
[4.1.1] Vào ngày 07/8/2013, cụ Phạm L đã lập bản di chúc có nội dung để lại ½ quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung với cụ Trần Thị K và phần di sản thừa kế mà cụ Phạm L được hưởng của cụ Trần Thị K cho vợ chồng ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L được hưởng. Di chúc được ông Lê Anh Đ và ông Phạm Minh T là những người đã viết thay cho cụ Phạm L. Ông Đ và ông T xác định chính hai ông là người trực tiếp viết di chúc cho cụ Phạm L, về nội dung bản di chúc là do cụ Phạm L đọc để các ông viết. Như vậy, cụ Phạm L lập di chúc trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt, không bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép; nội dung không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; di chúc có người làm chứng. Bản di chúc sau đó được ông Nguyễn Đức Q là cán bộ tư pháp trực tiếp đọc lại cho cụ Phạm L nghe và đồng ý ký tên. Bản di chúc đã được chứng thực tại UBND xã Q (nay là xã L) theo thủ tục quy định của pháp luật. Do vậy, di chúc mà cụ Phạm L để lại hoàn toàn hợp pháp nên di sản của cụ Phạm L sẽ được thừa kế theo di chúc. Vì vậy, ý kiến, quan điểm của ông Phạm Văn Q cho rằng, di chúc do cụ Phạm L lập vào ngày 07/8/2013 là giả mạo, lừa dối, không hợp pháp là không có cơ sở.
[4.1.2] Mặt khác, ông Phạm Văn Q cho rằng di chúc không hợp pháp, tuy nhiên, ông Q không đưa ra được các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ. Ông đề nghị giám định chữ ký nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ thể hiện chữ ký, chữ viết, mẫu so sánh của cụ Phạm L để tiến hành việc trưng cầu giám định. Do vậy, yêu cầu này của ông Phạm Văn Q là không có cơ sở chấp nhận.
[4.2] Xác định, di sản thừa kế của cụ Phạm L và cụ Trần Thị K để lại là quyền sử dụng đất có diện tích 996,3m2, trong đó đất ở là 300,0m2, đất trồng cây hàng năm khác là 696,3m2, có giá trị là 69.177.000 đồng.
[4.2.1] Cụ K chết không để lại di chúc để định đoạt, chuyển tài sản của mình cho người khác, điều này đã được các đồng thừa kế thừa nhận. Sau khi cụ K chết thì các thừa kế cũng không tranh chấp, phân chia di sản thừa kế. Do cụ K chết không để lại di chúc nên di sản thừa kế được chia theo pháp luật. Về nguyên tắc, chia đều cho các đồng thừa kế, được hưởng kỷ phần ngang nhau. Tuy nhiên, khi phân chia cần xem xét đến công sức của người quản lý di sản. Xác định, ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L là người có công chăm sóc, gìn giữ, quản lý di sản thừa kế từ trước cho đến nay và hiện tại vẫn đang quản lý, sử dụng đất. Vì vậy, ông L và bà L được hưởng thêm một kỷ phần khi phân chia di sản theo pháp luật và phần còn lại sau khi phân chia cho các đồng thừa kế.
[4.2.2] Xác định, di sản thừa kế của cụ K để lại đề nghị phân chia là ½ quyền sử dụng đất, có diện tích là 498,15m2, trong đó 150,0m2 đất ở và 348,15m2 đất trồng cây hàng năm khác, có giá trị là 34.588.500 đồng. Di sản được chia ra 07 kỷ phần bằng nhau, mỗi kỷ phần tương ứng 21,42m2 đất ở và 49,73m2 đất trồng cây hàng năm khác, có giá trị tương ứng là 4.941.214 đồng. Gồm cụ Phạm L, bà Phạm Thị D, ông Phạm Văn Q, bà Phạm Thị T, ông Phạm Văn L và bà Phạm Thị L. Ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L được hưởng thêm một kỷ phần và phần còn lại sau khi phân chia cho các đồng thừa kế.
[4.3] Kỷ phần của bà Phạm Thị D được chia cho chị Phạm Thị H. Chị Phạm Thị H không nhận di sản thừa kế mà nhượng lại, tặng cho phần di sản thừa kế được chia, được hưởng cho ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L. Xét thấy, việc nhượng lại, tặng cho phần di sản thừa kế của chị Phạm Thị H là hoàn toàn tự nguyện, không bị ai ép buộc, lừa dối nên được chấp nhận. Do phần đất của mỗi kỷ phần được hưởng có diện tích nhỏ và bà T, bà L cũng không có yêu cầu được nhận đất. Vì vậy, cần giao kỷ phần của bà T và bà L cho ông Phạm Văn Q được hưởng bằng hiện vật và ông Q có trách nhiệm giao tiền giá trị tài sản cho bà T và bà L là phù hợp.
[4.4] Bản di chúc của cụ Phạm L có hiệu lực pháp luật nên di sản của cụ Phạm L được chia theo di chúc. Xác định, di sản thừa kế của cụ Phạm L để lại định đoạt theo di chúc là ½ quyền sử dụng đất tại thôn X, xã L, huyện Q, tỉnh Quảng Bình, có diện tích là 498,15m2, trong đó: đất ở là 150,0m2 và 348,15m2 đất trồng cây hàng năm khác, có giá trị là 34.588.500 đồng và 01 kỷ phần di sản mà cụ Phạm L được hưởng của cụ K là 21,42m2 đất ở và 49,73m2 đất trồng cây hàng năm khác, có trị giá là 4.941.214 đồng. Như vậy, di sản của cụ Phạm L để lại là 171,42m2 đất ở và 397,88m2 đất trồng cây hàng năm khác, có tổng giá trị là 39.529.714 đồng. Phần di sản này được định đoạt theo di chúc cho ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L được hưởng.
[5] Đối với ý kiến của nguyên đơn, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị di sản thừa kế để lại là quyền sử dụng đất chia làm 03 phần, 01 phần diện tích làm nhà thờ, 02 phần chia đều cho ông L và ông Q, Hội đồng xét xử xét thấy: Quá trình giải quyết vụ án ý kiến này đã được các bên đưa ra trao đổi, thống nhất tuy nhiên không được phía bị đơn đồng ý, chấp thuận, do vậy, không thể trích phần hưởng di sản của người thừa kế để làm nhà thờ khi không được sự chấp nhận của đồng thừa kế. Đồng thời, di sản thừa kế để lại được xác định và được phân chia theo di chúc và theo pháp luật. Cho nên, sau khi được hưởng di sản, việc xây nhà thờ là do các đồng thừa kế thực hiện, tuỳ thuộc vào các bên tự thống nhất. Vì vậy, Hội đồng xét xử không thể trích trong phần di sản thừa kế để lại sử dụng vào mục đích xây nhà thờ. Tại phiên toà, bị đơn không yêu cầu phải thanh toán các tài sản trên đất không còn mấy giá trị, cây cối, hoa màu.
[6] Xét quan điểm, đề xuất của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa về hướng giải quyết vụ án là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử, phù hợp với quy định của pháp luật.
[7] Về chi phí tố tụng: Tổng số tiền chi phí tố tụng tạm thu của nguyên đơn là 6.000.000 đồng. Qúa trình giải quyết vụ án số tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản là 4.100.000 đồng, còn lại 1.900.000 đồng. Đối với số tiền còn lại 1.900.000 đồng đã được giao trả lại cho nguyên đơn. Tại phiên toà, nguyên đơn thống nhất chịu 2.100.000 đồng, bị đơn thống nhất chịu 2.000.000 đồng. Số tiền nguyên đơn phải chịu được khấu trừ vào tiền tạm ứng chi phí tố tụng mà nguyên đơn đã nộp. Đối với số tiền mà bị đơn chịu 2.000.000 đồng, do nguyên đơn đã nộp tạm ứng số tiền trên nên buộc bị đơn phải hoàn trả cho nguyên đơn là 2.000.000 đồng.
[8] Về án phí: Ông Phạm Văn Q thuộc đối tượng người cao tuổi nên được miễn án phí dân sự sơ thẩm theo quy định. Bà Phạm Thị T và bà Phạm Thị L phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với kỷ phần được hưởng. Ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với kỷ phần được hưởng và phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với kỷ phần được hưởng của chị Phạm Thị H tặng cho.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào các Điều 26, 35, 39, 147, 157, 158, 165, 166, 227 và Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 649, 650, 652, 656 và 657 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 609, 611, 612, 613, 614, 620, 623, 624, 627, 630, 634, 635, 649, 650, 651, 652, 660 và Điều 688 của Bộ luật Dân sự 2015; Điều 12, 15, 26 và Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Văn Q về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản” đối với bị đơn ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L.
2. Công nhận bản di chúc do cụ Phạm L lập ngày 07/8/2013 là hợp pháp.
3. Xác định, di sản thừa kế của cụ Trần Thị K để lại là ½ quyền sử dụng đất, có diện tích là 498,15m2, trong đó 150,0m2 đất ở và 348,15m2 đất trồng cây hàng năm khác, có giá trị là 34.588.500 đồng. Di sản được chia ra 07 kỷ phần, mỗi kỷ phần tương ứng 21,42m2 đất ở và 49,73m2 đất trồng cây hàng năm khác, có giá trị tương ứng là 4.941.214 đồng.
4. Xác định di sản thừa kế do cụ Phạm L để lại là 171,42m2 đất ở và 397,88m2 đất trồng cây hàng năm khác, có giá trị là 39.529.714 đồng. Phần di sản này được định đoạt theo di chúc cho ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L được hưởng.
5. Ghi nhận sự tự nguyện nhượng lại, tặng cho phần di sản thừa kế được hưởng cho ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L của chị Phạm Thị H.
6. Chia di sản thừa kế:
6.1. Chia cho ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L được hưởng phần diện tích đất thuộc thửa đất số 147, tờ bản đồ số 04, tại thôn X, xã Q (nay là xã L), huyện Q, tỉnh Quảng Bình, có diện tích là 782,85m2, trong đó: đất ở là 235,74m2 và đất trồng cây hàng năm khác là 547,11m2, có giá trị là 54.353.356 đồng. Có vị trí: Phía Bắc tiếp giáp đường giao thông dài 19.53m; phía Nam tiếp giáp đường giao thông dài 8.52m+8.43m; phía Đông tiếp giáp phần diện tích đất chia cho ông Phạm Văn Q thuộc thửa đất số 147, tờ bản đồ số 04 dài 23.23m+18.57m; phía Tây giáp thửa đất số 113 và thửa đất số 115 dài 15.30m+27.27m.
6.2. Chia cho ông Phạm Văn Q được hưởng phần diện tích đất thuộc thửa đất số 147, tờ bản đồ số 04, tại thôn X, xã Q (nay là xã L), huyện Q, tỉnh Quảng Bình, có diện tích là 213,45m2, trong đó: đất ở là 64,26m2 và đất trồng cây hàng năm khác là 149,19m2, có giá trị là 14.823.642 đồng. Có vị trí: Phía Bắc tiếp giáp đường giao thông dài 5.02m; phía Nam tiếp giáp đường giao thông dài 6m; phía Đông giáp thửa đất số 148, tờ bản đồ số 04 dài 41.69m; phía Tây tiếp giáp phần diện tích đất chia cho ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L thuộc thửa đất 147, tờ bản đồ số 04 dài 23.23m+18.57m (Phần đất tọa lạc theo sơ đồ, vị trí giáp ranh, chiều dài cạnh thửa được xác định kèm theo).
- Các đương sự có quyền và nghĩa vụ liên hệ cơ quan có thẩm quyền kê khai, đăng ký, điều chỉnh, chỉnh lý biến động làm thủ tục tách thửa, cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định.
6.3. Buộc ông Phạm Văn Q phải thanh toán cho bà Phạm Thị T và bà Phạm Thị L mỗi người số tiền là 4.941.214 đồng.
7. Về chi phí tố tụng:
7.1. Ông Phạm Văn Q chịu số tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản là 2.100.000 đồng. Số tiền này được khấu trừ vào tiền tạm ứng chi phí tố tụng mà ông Phạm Văn Q đã nộp.
7.2. Buộc ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L phải hoàn trả cho ông Phạm Văn Q số tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản là 2.000.000 đồng.
8. Về án phí:
8.1. Miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm cho ông Phạm Văn Q.
8.2. Buộc ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị Thanh L phải chịu 2.717.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm nộp sung vào ngân sách nhà nước.
8.3. Buộc bà Phạm Thị T phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm nộp sung vào ngân sách nhà nước.
8.4. Buộc bà Phạm Thị L phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm nộp sung vào ngân sách nhà nước.
“Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án, theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự”.
“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”.
Các đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 17/2024/DS-ST
Số hiệu: | 17/2024/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Quảng Trạch - Quảng Bình |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 24/09/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về