Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 10/2022/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 10/2022/DS-PT NGÀY 05/04/2022 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 05/4/2022, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 59/2021/TLPT-DS ngày 07/12/2021, về “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 12/2021/DS-ST ngày 17/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện T N bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 24/2022/QĐ-PT ngày 07/3/2022 và Thông báo chuyển ngày xét xử số 163/TB-TA ngày 21/3/2022, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Trần Đình T, sinh năm 1966.

Địa chỉ: Thôn An H B, xã N T, huyện T N, tỉnh Quảng Ngãi.

2. Bị đơn: Ông Trần Hữu T1, sinh năm 1953.

Địa chỉ: Thôn An H B, xã N T, huyện T N, tỉnh Quảng Ngãi.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Trần Thị S, sinh năm 1938.

Địa chỉ: Thôn Q T, xã N T, huyện C Đ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

- Ông Trần D, sinh năm 1952.

Địa chỉ: Số nhà 63/7, đường L V S, Phường 13, quận P N, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bà Phan Thị Th, sinh năm 1966.

- Chị Trần Thị D1, sinh năm 1990.

- Anh Trần Đình D2, sinh năm 1994.

Cùng trú tại địa chỉ: Thôn An H B, xã N T, huyện T N, tỉnh Quảng Ngãi.

(Ông Trần D, bà Trần Thị S, bà Phan Thị Th, chị Trần Thị D1, anh Trần Đình D2 đều ủy quyền cho ông Trần Đình T đại diện tham gia tố tụng).

- Ông Trần Đình T3, sinh năm 1963.

Địa chỉ: Thôn A H N, xã N T, huyện T N, tỉnh Quảng Ngãi.

- Ông Trần C, sinh năm 1969.

Địa chỉ: Thôn An H B, xã N T, huyện T N, tỉnh Quảng Ngãi.

- Bà Võ Thị L, sinh năm 1957.

Địa chỉ: Thôn A H N, xã N T, huyện T N, tỉnh Quảng Ngãi.

- Chị Trần Thị Tố D3, sinh năm 1976.

Hộ khẩu thường trú: Thôn An H B, xã N T, huyện T N, tỉnh Quảng Ngãi.

- Chị Trần Thị Tố U, sinh năm 1978.

Hộ khẩu thường trú: Thôn A H N, xã N T, huyện T N, tỉnh Quảng Ngãi.

- Chị Trần Thị Tố Ng, sinh năm 1981.

Địa chỉ: Nhà số 28, Đường 1, Phường 0, Quận 0, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Chị Trần Thị Nguyệt C1, sinh năm 1983.

Địa chỉ: Thôn A H N, xã N T, huyện T N, tỉnh Quảng Ngãi.

- Anh Trần Đ, sinh năm 1988.

Địa chỉ: Xã N T, huyện T N, tỉnh Quảng Ngãi.

- Anh Trần Đình Ngh, sinh năm 1990.

Địa chỉ: Thôn A H N, xã N T, huyện T N, tỉnh Quảng Ngãi.

(Chị Trần Thị Tố D3, chị Trần Thị Tố U, chị Trần Thị Tố Ng, chị Trần Thị Nguyệt C1, anh Trần Đ, anh Trần Đình Ngh đều ủy quyền cho bà Võ Thị L đại diện tham gia tố tụng).

- Bà Hồ Thị Mai Kh, sinh năm 1957.

- Anh Trần Bảo Ch, sinh năm 1983.

- Anh Trần Bảo Kh1, sinh năm 1985.

- Anh Trần Bảo Kh2, sinh năm 1987.

- Chị Hà Thị A, sinh năm 1991.

Cùng trú tại địa chỉ: Thôn An H B, xã N T, huyện T N, tỉnh Quảng Ngãi.

- Chị Trần Bảo H, sinh năm 1981.

Địa chỉ: Số nhà 129 đường H V, phường T H Đ, thành phố Q N, tỉnh Quảng Ngãi.

(Bà Hồ Thị Mai Kh, anh Trần Bảo Ch, anh Trần Bảo Kh1, anh Trần Bảo Kh2, chị Hà Thị A, chị Trần Bảo H ủy quyền cho ông Trần Hữu T1 đại diện tham gia tố tụng).

4. Người kháng cáo: Bị đơn là ông Trần Hữu T1.

(Tại phiên tòa, ông Trần Đình T, ông Trần Hữu T1, ông Trần Đình T3, bà Võ Thị L có mặt; ông Trần C vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Trần Đình T trình bày:

Cha ông là cụ Trần Đ1 (sinh năm 1922, chết năm 1969), mẹ là cụ Võ Thị L1 (sinh năm 1924, chết năm 1983). Ông bà, nội là cụ ông Trần T2 (chết năm 1960) và cụ bà Lê Thị C2 (chết năm 1962). Ông bà ngoại là cụ ông Võ Th1 (chết năm 1959) và cụ bà Thới Thị X (chết năm 1950).

Cha, mẹ ông sinh được 07 người con chung gồm: Trần Thị S, Trần D, Trần Hữu T1, Trần Đình T3, Trần Bình Tr (chết năm 1968, không có vợ, con), Trần Bình S (chết 2009, có vợ và con), Trần Đình T. Ngoài ra, cụ Đ1 còn có 01 người con ngoài giá thú là ông Trần C.

Lúc còn sống, cha mẹ ông được ông, bà nội là cụ Trần T2, Lê Thị C2 lưu hạ một mảnh đất nay mang số thửa 143, tờ bản đồ số 19, diện tích đo thực tế 3.788,2m2 (200m2 đất ở; 3.588,2m2 đất vườn) tọa lạc tại Thôn An H B, xã N T, huyện T N, tỉnh Quảng Ngãi. Trước năm 1975 gia đình ông đi tản cư, sau giải phóng gia đình ông quay về đất ông bà nội (nay là thửa 143), mẹ ông có làm một căn nhà trên mảnh vườn sinh sống cùng ông, ông T1, ông T3, ông Sự; còn bà S, ông D lập gia đình trước năm 1975 nên đi ở nơi khác. Năm 1984, ông T3 lấy vợ ra ở riêng vườn khác, năm 1989 ông lấy vợ và năm 1991 ông làm nhà riêng trên mảnh vườn này, còn căn nhà của mẹ bị hư hỏng nên ông T1 tháo dỡ và làm nhà khác như hiện nay. Riêng ông S năm 1976 lấy vợ, khi lấy vợ thì ra ở riêng trên một mảnh vườn khác do Nhà nước cấp, nhưng vẫn quay về vườn cha mẹ làm một cái quán để buôn bán, nay quán đã hư hỏng. Năm 2011, Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ mảnh vườn cho vợ chồng ông T1 nên các anh em gia đình khiếu nại, năm 2017 Nhà nước đã thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng ông T1. Ông và các anh em trong gia đình nhiều lần trao đổi với ông T1 là để ông làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận phần đất ông đã làm nhà ở từ năm 1991, nhưng ông T1 không đồng ý dẫn đến tranh chấp.

Khi chết, cha mẹ không để lại di chúc. Ông Trần C từ chối chia di sản thừa kế; ông Trần Bình Tr chết lúc chưa có vợ, con. Ông khởi kiện yêu cầu chia mảnh vườn diện tích 3.788,2m2 cho 06 đồng thừa kế bằng hiện vật, mỗi người nhận 631,3m2. Tại phiên tòa sơ thẩm ông thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, ông không yêu cầu chia toàn bộ diện tích 3.788,2m2 đất vườn, mà yêu cầu chia diện tích 2.000m2 đất cho 05 anh em thành 5 phần bằng nhau, mỗi người được nhận 400m2 đất bằng hiện vật. Riêng ông T1 đã được Nhà nước cân đối 1.788,2m2 đất vườn, nên ông đề nghị không chia cho ông T1. Khi nhận đất, nếu trên phần đất được chia có tài sản của bị đơn thì nguyên đơn nhận và hoàn trả lại giá trị cho bị đơn.

Tại biên bản lấy lời khai, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa bị đơn ông Trần Hữu T1 trình bày:

Về nguồn gốc mảnh vườn, hàng thừa kế, quá trình quản lý sử dụng như nguyên đơn trình bày là đúng. Sau khi lấy vợ, năm 1981 ông được Nhà nước cấp một mảnh đất ở thôn A H N, xã N T và vợ chồng ông đã làm nhà ở. Mặc dù, ông là con trai thứ trong gia đình nhưng vì con trai trưởng là ông Trần D đi lập nghiệp ở tỉnh khác, nên trước khi mẹ mất bà và anh em có nói ông về ở trên mảnh vườn để lo thờ cúng ông, bà, cha, mẹ. Năm 1984, vợ chồng ông để vườn nhà của mình ở thôn A H N cho vợ chồng ông T3 đến ở, còn vợ chồng ông về vườn cha mẹ làm nhà ở đến nay. Trong quá trình ở, năm 1994 ông kê khai toàn bộ mảnh vườn này, năm 1999 Nhà nước cấp đất theo Nghị định 64/CP thì Hội đồng xét cấp đất đã cân đối toàn bộ đất vườn này cho hộ gia đình ông, năm 2007 gia đình ông được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và cấp đổi năm 2011. Sau đó, các anh em gia đình khiếu nại nên năm 2017 Nhà nước đã thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Mảnh vườn này từ khi mẹ chết đến nay, ông quản L toàn bộ, trừ phần đất ông T làm một ngôi nhà diện tích khoảng hơn 100m2, ông S làm một quán diện tích hơn 20m2. Nay, ông T, ông D, bà S, ông T3, vợ và con ông S yêu cầu chia di sản thừa kế ông không đồng ý, vì mảnh vườn này đã cân đối toàn bộ cho gia đình ông theo Nghị định 64/CP, nên không còn là di sản thừa kế của cha mẹ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Đình T3 trình bày:

Ông thống nhất lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn về nguồn gốc mảnh vườn, hàng thừa kế, quá trình quản L sử dụng. Năm 1984 ông lấy vợ, khi ra ở riêng vợ chồng ông dọn đến vườn nhà ông T1 tại thôn A H N ở đến nay. Còn vợ chồng ông T1 thì dọn về ở trên mảnh vườn của cha mẹ. Khi vợ chồng ông T1 về ở, thì các anh em không ai giao cho ông T1 trọn quyền hưởng mảnh vườn này. Còn việc vợ chồng ông đến ở trên vườn ông T1 là vì lúc này vợ chồng ông T1 không ở, bỏ trống thì Nhà nước sẽ thu hồi nên ông đến ở, rồi kê khai đăng ký được cấp Giấy chứng nhận như hiện nay. Nay cha mẹ chết không để lại di chúc, ông yêu cầu chia di sản như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ông xin nhận 400m2 đất bằng hiện vật. Trường hợp trong 2.000m2 đất di sản, nếu ông T1 được quyền hưởng thừa kế, thì khi chia ông yêu cầu chia 200m2 đất ở cho ông T1 và ông T nhận, giá trị chênh lệch giữa đất ở và đất vườn ông không yêu cầu ông T, ông T1 hoàn trả giá trị chênh lệch giá khi chia tài sản. Đối với các tài sản của ông T1 có trên phần đất ông được nhận, khi nhận ông sẽ hoàn trả lại giá trị cho ông T1.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Trần Thị Tố U, chị Trần Thị Tố Ng, chị Trần Thị Tố D3, chị Trần Thị Nguyệt C1, anh Trần Đ, anh Trần Đình Ngh và người đại diện theo ủy quyền bà Võ Thị L trình bày:

Bà thống nhất lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn về nguồn gốc mảnh vườn, hàng thừa kế, quá trình quản lý sử dụng. Năm 1976 bà L về làm dâu cụ L1, nhưng vợ chồng bà ở bên phía gia đình vợ, đến năm 1985 Nhà nước cấp đất lập vườn riêng tại thôn A H N. Năm 1990, ông S đến vườn của mẹ làm một máy xay gạo tại góc Tây Nam thửa đất 143, sau đó không xay gạo nữa thì vợ chồng bà sửa lại làm quán buôn bán, năm 1996 con gái là cháu Diễm ở may quần áo, đến năm 2002 thì bỏ trống cho đến nay. Vợ chồng bà sinh được 06 người con gồm: U, Ng, D3, C1, Đ, Ngh. Năm 2009, ông S đau chết, bà và các con được hưởng quyền lợi của chồng trong khối di sản cha mẹ chồng để lại. Bà và các con yêu cầu chia di sản thừa kế của cha mẹ chồng như ý kiến của nguyên đơn, bà và các con xin nhận 400m2 đất bằng hiện vật. Trường hợp trong 2.000m2 đất di sản, nếu ông T1 được quyền hưởng thừa kế, thì khi chia bà và các con yêu cầu chia 200m2 đất ở cho ông T1 và ông T nhận, giá trị chênh lệch giữa đất ở và đất vườn không yêu cầu ông T, ông T1 hoàn trả giá trị chênh lệch. Đối với các tài sản của ông T1 có trên phần đất bà và các con được nhận, khi nhận sẽ hoàn trả lại giá trị cho ông T1.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị S, ông Trần D ủy quyền cho ông Trần Đình T đại diện tham gia tố tụng trình bày:

Ông D, bà S thống nhất nội dung trình bày của nguyên đơn về nguồn gốc đất, hàng thừa kế, quá trình quản lý, sử dụng đất vườn. Mảnh vườn của cha mẹ ông bà, Nhà nước đã cân đối cho gia đình ông T1 1.788,2m2. Vậy 2.000m2 còn lại là di sản của cha mẹ. Cha mẹ ông, bà chết không để lại di chúc, nên di sản được chia theo pháp luật, do ông T1 đã được cân đối 1.788,2m2 nên phần di sản không chia cho ông T1, mà chỉ chia cho 05 anh em còn lại, mỗi người nhận 400m2. Trường hợp trong 2.000m2 đất di sản, nếu ông T1 được quyền hưởng thừa kế, thì ông, bà yêu cầu chia 200m2 đất ở cho ông T1 và ông T nhận, giá trị chênh lệch giữa đất ở và đất vườn, ông bà không yêu cầu ông T, ông T1 hoàn trả giá trị chênh lệch. Đối với các tài sản của ông T1 có trên phần đất ông, bà nhận thì ông, bà sẽ hoàn trả lại giá trị cho ông T1.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm các ông, bà: Hồ Thị Mai Kh, Trần Bảo H, Trần Bảo Ch, Trần Bảo Kh1, Trần Bảo Kh2, Hà Thị A và người đại diện theo ủy quyền là ông Trần Hữu T1 trình bày:

Tất cả đều thống nhất như lời khai của ông T1. Năm 2012, vợ chồng ông T1 có làm một căn nhà trên thửa đất 143 cho con trai là Trần Bảo Ch, con dâu Hà Thị A ở; mặc dù ngôi nhà này do vợ chồng Ch quản lý, sử dụng nhưng quyền sở hữu là của vợ chồng ông T1. Bà A là con dâu nên không có ý kiến tranh chấp gì.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần C trình bày:

Ông là con riêng của cụ Trần Đ1, nay các anh em cùng cha khác mẹ tranh chấp chia di sản thừa kế của cụ Đ1, cụ L1 tại mảnh vườn số 143, tờ bản đồ số 19 đo vẽ năm 2010 của xã Nghĩa Thắng, bản thân ông không có tranh chấp tài sản nói trên, nếu ông Đ1 hưởng thì ông cũng từ chối nhận. Ông đề nghị Tòa giải quyết vắng mặt ông, ông không khiếu nại hay thắc mắc gì.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phan Thị Th, chị Trần Thị D1, anh Trần Đình D2 và người được ủy quyền là ông Trần Đình T trình bày:

Tất cả đều thống nhất như lời khai của ông T.

Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2021/DS-ST ngày 17/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện T N đã tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Đình T; của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị S, ông Trần D, ông Trần Đình T3, bà Võ Thị L và các con bà L là bà Trần Thị Tố U, bà Trần Thị Tố Ng, bà Trần Thị Tố D3, bà Trần Thị Nguyệt C1, ông Trần Đ, ông Trần Đình Ngh.

Chia cho ông Trần Đình T, Trần Đình T3, Trần D, bà Trần Thị S, bà Võ Thị L cùng các con, mỗi đồng thừa kế được nhận 01 kỷ phần di sản thừa kế là 283,3m2 đất. Cụ thể chia như sau:

- Chia cho bà S nhận lô số 01 được nối các điểm 1, 2, 3, 36, 37, 1 diện tích 283,3m2 có giới cận: Đông giáp lô số 02 chia cho ông D cạnh dài 35,38m; Tây giáp thửa đất 109 cạnh dài 35,3m; Nam giáp đất vườn của ông T1 cạnh dài 8m; Bắc giáp đường bê tông cạnh dài 8m. Buộc ông Trần Hữu T1 có trách nhiệm tháo dỡ tường xây gạch, dựng trụ bê tông rào lưới P40 phía Bắc lô đất bà S nhận.

- Chia cho ông D nhận lô số 02 được giới hạn từ các điểm 3, 4, 38, 37, 3 diện tích 283,3m2 có giới cận: Đông giáp lô số 03 chia cho ông T3 cạnh dài 35,5m; Tây giáp lô số 02 cạnh dài 35,38m; Nam giáp đất vườn của ông T1 cạnh dài 8m; Bắc giáp đường bê tông cạnh dài 8m. Buộc ông Trần Hữu T1 có trách nhiệm tháo dỡ tường xây gạch, trồng trụ bê tông gắn cổng, rào lưới P40 phía Bắc lô đất chia cho ông D.

- Chia cho ông T3 nhận lô số 03 được giới hạn từ các điểm 4, 5, 40, 39, 38, 4 diện tích 283,3m2 có giới cận: Đông giáp lô số 04 chia cho vợ và con ông S cạnh dài 35,3m; Tây giáp lô số 02 cạnh dài 35,5m; Nam giáp đất vườn của ông T1 cạnh dài 8m; Bắc giáp đường bê tông cạnh dài 8m.

Buộc ông Trần Hữu T1 tháo dỡ tường xây gạch, trồng trụ bê tông rào lưới P40 phía Bắc lô đất chia cho ông T3.

- Chia cho bà L cùng các con ông S 02 lô gồm:

+ Lô số 04 diện tích 164,8m2 được giới hạn từ các điểm 5, 6, 42, 41, 40, 5 có giới cận: Đông giáp lô số 05 và đất vườn ông T1, cạnh dài 32,86m; Tây giáp lô số 03 cạnh dài 32,94m; Nam giáp đất vườn của gia đình ông T1, cạnh dài 5m; Bắc giáp đường bê tông cạnh dài 5m.

Buộc ông Trần Hữu T1 phải tháo dỡ tường xây gạch, trồng trụ bê tông rào lưới P40 phía Bắc lô đất chia cho bà L và các con nhận.

+ Lô đất số 06 được giới hạn từ các điểm 27, 28, 29, 44, 45, 48, 49, 26, 27, diện tích 118,5m2 có giới cận: Đông giáp lô số 07 (nhà ông T) và phần đất mộ cạnh, dài 25,33m; Tây giáp thửa đất số 109 cạnh dài 25,52m; Nam giáp Tỉnh lộ 623B, cạnh dài 5,71m; Bắc giáp đất vườn gia đình ông T1, cạnh dài 3,98m.

Tất các lô đất chia cho bà S, ông D, ông T3, bà L cùng các con ông Sự nhận, đều là loại đất vườn (không có đất ở).

- Chia cho ông T nhận 02 lô, gồm:

+ Lô số 05 diện tích 136,3m2 được giới hạn từ các điểm 6, 7, 43, 42, 6 có giới cận: Đông giáp đất vườn còn lại của gia đình ông T1, cạnh dài 27,32m; Tây giáp lô số 04 cạnh dài 27,32m; Nam giáp đất vườn của gia đình ông T1, cạnh dài 5m; Bắc giáp đường bê tông, cạnh dài 5m.

Buộc ông Trần Hữu T1 phải tháo dỡ tường xây gạch, trồng trụ bê tông rào lưới P40 phía Bắc lô đất chia cho ông T.

+ Lô số 07 diện tích 147m2 được giới hạn từ các điểm 25, 26, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 26 có giới cận: Đông giáp nhà ông T1 cạnh dài 25,2m; Tây giáp lô số 06 cạnh dài 25,33m; Nam giáp Tỉnh lộ 623B cạnh dài 6,56m; Bắc giáp đất vườn gia đình ông T1 cạnh dài 5,80m.

- Chia cho ông T1 nhận 566,6m2 được giới hạn từ các điểm 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 56, 57, 58, 55, 44, 29, có giới cận: Đông giáp lô số 09 (phần đất vườn gia đình ông T1), cạnh dài 37,65m; Tây giáp thửa đất 109, cạnh dài 41,08m; Nam giáp lô số 06, số 07, số 09, cạnh dài 14,59m; Bắc giáp lô số 09, cạnh dài 13,53m.

Trong diện tích 566,6m2 đất chia cho ông T1 nhận, có 100m2 đất ở và 466,6m2 đất vườn.

Vị trí, số đo, diện tích từng lô đất (phần đất) được chia có bản vẽ kèm theo. Đối với các lô đất số 01, 02, 03, 04, 05 chia cho các đồng thừa kế, hiện nay ông T1 đang quản lý, nên ông T1 có nghĩa vụ giao cho các đồng thừa kế.

2. Các ông, bà: Trần Thị S, Trần D, Trần Đình T3, bà Võ Thị L và các con bà L không yêu cầu ông Trần Đình T, ông Trần Hữu T1 hoàn trả (thối) giá trị chênh lệnh tài sản giữa đất ở với đất vườn khi chia di sản, nên Hội đồng xét xử không xem xét.

3. Không chấp nhận yêu cầu của các ông, bà: Trần Đình T, Trần Đình T3, Trần D, Trần Thị S, Võ Thị L và các con bà L yêu cầu chia mỗi kỷ phần nhận 116,7m2 đất.

4. Về hoàn trả giá trị tài sản trên đất:

- Bà Trần Thị S được sở hữu 53 cây cau có chiều cao từ 0,5m đến < 2m do ông T1 trồng trên lô đất số 01, nhưng phải hoàn trả lại giá trị tài sản cho ông T1 là 2.650.000đ (hai triệu, sáu trăm năm mươi ngàn đồng).

- Ông Trần D có quyền sở hữu 43 cây cau có chiều cao từ 0,5m đến < 2m do ông T1 trồng trên lô đất số 02, nhưng phải hoàn trả lại giá trị tài sản cho ông T1 là 2.150.000đ (hai triệu, một trăm năm mươi ngàn đồng).

- Ông Trần Đình T3 được quyền sở hữu 60 cây cau có chiều cao từ 0,5m đến < 2m, 01 cái giếng đóng bằng ống nhựa PVC, nhưng phải hoàn trả giá trị tài sản cho ông T1 là 6.085.000đ (sáu triệu, không trăm tám mươi lăm ngàn đồng).

- Bà Võ Thị L cùng các ông, bà Trần Thị Tố U, Trần Thị Tố Ng, Trần Thị Tố D3, Trần Thị Nguyệt C1, Trần Đ, Trần Đình Ngh được quyền sở hữu: 27 cây cau có chiều cao từ 0,5m đến < 2m trên lô đất số 04; 01 cây Mít đường kính > 30cm, 01 cây Sầu Đông đường kính < 20cm; 01 cây Vú Sửa đường kính < 20cm, 27 cây chuối chát (chuối hột) chưa cho quả, 01 cây Lồng Mức đường kính > 25cm trên lô đất số 06. Tất cả các tài sản, cây cối trên là của ông T1, nên bà L cùng các con phải hoàn trả lại giá trị cho ông T1 là 4.505.000đ (bốn triệu, năm trăm lẻ năm ngàn đồng).

- Ông Trần Đình T được quyền sở hữu 24 cây cau có chiều cao từ 0,5m đến < 2m do ông T1 trồng trên lô đất số 05, nhưng phải hoàn trả lại giá trị tài sản cho ông T1 là 1.200.000đ (một triệu hai trăm ngàn đồng).

5. Về chi phí đo đạc, thẩm định giá tài sản, xem xét thẩm định tại chỗ: Bà Trần Thị S, ông Trần D, ông Trần Đình T3 mỗi người phải hoàn trả cho ông Trần Đình T 3.019.200đ (ba triệu, không trăm mười chín ngàn, hai trăm đồng) tiền chi phí tố tụng; bà Võ Thị L, bà Trần Thị Tố U, bà Trần Thị Tố Ng, bà Trần Thị Tố D3, bà Trần Thị Nguyệt C1, ông Trần Đ, ông Trần Đình Ngh cùng liên đới hoàn trả cho ông Trần Đình T 3.019.200đ (ba triệu, không trăm mười chín ngàn, hai trăm đồng) tiền chi phí tố tụng; ông Trần Hữu T1 phải hoàn trả cho ông Trần Đình T 3.404.000đ (ba triệu, bốn trăm lẻ bốn ngàn đồng) tiền chi phí tố tụng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 30/6/2021, ông Trần Hữu T1 có đơn kháng cáo với nội dung yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết: Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 12/2021/DS-ST ngày 17/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện T N, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi:

- Về chấp hành pháp luật tố tụng: Thẩm phán, thư ký, Hội đồng xét xử và các đương sự chấp hành các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận nội dung kháng cáo của ông Trần Hữu T1, tuyên giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về di sản:

- Thửa đất tranh chấp yêu cầu chia thừa kế có số hiệu 143, tờ bản đồ số 19 đo vẽ năm 2010 của xã N T, nguyên là thửa số 477, tờ bản đồ số 16, đăng ký năm 1993, tất cả các đương sự đều thừa nhận có nguồn gốc của cụ Đ1 và cụ L1 để lại, do đó được xem là chứng cứ không phải chứng minh. Như vậy, thửa đất 143 là di sản của cụ Đ1 và cụ L1 để lại - Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện T N cấp cho vợ chồng ông T1 năm 2011 thì thửa đất 143 có diện tích 3.589,6m2 (có 200m2 đất ở), theo đo đạc thực tế tại cấp sơ thẩm diện tích là 3.788,2m2. Ngày 20/7/2017, UBND huyện T N đã ban hành Quyết định số 3639/QĐ-UBND về việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Trần Hữu T1 và bà Hồ Thị Mai Kh tại thửa đất số 143, tờ bản đồ số 19 đo vẽ năm 2010 của xã N T. Như vậy, thửa đất tranh chấp yêu cầu chia thừa kế đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

[2] Về thời hiệu yêu cầu chia thừa kế:

Cụ Đ1 chết năm 1969, cụ L1 chết năm 1983. Ngày 19/4/2019, ông Trần Đình T có đơn khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án sơ thẩm. Tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản. Tại Công văn giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp như sau: “Đi vi trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990”.

Như vậy, đơn khởi kiện chia thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất đối với thửa đất 143 của ông Trần Đình T và yêu cầu độc lập của bà Trần Thị S, ông Trần D, ông Trần Bình T3, bà Võ Thị L và các con bà L là còn trong thời hiệu.

[3] Về người quản lý di sản:

Sau khi cụ Võ Thị L1 chết năm 1983 thì trên thửa đất có ngôi nhà của ông Trần Hữu T1, ngôi nhà của ông Trần Đình T, ngôi nhà của bà Võ Thị L, như vậy là có 03 hộ cùng quản lý thửa đất 143.

[4] Về cân đối đất theo Nghị định 64/CP:

Ông T làm nhà ở riêng từ năm 1991 đến nay, nhưng không kê khai đăng ký đối với phần đất ông quản lý, ông T1 có tên kê khai trong sổ mục kê toàn bộ mảnh vườn năm 1994. Năm 1999, thực hiện cấp đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP, Hội đồng xét cấp đất có cân đối một phần đất vườn cho hộ gia đình ông T1. Theo đề án triển khai thực hiện Nghị định 64/CP của Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Thắng xã Nghĩa Thắng, được UBND huyện Tư Nghĩa phê duyệt tại Quyết định số 226/1999/QĐ-UB ngày 15/5/1999, thì mảnh vườn tranh chấp có diện tích trên 2.000m2 thuộc đất tính thuế nông nghiệp hạng 5,6, nên phần diện tích trên 2.000m2 được đưa vào quỹ đất nông nghiệp của địa phương (quỹ đất 64/CP) để cân đối cho các hộ nông dân. Tại Biên bản làm việc ngày 13/01/2021 đại diện UBND huyện T N trình bày đối với thửa đất số 477, diện tích 3.912m2, đo đạc thực tế 3.788,2m2 xã N T khi thực hiện cân đối theo Nghị định 64/CP thuộc đất hạng 6 nên diện tích đất trên 2.000m2 sẽ được đưa vào quỹ đất để cân đối cho hộ gia đình ông T1, diện tích 2.000m2 còn lại là đất vườn không đưa vào cân đối.

Như vậy, thửa đất 143 diện tích đo đạc thực tế 3.788,2m2 thì cân đối theo Nghị định 64/CP là 1.788,2m2 cho hộ ông T1 (có 06 nhân khẩu), diện tích đất 2.000m2 còn lại (trong đó có 200m2 đất ở và 1.800m2 đất vườn) không đưa vào cân đối nên đây là di sản của cụ Đ1, cụ L1. Trong diện tích 2.000m2 có một ngôi mộ diện tích 16,4m2 nằm giữa phần đất ông T và bà L đang sử dụng, nên diện đất di sản còn lại sau khi trừ đi phần đất mộ chỉ còn 1.983,6m2. Cụ Đ1, cụ L1 chết không để lại di chúc, căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, Tòa án cấp sơ thẩm chia di sản quyền sử dụng đất trong thửa đất 143 còn 1.983,6m2 theo pháp luật là phù hợp với quy định pháp luật.

[5] Về chia di sản:

Vợ chồng cụ Đ1, cụ Lịa hiện có 7 người con, đã chết 01 người không có vợ con nên còn 06 người gồm các ông, bà: S, D, T1, T3, T, vợ và con ông Sự. Cụ Đ1 có con riêng là ông Trần C, ông Trần C có văn bản từ chối nhận di sản, nên Hội đồng xét xử không giải quyết quyền lợi cho ông C, chỉ xem xét chia cho 6 người là các ông, bà: S, D, T1, T3, T, vợ và con ông Sự. Xét ông T1 có công quản lý di sản nên ông được hưởng thêm 1 phần công sức. Vì vậy, di sản được chia thành 07 phần, mỗi kỷ phần là 283,3m2 (1.983,6m2 : 7). Như vậy, các ông, bà S, D, T, T3, vợ và con ông Sự mỗi đồng thừa kế được hưởng 01 kỷ phần; ông T1 được hưởng 02 kỷ phần là 566,6m2. Ông T3, bà L và người đại diện theo ủy quyền của bà S, ông D đều thống nhất: Nếu ông T1 được pháp luật cho phép hưởng di sản, thì 200m2 đất ở trong khối di sản thừa kế 1.983,6m2 chia đều cho ông T1 và ông T, mỗi người nhận 100m2 mà không cần hoàn trả lại giá trị chênh lệch giá đất ở với giá đất vườn. Nên việc chia đất thừa kế cho các đồng thừa kế của bản án sơ thẩm là phù hợp.

Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Hữu T1, áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, tuyên giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

Cụ thể chia từng người nhận như sau:

- Chia cho bà S nhận 283,3m2 đất vị trí đất có ký hiệu là lô số 01. Trên lô đất chia cho bà S có 53 cây cau do ông T1 trồng, trị giá 2.650.000đ (53 × 50.000đ/cây), bà S được sở hữu 53 cây cau, nhưng phải hoàn trả lại giá trị tài sản cho ông T1 là 2.650.000 đồng. Bức tường xây gạch, trụ bê tông, rào bằng lưới B40 phía Bắc lô đất bà S nhận, bức tường này do ông T1 xây giáp đường bê tông có chiều dài theo lô đất là 8m, chắn lối ra vào lô đất nên buộc ông T1 phải tháo dỡ để giao đất cho bà S.

- Chia cho ông D nhận lô số 02, diện tích 283,3m2. Trên lô đất chia cho ông D có 43 cây cau do ông T1 trồng, trị giá 2.150.000đ (43 × 50.000đ/cây), ông D được sở hữu 43 cây cau, nhưng phải hoàn trả lại giá trị tài sản cho ông T1 là 2.150.000 đồng. Bức tường xây gạch, trụ bê tông gắn cổng, rào bằng lưới B40 phía Bắc lô đất chia cho ông D, bức tường này do ông T1 xây giáp đường bê tông có chiều dài theo lô đất là 8m, chắn lối ra vào lô đất nên buộc ông T1 phải tháo dỡ để giao đất cho ông D.

- Chia cho ông T3 nhận lô số 03, diện tích 283,3m2. Trên lô đất chia cho ông T3 có 60 cây cau, 01 cái giếng đóng bằng ống nhựa PVC, tổng trị giá 6.085.000đ (60 × 50.000đ/cây cau; 01 giếng đóng 3.085.000 đồng), ông T3 được sở hữu các tài sản trên, nhưng phải hoàn trả giá trị tài sản cho ông T1 là 6.085.000 đồng. Bức tường xây gạch, trụ bê tông rào lưới B40 phía Bắc lô đất chia cho ông T3, bức tường rào này do ông T1 xây giáp đường bê tông có chiều dài theo lô đất là 8m, chắn lối ra vào lô đất nên buộc ông T1 phải tháo dỡ để giao đất cho ông T3.

- Chia cho bà L cùng các con ông S, bà L 02 lô gồm:

+ Lô số 04 diện tích 164,8m2, trên lô đất có 27 cây cau do ông T1 trồng, trị giá 1.350.000đ (27 × 50.000đ/cây). Bức tường xây gạch, trụ bê tông rào lưới B40 phía Bắc lô đất chia cho bà L và các con nhận, bức tường này do ông T1 xây giáp đường bê tông có chiều dài theo lô đất là 5m, chắn lối ra vào lô đất nên buộc ông T1 phải tháo dỡ để giao đất cho bà L và các con bà L.

+ Lô đất số 06 diện tích 118,5m2, trên lô đất có: 01 cây Mít trị giá 800.000 đồng, 01 cây Sầu Đông trị giá 125.000 đồng; 01 cây Vú Sữa trị giá 350.000 đồng, 27 cây chuối chát trị giá 1.080.000 đồng (40.000đ × 27 cây), 01 cây Lồng Mức trị giá 800.000 đồng, đều do ông T1 trồng, bà L cùng các con được sở hữu tài sản trên, nhưng phải liên đới hoàn trả lại giá trị cho ông T1 là 3.155.000 đồng.

Các lô đất chia cho bà S, ông D, ông T3, bà L cùng các con ông Sự, bà L nhận, đều là loại đất vườn (không có đất ở). Gía trị kỷ phần tính thành tiền mỗi lô là 209.925.300đ (741.000đ/m2 × 283,3m2).

- Chia cho ông T nhận 02 lô, gồm:

+ Lô số 05 diện tích 136,3m2. Trên lô đất số 5 chia cho ông T có 24 cây cau do ông T1 trồng, trị giá 1.200.000đ (24 × 50.000đ/cây), ông T được sở hữu 24 cây cau, nhưng phải hoàn trả lại giá trị tài sản cho ông T1 là 1.200.000 đồng. Bức tường xây gạch, trụ bê tông rào lưới B40 phía Bắc lô đất chia cho ông T, bức tường này do ông T1 xây giáp đường bê tông có chiều dài theo lô đất là 5m, chắn lối ra vào lô đất, nên buộc ông T1 phải tháo dỡ để giao đất cho ông T.

+ Lô số 07 diện tích 147m2. 02 lô đất ông T nhận trị giá 670.625.300đ [(trong đó 100m2 đất ở là 534.800.000 đồng (5.348.000đ/m2); 183,3m2 đất vườn là 135.825.300 đồng (741.000đ/m2)].

- Chia cho ông T1 nhận lô số 08 diện tích 566,6m2. Trong diện tích 566,6m2 đất chia cho ông T1 nhận, có 100m2 đất ở và 466,6m2 đất vườn, tổng giá trị là 880.550.600 đồng [(446,6m2 × 741.000đ/m2 = 345.750.600đ); (100m2 đất ở × 5.348.000đ/m2 = 534.800.000đ)].

Ông T3, bà L, ông D, bà S không yêu cầu ông T, ông T1 hoàn trả chênh lệch giá trị giữa loại đất ở với loại đất vườn khi chia di sản. Do đó, ông T và ông T1 không phải hoàn trả giá trị chênh lệch giá trị đất cho các đồng thừa kế trên.

Bản án sơ thẩm chia cho ông Trần Đình T 02 lô đất, trong đó có 100m2 đất ở nhưng tại phần quyết định lại không ghi nên bản án phúc thẩm bổ sung nội dung này.

[6] Về chi phí tố tụng: Giữ nguyên như bản án sơ thẩm.

[7] Về án phí dân sự sơ thẩm: Giữ nguyên như bản án sơ thẩm.

[8] Án phí dân sự phúc thẩm: Do không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Hữu T1 nên ông T1 phải chịu án phí dân sự phúc thẩm 300.000đ.

[9] Ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 91, Điều 147, khoản 1 Điều 228, Điều 271, khoản 1 Điều 273, Điều 278, khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; các Điều 609, 610, Điều 620, khoản 1 Điều 623, Điều 649, điểm a khoản 1 Điều 650, điểm a khoản 1 Điều 651, Điều 688 Bộ luật Dân sự 2015.

Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14, khoản 6 Điều 15, điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Hữu T1, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 12/2021/DS-ST ngày 17/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện T N, tỉnh Quảng Ngãi.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện về yêu cầu chia thừa kế thửa đất số 143, tờ bản đồ số 19 (đo đạc năm 2010) của nguyên đơn ông Trần Đình T; của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị S, ông Trần D, ông Trần Đình T3, bà Võ Thị L và các con bà L là bà Trần Thị Tố U, bà Trần Thị Tố Ng, bà Trần Thị Tố D3, bà Trần Thị Nguyệt C1, ông Trần Đ, ông Trần Đình Ngh.

Chia thừa kế cho ông Trần Đình T, Trần Đình T3, Trần D, bà Trần Thị S, bà Võ Thị L cùng các con, mỗi đồng thừa kế được nhận 01 kỷ phần di sản thừa kế là 283,3m2 đất trong thửa đất 143. Cụ thể chia như sau:

- Chia cho bà S nhận lô số 01. Buộc ông Trần Hữu T1 có trách nhiệm tháo dỡ bức tường xây gạch, trụ bê tông rào lưới B40 phía Bắc lô đất chia cho bà S nhận.

- Chia cho ông D nhận lô số 02. Buộc ông Trần Hữu T1 có trách nhiệm tháo dỡ bức tường xây gạch, trụ bê tông gắn cổng, rào lưới B40 phía Bắc lô đất chia cho ông D.

- Chia cho ông T3 nhận lô số 03. Buộc ông Trần Hữu T1 tháo dỡ bức tường xây gạch, trụ bê tông rào lưới B40 phía Bắc lô đất chia cho ông T3.

- Chia cho bà L cùng các con ông S, bà L 02 lô gồm:

+ Lô số 04, diện tích 164,8m2. Buộc ông Trần Hữu T1 phải tháo dỡ bức tường xây gạch, trụ bê tông rào lưới B40 phía Bắc lô đất chia cho bà L và các con bà L.

+ Lô số 06, diện tích 118,5m2.

Các lô đất chia cho bà S, ông D, ông T3, bà L cùng các con ông Sự nhận, đều là loại đất vườn (không có đất ở).

- Chia cho ông T nhận 02 lô, gồm:

+ Lô số 05, diện tích 136,3m2. Buộc ông Trần Hữu T1 phải tháo dỡ bức tường xây gạch, trụ bê tông rào lưới B40 phía Bắc lô đất chia cho ông T.

+ Lô số 07 diện tích 147m2, trong đó có 100m2 đất ở.

- Chia cho ông T1 nhận lô số 08 diện tích 566,6m2, trong đó có 100m2 đất ở.

án.

Vị trí, số đo, diện tích từng lô đất được chia có bản vẽ sơ đồ kèm theo bản Đối với các lô đất số 01, 02, 03, 04, 05 chia cho các đồng thừa kế, hiện nay ông T1 đang quản lý, nên ông T1 có nghĩa vụ giao cho các đồng thừa kế.

3. Các ông, bà: Trần Thị S, Trần D, Trần Đình T3, bà Võ Thị L và các con bà L không yêu cầu ông Trần Đình T, ông Trần Hữu T1 hoàn trả (thối) giá trị chênh lệnh giữa đất ở với đất vườn khi chia di sản, nên Hội đồng xét xử không xem xét.

4. Không chấp nhận yêu cầu của các ông, bà: Trần Đình T, Trần Đình T3, Trần D, Trần Thị S, Võ Thị L và các con bà L yêu cầu chia mỗi kỷ phần nhận 116,7m2 đất.

5. Về hoàn trả giá trị tài sản trên đất:

- Bà Trần Thị S được sở hữu 53 cây cau có chiều cao từ 0,5m đến < 2m do ông T1 trồng trên lô đất số 01, nhưng phải hoàn trả lại giá trị tài sản cho ông T1 là 2.650.000đ (hai triệu, sáu trăm năm mươi ngàn đồng).

- Ông Trần D có quyền sở hữu 43 cây cau có chiều cao từ 0,5m đến < 2m do ông T1 trồng trên lô đất số 02, nhưng phải hoàn trả lại giá trị tài sản cho ông T1 là 2.150.000đ (hai triệu, một trăm năm mươi ngàn đồng).

- Ông Trần Đình T3 được quyền sở hữu 60 cây cau có chiều cao từ 0,5m đến < 2m, 01 cái giếng đóng bằng ống nhựa PVC, nhưng phải hoàn trả giá trị tài sản cho ông T1 là 6.085.000đ (sáu triệu, không trăm tám mươi lăm ngàn đồng).

- Bà Võ Thị L cùng các ông, bà Trần Thị Tố U, Trần Thị Tố Ng, Trần Thị Tố D3, Trần Thị Nguyệt C1, Trần Đ, Trần Đình Ngh được quyền sở hữu: 27 cây cau có chiều cao từ 0,5m đến < 2m trên lô đất số 04; 01 cây Mít đường kính > 30cm, 01 cây Sầu Đông đường kính < 20cm; 01 cây Vú Sửa đường kính < 20cm, 27 cây chuối chát (chuối hột) chưa cho quả, 01 cây Lồng Mức đường kính > 25cm trên lô đất số 06. Tất cả các tài sản, cây cối trên là của ông T1, nên bà L cùng các con phải hoàn trả lại giá trị cho ông T1 là 4.505.000đ (bốn triệu, năm trăm lẻ năm ngàn đồng).

- Ông Trần Đình T được quyền sở hữu 24 cây cau có chiều cao từ 0,5m đến < 2m do ông T1 trồng trên lô đất số 05, nhưng phải hoàn trả lại giá trị tài sản cho ông T1 là 1.200.000đ (một triệu, hai trăm ngàn đồng).

6. Về chi phí tố tụng:

Gồm chi phí đo đạc, thẩm định giá tài sản, xem xét thẩm định tại chỗ: Bà Trần Thị S, ông Trần D, ông Trần Đình T3 mỗi người phải hoàn trả cho ông Trần Đình T 3.019.200đ (ba triệu, không trăm mười chín ngàn, hai trăm đồng); bà Võ Thị L, bà Trần Thị Tố U, bà Trần Thị Tố Ng, bà Trần Thị Tố D3, bà Trần Thị Nguyệt C1, ông Trần Đ, ông Trần Đình Ngh cùng liên đới hoàn trả cho ông Trần Đình T 3.019.200đ (ba triệu, không trăm mười chín ngàn, hai trăm đồng); ông Trần Hữu T1 phải hoàn trả cho ông Trần Đình T 3.404.000đ (ba triệu, bốn trăm lẻ bốn ngàn đồng).

7. Về án phí dân sự sơ thẩm chia di sản thừa kế:

- Miễn tiền án phí cho các ông bà: Trần Thị S, Trần D, Võ Thị L.

- Các ông, bà: Trần Thị Tố U, Trần Thị Tố Ng, Trần Thị Tố D3, Trần Thị Nguyệt C1, Trần Đ, Trần Đình Ngh cùng liên đới nộp 8.996.798đ (tám triệu, chín trăm chín mươi sáu ngàn, bảy trăm chín mươi tám đồng).

- Ông Trần Đình T phải nộp 30.825.012đ (ba mươi triệu, tám trăm hai mươi lăm ngàn, không trăm mười hai đồng) nhưng được khấu trừ số tiền tạm ứng án phí 3.333.000đ (ba triệu, ba trăm ba mươi ba ngàn đồng) ông T đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2018/0002164 ngày 25/6/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T N, tỉnh Quảng Ngãi. Ông T phải tiếp tục nộp số tiền 27.492.012đ (Hai mươi bảy triệu, bốn trăm chín mươi hai ngàn, không trăm mười hai đồng).

- Ông Trần Đình T3 phải nộp 10.496.265 (Mười triệu, bốn trăm chín mươi sáu ngàn, hai trăm sáu mươi lăm đồng).

- Ông Trần Hữu T1 phải nộp 38.416.518đ (Ba mươi tám triệu, bốn trăm mười sáu ngàn, năm trăm mười tám đồng).

8. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Trần Hữu T1 phải chịu 300.000đ, được trừ vào số tiền 300.000đ theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2018/0007217 ngày 13/7/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T N (ông Trần Bảo Kh2 nộp thay cho ông Trần Hữu T1).

9. Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

10. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

11. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

563
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 10/2022/DS-PT

Số hiệu:10/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 05/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;