Bản án 04/2023/DS-ST về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GÒ DẦU, TỈNH TÂY NINH

BẢN ÁN 04/2023/DS-ST NGÀY 13/01/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 13 tháng 01 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu xét xử công khai sơ thẩm vụ án thụ lý số 117/2022/TLST-DS ngày 09 tháng 06 năm 2022, về “Tranh chấp về thừa kế tài sản”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 128/2022/QĐXXST-DS ngày 15 tháng 12 năm 2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Lê Thị H, sinh năm: 1964. Địa chỉ:  ấp R, xã T, huyện B, tỉnh Tây Ninh, có mặt.

- Bị đơn: Ông Lê  Văn H1 (út B), sinh năm: 1974. Địa chỉ: Tổ G, ấp C, xã C, huyện G, tỉnh Tây Ninh. Có mặt đến phần hỏi, sau đó tự ý bỏ về không có lý do chính đáng.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Lê Văn M (Hắc), sinh năm: 1948. Địa chỉ: ấp C, xã C, huyện G, tỉnh Tây Ninh, có mặt.

2. Bà Lê Thị H2, sinh năm: 1951, có mặt.

3. Bà Lê Thị H3, sinh năm: 1956, có mặt.

4. Bà Lê Thị H4, sinh năm: 1958, có mặt.

5. Ông Lê Văn H5 (Cu), sinh năm: 1966, có mặt.

6. Ông Lê Văn H6 (T), sinh năm: 1972, có mặt.

Cùng địa chỉ: ấp C, xã C, huyện G, tỉnh Tây Ninh.

 1. Bà Lê Thị H7, sinh năm: 1960. Địa chỉ: ấp T, xã T, thị xã H, tỉnh Tây Ninh, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn bà Lê Thị H trình bày: Bà yêu cầu chia di sản thừa kế phần đất có diện tích 628,8 m2 (đo đạc thực tế diện tích 623,8 m2) thuộc thửa đất số 224, tờ bản đồ số 07 (BĐ 2000), đối chiếu với bản đồ 2005, thuộc thửa số 241, tờ BĐ số 34, tọa lạc tại tổ G, ấp C, xã C, huyện G, tỉnh Tây Ninh, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cha mẹ bà cùng đứng tên được Ủy ban nhân dân huyện G cấp ngày 22-02-2005, số vào sổ cấp giấy H 00002/474/2004/QĐ-CT.

Cha mẹ bà là cụ LêVănB1 (sinh năm 1929 - chết ngày 01-11-2008) và cụ Trương Thị H8 (sinh ngày 15-11-1930 - chết ngày 04-02-2020).

Cha mẹ bà có 09 người con gồm: Bà Lê Thị H2, ông Lê Văn M, bà Lê Thị H3, bà Lê Thị H4, bà Lê Thị H7, bà (Lê Thị H), ông Lê Văn H5, ông Lê Văn H6 và ông Lê Văn H1. Khi cha bà chết không để lại di chúc.

Sau khi cha bà chết, ngày 12-8-2016, mẹ bà lập di chúc. Theo đó, mẹ chia ½ phần tài sản của mẹ trong khối sản chung của cha mẹ và 1/10 di sản thừa kế mẹ được hưởng từ tài sản của cha, chia cho chị cả là chị H2 và con trai út là ông H1. Đồng thời, mẹ bà ấn định diện tích đất chia cho ông H1 có chiều ngang 5,4 mét x dài 40 mét = 216 m2 tại vị trí đất có căn nhà thờ tọa lạc; chia cho bà H2 diện tích 98,4 m2 tại vị trí nở mặt hậu giáp đường đất.

Nay bà yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc của mẹ bà. Đồng thời, chia di sản thừa kế phần của cha bà theo quy định của pháp luật.

Tất cả các anh chị em của bà (trừ ông H1) đều thống nhất giao cho ông H1 phần đất cùng căn nhà thờ tọa lạc trên đất và kéo dài cho hết chiều dài đất. phần của bà H2 là đất trống tính từ cạnh chữ L (phần nở hậu) của phần đất và kéo dài đến hết đất. Phần còn lại chia cho 07 chị em gồm bà, bà H3, bà H4, bà H7, ông M, ông H6 và ông H5. Do đất không đủ điều kiện để tách thửa nên 07 người thống nhất cùng đứng tên chung 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trên đất có căn nhà Nhà ngói xưa, được xây dựng trước căn nhà thờ nhưng do khi xây dựng nhà thờ không đủ chiều ngang nên mẹ bà có cho đập bớt vách tường của căn nhà ngói xưa tại vị trí giáp với nhà thờ, cắt bớt đòn tay của nhà ngói xưa và sử dụng chung tường với nhà thờ. Vì vậy, bà yêu cầu giao căn nhà ngói xưa cho 07 anh chị em bà và kéo dài hết đất. Như vậy sẽ không ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các bên. Trường hợp phải tháo đỡ nhà ngói xưa, 07 anh chị bà cũng chấp nhận và không đồng ý hỗ trợ cho ông H1 khoản tiền nào cả. Tài sản trên đất bà không tranh chấp.

Bị đơn ông Lê Văn H1 trình bày: Ông thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn về họ tên năm sinh và năm chết cha mẹ, cũng như số người con của cha. Đồng thời, ông thống nhất về di sản cha mẹ di sản thừa kế của cha mẹ, cũng như về tính hợp pháp của di chúc mẹ mẹ ông để lại trước khi chết.

Trong những lần Tòa án làm việc trước đây, ông không đồng ý chia theo nội dung của di chúc. Ông yêu cầu chia theo sự thỏa thuận giữa mẹ ông và tất cả các anh chị em ông khi mẹ ông còn sống, cụ thể: Bà H2 được chia 4,5 mét ngang x 17,81 mét dài tại vị trí chữ L của phần đất; 07 người còn lại gồm ông M, bà H3, bà H4, bà H7, bà H, ông H5 và ông H6 mỗi người được 0,59 mét ngang x dài hết đất (tổng cộng 4,13 mét ngang). Phần ông được chia 9,24 mét ngang x dài hết đất cùng căn nhà thờ tọa lạc trên đất, 07 anh chị em muốn nhận đất hay nhận tiền ông đều chấp nhận.

Tại phiên tòa ông đồng ý chia phần của mẹ theo di chúc. Đối với phần của cha, ông yêu cầu chia thành 11 phần, trong đó 02 phần để dùng vào việc thờ cúng giao cho ông, 09 phần còn lại chia cho 09 anh chị em (trong đó có ông).

Trường hợp chia đất có ảnh hưởng đến kết cấu căn nhà thờ thì ông yêu cầu 07 anh chị em còn lại hỗ trợ cho ông 100.000.000 đồng để sửa lại nhà thờ. Còn không ảnh hưởng gì đến nhà thờ thì ông không có yêu cầu gì thêm. Tài sản trên đất ông không tranh chấp.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: Ông Lê Văn M, bà Lê Thị H2, bà Lê Thị H3, bà Lê Thị H4, bà Lê Thị H7, ông Lê Văn H6 và ông Lê Văn H5: Thống nhất với lời trình bày của bà H. Riêng bà Lê Thị H2 trình bày thêm, nếu sau khi chia cho bà tại vị trí mẹ bà đã ấn định theo di chúc mà vẫn còn thừa diện tích (tức tính cả diện tích của cha và mẹ mà bà được chia) thì bà đồng ý đứng tên chung với 07 chị em còn lại đối với phần diện tích còn thừa.

Ông Lê Văn H5 trình bày thêm, nhà ngói xưa và nhà thờ có 6,17 mét tường chung. Nhà ngói xây trước, nhà thờ xây sau. Ông là người trực tiếp xây nhà thờ cho cha mẹ. Khi xây, do nhà thờ không đủ diện tích nên cha mẹ ông có cho đập 6,17 mét tường của căn nhà ngói để xây cho thẳng tường của nhà thờ. Sau đó, đục tường vừa xây, gá cây cây kèo để nhà ngói xưa dùng tường chung (mượn tường) của nhà thờ. Nên khi tháo dỡ nhà ngói sẽ không làm ảnh hưởng đến kết của căn nhà thờ.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Gò Dầu tham gia phiên tòa phát biểu:

Từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng tuân thủ đúng theo pháp luật tố tụng dân sự. Riêng bị đơn không tuân thủ đúng quy định của pháp luật khi tham gia phiên tòa (tự ý bỏ về tại phần thủ tục hỏi tại phiên tòa).

Đối với ý kiến về việc giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào các điều 612, 613, 626, 630, 634, 649, 650, 651 của Bộ luật Dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án: Chấp nhận yêu cầu khởi của bà Lê Thị H đối với ông Lê Văn H1 về yêu cầu phần đất có diện tích 623,8 m2 thuộc thửa đất số 224, tờ bản đồ số 07 (BĐ 2000), tọa lạc tại tổ G, ấp C, xã C, huyện G, tỉnh Tây Ninh, tài sản do cụ Lê Văn B1 (chết năm 2008) và cụ Trương Thị H8 (chết năm 2020) để lại. Theo đó, di sản thừa kế của cụ B1 theo pháp luật thành 10 kỷ phần bằng nhau cho mỗi đồng thừa kế 01 kỷ phần. Chia sản thừa kế của cụ H8 theo di chúc cho bà Lê Thị H2 và ông Lê Văn H1. Ghi nhận bà H, ông M, bà H3, bà H9, bà H4, ông H5 và ông H6 cùng đứng tên chung 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với di sản được chia. Riêng phần di sản của bà H2 được nhận theo di chúc bà H2 được đứng tên riêng, phần diện tích còn lại được chia nhập vào cùng đứng tên với bà H, ông M, bà H3, bà H9, bà H4, ông H5 và ông H6.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Bị đơn ông Lê Văn H1 đã được Tòa án triệu tập đến dự phiên tòa lần thứ 2 nhưng tự ý bỏ về tại phần thủ tục hỏi mà không có lý do chính đáng. Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vắng mặt ông H1 là phù hợp với khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về nội dung:

[2.1] Qua thẩm định và định giá tài sản tranh chấp thể hiện: Phần đất tranh chấp có diện tích 635,6 m2, thuộc thửa đất số 241, tờ bản đồ số 34 (bản đồ 2005), tọa lạc tại ấpC,xãC,huyệnG,tỉnhTâyNinh. Đông giáp thửa 242 và thửa số 262 dài 18,64 mét + 2,98 mét + 6,63 mét + 18,87 mét; Tây giáp thửa số 240 dài 16,5 mét + 20,01 mét + 6,27 mét; Nam giáp đường bê tông dài 13,37 mét; Bắc giáp đường bê tông dài 8,82 mét + 7,47 mét.

So với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích thực tế giảm 5,0 m2 (do bị thửa 242 lấn chiếm) và tăng 11,8 m2 (do lấn chiếm thửa 262).

Các đương sự thống nhất giải quyết diện tích còn lại sau khi trừ diện tích tăng và diện tích giảm. Như vậy diện tích làm căn cứ giải quyết vụ án là 628,8 m2 - 5,0 m2 = 623,8 m2. Giá đất 3.160.000 đồng/m2 x 623,8 m2 = 2.008.496.000 đồng.

Trên đất có tài sản gồm:

01 Căn ngói xưa, xây dựng năm 1956, diện tích 44,8 m2, hết niên hạn sử dụng nên không còn giá trị; M1 che trước nhà: diện tích 23,68 m2, có kết cấu công trình không nằm trong danh mục định giá nên không định giá được.

01 Căn nhà thờ, xây dựng năm 1997, diện tích 95,5 m2, hết niên hạn sử dụng nên không còn giá trị.

01 Mái che phía sau cả 02 nhà, diện tích 80,9 m2, có giá 40.288.000 đồng. Hàng rào phía mặt hậu đất, diện tích 35,84 m2 có giá 11.648.000 đồng Nhà tạm (không vách), diện tích 60,8 m2, có giá 29.950.000 đồng. Hàng rào kẽm gai giáp thửa 240 dài 42,78 mét, không định giá được Tài sản trên đất các đương sự không tranh chấp.

[2.2] Xét yêu cầu chia di sản thừa kế của bà Lê Thị H, thấy rằng:

[2.2.1] Về di sản thừa kế: Các đương sự cùng thống nhất di sản thừa kế của cha mẹ là cụ Lê Văn B1 (sinh năm 1929 - chết ngày 01-11-2008) và cụ Trương Thị H8 (sinh ngày 15-11-1930 - chết ngày 04-02-2020), là phần đất có diện tích 635,6 m2 thuộc thửa đất số 241, tờ bản đồ số 34 (BĐ 2005), tọa lạc tại ấpC,xãC,huyện G, tỉnh Tây Ninh, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cụ B1 và cụ H8 đứng tên, được Ủy ban nhân dân huyện G cấp ngày 22-02-2005, số vào sổ cấp giấy H 00002/474/2004/QĐ-CT (HL). Hội đồng xét xử ghi nhận là phù hợp với Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 612 của Bộ luật Dân sự.

[2.2.2] Về những người thừa kế: Các đương sự cùng thống nhất những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ B1 là 10 người gồm: cụ H8 và 09 người con chung của cụ B1 và cụ H8 là các ông bà: Lê Thị H2, Lê Văn M, Lê Thị H3, Lê Thị H4, Lê Thị H, Lê Thị H7, Lê Văn H6, Lê Văn H5 và Lê Văn H1. Những người thừa kế của cụ H8 gồm 09 người con như nêu trên. Hội đồng xét xử ghi nhận là phù hợp với Điều 651 của Bộ luật Dân sự.

[2.2.3] Xét yêu cầu của ông H1 về việc chia di sản thừa kế của cụ B1 thành 11 phần, trong đó giao cho ông 02 phần để dùng vào việc thờ cúng, thấy rằng: Các đồng thừa kế không thống nhất với yêu cầu này. Mặt khác, khi còn sống cụ B1 không ấn định phần di sản của cụ dùng vào việc thờ cúng. Do đó yêu cầu ông H1 không được chấp nhận là phù hợp với Điều 645 của Bộ luật Dân sự.

[2.2.4] Trước khi chết cụ B1 không lập di chúc nên di sản thừa kế của cụ B1 được chia theo pháp luật. Cụ thể, di sản thừa kế của cụ B1 là ½ khối tài sản chung của cụ B1 và cụ H8, tức 623,8 m2/2= 311,9 m2; ½ còn lại (311,9 m2) là tài sản của cụ H8. Cụ B1 có 10 người thừa kế nên 311,9 m2/10 = 31,19 m2/01 kỷ phần. Như vậy, phần của cụ H8 được chia là 311,9 m2 + 31,19 m2 = 343,09 m2; 09 người con mỗi người được chia 31,19 m2 là phù hợp với Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình; các điều 650 và 660 của Bộ luật Dân sự.

[2.2.5] Xét di chúc được cụ Trương Thị H8 lập ngày 12-8-2016, thấy rằng: Tất cả các đương sự (kể cả ông H1) đều thống nhất di chúc do cụ H8 lập, có sự chứng kiến của 02 người Luật sư Trần Thanh H10 và bà Lê Nguyễn Thanh T1 là hợp pháp và đúng ý chí nguyện vọng cụ H8 khi còn sống. Đồng thời, tất cả cùng thống nhất chia theo di chúc của cụ H8. Nên Hội đồng xét xử ghi nhận là phù hợp với khoản 2 Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình và các điều 626, 630, 631, 634 của Bộ luật Dân sự.

[2.2.6] Theo di chúc, cụ H8 chia cho ông H1 và bà H2 ½ khối tài sản của cụ và 1/10 phần tài sản cụ H8 được chia từ cụ B1 (hiện là 343,09 m2). Tuy nhiên, khi phân chia diện tích thì cụ H8 chỉ chia ½ khối tài sản chung (lần lượt cho ông H1 216 m2 và bà H2 98,4 m2, tổng cộng 314,4 m2/628,8 m2). Như vậy, thiếu 1/10 phần cụ H8 được chia từ cụ B1. Để đảm bảo quyền lợi của ông H1 và bà H2, cũng như việc phân chia di sản thừa kế đúng ý chí nguyên vọng của cụ H8. Hội đồng xét xử chia cho ông H1 và bà H2 ½ khối tài sản chung của cụ H8 và 1/10 phần tài sản cụ H8 được chia từ cụ B1, tương ứng với tỷ lệ phần trăm phần của ông H1 (68,7%) và bà H2 (31,3%) đã được cụ H8 ấn định theo di chúc là phù hợp với 659 của Bộ luật Dân sự.

Như vậy, ông H1 được chia 235,70 m2/343,09 m2 và bà H2 được chia 107,39 m2/343,09 m2.

Tổng cộng di sản thừa kế của cả cụ B1 và cụ H8 được chia như sau: Ông H1 235,70 m2 + 31,19 m2 = 266,89 m2 x 3.160.000 đồng/m2 = 843.372.400 đồng. Bà H2 107,39 m2 + 31,19 m2 = 138,58 m2 x 3.160.000 đồng/m2 = 437.912.800 đồng.

07 người còn lại 31,19 m2 x 7 = 218,33 m2 x 3.160.000 đồng/m2 = 689.922.800 đồng (tương đương 98.560.400 đồng/01 kỷ phần).

[2.2.7] Về tài sản trên đất các bên không có tranh chấp nên Hội đồng xét xử không đặt ra giải quyết. Các căn nhà dù không còn giá trị nhưng vẫn có thể tiếp tục sử dụng được. Theo hiện trạng thực tế thì vị trí đất chia cho bà H2 là đất trống có diện tích 73,1 m2, vị trí đất có căn nhà thờ chia cho ông H1 là 237,5 m2; vị trí đất chia cho 07 người còn lại có căn ngói xưa có diện tích 313,2 m2. Hai căn nhà có 01 tường chung dài 6,17 mét (như lời ông H5 trình bày). Nên việc sử dụng hay tháo dỡ nhà ngói không làm ảnh hưởng đến kết cấu nhà thờ. Các đương sự nhận nhà ngói xưa đồng ý tháo dỡ nhà nếu cần thiết. Do đó, việc ông H1 yêu cầu các đương sự nhận nhà ngói xưa có nghĩa vụ hỗ trợ ông số tiền 100.000.000 đồng để sửa chữa lại nhà là không có căn cứ nên Hội đồng xét xử không chấp nhận là phù hợp vơi quy định tại Điều 660 của Bộ luật Dân sự.

[2.2.8] Bà H2 đồng ý nhận đất như hiện trạng thực tế (73,1 m2) và cùng đứng tên phần diện tích còn lại (65,48 m2) với 07 người còn lại nên Hội đồng xét xử ghi nhận.

[2.2.9] Như vậy, trên thực tế phần giao cho bà H2 cùng 07 người có diện tích 218,33 + 65,48 m2 + 29,39 m2 = 313,2 m2. Phần ông H1 được giao có diện tích 237,5 m2. Phần giao cho bà H2 có diện tích 73,1 m2. Trên thực tế phần của ông H1 bị giảm 29,39 m2 (266,89 m2 - 237,5 m2) so với diện tích mà ông H1 được chia, phần này đang nằm trong diện tích mà 07 người được giao. Nên 07 người này có nghĩa vụ giao cho ông H1 với giá trị bằng tiền, tức 29,39 m2 x 3.160.000 đồng/m2 = 92.872.400 đồng, tương đương mỗi người số tiền 13.267.486 đồng.

[3] Về loại đất: Tất cả các đương sự đều có nhu cầu sử dụng đất để ở, nên cần chia cho các đương sự cả 02 loại đất ONT và LNK theo tỷ lệ phần trăm so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích đất mỗi phần được chia. Cụ thể: phần ông H1 gồm 151,1 m2 đất ONT và 86,4 m2 đất LNK, phần bà H2 gồm 46,5 m2 đất ONT và 26,6 m2 đất LNK, phần bà H2 cùng 07 người còn lại gồm 199,2 m2 đất ONT và 114 m2 đất LNK.

[4] Về án phí dân sự sơ thẩm: Căn cứ Điều 12 và Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án: Các ông bà M, H2, H3, H7 và H4 là người cao tuổi nên được miễn tiền án phí. Các đương sự còn lại phải chịu án phí trên giá trị tài sản được chia.

[5] Về chi phí thẩm định tại chỗ và định giá tài sản tranh chấp: Tổng cộng 9.000.000 đồng. Buộc các đương sự phải chịu theo tỷ lệ giá trị tài sản mà mỗi người được chia.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các điều 92 và 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các điều 612, 626, 630, 631, 632, 634, 645, 650, 651, 659 và 660 của Bộ luật Dân sự; Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình; các điều 12 và 26 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị H. 1. Chia di sản thừa kế của cụ Lê Văn B1 và cụ Trương Thị H8 như sau:

1.1 Ông Lê Văn H1 được chia có diện tích 237,5 m2, trong đó bao gồm 151,1 m2 đất ONT và 86,4 m2 đất LNK. Tứ cận: Đông giáp phần còn lại thửa 241 dài 43,72 mét (26,10 mét + 17,62 mét), Tây giáp phần còn lại của thửa 241 dài 43,41 mét (16,75 mét + 6,4 mét + 11,69 mét + 8,57 mét), Nam giáp đường bê tông dài 5,37 mét, Bắc giáp đường bê tông dài 4,98 mét (1,7 mét + 3,28 mét). Cùng tài sản tọa lạc trên đất là 01 căn nhà thờ diện tích 95,5 m2, đã hết niên hạn sử dụng.

1.2 Bà Lê Thị H2 được chia có diện tích 73,1 m2, trong đó bao gồm 46,5 m2 đất ONT và 26,6 m2 đất LNK. Tứ cận: Đông giáp thửa 242 dài 18,64 mét, Tây giáp phần còn lại của thửa 241 dài 17,62 mét, Nam giáp thửa 262 dài 4,06 mét, Bắc giáp đường bê tông dài 4,19 mét.

1.3 Các ông bà gồm: Lê Thị H2, Lê Văn M, Lê Thị H3, bà Lê Thị H4, Lê Thị H, Lê Thị H7, Lê Văn H6 Lê Văn H5 được chia có diện tích 313,2 m2, trong đó bao gồm 199,2 m2 đất ONT và 114 m2 đất LNK. Tứ cận: Đông giáp phần còn lại thửa 241 dài 43,41 mét (16,75 mét + 6,4 mét + 11,69 mét + 8,57 mét), Tây giáp thửa 240 dài 42,78 mét (16,5 mét + 20,01 mét + 6,27 mét), Nam giáp đường bê tông dài 8 mét, Bắc giáp đường bê tông dài 7,12 mét. Cùng tài sản tọa lạc trên đất là 01 căn ngói xưa, diện tích 44,8 m2, đã hết niên hạn sử dụng.

Tất cả các phần đất đều thuộc thửa đất thuộc thửa đất số 241, tờ bản đồ số 34 (bản đồ 2005), tọa lạc tại ấp C, xã C, huyện G, tỉnh Tây Ninh, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cụ Lê văn B2 và cụ Trương Thị H8 đứng tên, được Ủy ban nhân dân huyện G cấp ngày 22-02-2005, số vào sổ cấp giấy H 00002/474/2004/QĐ- CT (HL).

Các đương sự có quyền và nghĩa vụ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như phần quyết định đã tuyên khi bản án có hiệu lực pháp luật.

2. Các ông bà gồm: Lê Văn M, Lê Thị H3, Lê Thị H4, Lê Thị H, Lê Thị H7, Lê Văn H6 và Lê Văn H5 mỗi người có nghĩa vụ giao cho ông Lê Văn H1 số tiền 13.267.486 đồng.

3. Ghi nhận các đương sự không tranh chấp tài sản trên đất.

4. Về án phí dân sự sơ thẩm:

4.1 Ông Lê Văn M, bà Lê Thị H2, bà Lê Thị H3, bà Lê Thị H4 và bà Lê Thị H7 được miễn nộp tiền án phí.

4.2 Buộc ông Lê Văn H1 phải chịu 37.301.172 đồng.

4.3 Buộc bà Lê Thị H, ông Lê Văn H5 và ông Lê Văn H6 mỗi người phải chịu 4.928.020 đồng.

5. Về chi phí thẩm định tại chỗ và định giá tài sản tranh chấp: Tông cộng 9.000.000. Trong đó, ông H1 phải chịu 4.000.000 đồng, bà H2 chịu 2.000.000 đồng, các ông bà gồm: Lê Văn M, Lê Thị H3, Lê Thị H4, Lê Thị H, Lê Thị H7, Lê Văn H6 và Lê Văn H5 mỗi người có nghĩa chịu 428.571 đồng. Ghi nhận bà H đã nộp tạm ứng số tiền 9.000.000 đồng nên bà H được hoàn trả lại số tiền chênh lệch là 8.571.426 đồng (trong đó ông H1 trả 4.000.000 đồng, bà H2 trả 2.000.000 đồng;

các ông bà M, H3, H4, H7, H6 và H5 mỗi người trả 428.571 đồng).

6. Các đương sự có mặt có quyền kháng cáo lên Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Riêng đương sự vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã (phường) nơi cư trú.

7. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

3
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 04/2023/DS-ST về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:04/2023/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Gò Dầu - Tây Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 13/01/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;