TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
BẢN ÁN 19/2024/DS-PT NGÀY 21/03/2024 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ TÀI SẢN GẮN LIỀN TRÊN ĐẤT
Trong ngày 21 tháng 3 năm 2024, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 09/2024/TLPT-DS ngày 09 tháng 01 năm 2024 về việc Tranh chấp về thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 85/2023/DS-ST ngày 30 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố C, tỉnh Cao Bằng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 32/2024/QĐ-PT ngày 28 tháng 02 năm 2024 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Đức Á, sinh năm 1936. Có mặt Địa chỉ: Xóm Đ, xã H, thành phố C, tỉnh Cao Bằng.
Người được uỷ quyền của nguyên đơn: Ông Đoàn Minh C. Địa chỉ: Số C ngách H, ngõ A H, phường L, quận B, thành phố Hà Nội.
Đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn và là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Nguyễn Trọng H – sinh năm 1969. Địa chỉ: Số A, ngõ I M, Hà Nội; Tạm trú: Xóm Đ, xã H, thành phố C, tỉnh Cao Bằng. Có mặt
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Nguyễn Đ, Luật sư Trần Ngọc L – Văn phòng Luật sư Nguyễn Đ – Đoàn Luật sư tỉnh C. Có mặt - Bị đơn: Ông Nguyễn Đức H1, sinh năm 1929
Đại diện theo uỷ quyền của bị đơn: Nguyễn Thị T – sinh năm 1950. Có mặt
Đại diện theo uỷ quyền của bị đơn và là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Nguyễn Đức N – sinh năm 1964. Địa chỉ: Xóm Đ, xã H, thành phố C, tỉnh Cao Bằng. Có mặt
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Hoàng Thị L1 – Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh C. Có mặt
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Nguyễn Đức D – sinh năm 1962. Địa chỉ: Xóm Đ, xã H, thành phố C, tỉnh Cao Bằng. Có mặt
2. Nguyễn Thị Minh H2 - sinh năm 1972. Địa chỉ: Số B, ngõ F G, quận H, Hà Nội (Vắng mặt)
3. Nông Thị H3. (Có mặt)
4. Đoàn Thị C1. (Có mặt)
5. Nguyễn Thị N1. (Có mặt)
Cùng trú tại: Xóm Đ, xã H, thành phố C, tỉnh Cao Bằng.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn Nguyễn Đức Á.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 10/01/2019, đơn khởi kiện (sửa đổi bổ sung) ngày 31/03/2019 và trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn ông Nguyễn Đức Á trình bày:
Yêu cầu Toà án giải quyết những vấn đề sau đây đối với bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Chia tài sản chung theo pháp luật là toàn bộ tài sản của bố mẹ tôi để lại là Quyền sử dụng đất có tổng diện tích khoảng 14.000m và chia 04 cây gạo là tài sản trên đất. Quyền sử dụng đất tại các khu đất:
*Đất ruộng có tên gọi L, diện tích 3.891m2, gồm bốn thửa:
- Thửa 81, tờ bản đồ 18, diện tích 1.230 m2 ( nay là thửa 236, tờ bản đồ 21, diện tích 1.237,4 m2);
- Thửa 82, tờ bản đồ 18, diện tích 650m2 ( nay là thửa 256, tờ bản đồ 21, diện tích 530,7 m² );
- Thửa 83, tờ bản đồ 18, diện tích 887m2 ( nay là thửa 237, tờ bản đồ 21, diện tích 878,7 m2);
- Thửa 76, tờ bản đồ 18, diện tích 1.124 m2 (nay là thửa 195, tờ bản đồ 21, diện tích 1.123,8 m2).
*Đất ruộng Nà Pắp là: Thửa 253, tờ bản đồ 18, diện tích 1.160 m2 (nay là Thừa 85 , tờ bản đồ 27, diện tích 1.189,5 m2).
*Đất ruộng Nà Ắng là: Thửa 42, tờ bản đồ 18, diện tích 880m2 (nay là thửa 383 , tờ bản đồ số 22 , diện tích 870,6 m2) .
*Đất Vò Bây gồm các thửa là: Thửa 298, tờ bản đồ 12, diện tích 1.550m2 (nay là các thửa):
- Thửa 88, tờ bản đồ 22, diện tích 330, 1m2;
- Thửa 90, tờ bản đồ 22, diện tích 672,1 m2;
- Thửa 101, tờ bản đồ 22, diện tích 569,5 m2).
*Đất rẫy Bờ Sông là: Thửa 297, tờ bản đồ 18, diện tích 3.550m2 (nay là các thửa) :
- Thửa 54, tờ bản đồ 28, diện tích 1.229 m2;
- Thửa 55, tờ bản đồ 28, diện tích 1.225,5 m2;
- Thửa 71, tờ bản đồ số 28, diện tích 936,2 m2.
*Đất rẫy Cốc Dặm có diện tích 2.640m2, gồm 2 thửa:
Thửa 5, tờ bản đồ 22, diện tích 1.640m2 (nay gồm các thửa):
- Thưa 156, tờ bản đồ 28, diện tích 824,3 m2, - Thửa 168, tờ bản đồ 28, diện tích 854,6 m2).
Thửa 5a, tờ bản đồ 22, diện tích 1.000m2 (nay là thửa 167, tờ bản đồ số 28, diện tích 1.000 m2).
Riêng thửa đất ruộng Nà Bây do ông H1 dùng đất ở N, Nà Tâm N đổi với bà B và ông L2 là Thửa 12, tờ bản đồ 18 diện tích 820m2 (nay là thửa 113, tờ bản đồ 22, diện tích 569,5m2 và thửa 137, tờ bản đồ 21, diện tích 209,7m2).
Các thửa đất nêu trên đều có địa chỉ tại Xóm Đ, xã H, thành phố C, tỉnh Cao Bằng tài sản trên đất là bốn cây gạo khoảng 100 năm tại đất rẫy Bờ Sông.
Về quan hệ, tài sản, nguồn gốc và quá trình sử dụng tài sản, nguyên nhân mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn.
Về quan hệ trong gia đình: Bố Nguyễn Đức G (chết năm 1973), mẹ là Đoàn Thị S (chết năm 1996) có hai người con trai là Nguyễn Đức H1 và Nguyễn Đức Á, tôi có bốn người con là Đoàn Minh C, Nguyễn Minh Đ1 và Nguyễn Trọng H, Nguyễn Thị Minh H2. Ông H1 có ba người con là Nguyễn Đức D, Nguyễn Đức N và Nguyễn Thị N1. Về nguồn gốc tài sản và quá trình quản lý sử dụng:
- Về nguồn gốc tài sản: Tài sản là quyền sử dụng đất, và tài sản trên đất 4 cây gạo là do bố mẹ chúng tôi để lại. Bố Mẹ chết không có di chúc. Sau khi bố, mẹ chết, tài sản do bố, mẹ để lại anh em chúng tôi chưa chia và tự quản lý sử dụng (sẽ nêu ở dưới). Tuy nhiên, có việc ngày 20/9/1993 ông H1 gửi thư cho tôi trong thư có nội dung ông H1 tự chia cho tôi 3000m đất (gồm 2.000m2 đất ruộng, 1.200m2 đất rẫy Lăng Dủa, 800m2 đất Nà Áng và 1.000m2 đất rẫy Cốc Dặm) trong tổng số 14.000 m2 đất của Bố mẹ để lại (trong đó đất ruộng 6751m2, đất rẫy 6.170 m2 và đất ở, đất vườn là 1.550m2. Bản thân ông H1 trong thư cũng công nhận việc chia đất là không công bằng, tôi cũng thấy không công bằng nhưng lúc đó do tôi công tác ở xa quê, chưa có điều kiện về quê sinh sống và tôi cũng chỉ có duy nhất một anh trai, tình cảm anh em rất tốt nên khi đó tôi chưa có ý kiến gì về việc chia đất phải "im lặng" để có chốn đi về.
- Quá trình quản lý sử dụng đất: Khoảng năm 1990 sau khi Hợp tác xã giải thể ông H1 tự ý lấy đất của Bố M tại khu đất Nà Tâm có diện tích 560m, Nà Gum 300m và Nà Á1 có diện tích 166,9 m (cắt từ N lớn ra) đem đổi đất với bà Đoàn Thị B1 và ông Tô Vũ L3 (Địa chỉ tại xóm N, xã H, thành phố C) để lấy 820 m2 đất Nà Bây. Tôi biết nhưng xét thấy sau này khi anh em chia đất lại sẽ trừ vào phần ông H1. Trước năm 2000 đất bố, mẹ để lại ông H1 tự chia cho tôi một số, số đất này ông H1 đã tự kê khai đăng ký cho tôi, đến năm 2000 tôi và ông H1 đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 2008, phần đất của tôi được chia 3.000m2 đất tôi đã chia cho con trai tôi là Nguyễn Trọng H, gồm các thửa đất : Đất ruộng Lăng Dủa thửa 81, (nay là thửa 236); Đất Cốc Dặm Thửa 5a (nay là thửa 167) và đất Nà Áng thửa 32 (nay là thửa 38) cho con gái tôi là Nguyễn Thị Minh H2. Cả hai đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình.
Nguyên nhân mâu thuẫn tranh chấp và quá trình giải quyết tranh chấp:
Về nguyên nhân: Năm 2016 Ủy ban nhân dân đang tiến hành đo đạc lại đất đai để làm lại sổ đỏ, tôi đề nghị với ông H1 chia lại khu ruộng Lăng Dủa gồm các thửa: Thửa 81 (nay là thửa 236), thửa 82 (nay là thửa 256) và thửa 83 (nay là thửa 237) để đất anh em được chia trong thửa đất này đều có đất tiếp giáp với mặt đường (vì Thửa đất 81 (nay là thửa 236) là phần đất của tôi được chia không giáp với mặt đường bê tông) và tại địa phương thời điểm này cũng có rất nhiều trường hợp tương tự đã thỏa thuận phân chia lại đất để cùng nhau có đất giáp mặt đường (phần đất còn lại ông H1 tự chia cho ông H1 năm 1993 tôi không có ý kiến gì và vẫn giữ nguyên cho ông H1 sử dụng), nhưng gia đình ông H1 không chấp nhận về việc xoay bờ chia lại đám ruộng to Lăng Dủa. Năm 2016 hai anh em chúng tôi đã gặp nhau nhiều lần thương lượng mà không đi đến kết quả. Năm 2017 dòng họ Nguyễn Đ1 họp hai lần với hai anh em chúng tôi để giải quyết nhưng không thành. Thực tế mặc dù tôi công tác ở xa quê nhưng năm 2012 tôi đã về làm nhà ở quê để ở tuổi già. Tháng 12/2017 tôi có đơn kiến nghị gửi tổ hòa giải xóm Đ nhưng xóm không tổ chức hòa giải được vì ông H1 từ chối tham gia, ngày 27/10/2018 tôi làm đơn đề nghị gửi Ủy ban nhân dân xã H xem xét giải quyết mâu thuẫn về đất đai giữa tôi với ông H1. Ngày 28/10/2018 tổ hòa giải xóm Đ tổ chức buổi hòa giải, việc hòa giải không thành và được lập thành biên bản. Ngày 11/12/2018 Ủy ban nhân dân xã H đã tổ chức hòa giải mâu thuẫn giữa tôi với ông H1, nhưng hòa giải không thành việc này đã được lập thành biên bản. Do việc thỏa thuận và hòa giải ở địa phương không thành, để đảm bảo quyền định đoạt tài sản của mình là quyền sử dụng đất một cách hợp pháp tôi khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung là quyền sử dụng đất và 04 cây gạo (có tuổi khoảng 100 năm) trên đất ở bờ sông theo quy định của pháp luật. Việc khởi kiện của tôi là có căn cứ, bởi: Bố, mẹ tôi chết không để lại di chúc, tài sản do bố, mẹ để lại phải được chia thừa kế theo pháp luật, tức là tôi và ông H1 là những người đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, tôi và ông H1 chưa lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản bố mẹ để lại thừa kế, nay là tài sản chung của hai anh em. Từ thời điểm bố, mẹ tôi chết đến năm 2016 khi tôi có yêu cầu thỏa thuận phân chia tài sản do bố, mẹ để lại là 20 năm giữa tôi và ông H1 không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều công nhận toàn bộ tài sản (là quyền sử dụng đất số đất đã kê khai ở phần trên) của bố mẹ để lại chưa chia chuyển thành tài sản chung của các thừa kế (là tài sản chung của tôi và ông H1) được quy định tại: Điểm a tiểu 5 mục 2.4 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm - phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết vì bố, mẹ tôi chết không để lại di chúc và giữa tôi với ông H1 không có thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản. Với căn cứ nêu trên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tôi khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung theo pháp luật như đã nêu ở phần yêu cầu. Đề nghị tòa án chia theo bản đề xuất của tôi đã gửi cho tòa án.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn và đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Đức N trình bày: Về mối quan hệ: Cụ Nguyễn Đức G và cụ Đoàn Thị S sinh được 02 người con là Nguyễn Đức H1 – Sinh năm 1929 và Nguyễn Đức Á sinh năm 1936. Ông Nguyễn Đức H1 lấy vợ là Đoàn Thị N2 (đã chết năm 2000) năm 1949 có 06 người con và sinh sống ở quê hương. Bố mẹ đẻ ông H1 và vợ của ông H1 là nông dân. Từ năm 1952 vợ ông H1 là lao động chính của gia đình và cáng đáng, quản lý việc trong gia đình và xã hội. Ông Nguyễn Đức Á, sinh năm 1936 xây dựng gia đình năm 1959, vợ ông Á là con duy nhất của ông Dương Công H4 sau khi cưới vợ ông Á chăm lo, cáng đáng gia đình bên vợ, ông Á quá trình công tác, gia đình đăng ký hộ khẩu thường trú ở thị xã C. Đến năm 1985 ông Á công tác và chuyển hộ khẩu về thành phố Hà Nội. Đất đai ở quê nhà do bà Đoàn Thị N2 là vợ ông H1 trực tiếp quản lý.
Về đất đai và tài sản gia đình: Năm 1959 – 1960 bà Đoàn Thị N2 là chủ gia đình đã giao nộp đất đai và trâu cày vào hợp tác xã H7 – xã H. Sau 30 năm đến tháng 5/1989 Hợp tác xã giải thể gia đình ông H1 đã đi xác định lại và nhận lại đất đai trước kia đã nộp vào hợp tác xã nông nghiệp.
Năm 1992 ông H1 có xuống Hà Nội trao đổi với ông Á vầ đất đai ở quê nhà. Năm 1993 ông H1, vợ ông H1, bà S (mẹ đẻ ông H1) có bàn bạc về chia đất cho ông Á và thống nhất chia cho ông Á 3.000m2 đất, trong đó có 2.000m2 đất ruộng và 1.000m2 đất rẫy. Ngày 20/4/1993 ông H1 đã viết thư cho ông Á thông tin cho ông Á về việc giao đất cho ông Á như cuộc họp gia đình, nhận được thư ông Á đã nhất trí. Năm 1999 - 2000 nhà nước có chủ trương cấp sổ đỏ cho toàn dân. Ông Á cũng đã trực tiếp làm thủ tục đất đai, nhưng cũng không có ý kiến gì về việc chia đất đai, đến năm 2000 ông Á cũng tự nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2007 ông Á chủ động thuê người chôn cột bê tông ranh giới đất đai và đến năm 2008 ông Á đã tách chuyển giấy chứng nhận cho các con là Nguyễn Trọng H và Nguyễn Thị Minh H2.
Về phía gia đình ông H1, năm 2000 ông H1 cũng đã nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ngày 08/3/2001 ông H1 cũng đã phân chia tài sản cho các con bằng bản viết tay có xác nhận của UBND xã H, thành phố C để làm căn cứ như bản di chúc của gia đình.
Về 04 cây gạo: Trước kia cây gạo của ông Nguyễn Đức G (đã chết) và bà Đoàn Thị S (đã chết) đã bán sang Trung Quốc từ 1952. Còn 04 cây gạo hiện nay là do búp mầm mọc sau này, nhờ có bà Đoàn Thị N2 vợ ông H1 quản lý, bảo vệ nên mới còn đến ngày nay, nên 04 cây gạo này phải thuộc về gia đình ông H1.
Việc chia đất đai giữa ông H1 và ônh A được tiến hành khi bà Đoàn Thị S (mẹ đẻ) 92 tuổi còn sống và minh mẫn, ông H1 thay mặt gia đình, trong đó đủ tư cách thay mặt mẹ đẻ báo cho ông Á trong bức thư viết ngày 20/4/1993, dự kiến chia cho ông Á 2000m2 ruộng và 1000m2 đất rẫy. Ông Á không có phản hồi. Đến ngày 15/10/1993 Bộ luật đất đai có hiệu lực, đo đạc lại đất đai, lập bản đồ rải thửa, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Á nhận số liệu báo 2000m2 ruộng, 1000m2 rẫy làm thủ tục cấp sổ đổ, cũng có nghĩa là thừa nhận việc việc chia đất đai đó là đúng sự thật. Mẹ đẻ Đoàn Thị S chết năm 03/5/1996 ông Á nói là mẹ chết không để lại di chúc, nên đòi hỏi chia lại theo pháp luật nhưng còn đâu di sản để mà chia vì đã chia cho các con hết rồi. Việc chia di sản do ông cha để lại theo luật thừa kế năm 2015 (đến ngày 01/01/2017 có hiệu lực) là không phù hợp vì việc chia đất đai được tiến hành từ ngày 20/4/1993 lúc đó chưa có luật đất đai và bộ luật dân sự. Việc chia đất đai khi đó là theo tập quán địa phương dựa vào quan hệ và đất đai do bố mẹ để lại. Do đó không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Người được ủy quyền của bị đơn bà Nguyễn Thị T trình bày: Về đơn khởi kiện của ông Nguyễn Đức Á, ông H1 không chấp nhận vì sự việc hai bên đã tự nguyện cho người về đo đạc làm sổ đỏ từ lâu. Trong quá trình chia có sự tôn trọng ông Á bằng thư gửi và thực tế thông tin của lá thư đã được thực hiện canh tác nhiều năm qua, ông H1 không nhất trí đơn ông Á có sự vu khống, đặt điều cho ông H1.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Đức D trình bày: Năm 1949 bố ông là Nguyễn Đức H1 lấy mẹ là Đoàn Thị N2, bố đi thoát ly, mẹ ở nhà làm ruộng là lao động chính trong gia đình. Năm 1959 mẹ ông đã đứng tên nộp toàn bộ ruộng đất vào hợp tác xã theo Hợp tác xã, đến tháng 5/1989 Hợp tác xã giải thể, bà N2 đã là người quản lý toàn bộ đất đai. Năm 1992 sau khi đất đai ổn định ông Nguyễn Đức H1 đã xuống Hà Nội bàn với ông Á về đất đai, ngày 20/4/1993 ông H1 đã viết thư cho ông Á về chia đất đai, ông Á chấp thuận không có ý kiến gì. Năm 1996 bà nội là Đoàn Thị S mất, năm 2000 gia đình ông và gia đình ông Nguyễn Đức Á đều đã làm sổ đỏ. Như vậy là đất ổn định không có tranh chấp. Đến năm 2018 ông Á có đơn khởi kiện gửi xóm, xã rồi năm 2019 ông Á gửi đơn đến tòa án yêu cầu chia tài sản thừa kế. Ông D không nhất trí với đơn yêu cầu khởi kiện của ông Á.
Người được ủy quyền và đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Nguyễn Đức H5 trình bày: Tại phiên hôm nay nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện về việc chia tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất là 04 cây gạo theo quy định của pháp luật.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Nguyễn Thị Minh H2, nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đức Á về yêu cầu chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đoàn Thị C1 và Nông Thị H3 và Nguyễn Thị N1 đều không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đức Á vì đất đã được chia nhau và ông Á, ông H1 sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã chia lại cho các con.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Tại phiên tòa ngày hôm nay nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện về việc chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Căn cứ cho yêu cầu khởi kiện là ông Nguyễn Đức G (bố đẻ) và bà Đoàn Thị S (mẹ đẻ) chết đi không để lại di chúc về thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế vẫn còn. Về lá thư ngày 20/4/1993 ông H1 viết cho ông Á và giấy Cân phân tài sản viết 1995 là không có giá trị pháp lý. Nên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các bên là không có giá trị pháp lý. Vì vậy đề nghị chia di sản thừa kế theo pháp luật thừa kế.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Về thời hiệu chia di sản thừa kế vẫn còn, tuy nhiên về tài sản để chia thừa kế là không còn. Vì từ năm 1993, 1995 giữa ông H1 và ông Á đã có việc phân chia tài sản khi bà Đoàn Thị S (mẹ đẻ) vẫn còn sống. Điều này được thể hiện bằng lá thư tay ông H1 viết cho ông Á vào ngày 20/4/1993, ông Á nhận được thư đã không có ý kiến gì, sau đó ông Á đã nhận đúng phần đất của mình được thể hiện trong thư và đã kê khai đăng ký quyền sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2000. Đến năm 2008 ông Á đã định đoạt tài sản bằng việc chia cho các con là Nguyễn Đức H5 và Nguyễn Thị Minh H2. Bên phía bị đơn là ông H1 cũng đã đăng ký quyền sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông H1 cũng đã chia lại cho các con và đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên các con. Như vậy về di sản thừa kế đã không còn. Nên việc yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Á không được bị đơn chấp nhận.
Tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện được chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất 04 cây gạo. Về phần đất để lại phần ông H1 02 thửa đất 383 và 167 vì có công chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ, phần còn lại được đem ra chia đôi. 04 cây gạo được chia đôi mỗi người 02 cây. Bị đơn không nhất trí chia di với yêu cầu của nguyên đơn và yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 85/2023/DS-ST ngày 30/9/2023 của Toà án nhân dân thành phố C, tỉnh Cao Bằng đã quyết định:
- Áp dụng: Khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 3 Điều 36 và khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157, 235, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Áp dụng các Điều 609, 610, 612, 613, 649, 650, 651 Bộ luật dân sự năm 2015;
- Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
1. Tuyên xử: Không chấp nhận toàn bộ đơn yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đức Á về việc yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dung đất và tài sản gắn liền trên đất.
Nay xử:
- Ông Nguyễn Trung H6 tiếp tục quản lý và sử dụng các thửa đất: Thửa số 81, tờ bản đồ 18, diện tích 1.230 m ( nay là thửa 236, tờ bản đồ 21, diện tích 1.237,4 m); Thửa 5a, tờ bản đồ 22, diện tích 1.000m (nay là thửa 156, 167, 168 tờ bản đồ số 28, diện tích 1.000);
- Bà Nguyễn Thị Minh H2 tiếp tục quản lý và sử dụng: Thửa 235, tờ bản đồ 18, diện tích 880m (nay là thửa 383, tờ bản đồ số 22, diện tích 870,6 m) .
- Ông Nguyễn Đức D và bà Đoàn Thị C1 tiếp tục quản lý và sử dụng các thửa đất: Thửa 90, tờ bản đồ 22, diện tích 672,1 m; Thửa 55, tờ bản đồ 28, diện tích 1.225,5 m); Thửa 253, tờ bản đồ 18, diện tích 1.160 m (nay là Thừa 85, tờ bản đồ 27, diện tích 1.189,5 m).
- Ông Nguyễn Đức N và bà Nông Thị H3 tiếp tục quản lý và sử dụng các thửa đất: Thửa 88, tờ bản đồ 22, diện tích 330,1m; Thửa 54, tờ bản đồ 28, diện tích 1.229 m ;
- Ông Nguyễn Đức H1 tiếp tục quản lý và sử dụng các thửa đất: Thửa 82, tờ bản đồ 18, diện tích 650m (nay là thửa 256, tờ bản đồ 21, diện tích 530,7 m²); Thửa 83, tờ bản đồ 18, diện tích 887m (nay là thửa 237, tờ bản đồ 21, diện tích 878,7 m); Thửa 76, tờ bản đồ 18, diện tích 1.124 m (nay là thửa 195, tờ bản đồ 21, diện tích 1.123,8 m); Thửa 71, tờ bản đồ số 28, diện tích 936,2 m; Thửa 101, tờ bản đồ 22, diện tích 569,5 m); Thửa 12, tờ bản đồ 18 diện tích 820m (nay là thửa 113, tờ bản đồ 22, diện tích 569,5 m và thửa 137, tờ bản đồ 21, diện tích 209,7 m); Thưa 156, tờ bản đồ 28, diện tích 824,3 m; Thửa 168, tờ bản đồ 28, diện tích 854,6 m).
Về tài sản trên đất 04 cây gạo mọc trên thửa đất Thửa 71, tờ bản đồ số 28, diện tích 936,2 m thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Đức H1.
2. Về án phí và chi phí tố tụng: Do yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận nên ông Nguyễn Đức Á phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 84.193.700 đồng (Tám mươi tư triệu một trăm chín mươi ba nghìn bảy trăm đồng) để sung công quỹ nhà nước. Tuy nhiên, ông Á sinh năm 1936 là người cao tuổi, đã có đơn xin miễn án phí nên ông Á được miễn nộp toàn bộ án phí theo quy định của pháp luật.
Về chi phí tố tụng: Ông Nguyễn Đức Á phải chịu toàn bộ chi phí thẩm định và định giá tài sản là 4.500.000 đồng, ông Á đã nộp tạm ứng chi phí thẩm định và định giá tài sản là 6.000.000 đồng. Ông Á được trả lại số tiền tạm ứng vượt quá là 1.500.000 đồng, ông Á đã được nhận lại số tiền theo Biên bản giao nhận ngày 30/9/2023. Xác nhận ông Á đã nộp đủ chi phí tố tụng dân sự.
Ngoài ra bản án còn quyết định về quyền kháng cáo cho các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 12/10/2023 nguyên đơn Nguyễn Đức Á có đơn kháng cáo không nhất trí với bản án dân sự sơ thẩm số 85/2023/DS-ST ngày 30/9/2023 của Toà án nhân dân thành phố C, tỉnh Cao Bằng.
Tại phiên toà phúc thẩm, nguyên đơn và người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn yêu cầu xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị huỷ bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân thành phố C do có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhất trí với bản án sơ thẩm, đề nghị HĐXX bác yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn Nguyễn Đức Á, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân thành phố C, tỉnh Cao Bằng, để ông Nguyễn Đức H1 được quyền sử dụng đất đối với tất cả các thửa đất mà ông đã chuyển cho các con theo quy định của pháp luật.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến gì, nhất trí với bản án sơ thẩm đã tuyên.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án:
Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa, người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Về quan điểm giải quyết vụ án:
Qua các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thấy rằng Toà án nhân dân thành phố Cao Bằng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi thụ lý giải quyết án. Cụ thể: Vi phạm về thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện dẫn đến xác định sai về tài sản được coi là di sản do đó xác định sai quan hệ tranh chấp:
Toà án nhân dân thành phố C xác định nguồn gốc tài sản tranh chấp là của cụ Nguyễn Đức G (chết năm 1973) và cụ Đoàn Thị S (chết năm 1996) để lại gồm:
14 thửa đất và 04 cây gạo trên đất. Ngày 20/9/1993 ông H1 viết thư (thay mặt mẹ là bà S) gửi cho ông Á có nội dung: Chia cho Á 3000m2 phần còn lại thuộc về ông H1, khi đó bà S còn sống và không ai có ý kiến gì, đến năm 2000 ông Á và ông H1 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất của mình theo nội dung bức thư. Đến năm 2008, phần đất ông Á được chia 3000m2 ông Á đã chia cho các con, cụ thể là chia cho Nguyễn Trọng H gồm các thửa: Đất ruộng Lăng Dủa thửa 32 (nay là thửa 38) chia cho con gái Nguyễn Thị Minh H2. Phần đất ông H1 được hưởng một số thửa cũng đã chia cho các con.
Theo đơn khởi kiện, đơn khởi kiện (sửa đổi, bổ sung) nguyên đơn ông Nguyễn Đức Á khởi kiện yêu cầu Toà án chia di sản thừa kế theo pháp luật toàn bộ tài sản là di sản bố mẹ để lại tuy nhiên tài sản là quyền sử dụng đất đối với 14 thửa đất và 04 cây gạo trên đất tại thời điểm khởi kiện đã được kê khai cấp GCNQSDĐ mang tên các con của ông Á, ông H1 và một số thửa đứng tên ông H1 như vậy số tài sản mà ông Á yêu cầu chia thừa kế không phải là tài sản của người đã chết (Đã không còn là tài sản của cụ G, cụ S) mà thuộc sở hữu của ông H1 và các con của ông Á, các con của ông H1, do vậy không được coi là di sản. Bởi tại Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Di sản gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác”.
Về nguyên tắc, di sản phải là tài sản của người chết. Vì vậy Toà án xác định 14 thửa đất và 04 cây gạo trên đất là di sản thừa kế là vi phạm Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Hơn nữa, Toà án nhân dân thành phố C, tỉnh Cao Bằng thụ lý vụ án, áp dụng khoản 5 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp về thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất” là chưa chính xác. Vì thời điểm khởi kiện tất cả các tài sản là thuộc quyền sở hữu của các con ông Á, các con của ông H1 và một số thửa đứng tên ông H1, do đó ông Á không có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Lẽ ra khi ông Á nộp đơn khởi kiện, Toà án nhân dân thành phố C phải hướng dẫn cho đương sự, nếu yêu cầu chia thừa kế thì đồng thời phải yêu cầu huỷ GCNQSDĐ đã được cấp.
Đối với trường hợp này, nếu ông Á không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện (không có yêu cầu huỷ GCNQSDĐ) thì toà án phải trả lại đơn khởi kiện do không có quyền khởi kiện. Vì nếu không yêu cầu huỷ GCNQSDĐ thì ông Á không có quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với tài sản không thuộc sở hữu của ông G bà S tại thời điểm yêu cầu, không có quyền khởi kiện vì không chứng minh được quyền lợi ích của ông Á bị xâm phạm vì thậm chí tài sản không phải mang tên của ông Á vi phạm Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Với những sai sót này cấp phúc thẩm không có điều kiện để bổ sung nên cần thiết huỷ bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo quy định của pháp luật. Đề nghị HĐXX căn cứ khoản 4 Điều 308 BLTTDS năm 2015 huỷ Bản án sơ thẩm số 85/2023/DS-ST ngày 30/9/2023 của Toà án nhân dân thành phố C, tỉnh Cao Bằng.
Sau khi xem xét đơn kháng cáo; tài liệu chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa; kết quả tranh tụng tại phiên tòa; quan điểm giải quyết vụ án của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Kháng cáo của nguyên đơn Nguyễn Đức Á trong thời hạn luật định nên được xem xét giải quyết.
Toà án cấp sơ thẩm đã căn cứ khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp về thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất”, thụ lý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Nguyễn Đức Á là không đúng quy định của pháp luật. Bởi vào thời điểm ông Á khởi kiện, một số thửa đất tranh chấp đã được cấp GCNQSDĐ mang tên các con ông Á (gồm Nguyễn Trọng H, Nguyễn Thị Minh H2), một số thửa đất tranh chấp đã được cấp GCNQSDĐ mang tên các con của ông H1.
Tại Điều 612 BLDS năm 2015 quy định: "Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác". Do đó, các tài sản hiện đã được cấp GCNQSDĐ trên không được coi là di sản. Việc Toà án cấp sơ thẩm xác định các thửa đất và tài sản trên đất là di sản thừa kế là không đúng quy định pháp luật. Như vậy ông Á không có quyền khởi kiện về việc yêu cầu chia di sản thừa kế đối với các tài sản trên. Toà án cấp sơ thẩm trong trường hợp này cần hướng dẫn cho đương sự sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện về yêu cầu huỷ GCNQSDĐ sau đó mới tiến hành thụ lý, giải quyết vụ án. Trong trường hợp đương sự không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện Toà án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện theo quy định tại Điều 192 BLTTDS năm 2015.
[2] Xét kháng cáo và căn cứ của việc kháng cáo:
Ông Nguyễn Đức Á kháng cáo cho rằng thời điểm mẹ ông còn sống, giữa mẹ, ông Á và ông H1 chưa có văn bản thoả thuận nào về việc phân chia di sản thừa kế; Bức thư tay ngày 20/4/1993 và Giấy cân phân về ruộng đất ngày 22/01/1995 chỉ là ý kiến cá nhân của ông H1 do đó không nhất trí với việc phân chia di sản theo bức thư viết tay năm 1993 của ông H1.
HĐXX xét thấy:
Nguồn gốc đất tranh chấp là của cụ ông Nguyễn Đức G (đã chết năm 1973) và cụ bà Đoàn Thị S (đã chết năm 1996), hai cụ có 02 người con trai là Nguyễn Đức Á và Nguyễn Đức H1. Thời điểm ông H1 gửi bức thư viết tay ngày 20/4/1993 cho ông Nguyễn Đức Á khi đó cụ Đoàn Thị S còn sống không có ý kiến gì, mặt khác khi nhận được thư ông Á cũng không có ý kiến phản đối. Đối với số đất đai được chia tại thư tay, ông Á cũng đã tự kê khai đăng ký quyền sử dụng đất và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2000. Như vậy, mặc dù không có sự bàn bạc, thoả thuận trực tiếp mà chỉ thông báo bằng bức thư viết tay, nhưng việc phân chia di sản giữa ông Á và ông H1 đã được hai bên tự hiểu với nhau và cả hai bên cũng đã đi làm các thủ tục đất đai với Nhà nước theo quy định của pháp luật. Như vậy, quá trình phân chia di sản từ năm 1993 cho tới khi được cấp GCNQSDĐ vào năm 2000, các bên đều quản lý, sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, đến năm 2016 khi Nhà nước tiến hành đo đạc lại đất để thực hiện việc cấp lại GCNQSDĐ thì tranh chấp mới xảy ra. Như vậy việc ông Á cho rằng ông không nhất trí với việc chia di sản của bố mẹ ông giữa ông và ông H1 là không có căn cứ.
Đối với kháng cáo của ông Á cho rằng tại Toà án cấp sơ thẩm ông có yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, tuy nhiên Toà án sơ thẩm không xem xét đầy đủ một số thửa đất theo yêu cầu của ông. Xét thấy tại Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 10/8/2020 có ghi nhận: “Do một số thửa đất đã có số liệu đo đạc cụ thể, rõ ràng, đất không có sự thay đổi, biến động gì và đã có trích lục bản đồ đo vẽ. Như vậy, số liệu diện tích đã có trích lục bản đồ đo vẽ cụ thể không có sự thay đổi do cơ quan Nhà nước cung cấp, do đó kháng cáo này của ông không có căn cứ chấp nhận.
Nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không thể khắc phục tại phiên tòa phúc thẩm. Do đó cần chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Nguyễn Đức Á , hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân thành phố C sẽ thụ lý, giải quyết, xét xử sơ thẩm lại vụ án khi đương sự khởi kiện vụ án với quan hệ tranh chấp khác.
Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng tại phiên toà phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
[3] Về chi phí tố tụng trong giai đoạn sơ thẩm:
Do vụ án thuộc trường hợp hủy và đình chỉ thuộc trường hợp điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự, người yêu cầu xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là ông Nguyễn Đức Á. Vì vậy, căn cứ khoản 5 Điều 157 BLTTDS và khoản 5 Điều 165 BLTTDS, ông Á phải chịu chi phí tố tụng đã chi cho Hội đồng định giá, Hội đồng xem xét thẩm định tại chỗ trong giai đoạn sơ thẩm là 4.500.000 đồng.
[4] Về án phí:
Các đương sự thuộc trường hợp được miễn án phí nên không đặt ra xem xét.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 4 Điều 308; Điều 311; điểm g, khoản 1 Điều 217; khoản 1 Điều 218; khoản 5 Điều 157; khoản 5 Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Nguyễn Đức Á, huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 85/2023/DS-ST ngày 30/9/2023 của Toà án nhân dân thành phố C, tỉnh Cao Bằng và đình chỉ giải quyết vụ án. Đương sự không có quyền khởi kiện lại vụ án.
2. Về chi phí tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm:
Ông Nguyễn Đức Á phải chịu số tiền chi phí tố tụng cho Hội đồng định giá và xem xét thẩm định tại chỗ là 4.500.000 đồng, xác nhận ông Nguyễn Đức Á đã nộp đủ.
3. Về án phí phúc thẩm:
Các Đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 19/2024/DS-PT về tranh chấp thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất
Số hiệu: | 19/2024/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cao Bằng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 21/03/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về