TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 341/2021/DSPT NGÀY 30/09/2021 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ
Ngày 30/9/2021, tại trụ sở Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 102/2021/TLPT- DS ngày 15 tháng 3 năm 2021, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 290/2021QĐXX-PT ngày 30 tháng 6 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số 403/QĐHPT-DS ngày 12/7/2021, Thông báo mở lại phiên tòa số 601/TB-TA ngày 21 tháng 9 năm 2021; giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Phan Văn T, sinh năm 1955; Nơi cư trú: phường THĐ, quận HK, Thành phố Hà Nội; Có mặt
- Bị đơn: Ông Phan Văn Ng (tức M), sinh năm 1958; Nơi cư trú: TT QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội; vắng mặt
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Ngô Thành B và Luật sư Nguyễn Văn N- Công ty Luật TNHH Niềm tin công lý- Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Có mặt
- Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Phan Thị Ng, sinh năm 1954; Nơi cư trú: xã TP, Thành phố YB, tỉnh YB; Vắng mặt
2. Ông PhanVăn S, sinh năm 1959; Nơi cư trú: phường TH, quận CG, Thành phố Hà Nội. Có mặt
3. Bà Trần Thị C, sinh năm 1951; Nơi cư trú: TT QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội. Có mặt
4. Anh Phan Hồng H, sinh năm 1976; Vắng mặt
5. Anh Phan Văn Qu, sinh năm 1978; Vắng mặt
6. Chị Phan Thị H, sinh năm 1980; Vắng mặt
7. Anh Phan Văn H, sinh năm 1982; Có mặt
Cùng cư trú: TT QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội.
8. Bà Nguyễn Thị K, sinh năm 1960; Vắng mặt
9. Anh Phan Văn Th, sinh năm 1988; Có mặt
10. Chị Phan Thị V, sinh năm 1990; Vắng mặt
11. Anh Bùi Thái H, sinh năm 1985; Vắng mặt
Nơi cư trú: TT QM, huyện ML, Hà Nội;
12. Chị Phan Thị Th, sinh năm 1985; Nơi cư trú: TT Chi Đông, huyện ML, Thành phố Hà Nội. Vắng mặt
13. Bà Nguyễn Thị Bảo Th, sinh năm 1948; Nơi cư trú: phường KL, DD, Thành phố Hà Nội. Có mặt
14. Chị Phan Thị Bảo Th, sinh năm 1973; Nơi cư trú: phường TC, quận BD, Thành phố Hà Nội. Có mặt
15. Chị Phan Thị Thu H, sinh năm 1975; Có mặt
16. Anh Phan Đình Ngh, sinh năm 1977; Vắng mặt
Đều có nơi cư trú tại: phường KL, quận DD, Hà Nội.
17. Bà Phan Thị T, sinh năm 1951; Nơi cư trú: xã PL, huyện SS, Thành phố Hà Nội; Có mặt
18. Bà Phan Thị M, sinh năm 1958;
Người đại diện theo pháp luật của bà M: Anh Nguyễn Văn K, sinh năm 1986;
19. Anh Nguyễn Văn K, sinh năm 1986; Vắng mặt
20. Anh Nguyễn Văn A, sinh năm 1989; Vắng mặt
Đều có nơi cư trú: xã KC, huyện DA, Thành phố Hà Nội.
21. Anh Nguyễn Đức H, sinh năm 1991; Nơi ĐKNKTT: xã KC, huyện DA, Thành phố Hà Nội ; Vắng mặt
Hiện đang chấp hành án tại trại giam Thanh Phong, Cục Cảnh sát Trại giam, Bộ Công An.
Bà Ng, ông S, bà C, anh H, anh Qu, chị H, anh H, bà K, anh Th, chị V, anh H, chị Th là những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn đều ủy quyền cho Ông Phan Văn Ng (tức M).
Bà Th, chị Th, chị H, anh Ngh, bà T, anh K, anh A, anh H là những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía nguyên đơn đều ủy quyền cho ông Phan Văn T.
Người kháng cáo: Ông Phan Văn Ng (tức M)- Là bị đơn
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 6/11/2018, bản tự khai và các tài liệu có trong hồ sơ nguyên đơn là ông Phan Văn T trình bày:
Bố tôi là ông Phan Văn S và mẹ tôi là bà Vương Thị C. Ông Phan Văn S, sinh năm 1902 - chết ngày 19 tháng 7 năm 1968, bà Vương Thị C, sinh năm 1904 - chết ngày 22 tháng 7 năm 1989. Bố mẹ tôi có 9 người con là:
1. Ông Phan Văn T, sinh năm 1932, chết ngày 06 tháng 10 năm 1994.
Vợ đầu của ông T là bà Trần Thị G, chết năm 1962. Bà G và ông T có 3 người con gồm: Phan Thị Ng; Phan Văn Ng và Phan Văn S.
Ông T lấy vợ hai là bà Trần Thị C, sinh năm 1951. Ông T và bà C có 4 người con chung là: Phan Văn H; Phan Văn Qu; Phan Thị H và Phan Văn H. Bà C cùng các con trú tại TT QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội.
2. Bà Phan Thị Y, sinh năm 1935, chết năm 1957, không có chồng con.
3. Ông Phan Văn Đ, sinh năm 1938, liệt sỹ hi sinh ngày 24 tháng 3 năm 1969, tại mặt trận phía Nam, không có vợ con.
4. Ông Phan Văn L, sinh năm 1941, chết năm 1961, không có vợ con.
5. Bà Phan Thị V, sinh năm 1944, chết năm 1963, không có chồng con.
6. Ông Phan Văn S (Phan Xuân Ch), sinh ngày 15/6/1949, đã chết ngày 06 tháng 01 năm 2015. Ông S có vợ là bà: Nguyễn Thị Bảo Th và có 3 con là: Phan Thị Bảo Th; Phan Thị Thu H và Phan Đình Ngh.
7. Bà Phan Thị T, sinh năm 1951.
8. Ông Phan Văn T, sinh năm 1955.
9. Bà Phan Thị M, sinh năm 1958. Có chồng là ông Nguyễn Văn R (đã chết năm 2002). Bà M hiện bị tai biến. Vợ chồng bà M có 3 người con chung là Nguyễn Văn K, Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn H. Các con của bà M đã có văn bản họp gia đình giao cho anh K là đại diện theo pháp luật.
Ông S và bà C chết không để lại di chúc. Khi bố mẹ tôi còn sống có để lại 3 thửa đất gồm:
1. Thửa đất số 64, tờ bản đồ số 34, diện tích 858,9m2 tại TT QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội đã được Ủy ban nhân dân huyện ML cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 015732 ngày 15/9/2005 mang tên hộ gia đình ông Phan Văn S.
2. Thửa đất số 111, bản đồ số 34, tổng diện tích 1196,3 m2 TT QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội của bố mẹ tôi mà anh Phan Văn Ng cùng vợ con đang ở nhờ.
3. 01 thửa đất ở đầu làng Giai Lạc do bà C và các con đang ở là thửa đất số 689, tờ bản đồ số 27, diện tích 339,2m2, đã được Ủy ban nhân dân huyện ML cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X 160871 ngày 18/12/2002 mang tên hộ gia đình bà Trần Thị C.
Trong vụ án này tôi chỉ đề nghị Tòa án giải quyết phân chia thừa kế theo pháp luật di sản của bố mẹ tôi tại thửa đất số 111, bản đồ số 34, diện tích 1196,3 m2. Nguồn gốc thửa đất này là của ông cha để lại cho bố và mẹ tôi. Hiện tại, anh Phan Văn Ng (tức M) cùng vợ con sử dụng từ năm 1982 đến nay. Tôi cùng các chị em trong gia đình đã đòi anh Ng trả lại nhưng anh Ng không trả.
Tôi đang thờ cúng anh tôi là liệt sĩ Phan Văn Đ. Tôi đề nghị hưởng thừa kế bằng đất để về nghỉ hưu hưởng tuổi già tại quê hương và lấy chỗ thờ cúng tổ tiên, thờ cúng liệt sĩ. Ngoài ra tôi không yêu cầu Tòa án phân chia bất cứ tài sản nào khác.
2 - Bị đơn, Ông Phan Văn Ng (tức M) trình bày:
Bố tôi là ông Phan Văn T, sinh năm 1933, mất năm 1994 tại thôn Giai Lạc, thị trấn QM, Hà Nội. Mẹ tôi là Trần Thị G, sinh năm 1932, chết năm 1962.
Nguồn gốc thửa đất số 111, bản đồ số 34, tổng diện tích 1.196,3 m2TT QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội mà tôi đang ở là của cụ ngoại tôi là Vương Thị C cho con gái là bà nội tôi - Vương Thị C. Việc cho năm nào tôi không nhớ nhưng khoảng vào thời kỳ cách mạng tháng 8.
Ông nội tôi là ông Phan Văn S (sinh năm 1902 - chết năm 1968) và bà nội tôi là bà Vương Thị C(sinh năm 1904 - chết ngày 22 tháng 7 năm 1989) có 9 người con như ông T trình bày là đúng.
Về thửa đất số 111, bản đồ số 34, TT QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội hiện tranh chấp: Khoảng năm 1966, cụ S và cụ C cho ông Phan Văn Đ 600m2 phần đất ở, còn 1 phần là đất ao. Sau này nhà nước đo đạc lại có tổng diện tích 1.196,3 m2. Ông Đ hy sinh năm 1969. Năm 1980 tôi đi bộ đội về thì cụ C cho tôi mảnh đất này. Đến tháng 5/1980, tôi lấy vợ là cô Nguyễn Thị K, sinh năm 1960 và vợ chồng tôi cùng ra ở đây. Vợ chồng tôi có 3 người con: Phan Thị Th, sinh năm 1985 hiện ở TT Chi Đông; Phan Xuân Th, sinh năm 1988 và Phan Thị V, sinh năm 1990, hiện đang ở với vợ chồng tôi. Chị V đã lấy chồng là H, đang ở trên nhà đất của tôi.
Khi cụ C cho tôi mảnh đất này có bố tôi, Ông S và bà M làm chứng, khi cho chỉ nói bằng miệng, không có giấy tờ gì. Khi cụ C cho tôi đất thì chỉ có đất không, không có nhà cửa gì, chỉ có vài khóm tre và ao bèo.
Khi tôi ra ở đất này, một nửa thửa đất là ao, vợ chồng tôi phải bỏ ra rất nhiều công sức để đổ đất lấp ao, hết khoảng 370 triệu đồng vì tôi đổ đất ao lấp cao khoảng 2m. Tiền đổ đất là tôi được nhận tiền đền bù đất nông nghiệp. Sau khi cụ C cho tôi, các cô chú không ai có ý kiến gì. Đến năm 2003 khi đất đai bùng nổ thì ông T về tranh chấp với gia đình tôi.
Đất này tôi xác định là của bà nội tôi đã cho tôi, là quyền sử dụng đất của tôi. Tôi đã ở và đã đóng thuế từ năm 1980 đến nay. Trên bản đồ địa chính đất từ trước đến nay đều mang tên tôi. Tôi không đồng ý yêu cầu chia thừa kế của ông T.
Nếu phải chia thừa kế thì tôi đề nghị được nhận phần của bố tôi. Ngoài ra cụ S và cụ C còn có các thửa đất sau:
- Thửa đất số 64, diện tích 858,9m2 tại TT QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội, đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Phan Văn S. Ông S làm giấy chứng nhận quyền sử dụng lúc nào gia đình tôi không biết. Cụ S, cụ C ở thửa đất này. Trên đất có nhà cấp 4. Khi Tòa án giải quyết vụ án ông T yêu cầu chia thừa kế thì tôi không đề nghị Tòa án xem xét, chia thừa kế thửa đất này. Tôi sẽ có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết trong vụ án khác.
Còn thửa đất 339,2m2 ở đầu làng Giai Lạc do bà C và các con đang ở là của bố mẹ tôi là ông T và Bà G mua ½; sau khi Bà G chết thì ông T và bà C mua nốt ½. Khi mua không có giấy tờ gì. Đất này là tài sản riêng của ông T, bà C, không liên quan gì đến đất thừa kế. Đất này đã được Ủy ban nhân dân huyện ML cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 18/12/2002 mang tên hộ bà Trần Thị C. Bà C đã chia đất cho 3 con trai là Hải, Quân và Hiên. Thửa đất này không phải là đất thừa kế.
Ngoài ra tôi không yêu cầu Tòa án giải quyết gì khác.
3. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày:
3.1. Bà Ng, ông S, bà C, ông H, ông Q, bà H, ông H, bà Y, bà K, anh Th, chị V, anh H, chị Th đều nhất trí lời trình bày của anh Ng; nếu được hưởng thừa kế và có công sức, quyền lợi trong vụ án thì xin nhường lại toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Ng và ủy quyền cho ông Ng tham gia tố tụng tại Tòa.
3.2. Bà Th, chị Th, chị H, anh Ngh, bà T, anh K, anh A, anh H đều nhất trí lời trình bày của ông T; nếu được hưởng thừa kế và có công sức, quyền lợi trong vụ án thì xin nhường lại toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T và ủy quyền cho ông T tham gia tố tụng tại Tòa.
Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2021/DS-ST ngày 08/01/2021 của Tòa án nhân dân huyện ML xử:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phan Văn T.
2. Xác định thửa đất thửa đất số 111, bản đồ số 34 tại Tổ dân phố số 1, Thị trấn QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội có diện tích 1.173,8 m2 là di sản của cụ Phan Văn S và cụ Vương Thị C, trong đó có 200m2 đất ở và 973,8m2 đất vườn, có tổng trị giá 1.253.860.000 đồng (một tỷ hai trăm năm mươi ba triệu tám trăm sáu mươi ngàn đồng).
3. Cụ Phan Văn S chết ngày 19/7/1968. Xác định thời điểm mở thừa kế lần 1 vào ngày 19/7/1968.
4. Cụ Vương Thị C chết ngày 22/7/1989. Xác định thời điểm mở thừa kế lần 2 vào ngày 22/7/1989.
5. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ S và cụ C gồm có 05 kỷ phần thừa kế, cụ thể: các thừa kế của ông Phan Văn T; các thừa kế của ông Phan Văn S; bà Phan Thị T; ông Phan Văn T và bà Phan Thị M.
Ghi nhận sự tự nguyện tặng cho toàn bộ phần tài sản và di sản được thừa kế của bà Trần Thị C; chị Phan Thị Ng; anh Phan Văn S; anh Phan Văn H; anh Phan Văn Qu; chị Phan Thị H và anh Phan Văn H khi được nhận thừa kế của ông Phan Văn T cho Ông Phan Văn Ng. Ghi nhận sự tự nguyện của bà Nguyễn Thị K và các con là anh Phan Văn Th, chị Phan Thị V, Bùi Thái H và Phan Thị Th giao toàn bộ tài sản, công sức của mình cho Ông Phan Văn Ng.
Ghi nhận sự tự nguyện tặng cho toàn bộ phần tài sản và di sản được thừa kế của bà Nguyễn Thị Bảo Th và các con là: Phan Thị Bảo Th; Phan Thị Thu H và Phan Đình Ngh, là những người thừa kế thế vị của Ông S; bà Phan Thị M (anh K là người đại diện theo pháp luật của bà M); bà Phan Thị T cho ông Phan Văn T.
6. Trích 1/3 giá trị di sản thừa kế cho công sức đóng góp của Ông Phan Văn Ng cùng vợ và các con ông Ng, có giá trị bằng hiện vật là 60m2đất ở và 331,3m2đất vườn.
Phần di sản của cụ S và cụ C còn lại là 140m2 đất ở và 642,5m2 đất vườn được chia thành 5 kỷ phần; trích mỗi kỷ phần 16m2 đất vườn làm ngõ đi chung là 80m2; mỗi kỷ phần còn lạiđược hưởng bằng hiện vật là 28m2 đất ở và 112,5m2 đất vườn.
7. Chia thừa kế theo pháp luật.
7.1.Giao cho Ông Phan Văn Ng được quyền sử dụng kỷ phần thừa kế của ông Phan Văn T là 140,5m2 trong đó có 28m2 đất ở và 112,5m2 đất vườn tại thửa đất số 111, tờ bản đồ số 34 tại Tổ dân phố số 1, Thị trấn QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội.
Tổng tài sản Ông Phan Văn Ng được quyền sử dụng là 531,8m2 đất, trong đó có 88m2 đất ở và 443,8m2 đất vườn tại thửa đất số 111, tờ bản đồ số 34 tại Tổ dân phố số 1, Thị trấn QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội. Các tài sản trên đất Ông Phan Văn Ng được toàn quyền sở hữu và sử dụng (Được giới hạn bởi các điểm I,J,K,L,M,N,O,P,V,I trên sơ đồ kèm theo).
7.2. Giao cho ông Phan Văn T được quyền sử dụng 562m2 đất tại thửa đất số 111, tờ bản đồ số 34 tại Tổ dân phố số 1, Thị trấn QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội; trong đó 112m2 đất ở và 450m2đất vườn. Các tài sản trên đất ông Phan Văn T được toàn quyền sở hữu và sử dụng (Được giới hạn bởi các điểm A,B,C,D,V,P,Q,T,A trên sơ đồ kèm theo).
Ông Phan Văn T phải có nghĩa vụ thanh toán cho Ông Phan Văn Ng 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng).
Ghi nhận sự tự nguyện của ông T cho Ông Phan Văn Ng được tháo dỡ, sử dụng toàn bộ vật liệu xây dựng nhà tôn cũ nát và di dời toàn bộ các cây cối trên phần đất ông T được chia trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật.
7.3. Giành 80m2 đất làm ngõ đi chung giữa nhà ông T và nhà ông Ng.
Trên phần đất ngõ đi chung có ụ đất cao > 1m trên trồng 01 cây sung, buộc ông Ng cùng bà K và các con phải có nghĩa vụ di dời toàn bộ ụ đất và cây sung để trả lại mặt bằng làm ngõ đi chung.
(Được giới hạn bởi các điểm D,E,F,G,H,I,V,D trên sơ đồ kèm theo).
Ông Phan Văn T và Ông Phan Văn Ng có quyền và nghĩa vụ liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được đăng ký quyền sử dụng đất đối với tài sản được phân chia nêu trên.
8. Không chấp nhận các yêu cầu khác của các bên đương sự.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo, quyền thi hành án cho các đương sự.
Không đồng ý bản án sơ thẩm, ông Ng có đơn kháng cáo toàn bộ bản án vì lý do cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt gia đình ông và cho rằng đất này là của ông được cụ C cho từ năm 1980.
Tại phiên tòa hôm nay, Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Luật sư Nguyễn Văn Ngọc và Luật sư Ngô Thành Ba bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Ng đề nghị Tòa án hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì các lý do:
- Nguyên đơn ông T khởi kiện chia đất vườn, ao của bố mẹ để lại không có đất ở, trong quá trình sử dụng ông Ng đã chuyển đổi mục đích 200 m2 thành đất ở hợp pháp của ông Ng nên phần đất ở này là của ông; Cấp sơ thẩm không thẩm định việc ông Ng đổ đất lấp ao, tôn tạo vườn bằng khối lượng đất, đá san lấp mà chỉ áng chừng công tôn tạo bằng 1/3 giá trị đất là không đúng; Cấp sơ thẩm nhận định ông Ng tự ý làm nhà là không đúng mà ông Ng được bà nội là cụ C giao cho việc trông nom đất, làm nhà từ 1980 khi cụ còn sống, không có ai tranh chấp; Nhà hiện nay là do Chính quyền địa phương xây nhà tình nghĩa cho ông Ng nhưng cấp sơ thẩm lại chia cho ông T là không phù hợp; Ông T bố ông Ng là con trưởng nên khi ông còn sống có thờ cúng liệt sỹ Đính nhưng cấp sơ thẩm chưa xem xét công sức thờ cúng này của ông T.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:
- Về phần thủ tục tố tụng: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước khi nghị án;
Các đương sự chấp hành tương đối tốt quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định.
- Về đường lối giải quyết vụ án: Sau khi phân tích nội dung vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị: Không có căn cứ xác định ông Ng đã được cụ C cho toàn bộ thửa đất tranh chấp tuy nhiên công sức của ông Ng từ năm 1980 là rất lớn. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của ông Ng: Sửa án sơ thẩm theo hướng tính công sức cho ông Ng bằng ½ giá trị thửa đất, phần còn lại là di sản thừa kế chia cho 5 kỷ phần, ông T được hưởng kỷ phần của ông T và bà T, bà M, Ông S; kỷ phần của ông T giao cho ông Ng và chia cho ông Ng được sử dụng phần đất có nhà “Đại đoàn kết” mà ông Ng được UBND huyện ML xây cho, phần đất phía trong chia cho ông T, ông T phải thanh toán trị giá các tài sản trên đất được chia cho ông Ng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà, sau khi nghe các bên đương sự, Luật sư tranh luận, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, Hội đồng xét xử nhận định:
I. Xét kháng cáo của ông Ng về việc Tòa cấp sơ thẩm xử vắng mặt ông và gia đình ông:
Nhận thấy: Bị đơn ông Ng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ lên quan về phía bị đơn đều đã được tống đạt hợp lệ Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Quyết định hoãn phiên tòa nhưng đều không có mặt tại phiên tòa hai lần liên tiếp mà không vì sự kiện bất khả kháng. Do vậy, việc Tòa cấp sơ thẩm xét xử sơ thẩm vắng mặt bị đơn ông Ng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ lên quan về phía bị đơn là đúng quy định tại Điều 269 Bộ luật Tố tụng dân sự.
II. Về nội dung:
1. Xét về nguồn gốc đất tranh chấp:
Nhận thấy: Cả nguyên đơn và bị đơn đều xác nhận thửa đất tranh chấp số 111, bản đồ số 34, tổng diện tích 1196,3 m2 (số đo thực tế là 1.173,8 m2) TT QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội có nguồn gốc là của dòng họ Vương (bên ngoại cụ Vương Thị C). Cụ C được mẹ là cụ Cỏn cho thửa đất này từ trước năm 1945, vợ chồng cụ C-Sính đã sử dụng đất này thả bèo, làm vườn. Ông Ng cho rằng năm 1968 cụ C có cho ông Phan Văn Đ 600 m2 đất vườn, năm 1969 Ông Đ đi bộ đội hy sinh nên đến năm 1980 ông đi bộ đội về được cụ C cho ra ở đất này, ông làm gian nhà thờ Ông Đ là để ghi nhớ công ơn Ông Đ vì coi như ông được hưởng đất này của Ông Đ; ông không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ C, cụ S vì cho rằng thửa đất này là của ông. Phía ông T xác định có được nghe nói mẹ ông cho Ông Đ đất này nhưng chỉ nói miệng, không có giấy tờ gì và không biết cụ thể việc cho thể nào vì ông đi công tác; ông đề nghị xác định đất này vẫn là của bố mẹ ông để lại và đề nghị chia thừa kế.
Xét thấy: UBND thị trấn QM không có hệ thống sổ sách và bản đồ địa chính thời điểm trước năm 1986 nên không xác định được tên chủ sử dụng thửa đất tranh chấp số 111, bản đồ số 34, tổng diện tích 1196,3 m2 (số đo thực tế là 1.173,8 m2) TT QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội thời điểm trước năm 1986. Sổ mục kê năm 1986 và những năm sau này, ông Ng là người đứng tên chủ sử dụng đất, đóng thuế đất hàng năm. Tuy nhiên, ông Ng cũng xác định thửa đất này là của bà nội ông là cụ C để lại.
Các bên đương sự đều khai có việc cụ C cho Ông Đ còn cho toàn bộ thửa đất hay cho bao nhiêu thì các bên không thống nhất và không có giấy tờ gì thể hiện nên không có căn cứ xác định vì thực tế Ông Đ chưa có thời gian nào sử dụng. Xét thấy, nếu có việc cụ C cho Ông Đ đất thì sau khi Ông Đ chết thì cụ C là thừa kế duy nhất của Ông Đ là người được hưởng.
Ông Ng cho rằng cụ C đã cho hẳn ông thửa đất này từ năm 1980 nhưng cũng không đưa ra được giấy tờ gì chứng minh và không được phía ông T, các thừa kế của Ông S, bà T và đại diện bà M thừa nhận. Do đó, thửa đất này vẫn được xác định là tài sản của cụ C, cụ S để lại chưa chia. Việc ông Ng sử dụng đất từ 1980, đứng tên chủ sử dụng trong sổ mục kê đất và đóng thuế đất không phải là căn cứ để xác định ông Ng đã là chủ sử dụng đất hợp pháp. Cụ S và cụ C chết không để lại di chúc nên nguyên đơn ông T có quyền yêu cầu chia thừa kế của cụ C, cụ S theo pháp luật đối với thửa đất này.
2. Xét công sức của gia đình ông Ng:
Nhận thấy, ông Ng đã quản lý đất này từ năm 1980 đến nay đã 40 năm, từ chỗ đất chỉ là khu vườn trũng và ao. Việc thửa đất được như hiện nay là có rất nhiều công sức đóng góp của gia đình ông Ng như đổ đất tôn cao vườn, ao, đóng thuế sử dụng đất, làm tăng giá trị sử dụng đất. Do vậy, trước khi chia thừa kế của cụ C, cụ S cần trích công sức đóng góp cho gia đình ông Ng một cách hợp lý.
Hội đồng xét xử thấy, cần trích công sức cho gia đình ông Ng bằng ½ diện tích thửa đất thì mới tương xứng với công sức của gia đình ông Ng. Bản án sơ thẩm chỉ trích công sức cho ông Ng tương đương 1/3 diện tích thửa đất là chưa phù hợp, thiệt thòi cho gia đình ông Ng nên cần sửa lại.
Cụ thể, diện tích đất tranh chấp có số đo thực tế là 1.173,8 m2 gồm 200 m2 đất ở và 973,8 m2 đất vườn, trị giá 1.253.860.400đ. Trích công sức cho gia đình ông Ng là 100 m2 đất ở và 486,9 m2 vườn trị giá 626.930.200đồng.
3. Chia thừa kế:
Diện tích đất còn lại là 100 m2 đất ở và 486,9 m2 vườn có giá trị 626.930.200đ là di sản của cụ C, cụ S để lại để chia thừa kế.
Thời điểm mở thừa kế của cụ S là năm 1968, hàng thừa kế thứ nhất của cụ S gồm cụ C và ông T, Ông Đ, Ông S, ông T, bà T, bà M.
Thời điểm mở thừa kế của Ông Đ là năm 1969. Hàng thừa kế thứ nhất của Ông Đ là cụ C.
Thời điểm mở thừa kế của cụ C là năm 1989, hàng thừa kế thứ nhất của cụ C gồm: Ông T, Ông S, ông T, bà T, bà M.
Hàng thừa kế thứ nhất chung của hai cụ là: Ông T, Ông S, ông T, bà T, bà M nên có thể chia đều phần di sản của 2 cụ làm 5 kỷ phần cho ông T, Ông S, ông T, bà T, bà M mỗi người hưởng 01 kỷ phần có giá trị là 626.930.200đ :5= 125.386.040đ (tương ứng 20 m2 đất ở và 97,38 m2 đất vườn).
Ghi nhận tự nguyện của các thừa kế của ông T cho ông Ng hưởng toàn bộ kỷ phần của ông T; ghi nhận tự nguyện của các thừa kế của Ông S và tự nguyện của bà T, anh K (đại diện của bà M) cho ông T toàn bộ kỷ phần của Ông S, bà M, bà T. Bà Nguyễn Thị K và các con là anh Phan Văn Th, chị Phan Thị V, Bùi Thái H và Phan Thị Th giao toàn bộ tài sản, công sức của mình cho Ông Phan Văn Ng.
Như vậy, tổng kỷ phần của ông Ng được hưởng là: 626.930.200 đồng +125.386.040đ = 752.316.240 đồng.
Tổng kỷ phần của ông T được hưởng là: 125.386.040đ x 4= 501.544.160 đồng
4. Chia hiện vật:
Theo xác minh tại UBND TT QM thì năm 2000 ông Ng được UBND huyện ML làm nhà Đại đoàn kết tại thửa đất tranh chấp vì gia đình ông Ng thuộc diện khó khăn. Hiện nay, vợ chồng ông Ng vẫn đang sử dụng ngôi nhà này, không có khả năng tạo lập nhà ở khác. Bản án sơ thẩm chia cho ông T diện tích đất trên có nhà Đại đoàn kết này là không hợp lý, gây khó khăn cho gia đình ông Ng trong việc tạo lập nhà ở mới. Do vậy, cần chia lại hiện vật cho các bên như sau:
Giành diện tích lối đi chung là 83,3 m2 đất vườn chạy từ ngõ vào (có sơ đồ kèm theo) trị giá 13.161.400đ; ông T và ông Ng mỗi người phải chịu ½ kỷ phần lối đi chung là: 6.580.700đ.
Chia cho ông T diện tích đất 410 m2 (gồm 80 m2 đất ở và 330 m2 đất vườn, ao liền kề) có giá trị là: (80 m2 x 5.500.000đ)+(330 m2 x 158.000đ) = 492.140.000đ. Trên diện tích đất này có 01 ngôi nhà cấp 4 DT 31 m2 và 13,3 m2 mái tôn do anh Th xây trị giá 32.421.000đ + 2.680.000đ = 35.101.000đ; 01 ngôi nhà cấp 4 DT 33,5 m2 và 17,7 m2 mái vẩy do anh Viêm, chị Hậu xây trị giá 35.036.000đ + 3.566.000đ = 38.602.000đ. Tổng cộng trị giá công trình trên đất là 73.703.000đ. Anh Th, chị Hậu, anh Viêm cho ông Ng toàn bộ phần công sức xây dựng của mình, do đó ông T được sở hữu các công trình này nhưng phải thanh toán lại cho ông Ng số tiền 73.703.000đ.
Tổng kỷ phần đất ông T được chia (cả ngõ đi chung) là: 492.140.000đ +6.580.700đ = 498.720.700đ So với kỷ phần được hưởng là 501.544.160 đồng, còn thiếu: 2.823.460đ, ông T được nhận do ông Ng thanh toán.
Chia cho ông Ng phần diện tích đất còn lại là 680,5 m2 (gồm 120 m2 đất ở và 560,5 m2 đất vườn, ao liền kề) trị giá (120 m2 x 5.500.000đ)+ (560,5 m2 x 158.000đ)= 748.559.000đồng. Trên diện tích đất này có nhà Đại đoàn kết của gia đình ông Ng.
Tổng kỷ phần đất ông Ng được chia (gồm cả kỷ phần lối đi chung) là: 748.606.400đồng + 6.580.700đ = 755.139.700đ So với kỷ phần được hưởng là 752.316.240 đồng, dư ra 2.823.460đ, ông Ng phải thanh toán lại cho ông T.
Đối trừ nghĩa vụ thanh toán cho nhau thì ông T còn phải thanh toán lại cho ông Ng là: 73.703.000đ - 1.835.960đ = 70.879.540đ Ông Ng có trách nhiệm di rời các cây cối của gia đình ông trên phần đất chia cho ông T để trả lại mặt bằng đất cho ông T.
(có sơ đồ phân chia kèm theo) Các khối tài sản khác của cụ S và cụ C các bên đương sự không yêu cầu giải quyết nên Hội đồng xét xử không xét.
Về án phí DSST: Miễn án phí cho các đương sự vì đều là người cao tuổi.
Về án phí DSPT: Do bản án sơ thẩm bị sửa nên đương sự kháng cáo là ông Ng không phải chịu án phí phúc thẩm.
Từ các phân tích và nhận định trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2020/DSST ngày 08/01/2020 của Tòa án nhân dân huyện ML và xử như sau:
Áp dụng các điều 115; 166; 609; 611; 612; 613; 614; 623; 649; 650; 651; 652; 660; 688 Bộ luật dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
I. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của ông Phan Văn T.
1.1 Xác định thửa đất thửa đất số 111, bản đồ số 34 tại Tổ dân phố số 1, Thị trấn QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội có diện tích 1.173,8 m2 trong đó có 200m2 đất ở và 973,8m2đất vườn, trị giá 1.253.860.400 đồng (một tỷ hai trăm năm mươi ba triệu tám trăm sáu mươi ngàn, bốn trăm đồng) là tài sản chung của cụ Phan Văn S và cụ Vương Thị C.
1.2. Xác định kỷ phần công sức của Ông Phan Văn Ng là 626.930.200đồng
1.3. Phần di sản của cụ Phan Văn S và cụ Vương Thị C còn lại tại thửa đất số 111, bản đồ số 34, tổ dân phố số 1, Thị trấn QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội có trị giá 626.930.200 đồng để chia thừa kế.
1.4. Thời điểm mở thừa kế của cụ S là năm 1968, hàng thừa kế thứ nhất của cụ S gồm cụ C và ông T, Ông Đ, Ông S, ông T, bà T, bà M.
Thời điểm mở thừa kế của Ông Đ là năm 1969. Hàng thừa kế thứ nhất của Ông Đ là cụ C.
Thời điểm mở thừa kế của cụ C là năm 1989, hàng thừa kế thứ nhất của cụ C gồm: Ông T, Ông S, ông T, bà T, bà M.
Xác định ông Phan Văn T chết năm 1994. Kỷ phần thừa kế của ông T do bà Trần Thị C và các con là Phan Thị Ng, Phan Văn S, Phan Văn H, Phan Văn Qu, Phan Thị H, Phan Văn H, Phan Văn Ng hưởng.
Xác định ông Phan Văn S chết năm 2015. Kỷ phần thừa kế của Ông S do bà Nguyễn Thị Bảo Th và các con là: Phan Thị Bảo Th; Phan Thị Thu H và Phan Đình Ngh hưởng.
1.5. Ghi nhận sự tự nguyện của các đương sự như sau:
- Bà Trần Thị C và các ông, bà: Phan Thị Ng, Phan Văn S, Phan Văn H, Phan Văn Qu, Phan Thị H, Phan Văn H cho Ông Phan Văn Ng toàn bộ kỷ phần thừa kế của ông Phan Văn T.
- Bà Nguyễn Thị K và các con là Phan Văn Th, Phan Thị V, Bùi Thái H, Phan Thị Th giao toàn bộ tài sản, công sức của mình cho Ông Phan Văn Ng.
- Bà Nguyễn Thị Bảo Th và các con là: Phan Thị Bảo Th; Phan Thị Thu H, Phan Đình Ngh cho ông T toàn bộ kỷ phần thừa kế của Ông S.
- Anh K (là người đại diện theo pháp luật của bà Phan Thị M) cho ông T toàn bộ kỷ phần thừa kế của bà Phan Thị M - Bà Phan Thị T cho ông Phan Văn T toàn bộ kỷ phần thừa kế của bà Phan Thị T.
1.6. Chia bằng giá trị:
Chia thừa kế của cụ S, cụ C làm 5 kỷ phần cho ông T, Ông S, ông T, bà T, bà M mỗi người 01 kỷ phần, mỗi kỷ phần được hưởng 125.386.040đ (một trăm hai mươi lăm triệu, ba trăm tám mươi sáu ngàn, không trăm bốn mươi đồng).
Ông Ng hưởng toàn bộ kỷ phần của ông T, Ông T hưởng toàn bộ kỷ phần của Ông S, bà T, bà M.
2. Tổng kỷ phần của ông Ng được hưởng có giá trị là: 752.316.240đ (bảy trăm năm mươi hai triệu, ba trăm mười sáu ngàn, hai trăm bốn mươi đồng).
3. Tổng kỷ phần của ông T được hưởng có giá trị là: 501.544.160đ (năm trăm linh một triệu, năm trăm bốn mươi bốn ngàn, một trăm sáu mươi đồng).
4. Chia hiện vật: (có sơ đồ phân chia kèm theo bản án)
4.1. Giành diện tích 83,3 m2 đất vườn chạy từ ngõ vào (giới hạn bới các điểm E,F,G,H,I,I,’V,E ( trên sơ đồ kèm theo) trị giá 13.161.400đ làm lối đi chung cho ông T và ông Ng. Ông T và ông Ng mỗi người phải chịu ½ kỷ phần lối đi chung là 6.580.700đ (sáu triệu, năm trăm tám mươi ngàn, bảy trăm đồng) Trên phần diện tích đất làm ngõ đi chung có ụ đất cao > 1m và 01 cây sung của ông Ng. Ông T và ông Ng cùng có trách nhiệm di rời cây sung và ụ đất để có mặt bằng làm ngõ đi chung, chi phí di rời ông T và ông Minh cùng phải chịu mỗi người ½.
4.2. Chia cho ông T diện tích đất 410 m2 gồm 80 m2 đất ở và 330 m2 đất vườn (giới hạn bởi các điểm: I’,V,N’,N,M,L,K,J,I’- trên sơ đồ kèm theo bản án) tại thửa đất số 111, tờ bản đồ số 34, tổ dân phố số 1, Thị trấn QM, huyện ML, Thành phố Hà Nội trị giá 492.140.000đ (bốn trăm chín mươi hai triệu, một trăm bốn mươi ngàn đồng). Trên diện tích đất này có 01 ngôi nhà cấp 4 diện tích 31 m2 và 13,3 m2 mái tôn do anh Th xây trị giá 35.101.000đ ; 01 ngôi nhà cấp 4 DT 33,5 m2 và 17,7 m2 mái vẩy do anh Viêm, chị Hậu xây trị giá 38.602.000đ. Tổng cộng trị giá công trình trên đất là 73.703.000đ (bảy mươi ba triệu, bảy trăm linh ba ngàn đồng). Ông T được sở hữu các công trình này nhưng phải thanh toán lại cho ông Ng 73.703.000đ (bảy mươi ba triệu, bảy trăm linh ba ngàn đồng) Tổng kỷ phần đất ông T được chia (bao gồm cả ngõ đi chung) có giá trị là:
498.720.700đ. So với kỷ phần giá trị được hưởng là 501.544.160 đồng, còn thiếu 2.823.460 đ (hai triệu, tám trăm hai mươi ba ngàn, bốn trăm sáu mươi đồng), ông T được nhận do ông Ng thanh toán.
4.3. Chia cho ông Ng phần diện tích đất còn lại là 680,5 m2 gồm 120 m2 đất ở và 560,5 m2 đất vườn, ao liền kề (giới hạn bởi các điểm E,D,C,B,A,T,Q,P,O,N’,V,E trên sơ đồ kèm theo bản án) trị giá 748.559.000đ (bảy trăm bốn mươi tám triệu, năm trăm năm mươi chín ngàn đồng) trên có nhà Đại đoàn kết.
Tổng kỷ phần đất ông Ng được chia (gồm cả kỷ phần lối đi chung) là: 754.152.200đ (bảy trăm năm mươi tư triệu, một trăm năm mươi hai ngàn, hai trăm đồng) So với kỷ phần giá trị được hưởng là 755.139.700đồng, dư ra 2.823.460 đ (hai triệu, tám trăm hai mươi ba ngàn, bốn trăm sáu mươi đồng) ông Ng phải thanh toán chênh lệch cho ông T.
5. Đối trừ nghĩa vụ thanh toán cho nhau thì ông T còn phải thanh toán lại cho ông Ng số tiền là: 70.879.540đ (bảy mươi triệu, tám trăm bảy chín ngàn, năm trăm bốn mươi đồng).
II. Ông Phan Văn T và Ông Phan Văn Ng có quyền và nghĩa vụ liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đăng ký quyền sử dụng đất được chia theo quy định pháp luật.
III. Không chấp nhận các yêu cầu khác của các bên đương sự.
IV. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án thì đối với các khoản tiền chưa thi hành hoặc chưa thi hành xong thì bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự cho đến khi thi hành xong các khoản tiền phải thi hành.
V. Về án phí DSST: Miễn án phí cho ông Phan Văn T và Ông Phan Văn Ng do là người cao tuổi.
VI. Về án phí DSPT: Ông Phan Văn Ng không phải chịu án phí phúc thẩm.
VII. Trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
VIII. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật để thi hành kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp thừa kế số 341/2021/DSPT
Số hiệu: | 341/2021/DSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 30/09/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về