TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
BẢN ÁN 28/2021/DS-PT NGÀY 22/09/2021 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 22 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 02/2021/TLPT - DS ngày 11/01/2021 về việc “Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 17/2020/DS-ST ngày 07/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện Yên Mỹ bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 14/2021/QĐPT - DS ngày 06/5/2021 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Chị Đỗ Thị V, sinh năm 1981; (Có mặt) Quê quán: Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên. Trú tại: Thôn Y.P, xã Gi.Ph, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên.
2. Bị đơn: Anh Đỗ Thế Đ, sinh năm 1978; (Có mặt) Trú tại: Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên.
3. Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
3.1. Bà Trương Thị L, sinh năm 1951; (Vắng mặt)
3.2. Chị Đỗ Thị T, sinh năm 1982; (Vắng mặt)
Người đại diện theo ủy quyền của bà L và chị T là chị Đỗ Thị V.
3.3. Bà Trần Thị M (Trần Thị M), sinh năm 1950; (Có mặt)
3.4. Anh Đỗ Thế Đ, sinh năm 1987;(Có mặt)
3.5.Chị Đỗ Thị H,sinh năm 1982;(Vắng mặt)
3.6.Chị Đỗ Thị M,sinh năm 1979; (Vắng mặt)
3.7. Chị Đỗ Thị L1, sinh năm 1953; (Có mặt)
3.8. Chị Trương Thị A, sinh năm 1978;(Có mặt)
3.9. Chị Lưu Thị M, sinh năm 1981;(Vắng mặt)
Đều trú tại: Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên.
3.10. Bà Đỗ Thị H2, sinh năm 1958; (Có mặt)
Trú tại: Thôn Đ.M, xã Đ.T, huyện M.Đ, tp. Hà Nội.
5. Người làm chứng:
5.1. Ông Đ.T.T, sinh năm 1929; (Có mặt).
5.2. Ông Đỗ Thế Y, sinh năm 1930; (Có mặt).
5.3. Ông Lưu Đức C, sinh năm 1945; (Có mặt).
Đều trú tại: Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên.
6. Người kháng cáo: Nguyên đơn chị Đỗ Thị V.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện đề ngày 29 tháng 6 năm 2018, đơn khởi kiện bổ sung đề ngày 20 tháng 8 năm 2018 và quá trình giải quyết tại Tòa án, nguyên đơn chị Đỗ Thị V trình bày:
Cụ Đỗ Thế S và cụ Luyện Thị M là ông bà nội của chị sinh được 04 người con gồm: ông Đỗ Thế V1, ông Đỗ Thế D, ông Đỗ Thị L, Bà Đỗ Thị H. Ngoài ra hai cụ không có con riêng và con nuôi. Cụ M chết ngày 02/5/1979, cụ S chết tháng 6/1998. Hai cụ khi chết đều không để lại di chúc.
Ông Đỗ Thế V1 có vợ là Bà Trương Thị L và có 02 con chung là chị Đỗ Thị V, sinh năm 1981 và Chị Đỗ Thị T, sinh năm 1982. Ông Đỗ Thế D có vợ là Bà Trần Thị M và có 04 con chung gồm anh Đỗ Thế Đ, sinh năm 1978, Chị Đỗ Thị M, sinh năm 1979, Anh Đỗ Thế Đ, sinh năm 1987, Chị Đỗ Thị H, sinh năm 1983. Ông Đỗ Thế V1 chết năm 1983, ông D chết năm 1995 đều không để lại di chúc.
Sinh thời, vợ chồng hai cụ S, Muộn sống trên mảnh đất cha ông để lại tại Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên. Ông V1 và ông D sau khi lập gia đình thì đều sinh sống trên thửa đất tranh chấp cùng hai cụ. Năm 1979, sau khi cụ M chết, cụ S tiếp tục quản lý và sử dụng mảnh đất. Thực hiện Chỉ thị 299 của Thủ tướng Chính phủ, cụ S đã kê khai đăng ký với nhà nước và vào bản đồ xác lập tài sản vợ chồng là thửa đất số 375 diện tích 306m2 tại Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên. Năm 1998, cụ S kê khai đăng ký lại thành thửa đất số 208 diện tích 296,7m2. Ngoài đất thổ cư, năm 1993 cụ S được chia 01 tiêu chuẩn ruộng nông nghiệp diện tích 598m2 nằm trong hộ gia đình ông Đỗ Thế D.
Tháng 6 năm 1998 cụ S chết. Toàn bộ tài sản chung của hai cụ S, M để lại tại thửa đất số 208 diện tích 296,7 m2 do bà L và ông M quản lý sử dụng. Tiêu chuẩn ruộng nông nghiệp của cụ S do ông M quản lý sử dụng.
Năm 2005, bà L đã kê khai đăng ký thửa đất của vợ chồng cụ S, cụ M được chia thành 02 thửa là thửa số 55 diện tích 145 m2 tờ bản đồ số 26 đứng tên Đỗ Thế Vinh và thửa số 56 diện tích 155 m2 tờ bản đồ số 26 đứng tên Đỗ Thế Dự.
Năm 2010, anh Đỗ Thế Đ có đơn khiếu nại về đất nên đã được UBND huyện Yên Mỹ giải quyết theo Quyết định số 221 ngày 29/01/2011 của Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ quyết định các thửa đất số 55, 56 cùng tờ bản đồ số 26 tổng diện tích 300m2, loại đất ONT là đất ông cha để lại cho Cụ Đỗ Thế S và không công nhận việc tách thửa đất của Cụ Đỗ Thế S ra thành 02 thửa mang tên Đỗ Thế V và Đỗ Thế Dự như bản đồ năm 2005 vì tại thời điểm này cụ S và 02 con trai của cụ là ông V1 và ông D đều đã chết.
Về nghĩa vụ tài chính đối với thửa đất của vợ chồng cụ S, cụ M: Bà L và ông M từ khi sử dụng đất năm 1998 đến năm 2010 vẫn nộp thuế đầy đủ.
Đối với đất nông nghiệp của cụ S do ông M quản lý sử dụng từ khi cụ S mất cho đến nay.
Do hai cụ S, Muộn chết đều không để lại di chúc nên chị V khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của hai cụ theo pháp luật. Ngày 16/10/2019, chị V xin rút một phần yêu cầu khởi kiện về việc phân chia thừa kế đất nông nghiệp của cụ S. Chị chỉ yêu cầu chia thừa kế đối với thửa đất ở của vợ chồng cụ S, cụ M để lại và đề nghị được nhận bằng hiện vật. Chị V không thừa nhận việc anh Đ cho rằng thửa đất chị yêu cầu phân chia thừa kế, cụ S đã lập di chúc để lại tài sản cho anh Đ. Đối với biên bản họp gia đình ngày 07/10/1998 âm lịch có quá nhiều bản và giữa các biên bản có nội dung khác nhau và có sửa chữa, năm 2009 lại có thêm biên bản họp gia đình ngày 20/9/2009 nên chị V không công nhận các biên bản họp gia đình ngày 07/10/1998 âm lịch và biên bản họp gia đình ngày 20/9/2009.
Bị đơn anh Đỗ Thế Đ cùng vợ Trương Thị A và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Bà Trần Thị M cùng các con của ông M là Đỗ Thế Đ1, Đỗ Thị M và Đỗ Thị H đều thống nhất về nguồn gốc đất tranh chấp như trình bày của chị V là đúng.
Anh Đ xác định, bố anh là Đỗ Thế D chết ngày 22/5/1995. Sợ gia đình có tranh chấp tài sản nên ngày 05/7/1995, Cụ Đỗ Thế S đã lập di chúc để lại toàn bộ tài sản nhà đất cho anh Đỗ Thế Đ (gồm 14 thước đất ở và 08 gian nhà gạch lợp ngói). Khi lập di chúc có mặt Ông Đỗ Thế Y, ông Đỗ Thế T, Ông Đỗ Thế T, ông Đỗ Thế Th, ông Đỗ Thị L, Bà Đỗ Thị H. Ông Th là người ghi bản di chúc. Ngày 28/6/1998 cụ S chết, đến ngày 07/10/1998 âm lịch gia đình đã họp khi đó anh Đ cũng có mặt, di chúc của cụ S có được nhắc đến. Bà L có xin được dỡ vỏ nhà trước đây đã ở và theo nội dung họp gia đình thống nhất: Đỗ Thế Sùn trong sổ đất và vỏ nhà trên của Đỗ Thế D, vỏ nhà dưới của Đỗ Thế V có sự chứng kiến đầy đủ của những người tham gia họp. Đến ngày 20/9/2009, gia đình anh tiếp tục họp. Biên bản họp gia đình ngày 20/9/2009 có sự tham dự của Ông Đỗ Thế Y, Ông Đ.T.T, ông Đỗ Thế Th, ông Đỗ Thế T, ông Đỗ Thế Ph, ông Đỗ Thế C, ông Đỗ Thị L, Bà Trần Thị M, anh Đỗ Thế Đ với nội dung: “Năm 1995 ông Đỗ Thế S có để lại di chúc quyền thừa hưởng tài sản của ông gần 14 thước đất và 8 gian nhà ngói cho cháu đích tôn của ông là cháu Đỗ Thế Đ để sử dụng và thờ cúng tổ tiên. Đến nay cháu Đ đã trưởng thành và đã có gia đình vì vậy gia đình tôi đã nhất trí thống nhất bàn giao toàn bộ số tài sản trên thuộc về quyền sở hữu của cháu Đỗ Thế Đ theo nguyện vọng của ông Đỗ Thế S đã để lại trong di chúc. Người thừa kế Đỗ Thế Đ ký tên và các ông bà trên tham gia họp đã ký tên”. Anh Đ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị V về việc chia di sản thừa kế của vợ chồng hai cụ S, Muộn.
Ông M, các con là Đỗ Thế Đ, Đỗ Thị M và Đỗ Thị H và Chị Trương Thị A đều nhất trí quan điểm với anh Đ. Đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị V vì cụ S đã có di chúc để lại tài sản cho anh Đ thừa kế. Trường hợp di sản của cụ S được chia theo pháp luật thì ông M, và các con tự nguyện để lại cho anh Đ thừa hưởng phần của bà và các con.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đỗ Thị L, Bà Đỗ Thị H thống nhất về nguồn gốc đất, quá trình tạo lập như trình bày của chị V, anh Đ là đúng. Tài sản Cụ Đỗ Thế S để lại chỉ có 14 thước đất ở và 08 gian nhà gạch lợp ngói tại thôn L.T, xã L.X. Trước khi chết cụ S đã lập di chúc cho cháu đích tôn là Đỗ Thế Đ thừa kế toàn bộ tài sản trên. Bà L, bà H đều xác định hai bà chứng kiến việc cụ S lập di chúc ngày 05/7/1995, ông Th là người ghi bản di chúc theo nội dung cụ S đọc, nội dung di chúc cụ S để lại toàn bộ tài sản nhà đất cho anh Đỗ Thế Đ thừa kế. Ông Đỗ Thị L và Bà Đỗ Thị H đều xác nhận ngày 07/10/1998 âm lịch gia đình cụ S đã họp, khi đó có việc công bố cụ S để lại di chúc cho anh Đ thừa kế tài sản. Bà L xin được dỡ vỏ nhà trước đó đã ở và gia đình đã nhất trí, có lập biên bản. Theo nội dung họp gia đình thống nhất Đỗ Thế S trong sổ đất và vỏ nhà trên của Đỗ Thế D, vỏ nhà dưới của Đỗ Thế V có sự chứng kiến đầy đủ của những người tham gia họp. Bà H là người viết, lúc đó phải viết nhiều lần mới đúng ý của gia đình.
Ông Đỗ Thị L xác nhận cuộc họp gia đình ngày 20/9/2009 có sự tham dự của Ông Đỗ Thế Y, Ông Đ.T.T, ông Đỗ Thế Th, ông Đỗ Thế T, ông Đỗ Thế Ph, ông Đỗ Thế C, Bà Trần Thị M, anh Đỗ Thế Đ và ông Đỗ Thị L, với nội dung như anh Đ trình bày. Nay bà L và bà H đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị V mà công nhận tài sản tranh chấp anh Đ được thừa kế hợp pháp của cụ S. Trường hợp phải phân chia thừa kế thì bà L và bà H nhất trí tặng cho anh Đỗ Thế Đ phần tài sản mình được hưởng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Chị Đỗ Thị T và Bà Trương Thị L thống nhất về nguồn gốc đất, quá trình tạo lập như trình bày của chị V là đúng. Chị T, bà L đều đề nghị Tòa án phân chia di sản thừa kế của vợ chồng cụ S, cụ M để lại. Bà L, chị T đều xác định cụ S và cụ M chết không để lại di chúc. Bà L, chị T không thừa nhận các biên bản họp gia đình ngày 7/10/1998 vì nội dung không giống nhau, có sửa chữa vào biên bản họp gia đình ngày 20/9/2009. Bà L và chị T đề nghị Tòa án phân chia thừa kế của vợ chồng cụ S, cụ M theo quy định của pháp luật và đều nhất trí tặng cho phần di sản được hưởng cho chị V.
Chị Lưu Thị M trình bày: chị thuê cửa hàng của vợ chồng anh Đ, chị Anh để bán quần áo, chỉ thỏa thuận miệng, không thời hạn thuê, hết năm trả tiền thuê, khi nào anh Đ không cho thuê thì chị sẽ trả lại, chị không ý kiến gì về việc tranh chấp đất giữa chị V và anh Đ.
Quan điểm của địa phương: Công nhận toàn bộ diện tích theo hiện trạng là 296,5 m2 đất ở hợp pháp của cụ S và cụ M đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch và không phải nộp tiền sử dụng đất. Diện tích đất 296,5 m2 đủ điều kiện để chia theo di sản thừa kế.
Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản cùng ngày 28/9/2019 đã xác định:
- Tài sản vợ chồng Cụ Đỗ Thế S, cụ Luyện Thị M để lại là 296,5m2 đất ở tại Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên trị giá 2.075.500.000 đồng.
- Các tài sản trên đất do vợ chồng anh Đ, chị A tạo dựng gồm: Công trình bán kiên cố xây năm 2003 giá trị còn lại là 10.113.750 đồng. Công trình nhà 3 tầng xây năm 2008 giá trị còn lại là 631.002.307 đồng. Công trình bán kiên cố xây năm 2014 giá trị còn lại là 28.476.716 đồng. Công trình bán kiên cố xây đầu năm 2018 giá trị là 73.131.816 đồng. Công trình nhà đang xây dựng (1tầng) diện tích 86,85m2, giá trị là 265.674.150 đồng.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 17/2020/DS - ST ngày 07/12/2020, TAND huyện Yên Mỹ quyết định:
[1] Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của chị Đỗ Thị V đối với di sản của Cụ Đỗ Thế S là tiêu chuẩn ruộng nông nghiệp 598 m2 tại Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên.
[2] Chấp nhận một phần yêu cầu chia thừa kế của chị Đỗ Thị V đối với di sản của cụ Luyện Thị M là ½ diện tích 296,5m2 đất ở thửa số 55, 56 tờ bản đồ số 26 Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên, trị giá di sản của cụ M bằng tiền là 1.037.750.000 đồng.
[3] Xác nhận cụ Luyện Thị M chết ngày 02 tháng 5 năm 1979 không có di chúc và Cụ Đỗ Thế S chết 28/6/1998 có di chúc. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ M gồm: Cụ Đỗ Thế S, ông Đỗ Thế V1, ông Đỗ Thế D, ông Đỗ Thị L, Bà Đỗ Thị H.
Xác nhận ông Đỗ Thế V1 chết ngày 26 tháng 11 năm 1983, người thừa kế của ông V1 là Bà Trương Thị L, chị Đỗ Thị V và Chị Đỗ Thị T. Ghi nhận sự tự nguyện của bà L và chị T để lại phần di sản được chia cho chị V hưởng.
Xác nhận ông Đỗ Thế D chết 22/5/1995, người thừa kế là Bà Trần Thị M (Mi), Chị Đỗ Thị M, anh Đỗ Thế Đ, Anh Đõ Thế Đ, Chị Đỗ Thị H. Ghi nhận sự tự nguyện của ông M, chị Mai, anh Đính, chị Hoa để lại phần di sản được chia cho anh Đ hưởng.
Ghi nhận sự tự nguyện của bà L, bà H để lại phần di sản được chia cho anh Đ hưởng.
[4] Xác nhận anh Đỗ Thế Đ, Chị Trương Thị A xây dựng trên đất chia thừa kế là công trình bán kiên cố xây năm 2003 giá trị còn lại là 10.113.750 đồng. Công trình nhà 3 tầng xây năm 2008 giá trị còn lại là 631.002.307 đồng. Công trình bán kiên cố xây năm 2014 giá trị còn lại là 28.476.716 đồng. Công trình bán kiên cố xây đầu năm 2018 giá trị là 73.131.816 đồng. Công trình nhà đang xây dựng (1tầng) diện tích 86,85m2, giá trị là 265.674.150 đồng.
[5] Anh Đỗ Thế Đ được thừa kế di sản theo di chúc của Cụ Đỗ Thế S và thừa kế di sản theo pháp luật của cụ Luyện Thị M là 1.867.750.000 đồng.
Chị Đỗ Thị V được thừa kế di sản theo theo pháp luật của cụ Luyện Thị M là 207.550.000 đồng.
Anh Đỗ Thế Đ có trách nhiệm chia trả bằng tiền cho chị Đỗ Thị V phần di sản chị V được hưởng là 207.550.000 đồng.
Anh Đỗ Thế Đ được sử dụng, sở hữu toàn bộ diện tích 296,5 m2 đất ở và tài sản trên đất tại thửa số 55, 56 tờ bản đồ số 26 Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên.
(Có sơ đồ kèm theo).
Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí, lãi chậm trả, quyền kháng cáo, quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 10/12/2020, chị Đỗ Thị V có đơn kháng cáo không nhất trí với bản án sơ thẩm và đề nghị bác bỏ Di chúc của Cụ Đỗ Thế S, chia thừa kế di sản của các cụ để lại theo pháp luật và chị xin nhận bằng hiện vật.
Tại phiên tòa phúc thẩm, chị V giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Bị đơn anh Đ đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm. Các đương sự không thỏa thuận được việc giải quyết vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm:
- Thẩm phán, HĐXX phúc thẩm, thư ký phiên tòa thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi liên quan chấp hành đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình.
Về đường lối giải quyết vụ án: Đề nghị HĐXX áp dụng Khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự sửa án sơ thẩm. Xác định Bản di chúc đề ngày 5/7/1995 của cụ S là vô hiệu. Cụ S, cụ M chết không để lại di chúc nên phân chia di sản theo pháp luật. Trích trả công sức duy tu tôn tạo tài sản cho vợ chồng anh Đ và ông M. Chia một phần di sản là hiện vật cho chị V. Phần còn lại giao cho anh Đ. Các đương sự phải chịu án phí theo luật định.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Về tố tụng:
Chị Đỗ Thị V kháng cáo trong thời hạn luật định, đã nộp dự phí kháng cáo nên vụ việc được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2]. Về nội dung: Xét yêu cầu kháng cáo của chị V thì thấy: [2.1]. Về thời hiệu khởi kiện:
Theo trình bày của các bên đương sự và cung cấp của Ủy ban nhân dân xã Liêu Xá cùng các tài liệu có trong hồ sơ, có đủ căn cứ xác định cụ Luyện Thị M chết ngày 02/5/1979, Cụ Đỗ Thế S chết ngày 28/6/1998, ông Đỗ Thế V1 chết ngày 26/11/1983, ông Đỗ Thế D chết 22/01/1995. Do vậy, yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của vợ chồng Cụ Đỗ Thế S, Luyện Thị M của chị Đỗ Thị V là trong thời hiệu theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự.
[2.2]. Về di chúc của Cụ Đỗ Thế S:
Nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng xác nhận cụ Luyện Thị M, ông Đỗ Thế V1, ông Đỗ Thế D chết đều không để lại di chúc.
Đối với Cụ Đỗ Thế S, phía nguyên đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía nguyên đơn xác định cụ S chết không để lại di chúc. Trong khi phía bị đơn anh Đ và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn cho rằng cụ S chết có để lại di chúc đề ngày 05/7/1995.
Đánh giá văn bản đề ngày 05/7/1995 thì thấy:
Văn bản này có thể hiện chữ ký “S” tại phần người viết; có chữ ký của những người làm chứng gồm: Ông Đỗ Thế Y, Đỗ Thế T, ông Đỗ Thị L, Đỗ Thị H. Tuy nhiên lời khai của bị đơn, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn và một số nhân chứng liên quan đến việc hình thành văn bản ngày 5/7/1995 có rất nhiều điểm mâu thuẫn không Th nhất.
Cụ thể, anh Đ cho rằng có chứng kiến việc cụ S lập di chúc và ký tên vào di chúc, sau khi lập di chúc thì anh là người giữ (BL 41). Phía bà L, bà H lại trình bày khi cụ S lập di chúc thì không có mặt anh Đ (BL 237,283), di chúc lập xong thì ông M (mẹ anh Đ) là người giữ. Bà H, bà L cam đoan trực tiếp chứng kiến cụ S là người ký vào bản di chúc trong trạng thái tinh thần minh mẫn, khỏe mạnh và không bị ép buộc.Về diễn biến quán trình lập di chúc theo bà L thì lập tại nhà cụ S và ông Th là người viết hộ, sau khi mọi người trong họ ký thì cụ S mới bảo hai bà L, H ký và bà nhìn thấy cụ S ký vào bản di chúc. Bà Trần Thị M lại trình bày cụ S là người giữ di chúc đến khi ốm nằm thì đưa cho bà giữ (BL 238).
Đối với Ông Đỗ Thế Y: Ông là một trong những người đã ký vào văn bản ngày 5/7/1995 nhưng trong quá trình giải quyết tranh chấp, bản thân ông liên tục thay đổi lời khai: Tại đơn của ông Y đề ngày 28/6/2006 (đơn do bà L xuất trình), nội dung đơn ông trình bày cụ S chết không có di chúc và văn bản ngày 5/7/1995 ông ký theo yêu cầu của anh Đ và ông Th ngày 26/6/2006 âm lịch ( BL153). Tại biên bản làm việc với đoàn thanh tra huyện Yên Mỹ liên quan đến việc giải quyết tranh chấp đất ngày 03/12/2010 (BL 173, 174) thì ông Y lại trình bày “đối với bản di chúc đề ngày 5/7/1995, sau khi ông Tạ, bà L, bà H đã ký vào thì ông mới ký, chữ “S” trong bản di chúc là do ông viết hộ ông S chứ không phải do ông S viết. Tại đơn xác nhận ngày 6/12/2010 (BL 196,197), ông Y lại khai: đơn xác nhận của ông ngày 28/6/2006 ông viết cho bà L trong tình trạng bị nài ép, ông cũng khẳng định chữ ký của ông trong di chúc là do ông ký và chữ ký của ông Sùn trong di chúc là của ông Sùn, di chúc ngày 5/7/1995 là có thật. Tại biên bản lấy lời khai ngày 22/10/2018 (BL 225), ông Y lại khai: Năm 1995, ông Th viết di chúc cho ông Sùn tại nhà ông Sùn, do ông Sùn không biết chữ nên khi ông Th viết xong thì ông ký hộ ông Sùn chữ “Sùn” tại mục người viết di chúc, lý do ông ký là do ông Sùn bảo ông ký hộ. Tại thời điểm ký di chúc không có mặt bà L, bà H ở đó. Đến đơn đề nghị xét xử vắng mặt đề ngày 26/1/2019 (BL 285), ông Y vẫn thừa nhận ông là người ký chữ “Sùn” trong di chúc. Cho đến đơn đề ngày 27/1/2019 (BL 277), ông Y lại trình bày chữ ký của ông Đỗ Thế S trong bản di chúc để lại tài sản cho anh Đ ngày 5/7/1995 là của chính ông Sùn. Đến biên bản lấy lời khai ngày 26/8/2020 (BL421), ông Y khẳng định lại chữ ký “Sùn” tại Văn bản ngày 5/7/1995 là do ông viết đồng thời công nhận mẫu chữ do Tòa án huyện Yên Mỹ thu thập để giám định là của ông.
Tuy nhiên kết quả giám định chữ ký của Viện khoa học kỹ thuật hình sự Bộ công an tại kết luận số 82/C09 - P5 ngày 28/5/2019 đã khẳng định: Chữ ký “Sùn” dưới mục người viết trong di chúc để lại tài sản ngày 5/7/1995 so với chữ ký, chữ viết của Ông Đỗ Thế Y trên mẫu so sánh do cùng một người viết ra. Hay nói cách khác, chính Ông Đỗ Thế Y là người đã ký chữ “Sùn” vào văn bản ngày 5/7/1995.
Tổng hợp lời khai các đương sự trên cơ sở đánh giá toàn diện các chứng cứ, kết quả giám định, chưa có đủ cơ sở vững chắc xác định việc cụ S chết có để lại di chúc ngày 5/7/1995 như trình bày của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn.
Mặt khác, nếu văn bản ngày 5/7/1995 là di chúc của cụ S để lại là có thật thì di chúc cũng bị vô hiệu do vi phạm cả nội dung và hình thức bởi lẽ: Cụ S được xác định là biết chữ, việc cụ không ký tên hoặc điểm chỉ vào di chúc là vi phạm khoản 2 Điều 13 của Pháp lệnh thừa kế năm 1990 quy định về nội dung bản di chúc. Di chúc để lại tài sản ngày 5/7/1995 cũng không đáp ứng các quy định tại Điều 14 của pháp lệnh thừa kế năm 1990 về việc công chứng, chứng thực, quy định về việc nhờ người khác lập di chúc đó là: Người lập di chúc có thể tự viết hoặc nhờ người khác viết bản di chúc, nhưng người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ trước mặt người có trách nhiệm chứng thực của cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Trong trường hợp người lập di chúc không đọc bản di chúc được, không ký hoặc điểm chỉ được, thì phải nhờ người chứng kiến. Người chứng kiến đọc bản di chúc cho người lập di chúc nghe và ký vào bản di chúc trước mặt người có trách nhiệm chứng thực của cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Hơn nữa nội dung di chúc cụ S đã định đoạt toàn bộ khối tài sản chung của hai vợ chồng là xâm phạm đến quyền của cụ M.
[2.3]. Đối với Biên bản họp gia đình ngày 7/10/1998 âm lịch và biên bản họp gia đình ngày 20/9/2009.
Biên bản ngày 7/10/1998 âm lịch chỉ xác định nội dung: “Đỗ Thế S trong sổ đất và vỏ nhà trên của Đỗ Thế D, vỏ nhà dưới của Đỗ Thế V”. Còn biên bản họp gia đình ngày 20/9/2009 có nội dung “Năm 1995 ông Đỗ Thế S có để lại di chúc quyền thừa hưởng tài sản của ông gần 14 thước đất và 8 gian nhà ngói cho cháu đích tôn của ông là cháu Đỗ Thế Đ để sử dụng và thờ cúng tổ tiên. Đến nay cháu Đạo đã trưởng thành và đã có gia đình vì vậy gia đình tôi đã nhất trí thống nhất bàn giao toàn bộ số tài sản trên thuộc về quyền sở hữu của cháu Đỗ Thế Đ theo nguyện vọng của ông Đỗ Thế S đã để lại trong di chúc. Người thừa kế Đỗ Thế Đ ký tên và các ông bà trên tham gia họp đã ký tên”.
Tuy nhiên, chỉ có văn bản ngày 7/10/1998 âm lịch khi lập là có mặt bà L. Còn cả hai văn bản trên đều không có sự tham dự của chị V, chị T. Mặt khác đây không phải là các văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của các đồng thừa kế đối với di sản của hai cụ S, M để lại. Chị V, chị T, bà L cũng không nhất trí đối với hai văn bản trên nên phải xác định di sản của hai cụ S, M chưa được phân chia. Hai cụ chết không để lại di chúc nên các đồng thừa kế có quyền khởi kiện để chia di sản theo quy định của pháp luật.
[2.4]. Về di sản thừa kế:
Nguyên đơn, bị đơn và người liên quan đều công nhận di sản của vợ chồng cụ S, cụ M để lại là 296,5m2 đất thuộc thửa số 55, 56 tờ bản đồ số 26 tại Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên. Trị giá là 296,5 m2 x 7.000.000đồng/1m2 = 2.075.500.000 đồng.
Toàn bộ diện tích này hiện do vợ chồng anh Đ và ông M quản lý sử dụng. Mặc dù gia đình anh Đ đã được hưởng hoa lợi, lợi tức thông qua việc xây nhà và cho thuê. Song để đảm bảo quyền lợi của gia đình anh Đ, cần trích một phần di sản tương ứng với số tiền 75.500.000đ là công sức tôn tạo, bảo quản di sản cho anh Đ, ông M, chị A.
Giá trị di sản còn lại để chia thừa kế là 2.000.000.000đ. Trong đó hai cụ S, M mỗi người có ½ = 1.000.000.000đ.
[2.5]. Phân chia di sản thừa kế:
Hai cụ Luyện Thị M, Đỗ Thế S chết đều không để lại di chúc nên di sản của hai cụ được phân chia theo pháp luật.
- Đối với di sản của cụ M: Cụ M chết năm 1979, diện và hàng thừa kế gồm cụ S và bốn con V, D, L, H tổng cộng là 5 kỷ phần. Mỗi kỷ phần được hưởng là 200.000.000đ.
Do ông V1 đã chết năm 1983 không có di chúc nên kỷ phần của ông hưởng từ cụ M được chia cho bà L và hai con V, T. Ông D chết năm 1996 không có di chúc nên kỷ phần ông D thừa kế từ cụ M sẽ được chia cho ông M và bốn người con là Đ, M, Đ, H.
- Đối với di sản của cụ S: Gồm ½ tài sản chung vợ chồng và phần cụ được thừa kế từ cụ M, tổng cộng 1.200.000.000đ. Cụ S chết năm 1998, diện và hàng thừa kế gồm bà L, bà H, các con của ông D (Đ, M, Đ, H) thừa kế thế vị kỷ phần của ông D, các con của ông V1 (V, T) thừa kế thế vị kỷ phần của ông V1. Như vậy di sản của cụ S được chia cho 4 kỷ phần. Mỗi kỷ phần được hưởng là 300.000.000đ.
Bà H, bà L, ông M và các con M, Đ, H đều nhất trí nhường kỷ phần của mình được hưởng cho anh Đ nên phần di sản thừa kế anh Đ được hưởng là 1.500.000.000đ. Cộng với phần công sức tôn tạo, bảo quản di sản, anh Đ được hưởng 1.575.500.000đ.
Bà L cùng chị T nhường kỷ phần của mình cho chị V nên phần di sản thừa kế chị V được hưởng là 500.000.000đ.
Cả anh Đ và chị V đều có nguyện vọng được nhận di sản bằng hiện vật và xét thấy hiện vật là có thể phân chia. Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của cả hai bên, trên cơ sở các công trình hiện có trên đất, đảm bảo cho công năng sử dụng và thuận lợi cho công tác thi hành án, tránh phải phá dỡ các tài sản gây lãng phí không cần thiết. Việc phân chia hiện vật được thực hiện như sau:
- Giao cho chị Đỗ Thị V được quản lý, sử dụng 76,2m2 đất (là phần được ký hiệu :
F trên sơ đồ) trị giá 533.400.000đ thuộc Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên. Trên đất có một số tài sản do vợ chồng anh Đ xây dựng gồm: công trình kiên cố xây năm 2003, mái lợp proxi măng diện tích 21,5m2, giá trị còn lại là 10.113.750đ; Công trình bán kiên cố mái lợp tôn, diện tích 25,62m2 xây năm 2018 trị giá 73.131.816đ. Chị V được quyền sở hữu các tài sản trên nhưng phải trả vợ chồng anh Đ, chị Anh giá trị các tài sản bằng tiền.
Chị Lưu Thị M, vợ chồng anh Đỗ Thế Đ có trách nhiệm di dời các tài sản khác nếu có trên phần đất giao cho chị Đỗ Thị V.
- Giao cho anh Đỗ Thế Đ được quản lý, sử dụng 220,3m2 đất (là phần được ký hiệu BCDEGHIKLM trên sơ đồ) cùng các tài sản do vợ chồng anh tạo dựng trên đất thuộc Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên.
(Có sơ đồ kèm theo).
[2.6]. Trả chênh lệch tài sản:
Chị Đỗ Thị V phải trả anh Đỗ Thế Đ phần chênh lệch kỷ phần thừa kế (33.400.000đ) và giá trị phần tài sản của vợ chồng anh Đ tạo lập trên đất (83.245.566đ), tổng cộng là 116.645.566đ.
[2.7]. Đối với việc rút một phần yêu cầu khởi kiện chia thừa kế 598m2 tiêu chuẩn ruộng nông nghiệp của Cụ Đỗ Thế S tại Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên. Việc rút yêu cầu của chị V là tự nguyện nên cấp sơ thẩm đã đình chỉ là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
[3]. Kháng cáo của chị V được chấp nhận nên chị V không phải chịu án phí phúc thẩm. Án phí sơ thẩm đương sự phải chịu sẽ được điều chỉnh lại trên cơ sở giá trị di sản được phân chia.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 147,148,244 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 623, 650, 651, 652, 357, 468 Bộ luật dân sự; Điều 12,13,14,24,25,26 Pháp lệnh thừa kế năm 1990; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị Đỗ Thị V. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 17/2020/DS-ST ngày 07/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện Yên Mỹ như sau:
[1]. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của chị Đỗ Thị V đối với di sản của Cụ Đỗ Thế S là tiêu chuẩn 598m2 ruộng nông nghiệp tại Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên.
[2]. Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của chị Đỗ Thị V đối với di sản của cụ Luyện Thị M, Đỗ Thế S để lại là 296,5m2 đất ở thuộc thửa số 55, 56 tờ bản đồ số 26 tại Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên. Trị giá di sản của hai cụ là 2.075.500.000 đồng.
[3].Áng trích công sức tôn tạo, bảo quản di sản cho anh Đ, ông M, chị Anh tương ứng với số tiền 75.500.000đ.
Giá trị Di sản của cụ Luyện Thị M, Đỗ Thế S còn lại để chia thừa kế là 2.000.000.000đ.
[4]. Chia di sản của cụ Luyện Thị M và Cụ Đỗ Thế S theo pháp luật. Việc phân chia hiện vật cụ thể như sau:
- Giao cho chị Đỗ Thị V được quản lý, sử dụng 76,2m2 đất (là phần được ký hiệu :
F trên sơ đồ trong đó: AB = 3.75m, BC = 3.2m, CD = 0.97m, DE = 13.65m, EF = 4.74m, FA = 16.71m) thuộc Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên. Trên đất có một số tài sản do vợ chồng anh Đ xây dựng gồm: công trình kiên cố xây năm 2003, mái lợp proxi măng diện tích 21,5m2, giá trị còn lại là 10.113.750đ; Công trình bán kiên cố mái lợp tôn, diện tích 25,62m2 xây năm 2018 trị giá 73.131.816đ. Chị V được quyền sở hữu các tài sản trên nhưng phải trả vợ chồng anh Đ, chị Anh giá trị các tài sản bằng tiền.
Chị Lưu Thị M, vợ chồng anh Đỗ Thế Đ có trách nhiệm di dời các tài sản khác nếu có trên phần đất giao cho chị Đỗ Thị V.
- Giao cho anh Đỗ Thế Đ được quản lý, sử dụng 220,3m2 đất (là phần được ký hiệu BCDEGHIKLM trên sơ đồ) cùng các tài sản do vợ chồng anh tạo dựng trên đất thuộc Thôn L.T, xã L.X, huyện Y.M, tỉnh Hưng Yên.
(Có sơ đồ kèm theo).
Các đương sự được giao đất có quyền làm đơn gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
[5]. Trả chênh lệch tài sản:
Chị Đỗ Thị V phải trả anh Đỗ Thế Đ phần chênh lệch kỷ phần thừa kế (33.400.000đ) và giá trị phần tài sản của vợ chồng anh Đ tạo lập trên đất giao cho chị V (83.245.566đ), tổng cộng là 116.645.566đ.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015.
[6]. Án phí:
- Án phí sơ thẩm: Chị Đỗ Thị V phải chịu 24.000.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 18.000.000đ và 975.000đ đã nộp theo các biên lai lần lượt số 0002597 ngày 20/8/2018 và số 0002640 ngày 11/9/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Mỹ. Chị V còn phải nộp 5.025.000đ.
Anh Đỗ Thế Đ phải chịu 59.265.000đ án phí dân sự sơ thẩm.
- Án phí phúc thẩm: Chị Đỗ Thị V không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả chị V 300.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 0003414 ngày 21/12/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Mỹ
[7]. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a,7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị cấp phúc thẩm không xét có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án
Bản án về tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất số 28/2021/DS-PT
Số hiệu: | 28/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hưng Yên |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 22/09/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về