Bản án về tranh chấp quyền thoát nước qua bất động sản liền kề số 62/2021/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN T, TỈNH BÌNH THUẬN

BẢN ÁN 62/2021/DSST NGÀY 26/07/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN THOÁT NƯỚC QUA BẤT ĐỘNG SẢN LIỀN KỀ

Ngày 26 tháng 7 năm 2021, tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân huyện T; xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 269/2020/TLST - DS ngày 14/7/2020; về việc “Tranh chấp về quyền thoát nước qua bất động sản liền kề”; Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 58/2021/QĐST-DS ngày 24 tháng 6 năm 2021; quyết định hoãn phiên tòa số 45/2021/QĐST – HPT, ngày 8/7/2021 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn T, sinh năm 1930; Địa chỉ: Khu phố H, thị trấn L, huyện T, tỉnh Bình Thuận.

2. Bị đơn: Anh Nguyễn Minh H, sinh năm 1978; Địa chỉ: Khu phố H, thị trấn L, huyện T, tỉnh Bình Thuận.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Phạm K, sinh năm 1954;

- Bà Trần Thị C, sinh năm 1956;

- Chị Phạm Thị Lệ P, sinh năm 1979.

Cùng địa chỉ: Khu phố H, thị trấn L, Tánh Linh, Bình Thuận.

Tại phiên tòa, nguyên đơn có mặt, bị đơn anh Nguyễn Minh H vắng mặt không có lý do, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt nhưng đã có đơn xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn – ông Nguyễn T trình bày yêu cầu khởi kiện và các căn cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện như sau:

Ông T khởi kiện yêu cầu buộc anh Nguyễn Minh H phải dành một lối thoát nước trên diện tích đất của anh H để nước từ vườn ông Nguyễn T có thể thoát được ra mương thủy lợi.

Căn cứ khởi kiện: Năm 2004, gia đình ông Nguyễn T được nhà nước cấp quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 43, tờ bản đồ 00 với diện tích 1.599m2 tại khu phố H, thị trấn L. Giáp với thửa đất này về hướng đông là đất của gia đình ông Phạm K. Đất ông K trước đây là đất ruộng dùng để canh tác lúa nước. Mùa mưa thì nước trong vườn ông T thoát qua ruộng của gia đình ông K ra mương thủy lợi vì đất ruộng của gia đình ông K thấp trũng hơn đất vườn của gia đình ông T. Khoảng từ năm 2018, 2019, sau khi được vợ chồng ông K cho đất thì vợ chồng anh H, chị P đã đổ đất nâng nền cao hơn đất vườn của gia đình ông T. Từ đó khi đến mùa mưa nước mưa trong vườn ông T không có đường thoát dẫn đến vườn bị ngập úng, cây trồng bị ảnh hưởng chết hoặc bị chậm phát triển. Sự việc này thì ông T đã trực tiếp trao đổi với gia đình ông K và anh H để yêu cầu dành cho ông một phần diện tích đất làm lối thoát nước ra mương thủy lợi nhưng gia đình ông K và anh H không chấp nhận. Sau khi ông T làm đơn yêu cầu UBND thị trấn L can thiệp giải quyết thì anh H có đặt đường ống ngầm dưới lòng đất của anh H từ vị trí tiếp giáp giữa đất ông T với đất anh H đến bờ kênh thủy lợi. Tuy nhiên do anh H chỉ đặt đường ống bằng nhựa, đường kính quá nhỏ không đủ thoát nước trong vườn của ông T vào mùa mưa. Vì vậy ông T yêu cầu anh Nguyễn Minh H và chị Phạm Thị Lệ P phải dành cho ông một phần diện tích đất để ông T làm hệ thống thoát nước từ vườn ông T đến kênh thủy lợi. Toàn bộ chi phí liên quan đến việc lắp đặt đường ống thoát nước do ông T chịu, ông T cũng cam đoan sẽ trả lại mặt bằng đúng hiện trạng ban đầu cho vợ chồng anh H.

Ngoài ra, trong đơn khởi kiện ông T còn yêu cầu anh H phải bồi thường thiệt hại về tài sản là 5.000.000đồng vì anh H không chừa lối thoát nước trong vườn ông T dẫn đến tình trạng ngập úng, ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất cây trồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa ông T đã rút yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với anh H.

Chứng cứ ông T cung cấp cho Tòa án gồm: Bản sao giấy chứng nhận QSD đất số AB 069618; 01 biên bản hòa giải tại UBND thị trấn L.

Bị đơn – anh Nguyễn Minh H trình bày ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên Cách đây khoảng hơn 10 năm thì cha mẹ vợ của anh H là ông Phạm K và bà Trần Thị C có cho hai vợ chồng anh H một phần diện tích đất trong tổng diện tích đất mà ông K bà C đã được nhà nước cấp quyền sử dụng. Tuy nhiên việc tặng cho đất này chỉ mới thể hiện bằng lời nói và giao đất để sử dụng chứ chưa làm thủ tục tặng cho theo quy định của pháp luật. Diện tích đất vợ chồng anh H được cha mẹ cho là đất ruộng hướng đông giáp với kênh thủy lợi, hướng tây giáp với đất của gia đình ông Nguyễn T. Đất của vợ chồng anh H là đất trũng thấp nên thời gian trước đây vợ chồng anh H canh tác lúa nước, tuy nhiên do thường xuyên bị ngập úng nên việc canh tác lúa không có hiệu quả. Đất vườn của gia đình ông T có đổ đất, nâng nền cao hơn đất anh H nên nước thải sinh hoạt cũng như nước mưa ở vườn ông T đều thoát sang đất ruộng của vợ chồng anh H. Khoảng năm 2018, 2019, vợ chồng anh H đã đổ đất nâng nền để làm trang trại chăn nuôi lươn, ốc và làm nhà ở. Trong quá trình đổ đất nâng nền thì anh H cũng lường trước tình trạng trong vườn của gia đình ông T không có lối thoát nước nên vợ chồng anh H đã trao đổi trực tiếp với ông T để đặt đường ống ngầm qua đất của anh H trước lúc anh H xây dựng các công trình trên đất nhưng ông T vẫn cho rằng trách nhiệm của anh H là phải để đường mương thoát nước cho ông T. Sau khi được chính quyền địa phương hòa giải vận động gia đình anh H chừa lối thoát nước cho ông T thì anh H cũng đã liên hệ với ông T yêu cầu ông T đặt ống thoát nước qua đất anh H nhưng ông T không tự thực hiện nên anh H đã tự bỏ chi phí mua ống nhựa, thuê nhân công đặt đường ống từ góc vườn ông T qua đất anh H đến mương thủy lợi. Việc đặt ống nước này cũng không thể giải quyết được tình trạng ngập úng nước trong vườn ông T vào mùa mưa vì nhiều lúc nước ở mương thủy lợi còn tràn ngược vào vườn ông T.

Hiện nay ông T yêu cầu gia đình anh H dành một lối thoát nước qua đất anh H thì anh H không đồng ý. Bởi vì ngay từ đầu khi có ý định đổ đất nâng nền anh H đã trao đổi và tạo điều kiện cho ông T đặt đường ống thoát nước nhưng ông T không thực hiện. Cho đến thời điểm này anh H đã trồng cây và xây dựng các công trình trên đất nên không chấp nhận cho ông T cho ông T đặt đường ống thoát nước qua đất của mình nữa.

Anh Nguyễn Minh H không cung cấp chứng cứ cho Tòa án.

*/ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – chị Phạm Thị Lệ P trình bày ý kiến:

Chị P là vợ của anh Nguyễn Minh H.

Cách đây khoảng 10 năm thì cha mẹ của chị P là ông Phạm K và bà Trần Thị C có cho vợ chồng chị một phần diện tích đất của gia đình để canh tác. Do đất được cho là đất trũng nên thời gian đầu vợ chồng chị canh tác lúa. Tuy nhiên do việc canh tác lúa không hiệu quả nên vợ chồng chị mới có kế hoạch đổ đất nâng nền để trồng hoa màu và chăn nuôi.

Trong quá trình đổ đất thì vợ chồng chị cũng đã trực tiếp trao đổi với ông T để ông T đặt đường ống thoát nước qua đất của vợ chồng chị nhưng ông T vẫn không thực hiện mà vẫn cho rằng vợ chồng chị P phải chừa lối thoát nước cho ông T. Sau nhiều lần ông T làm đơn ra UBND thị trấn L thì anh H đã phải mua ống và đặt ống nước ngầm qua đất của vợ chồng chị để thoát nước trong vườn ông T. Hiện nay ông T tiếp tục khởi kiện tại Tòa án về vấn đề này thì chị P thống nhất theo ý kiến của anh H; chị P không có ý kiến gì khác.

Chị P không cung cấp chứng cứ cho Tòa án.

*/ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – bà Trần Thị C trình bày ý kiến:

Gia đình bà C sinh sống tại tổ 3, khu phố H, thị trấn L khoảng từ năm 1981. Trong thời gian sinh sống ở đây gia đình bà sử dụng một phần làm nhà ở, phần diện tích đất còn lại thì canh tác trồng lúa nước và hoa màu. Cách đây khoảng 10 năm khi các con trong gia đình bà C đã lập gia đình thì vợ chồng bà C phân chia đất cho các con sử dụng. Trong đó vợ chồng chị P, anh H được chia một phần đất ruộng giáp với đất vườn của gia đình ông Nguyễn T. Do phần đất chia cho anh H, chị P là đất ruộng trũng nên trước đây nước thải, nước sinh hoạt ở vườn ông T đổ hết xuống phần đất này. Hơn nữa do đất bị trũng sâu canh tác lúa cũng không có hiệu quả nên năm 2020, vợ chồng anh H, chị P đã đổ đất nâng nền để xây dựng cơ sở chăn nuôi lươn, ốc và trồng một số cây khác. Trong thời gian khi anh H đổ đất nâng nền thì ông T cũng đã gửi đơn ra thị trấn L yêu cầu giải quyết đường thoát nước trong vườn ông T. Thời điểm đó thì vợ chồng ông K, bà C đã thống nhất để chừa một phần đất cho ông T đặt đường ống thoát nước nhưng sau đó ông T không chịu thực hiện mà buộc gia đình bà C phải xây mương thoát nước cho ông T nên gia đình bà C đã không thực hiện. Sau đó khi anh H tiếp tục đổ đất để nâng nền thì ông T lại làm đơn ra UBND thị trấn L lần hai. Sau khi được tổ chức hòa giải thì chính anh H đã tự bỏ tiền mua ống nhựa và chi phí thuê nhân công để đặt ống thoát nước từ cuối vườn ông T âm qua phần đất của anh H ra mương thủy lợi nhưng ông T vẫn tiếp tục khởi kiện.

Bà C cho rằng việc ông T khởi kiện là không hợp lý, bởi vì trước đây đất vườn của ông T thấp sau đó ông T đổ đất nâng nền thì nước trong vườn ông T đổ qua hết vườn bà C. Nay anh H đổ đất nâng nền cao lên thì gia đình ông T phải tự xây dựng hệ thống thoát nước của mình, không thể buộc anh H phải xây dựng hệ thống thoát nước cho ông T.

Hiện nay, ông Phạm K là chồng bà C bị bệnh nên có nhiều hạn chế trong nhận thức và hành vi nên bà C thay mặt ông K trình bày ý kiến. Đối với diện tích đất mà vợ chồng anh H đang sử dụng để ở và chăn nuôi tại khu phố H, thị trấn L thì vợ chồng bà C đã cho anh H và chị P. Vì vậy mọi việc liên quan đến diện tích đất này do anh H và chị P quyết định, bà C và ông K không có ý kiến.

Bà C không cung cấp chứng cứ cho Tòa án.

Trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện T phát biểu ý kiến:

- Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán: Trong quá trình giải quyết vụ án Thẩm phán đã tuân theo đúng các quy định về pháp luật tố tụng dân sự.

- Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử: Tại phiên tòa Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về phiên tòa sơ thẩm và đảm bảo đúng nguyên tắc xét xử.

- Việc chấp hành pháp luật của các đương sự trong vụ án: Các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của BLTTDS về quyền và nghĩa vụ của đương sự; bị đơn được triệu tập lần thứ hai nhưng vắng mặt không có lý do.

- Quan điểm giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2, Điều 26, khoản 1 Điều 35 và các Điều 146, 147, 203, 228 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 252 Bộ luật dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016: Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Nguyễn T. Buộc ông Nguyễn Minh H phải dành cho ông T một phần đất hợp lý để ông T thực hiện việc lắp đặt ống thoát nước chống ngập úng. Mọi chi phí lắp đặt do ông T chịu.

Về án phí: Đề nghị buộc ông Nguyễn Minh H phải nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm và chịu chi phí tố tụng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nghe các đương sự trình bày; nghe đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện T phát biểu ý kiến, quan điểm giải quyết vụ án. Sau khi thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Tại phiên tòa, bị đơn anh Nguyễn Minh H vắng mặt không có lý do; những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Phạm Thị Lệ P, bà Trần Thị C vắng mặt nhưng đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Vì vậy Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 và khoản 3 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự để tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự.

[2] Về quan hệ tranh chấp trong vụ án: Tại phiên tòa nguyên đơn – ông Nguyễn T vẫn giữ yêu cầu buộc bị đơn anh Nguyễn Minh H phải dành một lối thoát nước trên diện tích đất của anh H để nước từ vườn ông Nguyễn T có thể thoát được ra mương thủy lợi. Bị đơn cho rằng phía bị đơn cũng đã tự đặt đường ống thoát nước ngầm đi qua đất của mình để giúp thoát nước trong vườn ông T nên hiện nay không chấp nhận theo yêu cầu của nguyên đơn. Do đó Hội đồng xét xử xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án là “Tranh chấp về quyền thoát nước qua bất động sản liền kề” theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 252 Bộ luật dân sự.

[3] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn – ông Nguyễn T:

Tại phiên tòa ông T vẫn giữ yêu cầu khởi kiện buộc vợ chồng anh H, chị P là người đang sử dụng đất liền kề với thửa đất số 43, tờ bản đồ số 00 tại tổ 3, khu phố H, thị trấn L của gia đình ông phải dành một phần diện tích đất để cho ông đặt đường ống thoát nước từ vườn của gia đình ông ra mương thủy lợi.

Xét thấy:

Do vị trí tự nhiên, đất vườn tại thửa đất số 43, tờ bản đồ 00 tại tổ 3, khu phố H, thị trấn L của ông Nguyễn T cao hơn diện tích đất của gia đình ông Phạm K, bà Trần Thị C đã cho vợ chồng anh Nguyễn Minh H và chị Phạm Thị Lệ P nên nước thải sinh hoạt và nước mưa trong vườn ông T thoát qua diện tích đất của anh H, chị P đang sử dụng. Năm 2020, khi anh H đổ đất nâng nền mà không chừa lại một phần diện tích làm lối thoát nước trong vườn của ông T nên đã gây ra tình trạng ngập úng vào mùa mưa. Mặc dù trước khi đổ đất nâng nền thì vợ chồng anh H, chị P có trao đổi với ông T để ông T tự đặt ống thoát nước qua đất của anh H để thoát ra mương thủy lợi nhưng ông T cho rằng anh H phải có nghĩa vụ làm mương thoát nước cho ông T nên đã không thực hiện. Sau khi xảy ra tình trạng ngập úng nước trong vườn của mình không có lối thoát thì ông T đã làm đơn yêu cầu UBND thị trấn L để giải quyết. Tại buổi hòa giải lần thứ nhất ông Phạm K cam kết chừa mương thoát nước cho ông T nhưng sau đó đã không thực hiện đúng cam kết. Tại buổi hòa giải lần thứ hai thì anh H là người trực tiếp sử dụng đất đứng ra cam kết sẽ chừa một phần diện tích có chiều ngang 0,4m, chiều dài khoảng 20m tính từ góc vườn ông T qua đất anh H đến bờ kênh thủy lợi để làm lối thoát nước trong vườn ông T. Sau đó anh H có tạo điều kiện để ông T đặt đường ống thoát nước nhưng ông T không tự thực hiện cho nên anh H đã tự đặt đường ống nhựa âm trong lòng đất của mình để cho nước trong vườn ông T thoát ra mương thủy lợi. Do đường ống anh H đặt có kích thước không đảm bảo để thoát nước trong vườn ông T nên vẫn gây ra tình trạng ngập úng nước trong vườn ông T.

Mặt khác, qua kết quả xác minh tại địa phương cũng thể hiện: Khu vực dân cư nơi gia đình ông T, gia đình bà C và một số hộ dân khác đang sinh sống là khu dân cư tự phát nên không được xây dựng hệ thống thoát nước mà nước sinh hoạt, nước mưa chủ yếu thoát từ vị trí cao đến vị trí thấp. Đối với diện tích đất của gia đình ông T hiện nay bao quanh là đất của các hộ dân khác đều đã xây dựng nhà và các công trình khác nên trước đây nước đều thoát qua phần đất ruộng của gia đình ông K, bà C đã cho vợ chồng anh H, chị P sử dụng ra mương thủy lợi nhưng từ khi anh H, chị P đổ đất nâng nền thì nước trong vườn ông T vào mùa mưa không có lối thoát.

Trong quá trình đổ đất nâng nền, thì anh H, chị P cũng đã lường trước việc nước trong vườn ông T không có lối thoát nên đã có những biện pháp trao đổi yêu cầu ông T đặt đường ống dưới lòng đất; khi ông T không tự thực hiện thì chính anh H đã tự đặt ống nhựa từ vườn ông T đi âm qua đất anh H ra đến mương thủy lợi để thoát nước trong vườn ông T. Tuy nhiên với loại ống nhựa có đường kính 140mm không đủ thoát nước trong vườn ông T vào mùa mưa. Do đó, để đảm bảo việc thoát nước hiệu quả trong vườn ông T cần phải có đường thoát nước rộng hơn với kích thước chiều ngang khoảng 0,4m như thỏa thuận của các đương sự tại UBND thị trấn L là phù hợp.

Từ sự phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy: Yêu cầu của ông Nguyễn T về việc buộc anh Nguyễn Minh H, chị Phạm Thị Lệ P là những người sử dụng đất liền kề phải dành một lối thoát nước hợp lý trên diện tích đất của mình để nước từ vườn ông Nguyễn T có thể thoát được ra mương thủy lợi là có căn cứ nên cần được chấp nhận. Theo đó, cần buộc anh Nguyễn Minh H, chị Phạm Thị Lệ P phải dành một phần diện tích đất để ông Nguyễn T đặt đường ống ngầm làm lối thoát nước qua bất động sản của mình có chiều rộng khoảng 0,4m, chiều dài tính từ điểm cuối lô đất số 43, tờ bản đồ 00 của gia đình ông Nguyễn T đến bờ mương thủy lợi là phù hợp với quy định tại Điều 252 Bộ luật dân sự.

Về chi phí liên quan đến việc lắp đặt đường ống thoát nước: Trong quá trình tố tụng cũng như tại phiên tòa ông Nguyễn T đồng ý tự chịu toàn bộ chi phí này và cam kết sẽ trả lại mặt bằng, hiện trạng ban đầu trên đất của anh H.

Đối với yêu cầu của ông T về việc yêu cầu anh Nguyễn Minh H phải bồi thường số tiền 5.000.000đồng thiệt hại về một số cây trồng trong vườn ông T bị chết, giảm năng suất do tình trạng ngập úng nước gây nên thì trong quá trình tố tụng cũng như tại phiên tòa ông T đã rút yêu cầu này nên Hội đồng xét xử xét đình chỉ đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản của ông T là phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự.

[4] Về chi phí tố tụng:

Chi phí tố tụng trong vụ án gồm chi phí xem xét thẩm định là 1.000.000đồng. Ông T đã nộp số tiền này để chi phí cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ.

Do yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn T được chấp nhận nên cần buộc anh Nguyễn Minh H phải chịu chi phí này là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật tố tụng dân sự. Theo đó cần buộc anh Nguyễn Minh H phải trả lại cho ông Nguyễn T số tiền 1.000.000đồng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

[5] Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn T được chấp nhận nên cần buộc anh Nguyễn Minh H phải chịu án phí DSST là phù hợp với quy định tại Điều 147 BLTTDS và Nghị quyết 326/2016 về án phí, lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên, Căn cứ vào:

QUYẾT ĐỊNH

- Khoản 2 Điều 26; khoản 1 Điều 35; các Điều 146, 147, 157, 203, 217, 218, 219 và 228 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Các Điều 245, 252 Bộ luật Dân sự;

- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2014 của Uỷ ban thường vụ quốc hội.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn T.

Buộc vợ chồng anh Nguyễn Minh H, chị Phạm Thị Lệ P phải dành một phần diện tích đất thuộc quyền sử dụng của mình tại tổ 3, khu phố H, thị trấn L, huyện T, tỉnh Bình Thuận có chiều rộng 0,4m, chiều dài tính từ điểm cuối lô đất số 43, tờ bản đồ 00 của gia đình ông Nguyễn T đi qua phần đất của anh H, chị P đến bờ mương thủy lợi để làm lối thoát nước.

Toàn bộ chi phí liên quan đến việc lắp đặt đường ống thoát nước do ông T chịu.

Sau khi hoàn thành việc lắp đặt đường ống thoát nước thì ông Nguyễn T có nghĩa vụ trả lại đúng hiện trạng ban đầu trên đất của anh H.

2. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn T về việc buộc anh Nguyễn Minh H bồi thường thiệt hại về tài sản.

3. Về chi phí tố tụng: Buộc anh Nguyễn Minh H phải trả cho ông Nguyễn T 1.000.000đồng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ.

4. Về án phí:

Buộc anh Nguyễn Minh H phải nộp 300.000đồng án phí dân sự sơ thẩm sung vào ngân sách nhà nước.

5. Về quyền kháng cáo: Án xử sơ thẩm. Nguyên đơn có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (26/7/2021); bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết tại nơi cư trú.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án Dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1052
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp quyền thoát nước qua bất động sản liền kề số 62/2021/DS-ST

Số hiệu:62/2021/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/07/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;