TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HỮU LŨNG, TỈNH LẠNG SƠN
BẢN ÁN 26/2024/DS-ST NGÀY 23/09/2024 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ YÊU CẦU DI DỜI TÀI SẢN TRÊN ĐẤT
Ngày 23 tháng 9 năm 2024, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 27/2024/TLST-DS ngày 10 tháng 4 năm 2024, về việc tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu di dời tài sản trên đất, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 44/2023/QĐXXST-DS ngày 06 tháng 9 năm 2024, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Anh Hoàng Văn D, sinh năm 1985. Địa chỉ: Thôn M, xã Đ, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Có mặt.
- Bị đơn: Công ty TNHH H3. Địa chỉ trụ sở: Tổ dân phố Đ, thị trấn P, huyện Y, tỉnh Bắc Giang. Người đại diện hợp pháp của bị đơn:
1. Ông Nguyễn Văn N; chức vụ: Phó Giám đốc Công ty TNHH H3, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 03/4/2024). Có mặt.
2. Ông Phan Văn C; chức vụ: Cán bộ pháp chế Công ty TNHH H3, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 16/5/2024). Có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Hoàng Văn H, sinh năm 1963. Vắng mặt.
2. Bà Phạm Thị H1, sinh năm 1965. Vắng mặt.
3. Chị Lê Thị Ơ, sinh năm 1990. Vắng mặt.
Cùng địa chỉ: Thôn M, xã Đ, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Người đại diện hợp pháp của ông Hoàng Văn H, bà Phạm Thị H1, chị Lê Thị Ơ: Anh Hoàng Văn D, sinh năm 1985. Địa chỉ: Thôn M, xã Đ, huyện H, tỉnh Lạng Sơn, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 28/5/2024). Có mặt.
4. Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Người đại diện hợp pháp của UBND xã Đ: Ông Trần Văn H2, chức vụ: Công chức Địa chính - Xây dựng - Nông nghiệp và Môi trường xã Đ, huyện H, tỉnh Lạng Sơn, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 26/8/2024). Vắng mặt.
5. Ủy ban nhân dân (UBND) huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Người đại diện hợp pháp của UBND huyện H: Ông Hoàng Trang V, chức vụ: Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện H, tỉnh Lạng Sơn, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 14/8/2024). Vắng mặt.
- Người làm chứng: Ông Phạm Văn T, sinh năm 1972. Địa chỉ: Thôn M, xã Đ, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 22 tháng 3 năm 2024, trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa, nguyên đơn trình bày:
Nguyên đơn anh Hoàng Văn D và bị đơn Công ty TNHH H3 (sau đây gọi tắt là Công ty) tranh chấp diện tích đất 36.352m2 thuộc một phần thửa đất số 218 và 226, tờ bản đồ số 01, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000, địa chỉ đất tranh chấp thuộc thôn M, xã Đ, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Về nguồn gốc đất tranh chấp, năm 1985 bố mẹ nguyên đơn khai phá một diện tích khoảng 60.000m2, trong đó có diện tích đất tranh chấp khoảng 3,5ha (sau khi có kết quả xem xét, thẩm định xác định là 36.352m2). Từ năm 1985 đến trước năm 1991 bố mẹ nguyên đơn trồng toàn bộ cây sắn trên đất khai phá. Đến năm 1991 chuyển sang trồng toàn bộ cây bạch đàn. Sau khi trồng, thì toàn bộ cây bạch đàn trên diện tích đất tranh chấp 36.352m2 không biết đã bị người nào nhổ hết. Khi cây bạch đàn bị nhổ, bố mẹ nguyên đơn không trình báo với cơ quan có thẩm quyền và từ đó cũng không trồng lại. Đối với phần diện tích đất khai phá còn lại (liền khu, tiếp giáp với diện tích đất đang tranh chấp), gia đình nguyên đơn vẫn trồng cây từ năm 1991 đến nay.
Lý do gia đình nguyên đơn không tiếp tục trồng cây trên diện tích đất tranh chấp, là do tưởng nhầm diện tích đất tranh chấp thuộc địa phận của tỉnh Bắc Giang, tại thời điểm đó vẫn còn tư tưởng đất của tỉnh nào thì người dân tỉnh đó mới được canh tác, do vậy gia đình nguyên đơn không quản lý, sử dụng nữa.
Sau khi gia đình nguyên đơn bị nhổ cây bạch đàn thì có thấy bên phía Bắc Giang trồng cây bạch đàn trên diện tích đất tranh chấp từ 1992 đến năm 2022 và đã khai thác được khoảng 03 chu kỳ cây. Còn ai là người trồng, khai thác cây trên đất tranh chấp nguyên đơn không biết và cũng không có ý kiến phản đối gì.
Đến năm 2022, sau khi bên phía Bắc Giang khai thác cây bạch đàn xong, nguyên đơn thấy đất bỏ không nên đi phát thực bì và trồng cây bạch đàn xuống, trồng được khoảng 700 cây bạch đàn CT329 trên diện tích khoảng 0,5ha thuộc một phần diện tích đất đang tranh chấp, tuy nhiên hôm trước trồng thì hôm sau toàn bộ cây trồng đều bị người khác nhổ hết. Sau khi cây bạch đàn bị nhổ đi hết nguyên đơn không tổ chức trồng lại nữa.
Trong năm 2022, nguyên đơn thấy Công ty TNHH H3 tổ chức trồng keo vào toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp, đến tháng 10/2023, Công ty C1 cột mốc bằng bê tông trên đất tranh chấp để làm ranh giới đất giữa hai bên nên từ đó xảy ra tranh chấp. Nguyên đơn yêu cầu khởi kiện cụ thể như sau:
- Nguyên đơn được quyền quản lý, sử dụng diện tích đất tranh chấp 36.352m2 thuộc một phần thửa đất số 218 và 226, tờ bản đồ số 01, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000 (diện tích đất tranh chấp ký hiệu trên mảnh trích đo do Công ty cổ phần T4 - Chi nhánh L1 cung cấp là thửa tạm số 218.1;
226.1).
- Buộc Công ty phải di dời 06 cọc bê tông và toàn bộ số cây keo trồng trên đất tranh chấp. Đối với 04 cây bạch đàn có đường kính trên 10cm đến 20cm là do nguyên đơn trồng nên yêu cầu được sở hữu.
Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản và án phí đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của bị đơn Công ty TNHH H3 trình bày:
Công ty TNHH H3, tiền thân là Lâm trường Hoàng Hoa T1, Lâm trường Yên Thế, được UBND tỉnh B giao quản lý sử dụng 2.317,39 ha đất trên địa bàn 10 xã, thị trấn của huyện Y từ năm 1963 đến nay, trong đó có diện tích 36.352m2 đang tranh chấp với nguyên đơn ông Hoàng Văn D. Từ năm 1963 cho đến nay, mặc dù trải qua nhiều lần chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động nhưng Công ty vẫn quản lý, sử dụng đất liên tục và có hiệu quả, quá trình quản lý, sử dụng đất tranh chấp của Công ty như sau:
Trước năm 1980 là rừng tự nhiên nghèo kiệt sau khai thác theo kế hoạch. Từ những năm 1980 - 1991 là rừng trồng tái tạo cây bản địa, gồm các loài cây như: Trẩu, X nhừ, T2, M do công nhân Lâm trường Yên Thế trồng. Từ năm 1992 đến nay là rừng trồng kinh tế, rừng trồng sản xuất của Công ty.
+ Năm 1992, sau khi khai thác rừng trồng những năm 1980 Công ty tổ chức trồng rừng thâm canh (công nhân Lâm trường trồng) cây Bạch đàn, K lá tràm thành lô b1, lô b2 và b3 khoảnh 4, diện tích 2,5 ha theo thiết kế trồng rừng phê duyệt tại Quyết định số 30/LN ngày 18/4/1992, của Sở Lâm nghiệp tỉnh H. + Năm 2001, sau khi khai thác rừng trồng năm 1992, Công ty tổ chức trồng rừng kinh tế cây Bạch đàn thành lô a, c và e khoảnh 4, diện tích 9,5 ha theo thiết kế trồng rừng phê duyệt tại Quyết định số 1117/QĐ-CT ngày 13/9/2000, của Chủ tịch UBND tỉnh B và Quyết định số 156/QĐ-LN ngày 25/9/2001, của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh B. + Năm 2006, sau khi khai thác rừng trồng năm 2001, Công ty tổ chức trồng rừng kinh tế cây Bạch đàn, K thành lô a, b, c và d khoảnh 4, diện tích 4,35 ha theo thiết kế trồng rừng được Giám đốc Lâm trường Yên Thế phê duyệt, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh B thẩm định và xác nhận.
+ Năm 2013, sau khi khai thác rừng trồng năm 2006, Công ty tổ chức trồng rừng sản xuất khoán công đoạn cây Bạch đàn, Keo thành lô b1, b2 và b3 khoảnh 3 (trước đây là khoảnh 4), diện tích 4,3 ha tại Quyết định số 149/QĐCT-KT ngày 27/7/2013, của Giám đốc Công ty TNHH một thành viên H3. Công ty thuê khoán trồng, chăm sóc rừng năm 1 cho ông Hoàng Văn T3, Nông Văn L, ở thôn B, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Giang. + Năm 2022, sau khi khai thác rừng trồng năm 2013, Công ty tổ chức trồng rừng sản xuất khoán công đoạn cây Bạch đàn, Keo thành lô b1, b2 và b3 khoảnh 3 (trước đây là khoảnh 4), diện tích 3,65 ha theo thiết kế trồng, tạo chồi, chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất khoán theo công đoạn năm 2022, phê duyệt tại Quyết định số 83/QĐCT-KTBV ngày 24/2/2022, của Giám đốc Công ty TNHH H3. Công ty thuê khoán trồng, chăm sóc rừng năm 1 cho ông Hoàng Văn K1, công nhân của Công ty.
Như vậy, từ năm 1963 đến nay, Công ty quản lý, trồng rừng trên đất tranh chấp và có đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giao đất, quản lý sử dụng đất. Anh Hoàng Văn D chưa bao giờ canh tác trên diện tích đất tranh chấp và không cung cấp được giấy tờ chứng minh diện tích đất tranh chấp thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình. Do vậy, dù diện tích đất tranh nằm trong địa giới hành chính tỉnh Lạng Sơn hay tỉnh Bắc Giang thì quyền lợi của anh Hoàng Văn D không bị ảnh hưởng gì, và cũng không ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của Công ty. Vì các lý do nêu trên, Công ty không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Về chi phí tố tụng và án phí đề nghị giải quyết theo quy định pháp luật.
Ủy ban nhân dân xã Đ trình bày: Diện tích đất tranh chấp thuộc thuộc thôn M, xã Đ. Qua tìm hiểu xác minh từ năm 1987 đến năm 1994 thời kỳ đó nhân dân đi khai phá, phát rừng nguyên sinh để trồng sắn, ngô, lúa nương … trong đó có cả người dân Lạng Sơn và người dân H (nay là Bắc Giang), sau vài năm đất bạc màu thì bỏ đi nên không nhớ chính xác ông, bà của Hoàng Văn D canh tác ở chỗ nào. UBND xã quản lý đất đai trên địa bàn là quản lý chung, còn khu vực thửa đất số 06, tờ bản đồ số 54 thì UBND xã không nắm được tổ chức, cá nhân nào canh tác, chỉ đến khi xảy ra tranh chấp UBND xã mới biết khu đất đó là do Công ty H3 sử dụng. Theo quy hoạch sử dụng đất xã Đ giai đoạn 2021 - 2030, thì diện tích đất tranh chấp được quy hoạch đất trồng rừng sản xuất.
Ủy ban nhân dân huyện H trình bày: Về thẩm quyền giao đất cho tổ chức, thì trường hợp quá trình giải quyết vụ án nếu có căn cứ xác định diện tích đất tranh chấp thuộc địa giới thôn M, xã Đ, thì thẩm quyền giao đất cho Công ty H3 thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh L. Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, thì thửa đất số 06, tờ bản đồ số 54 được quy hoạch là đất rừng sản xuất, qua kiểm tra sổ mục kê và sổ giao diện tích thì thửa đất chưa có chủ sử dụng đến nhận thửa, hiện do UBND xã Đ quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Đất đai năm 2024. Trường hợp không đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ thì diện tích đất tranh chấp sẽ do UBND xã Đ quản lý theo điểm e khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai năm 2024.
Ông Hoàng Văn H, bà Phạm Thị H1, chị Lê Thị Ơ nhất trí với trình bày của nguyên đơn.
Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa: Việc tuân theo pháp luật: Từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký, các đương sự chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về việc giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ các Điều 166, 169 Bộ luật Dân sự; các Điều 11, 26, 31 Luật Đất đai năm 2024; các Điều 217, 244 Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc được quản lý, sử dụng đất và các tài sản trên đất tại các thửa tạm số 226.1 diện tích 35,714m2; thửa tạm số 218.1 diện tích 638m2, thuộc một phần thửa đất số 226, 218 tờ bản đồ số 01 bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000, địa chỉ tại thôn M, xã Đ, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Về án phí và chi phí tố tụng, do yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu án phí và toàn bộ chi phí tố tụng theo quy định.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Tại phiên tòa vắng mặt ông Hoàng Văn H, bà Phạm Thị H1, chị Lê Thị Ơ và người đại diện của UBND xã Đ, UBND huyện H. Xét thấy, những người vắng mặt có người đại diện hợp pháp hoặc có đơn xin giải quyết vắng mặt, các đương sự đề nghị tiếp tục xét xử, căn cứ Điều 227, 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành xét xử theo quy định.
[2] Về địa giới hành chính của đất tranh chấp: Xét thấy, địa giới hành chính huyện H năm 1956 được nhập vào tỉnh Lạng Sơn. Theo kết quả trích đo do Công ty cổ phần T4 - Chi nhánh L1 cung cấp, thì diện tích đất tranh chấp 36.352m2 thuộc một phần thửa đất số 218 và 226, tờ bản đồ số 01, địa chỉ thôn M, xã Đ, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Kết quả này các đương sự nhất trí không phản đối. Kết quả này cũng phù hợp với nội dung Công văn số: 3833/STNMT-QLĐĐ ngày 10/9/2024, của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh B (được UBND tỉnh B uỷ quyền), nội dung thể hiện: “Từ trước đến nay, diện tích đất tranh chấp khoảng 3,5ha là do UBND tỉnh H (cũ) nay là UBND tỉnh B đã giao cho Lâm trường Y, sau đó là Công ty H3 và nay là Công ty TNHH H3; trước đây, do phương pháp đo đạc thủ công, tỷ lệ bản đồ lớn, nên việc xác định diện tích đất theo địa giới hành chính còn hạn chế. Đến năm 2015, khi đồng bộ kết quả đo đạc theo bản đồ lâm nghiệp với bản đồ địa chính thì diện tích 3,5ha nêu trên nằm ngoài địa giới hành chính tỉnh Bắc Giang nên Công ty chưa được cấp GCNQSD đất”. Do vậy, xác định diện tích đất tranh chấp từ năm 1956 đến nay thuộc địa giới hành chính của tỉnh Lạng Sơn.
[3] Xét quá trình quản lý, sử dụng đất tranh chấp: Theo trình bày của nguyên đơn, thì từ năm 1992 đến trước năm 2022, nguyên đơn không quản lý sử dụng, canh tác gì trên đất tranh chấp, năm 2022 vợ chồng nguyên đơn trồng khoảng 700 cây bạch đàn CT329 trên một phần diện tích đất tranh chấp, nhưng sau đó toàn bộ 700 cây bạch đàn đều bị người khác nhổ hết, trong năm 2022, nguyên đơn thấy Công ty tổ chức trồng keo trên diện tích đất đang tranh chấp, tháng 10/2023, Công ty chôn 06 cột mốc bằng bê tông làm ranh giới nên giữa hai bên xảy ra tranh chấp. Theo bị đơn trình bày từ năm 1963 cho đến nay, mặc dù trải qua nhiều lần chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động nhưng Công ty vẫn quản lý, sử dụng đất liên tục và có hiệu quả. Xét lời trình bày của Công ty P với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, phù hợp với trình bày của UBND xã Đ, do vậy có căn cứ xác định Công ty là người quản lý, sử dụng đất tranh chấp.
[4] Về hồ sơ địa chính quản lý đất đai: Xét thấy, diện tích đất tranh chấp từ trước đến nay thuộc địa giới hành chính tỉnh Lạng Sơn (nhận định tại đoạn [2] ở trên) quản lý; theo thông tin do UBND xã Đ và UBND huyện H cung cấp thì diện tích đất tranh chấp từ trước đến nay chưa được cấp GCNQSDĐ cho tổ chức, cá nhân nào; theo sổ mục kê và sổ giao diện tích thì thửa đất chưa có chủ sử dụng đến nhận thửa, hiện do UBND xã Đ quản lý theo quy định của Luật Đất đai; theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, thì đất tranh chấp được quy hoạch là đất rừng sản xuất.
[5] Như vậy, diện tích đất tranh chấp nguyên đơn không có tên trong hồ sơ địa chính và từ năm 1992 đến nay nguyên đơn không quản lý, sử dụng, canh tác gì trên đất tranh chấp. Theo Điều 91 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp …”. Nhưng trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào có giá trị pháp lý để chứng minh đất tranh chấp thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình nên yêu cầu quản lý, sử dụng diện tích đất tranh chấp 36.352m2 của nguyên đơn không có căn cứ để chấp nhận. Do yêu cầu khởi kiện về quyền quản lý, sử dụng đất tranh chấp 36.352m2 không được chấp nhận nên yêu cầu di dời tài sản (cây trồng, 06 cột mốc bằng bê tông), trên đất tranh chấp cũng không được chấp nhận.
[6] Đối với 04 cây bạch đàn có đường kính trên 10cm đến 20cm trên đất tranh chấp, nguyên đơn yêu cầu được sở hữu. Xét thấy, như nhận định tại đoạn [3] ở trên, thì từ năm 1992 đến trước năm 2022, nguyên đơn không quản lý sử dụng, canh tác gì trên đất tranh chấp, ngoài lời trình bày nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh nên yêu cầu này không có căn cứ để chấp nhận.
[7] Theo nội dung Công văn số: 3833/STNMT-QLĐĐ ngày 10/9/2024, của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh B, khẳng định: “… trước đây, do phương pháp đo đạc thủ công, tỷ lệ bản đồ lớn, nên việc xác định diện tích đất theo địa giới hành chính còn hạn chế. Đến năm 2015, khi đồng bộ kết quả đo đạc theo bản đồ lâm nghiệp với bản đồ địa chính thì diện tích 3,5ha nêu trên nằm ngoài địa giới hành chính tỉnh Bắc Giang nên Công ty chưa được cấp GCNQSD đất”. Như vậy, hiện nay Công ty H3 đang quản lý, sử dụng đất tranh chấp là không có căn cứ pháp luật. Đề nghị UBND xã Đ, UBND huyện H và UBND tỉnh L rà soát, kiểm đếm diện tích đất trên địa bàn mà hiện nay Công ty H3 đang tổ chức trồng cây để quản lý hoặc giao đất theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2024.
[8] Về nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn là người nộp tiền tạm ứng để chi phí cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản với tổng số tiền 22.077.000 đồng. Xét thấy, yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận, căn cứ các Điều 157, 158, 165, 166 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nguyên đơn phải chịu toàn bộ chi phí tố tụng.
[9] Về nghĩa vụ chịu án phí: Xét thấy yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
[10] Xét ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa về việc giải quyết vụ án phù hợp với nhận định ở trên nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[11] Các đương sự có quyền kháng cáo bản án theo quy định tại Điều 271, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Điều 23; Điều 25; Điều 26; Điều 31; khoản 1 Điều 236 của Luật Đất đai năm 2024. Khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 157; Điều 158; Điều 165; Điều 166; Điều 227; Điều 228; Điều 244; Điều 271; Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cụ thể:
1.1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc được quyền quản lý, sử dụng diện tích đất tranh chấp 36.352m2 thuộc một phần thửa đất số 218 và 226, tờ bản đồ số 01, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000, địa chỉ: Thôn M, xã Đ, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Diện tích đất được xác định bởi các đỉnh thửa nối các điểm (đỉnh thửa): A1, A2, A3, A4, A5, A6, A7, A8, A9, A10, A11, A12, A13, A14, A15, A16, A17, A18, A19, A20, A21, A22, A23, A24, thể hiện tại Trích đo khu đất tranh chấp kèm theo Bản án.
1.2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn di dời tài sản (cây trồng, 06 cọc bê tông) trên đất tranh chấp.
1.3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc được sở hữu 04 cây bạch đàn có đường kính trên 10cm đến 20cm trên đất tranh chấp.
2. Về chi phí tố tụng: Anh Hoàng Văn D phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, với tổng số tiền 22.077.000 đồng (hai mươi hai triệu không trăm bảy mươi bảy nghìn đồng). Xác nhận anh Hoàng Văn D đã nộp đủ số tiền 22.077.000 đồng.
3. Về án phí: Anh Hoàng Văn D phải chịu 300.000 đồng án phí sơ thẩm, để nộp ngân sách Nhà nước. Xác nhận anh Hoàng Văn D đã nộp 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) án phí, theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số:
0004703 ngày 10 tháng 4 năm 2024, tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
4. Về quyền kháng cáo: Đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự người phải thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án quy định tại Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu di dời tài sản trên đất số 26/2024/DS-ST
Số hiệu: | 26/2024/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Hữu Lũng - Lạng Sơn |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 23/09/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về