Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất và hủy quyết định cá biệt số 08/2019/DS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

BẢN ÁN 08/2019/DS-ST NGÀY 28/08/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ HỦY QUYẾT ĐỊNH CÁ BIỆT

Ngày 28 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 18/2018/TLST-DS, ngày 24 tháng 8 năm 2018 theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 106/2019/QĐXXST-DS, ngày 09 tháng 8 năm 2019 giữa các đương sự:

*Nguyên đơn: ông Nguyễn Thế Ng, sinh năm 1951 Địa chỉ: Thôn 1, xã Q, thị xã H, tỉnh Nghệ An.

*Bị đơn: ông Nguyễn Ngọc X, sinh năm 1956 Bà Nguyễn Thị L,sinh năm 1957( vợ ông X) Địa chỉ: Thôn 2, xã Q, thị xã H, tỉnh Nghệ An.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

Ông Nguyễn Ngọc V, sinh 1964 và vợ là Hồ Thị H, sinh năm 1962 Địa chỉ: Thôn 2, xã Q, thị xã H, tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Văn N, sinh 1974 và vợ là Trương Thị B,sinh năm 1974 Địa chỉ: Thôn 2, xã Q, thị xã H, tỉnh Nghệ An.

Ủy ban nhân dân xã Q, thị xã H.

Địa chỉ: Thôn 6, xã Q, thị xã H, tỉnh Nghệ An.

Ủy ban nhân dân thị xã H, tỉnh Nghệ An Địa chỉ: Khối Sỷ Tân, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An Ủy ban nhân dân huyện Q, tỉnh Nghệ An Địa chỉ: thị trấn Cầu Giát, huyện Q, tỉnh Nghệ An.

Ông Ng, ông X, bà L, ông N, ông V và bà H đều có mặt;

Đại diện UBND xã Q- ông Lê Duy Trung-chủ tịch UBND xã có mặt;

Đại diện UBND huyện Q và đại diện UBND thị xã Hoàng Mai vắng mặt; Bà Trương Thị B vắng mặt, có chồng là ông Nguyễn Văn N tham gia thay.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1/ Theo đơn khởi kiện,tài liệu có tại hồ sơ và tại phiên tòa, Nguyên đơn-ông Nguyễn Thế Ng trình bày:

Năm 1993 Ông Ng được UBND huyện Q, Nghệ An giao đất rừng có Lâm b( gọi là Lâm b 1993) theo Quyết định số 270, ngày 06/12/1993, diện tích 20ha, trong đó có 0,3ha đã có cây thông, còn lại là đất trống đồi trọc. Gia đình ông rải hạt thông (coi như trồng), bảo quản, chăm sóc trên đất đó.

Năm 1998, UBND xã Q gọi ông lên xã nhận Lâm b xanh(gọi là Lâm b 1998- đổi từ Lâm b 1993), nhưng ông thấy diện tích và ranh giới không đúng nên ông không nhận.

Về hồ sơ tài liệu giao đất thực địa thì ông Ng khai là: Không có. Nhưng khi giao nhận đất rừng có đầy đủ thành phần là cán bộ xã Q và UBND huyện Q; Đất giao cho ông có cắm mốc giới với diện tích bao gồm số diện tích như sơ đồ do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên LNQ (Viết tắt: CT TNHH MTV LNQ) đo vẽ năm 2012.

Năm 2005 ông phát hiện ông Nguyễn Ngọc X khai thác tại rừng của ông Ng; năm 2006 ông X được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó ( Viết tắt: GCNQSDĐ). Ông khiếu nại các cơ quan có thẩm quyền, nhưng không giải quyết.

Năm 2006, thực hiện dự án trồng rừng Việt Đức. Được sự thống nhất của UBND xã Q và Ban dự án, và sự đồng ý của ông Ng. Ngày 12/4/2006 ông Ng đã tự nguyện lập danh sách và chia thửa đất theo Lâm b 1993 của ông Ng cho 9 hộ (trong đó có hộ ông Ng),với tổng diện tích là 13,01ha (Cộng chi tiết đúng là: 13,11ha).

Năm 2012, ông Ng thuê Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên LNQ (Viết tắt: CT TNHH MTV LNQ) đo vẽ lại toàn bộ diện tích theo Lâm b 1993 của ông. Qua đó ông xác định được những người làm trên đất của ông, gồm: (ông X 5,57ha; ông M 1,14ha; ông Th 1,01ha), còn lại 13,01ha ông đã chia cho 9 hộ trồng rừng theo dự án trồng rừng Việt Đức năm 2006.

Ông Ng thấy quyền lợi về đất rừng của ông bị xâm phạm, là do UBND huyện Q cấp GCNQSDĐ năm 2006 cho vợ chồng ông X là chồng lên đất trồng rừng của ông được UBND huyện Q cấp Lâm b năm 1993. Nên ông yêu cầu Tòa án hủy Quyết định cấp GCNQSDĐ và GCNQSDĐ năm 2006 của vợ chồng ông X bà L; đồng thời trả lại 5,57ha đất rừng cho ông Ng.

2/ Bị đơn- ông Nguyễn Ngọc X trình bày như sau:

Năm 2003, xã Q có chủ trương giao đất rừng thông nhựa cho người có nhu cầu, để chăm sóc bảo quản và khai thác nhựa, nộp lệ phí cho xã. Ông X cùng em là ông Nguyễn Ngọc V và cháu là anh Nguyễn Văn N đã đăng ký mua 2 vùng đất diện tích là 8,50ha với giá 4.500.000đ/ha, thành tiền 38.250.000đ đã nộp tiền cho xã có biên lai thu tiền. Từ đó 3 gia đình chung nhau bảo vệ, khai thác nhựa thông bán nộp lệ phí cho xã. Đến năm 2006 được UBND huyện Q cấp GCNQSD đất vùng gần đất ông Ng cho vợ chồng ông, diện tích là 54.013m2 (5,4013ha). Nên ông X không chấp nhận yêu cầu của ông Ng về việc đề nghị Tòa án hủy Quyết định cấp GCNQSDĐ và GCNQSDĐ năm 2006 của vợ chồng ông (ông X bà L)và trả lại 5,57ha đất rừng cho ông Ng, vì không có căn cứ.

3/ Bị đơn-bà Nguyễn Thị L trình bày: Bà đồng ý như nội dung trình bày của ông X. Bà đề nghị Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông Ng trong vụ kiện này, vì ông Ng kiện không có căn cứ.

4/ Ông V, bà H, ông N trình bày: Hoàn toàn đồng ý như ý kiến của ông X. Đề nghị Tòa án bác mọi yêu cầu của ông Ng. Riêng 3 gia đình làm chung mà GCNQSD đất mang tên vợ chồng ông X, là có sự đồng thuận của mọi người,nội bộ không tranh chấp. Nên đề nghị Tòa án giải quyết vụ án này chỉ cần tuyên nội dung tranh chấp đối với vợ chồng ông X. Ông N, ông V và bà H không tranh chấp hoặc yêu cầu gì.

Ông X và bà L nhất trí đề nghị Tòa án giải quyết vụ án này chỉ cần tuyên nội dung tranh chấp của ông Ng đối với vợ chồng ông X.

4/ Ông Lê Duy Trung- đại diện UBND xã Q trình bày tại phiên tòa và tài liệu tại hồ sơ, như sau:

Năm 1993 HTX Tân Hải giải thể, giao lại đất rừng thông cho UBND xã Q. UBND xã khoán có thu tiền cho các hộ dân khai thác nhựa thông, trong đó có 2 thửa (15,2ha và 14,24ha) đất giao cho ông Hồ Sỹ Hồng đứng tên quản lý khai thác.

Năm 1998 thực hiện chủ trương của Nhà nước, xã Q đổi Lâm b 1993 sang Lâm b xanh cho hơn 60 hộ dân. Trong đó, Lâm b 1993 của ông Ng được cấp đổi sang Lâm b xanh theo Quyết định số 1411/QĐ-UB ngày 05/12/1998 của UBND huyện Q,diện tích 19,4ha; Trạng thái: Đất trống bụi cỏ; mục đích: để trồng rừng. Theo bản đồ lập ngày 15/12/1998 của Phân viện ĐTQH rừng Bắc Trung bộ, ghi: Đất trống để trồng rừng -ký hiệu IA (Không phản ánh có cây thông).

Năm 2003-2004 thực hiện chủ trương giao đất rừng theo Nghị định 163/CP, ngày 16/11/1999 của Chính phủ. UBND xã Q giao 121ha đất rừng có thông-(Ký hiệu TIII-Thông tái sinh, tự nhiên) cho các hộ dân. Tại thửa đất ông Hồng quản lý khai thác nhựa thông trước đây được chia cho các hộ ông X, ông M và ông Th. Trong đó, hộ ông Nguyễn Ngọc X được UBND huyện Q cấp GCNQSD đất số AĐ 505452, ngày 21/02/2006. Ghi thửa số 17107.03.57, diện tích 54.013m2; Mục đích sử dụng đất: Đất rừng sản xuất, ký hiệu: RST-Th.III.

Riêng đất ông Ng. Năm 2006, thực hiện dự án trồng rừng Việt Đức. Ngày 12/4/2006 ông Ng đã tự nguyện lập danh sách và chia thửa đất (theo Lâm b 1998 nói trên) của ông Ng cho 09 hộ(trong đó có hộ ông Ng),với tổng diện tích là 13,01ha, có ranh giới ổn định với đất rừng có thông của ông Nguyễn Ngọc X và ông Trần Đình Thụy. Cả 9 hộ này đều đã kê khai đăng ký, được cấp giấy CNQSD đất để trồng rừng từ năm 2006, giấy CNQSD đất là điều kiện để được nhận tiền tài trợ của dự án, họ đều đã nhận tiền dự án.

Ông Ng chỉ được giao đất trống cỏ bụi để trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, Nhà nước không thu bất cứ khoản gì. Cả Lâm b 1993 và 1998 đều phản ánh đúng như thế. Khi nhà nước giao đất cho Ông X, ông Th và ông M có thu tiền, là đất chia lại do thu hồi đất rừng thông của ông Hồng nhận khoán từ trước đó. Ngoài ra, không phải lấy đất của ai. Liên quan đến nội dung tranh chấp, thì chính quyền xã Q đã làm đúng pháp luật. Yêu cầu của ông Ng trong vụ án là không có căn cứ, nên đề nghị Tòa án không chấp nhận.

5. UBND huyện Q ( tài liệu có tại hồ sơ): Công văn 181/CV-VPĐK, ngày 31/10/2018 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất(VPĐKQSDĐ), thì: Tất cả hồ sơ về Lâm b năm 1993 và Lâm b năm 1998 của ông Nguyễn Thế Ng đã thất lạc, không tìm thấy hồ sơ lưu tại VPĐKQSDĐ - UNBND huyện Q.

6. UBND thị xã Hoàng Mai (theo tài liệu có tại hồ sơ): Công văn số 59/UBND- TTr, ngày 17/01/2019 của chủ tịch UBND thị xã, thì: UBND thị xã đã trả lời đơn ông Ng tại văn bản số 584/UBND-TTr ngày 04/8/2014. Trong đó, không có cơ sở xem xét việc ông Ng khiếu nại Nhà nước cấp GCNQSD đất rừng thông cho ông Nguyễn Ngọc X, vì ông Ng không cung cấp được chứng cứ về tính không hợp pháp của GCNQSD đất giao cho ông Nguyễn Ngọc X. Nhà nước chỉ giao đất trống cho ông Ng.

*Phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên: Trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý vụ án đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa và người tham gia tố tụng đã tuân theo pháp luật tố tụng.

Kiểm sát viên đề nghị đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 259 BLTTDS tạm ngừng phiên tòa, để thu thập thêm chứng cứ.

(Toàn bộ nội dung phát biểu thể hiện bằng văn bản, Số: 131/PB-VKS- DS , ngày 28/8/2019 do Kiểm sát viên ký. Được lưu tại hồ sơ vụ án).

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để giải quyết.

Căn cứ tài liệu trong hồ sơ phản ánh quá trình khiếu nại của ông Ng đòi diện tich đất rừng theo Lâm b 1993. Năm 2006 ông Ng mới phát hiện ông X bà L được cấp Giấy CNQSD đất, mà ông cho rằng xâm phạm đến diện tích đất của ông Ng theo Lâm b 1993, nên ông Ng khiếu nại từ đó đến nay. HĐXX thấy Ông Ng có quyền khởi kiện và thời hiệu khởi kiện vẫn còn, nên thụ lý vụ án và giải quyết tranh chấp là có cơ sở.

Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Đây là vụ án Dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất rừng, và yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND huyện Q, Nghệ An cấp cho ông Nguyễn Ngọc X”, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An theo quy định tại khoản 9 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 37 BLTTDS.

Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và Kiểm sát viên đề nghị vẫn tiến hành xét xử vụ án mà không phải hoãn phiên tòa. Một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có lý do, đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Căn cứ khoản 1, khoản 2 điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án là đúng quy định của pháp luật.

Trong vụ án này, Đương sự là cá nhân đã có lời khai hoặc ủy quyền đầy đủ; Đương sự là pháp nhân đã có trình bày bằng văn bản nộp cho Tòa án; Cùng với lời trình bày của đương sự có mặt tại phiên tòa; Nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn theo điều 91 BLTTDS 2015. HĐXX thấy đã có đầy đủ chứng cứ chứng minh để làm căn cứ giải quyết toàn bộ vụ án này. Do đó, HĐXX không cần phải tạm ngừng phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ.

[2] Về nội dung: Ông Ng kiện tranh chấp đất theo Lâm b 1993 và yêu cầu hủy quyết định cá biệt là Giấy chứng nhận QSD đất của ông X-bà L. Tòa án xem xét tính liên tục các tài liệu chứng cứ liên quan.

I. Những chứng cứ không phải chứng minh:

Bản sao Lâm b 1993 của ông Nguyễn Thế Ng;

Bản sao Lâm b 1998 của ông Nguyễn Thế Ng (do Tòa án thu thập);

Kết quả trưng cầu cơ quan chuyên môn số 47/KL-KT ngày 24/9/2018 của Hạt kiểm lâm thị xã Hoàng Mai- V/V giải thích ký hiệu trên bản đồ- tuổi cây thông.

Bản sao GCNQSD đất năm 2006 của ông X-bà L;

Bản sao bản đồ lập ngày 15/12/1998 của Phân viện ĐTQH rừng Bắc Trung bộ; Bản sao Sơ đồ tranh chấp đất rừng do Công ty TNHH MTV LNQ thực hiện đo vẽ năm 2012( để tham khảo).

Bản sao Danh sách nhận đất trồng rừng Việt-Đức năm 2006 do ông Ng lập. Bản photo Lâm b 1998 của ông Nguyễn Thế Ng (do Tòa án thu thập);

Và một số công văn tài liệu liên quan khác ( do Tòa án thu thập hoặc do các bên giao nộp để bảo vệ quyền lợi của mình) để xem xét.

Ông Nguyễn Thế Ng chỉ tranh chấp diện tích đất về phía tây(gồm có đất ông Th, ông M và ông X). Vì thế Tòa án chỉ xem xét chứng cứ liên quan về phía phần đất phía tây có tranh chấp.

II. Đánh giá chứng cứ:

1. Những chứng cứ cơ bản để chứng minh.

1.1. Đối chiếu về trạng thái đất mục đích sử dụng:

Ông Nguyễn Thế Ng được Nhà nước giao đất trồng rừng và cấp Lâm b số 7, theo Quyết định số 270, ngày 06/12/1993 của UBND huyện Q, diện tích 20ha. Trạng thái: Đất trống,bụi cỏ tự nhiên. Mục đích: trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Năm 1998 thực hiện chủ trương của Nhà nước, xã Q tổ chức đổi Lâm b 1993 sang Lâm b xanh cho hơn 60 hộ dân. Trong đó, Lâm b 1993 của ông Ng được cấp đổi sang Lâm b xanh theo Quyết định số 1411/QĐ-UB ngày 05/12/1998 của UBND huyện Q, phản ánh: Diện tích 19,4ha; Trạng thái: Đất trống bụi cỏ; Mục đích: để trồng rừng. Phù hợp với đơn của ông Ng đề ngày 01/8/1998 và văn bản giao đất tháng 12/1998, ghi: Loại hình chủ yếu: IA; Loại cây chủ yếu: Cỏ.

Theo bản đồ lập ngày 15/12/1998 của Phân viện ĐTQH rừng Bắc Trung bộ: Đất trống để trồng rừng -ký hiệu IA (IA-là đất trống chưa có rừng, quy hoạch để trồng rừng). Như vậy, sau 5 năm giao đất cho ông Ng, thì năm 1998 Nhà nước quy hoạch lại cũng chỉ giao Đất trống để trồng rừng cho ông Ng.

1.2. Đối chiếu các thông tin về diện tích trên Lâm b 1993, thấy có nội dung sau: Tổng diện tích giao: 20ha. Trong đó: đất có Thông (có Thông- ý ông Ng) 0,3 ha; đất trống 20,0ha.( nếu ghi đúng thì đất trống chỉ còn 19,7 ha). Như vậy, thông tin về diện tích là không logich. Mặt khác, xem xét chữ số ghi các thông tin trên thấy có dấu hiệu sữa chữa, kiểu chữ không đồng nhất. Tuy ông Ng và các đương sự không yêu cầu giám định, không yêu cầu hủy hoặc sửa Lâm b 1993, nhưng các yếu tố làm sai lệch nội dung diện tích cũng làm mất độ tin cậy của Lâm b 1993.

6  7 Ông Ng khai là Lâm b 1993 của ông có 0,3ha đất rừng có thông, Nhưng ông kiện đòi ông X 5,57ha thông già ( đến nay là trên 36 năm), trong khi Giấy CNQSD đất của ông X chỉ có 5,4013ha ( tức là đòi nhiều hơn 1.687m2). Đó là con số mâu thuẩn, không dựa trên cơ sở mối liên hệ nào để tạo thành. Nên không thể chấp nhận.

Căn cứ tài liệu ông Ng xuất trình bổ sung: tại Biểu thống kê tình hình đất và rừng giao cho hộ làm vườn rừng do HTX Tân Hải, xã Q lập năm 1993 thì thấy ông Ng chỉ được giao 20ha đất trồng rừng (Đất không có cây tự nhiên, không có cây trồng-Cột 6,7,8,9- bảng kê). Qua đó có cơ sở khẳng định: Diện tích đất theo Lâm b 1993 của ông Ng không có cây thông. Vì thế, số liệu 0,3ha trên Lâm b là viết thêm, dẫn đến sửa chữa số Tổng số, số Hiệu số không hợp lý.

Cho nên xác định, chứng cứ 0,3 ha thông trong Lâm b 1993 là giả, nên bị loại bỏ trong quá trình phân tích đánh giá vụ án. Bác trình bày của ông Ng là khi giao đất rừng theo Lâm b 1993, trong đó có 0,3 ha thông.

1.3. Đối chiếu về mặt Ranh giới sơ đồ đất được giao cho ông Ng năm 1993 so với đất đo lại năm 2012 do Công ty TNHH MTV LNQ thực hiện thì thấy:

Theo Lâm b năm 1993, sơ đồ giao đất phản ánh: Trên sơ đồ có nhiều phần đất được giao, có ranh giới thể hiện bằng đường dấu chấm (ký hiệu …..), theo chú thích gọi là “Ranh giới giao đất giao rừng” cho từng chủ thể. Trong đó đất về phía Tây có 3 phần đất riêng biệt được vẽ trên sơ đồ (Xem Hình 1: Tòa án tạm đánh ký hiệu P1; P2; P3), có đường ranh giới dấu chấm kéo dài khép kín từng phần rõ rệt. Như vậy, ông Ng là một chủ thể chỉ được giao một phần trong số đó, mà chính xác là phần P1. Không có căn cứ là giao cả 3 phần P1, P2 và P3 cho ông Ng.

Phần đất P2 có ký hiệu hình cây Thông, theo quan sát thì diện tích tương đương 1/3-1/4 so với diện tích phần đất P1 giao cho ông Ng. Đối chiếu với diện tích 13,15ha tại sơ đồ vẽ năm 2012 thì đất rừng có Thông P2 phải tương đương 3,0-3,5 ha, nhưng ông Ng khai chỉ có 0,3 ha là hoàn toàn không chính xác. Như vậy, đất có Thông năm 1993 không thể nằm trong diện tích được giao cho ông Ng để trồng rừng. Mà nằm ngoài ranh giới với đất ông Ng, có ký hiệu P2 (Xem Hình 1).

1.4. Đánh giá chứng cứ về trạng thái đất rừng được giao và rừng trồng:

Ông Ng cho rằng ông được giao đất diện tích theo Lâm b 1993 là 20,0ha, trong đó có 0,3 ha cây thông có từ trước.

Tòa án thấy: Đất giao cho ông Ng là thực hiện theo chủ trương của Nhà nước, theo Luật bảo vệ và phát triển rừng 1991. Là đất trống dồi trọc nằm trong quy hoạch để trồng rừng. Lâm b năm 1993 của ông Ng phản ánh trạng thái: Đất trống 20,0ha. Có nghĩa là Nhà nước giao đất cho ông Ng mục đích trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Đúng với nguyện vọng trong đơn xin nhận đất trồng rừng của ông Ng. Không giao các loại đất rừng khác.

Tòa án xem xét Bản đồ vẽ lại năm 1998, thấy phản ánh: Trạng thái khoảnh đất số 104 mà ông Ng tranh chấp có ký hiệu: 2-TIII ( tức là: Lô2- rừng Thông tuổi cấp III-tương đương 15 năm trở lên tính từ khi trồng). Do đó, ông Ng mới nhận đất rừng được 5 năm (1993-1998) mà có thông trên 15 năm là không có căn cứ.

1.5. Đánh giá về kết quả định giá thẩm định tại chỗ:

Trên cơ sở kết quả xem xét thẩm định tại chỗ, dựa theo ranh giới giữa đất ông X và đất trồng rừng ông Ng(đất dự án Việt Đức) thì thấy:

- Phía đất rừng ông X đang quản lý là đất có rừng thông già, đường kính 20- 30cm ( đo cách gốc 1m), đã khai thác nhựa từ rất nhiều năm. Mật độ bình quân 320cây/ha. Có tổng 1.960 cây=254.400.000đ;Giá đất rừng 53.013m2 = 265.065.000đ.

- Phía đất rừng ông Ng đang quản lý là đất cỏ bụi rậm tự nhiên xanh tốt, thỉnh thoảng có cây thông non.

Qua đó chứng tỏ trình bày của ông Ng: Sau khi nhận đất 1993 thì ông có rải hạt thông, rồi lên cây và ông quản lý chăm bón, là hoàn toàn không đúng sự thật. Thậm chí qua xem xét tại chỗ, trên sát dọc tuyến ranh giới 2 thửa đất tranh chấp,phía đất ông Ng không thấy dấu hiệu con người đã bảo vệ, chăm bón, trồng mới.v.v. (rất nguyên sơ- theo thẩm định tại chỗ).

2. Những chứng cứ khác liên quan.

2.1. Đánh giá về Lâm b xanh 1998:

Ông Ng được biết nhưng không công nhận Lâm b xanh 1998 ( theo Quyết định số 1411/QĐ-UB ngày 05/12/1998 của UBND huyện Q,diện tích 19,4ha; Trạng thái: Đất trống bụi cỏ; Mục đích: để trồng rừng). Nhưng theo chủ trương của Nhà nước thì việc đổi sang Lâm b xanh là đúng pháp luật, không xâm phạm lợi ích của hơn 60 hộ dân xã Q, trong đó có ông Ng.

Căn cứ thực tế sử dụng đất rừng tại xã Q, Nhà nước vẽ lại hiện trạng đất rừng xã Q là cần thiết. Do đó, Bản đồ vẽ lại, lập ngày 15/12/1998 của Phân viện ĐTQH rừng Bắc Trung bộ là hoàn toàn có giá trị pháp lý. Bản đồ phản ánh: Trạng thái đất giao cho ông Ng là: Đất trống để trồng rừng -ký hiệu IA (Tức là: Bụi cỏ; Không phản ánh có cây thông).

Như vậy, Bản đồ vẽ lại 1998 và sơ đồ giao đất theo Lâm b xanh 1998 là hoàn toàn giống nhau về sơ đồ ranh giới đất và trạng thái đất rừng được giao.(Xem Hình 3 và Hình 4).

Năm 2006, thực hiện dự án trồng rừng Việt Đức. Được sự thống nhất của UBND xã Q và Ban dự án, và sự đồng thuận của ông Ng. Ngày 12/4/ 2006 ông Ng đã tự nguyện lập danh sách và chia thửa đất (trong Lâm b 1993 nói trên) của ông Ng cho 9 hộ, trong đó có hộ ông Ng), với tổng diện tích là 13,01ha( Cộng chi tiết đúng là 13,11 ha) có ranh giới ổn định với đất rừng có thông của ông Nguyễn Ngọc X và ông Trần Đình Thụy. Cả 9 hộ này đều đã kê khai đăng ký, để cấp giấy CNQSD đất để trồng rừng ổn định từ năm 2006 (có giấy CNQSD đất thì mới được tham gia dự án và nhận tiền do dự án tài trợ) . Qua đó cho thấy ông Ng đã tự nguyện đưa toàn bộ diện tích đất cỏ bụi ( của Lâm b 1993, cũng như Lâm b 1998) vào dự án trồng rừng Việt Đức, là đúng với mục đích của dự án là phủ xanh đất trồng đồi núi trọc, dự án không thực hiện tại rừng có thông.

So sánh với diện tích đất do Công ty TNHH MTV LNQ thực hiện đo lại năm 2012 thì thấy hiện trạng đất (ông Ng và 8 hộ) sử dụng đến năm 2012 là 13,15 ha tương đương với diện tích đất trồng rừng Việt Đức mà ông Ng đã chia cho 9 hộ quản lý sử dụng năm 2006 là 13,11 ha (trên tài liệu cộng= 11,01ha là sai).

Trong khi xung quanh phần đất P1( theo Lâm b 1993), hoặc (Lô 1 diện tích 13,15ha- theo sơ đồ vẽ năm 2012) của ông Ng đều có đất rừng của nhiều chủ thể khác. Nhưng ông Ng chỉ kiện đòi đất về phía Tây( trong vụ án là đất ông X bà L) để đòi 5,57ha đất mà ông cho rằng đất của ông bị thiếu, là không có căn cứ.

2.2. Lâm b năm 1993 được đo vẽ thủ công. Sơ đồ vẽ năm 2012 được thực hiện bằng máy. Nhưng quan sát đường ranh giới cuối cùng về phía nam( giáp đất ông X và ông Th đang sử dụng), thì thấy thể hiện trên cả 2 sơ đồ đoạn ranh giới này cắt với ranh giới đất ông Cường tạo thành góc tù ( Tạm đánh ký hiệu góc α1; α2 ) (Xem Hình 1 và Hình 2). Và tương đối phù hợp với bản ản đồ vẽ lại 1998 và sơ đồ giao đất 1998 (Xem Hình 3 và Hình 4).

Như vậy, về chi tiết qua quan sát sơ đồ này, cả 4 sơ đồ đất ông Ng không có mâu thuẩn với nhau.

III. Kết luận: Tuy một số hồ sơ tài liệu đã bị thất lạc, nhưng theo tài liệu do ông Ng và ông X cung cấp đối chiếu với một số tài liệu liên quan cũng đủ cơ sở kết luận tòan bộ nội dung vụ án như sau:

Theo nguyên tắc giao đất, cấp GCNQSD đất thì số đo thực tế hiện trạng sử dụng đất là cơ bản. Diện tích ghi trên Lâm b 1993 không phù hợp với diện tích trên thực địa thì phải điều chỉnh. Trong vụ án này, Lâm b 1993( kể cả Lâm b xanh 1998) của ông Ng phản ánh diện tích nhiều hơn đất thực địa được giao gần 6,29ha - 6,89ha. Đó là sự ghi nhầm lẫn ( hoặc ghi sai) số liệu trên sổ sách, nhưng không xâm phạm đất trên thực địa được giao của chủ thể khác (Tức là không gây thiệt hại đến đất IA để trồng rừng của ông Ng và đất rừng thông ThIII để khai thác quản lý của ông X).

Đáng lẽ trong quá trình giải quyết khiếu nại, các cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra chặt chẽ để kịp thời phát hiện có sự sửa chữa thông tin trên Lâm b 1993, đối chiếu số liệu sai sót trên sổ sách so với thực địa, nhanh chóng thu hồi (Lâm b 1993 và Lâm b 1998), và thay thế Lâm b khác có thông tin diện tích phù hợp, thì hạn chế được việc khiếu kiện kéo dài.

*Căn cứ các chứng cứ đã phân tích trên thì thấy:

Việc giao đất cho ông Nguyễn Thế Ng là có phản ánh trạng thái đất, ranh giới đất cụ thể. Đường ranh giới giao đất giao rừng trên bản đồ, sơ đồ là có giá trị pháp lý về mặt giới hạn sử dụng đất trên thực địa. Do đó, ông Ng đòi diện tích đất ngoài đường ranh giới là không có căn cứ.

Trong quá trình thực hiện giao đất, chia đất và cấp giấy CNQSD đất khi thực hiện dự án Việt Đức, không có chứng cứ nào chứng minh việc giữa ông Ng và Cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc tách Lâm b 1993 (hay Lâm b xanh 1998) ra nhiều phần, mà trong đó có một phần được chia cho 9 hộ tham gia dự án Việt Đức, phần còn lại vẫn đang là của ông Ng. Vì thế không có căn cứ ông Ng còn đất để kiện đòi lại.

Đất rừng thông của ông X sử dụng là sự kế tiếp thay thế chủ sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất ( từ HTX Tân Hải- UBND- ông Cường- ông X và nhiều chủ thể khác) do chuyển đổi cơ chế. Chế độ pháp lý sử dụng đất rừng thông khác với chế độ pháp lý đối với đất trồng rừng theo dự án phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Ông X nộp tiền thầu rừng thông, nằm trong quy hoạch tổng thể gần 120ha rừng thông tại xã Q để khai thác nhựa, nộp tiền cho nhà nước. Ông Ng và ông X là 2 đối tượng được giao đất rừng khác nhau, theo trình tự thủ tục khác nhau. Cho nên, việc Nhà nước tiến hành cấp giấy CNQSD đất rừng thông cho ông X hoàn toàn không phụ thuộc hoạt động khiếu nại của ông Ng.

Vì thế, có cơ sở khẳng định: Lâm b năm 1993 của ông Ng đã được thay thế bằng Lâm b xanh năm 1998, và chỉ ghi nhận 19,4ha đất trống. Nhưng đất trống trên thực địa chỉ có diện tích 13,11ha, phản ánh đúng trạng thái đất để trồng rừng khi Nhà nước giao- ký hiệu IA( bụi cỏ), và đúng mục đích nhận đất để trồng rừng của ông Ng. Giấy CNQSD đất để trồng rừng dự án Việt Đức của 9 hộ đã đương nhiên thay thế toàn bộ hồ sơ Lâm b 1993 và Lâm b xanh 1998 của ông Ng. Vì thế, trên thực tế không còn tồn tại diện tích đất trống nào khác ngoài diện tích đất ông Ng đã chia cho 9 hộ, có tổng diện tích 13,11ha nói trên. Ông Ng không bị ai lấy đất chia cho ông X. Nên ông Ng đòi đất của ông X là không có căn cứ.

Đất rừng của ông X-bà L được cấp GCNQS đất tổng diện tích là 5,4013ha là theo trình tự nội dung giao đất rừng sản xuất, rừng thông lấy nhựa-Ký hiệu 2-ThIII, từ năm 1998 được xác định là Thông trên 15 năm. Diện tích 5,4013ha có Thông (ký hiệu:

2-ThIII) này không phản ánh trong Lâm b 1993 của ông Ng. Nên không có căn cứ để kết luận Nhà nước cấp GCNQS đất cho vợ chồng ông X là cấp chồng lên đất trồng rừng của ông Ng. Vì thế ông Ng yêu cầu hủy GCNQSD đất số AĐ 505452,ngày 21/02/2006 của ông X bà L là không có căn cứ.

Do đó, tất cả yêu cầu của ông Ng trong vụ án này đều không được chấp nhận.

[3] Về án phí: Yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận, nhưng nguyên đơn thuộc trường hợp được miễn tạm ứng án phí và án phí.

Bởi các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Khoản 9 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 38; khoan1, khoản 4 Điều 91; khoản 1, khoản 2 Điều 92; khoản 1 Điều 147 BLTTDS 2015. Khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/QH14.

Xử: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông Nguyễn Thế Ng, vì yêu cầu của ông Ng là không có căn cứ.

*Về án phí: Ông Nguyễn Thế Ng đã trên 60 tuổi, nên được miễn án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12 /2016 của Quốc hội.

Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, các đương sự có quyền kháng cáo lên Toà án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội. Đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

118
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất và hủy quyết định cá biệt số 08/2019/DS-ST

Số hiệu:08/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nghệ An
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 28/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;