TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 78/2022/KDTM-PT NGÀY 18/11/2022 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Ngày 18 tháng 11 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 27/2022/TLPT- KDTM ngày 14 tháng 7 năm 2022 về việc: “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ”.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 754/2022/KDTM-ST ngày 31 tháng 5 năm 2022 của Tòa án nhân dân Thành phố H bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 2184/2022/QĐ-PT ngày 03 tháng 11 năm 2022 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn L;
Căn cước công dân số 07906801xxxx do Cục trưởng Cảnh sát cấp ngày 07/4/2021;
Địa chỉ liên hệ: Số 119/23 đường 3 tháng 2, Phường 11, Quận 10, Thành phố H.
Bị đơn: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T (nay là: Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ T);
Mã số doanh nghiệp: 030242xxxx;
Địa chỉ trụ sở: 277B C, Phường 12, Quận 10, Thành phố H; Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Trần Thảo N - Tổng Giám đốc;
Người đại diện theo ủy quyền: Công ty Luật TNHH P Địa chỉ: Phòng 6 tầng 15, Tòa nhà AB, 76A Lê Lai, phường B, Quận 1, Thành phố H. (Giấy ủy quyền ngày 08/6/2022).
Người đại diện theo ủy quyền của công ty Luật TNHH P: Bà Nguyễn Thanh Th và ông Phạm Quang L (Giấy ủy quyền ngày 08/6/2022).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp:
- Ông Lê Minh P - Luật sư Công ty Luật TNHH P thuộc Đoàn luật sư Thành phố H (vắng mặt) - Bà Phan Thị C - Luật sư Công ty Luật TNHH P thuộc Đoàn luật sư Thành phố H (có mặt)
Người kháng cáo: Bị đơn Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ T.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn - ông Nguyễn Văn L trình bày:
Ông Nguyễn Văn L là tác giả, chủ sở hữu của tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian” loại hình mỹ thuật ứng dụng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cục bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 169/2013/QTG ngày 07/01/2013.
Trong dịp tết Bính Thân năm 2016, ông L phát hiện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T (sau đây gọi tắt Công ty T) sử dụng trái phép 2 cụm hình “3 em bé vui Xuân” và hình “ông Đồ viết thư pháp cùng 2 em bé” trong tác phẩm của ông L trên chương trình quảng cáo: “Lễ hội mua sắm Tết” tại hệ thống bán hàng của công ty là Siêu thị điện máy T thể hiện qua việc in ấn, xuất bản ấn phẩm chương trình “Lễ hội mua sắm Tết” đăng trên các trang quảng cáo trên báo Thanh Niên, Người Lao Động, Tuổi Trẻ...; in ấn banner quảng cáo chương trình “Lễ hội mua sắm Tết”.
Ông L đã có thư thông báo về việc vi phạm bản quyền hình ảnh đến Công ty T vào ngày 25/01/2016 và ngày 08/3/2016.
Ngày 21/3/2016 Công ty T có công văn gửi ông L thừa nhận “đã sử dụng hình ảnh tranh Tết dân gian trong chương trình khuyến mãi “Lễ hội mua sắm Tết” và không nắm được thông tin Công ty ACCEPT (do ông Nguyễn Văn L là đại diện theo pháp luật) đã đăng ký bản quyền hình ảnh. Công ty T sẽ tháo gỡ tất cả các hình ảnh liên quan trên các phương tiện truyền thông, thay thế bằng hình ảnh khác và xin rút kinh nghiệm..”.
Hành vi xâm phạm tác phẩm của Bị đơn đã gây tổn thất về thu nhập cũng uy tín trong kinh doanh của Nguyên đơn trong việc Nguyên đơn cho các đối tác thuê hình ảnh sử dụng. Do đó Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Công ty T phải bồi thường thiệt hại vật chất với số tiền 50.000.000 đồng và đăng lời xin lỗi công khai liên tiếp 3 kỳ trên 03 tờ báo giấy: Tuổi Trẻ; Thanh Niên; Người Lao Động với nội dung: “Lời xin lỗi tác giả Nguyễn Văn L: Trong dịp tết Bính Thân 2016, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T có tổ chức chương trình “Lễ hội mua sắm Tết” tại hệ thống bán hàng của công ty là Siêu thị Điện máy T đã sử dụng hình ảnh trong tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian” có số Giấy chứng nhận 169/2013/QTG (Cục Bản quyền cấp ngày 07/01/2013) của tác giả Nguyễn Văn L mà không thông qua tác giả. Nay Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T ngỏ lời xin lỗi đến tác giả vì sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Trân trọng”.
Bị đơn - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T trình bày:
Tại Văn bản số 28/07/2016/CV-TN ngày 21/7/2016 Công ty T hồi đáp thông báo về việc thụ lý vụ án gửi cho Tòa án trình bày như sau:
Công ty T - Hệ thống Trung tâm Điện Máy và Nội Thất T hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng Điện Máy, các chương trình khuyến mãi của công ty chúng tôi được diễn ra quanh năm, hình ảnh quảng cáo cho các chương trình khuyến mãi chúng tôi sử dụng những hình ảnh công khai trên mạng Internet. Trong chương trình khuyến mãi “Lễ hội mua sắm Tết” vào tháng 2/2016 vừa qua, chúng tôi có sử dụng hình ảnh tranh Tết dân gian mà chúng tôi tải từ mạng Internet về và không nắm được thông tin Công ty ACCEPT đã đăng ký bản quyền hình ảnh trên. Sau khi nhận được công văn từ phía Công ty TNHH ACCEPT về việc nhắc nhở vi phạm bản quyền hình ảnh trên, chúng tôi đã cho tháo gỡ tất cả các hình ảnh liên quan trên các phương tiện truyền thông và thay thế bằng hình ảnh khác, đồng thời cũng đã gửi công văn vào ngày 21/3/2016 cho Công ty ACCEPT để phản hồi cộng tác tháo gỡ các hình ảnh trên và cũng như nhận thấy sai sót của chúng tôi để mong nhận được sự thông cảm từ Công ty ACCEPT và sau đó chúng tôi không nhận được bất kỳ công văn nào khác của Công ty ACCEPT về việc này.
Tại Biên bản hòa giải thành ngày 18/4/2022 các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án, như sau:
Công ty T sẽ thanh toán số tiền 30.000.000 đồng cho Nguyên đơn là ông Nguyễn Văn L, để Nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện đối với Bị đơn. Thi hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày 18/4/2022 Tuy nhiên, ngày 22/4/2022 đại diện theo ủy quyền của Công ty T nộp Đơn đề ngày 19/4/2022 thay đổi ý kiến hòa giải như sau: Bị đơn chỉ đồng ý thanh toán cho Nguyên đơn số tiền 10.000.000 (mười triệu) đồng, để Nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện đối với Bị đơn. Trường hợp Nguyên đơn không đồng ý với ý kiến thay đổi của Bị đơn, thì đề nghị Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 754/2022/KDTM-ST ngày 31 tháng 5 năm 2022 của Tòa án nhân dân Thành phố H đã quyết định như sau:
Áp dụng Khoản 2 Điều 30, Điểm a Khoản 1 Điều 37, Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Điều 28, Điều 202, Điều 204 và Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Điều 306 Luật Thương mại;
Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án, (do vụ án thụ lý trước ngày Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành).
Tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn ông Nguyễn Văn L.
Buộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T (nay là Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ T) bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Văn L do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với số tiền là 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng; thi hành tại cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền, ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Buộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T phải đăng lời xin lỗi công khai liên tiếp 3 kỳ trên 03 tờ báo giấy: Tuổi Trẻ; Thanh Niên; Người Lao Động với nội dung: “Lời xin lỗi tác giả Nguyễn Văn L: Trong dịp tết Bính Thân 2016, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T có tổ chức chương trình “Lễ hội mua sắm Tết” tại hệ thống bán hàng của công ty là Siêu thị Điện máy T đã sử dụng hình ảnh trong tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian” có số Giấy chứng nhận 169/2013/QTG (Cục Bản quyền cấp ngày 07/01/2013) của tác giả Nguyễn Văn L mà không thông qua tác giả. Nay Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T ngỏ lời xin lỗi đến tác giả vì sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Trân trọng”.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, về nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 08/6/2022 bị đơn công ty Cổ phần thương mại dịch vụ T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn giữ nguyên kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn L.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày: Ông L thừa nhận rằng mình đã vẽ lại hình ảnh ông đồ dựa trên nét vẽ dân gian. Việc ông L sử dụng hình ảnh ông đồ trong dân gian để vẽ lại bức tranh không được xem là trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Như vậy, cụm hình ảnh “ông Đồ viết thư pháp cùng hai em bé” không được bảo hộ bằng quyền tác giả do không được sáng tạo trực tiếp từ chính tác giả là ông L. Tại bộ tem "Cụ đồ nhỏ" ngày 05-05-1972, trên tờ tem 50 đồng, ông đồ được miêu tả mặc khăn đóng, áo dài đen, tóc trắng, đeo kính và ngồi viết thư pháp. Hình ảnh này có nét tương tự so với hình ảnh ông đồ trong cụm hình ảnh “ông Đồ viết thư pháp cùng hai em bé" trong tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh tết dân gian" của ông L. Tuy có sự thay đổi về đường nét thể hiện hình ảnh ông đồ, nhưng những chi tiết cơ bản nhất để người xem biết được bức tranh đang miêu tả ông đồ (mặc khăn đóng, áo dài đen, tóc trắng, đeo kính và ngồi viết thư pháp) vẫn được giữ nguyên. Ngoài bộ tem này, các bức tranh ông đồ với các đặc trưng tương tự còn xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như trên các đề can, đồ trang trí, thiệp... Hình ảnh ông đồ viết thư pháp là biểu tượng thuộc về văn hóa dân gian và được lưu truyền từ rất lâu trong cộng đồng, không thể xác định được ai là tác giả. Thứ hai, ông L chưa đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho từng cụm hình ảnh riêng rẽ. Thực tế, ông L chỉ được công nhận là tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm "Hình thức thể hiện tranh tết dân gian”, loại hình: Mỹ thuật ứng dụng, đính kèm nội dung tác phẩm là tập hợp 05 cụm hình ảnh (là những biểu tượng thuộc về văn hoá dân gian được lưu truyền lâu đời) theo Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 169/2013/QTG của Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp ngày 07/01/2013. Như vậy, quyền tác giả đối với tác phẩm ở đây được xác định chính là bố cục sắp xếp, hình thức thể hiện trong một tổng thể thống nhất không thể tách rời ra theo từng bộ phận, từng cụm hình ảnh để xác định quyền tác giả. Ông L đã gộp chung cả 05 cụm hình vào trong một tác phẩm để đăng ký quyền tác giả. Từ đó có thể nhận thấy quyền tác giả của Ông L đối với từng cụm hình ảnh riêng rẽ chưa được xác lập. Thứ ba, bản thân mỗi cụm hình ảnh riêng rẽ không thể tự thân tạo nên tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh tết dân gian" của ông L. Như vậy, T không sử dụng tác phẩm và không vi phạm quyền tác giả của ông L. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử sửa Bản án sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Nguyên đơn tranh luận: Ông được Cục Bản quyền - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 169/2013/QTG ngày 07/01/2013 công nhận là tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian” trong đó có hình ảnh “3 em nhà vui Xuân” và hình ảnh “ông Đồ viết thư pháp cùng 2 em bé”. Công ty T đã sử dụng trái phép 2 cụm hình “3 em bé vui Xuân” và “ông Đồ viết thư pháp cùng hai em bé” là vi phạm bản quyền, ảnh hưởng đến thu nhập và uy tín trong kinh doanh của ông. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa phát biểu: Về tố tụng: Hội đồng xét xử và các đương sự đều thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về nội dung: Công ty T kháng cáo nhưng tại phiên tòa phúc thẩm không đưa ra được tình tiết nào mới nào làm thay đổi bản chất của vụ án chứng minh cho yêu cầu của mình là có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà; ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát:
[1] Về tố tụng:
Đơn kháng cáo của Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ T nộp trong thời hạn quy định của pháp luật nên hợp lệ.
Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án: Đây là vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Bị đơn có trụ sở tại Thành phố H, vì vậy, căn cứ Khoản 2, Điều 30; Điều 37; Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Thành phố H theo thủ tục sơ thẩm là có căn cứ Về thời hiệu khởi kiện: Căn cứ Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì đơn khởi kiện của nguyên đơn trong thời hạn quy định 02 năm (kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm); mặt khác trong quá trình giải quyết vụ án Bị đơn cũng không phản đối về thời hiệu khởi kiện của Nguyên đơn.
[2] Về nội dung:
[2.1] Xét việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại vật chất cho Nguyên đơn với mức bồi thường 50.000.000 đồng. Hội đồng xét xử nhận thấy:
Theo Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 169/2013/QTG ngày 07/01/2013 của Cục bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, thì ông Nguyễn Văn L được công nhận là tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian” trong đó có hình ảnh “3 em nhà vui Xuân” và hình ảnh “ông Đồ viết thư pháp cùng 2 em bé”.
Tết Bính Thân năm 2016, ông L phát hiện Công ty Thiên Nam Hóa sự dụng trái phép 2 cụm hình “3 em bé vui Xuân” và hình “ông Đồ viết thư pháp cùng 2 em bé” trong tác phẩm của ông L trên chương trình quảng cáo “Lễ hội mua sắm Tết” tại hệ thống bán hàng của công ty là Siêu thị điện máy T thể hiện qua việc in ấn, xuất bản ấn phẩm chương trình “Lễ hội mua sắm Tết” đăng các trang quảng cáo trên báo Thanh Niên, Người Lao Động, Tuổi Trẻ; in ấn banner quảng cáo chương trình “Lễ hội mua sắm Tết”.
Ông L đã có thư thông báo về việc vi phạm bản quyền hình ảnh đến Công ty T vào ngày 25/01/2016 và ngày 08/3/2016.
Tại Công văn 202/BQTG-QLQTG_QLQ ngày 29/7/2014 Cục bản quyền tác giả trả lời: “…Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được bảo hộ tổng thể các đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục cũng như các phần riêng biệt của tác phẩm có thể tách rời để sử dụng độc lập thì quyền tác giả được áp dụng cho tổng thể cũng như từng phần tác phẩm đó…” như vậy các phần riêng biệt thì quyền tác giả vẫn được bảo hộ theo quy định.
Ngày 21/3/2016 Công ty T có công văn thừa nhận “... đã sử dụng hình ảnh tranh tết dân gian trong chương trình khuyến mãi “Lễ hội mua sắm tết” và không nắm được thông tin Công ty ACCEPT (do ông Nguyễn Văn L là đại diện theo pháp luật) đã đăng ký bản quyền hình ảnh. Công ty T sẽ tháo gỡ tất cả các hình ảnh liên quan trên các phương tiện truyền thông, thay thế bằng hình ảnh khác và xin rút kinh nghiệm...”.
Như vậy, Công ty T đã thừa nhận có sử dụng hình ảnh tranh Tết dân gian trong chương trình khuyến mãi “Lễ hội mua sắm Tết” do không nắm được thông tin ông Nguyễn Văn L đã đăng ký bản quyền hình ảnh. Mặc dù bị đơn có cam kết sẽ tháo gỡ toàn bộ hình ảnh đã sử dụng và nhận lỗi rút kinh nghiệm, tuy nhiên bị đơn sử dụng hình ảnh mà không được phép nguyên đơn, đồng thời do nguyên đơn không chấp nhận việc nhận lỗi này, mà vẫn yêu cầu pháp luật xem xét giải quyết, vì vậy căn cứ quy định tại Khoản 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì với hành vi xâm phạm nêu trên, Bị đơn buộc phải chịu biện pháp dân sự theo quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
Xét yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn bồi thường thiệt hại vật chất với số tiền 50.000.000 đồng, Hội đồng xét xử nhận thấy: Theo quy định tại Điểm Khoản 1 Điều 204 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì thiệt hại vật chất bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh... Căn cứ quy định này, việc nguyên đơn xuất trình hợp đồng sử dụng hình bản quyền đã ký với các đối tác để làm cơ sở bồi thường là có căn cứ pháp luật theo điều luật đã viện dẫn; xét yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn bồi thường thiệt hại với mức 50.000.000 đồng là nằm trong mức bồi thường do pháp luật quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 “mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Tòa án ấn định, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng” nên Tòa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn là có cơ sở.
[2.2]. Xét việc nguyên đơn yêu cầu Công ty T công khai xin lỗi nguyên đơn trên ba kỳ liên tiếp của ba tờ báo giấy là: Bảo Thanh Niên; Người Lao Động; Tuổi Trẻ. Hội đồng xét xử xét thấy:
Căn cứ Khoản 1 Điều 123; Khoản 5 Điều 124 và Khoản 2 Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Bị đơn sử dụng hình ảnh của nguyên đơn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Căn cứ quy định tại mục 2 phần IV Chương B của Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT- TANDTC – VKSNDTC – BVHTT&DL BKH&CN – BTP ngày 03/04/2008 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ khoa học và Công nghệ và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án nhân dân, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải đăng lời xin lỗi công khai liên tiếp 3 kỳ trên 03 tờ báo giấy: Tuổi Trẻ; Thanh Niên; Người Lao Động với nội dung:
“Lời xin lỗi tác giả Nguyễn Văn L: Trong dịp tết Bính Thân 2016, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T có tổ chức chương trình “Lễ hội mua sắm Tết” tại hệ thống bán hàng của công ty là Siêu thị Điện máy T đã sử dụng hình ảnh trong tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian” có số Giấy chứng nhận 169/2013/QTG (Cục Bản quyền cấp ngày 07/01/2013) của tác giả Nguyễn Văn L mà không thông qua tác giả. Nay Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T ngỏ lời xin lỗi đến tác giả vì sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Trân trọng”.
Với các căn cứ trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố H.
[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị [4] Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên Công ty T phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định.
Bởi các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
I. Căn cứ khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự.
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T (nay là Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ T) Giữ nguyên quyết định Bản án sơ thẩm.
Áp dụng Khoản 2 Điều 30, Điểm a Khoản 1 Điều 37, Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Điều 28, Điều 202, Điều 204 và Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Điều 306 Luật Thương mại;
Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án, (do vụ án thụ lý trước ngày Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành).
Xử 1/. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn L.
a. Buộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T (nay là Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ T) bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Văn L do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với số tiền là 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng; thi hành tại cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền, ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
b. Buộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T phải đăng lời xin lỗi công khai liên tiếp 3 kỳ trên 03 tờ báo giấy: Tuổi Trẻ; Thanh Niên; Người Lao Động với nội dung:
“Lời xin lỗi tác giả Nguyễn Văn L: Trong dịp tết Bính Thân 2016, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T có tổ chức chương trình “Lễ hội mua sắm Tết” tại hệ thống bán hàng của công ty là Siêu thị Điện máy T đã sử dụng hình ảnh trong tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian” có số Giấy chứng nhận 169/2013/QTG (Cục Bản quyền cấp ngày 07/01/2013) của tác giả Nguyễn Văn L mà không thông qua tác giả. Nay Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T ngỏ lời xin lỗi đến tác giả vì sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Trân trọng”.
Thi hành ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T phải chịu toàn bộ chi phí liên quan cho việc đăng báo này.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và Nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Bị đơn chưa thanh toán số tiền trên cho Nguyên đơn, thì hàng tháng Bị đơn còn phải chịu thêm tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.
2/. Về án phí dân sự sơ thẩm:
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T (nay là Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ T) phải chịu 2.500.000 (hai triệu năm trăm ngàn) đồng;
Ông Nguyễn Văn L không phải chịu án phí, được hoàn trả lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp 1.250.000 đồng, theo Biên lai thu số AE/2011/02837 ngày 26/5/2016 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố H.
II. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty TNHH Thương mại Dich vụ T (nay là Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ T) phải chịu 2.000.000 đồng án phí phúc thẩm. Khấu trừ tiền tạm ứng án phí kháng cáo theo biên lai thu số 0002454 ngày 17/6/2022 của Cục thi hành án dân sự Thành phố H, xác nhận đã nộp đủ.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 78/2022/KDTM-PT về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ
Số hiệu: | 78/2022/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 18/11/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về