TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
BẢN ÁN 09/2024/KDTM- PT NGÀY 29/09/2024 VỀ TRANH CHẤP NGHĨA VỤ BỒI HOÀN TIỀN BẢO HIỂM
Ngày 29/9/2024, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 07/2024/TLPT- KDTM ngày 01/7/2024 về việc “Tranh chấp về nghĩa vụ bồi hoàn tiền bảo hiểm” do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2024/KDTM-ST ngày 17/5/2024 của Toà án nhân dân thị xã Việt Yên bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 204/2024/QĐ-PT ngày 30/8/2024, Quyết định hoãn phiên tòa số 05/2024/QĐ-PT ngày 12/9/2024, Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 148/2024/QĐPT-DS ngày 21/9/2024 giữa:
* Nguyên đơn: Tổng Công ty B1.
Địa chỉ trụ sở: Số G, L, phường P, quận H, Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Xuân V – Chức vụ: Tổng giám đốc (Vắng mặt).
Đại diện theo uỷ quyền:
1. Ông Âu Xuân Á - Phó Giám đốc Ban kiểm soát tuân thủ- pháp chế (Có mặt).
2. Ông Phan D - Chuyên viên Ban pháp chế và Kiểm tra nội bộ (Có mặt)
3. Ông Bùi Minh T – Phó Giám đốc Ban giám định bồi thường tài sản kỹ thuật (Vắng mặt).
4. Bà Đỗ Minh A – Chuyên viên Ban pháp chế và Kiểm tra nội bộ (Vắng mặt).
5. Ông Thân Quý H – Cán bộ Tổng Công ty B1 (Vắng mặt).
* Bị đơn: Công ty TNHH C.
Địa chỉ: Lô V - Đ (thuê nhà xưởng của Công ty CP C1) khu công nghiệp Đ, phường N, thị xã V, tỉnh Bắc Giang.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Lee Jung H1 - Chức vụ: Giám đốc. (Vắng mặt) Đại diện theo uỷ quyền: Công ty L.
Đại diện theo uỷ quyền tham gia tố tụng: Ông Trần Gia T1 (Có mặt), ông Lê Ngọc H2 (Vắng mặt) và ông Trịnh Quốc B (Có mặt).
Địa chỉ: Tầng F, tòa nhà B H, phường C, quận B, thành phố Hà Nội.
* Người có quyền lợi,nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH W.
Địa chỉ trụ sở: Lô C, KCN V, phường V, thị xã V, tỉnh Bắc Giang.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Cho Sung K – Chức vụ: Tổng giám đốc (Vắng mặt).
* Người kháng cáo: Tổng Công ty B1 là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn Tổng Công ty B1 do ông Âu Xuân Á, ông Phan D, ông Bùi Minh T, bà Đỗ Minh A, ông Thân Quý H đại diện theo ủy quyền thống nhất trình bày:
Công ty TNHH W (nay gọi tắt là Công ty W1) tham gia Hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc số 4769806 ngày 12/11/2021 tại Công ty B1 là Công ty B1 (gọi tắt là Công ty B1). Thời hạn bảo hiểm: từ 00 giờ 00 ngày 12/11/2021 đến 23 giờ 59 ngày 11/11/2022; địa điểm bảo hiểm Lô CN-10, khu công nghiệp V, huyện V (nay là thị xã V), tỉnh Bắc Giang; tổng số tiền bảo hiểm 19.580.348.000đ; phạm vi bảo hiểm: Cháy nổ và các rủi do đặc biệt. Khi thiệt hại xảy ra và thuộc trường hợp đủ điều kiện được bồi thường thì Công ty B1 sẽ bồi thường theo thoả thuận trong hợp đồng. Cụ thể: Do Công ty W1 mua bảo hiểm giá trị của tài sản là 6.878.000.000đ (tài sản bảo hiểm nhà xưởng B và Nhà văn phòng)/giá trị tài sản 10.310.297.908đ. Nếu thiệt hại xảy ra thì Công ty W1 được Công ty B1 bồi thường theo tỉ lệ mua bảo hiểm tài sản sau khi trừ đi giá trị thu hồi, giá trị thanh lý phế liệu và mức khấu trừ theo thoả thuận trong hợp đồng là 10% (tối thiểu 20.000.000đ).
Ngày 10/02/2021 Công ty W1 và Công ty TNHH C (viết tắt là Công ty C) ký hợp đồng thuê xưởng. Theo hợp đồng, Công ty W1 cho Công ty C thuê nhà xưởng tại địa điểm được bảo hiểm là 2.400m2 nằm trên diện tích đất 10.000m2 thuộc chủ quyền của Công ty W1 tại một phần Lô CN-10 thuộc KCN V, xã V (nay là phường V), huyện V (nay là thị xã V) để sản xuất khung xương điện thoại. Sau khi thuê được nhà xưởng, Công ty C tiến hành chia nhà xưởng thành hai bộ phận gồm phần phía trước và phần phía sau. Trong đó bộ phận sản xuất phía trước có nhiệm vụ đục các chi tiết trên khung điện thoại và khu văn phòng làm việc chung cho cả xưởng, bộ phận sản xuất phía sau có nhiệm vụ mài tạo khung điện thoại. Quá trình sản xuất, bộ phận sản xuất phía trước được bố trí làm hai ca (ca ngày và ca đêm), bộ phận sản xuất phía sau được bố trí làm một ca là ca ngày. Hai bộ phận sản xuất được ngăn cách với nhau bởi vách ngăn.
Khoảng 22 giờ 00 phút ngày 20/01/2022, công nhân làm ca đêm tại bộ phận sản xuất phía trước của xưởng phát hiện có lửa bốc ra từ bộ phận sản xuất phía sau qua vách ngăn. Tuy nhiên, do lửa cháy to Công ty đã báo Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh B đến hiện trường tiến hành chữa cháy. Đến khoảng 03 giờ 00 phút ngày 21/01/2022 thì đã dập được lửa. Sau khi vụ cháy được dập tắt, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V (nay là thị xã V) tiến hành khám nghiệm hiện trường và tổ chức xác minh theo quy định của pháp luật.
Tại Kết luận giám định số 44/TB-ĐTTH ngày 17/02/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V (nay là thị xã V) kết luận:
“Điểm xuất phát cháy nằm ở khu vực giáp tường phía Bắc, cách tường phía Đông khoảng 20m bên nhà xưởng của Công ty W1 do Công ty C thuê lại để sản xuất, có địa chỉ tại Khu công nghiệp V, huyện V, tỉnh Bắc Giang.
Nguyên nhân cháy: Do chập mạch điện trên đường dây điện làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy nói trên.
Trong các mẫu vật cần giám định đều không tìm thấy dấu vết của xăng, dầu hay dung môi gây cháy.” Tại Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm số 39/TB-ĐTTH ngày 08/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V (nay là thị xã V) kết luận: “… Quá trình điều tra đến nay xác định việc chập điện gây cháy như ở trên không do tác động của con người. Do vậy, trong vụ việc này không có sự việc phạm tội xảy ra”.
Ngày 28/9/2022 giữa Công ty C, Công ty W1 và Công ty B1 đã cùng nhau thoả thuận về việc trách nhiệm của các bên trong vụ cháy (đã được lập Vi bằng số 76/2022/VB-TPLHK ngày 28/09/2022 của Văn phòng T2 – địa chỉ B Y, H, Hà Nội) Căn cứ theo hồ sơ vụ việc, ngày 05/10/2022 Công ty B1 đã bồi thường cho Công ty W1 tổng số tiền là 2.714.519.475 VNĐ (Bằng chữ: Hai tỷ, bảy trăm mười bốn triệu, năm trăm mười chín nghìn, bốn trăm bảy mươi lăm đồng).
Cùng ngày 05/10/2022, Công ty W1 sau khi nhận tiền bồi thường đã có văn bản chuyển giao quyền và thông báo chuyển giao quyền yêu cầu gửi Tổng Công ty B1 với nội dung xác nhận đã nhận đủ số tiền bồi thường và chuyển quyền đòi bồi thường đối với người gây ra thiệt hại nêu trên cho Công ty B1 bằng số tiền thực tế đã nhận bồi thường.
Ngày 15/12/2022, Công ty C và Công ty W1 đã ký kết thêm một Biên bản thỏa thuận lại về việc bồi thường thiệt hại phát sinh do vụ cháy. Công ty C sẽ hỗ trợ Công ty W1 với số tiền sau khi các bên thỏa thuận lại là: 2.700.000.000 đồng.
Công ty B1 căn cứ vào Thông báo kết luận giám định số 44/TB- ĐTTH ngày 17/02/2022 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện V (nay là thị xã V) xác định nguyên nhân cháy là do chập mạnh điện trên đường dây dẫn điện của Công ty C gây cháy lan gây hư hỏng nhà xưởng; căn cứ quy định vào Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; căn cứ vào điểm 4.2.2 hợp đồng nguyên tắc thuê nhà xưởng số 10022021/HĐ/WS/CVVINA quy định “Trên cơ sở hiện trạng của nhà xưởng và bất cứ cải thiện nào như lắp đặt vách ngăn, hệ thông đèn, dây diện và thiết bị do bên B (Công ty C) thực hiện là trách nhiệm duy nhất của bên B trong thời gian thuê”; Căn cứ quy định tại điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000; căn cứ thông báo chuyển giao quyền yêu cầu của Công ty W1 cho Công ty B1, Công ty B1 với tư cách được thế quyền bởi Công ty W1, có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án:
Buộc Công ty C phải bồi hoàn cho Công ty B1 số tiền là 3.114.157.064đ. Trong đó:
+ Số tiền giá trị thiệt hại trong vụ việc mà Công ty B1 chi trả cho Công ty W1 là 2.714.519.475đ.
+ Tiền lãi chậm trả tính từ ngày 05/12/2022 đến ngày 17/5/2024 là 399.637.589đ.
Bị đơn Công ty C do ông Trịnh Quốc B đại diện theo uỷ quyền trình bày:
Công ty C không đồng ý bồi thường cho Công ty B1 với lý do: Căn cứ quy định tại Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì Công ty C không có lỗi nên không phải bồi thường.
Công ty B1 cho rằng thiệt hại do nguồn nguy hiểu cao độ gây ra và Công ty C là chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ nên phải bồi thường. Tuy nhiên, theo quy định khoản 3 Điều 601 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp bất khả kháng thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tại Kết luận giám định số 44/TB-ĐTTH ngày 17/02/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V (nay là thị xã V) kết luận:
“- Điểm xuất phát cháy nằm ở khu vực giáp tường phía Bắc, cách tường phía Đông khoảng 20m bên nhà xưởng của Công ty W1 do Công ty C thuê lại để sản xuất, có địa chỉ tại Khu công nghiệp V, huyện V, tỉnh Bắc Giang.
- Nguyên nhân cháy: Do chập mạch điện trên đường dây điện làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy nói trên.
- Trong các mẫu vật cần giám định đều không tìm thấy dấu vết của xăng, dầu hay dung môi gây cháy.” Tại Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm số 39/TB-ĐTTH ngày 08/03/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V (nay là thị xã V) kết luận rằng: “Quá trình điều tra đến nay xác định việc chập điện gây cháy như ở trên không do tác động của con người. Do vậy, trong vụ việc này không có sự việc phạm tội xảy ra”.
Căn cứ vào các kết luận nêu trên thì vụ cháy xảy ra tại nhà xưởng Công ty C vào ngày 20/01/2022 hoàn toàn xảy ra một cách khách quan, không hề có sự tác động của con người và không thể lường trước được. Trong quá trình hoạt động, Công ty C luôn lập hồ sơ quản lý công tác phòng cháy chữa cháy và được Phòng Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh B kiểm tra thực tế các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy đảm bảo quy định.
Vụ cháy không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Khi phát hiện đám cháy, Công ty C đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép như báo cháy, tìm cách dập lửa bằng các thiết bị chuyên dụng như nước, bình chữa cháy và gọi điện thoại ngay lập tức cho Phòng C2 và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh B nhưng không thể dập được đám cháy.
Theo Kkoản 1 Điều 365 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chuyển giao quyền yêu cầu: “Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận…”. Như vậy, việc chuyển quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ chỉ có thể được xác lập khi một bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ và quyết định chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền. Trong vụ án này, do Công ty W1 không có quyền yêu cầu Công ty C thực hiện việc bồi thường thiệt hại phát sinh do vụ cháy, nên Công ty W1 không thể nào thực hiện việc chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn này cho Bảo hiểm B1.
Sau khi ký thoả thuận ngày 28/9/2022 (đã được lập Vi bằng số 76/2022/VB- TPLHK ngày 28/09/2022 của Văn phòng T2, địa chỉ: Số B Y, quận H, Hà Nội), Công ty C nhận thấy mình không có lỗi nên không đồng ý bồi hoàn.
Tại Đơn khởi kiện, Bảo hiểm B1 đang căn cứ vào nội dung Biên bản thỏa thuận ngày 28/09/2022 giữa Công ty C và Công ty W1 để yêu cầu Công ty C bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trên thực tế, vào ngày 15/12/2022, Công ty C và Công ty W1 đã ký kết thêm một Biên bản thỏa thuận lại về việc bồi thường thiệt hại phát sinh do vụ cháy.
Cụ thể, mặc dù theo quy định pháp luật, Công ty C không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do vụ cháy cho Công ty W1, nhưng trên tinh thần thiện chí và tôn trọng quá trình hợp tác lâu dài giữa hai bên, Công ty C vẫn đồng ý ký kết Biên bản thỏa thuận ngày 15/12/2022 với nội dung Công ty C sẽ hỗ trợ Công ty W1 với số tiền sau khi các bên thỏa thuận lại là: 2.700.000.000đ.
Đồng thời, tại Điều 4 Biên bản thỏa thuận ngày 15/12/2022, Công ty W1 cũng đã cam kết sau khi đã nhận đủ số tiền hỗ trợ tổn thất do cháy nổ nhà xưởng của Công ty C, Công ty C được mặc nhiên miễn trừ mọi trách nhiệm đối với Công ty W1, bao gồm và không giới hạn miễn trừ mọi trách nhiệm liên quan đến các yêu cầu tiếp tục bồi thường thiệt hại, khởi kiện, khiếu nại, hành vi tố tụng và hoặc vụ kiện có thể xảy ra liên quan đến tổn thất cháy nêu trên, không thắc mắc, khiếu kiện trách nhiệm Công ty C ra cơ quan pháp luật.
Ngoài ra, tại Bản án số 07/2023/KDTM-ST ngày 14/09/2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng gia công” của TAND huyện Việt Yên (nay là thị xã V) giữa Công ty TNHH E và Công ty C xác định “Việc Công ty C bị cháy xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được. Mặc dù Công ty C đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không thể khắc phục được. Căn cứ Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Điều 156 của Bộ luật Dân sự, Hội đồng xét xử xác định Công ty C bị cháy là sự kiện bất khả kháng”.
Như vậy, thỏa thuận bồi thường thiệt hại giữa Công ty C và Công ty W1 tại Biên bản thỏa thuận ngày 28/09/2022 đã bị thay thế bởi Biên bản thỏa thuận ngày 15/12/2022. Công ty C cũng đã chi trả toàn bộ số tiền 2.700.000.000 cho Công ty W1 theo Biên bản thỏa thuận ngày 15/12/2022. Do đó, việc chi trả số tiền hỗ trợ liên quan đến các thiệt hại phát sinh do vụ cháy giữa Công ty C và Công ty W1 đã hoàn tất, Công ty W1 đã cam kết sẽ không có bất kỳ khiếu kiện nào đối với Công ty C. Việc Bảo hiểm B1 khởi kiện Công ty C yêu cầu bồi hoàn số tiền bảo hiểm đã chi trả cho Công ty W1 là hoàn toàn không có căn cứ.
Người có quyền lợi,nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH W đã được tống đạt các văn bản tố tụng nhưng người đại diện của Công ty không đến Tòa án làm việc, không tham gia phiên tòa và không cung cấp tài liệu chứng cứ.
* Với nội dung trên, bản án KDTM sơ thẩm số 05/2024/KDTM- ST ngày 17/5/2024 của Toà án nhân dân thị xã Việt Yên đã quyết định:
Căn cứ khoản 1 Điều 30; Điểm a khoản 1 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 227; Điều 228; Điều 271; Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự.
Căn cứ Khoản 1 Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Căn cứ Điều 584 và khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự.
Căn cứ Nghị quyết số 02/2022/NQ- HĐTP ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Căn cứ Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
Xử:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về yêu cầu buộc Công ty TNHH C bồi hoàn cho Tổng Công ty B1 số tiền là 3.114.157.064 đồng (Ba tỷ một trăm mười bốn triệu một trăm năm mươi bẩy nghìn không trăm sáu mươi bốn đồng). Trong đó:
+ Số tiền giá trị thiệt hại trong vụ việc mà Tổng Công ty B1 chi trả cho Công ty W1 là 2.714.519.475đ.
+ Tiền lãi chậm trả tính từ ngày 05/12/2022 đến ngày 17/5/2024 là 399.637.589đ.
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo, quyền kháng cáo cho các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm: Ngày 23/5/2024, nguyên đơn là Công ty B1 nộp đơn kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Biên bản ngày 15/12/2022 chỉ là sự thỏa thuận của Công ty W1 và Công ty C, không được sự đồng ý của người có quyền là Công ty B1 nên thỏa thuận này không có hiệu lực. Hội đồng xét xử sơ thẩm khi xét xử vụ án đã căn cứ vào Bản án số 07/2023/KDTM-ST ngày 14/09/2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng gia công” của TAND huyện Việt Yên (nay là thị xã V) chưa có hiệu lực pháp luật để giải quyết vụ án là không đảm bảo.
Hiện tại, bản án này cũng đã bị Tòa án nhân dân tỉnh sửa ngược. Tại Bản án số 02/2024/KDTM-PT ngày 22/4/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã xác định Công ty C có lỗi trong vụ cháy ngày 20/01/2022. Nguyên đơn giữ nguyên các quan điểm đã trình bày, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm theo hướng chấp buộc bị đơn phải bồi hoàn cho nguyên đơn số tiền 2.714.519.475đ và tiền lãi chậm trả của số tiền này kể từ ngày 05/12/2022 đến ngày 17/5/2024.
Đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày: Bị đơn không đồng ý với kháng cáo của nguyên đơn. Sự kiện cháy ngày 20/01/2022 là do sự kiện bất khả kháng, Công ty C không có lỗi. Mặt khác thì Công ty W1 và Công ty C đã lập văn bản thỏa thuận miễn trừ mọi trách nhiệm liên quan đến vụ cháy nổ. Phía Công ty B1 không đủ điều kiện đòi Công ty C bồi hoàn số tiền này. Lý do vì sao trước đây Công ty C đồng ý bồi hoàn thì đại diện theo ủy quyền của bị đơn không nắm được.
Đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:
- Về tố tụng: Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang, nguyên đơn và bị đơn đã chấp hành đầy đủ các trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng dân sự. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chấp hành không đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự, chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; buộc bị đơn phải trả nguyên đơn số tiền 2.714.519.475đ và tiền lãi chậm trả của số tiền này kể từ ngày 05/12/2022 đến ngày xét xử sơ thẩm.
Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.
Kiến nghị khắc phục vi phạm: Không có.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty W1 đã được Toà án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên tòa mở lần thứ hai. Tòa án xét xử vắng mặt đương sự này là đảm bảo quy định tại Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về quan hệ pháp luật: Công ty B1 yêu cầu Công ty C bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà Bảo V1 đã chi trả cho Công ty W1 và lãi chậm trả của số tiền này theo quy định tại Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Do đó, quan hệ pháp luật trong vụ án này cần được xác định đầy đủ là “Tranh chấp về nghĩa vụ bồi hoàn tiền bảo hiểm” theo quy định tại khoản 5 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[3] Xét kháng cáo của nguyên đơn - Công ty B1, Hội đồng xét xử thấy:
[4] Về nguyên nhân xảy ra sự kiện bảo hiểm: Tại Kết luận giám định số 600/ C09- P2 ngày 14 tháng 02 năm 2022 của V2 Bộ C3 và Thông báo số 44/TB- ĐTTH ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Công an huyện V (nay là Công an thị xã V): “ Điểm xuất phát cháy nằm ở khu vực giáp tường phía Bắc, cách tường phía Đông khoảng 20m bên nhà xưởng của Công ty TNHH W do Công ty TNHH C thuê lại để sản xuất, có địa chỉ tại khu công nghiệp V, huyện V, tỉnh Bắc Giang. Nguyên nhân cháy: Do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy nói trên. Trong các mẫu vật cần giám định đều không tìm thấy dấu vết của xăng, dầu hay dung môi gây cháy”. Như vậy, nguyên nhân xảy ra vụ cháy là do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện của Công ty C, làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó lan ra xung quanh dẫn tới cháy nhà xưởng của Công ty C thuê của Công ty W1.
[5] Về trách nhiệm bảo quản, vận hành, sử dụng đường dây dẫn điện phục vụ hoạt động sản xuất và nhà máy C4 đang hoạt động bị cháy của Công ty C: Đường dây dẫn điện là bộ phận không tách rời của nhà máy đang sản xuất của Công ty C. Theo hợp đồng thuê nhà xưởng giữa Công ty C với Công ty W1, cần xác định Công ty C là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nhà máy công nghiệp đang hoạt động này. Do đó, Công ty C phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của Công ty B2 đối với nhà xưởng mình quản lý, sử dụng.
[6] Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm...hệ thống tải điện, nhà máy C4 đang hoạt động....Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng qui định pháp luật.... Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.” Công ty C là bên lắp đặt hệ thống điện tại là xưởng; là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nhà máy C4 (bao gồm cả hệ thống đường dây dẫn điện) đang hoạt động là nguồn nguy hiểm cao độ nên Công ty C có trách nhiệm bảo quản, vận hành, sử dụng, nhà máy công nghiệp đang hoạt động đảm bảo an toàn theo đúng quy định pháp luật. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này Công ty C phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật không được để xảy ra cháy do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện. Tuy nhiên do Công ty C đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo quản, vận hành, sử dụng đường dây dẫn điện phục vụ hoạt động sản xuất và nhà máy C4 đang hoạt động của dẫn tới không đảm bảo an toàn khi vận hành, sử dụng nhà máy công nghiệp đang hoạt động, thực tế vụ cháy đã xảy ra do cháy lớp vỏ cách điện.
[7] Về xác định lỗi để xảy ra vụ cháy: Theo kết luận của cơ quan chuyên môn, việc chập mạch điện làm cháy đường dây dẫn điện trong trường hợp này không có tác động chủ quan của con người, không có dấu hiệu tội phạm không đồng nghĩa người chiếm hữu, sử dụng đường dây dẫn điện bị chập cháy không có lỗi trong việc để xảy ra chập cháy đường dây dẫn điện này. Đây không được coi là trường hợp bất khả kháng do chủ sở hữu, sử dụng – Công ty C hoàn toàn có thể lường trước và buộc phải biết được nguy cơ chập cháy đường dây dẫn điện có thể xảy ra bất cứ khi nào nên pháp luật quy định buộc chủ sở hữu, sử dụng - Công ty C có trách nhiệm phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình vận hành, sử dụng. Vụ cháy xảy ra do Công ty C đã chủ quan, không tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn của hệ thống đường dây dẫn điện có thể do lượng điện tiêu thụ quá lớn khi vận hàng nhà máy công nghiệp so với tải trọng thiết kế của đường dây hoặc do bản thân đường dây dẫn điện không đảm bảo an toàn mà không được sửa chữa thay thế kịp thời dẫn đến chập mạch điện trên đường dây tải điện làm cháy lan sang xung quanh gây cháy nhà xưởng, máy móc, thiết bị, hàng hoá. Hội đồng xét xử sơ thẩm đã căn cứ vào bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 07/2023/KDTM-ST ngày 14/09/2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng gia công” của TAND huyện Việt Yên (nay là thị xã V) giữa Công ty TNHH E và Công ty C (bản án này lúc đó đang bị kháng cáo) làm căn cứ giải quyết vụ án, nhận định việc Công ty C bị cháy xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được. Mặc dù Công ty C đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không thể khắc phục được; xác định Công ty C bị cháy là sự kiện bất khả kháng là không đảm bảo cơ sở pháp lý. Tại bản án KDTM phúc thẩm số 02/2024/KDTM- PT ngày 22/4/2024 về việc “Tranh chấp hợp đồng gia công và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa Công ty TNHH E và Công ty C của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã nhận định và đánh giá lại về nguyên nhân xảy ra vụ cháy ngày 20/01/2022 tại nhà xưởng của Công ty C thuê của Công ty W1. Bản án có hiệu lực này đã xác định rõ“Công ty C có lỗi hoàn toàn trong việc để cháy nhà máy công nghiệp đang hoạt động thuộc quyền sở hữu, sử dụng của mình gây thiệt hại đến tài sản thuộc quyền sở hữu của Công ty E”. Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định Công ty C có lỗi hoàn toàn trong việc để xảy ra vụ cháy nhà xưởng thuê của Công ty W1 ngày 20/01/2022.
[8] Về trách nhiệm bồi hoàn: Trong trường hợp này, xác định Công ty C là người thứ ba có lỗi trong việc xảy ra sự kiện bảo hiểm là vụ cháy ngày 20/01/2022 dẫn đến thiệt hại của Công ty W1. Ngày 05/10/2022 Công ty B1 đã bồi thường cho Công ty W1 tổng số tiền là 2.714.519.475 VNĐ theo Hợp đồng bảo hiểm hai bên đã ký kết. Công ty B1 yêu cầu Công ty C bồi hoàn lại số tiền mà Công ty B1 đã chi trả bồi thường cho Công ty W1 liên quan đến vụ cháy ngày 20/01/2022 là phù hợp với Văn bản chuyển giao quyền và thông báo chuyển giao quyền yêu cầu của Công ty W1 cho Công ty B1 và quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị quyết số 02/2022/NQ- HĐTP ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000; khoản 2 Điều 365 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[9] Về số tiền bồi hoàn: Căn cứ văn bản thoả thuận ngày 28/9/2022 giữa Công ty C, Công ty W1 và Công ty B1 (đã được lập Vi bằng số 76/2022/VB-TPLHK ngày 28/09/2022 của Văn phòng T2, địa chỉ: số B Y, quận H, Hà Nội) ghi nhận: “Căn cứ vào hồ sơ kết luận nguyên nhân vụ cháy từ phía Cơ quan chức năng, các bên xác định Bên A – Công ty C là bên có lỗi gây ra vụ cháy ngày 20/01/2022 nêu trên. Bên A (Công ty C) cam kết trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu bồi hoàn của Tổng Công ty B1, Bên A sẽ: Thực hiện thanh toán bồi hoàn toàn bộ số tiền Tổng Công ty B1 đã thanh toán bồi thường cho Bên B là 2.714.519.475 VNĐ”. Theo văn bản này, các bên đã thống nhất xác định thiệt hại của Công ty W1 là 2.714.519.475đ. Công ty B1 đã thực hiện việc bồi thường cho Công ty W1 tổng số tiền là 2.714.519.475đ theo Hợp đồng bảo hiểm. Theo nhận định tại phần [7], Công ty B1 được quyền yêu cầu Công ty C bồi hoàn lại số tiền 2.714.519.475đ mà Công ty B1 đã chi trả bồi thường Công ty W1 do Công ty C có lỗi dẫn đến vụ cháy. Đại diện theo ủy quyền của Công ty C cho rằng chưa đủ căn cứ xác định thiệt hại của Công ty W1 là 2.714.519.475 đồng, Công ty B1 không có quyền đòi tiền bồi hoàn đối với Công ty C là không có cơ sở chấp nhận.
[10] Về số tiền lãi chậm trả: Tại Văn bản thỏa thuận ngày 28/9/2022, Công ty C cam kết trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu bồi hoàn của Tổng Công ty B1, Công ty C sẽ thực hiện thanh toán bồi hoàn toàn bộ số tiền 2.714.519.475đ cho Tổng Công ty B1 đã thanh toán bồi thường cho Công ty W1. Ngày 04/11/2022, Công ty B1 đã gửi Văn bản số 5111/BHBV-GĐBTTSKT yêu cầu Công ty C thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Căn cứ theo vận đơn số BTTSKT4112258 của Viettel Post, Công ty C đã nhận được văn bản trên vào ngày 05/11/2022. Do đó, thời điểm Công ty C phải thực hiện trả tiền theo cam kết là ngày 05/12/2022. Tuy nhiên Công ty C không thực hiện. Công ty B1 yêu cầu Công ty C phải chịu lãi chậm trả của số tiền 2.714.519.475đ theo lãi suất 10%/năm (tức 0,833%/tháng, từ ngày 05/12/2022 đến ngày xét xử sơ thẩm (tương đương 1 năm 5 tháng 12 ngày) là phù hợp với quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 nên cần được chấp nhận. Số tiền lãi chậm trả mà Công ty C phải thanh toán cho Công ty B1 là: 2.714.519.475đ x 10% x 1 năm + 2.714.519.475đ x 0,833% x 5 tháng + 2.714.519.475đ x 0,027% x 12 ngày = 271.451.947đ + 113.059.735đ + 8.795.040đ = 393.306.723đ [11] Từ những phân tích trên, nhận thấy Hội đồng xét xử sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn không xuất trình thêm được tài liệu, chứng cứ nào khác. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm cần áp dụng Điều 308 và Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự, chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn Công ty C thanh toán cho Công ty B1 số tiền là 3.107.826.198đ bao gồm 2.714.519.475đ mà Công ty B1 đã chi trả cho Công ty W1 và 393.306.723đ tiền lãi chậm trả tính từ ngày 05/12/2022 đến ngày xét xử sơ thẩm.
[12] Về án phí kinh doanh thương mại: Căn cứ Điều 147, Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
+ Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn tổng số tiền 3.107.826.198đ nên bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 94.156.524đ. Nguyên đơn được chấp nhận yêu cầu khởi kiện nên không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Hoàn trả Tổng Công ty B1 số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp 45.182.000đ theo biên lai thu số 0007139 ngày 06/10/2023 tại Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
+ Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Kháng cáo của nguyên đơn được chấp nhận nên nguyên đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Hoàn trả nguyên đơn số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là Tổng công ty B1, sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2023/KDTM- ST ngày 17/5/2024 của Toà án nhân dân thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Căn cứ khoản 5 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ Khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000; khoản 1 và khoản 2 Điều 601, Điều 365, Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015;
Căn cứ Điều 26 và Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty B1.
Buộc Công ty TNHH C bồi hoàn cho Tổng Công ty B1 số tiền là 3.107.826.198đ (Ba tỷ một trăm linh bảy triệu tám trăm hai mươi sáu nghìn một trăm chín mươi tám đồng). Trong đó: Số tiền giá trị thiệt hại trong vụ việc mà Tổng Công ty B1 đã chi trả cho Công ty TNHH W là 2.714.519.475đ (Hai tỷ bảy trăm mười bốn triệu năm trăm mười chín nghìn, bốn trăm bảy mươi lăm đồng); tiền lãi chậm trả tính từ ngày 05/12/2022 đến ngày xét xử sơ thẩm (17/5/2024) là 393.306.723đ (Ba trăm chín mươi ba triệu ba trăm linh sáu nghìn bảy trăm hai mươi ba đồng).
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi xuất quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
Công ty TNHH C phải chịu 94.156.524đ (Chín mươi tư triệu một trăm năm mươi sáu nghìn năm trăm hai mươi tư đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Tổng Công ty B1 không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Hoàn trả Tổng Công ty B1 số tiền tạm ứng án phí 45.182.000đ (Bốn mươi lăm triệu một trăm tám mươi hai nghìn đồng) theo Biên lai thu số 0007139 ngày 06/10/2023 tại Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
3. Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Tổng Công ty B1 không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Hoàn trả Tổng Công ty B1 số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 2.000.000đ (Hai triệu đồng) đã nộp theo Biên lai thu số 0003486 ngày 10/6/2024 tại Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2- Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6; 7, 7a, 7b và 9 - Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 - Luật thi hành án dân sự.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp nghĩa vụ bồi hoàn tiền bảo hiểm số 09/2024/KDTM-PT
Số hiệu: | 09/2024/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Giang |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 29/09/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về