Bản án về tranh chấp ly hôn, nuôi con chung số 28/2022/HNGĐ-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN C, TỈNH L

BẢN ÁN 28/2022/HNGĐ-ST NGÀY 28/04/2022 VỀ TRANH CHẤP LY HÔN, NUÔI CON CHUNG

Ngày 28 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện C xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 300/2021/TLST-HNGĐ ngày 12 tháng 11 năm 2021 về Tranh chấp ly hôn, nuôi con chung theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 19/2022/QĐXXST- HNGĐ ngày 14 tháng 3 năm 2022 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị Phương L1, sinh năm: 1999; Địa chỉ: Tổ 6, ấp H2, xã L3, huyện C, tỉnh L, có mặt.

2. Bị đơn: Anh D Nguyễn Thanh L2, sinh năm: 1993; Địa chỉ: Ấp 1B, xã T, huyện C, tỉnh L, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo lời trình bày của nguyên đơn chị Nguyễn Thị Phương L1 cùng các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nội dung vụ án như sau:

Vào giữa tháng 8/2019, chị L1 có tìm hiểu và phát sinh tình cảm với anh L2, sau đó chị và anh L2 bắt đầu sống chung với nhau nhưng không tổ chức đám cưới. Đến ngày 19/11/2020, chị L1 và anh L2 đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã T, huyện C, tỉnh L và được cấp giấy chứng nhận kết hôn số 83/2020 ngày 19/11/2020. Do vợ chồng chị L1 chỉ quen biết nhau một thời gian ngắn, chưa có đủ thời gian tìm hiểu kỹ về nhau nên khi về chung sống anh L2 đã có hành vi bạo hành đối với chị L1 nhiều lần. Khi chị L1 đang mang thai tháng thứ 4 anh L2 có đánh đập chửi mắng chị L1. Chị L1 cố gắng chịu đựng nhưng anh L2 càng ngày hung hăng hơn, mỗi lần anh L2 đi uống rượu về là kiếm chuyện chửi mắng đánh đập chị L1. Khi chị L1 mang thai tháng thứ 8, anh L2 tiếp tục đánh đập chị L1 và kêu chị L1 về bên cha mẹ ruột ở. Vì vậy, chị L1 đã về nhà cha mẹ ruột ở từ tháng 10/2020 cho đến nay. Trong thời gian chị L1 và anh L2 sống ly thân, anh L2 nhiều lần đến gia đình cha mẹ ruột của chị L1 để kiếm chuyện gây gỗ với chị L1. Chị L1 nhận thấy không còn tình cảm vợ chồng với anh L2 nên chị L1 yêu cầu được ly hôn với anh L2.

Về nuôi dưỡng con chung: Vợ chồng có 01 người con chung tên D Nguyễn Ánh D, sinh ngày 18/12/2020. Khi chị L1 sinh con thì chị và anh L2 không còn sống chung nữa. Khi sinh cháu D, thì cháu D do chị L1 trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng, cùng ở bên gia đình cha mẹ ruột chị L1. Tại phiên tòa, chị L1 trình bày quá trình nuôi dưỡng cháu D trong thời gian vợ chồng sống ly thân thì giữa chị L1 và anh L2 có thỏa thuận là hai người sẽ luân phiên nuôi dưỡng cháu D, mỗi người nuôi dưỡng 02 tuần. Chị L1 và anh L2 đã thực hiện theo thỏa thuận này được một thời gian. Đến tháng 6/2021, lúc này cháu D đang do anh L2 nuôi dưỡng, thì Nhà nước áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid -19, chị L1 không đến rước cháu D được cho đến khi Nhà nước dừng việc áp dụng giãn cách xã hội thì chị L1 đến nhà anh L2 để rước cháu D về bên chị L1 nuôi dưỡng. Đến vào khoảng tháng 11/2021, chị L1 bị nhiễm bệnh Covid -19 phải cách ly y tế, nên anh L2 đến rước cháu D về bên gia đình anh L2 chăm sóc, từ đó cho đến nay, anh L2 không cho chị L1 đưa cháu D về lại bên gia đình chị L1. Khi chị L1 đến thăm con thì anh L2 cản trở và có hành vi hành hung đối với chị L1. Khi ly hôn, chị L1 yêu cầu được nuôi dưỡng cháu D, không yêu cầu anh L2 cấp dưỡng nuôi con. Hiện nay, chị L1 đang làm công việc bán hàng online tại nhà, thu nhập trung bình là 10.000.000 đồng/tháng. Chị L1 không yêu cầu anh L2 cấp dưỡng nuôi con. Khi chị L1 bận bán hàng hoặc giao hàng thì mẹ chị L1 phụ chị chăm sóc cháu D.

Về tài sản chung: Không có; nợ chung: Không có.

Tại phiên tòa bị đơn anh D Nguyễn Thanh L2 trình bày như sau: Anh L2 thống nhất với lời trình bày của chị L1 về thời gian kết hôn, về con chung, tài sản chung, nợ chung. Về nguyên nhân mâu thuẫn, theo anh L2, khi vợ chồng anh chưa sống ly thân, chị L1 có dẫn bạn về nhà chơi, lúc này bạn chị L1 có những lời lẽ không hay về anh L2 với chị L1. Anh L2 biết được nên giữa anh L2 và chị L1 cãi nhau, trong lúc cãi nhau, anh L2 có đánh chị L1. Sau đó, chị L1 bỏ về bên cha mẹ ruột ở cho đến nay. Với yêu cầu khởi kiện ly hôn của chị L1, anh L2 không đồng ý ly hôn, nhưng anh L2 không đưa ra được phương án khắc phục mâu thuẫn hôn nhân giữa vợ chồng anh. Anh L2 cho rằng con chung còn quá nhỏ nên không muốn ly hôn để vợ chồng cùng chăm sóc cho con.

Về nuôi dưỡng con chung: anh L2 cũng thống nhất với lời trình bày của chị L1 về việc vợ chồng anh chị thỏa thuận luân phiên nuôi dưỡng cháu Ánh D và vợ chồng anh chị cũng đã thực hiện thỏa thuận này được một thời gian. Tuy nhiên, theo anh L2, chị L1 chăm sóc cháu D không tốt. Khi chị L1 bị nhiễm bệnh Covid -19 thì anh L2 rước cháu D về nuôi dưỡng cho đến nay. Anh L2 xác định trong thời gian anh nuôi dưỡng cháu D, anh L2 không cho chị L1 đến thăm cháu D vì anh L2 được biết chị L1 có quan hệ tình cảm với người khác trong khi vợ chồng anh chưa làm thủ tục ly hôn. Trong trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ chồng anh ly hôn, anh L2 cũng có yêu cầu được nuôi dưỡng cháu D. Anh L2 cho rằng chị L1 không đủ điều kiện nuôi con. Hiện nay, anh L2 đang làm công nhân tại Công ty L2 Thủy tại Ấp 2, xã T, huyện C, tỉnh L, thu nhập trung bình của anh là 10.500.000 đồng/tháng. Trong thời gian anh L2 đi làm thì cha mẹ anh L2 phụ chăm sóc bé D. Anh L2 không yêu cầu chị L1 cấp dưỡng nuôi con.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 15/4/2022, ông Dương Minh Đ1, bà Nguyễn Ngọc G trình bày như sau: Ông Đ, bà G là cha mẹ ruột của anh L2. Theo ông, bà được biết vào khoảng tháng 02/2021 âm lịch, chị L1 đưa bạn về nhà chơi, lúc này bạn chị L1 có lời lẽ không hay về anh L2 thì anh L2 và chị L1 có cãi nhau, lúc này anh L2 có đánh chị L1, sau chị L1 bỏ nhà đi cho đến nay. Khi đi chị L1 để cháu D lại cho anh L2 nuôi dưỡng, trong thời gian chị L1 bỏ đi, chị L1 có quay về rước cháu D khoảng 10 ngày thì giao trở lại cho anh L2 nuôi dưỡng. Chị L1 bị nhiễm Covid -19, sợ lây nhiễm cho cháu D nên gia đình ông Đấu đến rước cháu D về chăm sóc. Từ đó cho đến nay, chị L1 có rước cháu D về 01, 02 lần được 01, 02 ngày thì đưa cháu D trở lại bên gia đình ông Đấu.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 22/4/2022 và ngày 25/4/2022, bà Võ Phượng L3, ông Nguyễn Văn S trình bày như sau: Ông Sơn, bà Loan là cha mẹ ruột của chị L1. Sau khi chị L1 về nhà cha mẹ ruột sinh sống thì chị L1 có kể lại là trong thời gian chung sống bên gia đình anh L2, anh L2 thường xuyên đánh chị L1, tại thời điểm chị L1 bị anh L2 đánh thì không có báo lại gia đình vì chị L1 sợ cha mẹ buồn. Khi bắt đầu sống ly thân thì chị L1 là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu D, trong thời gian này anh L2 có rước cháu D về bên nội chơi nhiều lần, cũng trong thời gian này, anh L2 đến gia đình cha mẹ chị L1 kiếm chuyện gây gỗ. Sau đó, chị L1 và anh L2 tự thỏa thuận luân phiên nuôi dưỡng cháu D, mỗi người nuôi dưỡng 02 tuần. Đến khi chị L1 bị nhiễm bệnh Covid – 19 thì anh L2 đến rước cháu D về bên gia đình bên nội để chăm sóc cho đến nay. Sau khi chị L1 hết bệnh có đến rước cháu D về nhưng gia đình anh L2 không cho, cũng không cho chị L1 thăm con, còn đuổi đánh chị L1.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện C phát biểu:

Về tố tụng: Thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết vụ án đã thực hiện đúng, đầy đủ quy định tại các Điều 35, 39, 68, 97, 98, 195, 196 BLTTDS; Hội đồng xét xử, thư ký tại phiên tòa đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về việc xét xử sơ thẩm vụ án. Nguyên đơn, Bị đơn đã được Tòa án tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng, thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ theo quy định tại các Điều 71, 72 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Về nội dung:

Về quan hệ hôn nhân: chị Nguyễn Thị Phương L1 được ly hôn với anh D Nguyễn Thanh L2.

Về nuôi dưỡng con chung: Chị L1 và anh L2 có 01 con chung tên D Nguyễn Ánh D, sinh ngày 18/12/2020. Cả chị L1 và L2 đều mong muốn được nuôi con chung. Hiện cháu D chỉ mới được 16 tháng 10 ngày tuổi, theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi giao cho mẹ trực tiếp nuôi…” Hoàn cảnh gia đình và thu nhập của anh chị là ngang nhau, đều có điều kiện để chăm sóc con chung tốt. Tuy nhiên xét thấy, chị L1 có việc làm tại nhà, thu nhập đảm bảo, hơn nữa cháu D là nữ; trong thời gian ly thân, cả chị L1 và anh L2 đều có thời gian chăm sóc cháu như nhau (mỗi bên 02 tuần) nên cần giao cháu D cho chị L1 nuôi dưỡng sẽ đảm bảo cho cháu được chăm sóc chu đáo, phát triển toàn diện về mọi mặt cũng không gây xáo trộn cuộc sống hiện có của cháu nên đề nghị Hội đồng xét xử giao cho chị L1 nuôi dưỡng cháu D. Chị L1 không yêu cầu cấp dưỡng nên không xem xét.

Về tài sản chung, nợ chung: các đương sự đều xác định không có nên không xem xét.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Chị Nguyễn Thị Phương L1 khởi kiện yêu cầu ly hôn với anh D Nguyễn Thanh L2 có nơi cư trú tại Ấp 1B, xã T, huyện C, tỉnh L nên Tòa án nhân dân huyện C thụ lý vụ án là đúng thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 28; điểm a Khoản 1 Điều 35; điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

[2] Về hôn nhân: Chị Nguyễn Thị Phương L1 và anh D Nguyễn Thanh L2 có đăng ký kết hôn và được Ủy ban nhân dân xã T cấp giấy chứng nhận kết hôn số 83, ngày 19/11/2020, nên xác định hôn nhân giữa chị L1 và anh L2 là hôn nhân hợp pháp được pháp luật công nhận và bảo vệ. Hôn nhân của vợ chồng anh chị là tự nguyện. Vợ chồng chung sống hạnh phúc được một thời gian ngắn thì phát sinh mâu thuẫn. Theo chị L1 nguyên nhân là do vợ chồng chị L1 chỉ quen biết nhau một thời gian ngắn, chưa có đủ thời gian tìm hiểu kỹ về nhau nên khi về chung sống anh L2 đã có hành vi vũ phu đối với chị L1 nhiều lần. Khi chị L1 đang mang thai tháng thứ 4 anh L2 có đánh đập chửi mắng chị L1. Chị L1 cố gắng chịu đựng nhưng anh L2 càng ngày hung hăng hơn, mỗi lần anh L2 đi uống rượu về là kiếm chuyện chửi mắng đánh đập chị L1. Khi chị L1 mang thai tháng thứ 8, anh L2 tiếp tục đánh đập chị L1, kêu chị L1 về bên cha mẹ ruột ở. Chị L1 đã không còn sống chung với anh L2 từ tháng 10/2020 cho đến nay. Về phía anh L2, Tòa án đã tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng cho anh L2 nhưng anh L2 không đến Tòa án tham gia hòa giải theo thông báo của Tòa án. Tại phiên tòa, anh L2 trình bày nguyên nhân mâu thuẫn vợ chồng là do bạn của chị L1 có nói những lời lẽ không hay về anh L2 với chị L1 nên vợ chồng mới cãi nhau và anh L2 có đánh chị L1, sau đó chị L1 tự ý bỏ nhà ra đi. Mặc dù tại phiên tòa, anh L2 không đồng ý ly hôn với chị L1 nhưng anh L2 không đưa ra được phương án khắc phục mâu thuẫn hôn nhân để hàn gắn tình cảm vợ chồng. Từ đó, Hội đồng xét xử xét thấy cả chị L1 và anh L2 đều không có thiện chí hàn gắn lại tình cảm vợ chồng, cũng như duy trì đời sống hôn nhân. Qua đó, có đủ cơ sở xác định tình cảm vợ chồng giữa chị L1 và anh L2 không còn, đời sống chung vợ chồng không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được nên căn cứ Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu ly hôn của chị L1 đối với anh L2.

[3] Về nuôi con chung: Vợ chồng có 01 người con chung tên D Nguyễn Ánh D, sinh ngày 18/12/2020. Tại phiên tòa, chị L1 và anh L2 thống nhất xác định trong thời gian anh chị sống ly thân, anh chị đã tự thỏa thuận thay phiên nuôi dưỡng cháu D, mỗi người nuôi dưỡng 02 tuần và anh chị đã thực hiện thỏa thuận này được một thời gian. Nhưng sau đó do phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và chị L1 phải thực hiện cách ly y tế nên có một khoảng thời gian cháu D sống với anh L2. Khi ly hôn, cả chị L1 và anh L2 đều có yêu cầu được nuôi dưỡng cháu D. Anh L2 cho rằng chị L1 không đủ điều kiện để nuôi dưỡng con chung, nhưng anh L2 không đưa ra chứng cứ chứng minh cho lời trình bày này của anh L2 là có căn cứ. Hội đồng xét xử xét thấy tính đến ngày mở phiên tòa sơ thẩm cháu D mới được 16 tháng 10 ngày tuổi, về điều kiện hoàn cảnh gia đình và thu nhập của anh chị là tương đương nhau, tuy nhiên, chị L1 có công việc làm tại nhà, hơn nữa cháu D là nữ, mặt khác, tại phiên tòa anh L2 xác định rằng trong thời gian anh L2 nuôi dưỡng cháu D thì anh L2 không cho chị L1 thăm cháu D. Do đó, để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của cháu D, căn cứ Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình Hội đồng xét xử xét thấy giao cho chị L1 nuôi dưỡng cháu D là phù hợp nên chấp nhận yêu cầu của chị L1. Chị L1 không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[4] Về tài sản chung; Về nợ chung: Chị L1 và anh L2 đều xác định không có nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[5] Đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện C là có căn cứ nên chấp nhận.

[6] Về án phí: Chị L1 phải chịu án phí theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 1 Điều 28, điểm a Khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự;

Căn cứ Khoản 1 Điều 9, Điều 56, Điều 81, Điều 82, Điều 83, Điều 84 và Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình;

Căn cứ Khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Nguyễn Thị Phương L1 về việc yêu cầu ly hôn đối với bị đơn anh D Nguyễn Thanh L2.

Về hôn nhân: chị Nguyễn Thị Phương L1 được ly hôn với anh D Nguyễn Thanh L2.

Về nuôi con chung: Giao cho chị Nguyễn Thị Phương L1 nuôi dưỡng người con chung chưa thành niên tên D Nguyễn Ánh D, sinh ngày 18/12/2020. Anh D Nguyễn Thanh L2 không phải cấp dưỡng nuôi con.

Sau khi ly hôn, cha mẹ có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên.

Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Người trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều 84 của Luật Hôn nhân và Gia đình, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con và mức cấp dưỡng nuôi con.

Về án phí: Chị Nguyễn Thị Phương L1 phải chịu 300.000 đồng án phí sơ thẩm ly hôn, chuyển 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí chị L1 đã nộp theo biên lai thu số 0005584 ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện C sang án phí.

Bản án sơ thẩm, đương sự có mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 9 Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

129
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp ly hôn, nuôi con chung số 28/2022/HNGĐ-ST

Số hiệu:28/2022/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Cao Lộc - Lạng Sơn
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 28/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;