TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
BẢN ÁN 47/2023/DS-PT NGÀY 30/05/2023 VỀ TRANH CHẤP LỐI ĐI CHUNG
Ngày 30 tháng 5 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh V xét xử công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 106/2022/TLPT-DS ngày 22 tháng 11 năm 2022, về việc “Tranh chấp lối đi chung”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2022/DS-ST ngày 20 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh V bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 07/2023/QĐ-PT ngày 16 tháng 02 năm 2023, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Hoàng Văn B, sinh năm 1974; ông Hoàng Văn L, sinh năm 1978; ông Hoàng Ngọc S, sinh năm 1981; bà Lê Thị A, sinh năm 1965; bà Hoàng Thị K, sinh năm 1959; cùng địa chỉ: thôn G, xã T, huyện D, tỉnh V.
Người đại diện theo ủy quyền của ông L, ông S, bà L, bà K: Ông Hoàng Văn B, sinh năm 1974; địa chỉ: thôn G, xã T, huyện D, tỉnh V, có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Bằng G1 và ông Vũ Văn D, Luật sư công ty Luật V và Cộng sự, có mặt.
2. Bị đơn: Ông Hoàng Văn Q, sinh năm 1967 và ông Hoàng Văn B, sinh năm 1976; cùng địa chỉ: thôn G, xã T, huyện D, tỉnh V, có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Q, ông B: Ông Đỗ Gia Y – Luật sư Công ty Luật TNHH P thuộc Đoàn luật sư tỉnh V, có mặt.
3. Người kháng cáo: Bị đơn ông Hoàng Văn Q và ông Hoàng Văn B.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và các lời khai tiếp theo, các nguyên đơn và người đại diện hợp pháp của các nguyên đơn cùng thống nhất trình bày:
Năm hộ gia đình gồm: gia đình ông Hoàng Văn B, ông Hoàng Văn L, ông Hoàng Ngọc S, bà Lê Thị A và gia đình bà Hoàng Thị K hiện đang đi chung trên một con đường ngõ, bắt nguồn từ đường giao thông liên khu đi vào thôn G, xã T, huyện D, đoạn đường có chiều dài khoảng 200m, chiều rộng khoảng 03m. Hai bên lề đường ngoài đầu đường vào, dọc lề đường bên trái, bên phải tính từ ngoài vào là tường rào của các hộ gia đình (tường xây đã từ nhiều năm nay) làm danh giới ngăn cách giữa đường đi chung với đất ở của các hộ gia đình. Quá trình sử dụng lối đi này từ năm 1986 đến hết năm 2020, các hộ hai bên đường vẫn đi lại bình thường và không có sự tranh chấp gì.
Năm 2001, Ủy ban nhân dân (viết tắt: UBND) xã T, huyện D xác định con đường đi vào 05 hộ gia đình các ông bà là đường giao thông nông thôn, do UBND xã T quản lý và không nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt: GCNQSDĐ) của gia đình ông Q và ông B.
Vào tháng 01/2021, UBND xã T, huyện D tiến hành đo đạc con đường nêu trên để các gia đình phối hợp hoàn thiện mặt bằng để trải bê tông. Từ đó, ông Hoàng Văn Q và ông Hoàng Văn B cản trở không cho UBND xã T triển khai thực hiện bằng hình thức dùng cọc tre dào ½ chiều rộng mặt đường và không cho gia đình các ông bà và người dân đi lại bằng xe ô tô mà chỉ đi lại được bằng xe máy và đi bộ. Các ông, bà xác định việc ông Q và ông B rào lối đi chung làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đi lại của các ông bà nên đề nghị Tòa án buộc ông Q và B phải tháo dỡ, di rời toàn bộ tài sản trên lối đi chung và trả lại đường đi chung cho các ông bà. Diện tích ông Q lấn chiếm diện tích lối đi chung là 66,8m2; ông B lấn chiếm diện tích lối đi chung là 78,8m2.
Bị đơn ông Hoàng Văn Q trình bày: Về nguồn gốc diện tích đất ông đang sử dụng là của cụ Hoàng Văn C1 (bố đẻ ông) cắt cho ông sử dụng vào khoảng từ năm 1996 - 1997. Đến năm 2001, ông mới làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được UBND huyện C cấp GCNQSDĐ tại thửa đất 534, tờ bản đồ số 9; diện tích 240m2 tại thôn G, khu 6, xã T huyện D. Quá trình sử dụng đất, gia đình ông vẫn sử dụng đất ổn định từ đó đến nay. Năm 2019, ông làm thủ tục cấp đổi GCNQSDĐ đối với thửa đất trên và được Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh V cấp GCNQSDĐ tại thửa đất số 71, tờ bản đồ 83, diện tích 379,9m2 tại thôn G, xã T, huyện D đứng tên hộ ông Hoàng Văn Q. Việc ông làm thủ tục cấp đổi và được cấp GCNQSDĐ là đúng pháp luật.
Quá trình sử dụng đất, ông có cho anh chị ruột của ông (là ông M và bà K) đi qua đất nhà ông từ năm 2002. Ông B, ông S và ông L đi qua đất nhà ông từ năm 2010 nhưng không hỏi ý kiến của ông. Ông xác định ông chỉ cho ông M, bà K đi qua lối đi này. Trên thực tế, ông chưa bao giờ làm đơn gửi các cấp có thẩm quyền cắt đất thuộc quyền sử dụng đất của ông làm lối đi chung này nên diện tích đất lối đi này vẫn nằm trong quyền quản lý, sử dụng của gia đình ông.
Về yêu cầu của nguyên đơn cho rằng phần đất này là đất giao thông chung, ông không nhất trí vì: năm 2002, cụ C1 có mở lối đi đó để làm lối đi của gia đình cho tiện trở phân và trâu bò đi. Nay ông xác định phần lối đi giáp danh giới đất nhà ông mà nguyên đơn khởi kiện là thuộc quyền quyền sử dụng đất của gia đình ông nên ông đã rào bằng tre lối đi này.
Bị đơn ông Hoàng Văn B trình bày:
Về nguồn gốc diện tích đất ông đang ở là của cụ Hoàng Văn C1 (bố đẻ ông). Ông đã ở trên thửa đất từ bé cho đến năm 2008 khi cụ C1 chết thì ông là người trực tiếp quản lý, sử dụng thửa đất từ đó đến nay. Quá trình sử dụng đất ông vẫn sử dụng đất ổn định và hiện nay GCNQSDĐ vẫn đứng tên cụ Hoàng Văn C1. Về nguồn gốc lối đi đang tranh chấp là do năm 2002, cụ C1 có mở lối đi đó để làm lối đi của gia đình cho tiện trở phân và trâu bò đi lại.
Năm 2010, ông B đến hỏi ông cho đi nhờ và cho cả anh S, anh L đi. Trong quá trình đi nhờ, những hộ này có nhu cầu vận chuyển đất nên phải nhờ mở rộng đường cho ô tô đi lại, sau đó vẫn đi nhờ từ đó đến nay.
Khi Nhà nước có chương trình làm đường nông thôn mới, ông L tự ý cho máy múc đào phần đất (lối đi đang tranh chấp) của gia đình ông để chôn ống thoát nước với mục đích chôn ống xong thì đổ đường bê tông lên trên. Do ông L tự ý đào đất và không hỏi ý kiến của ông. Ông đã nhắc nhở ông L nhưng không được nên ông đã rào lại một phần đường, vẫn cho lối đi nhưng với yêu cầu ông L phải nhấc bỏ ống nên mới xảy ra tranh chấp. Nay ông xác định phần lối đi giáp danh với đất nhà ông mà các nguyên đơn khởi kiện là thuộc quyền sử dụng đất của gia đình ông nên ông đã rào bằng tre lối đi này và không đồng ý với yêu cầu khỏi kiện của nguyên đơn.
Với nội dung như trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2022/DS-ST ngày 20 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện D, tỉnh V đã căn cứ Điều 175, Điều 176 của Bộ luật dân sự; Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội. Xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Văn B, ông Hoàng Văn L, ông Hoàng Ngọc S, bà Lê Thị A, bà Hoàng Thị K.
- Buộc ông Hoàng Văn Q trả lại diện tích lối đi chung là 66,8m2 có cạnh TT9-TT10 dài 3,95m giáp đường; cạnh TT9-TT8 dài 0,61m và cạnh TT8-TT7 dài 20,58m giáp đất ông Thành; cạnh TT7-TT12 dài 3,44m giáp lối đi chung; cạnh TT12-TT11 dài 17,23m và cạnh TT11-TT10 dài 2,95m giáp đất ông Q (có sơ đồ kèm theo). Ông Hoàng Văn Q có nghĩa vụ tháo dỡ, di dời toàn bộ tài sản trên diện tích đất 66,8m2 lối đi chung.
- Buộc ông Hoàng Văn B trả lại diện tích lối đi chung là 78,8m2 có cạnh TT7-TT6 dài 12,09m; cạnh TT6-TT5 dài 2,49m; cạnh TT5-TT4 dài 4,06m; cạnh TT4-TT3 dài 4,13m giáp đất ông Thành; cạnh TT3-TT15 dài 3,83m giáp lối đi chung; cạnh TT15-TT14 dài 6,50m; cạnh TT14-TT13 dài 5,17m; cạnh TT13- TT12 dài 11,37m giáp đất ông B đang sử dụng (có sơ đồ kèm theo). Ông Hoàng Văn B có nghĩa vụ tháo dỡ, di dời toàn bộ tài sản trên diện tích đất 78,8m2 lối đi chung.
Ngoài ra bản án còn tuyên án phí, chi phí tố tụng, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật cho các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 27/9/2022 bị đơn ông Hoàng Văn Q và ông Hoàng Văn B kháng cáo đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì cho rằng đất đoạn đường mà các nguyên đơn khởi kiện là lối đi chung vẫn thuộc quyền quản lý, sử dụng của gia đình các ông; gia đình các ông chưa hiến đất và chưa nhận tiền đền bù.
Tại phiên tòa phúc thẩm các nguyên đơn vẫn giữ nguyên đơn khởi kiện, bị đơn giữ nguyên đơn kháng cáo; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị đơn đề nghị hội đồng xét xử xem xét sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn vì cho rằng đất của gia đình bị đơn, việc hiến tặng đất của ông C1 là chưa hợp pháp chưa đúng quy định của pháp luật, không được công chứng chứng thực, không có việc giao nhận đất; trong xác nhận của thôn về việc cắt đất làm đường đi không phải chữ ký ông C1; gia đình anh Q, B cũng như ông C1 không bị thu hồi đất, đền bù về đất.
Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị cấp phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm vì lý do: con đường này do cụ C1 đã cho các hộ đi từ lâu (khoảng năm 1996 đến nay); cụ C1 đã cắt đất cho các hộ làm lối đi, cho anh Q đất được thôn G xác nhận; sau đó năm 2001, con đường này đã được thể hiện trong bản đồ 83 là đường giao thông nông thôn; anh Q anh B cũng đã xác nhận ranh giới là đất của mình bằng việc thực tế xây dựng tường ngăn và thể hiện đất các anh sử dụng giáp đường; diện tích đất ở, vườn các anh sử dụng trong giấy chứng nhận đất đúng và thừa so với thực tế và không có phần đường đi này trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ công văn 250 ngày 11/10/2021 của Ủy ban nhân dân xã T, huyện D trả lời cho cho ông Hoàng văn M đại diện cho 05 hộ dân thôn G đã nêu đoạn đường hiện nay các hộ dân đang đi thuộc đất đường giao thông nông thôn; nằm ngoài phạm vi đất ở và đất trồng cây lâu năm của gia đình ông B, ông Q.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh V phát biểu quan điểm: trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa phúc thẩm Thẩm phán, Thư ký Tòa án và Hội đồng xét xử đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định; các đương sự đều chấp hành đúng quy định của pháp luật. Về nội dung vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của bị đơn làm trong hạn luật định, theo đúng quy định nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
[2] Về tư cách tham gia tố tụng:
Trong vụ án này, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải tháo dỡ, di rời toàn bộ tài sản trên lối đi chung và trả lại lối đi chung nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xác định Ủy ban nhân dân xã T, huyện D, tỉnh V tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng. Vì Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan hành chính có trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai tại địa phương theo thẩm quyền, tranh chấp giữa các đương sự không liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của Ủy ban nhân dân xã T theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, sai sót này không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án cũng như quyền, nghĩa vụ của các đương sự. Tòa án cấp phúc thẩm xác định Ủy ban nhân dân xã T không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nên không triệu tập tham gia tố tụng. Yêu cầu cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm trong việc xác định tư cách của đương sự để tránh lặp lại sai sót này trong các vụ án khác.
[3] Về nội dung vụ án:
Gia đình các đồng nguyên đơn gồm ông Hoàng Văn B, ông Hoàng Văn L, ông Hoàng Ngọc S, bà Lê Thị A, bà Hoàng Thị K đang đi chung trên một con đường bắt nguồn từ đường giao thông liên khu đi vào thôn G, xã T, huyện D, đoạn đường có chiều dài khoảng 200m, chiều rộng khoảng 03m từ lâu (theo nguyên đơn thì vào khoảng từ trước năm 1996; theo các bị đơn thì từ khoảng năm 2002) đến trước khi tranh chấp 2021. Hai bên lề đường ngoài đầu đường vào, dọc lề đường bên trái, bên phải tính từ ngoài vào là tường rào xây lâu năm của gia đình các ông Hoàng Văn Q và ông Hoàng Văn B. Tháng 01/2021, UBND xã T, huyện D tiến hành đo đạc con đường đang tranh chấp để các gia đình phối hợp hoàn thiện mặt bằng để trải bê tông thì ông Hoàng Văn Q và ông Hoàng Văn B cản trở không cho UBND xã T triển khai thực hiện và không cho gia đình các ông bà và người dân đi lại bằng xe ôtô mà chỉ đi lại được bằng xe máy và đi bộ. Vì vậy, các nguyên đơn khởi kiện đề nghị Tòa án buộc ông Q và B phải tháo dỡ, di rời toàn bộ tài sản trên lối đi chung và trả lại lối đi chung cho các ông bà. Cụ thể diện tích ông Q lấn chiếm lối đi chung là 66,8m2; ông B lấn chiếm lối đi chung là 78,8m2. Ông Q, ông B không đồng ý vì cho rằng đất này vẫn thuộc gia đình các ông, chưa hiến tặng, chưa được bồi thường.
[4] Xét nội dung kháng cáo của bị đơn ông Hoàng Văn Q và ông Hoàng Văn B cho rằng diện tích lối đi chung đang tranh chấp thuộc diện tích đất của cụ Hoàng Văn C1, không phải lối đi chung, thấy rằng:
Về nguồn gốc thửa đất ông Hoàng Văn B và ông Hoàng Văn Q đang sử dụng là đất của gia đình cụ Hoàng Văn C1 (bố đẻ ông B, ông Q) để lại. Năm 2001, cụ C1 và ông Q có làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngày 30/12/2001, UBND huyện C cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất số 534, tờ bản đồ số 9 (bản đồ 299), có diện tích 761m2 đứng tên hộ cụ Hoàng Văn C1 và ông Q được UBND huyện C cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất số thuộc thửa đất số 534b, diện tích 240m2 (nay theo bản đồ địa chính thuộc thửa đất số 71, bản đồ 83, diện tích 379,9m2, chủ sử dụng đất hộ ông Hoàng Văn Q). Ngày 01/02/2019, hộ ông Hoàng Văn Q được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh V cấp đổi GCNQSDĐ. Sau khi được cấp GCNQSDĐ thì cụ C1 và ông Q đều nhất trí, không có khiếu nại hay ý kiến gì. Đối với thửa đất đứng tên hộ cụ C1 thì hiện ông B đang là người trực tiếp quản lý, sử dụng.
Các nguyên đơn và bị đơn cũng xác nhận lối đi này trước đây thuộc đất sử dụng của gia đình cụ C1. Theo các nguyên đơn khi cụ C1, cụ Hai (vợ cụ C1) còn sống đã thể hiện ý chí tự nguyện cho các hộ mở và đi chung con đường qua đất nhà cụ từ những năm 1996 và sau này các nguyên đơn biết được cụ C1 có cắt đất thể hiện chính quyền thôn xác nhận vào năm 2001 và các hộ gia đình vẫn đi lại bình thường từ đó đến trước khi sảy ra tranh chấp. Theo phía bị đơn thì cụ C1 chỉ mở đường cho M, bà K (là con ruột đi), và chỉ cho các hộ khác (Hoàng Văn B, ông Hoàng Văn L, ông Hoàng Ngọc S) đi nhờ từ khoảng năm 2001, 2002. Như vậy, có thể thấy việc gia đình cụ C1 và các bên đương sự đều biết và thống nhất nguồn gốc đường đi này là thuộc đất của gia đình cụ C1 trước đây nhưng sau đó đã được gia đình cụ C1 cho các gia đình sử dụng làm đường đi chung trên thực tế từ ít nhất là 2001 đến nay (khoảng 22 năm). Tại phiên tòa ông Hoàng văn M, bà Hoàng Thị K (là con đẻ cụ C1 và là anh, chị ruột của ông Q, ông B) xác nhận khoảng từ năm 1996 cụ C1 có cắt đất làm lối đi chung cho các hộ ở phía trong có đường đi, và thực tế sau đó cụ C1 và gia đình ông B, Q đã để chừa phần đất làm lối đi chung cho các hộ ở phía sau đi. Ông B, ông Q cũng đã xây tường bao loan cố định ngăn đất ở, đất vườn với phần lối đi chung (theo các ông khai tại phiên tòa là từ năm 2017, 2018).
- Xác minh tại địa phương về quá trình sử dụng đất:
Hai thửa đất của ông Q, ông B sử dụng trên đều có nguồn gốc do cụ C1 là người sử dụng đất để lại. Cụ C1 chết năm 2008, cụ Lê Thị Y1 (vợ cụ C1) chết năm 2012. Sau khi các cụ chết, ông B là người trực tiếp quản lý, sử dụng thửa đất cụ C1 đã được cấp GCNQSDĐ nêu trên từ đó đến nay. Năm 2001, cụ C1 đã tự nguyện để lại một phần diện tích đất làm lối đi chung, và cắt đất cho ông Q điều này được ghi tại biểu 3 thôn G theo dõi đất đai thể hiện (BL 115b), được ông Lâm Văn N (trưởng thôn G), ông Lưu Xuân Z (đại diện địa chính xã) vào thời điểm năm 2001 xác nhận. Theo bản đồ 299, đo đạc năm 1986, tại vị trí đoạn đường trên được thể hiện 01 đoạn là đất Suối, 01 đoạn thuộc thửa đất 534, tờ bản đồ số 9.
Theo bản đồ Địa chính đo đạc năm 2013, vị trí các bên tranh chấp trên thuộc tờ bản đồ số 83, thể hiện là đường giao thông nông thôn (BL 35). Ngoài ra theo bản đồ địa chính đo đạc năm 2013; Biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất ngày 14/11/2013, ông Q, ông B ký xác định các hộ sử dụng đất liền kề đều thể hiện phần đất của mình theo hình thể đất sử dụng và tại biên bản này thể hiện rõ tiếp giáp phần đất ông B, ông Q sử dụng là phần lối đi (đang tranh chấp) (BL 97,98).
Tại công văn số 250 ngày 11/10/2021, Ủy ban nhân dân xã T trả lời đơn đề nghị của ông Hoàng văn M (đại diện 05 hộ ở thông G) thể hiện đoạn đường hiện các hộ dân đang đi lại thuộc đất đường giao thông nông thôn do Ủy ban nhân dân xã quản lý; đoạn đường này nằm ngoài diện tích đất ở và đất trồng cây lâu năm của gia đình ông Hoàng Văn Q và ông Hoàng Văn B.
Từ những phân tích, nhận định trên thấy bản án sơ thẩm xác định phần đất tranh chấp giữa các đương sự trong vụ án là lối đi chung và chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ; kháng các của các bị đơn không có căn cứ, không chấp nhận.
Về diện tích lối đi chung: theo bản đồ đều không thể hiện các chiều, cạnh cụ thể của lối đi chung. Tuy nhiên, theo kết quả khi đo đạc, xem xét thẩm định tại chỗ thể hiện: Diện tích đất ông Q được cấp GCNQSDĐ và diện tích đất ông B đang sử dụng phía giáp lối đi chung đang tranh chấp đều đã được ông Q, ông B xây dựng tường bao loan cố định bằng gạch và nhà giáp đất lối đi chung và lối đi chung đang tranh chấp, cụ thể: giáp đất ông Q có diện tích 66,8m2 và giáp đất ông B sử dụng là 78,8m2. Ngoài ra, diện tích đất thực tế ông Q và ông B đang sử dụng đều tăng so với diện tích đất ông Q được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất năm 2001 là 240m2 và cụ C1 là 761m2. Diện tích đất ông Q được cấp đổi và được Nhà nước công nhận là 379,9m2 và diện tích đất ông B sử dụng qua đo đạc, xem xét thẩm định tăng so với quyền sử dụng đất nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định diện tích lối đi chung có diện tích theo kết quả đo đạc, xem xét thẩm định tại chỗ là phù hợp.
Các Quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật. [5] Về án phí:
Án phí sơ thẩm, phúc thẩm: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận toàn bộ, yêu cầu kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí sơ thẩm, phúc thẩm theo quy định.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 175, Điều 176 của Bộ luật dân sự; Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội.
1. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 06/2022/DS-ST ngày 20 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện D, tỉnh V.
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Văn B, ông Hoàng Văn L, ông Hoàng Ngọc S, bà Lê Thị A, bà Hoàng Thị K.
- Xác nhận phần đất tranh chấp giữa ông Hoàng Văn B, ông Hoàng Văn L, ông Hoàng Ngọc S, bà Lê Thị A, bà Hoàng Thị K với ông Hoàng Văn Q và ông Hoàng Văn B tại thôn G, xã T, huyện D, tỉnh V diện tích 66,8m2 + 78,8m2 = 145,6 m2, có chiều cạnh TT3, TT4, TT5, TT6, TT7, TT8, TT9,TT10, TT11, TT12, TT13, TT14, TT15, TT3 (Có sơ đồ kèm theo) là lối đi chung.
- Buộc ông Hoàng Văn Q trả lại diện tích lối đi chung là 66,8m2 có cạnh TT9-TT10 dài 3,95m (giáp đường); cạnh TT9-TT8 dài 0,61m và cạnh TT8-TT7 dài 20,58m (giáp đất ông Thành); cạnh TT7-TT12 dài 3,44m, giáp lối đi chung; cạnh TT12-TT11 dài 17,23m và cạnh TT11-TT10 dài 2,95m, giáp đất ông Q (có sơ đồ kèm theo).
- Buộc ông Hoàng Văn B trả lại diện tích lối đi chung là 78,8m2 có cạnh TT7-TT6 dài 12,09m; cạnh TT6-TT5 dài 2,49m; cạnh TT5-TT4 dài 4,06m; cạnh TT4-TT3 dài 4,13m (giáp đất ông Thành); cạnh TT3-TT15 dài 3,83m (giáp lối đi chung); cạnh TT15-TT14 dài 6,50m; cạnh TT14-TT13 dài 5,17m; cạnh TT13-TT12 dài 11,37m, giáp đất ông B đang sử dụng (có sơ đồ kèm theo).
Buộc ông Hoàng Văn Q, Hoàng Văn B phải tháo dỡ, di dời toàn bộ tài sản trên diện tích đất lối đi chung. Trường hợp không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
2. Về án phí: Ông Hoàng Văn Q và ông Hoàng Văn B mỗi người phải chịu 300.000đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm và mỗi người phải chịu 300.000đồng tiền án phí dân sự phúc thẩm.
Xác nhận ông Hoàng Văn Q đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm theo biên lai tạm ứng án phí số 0000341 ngày 07 tháng 10 năm 2022; ông Hoàng Văn B đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm, theo biên lai tạm ứng án phí số 0000338 ngày 07 tháng 10 năm 2022, tại Chi cục thi hành án huyện D, tỉnh V.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 47/2023/DS-PT về tranh chấp lối đi chung
Số hiệu: | 47/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 30/05/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về