TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 441/2023/DS-PT NGÀY 12/04/2023 VỀ TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN YÊU CẦU TUYÊN HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG VÔ HIỆU
Trong các ngày 20/02/2023, ngày 09/3/2023, ngày 12/4/2023 tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tiến hành xét xử công khai Vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 585/2022/TLPT-DS ngày 08/12/2022 về việc “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên Hợp đồng tín dụng vô hiệu”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 301/2022/DS-ST ngày 08/9/2022 của Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 139/2023/QĐ-PT ngày 18 tháng 01 năm 2023; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 1579/2023/QĐ-PT ngày 20/02/2023; Thông báo thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa số 2030/2023/TB-TA ngày 20/02/2023, Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 3302/2023/QĐ-PT ngày 09/3/2023, Thông báo mở lại phiên tòa số 3303/2023/TB-TA ngày 09/3/2023 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Đỗ Hùng C, sinh năm 1991; địa chỉ: Số 105D đường Ngô Quyền, Phường 11, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh; (Vắng mặt)
Người đại diện theo ủy quyền của ông Đỗ Hùng C:
1. Ông Nguyễn Văn L, sinh năm: 1990; địa chỉ: L, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế (theo Giấy ủy quyền số 000990 ngày 25/01/2018 lập tại Văn phòng công chứng TT); (Có mặt)
2. Ông Đỗ Trọng T, sinh năm: 1954; địa chỉ: Số 105D đường Ngô Quyền, Phường 11, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh (theo Giấy ủy quyền số 011141, quyển số 05/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 11/9/2018 tại Văn phòng công chứng Chợ Lớn); (Có mặt)
- Bị đơn: Ngân hàng Thương mại Cổ phần C; địa chỉ trụ sở: Số 108 đường T, Phường C, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội; địa chỉ Chi nhánh 9, Thành phố Hồ Chí Minh: Số 01 đường b, Phường A, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Nguyễn Quang T1; địa chỉ: Số 01 đường b, Phường A, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh. Văn bản ủy quyền số 990/UQ-CN9-NHCT ngày 29/10/2018; (Có mặt)
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Trần Thanh Đ, sinh năm 1945; địa chỉ: Số 318 đường b, Phường c, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh; (Vắng mặt)
2. Bà Trần Thị V, sinh năm 1951; địa chỉ: Số 318 đường b, Phường c, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh; (Vắng mặt) Người đại diện theo ủy quyền của ông Trần Thanh Đ và bà Trần Thị V: Ông Trần Thanh H, sinh năm 1977; địa chỉ: Số 54 đường H, Phường 11, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản ủy quyền số 008540 quyển 09/2022/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 06/9/2022 và Văn bản ủy quyền số 001181 quyển 03/2023/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 04/3/2023); (Có mặt)
- Người kháng cáo: Ông Đỗ Hùng C - Nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo đơn khởi kiện cùng các tài liệu trong hồ sơ vụ án và quá trình tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm, nguyên đơn trình bày:
Ngày 14/10/2009, nguyên đơn và Ngân hàng Thương mại Cổ phần C - Chi nhánh 9 (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) ký Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD (sau đây gọi tắt là Hợp đồng) vay số tiền: 4.000.000.000 (bốn tỷ) đồng; Mục đích: Mua nhà đất; Thời hạn vay: 240 tháng từ 14/10/2009 đến 14/10/2029; Lãi suất trong hạn: 1,09%/tháng (13,08%/năm); Lãi suất được điều chỉnh 3 tháng 1 lần, theo nguyên tắc: Lãi suất cho vay bằng lãi suất cơ sở + biên độ do Giám đốc Ngân hàng thông báo, nhưng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố hiện hành.
Năm 2010, lãi suất cơ bản Ngân hàng Nhà nước công bố tại Quyết định 2868/QĐ-NHNN, có hiệu lực từ 01/12/2010 là 09%/năm, như vậy lãi suất được phép điều chỉnh theo Điều 3.1.1 của Hợp đồng, từ 01/12/2010 không được quá 13,5%/năm nhưng nguyên đơn phát hiện Ngân hàng điều chỉnh lãi suất vay lên đến 17%/năm.
Ngày 28/8/2015, ông Đỗ Trọng T (cha của nguyên đơn) thay mặt nguyên đơn gửi đơn đề nghị Ngân hàng tính lại lãi suất và hoàn trả tiền chênh lệch đã thu sai, đồng thời, trong thời gian chờ Ngân hàng thực hiện yêu cầu trên, ông C sẽ tạm ngưng thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay và sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ sau khi Ngân hàng đã chấp hành đúng quy định pháp luật. Ngày 01/02/2016, Ngân hàng hoàn trả cho nguyên đơn số tiền thu sai với quy định trong Hợp đồng là 328.579.276 đồng, còn tiền lãi phát sinh trong một thời gian dài từ sự chiếm dụng số tiền nói trên thì hai bên chưa giải quyết.
Ngày 08/8/2016, nguyên đơn phát hiện bị Ngân hàng công bố nợ xấu nhóm 5, trên Hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng nhà nước (CIC). Nguyên đơn yêu cầu Ngân hàng cải chính thông tin nợ xấu không đúng nói trên nhưng không được giải quyết. Ngày 25/4/2018, nguyên đơn đã làm Giấy đề nghị và gửi Ngân hàng yêu cầu cải chính thông báo nợ xấu trên CIC và hoàn trả lại số tiền lãi phát sinh từ việc chiếm dụng 328.579.276 đồng của nguyên đơn nhưng Ngân hàng không giải quyết. Ông C đã khởi kiện Ngân hàng yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau:
1. Tuyên xử Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 14/10/2009 giữa ông Đỗ Hùng C và Ngân hàng vô hiệu vì vi phạm điều cấm của pháp luật.
2. Buộc các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận do hợp đồng vô hiệu cụ thể: Ngân hàng hoàn trả cho ông C số tiền 5.493.182.057 đồng mà ông C đã thanh toán cho Ngân hàng (tổng số tiền bao gồm tiền trả nợ gốc, tiền trả nợ lãi); Ông C trả lại cho Ngân hàng số tiền 4.000.000.000 đồng ông C đã vay của Ngân hàng. Số tiền chênh lệch sau khi bù trừ là 1.493.182.057 đồng.
- Theo các tài liệu trong hồ sơ vụ án, quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm, bị đơn trình bày:
Ngày 14/10/2009, Ngân hàng đã cho nguyên đơn vay tiền theo Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD số tiền 4.000.000.000 (bốn tỷ) đồng; Mục đích vay: Mua nhà; Thời hạn cho vay: 240 tháng; Ngày chuyển nợ quá hạn: 22/5/2018; Tài sản bảo đảm tiền vay: Đất và nhà tại địa chỉ số 318 Đường b, Phường c, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc sở hữu của ông Trần Thanh Đ và Trần Thị V theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số phát hành BL 902888, số vào sổ cấp GCN: CH02092 do Ủy ban nhân dân quận G cấp ngày 25/4/2013 và Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 0701016742/HĐTC, công chứng ngày 06/6/2013 tại Phòng công chứng số 05, Thành phố Hồ Chí Minh (số công chứng 17373), đăng ký giao dịch bảo đảm tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận G, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/6/2013; Hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng thế chấp tài sản số 01, công chứng ngày 30/6/2015 tại Phòng công chứng số 05, Thành phố Hồ Chí Minh (số công chứng 20387). Hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng thế chấp bất động sản số 165586/HĐTC/SĐBS22016, công chứng ngày 11/10/2016 tại Phòng công chứng số 05, Thành phố Hồ Chí Minh (số công chứng 37095); Hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 0701016742/HĐTC/SĐBS32017, công chứng ngày 16/08/2017 tại Phòng công chứng số 05, Thành phố Hồ Chí Minh (số công chứng 29314).
Sau đó, ông C đã ký một (01) Giấy nhận nợ ngày 21/10/2009 với Ngân hàng và đã được Ngân hàng giải quyết cho vay số tiền là: 4.000.000.000 (Bốn tỷ) đồng để sử dụng vào mục đích thanh toán chi phí mua nhà, thời hạn vay là 240 tháng, trả lãi hàng tháng vào ngày 20. Đến ngày 20/5/2018, ông C đã trả 5.436.717.241 đồng (tiền gốc là 1.693.200.000 đồng; tiền lãi: 3.736.204.101 đồng; lãi phạt: 7.313.140 đồng). Ngày 01/02/2016, Ngân hàng và ông C đã có văn bản thỏa thuận điều chỉnh mức lãi suất và cam kết thực hiện đúng theo thỏa thuận, cụ thể, Ngân hàng hoàn trả số tiền lãi chênh lệch 328.579.276 đồng bằng cách trích để thu nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt ông C còn nợ Ngân hàng các kỳ gốc lãi tháng 8,9,10,11,12 năm 2015 và tháng 01/2016 hiện đang quá hạn đến hết ngày 19/01/2016.
Đối với yêu cầu của nguyên đơn, Ngân hàng không đồng ý, vì đã thực hiện đúng quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên theo Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ký ngày 14/10/2009; Hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng tín dụng ngày 28/7/2011; Hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng tín dụng ngày 11/6/2013. Ngày 01/02/2016, Ngân hàng và ông C đã có văn bản thỏa thuận điều chỉnh mức lãi suất và cam kết thực hiện đúng theo thỏa thuận.
Tính đến ngày 30/9/2018, ông C nợ Ngân hàng số tiền tạm tính là 2.423.299.167 đồng (tiền gốc: 2.306.800.000 đồng; tiền lãi: 115.596.311 đồng; lãi phạt: 902.856 đồng). Do ông C không thực hiện đúng các cam kết theo các Biên bản làm việc giữa ông C và Ngân hàng, Ngân hàng đã nhiều lần yêu cầu ông C và các đối tượng có liên quan trả hết nợ cho Ngân hàng nhưng ông C không thực hiện. Ngân hàng có đơn yêu cầu phản tố ngày 15/10/2018 đề nghị Toà án xem xét, giải quyết buộc ông C trả hết số tiền còn nợ nếu ông C không thực hiện sẽ phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi số tiền nợ nêu trên. Ngày 28/10/2019, ông Trần Thanh Đ, bà Trần Thị V đã trả nợ cho Ngân hàng nên Ngân hàng đã giải chấp tài sản thế chấp và đã có đơn rút đơn yêu cầu phản tố vào ngày 05/11/2019.
- Theo các tài liệu trong hồ sơ vụ án, quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – ông Trần Thanh Đ, bà Trần Thị V do ông Trần Thanh H là người đại diện theo ủy quyền trình bày:
Ông Đ và bà V có bảo lãnh thế chấp bằng tài sản là đất và nhà tại địa chỉ số 318 Đường b, Phường c, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc sở hữu của ông, bà cho ông C vay tiền Ngân hàng. Ông Đ và bà V không liên quan đến yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Hùng C đối với Ngân hàng. Đối với số tiền 2.710.850.197 đồng ông Đ, bà V đã trả cho Ngân hàng để giải chấp tài sản đã thế chấp thì ông Đ, bà V sẽ khởi kiện ông C để đòi lại bằng vụ kiện khác.
- Quá trình giải quyết vụ án trên như sau:
Bản án dân sự sơ thẩm số 301/2022/DS-ST ngày 08/9/2022 của Tòa án nhân dân quận G quyết định:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Yêu cầu tuyên Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 14/10/2009 giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần C-Chi nhánh 9, Thành phố Hồ Chí Minh và ông Đỗ Hùng C vô hiệu và buộc Ngân hàng hoàn trả cho ông C số tiền chênh lệch do thanh toán nợ nhiều hơn số tiền đã vay 1.493.182.057 đồng.
Đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn về việc: Yêu cầu buộc ông Đỗ Hùng C phải trả hết số tiền còn nợ 2.423.299.167 đồng.
2. Ông Đỗ Hùng C phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 28.397.731 đồng.
Ngân hàng TMCP C được nhận lại tiền tạm ứng án phí đã nộp là 40.232.991 đồng theo biên lai thu tiền số AA/2018/0001716 ngày 19/12/2018 của Chi cục thi hành án dân sự quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyên đơn – ông Đỗ Hùng C kháng cáo bản án nêu trên.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét, đánh giá toàn diện toàn bộ tài liệu chứng cứ có trong vụ án là các văn bản do nguyên đơn cung cấp nên đã vi phạm quy định tại Điều 24, Điều 93, Điều 108, Điều 109 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Nguyên đơn đã khởi kiện yêu cầu tuyên bố 03 (ba) giao dịch dân sự vô hiệu là Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 14/10/2009, Hợp đồng sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 28/7/2011, Hợp đồng sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 11/6/2013 giữa ông Đỗ Hùng C và Ngân hàng vô hiệu vì vi phạm điều cấm của pháp luật. Tuy nhiên, Bản án dân sự sơ thẩm số 301/2022/DS-ST ngày 08/9/2022 của Tòa án nhân dân quận G chỉ giải quyết Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 14/10/2009 là không giải quyết toàn bộ yêu cầu khởi kiện và vi phạm tố tụng.
Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét các căn cứ để hủy Hợp đồng tín dụng do vi phạm điều cấm của pháp luật. Ngoài ra, trên các văn bản thỏa thuận có chữ ký của đại diện Ngân hàng là ông Lê Văn T2, tuy nhiên, các chữ ký là không giống nhau.
Vì vậy, ngày 09/3/2023, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đã đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tạm ngừng phiên tòa để thu thập các tài liệu chứng cứ về việc đánh giá, thẩm định tín dụng đối với ông Đỗ Hùng C và đề nghị Tòa án giám định chữ ký, chữ viết trên các văn bản thỏa thuận.
Ngày 05/4/2023, nguyên đơn – ông Đỗ Hùng C đã thực hiện sao chụp toàn bộ tài liệu chứng cứ liên quan đến hồ sơ thẩm định tín dụng đối với ông Đỗ Hùng C và ông xác định ông không yêu cầu giám định chữ viết, chữ ký trong hồ sơ vụ án. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Đỗ Trọng T cũng đã xác định lại không yêu cầu giám định chữ ký của ông Lê Văn T2 trên các hợp đồng tín dụng.
Ngày 12/4/2023, ông Đỗ Trọng T là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để có thời gian làm rõ các tài liệu, chứng cứ và bổ sung thêm các tài liệu chứng cứ mới trong hồ sơ vụ án.
- Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn giữ nguyên ý kiến như tại Tòa án cấp sơ thẩm. Bị đơn đã cung cấp toàn bộ bản chính là hồ sơ thẩm định tín dụng đối với ông Đỗ Hùng C để Tòa án đối chiếu. Bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.
- Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
Việc vay tiền Ngân hàng của ông Đỗ Hùng C là do ông Đ, bà V đứng ra bảo lãnh thế chấp bằng tài sản là nhà đất thuộc quyền sở hữu của ông bà. Ông Đ và bà V không liên quan đến yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Hùng C đối với Ngân hàng. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết theo quy định.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:
+ Về tố tụng: Trong suốt quá trình từ thụ lý đến khi mở phiên tòa, Thẩm phán, Thư ký đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; tại phiên tòa, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định.
+ Về nội dung: Căn cứ Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 14/10/2009 giữa Ngân hàng và ông Đỗ Hùng C có cơ sở xác định Ngân hàng cho ông C vay số tiền 4.000.000.000 đồng, mục đích vay thanh toán tiền mua nhà, thời hạn vay 240 tháng, lãi suất vay 1,09%/tháng (13,08%/năm, lãi suất được điều chỉnh 3 tháng 1 lần, theo nguyên tắc lãi suất cho vay bằng lãi suất cơ sở + biên độ do Giám đốc ngân hàng thông báo nhưng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố hiện hành).
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông C phát hiện Ngân hàng từ năm 2010 bắt đầu điều chỉnh lãi suất vay lên đến 17%/năm, trong khi lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố từ 01/12/2010 chỉ là 9%/năm, tức lãi suất được phép điều chỉnh theo Điều 3.1.1 của Hợp đồng tín dụng ngày 14/10/2009 là từ ngày 01/12/2010 không được quá 13,5%/năm. Ngày 28/5/2015, ông C đã gửi đơn tới Ngân hàng đề nghị tính lại lãi suất cho đúng quy định trong Hợp đồng tín dụng và hoàn trả toàn bộ phần tiền chênh lệch đã thu sai. Đồng thời trong thời gian Ngân hàng chưa khắc phục sai phạm và hoàn trả tiền, ông C sẽ tạm ngưng thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay cho Ngân hàng.
Ngày 01/02/2016, tại Văn bản thỏa thuận về xử lý mức lãi suất cho vay trả nợ quá hạn giữa Ngân hàng và ông C, hai bên thỏa thuận điều chỉnh lại lãi suất cho vay từ ngày 21/10/2009 đến hết ngày 31/01/2016 áp dụng lãi suất cho vay 11,5%/năm. Và thống nhất số tiền lãi suất chênh lệch đến hết ngày 28/7/2015 là 328.479.022 đồng. Ngân hàng sẽ hoàn trả số tiền lãi chênh lệch trên cho khách hàng bằng cách trích đề thu nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt khách mà ông C còn nợ Ngân hàng hiện đang quá hạn đến ngày 19/01/2016. Hai bên cam kết thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận tại văn bản này và không khiếu nại. Bên vay tiếp tục thực hiện đúng các nghĩa vụ của bên vay vốn theo quy định tại Hợp đồng tín dụng đã ký ngày 14/10/2009 và Văn bản sửa đổi bổ sung Hợp đồng tín dụng số 15586/2015- HĐTD-SĐBS/NHCT928 ngày 01/02/2016.
Bên vay cam kết không khiếu nại về lãi suất cho vay theo Hợp đồng tín dụng đã ký từ ngày 21/10/2009 đến hết ngày 31/01/2016. Mặt khác, Hợp đồng tín dụng ngày 14/10/2009 dựa trên ý chí tự nguyện và sự thỏa thuận giữa hai bên, đồng thời vào ngày 01/02/2016 hai bên đã thống nhất tại Văn bản thỏa thuận về việc xử lý các yêu cầu của ông C về lãi suất cho vay và trả nợ quá hạn, ông C cũng đã cam kết không khiếu nại về lãi suất và tiếp tục thực hiện đúng theo Hợp đồng tín dụng đã ký. Do vậy, việc thỏa thuận thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Hai bên thống nhất Hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng tín dụng ngày 28/7/2011 và Văn bản thỏa thuận ngày 01/02/2016 đều điều chỉnh lãi suất là một bộ phận không thể tách rời của hợp đồng tín dụng số 09024758 ngày 14/10/2009, có hiệu lực từ ngày ký. Nguyên đơn cho rằng ông Trần Thanh Đ ký vào Hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng tín dụng ngày 28/7/2011 là không đúng vì ông Đ không phải là người vay tiền. Nhận thấy, Ngân hàng đã giải ngân cho ông C , ông Trần Thanh Đ và bà Trần Thị V là chủ tài sản đã dùng tài sản của mình là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đồng ý thế chấp cho ông C vay tiền nên đã ký vào Hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng tín dụng ngày 28/7/2011. Mặc dù phía ngân hàng không có văn bản thông báo cho ông C biết về việc ông Trần Thanh Đ đến ngân hàng ký vào Hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng tín dụng ngày 28/7/2011, nhưng ông C hàng tháng vẫn trả tiền gốc và lãi bình thường cho đến khi 2 bên lập Văn bản thỏa thuận về xử lý mức lãi suất cho vay và trả nợ quá hạn ngày 01/02/2016 thì ông C không đóng.
Đối với chữ ký của ông Lê Văn T2 trên Hợp đồng tín dụng số 09024758 ngày 14/10/2009 và Hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng tín dụng ngày 28/7/2011 không giống nhau: Tại phiên Tòa người đại diện theo ủy quyền của ông C và ông C có đơn không yêu cầu giám định.
Từ căn cứ trên yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn về việc hủy bản án dân sự sơ thẩm số 301/2022/DS-ST ngày 08/9/2022 của Tòa án nhân dân quận G là không có cơ sở chấp nhận.
Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Đỗ Hùng C. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 301/2022/DS-ST ngày 08/9/2022 của Tòa án nhân dân quận G.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về hình thức: Bị đơn nộp đơn kháng cáo, Biên lai thu tạm ứng án phí phúc thẩm đúng thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 273, Điều 276 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên Đơn kháng cáo được chấp nhận.
[2] Về thủ tục tố tụng: Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã được tống đạt hợp lệ và đã có mặt tại phiên tòa nên Tòa án án tiến hành xét xử vụ án theo quy định tại Điều 294, Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[3] Xét kháng cáo của nguyên đơn về toàn bộ bản án sơ thẩm:
[3.1] Về thẩm quyền giải quyết: Ông Đỗ Hùng C khởi kiện yêu cầu Ngân hàng Thương mại Cổ phần C yêu cầu tuyên Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 14/10/2009 vô hiệu và buộc Ngân hàng hoàn trả cho ông C số tiền chênh lệch do thanh toán nợ nhiều hơn số tiền đã vay 1.493.182.057 đồng; Ông Đỗ Hùng C khởi kiện tranh chấp về hợp đồng tín dụng đối với Ngân hàng Thương mại Cổ phần C; địa chỉ trụ sở của Chi nhánh 9, Thành phố Hồ Chí Minh tại số 01 đường b, Phường A, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi thực hiện hợp đồng là Ngân hàng Thương mại Cổ phần C – Chi nhánh 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Tranh chấp về hợp đồng phát sinh từ hoạt động của chi nhánh, nơi thực hiện hợp đồng nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại khoản 3, Điều 26; điểm a, khoản 1, Điều 35; điểm b, điểm g, khoản 1, Điều 40 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
[3.2] Về quan hệ và đối tượng tranh chấp trong vụ án: Theo đơn khởi kiện đề ngày ngày 21/5/2018, nguyên đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, Tòa án cấp sơ thẩm lại thụ lý vụ án với yêu cầu là “hủy bỏ hợp đồng” là không đúng với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn do hậu quả pháp lý của yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu và hủy bỏ hợp đồng là khác nhau. Ngày 15/10/2018, bị đơn có đơn yêu cầu phản tố yêu cầu Tòa án buộc nguyên đơn thanh toán tiền nợ và tiền lãi, trường hợp không thanh toán tiền nợ và tiền lãi thì Ngân hàng sẽ xử lý tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên. Ngày 08/11/2019, bị đơn đã có đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố. Vậy bản án sơ thẩm lại xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp hợp đồng tín dụng là chưa chính xác và chưa thống nhất. Tuy nhiên, tại phần nhận định và phần quyết định, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã nhận định và không chấp nhận yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu nên mặc dù bản án sơ thẩm không xác định đúng quan hệ tranh chấp nhưng kết quả giải quyết vụ án là phù hợp với bản chất vụ việc và yêu cầu của các bên nên Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm về việc xác định quan hệ tranh chấp.
[3.3] Về nội dung và nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của các bên: Các bên tham gia ký kết Hợp đồng đều có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự, tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không vi phạm các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự 2005.
Ngày 21/10/2009, nguyên đơn và Ngân hàng đã ký Giấy nhận nợ và được Ngân hàng giải ngân số tiền là: 4.000.000.000 (bốn tỷ) đồng. Ngày 01/02/2016, Ngân hàng và ông C đã có văn bản thỏa thuận điều chỉnh mức lãi suất và cam kết thực hiện đúng theo thỏa thuận và hoàn trả số tiền lãi chênh lệch 328.579.276 đồng bằng cách trích để thu nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt ông C còn nợ Ngân hàng các kỳ gốc lãi tháng 8, 9, 10, 11, 12 năm 2015 và tháng 01/2016 hiện đang quá hạn đến hết ngày 19/01/2016.
[3.4] Về yêu cầu giám định chữ ký: Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có yêu cầu giám định chữ ký của ông Lê Văn T2 trên các hợp đồng tín dụng. Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn không đồng ý giám định chữ ký vì Ngân hàng xác định tất cả các chữ ký trên các hợp đồng là chữ ký ông Lê Văn T2, Ngân hàng cũng có nhiều bộ phận kiểm tra lại trước khi đóng dấu của pháp nhân là Ngân hàng. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 14/10/2009 có chữ ký và điểm chỉ của ông Đỗ Hùng C. Ngày 05/4/2023 và tại phiên tòa phúc thẩm, ông C và người đại diện theo ủy quyền của ông C là ông Đỗ Trọng T cũng đã xác nhận chữ ký và điểm chỉ là của ông Đỗ Hùng C. Như vậy, Hợp đồng tín dụng 09024758/HĐTD đã phát sinh hiệu lực đối với ông C. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Đỗ Trọng T là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn cũng đã xác định không yêu cầu giám định chữ ký của ông Lê Văn T2. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không cần thiết tiến hành trưng cầu giám định chữ ký.
[3.5] Về ý kiến trình bày của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn:
[3.5.1] Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng quy định tại Điều 24, ĐIều 93, Điều 108, Điều 109 của Bộ luật Tố tụng dân sự:
Thứ nhất, theo chứng cứ do nguyên đơn cung cấp là các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã công khai tài liệu, chứng cứ và đã xem xét những quy định này tại phiên tòa sơ thẩm.
Thứ hai, theo Văn bản thỏa thuận ngày 01/02/2016, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, Ngân hàng không cung cấp được Đơn đề nghị ngày 28/8/2015 đứng tên trên đơn là ông Đỗ Hùng C, do ông Đỗ Trọng T ký tên, nội dung: đề nghị tính lại lãi suất cho vay. Tuy nhiên, ngày 12/7/2013, ông Đỗ Hùng C đã ủy quyền cho ông Trần Đức H1 làm việc với Ngân hàng theo Giấy ủy quyền công chứng tại Văn phòng công chứng TT, số công chứng: 007298. Ông Trần Đức H1 đã làm việc và ký kết với Ngân hàng theo Văn bản thỏa thuận ngày 01/02/2016 trong phạm vi ủy quyền đúng theo quy định tại Điều 142, Điều 143 Bộ luật Dân sự năm 2005. Sau khi ký Văn bản thỏa thuận, Ngân hàng cũng đã điều chỉnh lại lãi suất cho vay từ ngày 21/10/2009 đến hết ngày 31/01/2016 và hoàn trả số tiền lãi chênh lệch đến hết ngày 28/7/2015 là 328.579.276 đồng, ông C và người đại diện theo ủy quyền của ông C cũng đã xác nhận nội dung này. Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 Điều 92, đây là những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh nên Hội đồng xét xử sơ thẩm không vi phạm tố tụng quy định tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Thứ ba, xét Hợp đồng sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dụng ngày 28/7/2011 và Hợp đồng sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dụng ngày 11/6/2013, Tòa án cấp sơ thẩm đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải và tống đạt Thông báo kết quả phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, tuy nhiên, nguyên đơn không có ý kiến trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm. Ngoài ra, người đại diện theo ủy quyền của ông Đỗ Hùng C có quyền làm việc với Ngân hàng là ông Trần Đức H1 (theo Giấy ủy quyền công chứng tại Văn phòng công chứng TT, số công chứng: 007298 ngày 12/7/2013) cũng đã ký lại Văn bản sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dung số 15586/2015-HĐTD-SĐBS/NHCT928. Như vậy, căn cứ vào Điều 254 Bộ luật Tố tụng dân sự về công bố tài liệu, chứng của vụ án, Hội đồng xét xử chỉ công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án trong những trường hợp sau đây: a) Người tham gia tố tụng không có mặt tại phiên tòa nhưng đã có lời khai trong giai đoạn chuẩn bị xét xử; b) Lời khai của người tham gia tố tụng tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai trước đó; c) Trong các trường hợp khác mà Hội đồng xét xử thấy cần thiết hoặc có yêu cầu của Kiểm sát viên, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác.
Như vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm không vi phạm tố tụng quy định tại Điều 108, khoản 1 Điều 109 và Điểm g, khoản 2, Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[3.5.2] Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét các căn cứ để hủy Hợp đồng tín dụng do vi phạm điều cấm của pháp luật:
Thứ nhất, về ý kiến của nguyên đơn về Hợp đồng tín dụng trái với quy định về điều kiện vay vốn, hồ sơ vay vốn, thẩm định và quyết định cho vay theo Quy chế cho vay ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy theo quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c, khoản 1, Điều 25 của Quy chế, Ngân hàng là bên có quyền yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi, khả năng tài chính của mình và của người bảo lãnh trước khi quyết định cho vay; có quyền từ chối cho vay và có quyền kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn. Như vậy, việc chứng minh về khả năng là tài chính là của khách hàng hay trong trường hợp này là nguyên đơn – ông Đỗ Hùng C theo Điểm a khoản 2 Điều 24 của Quy chế. Ngoài ra, nếu nguyên đơn xét thấy việc cho vay không đúng quy định thì nguyên đơn có quyền từ chối khi giao kết hợp đồng tín dụng theo Điểm a, khoản 1, Điều 24 của Quy chế. Cuối cùng, nguyên đơn không cung cấp được các tài liệu chứng cứ chứng minh việc Ngân hàng cho vay vi phạm các trường hợp tại Điều 19, Điều 20 của Quy chế nên Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy Hợp đồng không vi phạm điều cấm quy định tại Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN.
Thứ hai, xét ý kiến của nguyên đơn về lãi suất cho vay quy định tại Điều 11 của Quy chế cho vay ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN và Quyết định số 2232/QĐ-NHNN quy định về lãi suất cơ bản được áp dụng từ ngày 01/10/2009, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006, tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, phải có vốn pháp định và đăng ký kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật. Căn cứ Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án vay – trả nợ của ông Đỗ Hùng C ngày 14/10/2009 và các tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án, không có căn cứ cho thấy nguyên đơn vay để kinh doanh bất động sản. Như vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy Hợp đồng và Văn bản sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dung số 15586/2015-HĐTD- SĐBS/NHCT928 không vi phạm quy định tại Thông tư 01/2009/TT-NHNN, Văn bản số 1288/NHNN-CSTT ngày 27/02/2009, Văn bản số 8883/NHNN-CSTT ngày 12/11/2009 của Ngân hàng Nhà nước.
Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm không tuyên hủy Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 14/10/2009 là có căn cứ pháp luật. Việc nguyên đơn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét giải quyết tuyên hủy Hợp đồng sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 28/7/2011 và Văn bản thỏa thuận ngày 01/02/2016 là không xem xét toàn diện các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tuy nhiên, theo đơn khởi kiện ngày 21/5/2018 và thông báo thụ lý ngày 28/8/2018 và các biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm cho thấy nguyên đơn yêu cầu tuyên Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 14/10/2009 vô hiệu do vi phạm điều cấm, nên việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện chỉ tuyên Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 14/10/2009 mà không tuyên Hợp đồng sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dụng ngày 28/7/2011 và văn bản thỏa thuận ngày 01/02/2016 là có căn cứ. Mặt khác, Hợp đồng sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dụng ngày 28/7/2011 và văn bản thỏa thuận ngày 01/02/2016 có nội dung sửa đổi lãi suất của Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 14/10/2009, là sự cụ thể hóa Điều 3 của Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 14/10/2009 nên là phần không thể tách rời của Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 14/10/2009. Chính vì vậy, việc ký kết Hợp đồng sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 28/7/2011 với lãi suất cao hơn lãi suất thỏa thuận của Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 14/10/2009 và do ông Trần Thanh Đ ký kết với ngân hàng là không đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc chênh lệch lãi suất giữa Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 14/10/2009 và Hợp đồng sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dụng ngày 28/7/2011 đã được giải quyết tại Văn bản thỏa thuận ngày 01/02/2016, bị đơn đã giảm lãi suất và hoàn trả tiền lãi chênh lệch cho nguyên đơn. Vì vậy, không cần xem xét hủy bản án sơ thẩm như ý kiến của nguyên đơn.
Như vậy, các ý kiến của nguyên đơn là không phù hợp với ý kiến của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và nhận định nêu trên của Hội đồng xét xử, nguyên đơn cũng không cung cấp tài liệu chứng cứ khác nên không có cơ sở chấp nhận. Từ những căn cứ và nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là ông Đỗ Hùng C. Cần giữ nguyên nội dung của Bản án sơ thẩm số 301/2022/DS-ST ngày 08/9/2022 của Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí dân sự phúc thẩm 300.000 đồng theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ vào khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 244, Điều 264, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
Căn cứ vào Điều 4; Điều 121; Điều 122; Điều 128 Bộ luật Dân sự 2005;
Căn cứ Điều 90; Điều 91, Điều 94; Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010;
Căn cứ vào Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm;
Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án và Danh mục án phí, lệ phí Tòa án (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016);
Căn cứ vào Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã sửa đổi, bổ sung năm 2014. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn – ông Đỗ Hùng C.
1. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 301/2022/DS-ST ngày 08/9/2022 của Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh:
1.1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Yêu cầu tuyên Hợp đồng tín dụng số 09024758/HĐTD ngày 14/10/2009 giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần C-Chi nhánh 9, Thành phố Hồ Chí Minh và ông Đỗ Hùng C vô hiệu và buộc Ngân hàng hoàn trả cho ông C số tiền chênh lệch do thanh toán nợ nhiều hơn số tiền đã vay 1.493.182.057 đồng.
1.2. Đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn về việc: Yêu cầu buộc ông Đỗ Hùng C phải trả hết số tiền còn nợ 2.423.299.167 đồng.
3. Về án phí dân sự:
3.1. Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Đỗ Hùng C phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 28.397.731 đồng. Ngân hàng Thương mại Cổ phần C được nhận lại tiền tạm ứng án phí đã nộp là 40.232.991 đồng theo biên lai thu tiền số AA/2018/0001716 ngày 19/12/2018 của Chi cục thi hành án dân sự quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
3.2. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Đỗ Hùng C phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà ông Đỗ Hùng C đã nộp là 300.000 đồng theo Biên lai thu tiền số AA/2021/0049225 ngày 30/9/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự quận G, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Đỗ Hùng C đã đóng xong tiền án phí dân sự phúc thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 441/2023/DS-PT về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên hợp đồng tín dụng vô hiệu
Số hiệu: | 441/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 12/04/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về