Bản án về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản chứng thực vô hiệu số 80/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

BẢN ÁN 80/2023/DS-PT NGÀY 27/04/2023 VỀ TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN YÊU CẦU TUYÊN BỐ VĂN BẢN CHỨNG THỰC VÔ HIỆU

Ngày 27 tháng 4 năm 2023, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 27/2023/TLPT-DS ngày 10 tháng 01 năm 2023 về việc “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản chứng thực vô hiệu”.Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 32/2022/DS-ST ngày 19 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố L bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 22/2023/QĐ-PT ngày 08 tháng 02 năm 2023, Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 90/2023/QĐ- PT ngày 02 tháng 3 năm 2023 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Lê Văn Nh, sinh năm: 1961.

Địa chỉ: Tổ 14, ấp Q, xã G, huyện M, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Quảng Đức T, sinh năm 1978.

Địa chỉ: 41x/23 kênh H, phường T, quận P, thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị đơn: Bà Lê Thị V, sinh năm 1974.

Địa chỉ: Tổ 6, khu phố 2, phường B, thành phố L, tỉnh Đồng Nai.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà V: Luật sư Nguyễn Kim D - Văn phòng Luật sư Nguyễn Kim D thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Trịnh Công T, sinh năm 1971; Địa chỉ: Tổ 6, khu phố 2, phường B, thành phố L, tỉnh Đồng Nai.

2. Bà Lê Thị H1, sinh năm 1950. (Đã chết) Người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà H:

+ Ông Cao Văn B, sinh năm 1950. Địa chỉ: Ấp S, xã X, huyện M, tỉnh Đồng Nai.

+ Chị Cao Thị Tuyết Th, sinh năm 1971. Địa chỉ: E6/4, ấp 5, xã V, huyện B, thành phố Hồ Chí Minh.

+ Chị Cao Thị Thanh Th, sinh năm 1973.

+ Anh Cao Văn S, sinh năm 1976.

Cùng địa chỉ: Thôn Đoàn Kết, xã Đ, huyện R, tỉnh Đắk Nông.

3. Ông Lê Văn Th, sinh năm: 1952.

4. Bà Lê Thị L, sinh năm: 1954.

5. Bà Lê Thị Đ, sinh năm: 1956.

6. Bà Lê Thị Ngọc H, sinh năm: 1968.

Cùng địa chỉ: Tổ 14, ấp Q, xã G, huyện M, tỉnh Đồng Nai.

7. Bà Lê Thị M, sinh năm: 1963. Địa chỉ: Số 5x, tổ 6, khu phố 2, phường P, thành phố L, tỉnh Đồng Nai.

8. Bà Lê Thị H, sinh năm: 1970. Địa chỉ: Số 2x, tổ 6, khu phố 2, phường P, thành phố L, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà M, bà H: Ông Quảng Đức T, sinh năm 1978. Địa chỉ: 41x/23 kênh H, phường T, quận P, thành phố Hồ Chí Minh.

9. Ông Lê Văn Th1, sinh năm: 1967. Địa chỉ: Số 4x, tổ 6, khu phố 2, phường P, thành phố L, tỉnh Đồng Nai.

10. UBND phường P, thành phố L, tỉnh Đồng Nai. Địa chỉ: Quốc lộ 1, phường P, thành phố L, tỉnh Đồng Nai.

11. Văn phòng công chứng Đặng Thanh B. Địa chỉ: Số 1xx3 Nguyễn Văn T, khu phố 9, phường T, thành phố H, tỉnh Đồng Nai.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 02/4/2019 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn xác định:

Ông Lê Văn Nh là con của ông Lê Văn H, sinh năm 1922 (chết năm 2019) và bà Trần Thị T, sinh năm 1934 (chết năm 2016). Cha mẹ nguyên đơn có 11 người con, quá trình chung sống ông H, bà T tạo lập nhiều tài sản chung gồm nhiều thửa đất, trong đó có thửa đất diện tích 17.845m2 tọa lạc tại ấp Q, xã G, huyện M, tỉnh Đồng Nai. Năm 2010, ông H, bà T cho nguyên đơn ở, làm ăn sinh sống trên thửa đất này, mỗi năm ông Nh nộp hoa lợi cho cha mẹ ông dưỡng già và sau này có trách nhiệm thờ cúng ông bà. Sau khi ông H, bà T chết, bị đơn bà Lê Thị V bỗng nhiên đến đòi ông Nh phải giao lại thửa đất cho bà V trong khi đây là di sản do cha mẹ để lại, không phải là của bà V. Ngày 08/11/2018, bà V làm đơn gửi Ủy ban nhân dân xã G và đưa ra một số giấy tờ sau:

Bản di chúc ngày 15/6/2005 đứng tên ông H, bà T, có chứng thực của Ủy ban nhân dân phường P, thị xã L (nay là thành phố L), tỉnh Đồng Nai; Bản hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất công chứng ngày 26/10/2016.

Qua nghiên cứu bản di chúc ngày 15/6/2005 nguyên đơn nhận thấy không đúng quy định về công chứng, chứng thực, bởi cha mẹ ông Nh là người không biết chữ, không biết đọc nhưng khi lập di chúc lại không có người làm chứng, tại phần chứng thực Ủy ban nhân dân phường Ph xác định cha mẹ nguyên đơn đã đọc lại bản di chúc là không đúng bởi ông bà không biết chữ, trong trường hợp này bắt buộc phải có người làm chứng để đọc lại di chúc. Việc không có người làm chứng là hoàn toàn trái pháp luật. Do bản di chúc trái pháp luật nên hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất công chứng ngày 26/10/2016 là không có giá trị pháp lý. Nguyên đơn yêu cầu hủy bản di chúc vì giữa cha mẹ nguyên đơn làm di chúc cho nhau anh em nguyên đơn không ai biết, không có người làm chứng.

Ngoài ra, ông Nh cũng xác định toàn bộ tài sản trong di chúc là của cha mẹ ông là ông H, bà T tạo lập nhà trên đất tại phường P là 298m2 và 17.845m2 tại xã G, M. Khi đó các con của ông H, bà T đang còn nhỏ không rõ nguồn gốc ra sao. Trước đây ông H, bà T sinh sống và làm rẫy trên thửa đất này, sau đó ông, bà giao rẫy ở xã G cho em ông Nh là bà Lê Thị H canh tác. Sau đó đến năm 2010 bà H không làm nữa nên ông H giao cho ông làm, không có giấy tờ gì, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đứng tên ông H, hiện nay nguyên đơn vẫn canh tác trên thửa đất này.

Lý do nguyên đơn yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông Lê Văn H, bà Lê Thị V lập ngày 26/10/2016 tại Văn phòng công chứng Trần Thị Trúc L, nội dung ông H cho bà V thửa đất số 35, tờ bản đồi 39 ấp Q, xã G, huyện M diện tích 15.794,6m2 là vì thời điểm chứng thực ông H đã 93 tuổi, không còn minh mẫn, theo nguyên đơn hợp đồng này không có giá trị, lúc đó bà T (mẹ nguyên đơn) mới chết được 3 tháng là ký hợp đồng tặng cho này. Nguyên đơn không có chứng cứ gì chứng minh thời điểm 2016 ông H không còn minh mẫn, lúc đó ông H ở chung nhà với các con, mặc dù vẫn đi lại được nhưng không được khỏe phải có người hỗ trợ.

Nay ông Lê Văn Nh yêu cầu hủy bản di chúc lập ngày 15/6/2005 do Ủy ban nhân dân phường P, thị xã L (nay là thành phố L chứng thực và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 26/10/2016, số chứng thực 1882/HĐTC, quyển số 04 do Phòng công chứng Trần Thị Trúc L chứng thực.

Tại bản tự khai và các lời khai khác trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn là bà Lê Thị V do ông Nguyễn Đức Đ đại diện trình bày:

Ngày 15/6/2005 bà Trần Thị T và ông Lê Văn H là cha mẹ ruột của bà Lê Thị V cùng lập di chúc có chứng thực của Ủy ban nhân dân phường P. Sau khi mẹ bị đơn qua đời, quyền sử dụng đất do Sở tài nguyên và môi trường cấp cho cha bị đơn là ông Lê Văn H ngày 20/7/2016, theo tinh thần di chúc thì tài sản đã thuộc quyền sử dụng, định đoạt của ông Lê Văn H. Đến ngày 23/12/2016, ông H đã xác lập thủ tục tặng cho tài sản quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho bị đơn. Về cơ sở pháp lý được thể hiện tại trang 2 ngày 23/12/2016 trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kể từ đó tài sản này thuộc quyền quản lý của bị đơn, nhưng nguyên đơn ông Lê Văn Nh đã có hành vi cản trở làm hạn chế quyền quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản của bị đơn gây thiệt hại do không chăm sóc được cây trồng, vì đã đến thời vụ cây cần chăm sóc và tưới nước, bón phân, nguyên đơn còn đe dọa sẽ chém không cho bị đơn bước vào đất để canh tác. Do đó, tháng 8/2018 bị đơn gửi đơn khiếu nại đến Ủy ban nhân dân xã G, huyện M đề nghị giải quyết buộc ông Nh phải rời khỏi nhà và vườn để trả lại quyền quản lý sử dụng cho bị đơn theo giấy chứng nhận thay đổi cơ sở pháp lý ngày 23/12/2016. Tại Ủy ban nhân dân xã G nguyên đơn hứa vào ngày 31/10/2018 khi thu hoạch hết cà phê thì sẽ trả lại cho bị đơn có Ủy ban nhân dân xã làm chứng, nhưng đến hạn nguyên đơn không trả, còn thắc mắc khiếu nại việc ông H tặng cho tài sản cho bị đơn. Quá trình hòa giải tại cơ sở ông H đã có ý kiến rõ ràng, tài sản trên thuộc quyền của ông nên việc ông tặng cho ai là quyền của ông đã được luật dân sự bảo vệ, việc tặng cho không nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ đối với người khác. Ủy ban nhân dân xã G hòa giải lần 2 không thành, nên ngày 16/11/2018 bị đơn đã làm đơn khởi kiện nguyên đơn tại Tòa án nhân dân huyện M để đòi lại quyền sử dụng đất mà ông H đã tặng cho bị đơn nói trên. Tòa án nhân dân huyện M đang thụ lý vụ án, thì vào ngày 13/6/2019, bị đơn nhận được thông báo thụ lý của Tòa án nhân dân thành phố L, về việc nguyên đơn yêu cầu hủy bản di chúc lập ngày 15/6/2005 và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất lập ngày 26/10/2016, bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1) Ông Lê Văn Th và ông Lê Văn Th1 trình bày: Cha mẹ các ông là ông Lê Văn H và bà Trần Thị T, cha mẹ có 11 người con. Khi ông H, bà T làm di chúc ngày 15/6/2005 các ông không biết, khi cha mẹ các ông chết các ông cũng không được công bố di chúc. Qua yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn các ông đồng ý và không có yêu cầu gì trong vụ án, các ông có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

2) Bà Lê Thị H, Lê Thị Đ, Lê Thị H trình bày: Cha các bà là Lê Văn H và mẹ là Trần Thị T, cha mẹ các bà có 11 người con, các bà với nguyên đơn và bị đơn là anh, chị, em ruột. Nay nguyên đơn khởi kiện bị đơn bà V yêu cầu hủy di chúc và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, các bà không có yêu cầu gì, cũng như không có ý kiến hay thắc mắc khiếu nại gì. Riêng bà H đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn, bà Đ và bà H có đơn đề nghị giải quyết, xét xử vắng mặt.

3) Ủy ban nhân dân phường P: Tại văn bản ngày 05/11/2020 và văn bản ngày 12/3/2021 người đại diện theo pháp luật của Ủy ban nhân dân phường P xác định: Khi lập bản di chúc thì tinh thần sức khỏe ông H, bà T hoàn toàn khỏe mạnh, minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật; tại thời điểm lập di chúc ông H, bà T hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, bị ép buộc hay vì lý do nào khác. Ủy ban nhân dân phường P khẳng định thủ tục chứng thực bản di chúc ngày 15/6/2005 là đúng theo quy định pháp luật và cung cấp cho Tòa án sổ bộ còn lưu có chứa nội dung di chúc (có bản phô tô kèm theo) và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

4) Văn phòng công chứng Trần Thị Trúc L (nay là Văn phòng công chứng Đặng Thanh B) có ý kiến: Đối với hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất do Công chứng viên Trần Thị Trúc L ký công chứng là đúng theo quy định của pháp luật về công chứng. Bởi lẽ: đúng người yêu cầu công chứng, ký và điểm chỉ trong hợp đồng công chứng hoàn toàn tự nguyện, tài sản tặng cho còn tồn tại trên thực tế tại thời điểm công chứng và không bị kê biên tranh chấp. Về trình tự thủ tục các giấy tờ về công chứng là đúng theo quy định của pháp luật công chứng, Văn phòng có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

5) Ông Trịnh Công T: Thống nhất với ý kiến trình bày của bị đơn là bà V và phản bác toàn bộ nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nh.

6) Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà Lê Thị H1 là ông Cao Văn B, chị Cao Thị Tuyết Th, chị Cao Thị Thanh Th, anh Cao Văn S: Ông B là chồng bà H1, còn các anh chị Tuyết Th, Thanh Th, S là con bà H1, ông B và các anh, chị không có ý kiến hay yêu cầu gì trong vụ án. Ông B và các anh, chị có đơn đề nghị giải quyết và xét xử vắng mặt.

7) Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà Lê Thị L: ông Phạm Minh Nh, ông Phạm Minh Kh, bà Phạm Thị Bạch M và bà Phạm Thị H: các ông bà là con của bà L, chồng bà L là ông Phạm Quý N (chết năm 2009). Các ông bà không có ý kiến hay yêu cầu gì trong vụ án và đều có đơn đề nghị giải quyết và xét xử vắng mặt.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 32/2022/DS-ST ngày 19 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố L đã căn cứ khoản 11 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, Điều 227, Điều 228, Điều 235, Điều 266 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Luật công chứng năm 2006; Nghị quyết Số: 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao; Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngay 30/12/2016 Quy điṇ h về mưc thu, miên, giam, thu, nôp̣ , quan ly va sư duṇ g an phi va lê ̣ phi Toa an; các Điều 127, Điều 722 của Bộ luật dân sự năm 2005; các Điều 429, Điều 688 của Bộ luật dân sự năm 2015. Tuyên xử:

1. Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Văn Nh tranh chấp về yêu cầu hủy văn bản công chứng, chứng thực là bản di chúc lập ngày 15/6/2005 do Ủy ban nhân dân phường P, thị xã L (nay là thành phố L), tỉnh Đồng Nai chứng thực và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 26/10/2016, số chứng thực 1882/HĐTC, quyển số 04 do Phòng công chứng Trần Thị Trúc L công chứng đối với bị đơn là bà Lê Thị V.

Ngoài ra, Bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự theo luật định.

Kháng cáo:

Ngày 03/10/2022, nguyên đơn ông Lê Văn Nh, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị H, bà Lê Thị M có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, lý do chưa xác minh làm rõ nguồn gốc bản chính của di chúc do phía bị đơn cung cấp, chưa làm rõ quá trính cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Lê Văn H và bà Trần Thị T.

Phần phát biểu của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn: Nội dung phát biểu của Luật sư được thể hiện trong bài luận cứ bảo vệ quyền lợi được công khai tại phiên tòa. Tóm lại, nội dung xác định bản án sơ thẩm xét xử là có cơ sở, đúng với quy định của pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Phần phát biểu của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai tại phiên tòa phúc thẩm:

. Về việc chấp hành pháp luật tố tụng:

- Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử: Tòa cấp phúc thẩm đã thực hiện việc thụ lý, phân công Thẩm phán làm chủ tọa giải quyết vụ án, đảm bảo quyền kháng cáo. Thẩm phán đã thực hiện đúng các quy định về việc thu thập chứng cứ, việc cấp tống đạt văn bản tố tụng hợp lệ cho đương sự và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu đúng thời gian quy định. Hội đồng xét xử thực hiện đúng các quy định của Bộ luâṭ Tố tụng dân sư,̣ đảm bảo đúng thành phần, vô tư, khách quan và không có trường hợp phải thay đổi người tiến hành tố tụng; đồng thời, thủ tục phiên tòa được thực hiện đầy đủ và đúng quy định.

- Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án cũng như tại phiên tòa hôm nay các đương sự đã thực hiện đúng các quy định tại các Điều 70, 71, 72 và 234 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

. Quan điểm của Kiểm sát viên đối với kháng cáo: Nội dung phát biểu của Kiểm sát viên được thể hiện trong bài ý kiến phát biểu đã được công khai tại phiên tòa. Tóm lại, nội dung lập luận cho rằng yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Nhàn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Hiệp, bà Mai là không có cơ sở chấp nhận theo quy định của pháp luật, bản án sơ thẩm giải quyết là có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Lê Văn Nh, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị H, bà Lê Thị M giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về Tố tụng:

Nguyên đơn ông Lê Văn Nh, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị H, bà Lê Thị M làm đơn kháng cáo trong thời hạn luật định nên được xem xét, giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Tại cấp sơ thẩm, bị đơn bà Lê Thị V và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trịnh Công T ủy quyền cho ông Nguyễn Đức Đ tham gia tố tụng. Tại cấp phúc thẩm, bà V và ông T không tiếp tục ủy quyền cho ông Đ, ông Đ có văn bản xác định việc chấm dứt ủy quyền nên xác định bà V và ông T trực tiếp tham gia tố tụng.

Đại diện nguyên đơn, bị đơn, đại diện người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị H, bà Lê Thị M có mặt. Các đương sự là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác trong vụ án không có kháng cáo và cũng được tống đạt tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt, theo quy định Tòa án vẫn tiến hành xét xử.

[2] Về quan hệ pháp luật và tư cách đương sự: Cấp sơ thẩm xác định đúng và đầy đủ.

[3] Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Lê Văn Nh; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị H, bà Lê Thị M, nhận thấy:

[3.1] Đối với yêu cầu hủy bản di chúc của bà Trần Thị T, ông Lê Văn H lập ngày 15/6/2005 tại Ủy ban nhân dân phường P, thị xã L (nay là thành phố L), tỉnh Đồng Nai:

[3.1.1] Về thủ tục chứng thực:

Tài liệu, chứng cứ thu thập thể hiện bằng “Bản di chúc” được Ủy ban nhân dân phường P chứng thực ngày 15/6/2005, vào số 004, quyển số 01/2005 TP/CC-SCT/DCTC giữa ông Lê Văn H và bà Trần Thị T được nguyên đơn nộp bản pho to và bị đơn nộp bản chính cho Tòa án để đối chiếu, chứng cứ này được các đương sự thừa nhận. Nội dung bản di chúc thể hiện:

“Để tránh sự tranh chấp sau này giữa các con cháu, sau khi suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận, vợ chồng chúng tôi cùng tự nguyện thỏa thuận và định đoạt số tài sản nêu trên theo ý chí chỉ định của chúng tôi như sau: Trong trường hợp một trong hai chúng tôi mất đi, người còn sống (vợ hoặc chồng) được trọn quyền sở hữu số tài sản đã liệt kê trên.

Trong trường hợp cả hai vợ chồng đều mất cùng thời điểm, thì tài sản để lại được thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Nguyên đơn và các ông bà: Lê Văn Th, Lê Văn Th1, Lê Thị Ngọc H, Lê Thị Đ, Lê Thị H cho rằng khi ông H, bà T soạn thảo bản di chúc này các ông không biết.

Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung bản di chúc thì ông H, bà T để lại tài sản cho nhau, khi một bên chết trước. Không để lại tài sản của ông bà được liệt kê trong di chúc cho bất cứ người con nào và theo quy định của pháp luật thì người lập di chúc để lại tài sản của mình cho ai thì họ tự định đoạt theo ý chí của họ, không nhất thiết phải thông báo cho người được họ lập di chúc để lại tài sản biết hoặc phải thông báo cho người khác biết. Do đó, việc vợ chồng tự định đoạt tài sản chung của nhau không cần sự có mặt của các con, khi tài sản đó không có sự đóng góp của các thành viên trong gia đình.

Điều 8 Nghị định số: 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực quy định.

“1. Trong trường hợp pháp luật quy định việc công chứng, chứng thực phải có người làm chứng hoặc trong trường hợp pháp luật không quy định phải có người làm chứng, nhưng người yêu cầu công chứng, chứng thực không đọc, không nghe, không ký hoặc không điểm chỉ được, thì phải có người làm chứng...”.

Lời chứng ngày 15/6/2005 xác định: “Ông Lê Văn H và bà Trần Thị T có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; người lập di chúc đã đọc lại bản di chúc này và đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong di chúc đã ký tên và điểm chỉ vào di chúc trước sự có mặt của tôi”. Bản di chúc có chữ ký và điểm chỉ của người lập di chúc, ghi rõ “điểm chỉ ngón trỏ phải”.

Nguyên đơn cho rằng, bà T, ông H không biết chữ nhưng bản di chúc không có người làm chứng là sai quy định. Qua xem xét các chứng cứ thì thấy rằng, bản di chúc giữa ông H và bà T lập ngày 15/6/2005 có chữ ký và điểm chỉ của bà T và ông H, chứng tỏ ông H, bà T biết viết chữ, biết ký tên vào bản di chúc và cũng như chữ ký, chữ viết họ tên của ông Lê Văn H trong hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 20/10/2016 và phù hợp với các chứng cứ tại các giấy tờ như: đơn khất nợ năm 1988, hợp đồng cung ứng và sử dụng điện sinh hoạt năm 1985, giấy sang nhà, đơn công nhận quyền sử dụng đất năm 1994, giấy bán đất năm 2001 đều thể hiện có chữ ký của bà T và tại đơn cớ mất chứng minh nhân dân ngày 01/02/2006, phiếu chi ngày 25/10/2006, phiếu chi ngày 27/12/2006 cũng thể hiện chữ ký và chữ viết của ông H trong các văn bản này.

Tại biên bản xác minh ngày 25/10/2019 và tài liệu kèm theo (BL 45, 46) Ủy ban nhân dân phường P xác định, sau khi ký bản di chúc này, thì ngày 31/01/2019 ông Lê Văn H còn lập giấy ủy quyền cho người khác để thay ông đi thi hành bản án dân sự khác, tại thời điểm ký ủy quyền này cán bộ Tư pháp ông Trương Quang Đ cho biết ông Lê Văn H hoàn toàn minh mẫn và ký giấy ủy quyền trước mặt ông Đ.

Tại các biên bản ghi lời khai: các ông bà Lê Văn Th, Lê Văn Th1, Lê Thị Ngọc H, Lê Thị Đ, Lê Thị H cho rằng ông H và bà T không biết chữ, nhưng các ông bà lại cho rằng khi còn sống ông H, bà T thực hiện rất nhiều giao dịch như: cho vay tiền; mua, bán đất thì mỗi lần làm giấy tờ thì ông H, bà T yêu cầu mọi người đọc lại cho ông, bà nghe nhiều lần thì ông, bà mới ký tên.

Như vậy, đủ cơ sở xác định định nội dung bản di chúc chỉ thể hiện ông H, bà T để lại tài sản cho nhau khi một bên chết trước, không để lại tài sản của ông bà được liệt kê trong di chúc cho bất cứ người con nào và thời điểm lập di chúc ông H, bà T còn minh mẫn, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội, nên không cần thiết phải có người làm chứng trong trường hợp này.

Tại khoản 4 Điều 41 và khoản 3 Điều 42, Điều 59 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực quy định:

“4. ...trước khi ký, người yêu cầu công chứng, chứng thực phải tự đọc lại hợp đồng hoặc người thực hiện công chứng, chứng thực đọc cho họ nghe. Nếu họ đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong hợp đồng, thì ký tắt vào từng trang của hợp đồng, trừ trang cuối phải ký đầy đủ; sau đó người thực hiện công chứng, chứng thực chứng nhận hoặc chứng thực và ký tắt vào từng trang của hợp đồng, trừ trang cuối phải ký đầy đủ và đóng dấu vào hợp đồng”.

Căn cứ vào quy định công chứng chứng thực, bản di chúc ngày 15/6/2005 mặc dù bà Trần Thị T, ông Lê Văn H không ký tắt vào từng trang mà chỉ ký và điểm chỉ vào trang cuối của di chúc là có thiếu sót việc ký tắt vào từng trang. Tuy nhiên, như đã phân tích phần trên thì ông H và bà T lập bản di chúc ngày 15/6/2005 trên tinh thần tự nguyện, cùng nhau thể hiện ý chí định đoạt về tài sản chung của vợ chồng có điều kiện, trong trường hợp nếu khi một bên chết trước thì người còn lại được hưởng di sản của người kia. Việc thỏa thuận này là tự nguyện, không trái đạo đức xã hội, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi còn sống, cũng như người khác khi điều kiện một người chết trước xảy ra.

“Bản di chúc” lập ngày 15/6/2005, sau khi ký tên, điểm chỉ đã ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón trỏ, của bàn tay phải và đã được người có thẩm quyền là Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường P, ông Nguyễn Ngọc Th ký chứng thực là phù hợp với quy định pháp về trình tự thủ tục chứng thực.

[3.1.2] Về năng lực hành vi dân sự khi lập bản di chúc của bà Trần Thị T và ông Lê Văn H.

Tại thời điểm chứng thực bản di chúc, ngày 15/6/2005, bà Trần Thị T sinh năm 1934, ông Lê Văn H sinh năm 1922 (ông H 83 tuổi, bà T 71 tuổi), mặc dù lớn tuổi, nhưng ông bà còn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, tự định đoạt về tài sản của vợ chồng được thể hiện đã tự ký tên và điểm chỉ trong bản di chúc trước mặt người có thẩm quyền ký chứng thực. Đồng thời cán bộ Tư pháp phường P cũng cho biết tại thời điểm ngày 31/01/2019 (sau gần 14 năm), ông Lê Văn H vẫn còn thực hiện việc chứng thực ký tên ủy quyền cho người khác để giải quyết vấn đề thi hành bản án khác cho ông tại Ủy ban nhân dân phường P. Do vậy, không có căn cứ cho rằng thời điểm ông H, bà T lập di chúc năm 2005 không còn minh mẫn, sáng suốt.

Ngoài ra, sau khi bà T chết, ông H đi khai nhận di sản thừa kế, không có người con nào phản đối hay có ý kiến gì. Ngay cả khi làm việc tại Ủy ban nhân dân xã G, nguyên đơn ông Nh xác nhận ông canh tác trên thửa đất này trước khi ông H nhận di sản thừa kế của bà T và ông Nh có nguyện vọng có đất để làm nhà ở và thu hoạch những nông sản đang có và trả lại đất.

Từ những dẫn chứng nêu trên, khẳng định thủ tục chứng thực đối với di chúc giữa ông Lê Văn H và bà Trần Thị T đúng với quy định của pháp luật.

[3.2] Đối với yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất lập ngày 26/10/2016:

Sau khi bà Trần Thị T chết (14/7/2016), ngày 29/8/2016 ông Lê Văn H đã khai nhận di sản thửa kế tại Văn phòng công chứng A, thành phố L.

Ngày 26/10/2016 ông Lê Văn H lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất tại thửa đất số 223 tờ bản đồ số 8 bản đồ địa chính xã G, huyện M, tỉnh Đồng Nai cho bên nhận tặng cho là bà Lê Thị V.

Về trình tự thủ tục công chứng: Việc công chứng được thực hiện tại phòng công chứng Trần Thị Trúc L là đúng quy định pháp luật của Luật Công chứng năm 2006. Việc ông Lê Văn H tặng cho tài sản của mình cho con gái là bà Lê Thị V là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với quy định pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Do đó, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Văn Nh về việc yêu cầu hủy bản di chúc ngày 15/6/2005 do Ủy ban nhân dân phường P, thị xã L (nay là thành phố L) chứng thực và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 26/10/2016, số chứng thực 1882/HĐTC, quyền số 04 do Phòng công chứng Trần Thị Trúc L công chứng là không có căn cứ pháp luật.

Từ những cơ sở pháp lý đã được phân tích, đánh giá nêu trên cho thấy bản án sơ thẩm tuyên bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật. Tại cấp phúc thẩm, nguyên đơn ông Lê Văn Nh; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên bà Lê Thị H, bà Lê Thị M không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào mới để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo. Do đó, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo, giữ nguyên đường lối giải quyết của bản án sơ thẩm.

[4] Về án phí:

Án phí sơ thẩm: Bản án sơ thẩm buộc phải chịu án phí đối với nguyên đơn là đúng quy định.

Án phí phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận, nên nguyên đơn ông Lê Văn Nh; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên bà Lê Thị H, bà Lê Thị M phải chịu án phí phúc thẩm. Số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp sẽ được tính trừ vào án phí phải chịu.

[5] Quan điểm của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật nên được chấp nhận.

[6] Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Lê Văn Nh; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên bà Lê Thị H, bà Lê Thị M. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Căn cứ các Điều 127, Điều 722 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 429, Điều 688 của Bộ luật dân sự năm 2015; Luật công chứng năn 2006; Nghị quyết Số: 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao; Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngay 30/12/2016 Quy điṇh về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp , quản lý và sử dụng án phí và lê ̣ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Văn Nh tranh chấp về yêu cầu hủy văn bản công chứng, chứng thực là bản di chúc lập ngày 15/6/2005 do Ủy ban nhân dân phường P, thị xã L (nay là thành phố L), tỉnh Đồng Nai chứng thực và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 26/10/2016, số chứng thực 1882/HĐTC, quyển số 04 do Phòng công chứng Trần Thị Trúc L công chứng đối với bị đơn là bà Lê Thị V.

2. Về án phí:

- Buộc nguyên đơn ông Lê Văn Nh phải nộp 600.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Số tiền 600.000 đồng tạm ứng án phí ông Nh đã nộp (Theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 009727 ngày 11/6/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố L) được tính trừ vào án phí ông Nhàn phải nộp.

- Nguyên đơn ông Lê Văn Nh; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên bà Lê Thị H, bà Lê Thị M mỗi người phải nộp 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.

Số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm ông Nh, bà H, bà M mỗi người đã nộp 300.000 đồng (Theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005983, 0005984, 0005985 ngày 11/10/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố L) được tính trừ vào án phí phúc thẩm. Như vậy, ông Nh, bà H, bà M đã nộp xong án phí phúc thẩm.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

685
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản chứng thực vô hiệu số 80/2023/DS-PT

Số hiệu:80/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đồng Nai
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/04/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;