Bản án về tranh chấp lao động tiền lương số 11/2022/LĐ-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN GÒ VẤP, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 11/2022/LĐ-ST NGÀY 12/08/2022 VỀ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TIỀN LƯƠNG

Ngày 12 tháng 8 năm 2022 tại Phòng xử án của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số: 27/2020/TLST-LĐ ngày 30 tháng 11 năm 2020 về “Tranh chấp lao động về tiền lương” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 240/2022/QĐXXST-LĐ ngày 30 tháng 6 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số 217/2022/QĐST- LĐ ngày 27 tháng 7 năm 2022, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Thúy L, sinh năm 1976; Địa chỉ cư trú: Số A, ấp Đ, xã B, huyện H, Tp. HCM Đại diện ủy quyền: Bà Đinh Thị Nhật T, sinh năm 1985 (Văn bản ủy quyền ngày 29/7/2022) (có mặt)

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Đỗ Văn N - Luật sư Công ty Luật TNHH Super Green Law (vắng mặt)

Bị đơn: Công ty TNHH MTV Sản xuất A; Địa chỉ trụ sở: Số B, đường P, phường M, quận G, Tp. HCM.

Đại diện theo ủy quyền: Bà Tôn Nữ Thị Cẩm V, sinh năm 1994 (Văn bản ủy quyền ngày 01/4/2022) (có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện của Bà Nguyễn Thị Thúy L và trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, nguyên đơn và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn – ông Lê Văn Chiến trình bày:

Bà Lvào làm việc tại Công ty TNHH MTV A (sau đây viết tắt là Công ty A) từ ngày 10/11/2001, có ký kết hợp đồng lao động loại không xác định thời hạn nhưng không được Công ty A giao hợp đồng. Quá trình làm việc, bà L và Công ty A có ký thêm 02 phụ lục Hợp đồng lao động số 237/T1-07 ngày 31/12/2013 và 237/T1-07 ngày 22/4/2014 (bà L để lại chỗ làm nên đã bị thất lạc). Ngoài tiền lương đã thỏa thuận thì theo phụ lục hợp đồng lao động số 237/T1-07 ngày 22/4/2014, hàng tháng Công ty cho bà L hưởng thêm khoản phụ cấp tiền xăng, tiền nhà là 250.000 đồng và phụ cấp đắt đỏ là 610.000 đồng, tổng hai khoản phụ cấp là 860.000 đồng/tháng. Năm 2014, Công ty A đã chi trả đủ phụ cấp nhưng từ tháng 03/2015 thì chỉ chi trả 433.000 đồng/tháng và kể từ năm 2016 cho đến khi bà L thôi việc thì Công ty A ngưng trả toàn bộ phụ cấp. Ngoài ra Công ty A chưa trả cho bà L tiền thâm niên của giai đoạn từ 10/11/2001 đến tháng 12/2008 là 8.400.000 đồng. Vì vậy bà L khởi kiện yêu cầu Công ty A phải trả cho bà L các khoản sau:

- Tiền phụ cấp chi trả còn thiếu từ tháng 03/2015 đến tháng 12/2015 là 427.000đ x 10 tháng = 4.270.000 đồng - Tiền phụ cấp chưa chi trả từ 01/2016 đến hết 16/6/2020 là 860.000đ x 53.5 tháng = 46.010.000 đồng - Tiền phụ cấp thâm niên từ ngày 10/11/2001 đến tháng 12/2008 là 8.400.000 đồng.

Tổng cộng số tiền bà L yêu cầu Công ty A phải trả là 58.680.000 đồng.

Tại bản tự khai ngày 16/3/2021 và trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của bị đơn là bà Lê Hiền Th xác nhận thời gian bà L vào làm việc cho Công ty A là từ ngày 10/11/2001. Tuy nhiên vào giai đoạn trước năm 2007 do thời gian đã lâu và Công ty nhiều lần xảy ra ngập nước do mưa lớn, giấy tờ bị hư hỏng và thất lạc khá nhiều nên Công ty không lưu giữ tài liệu. Đến ngày 01/01/2007, thì Công ty A và bà L có ký kết hợp đồng lao động loại không xác định thời hạn. Ngoài hợp đồng lao động, hai bên còn ký kết rất nhiều phụ lục hợp đồng lao động để thay đổi mức lương cơ bản và phụ cấp qua từng năm. Công ty A đã chi trả đầy đủ quyền lợi cho bà L theo đúng Hợp đồng lao động và các Phụ lục Hợp đồng lao động đã ký kết. Về tiền phụ cấp thâm niên Công ty A mới có quy định kể từ tháng 02/2008 thể hiện tại Phụ lục hợp đồng lao động số 237/T02-08 ngày 01/02/2008 quy định mức phụ cấp thâm niên là 25.000 đồng/năm và Công ty A đã chi trả đầy đủ cùng với tiền lương hàng tháng cho bà L. Vì vậy, Công ty A không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà L.

Tại phiên tòa: Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là Bà Đinh Thị Nhật T vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn là Bà Tôn Nữ Thị Cẩm V không chấp nhận tòa bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn vắng mặt tại phiên tòa.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa và các đương sự:

Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán: Quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán đã thực hiện đúng, đầy đủ quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về xác định thẩm quyền giải quyết vụ án, xác định tư cách tố tụng, thu thập chứng cứ; thực hiện việc gửi các văn bản tố tụng, hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu đúng quy định. Tuy nhiên về thời hạn xét xử vi phạm quy định tại Điều 203 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về phiên tòa sơ thẩm.

Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án cũng như tại phiên tòa hôm nay, các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

- Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn chi trả các khoản phụ cấp theo tiền lương, đây là tranh chấp lao động về tiền lương; bị đơn có trụ sở tại quận Gò Vấp, Tp. HCM, căn cứ các điều 32, 35 và 39 của Bộ luật tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Tp. HCM.

- Về người tham gia tố tụng:

Ông Đỗ Văn N là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn vắng mặt tại phiên tòa lần thứ 2. Căn cứ điểm đ Khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án xét xử vắng mặt ông Đỗ Văn N.

[2] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

[2.1] Về quá trình xác lập quan hệ lao động:

Xét, mặc dù cả nguyên đơn và bị đơn đều không cung cấp được Hợp đồng lao động xác lập vào giai đoạn trước năm 2007, nhưng căn cứ vào lời trình bày của nguyên đơn được phía đại diện bị đơn xác nhận, Hội đồng xét xử có cơ sở xác định mốc thời gian bà L bắt đầu làm việc cho Công ty A là từ tháng 11/2001.

[2.2] Về giá trị pháp lý của các Hợp đồng lao động và Phụ lục hợp đồng lao động đã ký kết.

Hội đồng xét xử xét thấy, ngoài Phụ lục Hợp đồng lao động ký ngày 31/12/2013 và Phụ lục hợp đồng lao động ngày 22/1/2014 thì bà L không thừa nhận các Hợp đồng lao động và Phụ lục hợp đồng lao động do phía Công ty A xuất trình. Theo kết luận giám định số 2886/C09B ngày 08/6/2021 của Phân viện Khoa học Hình sự thuộc Bộ Công An đã xác định chữ ký, chữ viết mang tên Nguyễn Thị Thúy L tại mục người lao động trên các Hợp đồng lao động, Phụ lục hợp đồng lao động do phía Công ty A cung cấp với chữ ký, chữ viết tại các tài liệu do bà L cung cấp là do cùng một người viết, ký ra. Căn cứ vào kết quả giám định trên, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để khẳng định giữa bà L và Công ty A có ký kết các Hợp đồng lao động, Phụ lục hợp đồng lao động theo như lời trình bày và các chứng cứ mà phía đại diện Công ty A cung cấp. Căn cứ quy định tại các Điều 15, 24 và 25 của Bộ luật lao động năm 2012, thì thỏa thuận giữa bà L và Công ty A theo Hợp đồng lao động và các Phụ lục hợp đồng lao động đã ký kết có hiệu lực và làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa các bên.

[2.3] Về yêu cầu chi trả 4.270.000 đồng tiền phụ cấp còn thiếu của năm 2015.

Theo Phụ lục hợp đồng ký ngày 31/12/2014 quy định bà L được hưởng mức phụ cấp đắt đỏ là 183.000 đồng/tháng, phụ cấp xăng xe là 250.000 đồng/tháng. Tổng hai khoản phụ cấp này là 433.000 đồng/tháng; được áp dụng từ ngày 01/01/2015.

Đối chiếu với bảng thanh toán tiền lương năm 2015 do Công ty A cung cấp và bản sao kê tài khoản cá nhân năm 2015 do bà L cung cấp, thể hiện mức phụ cấp đắt đỏ và xăng xe hàng tháng Công ty A đã chi trả và đã được chuyển đầy đủ vào tài khoản của bà L. Việc bà L căn cứ vào Phụ lục hợp đồng lao động ký ngày 22/4/2014 (đã được thay thế bởi Phụ lục hợp đồng lao động ký ngày 31/12/2014) để cho rằng Công ty A chi trả thiếu tiền phụ cấp là không có cơ sở để chấp nhận.

[2.4] Về yêu cầu chi trả 46.010.000 đồng tiền phụ cấp tính từ ngày 01/01/2016 đến ngày 16/6/2020.

Xét, quan hệ lao động giữa bà L và Công ty A từ giai đoạn tháng 01/2016 đến tại thời điểm bà L thôi việc tháng 06/2020 đã được điều chỉnh lại bởi Hợp đồng lao động ký ngày 01/01/2016. Theo đó, tại Điều 4 của Hợp đồng có quy định mức lương cơ bản là 3.745.000 đồng và phụ cấp thâm niên là 25.000 đồng cho mỗi năm làm việc. Phụ lục hợp đồng lao động ký ngày 31/12/2016 điều chỉnh lại mức lương cơ bản là 4.012.500 đồng và phụ lục hợp đồng lao động ký ngày 29/12/2017 tiếp tục điều chỉnh mức lương cơ bản là 4.258.600 đồng. Như vậy, theo Hợp đồng lao động và các Phụ lục hợp đồng lao động nêu trên, kể từ năm 2016 trở đi Công ty A không còn áp dụng các khoản phụ cấp đắt đỏ, xăng xe như giai đoạn trước năm 2016. Vì vậy, bà L yêu cầu Công ty A trả tiền phụ cấp xăng xe, đắt đỏ từ năm 2016 đến tháng 06/2020 theo Phụ lục hợp đồng lao động ký ngày 22/4/2014 (đã được thay thế bởi hợp đồng lao động ký ngày 01/01/2016 và các Phụ lục hợp đồng sau đó) với số tiền là 46.010.000 là không có cơ sở chấp nhận.

[2.5] Về yêu cầu trả 8.400.000 đồng tiền thâm niên của giai đoạn từ tháng 11/2001 đến tháng 12/2008.

Xét, pháp luật về lao động không có quy định bắt buộc về tiền phụ cấp thâm niên. Việc có hay không có quy định phụ cấp này tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng mà mỗi Công ty có quy định riêng để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với công việc Công ty A có quy định về phụ cấp thâm niên từ tháng 02/2008 thể hiện tại Phục lục hợp đồng lao động số 237/T02-08 ký ngày 01/02/2008, đã chi trả đồng thời với tiền lương hàng tháng cho bà L được thể hiện tại bảng lương năm 2008 và bảng lương làm việc các năm cho đến khi bà L thôi việc.

Phía bà L không cung cấp được chứng cứ chứng minh Công ty A có quy định về tiền phụ cấp thâm niên cho giai đoạn trước năm 2008 và phía Công ty A cũng không thừa nhận. Do đó, bà Lyêu cầu Công ty A trả tiền thâm niên cho giai đoạn Công ty chưa có quy định về loại phụ cấp này là không có cơ sở để chấp nhận.

[3] Xét ý kiến của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án là có cơ sở nên chấp nhận.

[4] Về án phí lao động sơ thẩm:

Bà Lđược miễn tiền án phí theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự, điểm a Khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng các Điều 15, 24, 25 của Bộ luật Lao động năm 2012;

Điểm a Khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Bà Nguyễn Thị Thúy L

2. Về án phí lao động sơ thẩm: Bà Nguyễn Thị Thúy L được miễn tiền án phí lao động sơ thẩm.

3. Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

455
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp lao động tiền lương số 11/2022/LĐ-ST

Số hiệu:11/2022/LĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Gò Vấp - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 12/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;