TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 14/2022/DS-PT NGÀY 28/03/2022 VỀ TRANH CHẤP KIỆN ĐÒI TÀI SẢN VÀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Ngày 28 tháng 3 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 69/2021/TLPT-DS ngày 04 tháng 11 năm 2021 về tranh chấp kiện đòi tài sản và bồi thường thiệt hại.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2021/DS-ST ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện K, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 505/2021/QĐ-PT ngày 31 tháng 12 năm 2021, Thông báo về việc thay đổi thời gian mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm số 27/2021/QĐ-PT ngày 10 tháng 3 năm 2022 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Duy Ch và bà Cao Thị M; địa chỉ: Thôn N, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng; đều mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Đặng Quang Khải - Luật sư Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thành Hiệp - Đoàn Luật sư Hà Nội; có mặt.
- Bị đơn:
1. Ông Cao Hữu S và bà Phạm Thị L; địa chỉ: Thôn N, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng; đều có mặt.
2. Bà Cao Thị L1; địa chỉ: Thôn N, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng;
có mặt.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.
2. Cụ Nguyễn Duy C; địa chỉ: Thôn N, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.
3. Anh Nguyễn Duy Q; địa chỉ: Thôn N, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng; có mặt.
4. Anh Nguyễn Duy Q1; địa chỉ: Thôn N, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.
5. Chị Nguyễn Thị V; địa chỉ: Số X, đường Đ1, phường H, quận D, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.
- Ngươi khang cao : Ông Nguyễn Duy Ch và vợ là bà Cao Thị M là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trình bày và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Cụ Nguyễn Duy C (sinh năm 1937) có vợ là cụ Đỗ Thị Len (sinh năm 1935, chết năm 1994). Cụ C và cụ Len có 04 người con, gồm: Nguyễn Duy C, Nguyễn Duy Ch, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị L1. Năm 1983 ông C1 lấy vợ là Cao Thị L1 và vợ chồng ở riêng. Năm 1984 vợ chồng cụ C xây 01 nhà 03 gian mái ngói, công trình phụ (chuồng lợn, chuồng trâu, nhà vệ sinh, bể nước mưa). Năm 1986 ông Ch lấy vợ là Cao Thị M và vợ chồng sinh sống cùng cụ C, cụ Len trong ngôi nhà cấp 4, 3 gian, xây dựng bằng gạch chỉ, cột gỗ sến, lợp ngói đỏ trên diện tích 334m2 đất của cụ C, cụ Len tại thôn N, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng. Đến năm 1987 thì cụ C, cụ Len đến Ủy ban nhân dân xã Đ yêu cầu Ủy ban nhân dân xã Đ tách 167m2 đất ở cho vợ chồng ông Ch, bà M. Được cụ C, cụ Len cho đất thì ông Ch, bà M xây dựng nhà ở và công trình phụ trên đó. Đến năm 1999 thì cụ C bán hết diện tích đất còn lại là 167m2 cho ông Ch và bà M với giá 10.000.000 đồng. Đến ngày 17 tháng 8 năm 2002 thì vợ chồng ông Ch, bà M đến Ủy ban nhân dân xã Đ làm thủ tục chuyển nhượng và được Ủy ban nhân dân xã Đ xác nhận đồng thời ông Ch, bà M đã nộp lệ phí chuyển nhượng là 167.000 đồng cho Ủy ban nhân dân xã Đ và xây dựng nhà ở, công trình phụ, tường bao xung quanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước. Đến ngày 04/11/2007 thì vợ chồng ông Nguyễn Duy C, bà Cao Thị L1 và các con cái đã vô cớ dùng hung khí đập phá toàn bộ tài sản là nhà ở và vật dụng trong nhà để chiếm đoạt 167m2 đất. Đến ngày 13/02/2009 thì vợ chồng ông Cao Hữu S, bà Phạm Thị L cùng anh em trong gia đình tiếp tục đập phá toàn bộ công trình phụ và tường bao trên diện tích đất 167m2 tại thửa đất số 13, tờ bản đồ số 02 tại thôn N, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng.
Nay, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu: 1. Bị đơn trả lại quyền sử dụng đất thổ cư 167m2. 2. Bị đơn phải bồi thường số tài sản bị thiệt hại là toàn bộ công trình phụ (bao gồm 01 nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm, chuồng trâu, chuồng lợn) và toàn bộ 30m tường bao xung quanh thửa đất trị giá 150.000.000 đồng và số tiền cho thuê đất là 200.000.000 đồng; tổng là 350.000.000 đồng. 3. Yêu cầu bà Cao Thị L1 và các con là Nguyễn Duy Q, Nguyễn Duy Q1, Nguyễn Thị V phải liên đới bồi thường số tài sản đã bị hủy hoại là 01 ngôi nhà ở 04 gian cấp 4 trị giá 400.000.000 đồng; 01 tủ đứng 02 buồng trị giá 12.000.000 đồng; 01 giường nằm trị giá 10.000.000 đồng; 01 ngựa gỗ sến trị giá 15.000.000 đồng; 01 tủ chè trị giá 10.000.000 đồng; 01 hòm đựng thóc trị giá 10.000.000 đồng và một số đồ gia dụng khác như mâm, bát đĩa, nồi, cuốc xẻng…. trị giá 10.000.000 đồng, tổng cộng là 467.000.000 đồng.
Trình bày và đề nghị của bị đơn là ông Cao Hữu S và bà Phạm Thị L: Về yêu cầu của nguyên đơn đòi lại 167m2 đất thổ cư tại tại thửa số 13, tờ bản đồ số 02 tại thôn N, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng: Ngày 02/2/2008 ông S, bà L mua của cụ C 01 thửa đất diện tích 167m2 tại thửa đất số 13, tờ bản đồ số 2 tại thôn N, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng. Thửa đất có tứ cận như sau: Phía Đông dài 8,2m giáp đường, phía Tây dài 7,9m giáp đất ông Nhân, phía Nam dài 21,5m giáp đất ông Ch, phía Bắc dài 20,2m giáp ngõ xóm. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa cụ C và ông S, bà L có lập hợp đồng chuyển nhượng và có xác nhận của người làm chứng, cơ sở thôn và được Ủy ban nhân dân xã Đ chứng thực. Hiện nay ông S, bà L đã xây dựng 01 căn nhà mái bằng kiên cố trên diện tích đất đã mua. Hiện trạng tài sản đã được Tòa án nhân dân huyện K xem xét, thẩm định tại chỗ và ông S, bà L đồng ý, không có ý kiến nào khác về hiện trạng của diện tích đất hiện nay là 159,7m2 cũng như công trình trên đất theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ của Tòa án nhân dân huyện K, thành phố Hải Phòng.
Về việc nguyên đơn khởi kiện cho rằng ông Cao Hữu S và bà Phạm Thị L cùng anh em trong gia đình đập phá tài sản là công trình phụ, tường bao…và phải bồi thường số tiền là 150.000.000 đồng: Như đã trình bày ở trên, ông S, bà L mua đất của cụ C và được Ủy ban nhân dân xã Đ chứng thực theo quy định của pháp luật. Khi ông S, bà L mua đất của cụ C trên đất không còn nhà cửa gì cả mà chỉ còn mấy công trình phụ đổ nát không còn giá trị sử dụng như nhà tắm, chuồng trâu, tường bao… Ông S, bà L thỏa thuận với cụ C là mua đất chứ không mua các công trình trên đất, cụ C đồng ý và nói sẽ phá dỡ hết các công trình trên đất để bàn giao mặt bằng đất cho ông S, bà L. Sau đó vào khoảng năm 2009 ông S, bà L có nhu cầu trực tiếp sử dụng đất nên đề nghị cụ C bàn giao mặt bằng thửa đất nên cụ C đã mượn con, cháu và một số người hàng xóm dọn sạch mặt bằng. Việc phá dỡ các công trình nêu trên là do cụ C mượn một số con cháu và hàng xóm tháo dỡ không liên quan gì đến vợ chồng ông S, bà L. Ông S, bà L chỉ tham gia dọn dẹp mặt bằng để sử dụng đất, không đập phá tài sản gì của ông Ch, bà M nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Về việc nguyên đơn khởi kiện yêu cầu ông S, bà L phải trả cho ông Ch, bà M số tiền cho anh Cao Hữu Th thuê đất là 200.000.000 đồng: Ông S, bà L mua đất hợp pháp của cụ C, sau đó khi chưa có điều kiện và nhu cầu sử dụng đất thì ông S, bà L cho anh Cao Hữu Th thuê đất để làm xưởng sửa chữa ô tô. Việc ông S, bà L cho anh Th thuê đất có lập thành hợp đồng và được Ủy ban nhân dân xã Đ chứng thực theo quy định của pháp luật. Ông S, bà L cho anh Th thuê đất từ ngày 22/01/2011 đến tháng 01/2014; giá thuê đất là 800.000 đồng/tháng. Trong suốt thời gian anh Th thuê đất của ông S, bà L để sử dụng thì ông S, bà L không tăng tiền thuê đất vì xưởng sửa chữa ô tô của anh Th cũng không đông khách. Số tiền anh Th trả cho ông S, bà L trong thời gian thuê đất là 36 tháng x 800.000 đồng/tháng = 28.800.000 đồng. Anh Th đã thanh toán đầy đủ cho ông S, bà L và giữa hai bên không có tranh chấp gì về vấn đề này. Số tiền này không liên quan gì đến nguyên đơn nên không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Trình bày và đề nghị của bị đơn là bà Cao Thị L1: Bà lấy ông Nguyễn Duy C vào khoảng năm 1983 và sinh sống tại thôn N, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng. Cha mẹ chồng bà là cụ C và cụ Len cùng các con sống trên diện tích đất 334m2. Thời điểm bà lấy ông C1 thì hai vợ chồng bà được cha mẹ hỗ trợ xây dựng nhà riêng trên một mảnh đất khác gần nhà cụ C, cụ Len. Việc cụ C bán đất cho ông Ch, bà M thế nào thì bà không biết cụ thể, bà chỉ biết cụ C nói vừa bán vừa cho ông Ch, bà M 167m2 còn 1 nửa đất và căn nhà cũ thì cụ C vẫn tiếp tục sử dụng. Sau đó cụ Len mất, các con gái đi lấy chồng, cụ C ở cùng vợ chồng ông Ch bà M thì hay xảy ra xích mích cãi cọ nên cụ C đã bán nốt phần đất còn lại cho ông S, bà L và dọn về nhà con trai là ông Nguyễn Duy C ở. Việc phá tài sản trên đất thì cụ C nhờ con cháu, trong đó có chồng bà là ông Nguyễn Duy C và một số người hàng xóm tháo dỡ căn nhà cũ và công trình phụ đã dột nát thuộc quyền sở hữu của cụ C, cụ Len. Bản thân bà không tham gia việc tháo dỡ các tài sản trên đất mà chỉ tham gia chuyển một số đồ dùng cá nhân của cụ C về nhà bà. Nay, nguyên đơn yêu cầu bà phải bồi thường số tài sản bị đập phá bà không đồng ý.
Trình bày của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng: Sổ mục kê và bản đồ giải thửa thuộc hệ thống sổ sách địa chính năm 1985 của Ủy ban nhân dân xã Đ và các tài liệu, chứng cứ khác xác định: Năm 1967 cụ Nguyễn Duy C được Hợp tác xã nông nghiệp Đ cấp cho mảnh đất diện tích 334m2 tại thửa đất số 13, tờ bản đồ số 02, tại thôn N, xã Đ. Về quá trình sử dụng đất: Thửa đất số 13, tờ bản đồ số 02, diện tích 334,0m2 sau đó được tách thành 02 thửa: Thửa 13a, diện tích 167,0m2; thửa 13b, diện tích 167,0m2. Đối với thửa đất 13b, diện tích 167m2: Năm 1986 ông Nguyễn Duy Ch được cha là cụ Nguyễn Duy C vừa bán vừa cho diện tích 167m2. Đến năm 1999 bà Cao Thị M là vợ ông Nguyễn Duy Ch đã tự viết đơn ngày 15/11/1999 đứng tên cụ Nguyễn Duy C đề nghị chuyển nhượng 167m2 cho con là ông Nguyễn Duy Ch và có chữ ký của bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng và chữ ký của người làm chứng cơ sở thôn là ông Cao Đức Muỗn, trưởng thôn N, xã Đ (tuy nhiên tại thời điểm này ông Cao Đức Muỗn chưa làm trưởng thôn). Sau đó ngày 17/8/2002 gia đình ông Nguyễn Duy Ch đã mang theo đơn cũ đề ngày 15/11/1999 đứng tên cụ Nguyễn Duy C đề nghị chuyển nhượng diện tích 167m2 đất đến Ủy ban nhân dân xã Đ làm thủ tục chuyển nhượng. Ông Vũ Duy Chuyền là cán bộ địa chính xã đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã Đ ký xác nhận vào giấy chứng nhận chuyển nhượng đất ở, mua bán tài sản diện tích 167m2, tờ bản đồ số 02, thửa số 13, vị trí giáp ranh của thửa đất: Phía Đông giáp đường 404, phía Tây giáp hộ ông Phố, phía Nam giáp hộ ông Liệt, phía Bắc giáp hộ ông Ch. Tuy nhiên, Uỷ ban nhân dân xã Đ đã ghi không đúng với thực tế về ranh giới vị trí thửa đất chuyển nhượng, ghi sai phía Bắc giáp hộ ông Ch nhưng trên thực tế phía Bắc giáp hộ cụ Nguyễn Duy C. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc ông Ch khiếu kiện về quyền sử dụng đất sau này. Năm 2007 ông Nguyễn Duy Ch tách thửa đất 13b thành 02 thửa: Thửa 13b.1, diện tích 72,0m2; thửa 13b.2, diện tích 95,0m2. Thửa 13b.1 vợ chồng ông Ch đã xây dựng nhà ở, hiện vẫn đang trực tiếp sử dụng. Thửa 13b.2 ông Nguyễn Duy Ch đã chuyển nhượng cho anh Nguyễn Duy Trọng vào năm 2007. Đối với thửa đất 13a, diện tích 167m2: Năm 2008 cụ Nguyễn Duy C đã chuyển nhượng quyền sử dụng cho ông Cao Hữu S (Có giấy viết tay được cơ sở thôn và Ủy ban nhân dân xã Đ xác nhận). Hiện vợ chồng ông S bà L đã xây nhà ở và đang ăn ở, sinh hoạt trên thửa đất. Đối với các hoạt động liên quan đến tài sản trên đất: Khoảng năm 1984 cụ Nguyễn Duy C và vợ cụ Đỗ Thị Len xây dựng được 01 nhà 03 gian mái ngói và ở cùng với 03 người con (khi đó con trai trưởng là ông Nguyễn Duy C đã xây dựng gia đình và ra ở riêng). Đến khoảng năm 1986 ông Nguyễn Duy Ch là con thứ hai lấy vợ nhưng ở cùng với cha mẹ và các em, sau đó do nhu cầu sinh hoạt, khoảng 01 đến 02 năm sau vợ chồng cụ C cùng con cái có xây cơi nới thêm 01 gian nhà mái ngói nối vào đầu hồi nhà 03 gian trước đó. Sau khi vợ cụ C chết, các em của ông Ch đi xây dựng gia đình, vào khoảng năm 2007 vợ chồng ông Ch xây nhà, chuyển ra ở riêng, chỉ còn một mình cụ C ăn ở, sinh hoạt tại căn nhà trên. Do thời gian xây dựng đã nhiều năm, căn nhà đã xuống cấp, hư hỏng nên tháng 11/2007 cụ C đã trao đổi với các con, người thân trong gia đình về việc dỡ căn nhà trên, tất cả đã nhất trí (trừ vợ chồng ông Ch) và đã tiến hành tháo dỡ. Sau đó đến đầu năm 2009, cụ C tiếp tục cho tháo dỡ công trình phụ còn lại như tường bao, nhà bếp, nhà vệ sinh, chuồng lợn, chuồng trâu đã xây dựng trước đó nhiều năm. Sau khi tháo dỡ, toàn bộ nguyên vật liệu và tài sản cụ C đã chuyển giao cho ông Ch, bà M quản lý, sử dụng. Việc ông Nguyễn Duy Ch, bà Cao Thị M cho rằng Uỷ ban nhân dân xã Đ không xử lý một số người đến đập phá tài sản của gia đình ông Ch bà M là không có cơ sở vì đây không phải là tài sản của ông Ch bà M mà là tài sản của cụ C, vợ là cụ Len và con cái trong quá trình chung sống gây dựng lên. Mặt khác, vào thời điểm xảy ra sự việc Uỷ ban nhân dân xã Đ đã nhiều lần mời ông Ch, bà M và cụ C đến trụ sở Uỷ ban nhân dân xã Đ để giải thích, động viên, hòa giải nhưng sự việc không hòa giải được. Sự việc cũng đã được Uỷ ban nhân dân huyện Kiến Thuy, Công an huyện K, Thanh tra thành phố Hải Phòng có văn bản trả lời, kết luận.
Trình bày của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là cụ Nguyễn Duy C: Cụ C và cụ Len lấy nhau sinh được 04 người con là Nguyễn Duy C, Nguyễn Duy Ch, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị L1 và cùng sinh sống trên diện tích đất 334m2 tại thôn N, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng. Đến khoảng năm 1983 thì con trai Nguyễn Duy C lấy vợ và ra ở riêng cách khoảng 50m. Đến năm 1984 thì cụ C, cụ Len xây dựng 01 ngôi nhà ngói cấp 4, 3 gian và công trình phụ gồm chuồng trâu, chuồng lợn, nhà vệ sinh và 01 bể nước mưa. Đến năm 1986 thì ông Nguyễn Duy Ch lấy bà Cao Thị M và cùng sinh sống với vợ chồng cụ C, cụ Len ở căn nhà trên mảnh đất nói trên. Trong thời gian vợ chồng ông Ch, bà M chung sống thì hay xảy ra xích mích với cụ Len nên gia đình ông xây dựng thêm 01 gian thò nối vào ngôi nhà của cụ C, cụ Len để ông Ch, bà M sống ở đó, gian thò nằm giáp phía nhà ông Phố. Đến năm 1990 thì con gái Nguyễn Thị L1 đi lấy chồng, năm 1991 thì con gái Nguyễn Thị L đi lấy chồng. Đến năm 1994 thì cụ Đỗ Thị Len qua đời. Sau khi cụ Len qua đời thì ông Ch, bà M dọn chung sống cùng với cụ C và không ở gian thò ấy nữa. Đến khoảng năm 1999 thì cụ C bán cho vợ chồng ông Ch 01 lô đất có diện tích khoảng 95m2, chiều ngang phía trước (phía Đông là 5m) giáp đường; phía sau (phía Tây) là 4,5m giáp nhà ông Phố, phía Nam giáp nhà ông Liệt, phía Bắc giáp nhà cụ C; chiều dài khoảng 18m với giá 10.000.000 đồng, anh Chung mới trả được 4.000.000 đồng. Việc này có ông Phạm Đức Dính là hàng xóm chứng kiến, còn lại khoảng 72m2 cụ C cho ông Ch, bà M. Tổng diện tích cụ C vừa bán, vừa cho ông Ch, bà M là 167m2. Còn lại 167m2 đất cùng với ngôi nhà cấp 4, công trình phụ, chuồng trâu, chuồng lợn, nhà vệ sinh, bể nước mưa thì vẫn thuộc quyền sở hữu và quản lý của cụ C. Cuối năm 2003 thì vợ chồng ông Ch thường hay xảy ra xích mích với cụ C nên cụ C ra nhà con trai trưởng là Nguyễn Duy C gần đó ăn, ăn xong thì lại về căn nhà cấp 4 đó để nghỉ ngơi. Sau đó khoảng đầu năm 2007 thì ông Ch, bà M bán 95m2 đất trong 167m2 đất mà cụ C đã vừa bán vừa cho vợ chồng ông Ch trước đó cho anh Trọng. Sau khi bán đất cho anh Trọng thì vợ chồng ông Ch dùng tiền bán đất xây dựng 01 căn nhà trên diện tích đất còn lại là 72m2 cạnh lô đất bán cho anh Trọng và tự cắt mái hiên của ngôi nhà cấp 4 và gian thò trước đó để phục vụ việc xây nhà của ông Ch, bà M. Khi xây nhà, ông Ch, bà M đã xây lấn sang một phần diện tích đất của cụ C, cụ C biết nhưng cũng không có ý kiến gì vì là cha con. Đến nay cụ C cũng không có ý kiến và đề nghị gì về việc ông Ch, bà M xây nhà lấn sang đất cụ C. Trong quá trình xây dựng ông Ch để gạch, vữa rơi vào mái ngói nhà cụ C làm hư hỏng nặng nhiều chỗ nhưng ông Ch, bà M cũng không sửa chữa cho cụ C. Sau khi ông Ch, bà M xây nhà xong thì đã khiêng đồ dùng cá nhân gồm tủ quần áo, giường ngủ, hòm thóc, bát đĩa…. về để dùng còn chiếc tủ chè cũ đã mất chân thì ông Ch bà M không bê về mà để lại đó. Sau khi xây dựng xong thì ông Ch, bà M chuyển lên ở căn nhà đó từ thời điểm đó cho đến nay còn cụ C vẫn ở căn nhà cấp 4 cũ của cụ C. Sau đó do căn nhà cũ, xuống cấp, tường nứt, mái ngói dột nát không thể ở được và rất nguy hiểm nên cụ C bàn với các con, cháu phá dỡ đi để sửa chữa lại và mọi người đều đồng ý chỉ có ông Ch, bà M không đồng ý. Ngày 05/11/2007 là ngày cúng cụ Đỗ Thị Len, sau khi cúng xong cụ C bảo vợ chồng ông Ch bê tủ chè về để cho cụ C tháo dỡ và cải tạo lại căn nhà cấp 4 nhưng vợ chồng ông Ch không sang bê mà vẫn để đó. Cụ C bực tức nên có cầm gậy chọc cho ngói rơi xuống thì ông Ch, bà M chạy sang không cho cụ C phá nên cụ C bảo con trai là Nguyễn Duy C và một số người cháu họ trèo lên để phá dỡ thì bị ông Ch, bà M cùng các con chửi bới và cầm gạch, đá ném vào cụ C và con, cháu. Sau đó Ủy ban nhân dân xã Đ đã xuống giải quyết và xác nhận ngôi nhà và diện tích đất đó thuộc quyền sở hữu của cụ C. Cụ C đã nhờ con trai là Nguyễn Duy C, con gái là Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị L1 và một số người là họ hàng đến để tháo dỡ, sửa chữa ngôi nhà cấp 4, trong đó có ông Nguyễn Duy Thau là em trai cụ C, ông Cao Hữu Cơ là cháu họ, anh Nguyễn Duy Vi là cháu họ, anh Cao Đức Vao là cháu họ và anh Cao Hữu Mạnh là con rể cụ C, anh Phạm Đức Dịu, Phạm Đức Thỏa, Ngô Thanh Tân và hàng xóm có ông Dính, ông Liệt và 1 số người khác nữa… Sau đó đến năm 2008 thì cụ C bán cho ông S, bà L diện tích đất 167m2 còn lại, cụ thể vị trí thửa đất là phía trước (phía Đông) giáp đường có chiều dài khoảng 8m, phía sau (phía Tây) khoảng 8m giáp nhà ông Phố; phía Nam giáp đất ông Ch dài khoảng 18m, phía Bắc giáp ngõ xóm dài khoảng 18m. Việc bán đất có qua Xã làm thủ tục và có xác nhận của chính quyền xã. Khi bán đất cụ C đã phá dỡ căn nhà cấp 4 của cụ C nhưng vẫn còn để lại công trình phụ. Sau đó khi ông S, bà L yêu cầu trả mặt bằng thì cụ C phá dỡ nốt công trình phụ và tường bao để bàn giao mặt bằng cho ông S, bà L. Hiện nay ông S, bà L đã xây dựng nhà ở kiên cố trên diện tích đất đã mua. Giữa cụ C và ông S, bà L không có khiếu nại hay tranh chấp gì về việc này.
Trình bày của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Duy Q, anh Nguyễn Duy Q1 và chị Nguyễn Thị V: Các anh, chị là con của ông Nguyễn Duy C và bà Cao Thị L1. Các anh, chị không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Ch bà M vì các anh, chị không tham gia vào việc phá dỡ tài sản như ông Ch, bà M đã nêu mà việc phá dỡ đó là do cụ C nhờ các con, cháu họ hàng và hàng xóm tháo dỡ. Mặt khác đó là căn nhà của cụ C, cụ Len, đã dột nát, hư hỏng nên cụ C cho tháo dỡ để sửa chữa nhưng sau đó do già yếu và không có tiền sinh sống nên cụ C đã bán diện tích đất còn lại cho ông S và bà L theo như hiện trạng hiện nay là đúng.
Tài liệu chứng cứ:
- Tài liệu do Công an huyện K, thành phố Hải Phòng cung cấp thể hiện: Việc ông Nguyễn Duy Ch tố cáo cụ Nguyễn Duy C và một số người khác có hành vi đập phá, hủy hoại tài sản của ông Ch, bà M là không có cơ sở.
- Tài liệu do Ủy ban nhân dân huyện K, thành phố Hải Phòng cung cấp thể hiện: Việc ông Nguyễn Duy Ch tố cáo Uỷ ban nhân dân xã Đ không xử lý một số người đến đập phá tài sản của gia đình ông là không có cơ sở. Về việc Uỷ ban nhân dân xã Đ ký xác nhận chuyển nhượng đất đai của gia đình cụ Nguyễn Duy C và ông Nguyễn Duy Ch: Ủy ban nhân dân xã Đ đã xác nhận chuyển nhượng cho các hộ ông Nguyễn Duy Ch năm 2002 diện tích 167m2, ông Cao Hữu S năm 2008 diện tích 167m2 và tiếp tục lập hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân huyện cấp Giấy chứng nhận cho ông Nguyễn Duy C chủ sử dụng đất ở với tổng diện tích 334m2 tại thửa 13 tờ bản đồ 02 là không đúng quy định.
- Tài liệu do Thanh tra thành phố Hải Phòng cung cấp thể hiện: Về hành vi đập phá tài sản: Việc ông Nguyễn Duy Ch tố cáo Uỷ ban nhân dân xã Đ không xử lý một số người đến đập phá tài sản của gia đình ông là không có cơ sở vì việc tháo dỡ các công trình trên được cụ Nguyễn Duy C chỉ đạo và có họp thống nhất trong gia đình. Uỷ ban nhân dân xã Đ xác nhận vào Giấy chứng nhận chuyển nhượng đất ở, mua bán tài sản diện tích 167m2, tờ bản đồ số 02, thửa số 13, vị trí giáp ranh: Phía Đông giáp đường 404, phía Tây giáp hộ ông Phố, phía Nam giáp hộ ông Liệt, phía Bắc giáp hộ ông Ch. Tuy nhiên, Uỷ ban nhân dân xã Đ đã ghi không đúng với thực tế về ranh giới vị trí thửa đất chuyển nhượng, ghi sai phía Bắc giáp hộ ông Ch nhưng trên thực tế phía Bắc giáp hộ cụ Nguyễn Duy C. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc hộ gia đình ông Nguyễn Duy Ch khiếu kiện về quyền sử dụng đất ở tại thửa số 13, tờ bản đồ số 02 tại thôn N, xã Đ.
Việc giải quyết, tố cáo của Uỷ ban nhân dân huyện và Công an huyện K là đúng thẩm quyền, quá trình giải quyết đúng trình tự theo quy định, có kết luận đúng sai khách quan, có kết luận, kiến nghị biện pháp xử lý sau thanh tra.
Với nội dung như trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2021/DS-ST ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện K, thành phố Hải Phòng đã Căn cứ khoản 2, khoản 6 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; khoản 2 Điều 227, khoản 1 Điều 228, khoản 2 Điều 229 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:
1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Duy Ch và bà Cao Thị M.
2. Về án phí sơ thẩm: Ông Nguyễn Duy Ch và bà Cao Thị M phải chịu 300.000 đồng tiền án phí đối với yêu cầu kiện đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất và 36.510.000 đồng án phí đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản. Tổng cộng ông Ch, bà M phải chịu 36.810.000 đồng tiền án phí nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 14.640.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0009310 ngày 15 tháng 10 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, ông Ch, bà M còn phải chịu 22.170.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Cụ thể ông Nguyễn Duy Ch, bà Cao Thị M mỗi người phải chịu 11.085.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên quyền yêu cầu thi hành án, quyền kháng cáo đối với các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 05/10/2021, nguyên đơn là ông Nguyễn Duy Ch vợ là Cao Thị M kháng cáo bản án sơ thẩm , lý do kháng cáo: Xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm không minh bạch, không đúng với pháp luật. Đề nghị Tòa án nhân dân thanh phô Hai Phong xét xử lại vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm.
Bị đơn giữ nguyên các trình bày đã nêu trong quá trình giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm.
Các đương sự không xuất trình thêm tài liệu chứng cứ mới, không yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ nào khác.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến: Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành và thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của đương sự quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự. Quan điểm của Kiểm sát viên đối với kháng cáo: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 308 BLTTDS, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Duy Ch và bà Cao Thị M; giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 07/2021/DS-ST ngày 24/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện K. Án phí DSPT: Căn cứ khoản 2 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội, kháng cáo không được chấp nhận nên những người kháng cáo vẫn phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về quan hệ tranh chấp , thẩm quyền : Đây là vụ án tranh chấp kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bị đơn cư trú tại huyện K, thành phố Hải Phòng . Vụ án không có yêu cầu phản tố, không có yêu cầu độc lập. Căn cứ Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân huyện K, thành phố Hải Phòng xét xử sơ thâm la đung thẩm quyền. Vụ án có kháng cáo nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.
[2] Về thời hiệu khởi kiện: Đối với yêu cầu khởi kiện đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Dân sự thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện do vậy được Tòa án xem xét giải quyết. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm vào ngày 04/11/2007 và 13/02/2009. Sau khi sự việc xảy ra, ông Nguyễn Duy Ch, bà Cao Thị M đã liên tục có đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để tố cáo, khiếu nại về sự việc. Sự việc cũng đã có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên ông Ch, bà M không đồng ý và ngày 08/10/2020 ông Ch, bà M có đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện K, thành phố Hải Phòng. Trong quá trình giải quyết vụ án các bên đương sự không có ai yêu cầu áp dụng thời hiệu, do vậy căn cứ Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được Tòa án xem xét giải quyết.
[3] Về nguồn gốc và quá trình sử dụng thửa đất số 13, tờ bản đồ số 02, tại thôn N, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng: Căn cứ vào Sổ mục kê và bản đồ giải thửa của Ủy ban nhân dân xã Đ và các tài liệu, chứng cứ xác định: Năm 1967 cụ Nguyễn Duy C, cụ Đỗ Thị Len được Hợp tác xã nông nghiệp Đ cấp cho mảnh đất diện tích 334m2 tại thửa đất số 13, tờ bản đồ số 02, tại thôn N, xã Đ. Thửa đất trên do cụ C, cụ Len sử dụng và sau đó được tách thành 02 thửa: Thửa 13a, diện tích 167,0m2 và thửa 13b, diện tích 167,0m2. Đối với thửa đất 13b, năm 1986 ông Nguyễn Duy Ch được bố là cụ C vừa bán vừa cho diện tích này. Đến năm 1999 bà Cao Thị M là vợ ông Nguyễn Duy Ch đã tự viết đơn ngày 15/11/1999 đứng tên cụ C đề nghị chuyển nhượng 167m2 cho con là ông Nguyễn Duy Ch. Sau đó ngày 17/8/2002 gia đình ông Nguyễn Duy Ch đã mang theo đơn cũ đề ngày 15/11/1999 đứng tên cụ Nguyễn Duy C đến Ủy ban nhân dân xã Đ làm thủ tục chuyển nhượng. Ông Vũ Duy Chuyền là cán bộ địa chính xã đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã Đ ký xác nhận vào Giấy chứng nhận chuyển nhượng đất ở, mua bán tài sản diện tích 167m2, tờ bản đồ số 02, thửa số 13, vị trí giáp ranh của thửa đất: Phía Đông giáp đường 404, phía Tây giáp hộ ông Phố, phía Nam giáp hộ ông Liệt, phía Bắc giáp hộ ông Ch. Tuy nhiên, Uỷ ban nhân dân xã Đ đã ghi không đúng với thực tế về ranh giới vị trí thửa đất chuyển nhượng, ghi sai phía Bắc giáp hộ ông Ch nhưng trên thực tế phía Bắc giáp cụ Nguyễn Duy C. Năm 2007 ông Nguyễn Duy Ch tách thửa đất 13b thành 02 thửa: Thửa 13b.1, diện tích 72,0m2; thửa 13b.2, diện tích 95,0m2. Trong đó, thửa 13b.1 vợ chồng ông Ch đã xây dựng nhà ở, hiện vẫn đang ăn ở; còn thửa 13b.2 ông Nguyễn Duy Ch đã chuyển nhượng cho anh Nguyễn Duy Trọng vào năm 2007. Ngày 02 tháng 02 năm 2008 cụ Nguyễn Duy C đã chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất 13a, diện tích 167m2 cho ông Cao Hữu S vợ là Phạm Thị L. Việc chuyển nhượng được Uỷ ban nhân dân xã Đ xác nhận. Thửa đất có tứ cận như sau: Phía Đông giáp đường 404; phía Tây giáp đất ông Nhân; phía Nam giáp đất ông Ch; phía Bắc giáp ngõ xóm. Hiện nay vợ chồng ông S bà L đã xây nhà và đang trực tiếp sử dụng thửa đất trên. Hiện trạng diện tích đất hiện nay theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ của Tòa án nhân dân huyện K là 159,7m2, các bên đương sự xác nhận, đồng ý và không có ý kiến gì về diện tích đất.
[4] Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nội dung kháng cáo của nguyên đơn về việc yêu cầu ông Cao Hữu S và bà Phạm Thị L phải trả lại diện tích đất 159,7m2, thửa số 13, tờ bản đồ số 02 tại thôn N, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng: Thực chất, việc cho tặng và chuyển nhượng năm 1999 và việc chuyển nhượng năm 2002 là một. Việc cho tặng năm 1998 không có giấy tờ nên năm 2002 mới làm giấy tờ và Giấy chứng nhận năm 2002 có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã Đ. Tuy nhiên, xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Đ lại thể hiện diện tích đất theo hướng “Bắc giáp hộ ông Ch” – tức là giáp đất của nguyên đơn. Nên nguyên đơn căn cứ vào giấy này để cho rằng phần diện tích mà nguyên đơn nhận chuyển nhượng năm 2002 là phần diện tích đất bên cạnh diện tích đất mà nguyên đơn đã được cho tặng và nhận chuyển nhượng năm 1998. Tuy nhiên, Quyết định số 246/QĐ-UBND ngày 30/10/2013 của Uỷ ban nhân dân xã Đ đã quyết định: “Hủy việc xác nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, mua bán tài sản ngày 17/8/2002 giữa ông Nguyễn Huy Cốt và ông Nguyễn Duy Ch di ghi sai vị trí giáp ranh thửa đất so với hiện trạng sử dụng đất của hộ gia đình ông Nguyễn Duy Ch”. Bên cạnh đó, Uỷ ban nhân dân xã Đ, cán bộ địa chính thời điểm đó đã họp kiểm điểm về việc xác nhận giáp ranh không đúng. Báo cáo số 21/BC-UBND ngày 06/6/2014 của Uỷ ban nhân dân xã Đ xác định: “Việc xác định sai ranh giới, mốc giới lỗi sai do cán bộ địa chính”. Bản tường trình của ông Vũ Duy Ch, ngày 27/5/2014 – nguyên cán bộ địa chính xã Đ “Do quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ địa chính có xác nhận sai vị trí giáp ranh phía bắc giáp với hộ ông Nguyễn Duy C là phần đất còn lại, nhưng lại ghi vị trí giáp ranh là hộ ông Nguyễn Duy Ch nên ông Nguyễn Duy Ch có kiến nghị phần đất của ông Nguyễn Duy C là đất của ông Nguyễn Duy Ch. Nhưng thực tế hiện nay ông Nguyễn Duy C còn sống, phần đất còn lại vẫn đứng tên là ông Nguyễn Duy C”. Như vậy, không có căn cứ xác định nguyên đơn là chủ sử dụng hợp pháp diện tích đất 167m2 thửa số 13, tờ bản đồ 02, thôn N, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng. Do đó, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc đòi lại diện tích đất. Nhận định nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm là có cơ sở.
[5] Về yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Duy Ch, bà Cao Thị M yêu cầu ông Cao Hữa Soắn, bà Phạm Thị L phải bồi thường số tiền 150.000.000 đồng; yêu cầu bà Cao Thị L1, anh Nguyễn Duy Q1, anh Nguyễn Duy Q, chị Nguyễn Thị V phải liên đới bồi thường số tiền 467.000.000 đồng: Tài liệu có trong hồ sơ thể hiện vào năm 2007 khi ông Ch, bà M chuyển nhượng 01 một phần diện tích đất (trong tổng số 167m2 cụ C vừa bán vừa cho ông Ch, bà M) cho anh Nguyễn Duy Trọng đồng thời xây nhà trên phần diện tích đất còn lại sát với diện tích đất của cụ Nguyễn Duy C và sử dụng căn nhà đó cho đến nay. Cụ C vẫn tiếp tục ở trên phần diện tích đất của cụ C có các tài sản là nhà cấp 4 và công trình phụ. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, căn cứ vào lời khai của cụ Nguyễn Duy C, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị L1, bà Cao Thị L1 và các người làm chứng xác định: Căn nhà cấp 4 và các công trình phụ gồm nhà tắm, nhà vệ sinh, bếp, chuồng trâu, chuồng lợn, 30m tường bao là tài sản được hình thành và thuộc quyền sở hữu của cụ Nguyễn Duy C và cụ Đỗ Thị Len. Ông Nguyễn Duy Ch và bà Cao Thị M cùng chung sống và có đóng góp công sức vào khối tài sản chung của gia đình. Việc ông Ch, bà M cho rằng đó là tài sản của mình và đã bị ông S, bà L, ông C1, bà L cùng con cháu, anh em phá dỡ nhưng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ để chứng minh đó là những tài sản gì, được hình thành và sử dụng như thế nào, giá trị của các tài sản là bao nhiêu. Tòa án nhân dân huyện K cũng đã có Quyết định yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ để yêu cầu ông Ch, bà M cung cấp các tài liệu chứng cứ chứng minh về số tài sản bị hủy hoại. Tuy nhiên, ngoài lời trình bày của mình thì ông Ch, bà M không đưa ra được chứng cứ, tài liệu nào để chứng minh. Mặt khác ông S, bà L, bà Luyn, anh Quyết, anh Quang, chị Vinh đều không thừa nhận việc phá tài sản của ông Ch, bà M. Những người làm chứng là ông Cao Đức L, ông Phạm Đức D, anh Phạm Đức Th, anh Cao Hữu Ho, chị Phạm Thị N, anh Ngô Thanh T khai thể hiện không đồng ý với lời khai và yêu cầu của ông Ch, bà M. Sự việc này cũng đã được Uỷ ban nhân dân xã Đ báo cáo và Uỷ ban nhân dân huyện K, Thanh tra Thành phố Hải Phòng cũng đã có kết luận là việc ông Ch, bà M cho rằng cụ C cùng con cháu phá dỡ tài sản của ông Ch bà M vào ngày 04/11/2007 và ngày 13/02/2009 là không có cơ sở. Báo cáo số 09/BC ngày 31/7/2008 của Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện K: “… không có dấu hiệu của vụ án hình sự”. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về tài sản này của ông Nguyễn Duy Ch và bà Cao Thị M là có cơ sở.
[6] Từ các phân tích trên, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn nên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[7] Về án phí dân sự sơ thẩm: Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm, cụ thể: Ông Nguyễn Duy Ch và bà Cao Thị M phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu kiện đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất và 36.510.000 đồng án phí đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản. Tổng cộng ông Ch, bà M phải chịu 36.810.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 14.640.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0009310 ngày 15/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, thành phố Hải Phòng; ông Ch, bà M còn phải chịu 22.170.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Cụ thể, ông Nguyễn Duy Ch, bà Cao Thị M mỗi người phải chịu 11.085.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Bị đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
[8] Về án phí dân sự phúc thẩm: Người kháng cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Điều 147, khoản 2 Điều 148, khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ khoản 2, khoản 6 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; khoản 2 Điều 227, khoản 1 Điều 228, khoản 2 Điều 229 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:
Không châp nhân khang cao cua ông Nguyễn Duy Ch và bà Cao Thị M. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 07/2021/DS-ST ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện K, thành phố Hải Phòng,
1. Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Duy Ch và bà Cao Thị M về việc ông Cao Hữu S và bà Phạm Thị L phải trả lại diện tích đất 159,7m2, thửa số 13, tờ bản đồ số 02 tại thôn N, xã Đ, huyện K, thành phố Hải Phòng; ông Cao Hữu S, bà Phạm Thị L phải bồi thường số tiền 150.000.000 đồng; bà Cao Thị L1, anh Nguyễn Duy Q1, anh Nguyễn Duy Q, chị Nguyễn Thị V phải liên đới bồi thường số tiền 467.000.000 đồng.
2. Về án phí sơ thẩm: Ông Nguyễn Duy Ch và bà Cao Thị M phải chịu 300.000 đồng tiền án phí đối với yêu cầu kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất và 36.510.000 đồng án phí đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản. Tổng cộng ông Nguyễn Duy Ch và bà Cao Thị M phải chịu 36.810.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 14.640.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0009310 ngày 15 tháng 10 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, thành phố Hải Phòng; ông Nguyễn Duy Ch, bà Cao Thị M còn phải chịu 22.170.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Cụ thể ông Nguyễn Duy Ch, bà Cao Thị M mỗi người phải chịu 11.085.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
3. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Nguyễn Duy Ch, bà Cao Thị M mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, được trừ vào số tiền mà ông Nguyễn Duy Ch và bà Cao Thị M đã nộp số tiền 300.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0001566 ngày 08 tháng 10 năm 2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K; ông Nguyễn Duy Ch và bà Cao Thị M còn phải nộp chung số tiền 300.000 đồng, cụ thể mỗi người phải chịu 150.000 nghìn đồng.
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự
Bản án về tranh chấp kiện đòi tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại số 14/2022/DS-PT
Số hiệu: | 14/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 28/03/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về