Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 05/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 05/2022/DS-PT NGÀY 11/07/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 11 tháng 7 năm 2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 18/2021/TLPT-DS ngày 26/8/2021 về việc "Tranh chấp hợp đồng vay tài sản" giữa:

Nguyên đơn đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Quàng Văn D: Bà Vì Thị C; SN: 1983; địa chỉ: Số nhà 55, tổ dân phố 14 (nay là tổ dân phố 5), phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn:

- Bà Nguyễn Thị Hồng N; SN: 1995 - Bà Chu Thị Út Q; SN: 1990 Đều là Luật sư hãng luật H, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; địa chỉ: Số nhà A1, đường G, phường T, thành phố P, tỉnh Điện Biên.

Bị đơn: Bà Lò Thị H (Tên gọi khác: Lò Thu H); SN: 1987 và ông Lường Văn L; SN: 1979; cùng địa chỉ: Bản Huổi Phạ, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn:

- Bà Nguyễn Thị Kim N; SN: 1966 - Luật sư, Văn phòng Luật sư Kim N thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Điện Biên; địa chỉ: Thôn C4, xã H, huyện B, tỉnh Điện Biên.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Quàng Văn D; địa chỉ: số nhà A2, tổ dân phố B1, phường M, thành phố P, tỉnh Điện Biên.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên P; địa chỉ: số nhà A2, tổ dân phố B1, phường M, thành phố P, tỉnh Điện Biên. Người đại diện theo pháp luật: Bà Vì Thị C - Giám đốc.

(Bà C, bà Q, bà N, bà H, ông L, bà N có mặt, ông D vắng mặt có lý do) Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 05/2021/QĐ-PT ngày 26 tháng 11 năm 2021 và các Quyết định hoãn phiên tòa số: 04/2021/QĐ-PT ngày 24 tháng 12 năm 2021; số: 12/2022/QĐ-PT ngày 24 tháng 01 năm 2022; số: 17/2022/QD-PT ngày 24 tháng 02 năm 2022; số: 32/2022/TB-TA ngày 07/4/2022; số: 26/2022/QĐ-PT ngày 28 tháng 4 năm 2022; số: 29/2022/QĐ-PT ngày 12 tháng 5 năm 2022; số: 35/2022/QĐ-PT ngày 10/6/2022 và thông báo mở lại phiên tòa số: 58/2022/TB-TA ngày 21/6/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên 4. Người kháng cáo: bà Vì Thị C là nguyên đơn trong vụ án; ông Lường Văn L và bà Lò Thị H là bị đơn trong vụ án

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Tại đơn khởi kiện ngày 10/12/2019 và quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn bà Vì Thị C trình bày:

Do có quen thân nhau từ trước, nên từ năm 2016 đến năm 2019 bà C đã nhiều lần cho vợ chồng ông Lường Văn L và bà Lò Thị H vay tiền; mỗi lần cho vay hai bên đều lập giấy tờ. Đến ngày 28/7/2019 hai bên chốt nợ với nhau và thống nhất số tiền ông L, bà H còn nợ bà C tính đến ngày chốt nợ là 3.589.626.000 đồng cả gốc và lãi. Ông L, bà H hẹn miệng sau một tháng sẽ trả số tiền đã chốt nợ, nhưng không thực hiện.

Tại đơn khởi kiện, bà C yêu cầu ông L và bà H trả cho bà C số tiền 3.589.626.000 đồng, trong đó có 3.188.942.000 đồng tiền gốc và 400.684.000 đồng tiền lãi; sau đó bà C bổ sung yêu cầu buộc ông L, bà H trả lãi từ ngày chốt nợ đến ngày xét xử sơ thẩm.

Quá trình giải quyết vụ án bà C rút yêu cầu khởi kiện về số tiền lãi theo quy định từ ngày chốt nợ đến ngày xét xử sơ thẩm; giữ nguyên yêu cầu khởi kiện về số tiền gốc 3.188.942.000 đồng; thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện về lãi là 1.255.969.157 đồng tính trên từng khoản nợ gốc, từ ngày vay đến ngày xét xử sơ thẩm, cụ thể:

- Khoản nợ gốc 495.000.000 đồng: Từ ngày 11/7/2016 đến ngày 19/7/2016 bà C nhiều lần cho ông L, bà H vay tổng số tiền 495.000.000 đồng. Nay bà C yêu cầu ông L, bà H trả 495.000.000 đồng tiền gốc và 246.646.950 đồng tiền lãi.

- Khoản nợ gốc 650.000.000 đồng: Năm 2017 bà C nhiều lần cho ông L, bà H vay tiền, tổng số tiền nợ tính đến ngày 9/8/2017 là 650.000.000 đồng. Bà C yêu cầu ông L, bà H trả 650.000.000 đồng tiền gốc và 255.543.166 đồng tiền lãi.

- Khoản nợ gốc 800.000.000 đồng: Ngày 05/4/2018, bà C cho ông L, bà H vay 50.000.000 đồng, ngày 18/8/2018 bà C cho ông L và bà H vay 750.000.000 đồng. Bà C yêu cầu ông L, bà H trả 800.000.000 đồng tiền gốc và 232.842.666 đồng tiền lãi.

- Khoản nợ gốc 325.000.000 đồng: Ngày 01/7/2018, bà C cho ông L, bà H vay 325.000.000 đồng. Bà C yêu cầu ông L, bà H trả 325.000.000 đồng tiền gốc và 89.074.375 đồng tiền lãi.

- Khoản nợ gốc 900.000.000 đồng: Ngày 28/02/2019, bà C cho ông L, bà H vay 900.000.000 đồng. Bà C yêu cầu ông L, bà H trả 900.000.000 đồng tiền gốc và 431.862.000 đồng tiền lãi.

- Khoản nợ gốc 12.442.000 đồng: Ông L, bà H mua lợn của bà C chưa trả, không yêu cầu lãi.

- Khoản nợ gốc 6.500.000 đồng: Ông L, bà H mua rượu của bà C chưa trả, không yêu cầu lãi.

Giấy chốt nợ ngày 28/7/2019, không ghi bao nhiêu tiền gốc, bao nhiêu tiền lãi, nhưng có ghi: Số tiền dư nợ là: 1.951.657.000 đồng + 1.637.969.000 đồng = 3.589.626.000 đồng cả gốc và lãi. Tiền gốc và lãi được tính theo bản "Nháp thực viết ngắn gọn lại" của bà C vào hôm chốt nợ (BL 289) có tổng số nợ gốc là 3.188.942.000 đồng và tổng số nợ lãi là 400.684.000 đồng; còn bản nháp do bà C viết mà ông L và bà H nộp cho Tòa án là "bản nháp ảo" (BL 281-284 và BL 75-78), chỉ có tổng số 2.025.000.000 đồng tiền gốc là không đúng; bà C làm bản nháp ảo này theo yêu cầu của bà H, để bà H lý giải với ông L; bản video clip ông L đã ghi tại nhà bà C là đúng với diễn biến thực tế. "Giấy vay tiền" ngày 15/10/2018 bà H viết vào sổ của bà C, bà C đã nộp cho Tòa án chính là bản thể hiện tại video clip; giấy này có nội dung thống kê lại các khoản vay từ ngày 05/4/2018 đến ngày 15/10/2018 nhưng chưa có hai khoản gốc 495.000.000 đồng, 650.000.000 đồng và 18.942.000 đồng tiền nợ mua lợn và rượu; tại video clip bà C nói chỉ còn nợ hơn 02 tỷ tiền gốc là vì trước đó bà H nhờ bà C không đưa những khoản tiền trên vào, để bà H chứng minh với ông L là bà H đã trả, nhưng thực chất chưa trả. Ông L và bà H có thể chấp hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà C, nhưng là để vay khoản tiền 500.000.000 đồng khác, không có trong yêu cầu khởi kiện. Giấy vay gốc khoản này bà C đang giữ vì ông L, bà H mới trả 350.000.000 đồng, việc trả tiền được ghi vào tờ giấy khác. Bà C ghi trên giấy chốt nội dung: “Những giấy tờ và hợp đồng vay mượn tiền trước thời điểm lập biên bản này là hết hiệu lực không còn giá trị” là theo yêu cầu của ông L, không đúng sự thật, vì ông L, bà H còn những khoản vay khác bà C chưa đưa vào giấy chốt nợ và chưa khởi kiện; còn số tiền ghi trên giấy chốt nợ là đúng. Tin bà C nhắn cho ông L "...E không cần lấy lãi em lấy gốc về 2 tỷ đó anh ký mà..." là bà C nhắn theo ý bà H nhờ, vì bà H sợ ông L mắng bà H không trả nợ.

2. Tại văn bản trả lời thông báo thụ lý vụ án ngày 13/12/2019 và trong quá trình giải quyết, bị đơn ông Lường Văn L và bà Lò Thị H trình bày:

2.1 Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

2.1.1 Ông L, bà H đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà C đối với tổng số tiền gốc 2.025.000.000 đồng và tổng số tiền lãi 753.779.041 đồng (lãi từ ngày vay đối với từng khoản đến ngày xét xử sơ thẩm); cụ thể những khoản gốc và lãi sau:

- Khoản nợ gốc 800.000.000 đồng tại "Hợp đồng cho vay tiền" số 111/HD đề ngày vay đầu tiên 5/4/2018 và "Giấy vay tiền" ngày 18/8/2018; tiền lãi 232.842.666 đồng.

- Khoản nợ gốc 325.000.000 đồng tại "Giấy vay tiền" ngày 01/7/2018; tiền lãi 89.074.375 đồng.

- Khoản nợ gốc 900.000.000 đồng vay ngày 28/02/2019; tiền lãi 431.862.000 đồng.

2.1.2 Ông L và bà H không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà C đối với số tiền 1.163.942.000 đồng tiền gốc và 502.190.116 đồng tiền lãi cụ thể:

- Khoản nợ gốc 495.000.000 đồng và 246.646.950 đồng tiền lãi;

- Khoản nợ gốc 650.000.000 đồng và 255.543.166 đồng lãi;

- Khoản nợ gốc mua lợn 12.442.000 đồng;

- Khoản nợ gốc 6.500.000 đồng mua rượu.

Lý do không đồng ý: Ông L, bà H có nợ bà C số tiền 495.000.000 đồng tại "Giấy vay tiền" từ ngày 11/7/2016 đến ngày 19/7/2016; có nợ bà C 650.000.000 đồng tại "Hợp đồng cho vay tiền" số 30/HĐ ngày 23/5/2017 và "Giấy vay tiền" ngày 09/8/2017, nhưng đã trả hết cả gốc và lãi cho bà C. Khi vay ông L, bà H giao cho bà C giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bảo đảm trả nợ; vì đã trả hết nợ nên bà C mới trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông L, bà H; trả lại hợp đồng vay số 30/HĐ ngày 23/5/2017. Hợp đồng số 30/HĐ có chữ ký của ông L, bà H mà bà C khởi kiện ông L, bà H ký do bà C nhờ ký để bà C sử dụng khi Công ty P bị kiểm tra. Mặt khác, do ông L, bà H nhiều lần vay, nhiều lần trả tiền bà C nhưng do tin tưởng nhau nên chỉ ghi vào sổ của bà C và chỉ bà C giữ, khi trả tiền thì trả bằng tiền mặt, nhưng không gạch sổ nợ ngay do bà C nói bà C tìm sổ để gạch sau, không lập giấy tờ về việc trả tiền hay nhận tiền do tin tưởng nhau. Vì vậy, ngày 28/7/2019 khi chốt nợ, tại nhà bà C ông L, bà H đã yêu cầu bà C đem hết các sổ sách ghi nợ, trả nợ giữa hai bên ra để đối chiếu và xác định số nợ còn lại thì bà C nói đã chuyển sổ rồi, không còn sổ nào nữa; chỉ còn những khoản tại "Giấy vay tiền" ngày 15/10/2018 và khoản 900.000.000 đồng khác nữa là hơn 02 tỷ. Ông L đã ghi âm, ghi hình lại buổi làm việc này giữa ông L, bà H và bà C; sau đó hai bên đã lập biên bản chốt nợ với nhau, số liệu tại bản chốt nợ ngày 28/7/2019 là dựa trên bản nháp của bà C làm, thể hiện tổng số nợ gốc là 2.025.000.000 đồng gồm: Các khoản gốc: 50.000.000 đồng + 750.000.000 đồng + 325.000.000 đồng và lãi = 1951.657.000 đồng (khoản thứ nhất tại giấy chốt nợ) và 900.000.000 đồng + lãi = 1.637.969.000 (khoản thứ hai tại giấy chốt nợ), vì lãi suất cao nên ông L và bà H không chấp nhận trả theo giấy chốt nợ. Bản nháp mà bà C nói là bản nháp thực, do bà C làm sau này khi khởi kiện nhằm tăng số tiền gốc, giảm số tiền lãi và đưa thêm tiền rượu, tiền lợn là để khớp với số chốt nợ. Ông L, bà H có mua lợn và rượu của bà C, nhưng đã trả tiền khi mua, không còn nợ lại. Ngoài ra, các số liệu khi bà C yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra giải quyết và khi bà C yêu cầu Tòa án giải quyết đều bất nhất, thể hiện sự thiếu trung thực của bà C. Cũng vì những lý do trên, nên tại giấy chốt nợ còn có nội dung: “Những giấy tờ và hợp đồng vay mượn tiền trước thời điểm lập biên bản này là hết hiệu lực không còn giá trị”.

2.2 Yêu cầu phản tố:

Ngày 20/3/2017, bà H ký với bà C "Hợp đồng góp vốn kinh doanh"; cùng ngày bà H đã giao cho bà C 02 tỷ đồng tiền mặt, nhưng không làm biên bản giao tiền do tin tưởng nhau. Sau đó hai tháng, thì ông L, bà H phát hiện bà C sử dụng vốn góp của ông L và bà H để cho nhiều người vay không đúng quy định, nên ông L và bà H đề nghị rút vốn về, nhưng bà C không đồng ý và nói: Đã sử dụng hết vốn góp vào việc của Công ty, chưa thu được lãi. Do cần tiền để giải quyết việc gia đình và thấy bà C sử dụng vốn để cho vay chứ không hoạt động kinh doanh như đã đăng ký, nên ông L và bà H mới vay tiền bà C với mục đích để đối trừ nợ vào tiền góp vốn. Hai bên đã thống nhất đối trừ số nợ vào số tiền góp vốn; chênh lệch tiền gốc, lãi suất tiền vay bà H sẽ trả cho bà C bằng tiền mặt theo lãi vay Ngân hàng; nhưng việc này không làm thành văn bản do tin tưởng nhau. Ngày 31/5/2019, bà C đã xác nhận bảng lương và in lại hợp đồng góp vốn ngày 20/3/2017 có sẵn trong máy tính của bà C cho bà H và bà H viết vào sổ tay của bà C nội dung hợp đồng góp vốn in sau này là không có thật, chỉ lập ảo để làm thủ tục vay vốn Ngân hàng; còn hợp đồng góp vốn ngày 20/3/2027 là hợp đồng thật.

Quá trình tính toán tiền nợ, tiền lãi, tiền góp vốn còn có bà Hiền kế toán Công ty P, nhưng ông L không biết cụ thể họ và địa chỉ của bà Hiền ở đâu để cung cấp cho Tòa án.

Ông L và bà H yêu cầu bà C trả lại số tiền 02 tỷ đồng vốn góp và tiền lãi theo quy định; tại phiên tòa bị đơn yêu cầu cụ thể tiền lãi là 866.670.000 đồng tính từ ngày góp vốn 20/3/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm với mức 10% một năm .

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 11/2021/DS-ST ngày 20-7-2021 của Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ Quyết định:

1. Về pháp luật áp dụng:

- Áp dụng khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 244; khoản 1 Điều 161 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015; Điều 357, 463, 466, 468, 469 và Điều 124, 131 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Áp dụng khoản 4, 5 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng, án phí, lệ phí Tòa án và Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

2. Tuyên xử:

2.1 Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Vì Thị C: Buộc bị đơn ông Lường Văn L và bà Lò Thị H (tên khác: Lò Thu H) có nghĩa vụ liên đới trả cho bà Vì Thị C tổng số tiền 2.778.779.041 đồng; trong đó gồm: 2.025.000.000 đồng tiền gốc và 753.779.041 đồng tiền lãi.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, cho đến khi thi hành án xong khoản tiền phải trả, bị đơn ông Lường Văn L và bà Lò Thị H còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Vì Thị C đối với tổng số tiền 1.666.132.116 đồng; trong đó gồm: 1.163.942.000 đồng tiền gốc và 502.190.116 đồng tiền lãi.

2.2 Về yêu cầu phản tố của bị đơn:

- Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố để đối trừ nghĩa vụ của bị đơn ông Lường Văn L và bà Lò Thị H với tổng số tiền 2.866.670.000 đồng.

- Tuyên bố hợp đồng góp vốn kinh doanh ngày 20/3/2017 giữa bà Lò Thị H và bà Vì Thị C vô hiệu; không đề cập giải quyết về hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

2.3 Đình chỉ xét xử sơ thẩm một phần yêu cầu khởi kiện về việc tính lãi quá hạn từ ngày chốt nợ đến ngày xét xử sơ thẩm của nguyên đơn bà Vì Thị C.

2.4 Về án phí:

- Bị đơn ông Lường Văn L và bà Lò Thị H phải chịu 87.575.580 đồng án phí dân dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với nghĩa vụ trả nợ và 89.333.400 đồng án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với yêu cầu phản tố; nhưng được khấu trừ vào 36.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số AA/2020/0000368 ngày 03/11/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên; ông L và bà H còn phải nộp 140.908.980 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch.

- Nguyên đơn bà Vì Thị C phải chịu 61.983.963 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, nhưng được khấu trừ vào 51.896.200 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số AA/2010/08152 ngày 10/12/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên; Bà C còn phải nộp 10.087.763 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch.

2.5. Chi phí tố tụng: Bị đơn ông Lường Văn L và bà Lò Thị H phải chịu toàn bộ chi phí giám định là 9.300.000 đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền kháng cáo và nghĩa vụ thi hành án của các đương sự theo quy định pháp luật.

Ngày 04/8/2021, nguyên đơn bà C kháng cáo yêu cầu buộc bà H và ông L phải thanh toán cho bà C khoản tiền 1.666.132.116 đồng gồm: 1.163.942.000 đồng tiền gốc và 502.190.116 đồng tiền lãi đến ngày xét xử sơ thẩm.

Ngày 02/8/2021, bị đơn kháng cáo yêu cầu sửa 01 phần bản án dân sự sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố và không buộc bị đơn chịu án phí đối với yêu cầu phản tố và chi phí giám định.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà C giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và bổ sung thêm yêu cầu tính lãi của khoản tiền 1.163.942.000 đồng đến ngày xét xử phúc thẩm là 11/7/2022. Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Quàng Văn Dũng vắng mặt, nhưng người đại diện theo ủy quyền của ông Dũng là bà Vì Thị C có mặt, căn cứ khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử.

Trong phần tranh luận, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà C đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự, sửa Bản án số: 11/2021/DS-ST ngày 20/7/2021 của TAND thành phố Điện Biên Phủ theo hướng tuyên: Chấp nhận buộc bà H và ông L phải thanh toán cho bà C khoản tiền 1.757.151.300 đồng gồm: 1.163.942.000 đồng tiền gốc và 593.209.300 đồng tiền lãi đến ngày xét xử phúc thẩm ngày 11/7/2022.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông L và bà H đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà C đối với số nợ gốc 1.163.942.000 đồng và 593.209.300 đồng tiền lãi. Đề nghị công nhận hợp đồng góp vốn kinh doanh với số tiền 02 tỷ của bà Lò Thị H với bà Vì Thị C vào ngày 20/3/2017 có hiệu lực theo quy định tại Điều 388, Điều 401 Bộ luật dân sự năm 2015. Buộc bà C phải trả cho bà H và ông L 02 tỷ đồng tiền gốc và tiền lãi với mức lãi suất là 10%/năm kể từ ngày 20/5/2017 đến thời điểm xét xử sơ thẩm 20/7/2021 là 833.333.333 đồng, số tiền trên sau khi khấu trừ đi số tiền gốc và lãi 2.778.779.041 đồng phải trả cho bà C như cấp sơ thẩm đã xác định phần chênh lệch còn lại (nếu có) thì bên còn thiếu có trách nhiệm hoàn trả cho bên kia. Buộc bà C phải chịu chi phí giám định và án phí theo quy định của pháp luật.

Ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên:

1. Về tố tụng: Đại diện VKSND tỉnh Điện Biên nhận xét quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, Thẩm phán chủ tọa và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

2. Về nội dung: Đơn kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn hợp lệ, được chấp nhận để xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự.

- Không chấp nhận kháng cáo của bà Vì Thị C.

- Chấp nhận toàn bộ kháng cáo của ông Lường Văn L, bà Lò Thị H, sửa một phần bản án sơ thẩm số 11/2021/DS-ST ngày 20/7/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, theo hướng Hợp đồng góp vốn ngày 20/3/2017 giữa bà Lò Thị H và bà Vì Thị C có hiệu lực pháp luật. Chấp nhận việc bù trừ theo yêu cầu phản tố của bị đơn. Buộc bà Vì Thị C phải trả cho ông Lường Văn L, bà Lò Thị H số tiền 54.554.292 đồng.

- Đối với các nội dung khác của Bản án sơ thẩm số 11/2021/DS-ST ngày 20/7/2021 đã giải quyết ở cấp sơ thẩm được giữ nguyên và có hiệu lực.

- Về chi phí tố tụng và án phí: Đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết theo quy định pháp luật.

Qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nội dung yêu cầu kháng cáo của bà Vì Thị C, ông Lường Văn L và bà Lò Thị H, lời trình bày của các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về tố tụng:

[1.1]. Về quan hệ tranh chấp, thời hiệu, thẩm quyền giải quyết: Ngày 28/7/2019 các bên là bà Vì Thị C với ông Lường Văn L và bà Lò Thị H thực hiện việc chốt nợ khoản tiền ông L và bà H phải thanh toán cho bà C. Ngày 10/12/2019, bà Vì Thị C nộp đơn khởi kiện vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Bị đơn là ông Lường Văn L và bà Lò Thị H trú tại: Bản Huổi Phạ, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Vụ án theo quy định tại Điều 429 bộ luật dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm nên Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên thụ lý giải quyết là đúng quy định tại khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; điều 184 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[1.2] . Thủ tục kháng cáo: Ngày 20/7/2021, Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ tuyên bản án sơ thẩm số 11/2021/DS-ST.

- Ngày 04/8/2021 bà C kháng cáo, đơn kháng cáo nộp trực tiếp cho Tòa án, ngày 12/8/2021 bà C nộp cho Tòa án biên lai tạm ứng án phí phúc thẩm - Ngày 02/8/2021 ông L và bà H nộp đơn kháng cáo trực tiếp cho Tòa án, ngày 12/8/2021, bà H nộp cho Tòa án biên lai tạm ứng án phí phúc thẩm. Theo quy định tại các Điều 271, 272, 273, 276 của Bộ luật Tố tụng dân sự kháng cáo của bà C, ông L và bà H là hợp lệ được chấp nhận để xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2]. Xét nội dung kháng cáo của nguyên đơn [2.1]. Kháng cáo của nguyên đơn bà Vì Thị C có nội dung sau: Yêu cầu Tòa án buộc ông L và bà H phải thanh toán cho bà C số tiền: 1.163.942.000 đồng tiền gốc và 502.190.116 đồng tiền lãi có nguồn gốc của các khoản mà ông L và bà H đã vay như sau:

- Khoản tiền 495.000.000 đồng: Thời điểm vay từ ngày 11/7/2016 đến ngày 19/7/2016. Khoản vay này bà H có viết "Giấy vay tiền" ghi nhận số tiền vay từng ngày; không thỏa thuận hạn trả gốc; lãi thỏa thuận miệng trả theo tháng nhưng chưa trả lần nào. Yêu cầu ông L, bà H trả 495 triệu tiền gốc và 246.646.950 đồng tiền lãi với mức lãi 10% một năm tính từ ngày 19/7/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm (20/7/2021).

- Khoản tiền 650.000.000 đồng: Năm 2017 bà H nhiều lần cho ông L, bà H vay tiền, hai lập "Hợp đồng cho vay tiền" số 30 ngày 23/5/2017 ghi nhận tổng số tiền nợ tính đến ngày 09/8/2017 là 650 triệu; do Hợp đồng có sửa chữa và viết thêm nên bà H viết thêm "Giấy vay tiền"; không thỏa thuận hạn trả; lãi suất 200 đồng/ngày/01 triệu. Yêu cầu ông L, bà Hà trả 650 triệu tiền gốc và 255.543.166 đồng tiền lãi với mức lãi 10% một năm tính từ ngày 09/8/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm (20/7/2021).

- Khoản tiền 18.942.000 đồng: Vào năm 2018, ngày, tháng cụ thể bà C không nhớ khi bố chồng bà H mất, bà H có mua rượu và lợn của bà C bà C có chở đến tận nhà cho bà H.

- Tại phiên tòa phúc thẩm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà C bổ sung thêm yêu cầu tính lãi của số tiền gốc đến ngày xét xử phúc thẩm 11/7/2022 là: 593.209.300 đồng; tổng số tiền bà H và ông L phải trả cho bà C là: 1.757.151.300 đồng - Đối với các khoản tiền này ông L và bà H cho rằng đã thanh toán cho bà C nên không nhất trí trả khoản tiền này mà chỉ nhất trí trả cho bà C các khoản tiền: 50 triệu đ + 750 triệu + 325 triệu + 900 triệu và tiền lãi của các khoản tiền này như bản án dân sự sơ thẩm số 11/2021/DS-ST ngày 20/7/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã quyết định.

[2.2]. Xét nội dung kháng cáo: Tại phiên tòa phúc thẩm bà C và người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bà C thay đổi bổ sung về số tiền lãi từ 502.190.116 đồng chốt đến ngày xét xử sơ thẩm lên 593.209.300 đồng đến ngày xét xử phúc thẩm. Việc thay đổi, bổ sung nội dung kháng cáo về lãi suất của nguyên đơn không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu theo quy định tại Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự Hội đồng xét xử chấp nhận. Xem xét đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án Hội đồng xét xử thấy rằng:

[2.2.1]. Trong đơn gửi Công an tỉnh Điện Biên đề tháng 8/2019 của bà C (BL 67), có ghi: “Vậy tổng số tiền năm 2016 bà H còn nợ là: 1.183.600.000 đ sẽ được chuyển sang năm 2017; sau đó bà liệt kê các khoản vay của bà H năm 2017 và bà chốt lại tổng các đợt vay trong năm 2017 là 650.000.000 đ. Tổng số vay của 2016 chưa trả + số vay của năm 2017 là: 1.183.600.000 đ + 650.000.000 đ = 1.833.600.000 đ; đến năm 2018 bà H trả cho bà số tiền: 1.350.000.000 đ; tổng số nợ 1.833.600.000 đ - 1.350.000. 000 đ = 483.600.000 đ. Tại (BL 65): bà có ghi tổng số tiền tôi đã cho L -H vay mà họ chưa trả là: 483.600.000 đ + 325.000.000 đ + 30.000.000 đ + 900.000.000 đ = 1.738.600.000 đ + 1.850.000.000 đ (của khoản vay 1.000.000.000 + 800.000.000 đ + 50.000.000 đ)” Theo đơn đề nghị này các khoản vay năm 2016 có khoản vay 495.000. 000 đồng đã được bà C tổng hợp thành khoản tiền: 1.183.600.000 đồng; các khoản vay của năm 2017 được bà C cộng thành khoản tiền 650.000.000 đồng. Đến năm 2018 bà H đã thanh toán cho bà C 02 khoản nợ của năm 2016 và 2017 chỉ còn nợ số tiền: 483.600.000 đồng. Nên không có căn cứ để cho rằng bà H và ông L còn nợ 495.000.000 đồng; 650.000.000 đồng.

[2.2.2]. Mặt khác trong giấy vay tiền ngày 15/10/2018 (BL 10) do chính tay bà H viết cũng không liệt kê các khoản tiền 495.000.000 đồng và 650.000.000 đồng và 18.942.000 đồng như bà C yêu cầu.

[2.2.3]. Tại các bản kê nợ (BL 275-277) để làm căn cứ lập biên bản chốt nợ ngày 28/7/2019, do bà C viết ra chỉ có các khoản tiền: 50 triệu + 325 triệu + 20 triệu + 750 triệu + 900 triệu không liệt kê 03 khoản tiền nêu trên. Bà C lý giải việc không liệt kê các khoản vay này để tính lãi là do bà H yêu cầu bà C không đưa ra để giấu ông L, ngoài lời khai này bà C không đưa ra được căn cứ chứng minh.

[2.2.4]. Tại biên bản mở niêm phong tài liệu, chứng cứ và xác định nội dung tài liệu, chứng cứ là USB do bị đơn cung cấp được ghi cùng ngày 28/7/2019 khi các bên thực hiện việc chốt nợ và ghi biên bản chốt nợ (BL 231) có thể hiện bà C chốt lại với ông L và bà H còn 05 khoản vay là: 320 triệu; 20 triệu; 750 triệu; 900 triệu, không có 03 khoản nợ 495.000.000 đồng; 650.000.000 đồng và 18.942.000 đồng [2.2]. Từ các phân tích đánh giá chứng cứ nêu ở mục [2.2.1]; [2.2.2]; [2.2.3]; [2.2.4]; Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bà C về việc buộc ông L và bà H phải trả cho bà C khoản tiền gốc 1.163.942.000 đồng và 593.209.300 đồng tiền lãi, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của bà C là có căn cứ nên Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên phần quyết định này của bản án dân sự sơ thẩm số 11/2021/DS-ST ngày 20/7/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

3. Xét kháng cáo của bị đơn ông Lường Văn L và bà Lò Thị H: Ông L và bà H đề nghị cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố, buộc bà C phải trả cho ông L và bà H 02 tỷ đồng theo hợp đồng góp vốn kinh doanh mà bà C và bà H đã ký kết ngày 20/3/2017 và lãi của khoản tiền 02 tỷ từ ngày 20/5/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm 20/7/2021, không buộc bị đơn chịu án phí đối với yêu cầu phản tố và chi phí giám định.

Trong các tài liệu do ông L và bà H cung cấp cho Tòa án có 02 hợp đồng góp vốn kinh doanh đề ngày 20/3/2017 có cùng nội dung bà H góp 02 tỷ tiền mặt cho bà C nhằm mục đích kinh doanh và các thỏa thuận khác, hợp đồng có chữ ký của bà H và bà C. Ông L và bà H giải trình 02 hợp đồng đều có cùng nội dung nhưng lại được bà C và bà H ký tại 02 thời điểm khác nhau, cụ thể: Ngày 20/3/2017, bà H và bà C có thỏa thuận với nhau việc góp vốn 02 tỷ nhằm mục đích kinh doanh nên 02 bên đã ký kết hợp đồng góp vốn, bà C còn dùng dấu của công ty P do bà C làm giám đốc đóng vào chữ ký của bà C trong bản hợp đồng, cùng ngày bà H đã giao cho bà C số tiền 02 tỷ, do tin tưởng nhau và do có bản hợp đồng nên bà H không làm biên bản giao tiền, hợp đồng ký kết ngày 20/3/2017 được lập thành 02 bản bà H và bà C mỗi người giữ 01 bản nhưng bà C đã giấu bản hợp đồng này không cung cấp cho Tòa án. Bản hợp đồng còn lại được bà C và bà H ký vào ngày 31/5/2019 không có việc góp vốn các bên ký kết chỉ nhằm mục đích để bà H làm thủ tục đi vay ngân hàng. Hợp đồng này được in ra từ máy vi tính của bà C trên cơ sở nội dung bản hợp đồng góp vốn ký ngày 20/3/2017 vẫn còn lưu trong máy nhưng không sửa lại ngày, tháng, năm. Do không có việc góp vốn 02 tỷ nên ngay sau khi ký kết hợp đồng bà Hà phải viết cho bà C giấy xác nhận hợp đồng này là hợp đồng ảo nhưng bà H đã viết nhầm ngày là 31/5/2018 thực chất là ngày 31/5/2019. Bà H thừa nhận trong ngày 31/5/2019 bà C và bà H có ký 01 hợp đồng góp vốn 02 tỷ, bà C ký xác nhận cho bà H 01 giấy xác nhận lương đề ngày 30/4/2019 nhằm mục đích để bà H làm thủ tục đi vay ngân hàng, cùng ngày bà H viết cho bà C 01 giấy xác nhận hợp đồng hai bên ký kết ngày 31/5/2019 là hợp đồng ảo. Ông L và bà H nhiều lần yêu cầu bà C đưa máy vi tính để kiểm tra, nhưng bà C không cung cấp với lý do máy hỏng đã bỏ đi và đã thay máy khác.

Bà C và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà C không đồng ý vì cho rằng 02 hợp đồng góp vốn đề ngày 20/3/2017 đều được bà C và bà H đã ký vào cùng một thời điểm là ngày 20/3/2017 mục đích để bà H đi vay ngân hàng nên 02 bản hợp đồng này là hợp đồng ảo không có thật, hợp đồng không có công chứng, chứng thực, không có biên bản giao tiền của bà H cho bà C, mặt khác ngày 31/5/2018, bà H có viết giấy xác nhận hợp đồng góp vốn này là hợp đồng ảo nên không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông L và bà H. Xem xét đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

[3.1]. Trong đơn gửi Công an tỉnh Điện Biên đề tháng 8/2019 (BL 66) bà C (BL 66) có ghi: “Đúng vào ngày 31/5/2019, H sang nhà tôi bảo nếu chị muốn có tiền trả cho bà T thì chị làm hợp đồng cho em. Chị xác nhận là em có góp vốn 02 tỷ và làm bảng lương cho em để em chứng minh nguồn thu nhập của em với ngân hàng... tôi bảo em có góp vốn với chị đồng nào đâu mà chị xác nhận cho em được thì H bảo chị yên tâm em sẽ viết cam kết cho chị và cho người làm chứng cho chị là được. Tôi vì tin lời H nói và muốn có tiền để trả cho chị T nên tôi đồng ý ký xác nhận lúc đó tôi nghỉ đẻ mới sinh em bé được 02 tuần chưa làm việc được nên không soạn được hợp đồng cho H, nên chị H tự soạn hợp đồng cho mình và mang lên phòng tôi cho tôi ký xác nhận rồi H cầm đi vay vốn ngân hàng (có những người làm chứng hôm đó là: Tòng Thị C, Vì Thị T, Lò Văn N; nhưng tôi yêu cầu H phải ghi cho tôi vài chữ làm cơ sở chứng minh đó là hợp đồng không có thật, chỉ nhằm mục đích để H vay vốn ngân hàng và chính tay H đã tự viết cho tôi”. Trong đơn đề nghị này chính bà C đã thừa nhận ngày 31/5/2019 bà H nhờ bà C ký cho bà H hợp đồng góp vốn 02 tỷ và 01 bảng lương để bà H đi vay ngân hàng, đổi lại bà H phải làm giấy xác nhận hợp đồng góp vốn này là ảo, phù hợp với lời khai của bà H trong suốt quá trình giải quyết vụ án.

[3.2]. Tại Kết luận giám định số 388/GĐ-PC09 ngày 08/5/2020 của Phòng kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Điện Biên đã kết luận:

“Chữ ký, chữ viết đứng tên Lò Thị H trên tài liệu cần giám định, ký hiệu A và chữ ký, chữ viết đứng tên Lò Thị H trên tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2 không cùng một loại mực ký, viết ra.

Chữ ký, chữ viết đứng tên Vì Thị C trên tài liệu cần giám định, ký hiệu A và chữ ký, chữ viết đứng tên Vì Thị C trên tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2 không cùng một loại mực ký, viết ra.

Chữ ký, chữ viết đứng tên Lò Thị H; chữ ký, chữ viết đứng tên Vì Thị C trên tài liệu cần giám định, ký hiệu A cùng một loại mực ký ra.

Chữ ký, chữ viết đứng tên Lò Thị H; chữ ký, chữ viết đứng tên Vì Thị C trên tài liệu so sánh, ký hiệu M1, M2 cùng một loại mực kỷ ra”.

(Hợp đồng góp vốn đề ngày 20/3/2017 mà ông L và bà H cho rằng bà C và bà H đã ký kết vào ngày 20/3/2017 được ký hiệu A; bản hợp đồng góp vốn đề ngày 20/3/2017 mà ông L và bà H cho rằng bà C và bà H ký xác nhận vào ngày 31/5/2019 được ký hiệu M1 và giấy xác nhận lương đề ngày 30/4/2019 được ký xác nhận cùng ngày với bản hợp đồng M1 được ký hiệu M2.) Bà C cho rằng 02 hợp đồng góp vốn đề ngày 20/3/2017 đều được bà C ký xác nhận cho bà H vào cùng một thời điểm là ngày 20/3/2017 để bà H đi vay ngân hàng, chứ không phải có 01 hợp đồng được ký kết vào ngày 20/3/2017 và 01 hợp đồng được ký kết vào ngày 31/5/2019 như bà H khai nhận. Căn cứ kết luận giám định thì trong cùng một thời điểm việc ký 02 văn bản bằng 02 loại mực khác nhau như bà C khai nhận là ít xảy ra. Việc 02 hợp đồng góp vốn được ký tại 02 thời điểm khác nhau như bà H khai nhận nên không cùng một loại mực ký, viết ra là có căn cứ và phù hợp với kết luận giám định. Bản hợp đồng, bảng lương được bà C ký xác nhận cho bà H vào cùng thời điểm ngày 31/5/2019 nên được kết luận là cùng một loại mực ký ra. Phân tích đánh giá chứng cứ này phù hợp với lời khai của bà H mâu thuẫn với lời khai của bà C.

[3.3] , Đối với giấy xác nhận hợp đồng ảo đề ngày 31/5/2018 (BL 10): Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/7/2019 và tại phiên tòa phúc thẩm bà C đều khai nhận: “Vì năm 2017 bà H nhờ tôi soạn là để đi vay ngân hàng, lúc đó tôi cứ nghĩ bà H đi vay ngân hàng là để trả tôi, đến 2018 bà H cũng chưa trả tôi khoản tiền vay 2016. Tôi sợ vợ chồng H lật lọng nên đã yêu cầu xác nhận hợp đồng góp vốn giữa tôi và bà H là hợp đồng ảo”. Bà C khẳng định thời gian bà H viết xác nhận hợp đồng ảo là ngày 31/5/2018 để phủ nhận hợp đồng góp vốn 02 tỷ mà 02 bên ký kết vào ngày 20/3/2017 là không chính xác bởi lẽ: Tại (BL 127) chị Vì Thị T có khai nhận: “Tôi là em gái của Vì Thị C, tôi đến thăm chị C sinh cháu, tôi có được làm chứng sự việc. Chị H là bạn bè chơi thân với chị C có đến nhà chị C và nói chị C ký cho chị H 01 hợp đồng góp vốn với chị C để chị H làm thủ tục vay ngân hàng, hợp đồng này chỉ là hợp đồng ảo thôi còn thực tế chị H không có tiền góp vốn cùng chị C. Tôi còn được làm chứng trong giấy xác nhận của chị Lò Thị H viết tại nhà chị C... ”. Tại (BL 125) Tòng Thị C cũng khai nhận: “Tôi đi làm thuê bế con cho C tôi có được làm chứng trong giấy xác nhận của chị Lò Thị H về hợp đồng ảo”. Thời gian chị C sinh con thứ ba là ngày 05/5/2019, 02 con sinh lớn của chị C sinh vào năm 2012 và năm 2015 (BL 05). Do vậy giấy xác nhận hợp đồng ảo đề ngày 31/5/2018 thực chất được viết và xác nhận vào ngày 31/5/2019 như lời khai của bà H là có căn cứ.

[3.4]. Trong các hợp đồng tín dụng do Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu Điện Liên Việt - chi nhánh Điện Biên cung cấp chỉ có hợp đồng tín dụng số 1902019174/01 ngày giải ngân 31/5/2019 là có sử dụng hợp đồng góp vốn 20/3/2017 và giấy xác nhận bản lương đề ngày 30/4/2019. Còn các hợp đồng tín dụng số 1902017448/01 ngày giải ngân 14/4/2017; hợp đồng số 19020171727/01 ngày giải ngân 08/12/2017; hợp đồng 1902018656/01 ngày giải ngân 22/10/2018 có sau thời điểm ký hợp đồng góp vốn ngày 20/3/2017 lại không có bản hợp đồng góp vốn này trong hồ sơ vay vốn, phù hợp với lời khai của ông L và bà H chỉ dùng hợp đồng góp vốn đề ngày 20/3/2017 được ký ngày 31/5/2019 để vay ngân hàng, mâu thuẫn với lời khai của bà C về thời gian xác lập hợp đồng đó là cả 02 hợp đồng đề ngày 20/3/2017 đều được xác lập vào ngày 20/3/2017 để cho bà H đi vay ngân hàng tại thời điểm năm 2017.

[3.5]. Từ các mục [3.1], [3.2], [3.3], [3.4], Hội đồng xét xử phúc thẩm có đủ căn cứ để kết luận trong ngày 31/5/2019 giữa bà C và bà H có ký xác nhận 01 hợp đồng góp vốn 02 tỷ đề ngày 20/3/2017, 01 giấy xác nhận trả lương và bà H có viết 01 giấy xác nhận hợp đồng ảo để phủ nhận giá trị pháp lý của hợp đồng được ký vào ngày 31/5/2019. Ngoài ra ngày 20/3/2017, giữa bà C và bà H còn ký với nhau 01 hợp đồng góp vốn 02 tỷ tiền mặt, hợp đồng này vẫn còn hiệu lực do chưa bị văn bản nào hủy bỏ, bà C cho rằng bản hợp đồng ký ngày 20/3/2017 đã bị văn bản là giấy xác nhận hợp đồng ảo ngày 31/5/2018 của bà H bác bỏ nên không còn giá trị, nhưng thực chất văn bản xác nhận hợp đồng ảo được bà H viết vào ngày 31/5/2019 chỉ để xác nhận cho hợp đồng góp vốn được bà C và bà H ký vào ngày 31/5/2019 chứ không phải để bác bỏ hợp đồng góp vốn mà bà C và bà H đã ký vào ngày 20/3/2017 như ý kiến của bà C. Lời khai của bà C trong suốt quá trình giải quyết vụ án luôn bất nhất và mâu thuẫn về thời gian ký xác lập 02 hợp đồng cùng ngày 20/3/2017 cũng như mâu thuẫn với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ. Lời khai của bà H và ông L nhất quán trong suốt quá trình giải quyết vụ án và phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

[3.6]. Xét giá trị pháp lý của Hợp đồng góp vốn kinh doanh ngày 20/3/2017: Người bảo vệ quyền và lợi ích của bà C cho rằng hợp đồng này không có giá trị pháp lý vì không được công chứng chứng thực; không có biên bản giao nhận tiền giữa các bên. Hợp đồng góp vốn được bà C và bà H ký vào ngày 20/3/2017, trong hợp đồng có các điều khoản do hai bên thống nhất về tài sản góp vốn, giá trị góp vốn và thời gian góp vốn, cùng các thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp. Bà C còn dùng con dấu của Công ty TNHH P đóng cho hợp đồng này. Tại phiên tòa bà C thừa nhận các giao dịch với bà H đều trên danh nghĩa cá nhân, không liên quan đến công ty, việc bà C dùng con dấu của công ty để đóng vào các hợp đồng vay tiền và hợp đồng góp vốn là do không hiểu biết pháp luật nên chỉ là tranh chấp dân sự. Theo quy định của pháp luật hợp đồng này không thuộc trường hợp bắt buộc phải công chứng, chứng thực như các hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất. Vì vậy căn cứ quy định tại các Điều 385, 388, 398, 400, 401 Bộ luật dân sự năm 2015 hợp đồng góp vốn ngày 20/3/2017có hiệu lực pháp luật. Nguyên đơn cho rằng không có biên bản giao nhận tiền giữa các bên nên không có việc góp vốn như bà H và ông L khai nhận. Ông L và bà H cho rằng do các bên quá tin tưởng nhau nên khi ông L và bà H giao 02 tỷ cho bà C chỉ căn cứ vào hợp đồng góp vốn có con dấu và chữ ký của bà C mà không làm biên bản giao tiền, việc này cũng giống như việc ông L và bà H vay của bà C nhiều lần với nhiều khoản tiền khác nhau trong đó có những khoản tiền lớn như 750 triệu, 900 triệu...bà C cũng không có biên bản giao tiền cho bà H, bà H và ông L chỉ căn cứ vào hợp đồng vay tiền các bên đã ký để nhận nợ với bà C, do vậy việc bà H và ông L khi giao số tiền 02 tỷ cho bà C đã không làm biên bản giao tiền cho bà C là có căn cứ. Việc bà C khai nhận các bên không hề thiết lập hợp đồng góp vốn và sau khi ông L và bà H yêu cầu phản tố về hợp đồng góp vốn này bà C luôn đưa ra các căn cứ bác bỏ, tuy nhiên các tài liệu chứng cứ này luôn mâu thuẫn với nhau. Cho đến trước ngày xảy ra tranh chấp các bên không có bất cứ văn bản nào đề nghị hủy bỏ hợp đồng và bản hợp đồng này vẫn được bà H giữ từ năm 2017 đến nay mà không dùng để làm thủ tục vay ngân hàng điều này chứng tỏ giá trị của bản hợp đồng, mặt khác nếu bản hợp đồng ký chỉ để đi vay ngân hàng như bà C khai nhận thì bà H đã dùng hợp đồng này để làm thủ tục vay ngân hàng mà không cần phải nhờ bà C ký xác nhận 01 hợp đồng khác có cùng ngày và cùng nội dung như bản hợp đồng hai bên ký từ ngày 20/3/2017. Từ những phân tích nêu trên Hội đồng xét xử có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của ông L và bà H công nhận hợp đồng góp vốn 02 tỷ đề ngày 20/3/2017 được ký xác lập ngày 20/3/2017 của bà H với bà C có hiệu lực. Việc Tòa án sơ thẩm tuyên bố hợp đồng góp vốn kinh doanh ngày 20/3/2017 giữa bà Lò Thị H và bà Vì Thị C vô hiệu là không có căn cứ và không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông L và bà H về việc buộc bà C phải trả cho ông L và bà H khoản tiền góp vốn 02 tỷ là không đúng bản chất sự việc và không đảm bảo quyền và lợi ích của ông L và bà H.

[3.7]. Xét yêu cầu của ông L và bà H về việc đối trừ khoản tiền gốc góp vốn 02 tỷ đồng và tiền lãi của khoản tiền này tính từ ngày 20/5/2017 đến thời điểm xét xử sơ thẩm lần 2 (ngày 20/7/2021) với mức lãi suất là 10%/năm bằng số tiền là: 833.333.333 đồng với khoản tiền gốc và lãi mà ông L và bà H phải trả cho bà C là 2.778.779.041 đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm ông L và bà H yêu cầu thời gian tính lãi từ ngày 20/3/2017 đến này xét xử sơ thẩm 20/7/2021 với số tiền lãi là: 866.670.000 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm ông L và bà H thay đổi yêu cầu thời gian tính lãi từ ngày 20/5/2017 đến này xét xử sơ thẩm 20/7/2021 với số tiền lãi là 833.333.333 đồng lý do thay đổi là sau khi góp vốn bà H đã nhận 02 tháng tiền lợi nhuận góp vốn. Việc thay đổi thời gian tính lãi và khoản tiền lãi không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu theo quy định tại Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự Hội đồng xét xử chấp nhận. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng hợp đồng góp vốn ngày 20/3/2017, các bên ký xác lập không có thỏa thuận về lợi nhuận của bên góp vốn. Ông L và Bà H vay tiền của bà C phải chịu lãi 10%/năm của khoản tiền vay thì việc ông L và bà H góp tiền với bà C để kinh doanh nhưng chưa nhận được lợi nhuận, nên việc ông L và bà H yêu cầu bà C phải trả cho ông L và bà H khoản tiền lãi của 02 tỷ với mức lãi suất là 10%/năm là phù hợp với quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 đồng và đảm bảo quyền lợi của ông L và bà H. Ông L và bà H phải trả cho bà C là 2.778.779.041 đồng nên việc hai bên khấu trừ cho nhau là phù hợp Hội đồng xét xử chấp nhận. Cụ thể:

Thời gian tính lãi từ ngày 20/5/2017 do ông L và bà H bà yêu cầu đến ngày xét xử sơ thẩm 20/7/2020 là 04 năm 02 tháng, số tiền lãi của số tiền gốc 02 tỷ từ ngày 20/5/2017 đến 20/7/2021 là:

- 2.000.000.000 đồng x 10%/năm x 04 năm = 800.000.000 đồng - 2.000.000.000 đồng x 10%/năm x 02 tháng = 33.333.333 đồng.

- Tiền lãi: 800.000.000 đồng + 33.333.333 đồng = 833.333.333 đồng - Tổng cộng số tiền gốc và lãi được Hội đồng xét xử chấp nhận là: 2.000.000.000 đồng + 833.333.333 đồng = 2.833.333.333 đồng.

Khấu trừ khoản tiền gốc và lãi mà ông L và bà H phải có nghĩa vụ liên đới trả cho bà C được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận đến ngày xét xử sơ thẩm là 2.778.779.041 đồng, thì bà C còn phải thanh toán cho ông L và bà H số tiền: 2.833.333.333 đồng - 2.778.779.041 đồng = 54.554.292 đồng.

[3.8]. Do yêu cầu phản tố của ông L và bà H được chấp nhận nên theo quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự bà C chịu toàn bộ chi phí giám định là 9.300.000 đồng ông L và bà H đã thanh toán nên bà C phải trả cho ông L và bà H số tiền 9.300.000 đồng.

[4.]. Về án phí:

[4.1]. Theo quy định tại khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 4, khoản 5 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng, án phí, lệ phí Tòa án Bà C phải chịu các khoản án phí sau:

- Do yêu cầu kháng cáo về việc buộc ông L và bà H phải trả cho bà C số tiền gốc 1.163.942.000 đồng và lãi là 593.209.300 đồng, tổng là: 1.757.151.300 đồng không được chấp nhận nên số tiền án phí dân sự có giá ngạch bà C phải chịu là: {36.000.000 đồng + (1.757.151.300 đồng - 800.000.000 đồng) X 3% = 64.714.539 đồng - Bà C phải có nghĩa vụ thanh toán cho ông L và bà H số tiền: 54.554.292 đồng nên bà C phải chịu số tiền án phí dân sự có giá ngạch là: 54.554.292 đồng x 5% = 2.727.714 đồng.

- Do kháng cáo của bà C không được chấp nhận nên bà C phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.

- Tổng số tiền án phí bà C phải chịu là: 64.714.539 đồng + 2.727.714 đồng + 300.000 đồng = 67.742.253 đồng. Được khấu trừ vào số tiền 51.896.200 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số AA/2010/08152 ngày 10/12/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên và 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo biên lai số AA/2010/0000559 ngày 05/8/2021 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Bà C còn phải chịu 67.742.253 đồng - (51.896.200 đồng + 300.000 đồng) = 15.846.053 đồng án phí dân sự.

[4.5.2]. Do kháng cáo về yêu cầu phản tố của ông L và bà H được chấp nhận nên ông L và bà H không phải chịu án phí có giá ngạch. Trả cho ông L và bà H số tiền tạm ứng án phí 36.000.000 đồng đã nộp theo biên lai số AA/2020/0000368 ngày 03/11/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên và 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo biên lai số AA/2010/0000569 ngày 11/8/2021 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309, khoản 1 Điều 161, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ khoản 4, khoản 5 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng, án phí, lệ phí Tòa án;

Căn cứ các Điều 385, 388, 398, 400, 401, 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Vì Thị C về việc buộc ông Lường Văn L và bà Lò Thị H (Lò Thu H) phải liên đới trả cho bà C số tiền: 1.757.151.300 đồng trong đó 1.163.942.000 đồng tiền gốc và 593.209.300 đồng tiền lãi.

2. Chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bị đơn ông Lường Văn L và bà Lò Thị H sửa 01 phần bản án sơ thẩm số 11/2021/DS-ST ngày 20/7/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên như sau:

2.1. Tuyên bố Hợp đồng góp vốn kinh doanh ký ngày 20/3/2017 giữa bà Vì Thị C và Lò Thị H có hiệu lực pháp luật. Buộc bà C phải trả cho ông L và bà H số tiền 2.833.333.333 đồng, trong đó 2.000.000.000 đồng tiền gốc và 833.333.333 đồng tiền lãi, khấu trừ với khoản tiền mà ông L và bà H phải có nghĩa vụ liên đới trả cho bà C là 2.778.779.041 đồng trong đó 2.025.000.000 đồng tiền gốc và 753.779.041 đồng tiền lãi theo bản án sơ thẩm số 11/2021/DS-ST ngày 20/7/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên thì bà C còn phải thanh toán cho ông L và bà H số tiền: 54.554.292 đồng. (Năm mươi bốn triệu năm trăm năm mươi bốn nghìn hai trăm chín mươi hai đồng) 2.2. Bà C phải trả cho bà H, ông L tiền chi phí giám định là 9.300.000 đồng (Chín triệu ba trăm nghìn đồng).

2.3. Tổng số tiền án phí bà C phải chịu là: 67.742.253 đồng được khấu trừ vào số tiền 51.896.200 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số AA/2010/08152 ngày 10/12/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên và 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo biên lai số AA/2010/0000559 ngày 05/8/2021 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Bà C còn phải nộp: 15.846.053 đồng (Mười lăm triệu tám trăm bốn mươi sáu nghìn không trăm năm mươi ba đồng) án phí dân sự có giá ngạch.

2.4. Trả cho ông L và bà H số tiền tạm ứng án phí 36.000.000 (Ba mươi sáu triệu) đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số AA/2020/0000368 ngày 03/11/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên và 300.000 đồng tiền tạm ứng dân sự phúc thẩm theo biên lai số AA/2010/0000569 ngày 11/8/2021 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

2.5. Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử phúc thẩm (ngày 11/7/2022), cho đến khi thi hành án xong khoản tiền phải trả bà C còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (11/7/2021).

Căn cứ Điều 26 Luật Thi hành án dân sự báo cho người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự biết: Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

168
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 05/2022/DS-PT

Số hiệu:05/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Điện Biên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 11/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;