Bản án 02/2024/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng vận chuyển tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG

BẢN ÁN 02/2024/KDTM-PT NGÀY 21/03/2024 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN TÀI SẢN

Ngày 21 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đ xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 06/2023/TLPT- KDTM, ngày 22 tháng 11 năm 2023 về “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển tài sản”.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 07/2023/KDTM-ST, ngày 18-9- 2023 của Tòa án nhân dân huyện Đắk Song, tỉnh Đ bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 02/2024/QĐ-PT, ngày 03 tháng 01 năm 2024, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty AA;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Khắc C – Giám đốc; địa chỉ: thị trấn Đ huyện Đ, tỉnh Đ – có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi lích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Võ Cao T – Luật sư Công ty luật TT thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đ; địa chỉ: Thôn MĐ, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đ – có mặt;

- Bị đơn: Công ty BB;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Hồng Q – Tổng giám đốc; địa chỉ:

phường M, quận N, thành phố Hà Nội;

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Hồng S – Chuyên viên pháp lý;

địa chỉ: Thôn C, xã H, huyện Đ, tỉnh G – có mặt;

- Người kháng cáo: Bị đơn Công ty BB.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện ngày 10/12/2021, lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn - ông Nguyễn Khắc C trình bày:

Vào ngày 26/6/2021, Công ty AA đăng ký sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hoá trên hệ thống của Công ty BB. Ngày 02/8/2021, để sử dụng dịch vụ, theo yêu cầu của Công ty BB, Công ty AA đã tạo 02 đơn hàng có mã vận đơn 773890228 và 570863751 để vận chuyển mặt hàng mì ăn liền ABC SeLeRa DeDas nhập khẩu Indonesia, số lượng 602 thùng, mỗi thùng 40 gói, đến bên mua hàng của Công ty AA là Công ty CC, có địa chỉ tại quận C, thành phố Hà Nội. Theo yêu cầu của Công ty BB, Công ty AA đã trả phí vận chuyển, đồng thời mua bảo hiểm cho hàng hoá (thể hiện tại các đơn hàng). Sau đó, nhân viên của Công ty BB đã tới kho của Công ty AA để xem và nhận hàng. Khi thấy hàng đủ điều kiện để vận chuyển thì Công ty BB đã nhận và xếp hàng lên xe để vận chuyển đến giao cho Công CC. Công ty BBhông hề yêu cầu phải đóng gói hàng hóa như thế nào, mặt khác các thùng mì tôm đã được đóng gói sẵn trước đó. Ngoài ra nhân viên của Công ty BB yêu cầu Công ty AA tách hàng hóa thành hai loại, với mức giá là 50.000.000 đồng tương đương với từng vận đơn để mua bảo hiểm với số tiền là 500.000 đồng (tức là 250.000 đồng/mỗi vận đơn). Công ty BB có nói việc mua bảo hiểm nhằm mục đích nếu hàng hóa xảy ra hư hỏng thì được bồi thường theo bảo hiểm. Khi đó Công ty AA chỉ biết là bảo hiểm trả, còn đơn vị nào trả bảo hiểm thì Công ty AA không được biết.

Trong quá trình vận chuyển hàng hóa như thỏa thuận nêu trên thì Công ty BB để hàng hóa bị ướt, rách và ẩm nên phía Công ty CC không nhận hàng. Sau đó, Công ty BB đã chở hàng trả lại cho Công ty AA nhưng Công ty AA không nhận vì không có nhân viên ký cam kết và đối chiếu khi nhận lại hàng.

Công ty AA đã yêu cầu bồi thường thì Công ty BB đưa ra lý do là Công ty BB đăng ký hoạt động theo Luật Bưu chính nên không đồng ý nhận lại hàng mà trả lại hàng theo dịch vụ bưu chính và không chấp nhận việc bồi thường. Vì mì ăn liền thuộc nhóm thực phẩm nên hư hỏng như trên dẫn đến hậu quả là không thể tiêu thụ được, thiệt hại về mặt thương mại là 100% giá trị. Công ty BB nhận vận chuyển nhưng đã không thực hiện đúng nghĩa vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng nên Công ty AA khởi kiện yêu cầu Công ty BB phải bồi thường thiệt hại của toàn bộ 602 thùng mì ăn liền hiệu SeLeRa PeDas nêu trên, giá trị thành tiền là 602 thùng x 202.000 đồng/thùng = 121.604.000 đồng nhưng Công ty AA yêu cầu theo hoá đơn nhập hàng là số tiền 96.320.000 đồng. Ngay khi nhận đủ tiền bồi thường, Công ty AA sẽ giao toàn bộ 602 thùng mì ăn liền hiệu SeLeRa PeDas bị hư hỏng nêu trên cho Công ty BB toàn quyền định đoạt.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị đơn – ông Nguyễn Hồng S trình bày:

Ngày 02/8/2021, Công ty AA đã tạo hai đơn hàng theo mã số 773890228 và số 570863751, kê khai mỗi đơn là 50.000.000 đồng và Công ty BB đã thu phí bảo hiểm là 250.000 đồng cho mỗi đơn hàng. Do trong quá trình đóng gói hàng hóa, phía Công ty AA không thực hiện đóng gói hàng hóa theo đúng quy cách đã được niêm yết của Công ty BB dẫn đến hàng hóa bị hư hỏng một phần. Bên cạnh đó tại thời điểm kiểm tra hiện trạng của 602 thùng mì thì có 30 thùng mì bị hư hỏng một phần vỏ hộp, một thùng mỳ thiếu hai gói; 571 thùng mỳ còn nguyên vẹn hoặc có hư nhẹ một phần vỏ hộp.

Xét thấy việc hư hỏng như trên là do Công ty AA đã không đóng gói đúng quy cách theo quy định nhận – gửi hàng của Công ty BB đã được niêm yết. Căn cứ vào quy định của Công ty thì Công ty BB không đồng ý bồi thường thiệt hại theo yêu cầu Công ty AA và không đồng ý thanh toán bảo hiểm.

Công ty BB được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ bưu chính, tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là tranh chấp hợp đồng vận chuyển là không đúng mà phải là tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ bưu chính. Do tòa án cấp sơ thẩm nhận định đây là hợp đồng dịch vụ vận chuyển tài sản nên đã áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự là không đúng, theo đó phải áp dụng các quy định của Luật Bưu chính thể giải quyết tranh chấp. Theo quy định tại khoản 5 Điều 38 Luật Bưu chính thì nguyên đơn đã không thực hiện việc khiếu nại nên nguyên đơn không có quyền khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Sau khi hàng hóa xảy ra hư hỏng, bị đơn đã yêu cầu nguyên đơn nhận lại toàn bộ hàng hóa nhưng nguyên đơn không nhận. Do đó việc hàng hóa bị hư hỏng, hết hạn sử dụng, mất toàn bộ giá trị thương mại là do lỗi của nguyên đơn, vì vậy bị đơn không đồng ý bồi thường.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 07/2023/KDTM-ST, ngày 18- 9-2023 của Tòa án nhân dân huyện Đắk Song đã quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; điểm i khoản 1 Điều 40; Điều 147; Điều 271, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; áp dụng từ Điều 530 đến Điều 541 của Bộ luật dân sự; các Điều 38, 39 của Luật Bưu chính và Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện Công ty AA. Buộc Công ty BB phải bồi thường cho Công ty AA số tiền 96.320.000đ (Chín mươi sáu triệu ba trăm hai mươi nghìn đồng) và giao toàn bộ 602 thùng mì ăn liên hiệu SeLeRa PeDas bị hư hỏng nêu trên cho Công ty BB toàn quyền định đoạt.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 27/9/2023 Công ty BB kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, các đương sự giữ nguyên lời khai như trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm; người kháng cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đ phát biểu ý kiến:

- Về hình thức: Đơn kháng cáo của Công ty BB làm trong hạn luật định, đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là đúng pháp luật. Người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.

- Về nội dung: Sau khi phân tích nội dung vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự; chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Buộc Công ty BB phải bồi thường cho Công ty AA số tiền: 67.424.000 đồng (tương đương với 70% lỗi) và Công ty AA phải chịu thiệt hại số tiền 28.896.000 đồng (tương đương với 30% lỗi).

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, kết quả hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về tố tụng: Đơn kháng cáo của Công ty BB làm trong hạn luật định, đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là hợp lệ nên được Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2]. Về nội dung vụ án và yêu cầu kháng cáo:

[2.1]. Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Giữa Công ty AA và Công ty BB đã thỏa thuận một giao dịch dân sự có nội dung: Công ty BB vận chuyển hàng hóa của Công ty AA là 602 thùng mì ăn liên hiệu SeLeRa PeDas để giao cho người mua hàng của Công ty AA. Công ty BB ngoài hoạt động trong lĩnh vực bưu chính còn hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa (được thể hiện trong giấy phép kinh doanh). Ngoài ra trong hợp đồng giữa hai công ty có thể hiện các thuật ngữ “ship” và “phí ship” có nghĩa là vận tải, vận chuyển. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển tài sản” là có căn cứ.

[2.2]. Về nội dung tranh chấp:

[2.2.1]. Bằng việc tạo 02 vận đơn số 773890228 và số 570863751, giữa Công ty AA và Công ty BB đã phát sinh giao dịch về việc vận chuyển tài sản. Hình thức và nội dung thỏa thuận giữa 02 công ty phù hợp với quy định tại Điều 530 và 531 của Bộ luật dân sự về hợp đồng vận chuyển tài sản. Cụ thể:

Điều 530 Bộ luật dân sự quy định:

“Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển”.

Điều 531 Bộ luật dân sự quy định:

“1. Hợp đồng vận chuyển tài sản được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

2. Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên”.

[2.2.2]. Theo thỏa thuận đã được xác lập giữa hai bên, Công ty BB có nghĩa vụ vận chuyển 602 thùng mì nêu trên để giao cho bên mua hàng là Công ty CC, có địa chỉ tại quận C, thành phố Hà Nội. Công ty AA đã thanh toán chi phí vận chuyển là 6.724.000 đồng, đồng thời mua bảo hiểm cho hàng hóa số tiền 500.000 đồng. Sau khi thỏa thuận các nội dung về việc vận chuyển thì nhân viên của Công ty BB đã đến kho của Công ty AA để xem và nhận hàng. Khi nhận hàng và xếp hàng lên xe, phía Công ty BB không yêu cầu Công ty AA phải đóng gói theo đúng quy cách mà Công ty BB đã niêm yết mà vẫn nhận hàng để vận chuyển. Mặt khác các thùng mì ăn liền đã được đóng gói sẵn theo quy cách của nhà sản xuất nên Công ty AA không thực hiện thêm việc đóng gói. Trong quá trình vận chuyển tài sản cho đến khi giao hàng thì một số thùng mì tôm đã bị ẩm ướt, rách và nhàu nát vỏ hộp nên Công ty CC không nhận. Khi đó, Công ty BB đã thông báo và chuyển trả lại hàng hóa cho Công ty AA.

Theo lời khai của các bên và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thì sau khi xảy ra sự việc, các bên đã không lập văn bản xác nhận tình trạng của tài sản sau khi bị người mua từ chối nhận. Đối với Công ty BB cho rằng đã 03 lần có văn bản yêu cầu nguyên đơn nhận lại hàng hóa nhưng nguyên đơn không nhận nên việc để các thùng mì hư hỏng, hết hạn sử dụng, mất toàn bộ giá trị thương mại là do lỗi của nguyên đơn. Đối với Công ty AA thừa nhận là có nhận được các văn bản yêu cầu nhận lại hàng của Công ty BB và cũng có Thư yêu cầu khắc phục hậu quả, tuy nhiên các bên không đạt được sự thỏa thuận.

Theo lời khai của ông Trần Văn Đ – Giám đốc Công ty CC tại Tòa án nhân dân quận C, thành phố Hà Nội xác nhận có đặt mua 602 thùng mì tôm như nêu trên của Công ty AA; tại thời điểm nhận hàng từ Công ty BB thì các thùng mì bị bẹp, méo, vỡ và rách ướt nên Công ty CC không nhận mà gọi điện thoại và chụp hình ảnh báo lại cho Công ty AA; Công ty AA đồng ý nhận lại hàng; mọi nội dung trao đổi đều qua điện thoại, các bên không lập thành văn bản.

[2.2.3]. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

Về lỗi dẫn đến thiệt hại: Tại Công văn số: 809/CV-GHTK ngày 08/9/2021 của Công ty BB có nêu về tình trạng tài sản gồm 30 thùng hàng đã bị hư hỏng hoàn toàn về vỏ hộp, 572 thùng còn lại hư hỏng nhẹ phần vỏ và nhăn, rách các mép thùng, đồng thời Công ty đã điều phối giao trả hàng vào các ngày 14 và 18/8/2021 nhưng Công ty AA không hợp tác nhận lại lô hàng. Tại biên bản lấy lời khai ngày 14/02/2022, ông Nguyễn Khắc C thừa nhận Công ty BB có chở hàng trả lại cho Công ty AA khoảng sau 10 ngày kể từ ngày gửi hàng (khoảng ngày 12/8/2021) nhưng chỉ có tài xế chở đến; khi Công ty AA yêu cầu lập văn bản xác nhận mặt hàng thì tài xế không chịu lập nên Công ty AA không nhận hàng; sau đó có nhân viên Công ty BB đến trao đổi và đồng ý hỗ trợ 30% tổng giá trị lô hàng thì Công ty AA đồng ý nhưng đến ngày giao nhận lại hàng thì Công ty BB không hỗ trợ như đã thỏa thuận nên Công ty AA không nhận lại hàng. Theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 04/7/2022 (sau thời điểm hai bên xác lập hợp đồng gần 01 năm) thì tại thời điểm xem xét, thẩm định có 362 thùng mì bị cũ nhàu và 240 thùng mì bị rách, chuột cắn vỏ hộp. Lúc này, các thùng mì đều chưa hết hạn sử dụng, Công ty BB đã có yêu cầu đối với Công ty AA nhận lại các thùng mì này nhằm hạn chế thiệt hại, tuy nhiên Công ty AA không nhận.

Như vậy, kể từ ngày người mua không nhận hàng cho đến ngày Tòa án tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ thì lô hàng chưa bị thiệt hại hoàn toàn. Sau khi xảy ra sự việc, các bên không cùng nhau thực hiện việc kiểm tra, đánh giá tình trạng hàng hóa trong thời gian sớm nhất dẫn đến hàng hóa bị hư hỏng hoàn toàn là do lỗi từ cả hai bên. Công ty AA cho rằng lô hàng ký kết với Công ty CC là nhằm mục đích trưng bày nên%, thiệt hại về mặt thương mại tính tại thời điểm giao hàng cho Công ty CC là 100tuy nhiên Công ty AA không cung cấp được tài liệu, chứng cứ thể hiện nội dung thỏa thuận với Công ty BB về việc vận chuyển giữa hàng hóa phải bảo đảm giá trị cho việc trưng bày cũng như tài liệu, chứng cứ (gồm văn bản, hình ảnh) thể hiện hàng hóa bị hư hỏng hoàn toàn như trình bày của Công ty AA. Đối với Công ty BB đã tiếp nhận, bốc dỡ hàng hóa từ kho của Công ty AA và thừa nhận trách nhiệm từ thời điểm điểm bốc xếp hàng lên xe là thuộc trách nhiệm của mình. Khi nhận hàng và xếp hàng lên xe, Công ty BB không yêu cầu Công ty AA phải đóng gói theo đúng quy cách mà Công ty BB đã niêm yết mà vẫn nhận hàng để vận chuyển. Do đó, việc hàng hóa bị ướt, rách và ẩm trong quá trình vận chuyển dẫn đến phía người nhận không nhận hàng là lỗi thuộc về Công ty BB theo quy định tại khoản 1 Điều 541 Bộ luật dân sự, cụ thể: “1. Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 536 của Bộ luật này”.

Bị đơn cho rằng bị đơn được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ bưu chính nên phải áp dụng các quy định của Luật Bưu chính để giải quyết tranh chấp, tuy nhiên bản thân bị đơn đã không thực hiện đúng các quy định của Luật Bưu chính, cụ thể:

Điều 11 Luật Bưu chính quy định:

“1. Bưu gửi được chấp nhận khi có đủ các điều kiện sau đây:

… d) Được gói, bọc theo yêu cầu của dịch vụ bưu chính.

2. Bưu gửi được coi là đã được chấp nhận trong các trường hợp sau đây:

a) Bưu gửi đã được doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính chấp nhận tại điểm phục vụ bưu chính hoặc tại địa chỉ của người gửi;

…”.

Tại khoản 3 Điều 29 Luật Bưu chính quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính là phải kiểm tra nội dung gói kiện hàng hóa trước khi chấp nhận.

Mặt khác, theo bảng giá phí dịch vụ niêm yết của Công ty BB thì giá cước liên miền loại chuẩn có phí niêm yết: 0,5kg có phí từ 30.000 đồng – 32.000 đồng; nếu thêm 0,5 kg tiếp theo thì cộng thêm 5000 đồng. Như vậy, tổng trọng lượng hàng hóa mà Công ty AA gửi là 1.806 kg; nếu tính theo giá cước thấp nhất là 30.000 đồng thì 1.806 kg phải mất 18.110.000 đồng nhưng Công ty BB chỉ thu phí của Công ty AA là 6.724.000 đồng (trong đó bao gồm 500.000 đồng phí bảo hiểm) là không đúng giá cước niêm yết và không đúng theo quy định của Điều 28 Luật Bưu chính.

Như vậy, từ những phân tích, nhận định nêu trên và xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy việc để cho các thùng mì tôm bị hư hỏng, sau đó hết hạn sử dụng và thiệt hại hoàn toàn là do lỗi của cả hai bên. Trong đó, lỗi chính thuộc về Công ty BB nên có căn cứ để chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty BB, sửa bản án sơ thẩm, buộc mỗi bên phải chịu thiệt hại được xác định tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ; cụ thể:

Công ty BB phải chịu trách nhiệm đối với 100% thiệt hại của 240 thùng mì bị rách, chuột cắn vỏ hộp, theo thỏa thuận của các bên thì 240 thùng mì tôm có giá là 240 x 160.000 đồng/thùng = 38.400.000 đồng và phải chịu trách nhiệm đối với 50% thiệt hại của 362 thùng mì bị cũ nhàu còn lại, tương đương 362 x 160.000 đồng/thùng x 50% = 28.960.000 đồng; tổng cộng Công ty BB phải bồi thường cho Công ty AA số tiền 38.400.000 đồng + 28.960.000 đồng = 67.360.000 đồng; Công ty AA phải tự chịu thiệt hại số tiền 28.960.000 đồng.

Giao 421 thùng mì cho Công ty BB toàn quyền định đoạt (tương đương số tiền Công ty BB phải bồi thường cho Công ty AA).

Giao 181 thùng mì còn lại cho Công ty AA toàn quyền định đoạt. [3]. Về án phí:

[3.1]. Về án phí sơ thẩm: Buộc Công ty BB phải chịu 67.360.000 đồng x 5% = 3.368.000 đồng tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Công ty AA phải chịu 28.960.000 đồng x 5% = 1.448.000 đồng tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

[3.2]. Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên Công ty BB không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

[4]. Vấn đề cần rút kinh nghiệm:

Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp giữa các đương sự là “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển tài sản” theo quy định tại Điều 530 của Bộ luật dân sự, tuy nhiên tại phần quyết định của bản án lại áp dụng các điều 38 và 39 của Luật Bưu chính để tuyên án là không phù hợp.

Về việc ghi trích yếu của bản án: Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 07/2023/KDTM-ST, ngày 18-9-2023 của Tòa án nhân dân huyện Đắk Song có ghi trích yếu là “V/v tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ bưu chính” là chưa đúng với phần nhận định và quyết định của bản án.

Tại mục [7] phần nhận định của bản án sơ thẩm đã nêu: “Do yêu cầu nguyên đơn được chấp nhận, vì vậy nguyên đơn phải nộp toàn bộ án phí dân sự theo quy định của pháp luật” nhưng tại mục 2 của bản án sơ thẩm lại nêu: “Buộc Công ty BB phải nộp 4.816.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm” là có mâu thuẫn.

Những sai sót nêu trên cần nêu ra để Tòa án cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty BB, sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 07/2023/KDTM-ST, ngày 18-9-2023 của Tòa án nhân dân huyện Đắk Song.

Căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; điểm i khoản 1 Điều 40; các điều 147, 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Áp dụng từ Điều 530 đến Điều 541 của Bộ luật dân sự và Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện Công ty AA. Buộc Công ty BB phải bồi thường cho Công ty AA số tiền 67.360.000 đồng đồng (Sáu mươi bảy triệu ba trăm sáu mươi nghìn đồng). Giao toàn bộ 421 thùng mì ăn liên hiệu SeLeRa PeDas cho Công ty BB toàn quyền định đoạt.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty AA đối với Công ty BB về số tiền 28.960.000 đồng (Hai mươi tám triệu chín trăm sáu mươi nghìn đồng). Công ty BB phải giao 181 thùng mì ăn liên hiệu SeLeRa PeDas cho Công ty AA toàn quyền định đoạt.

3. Về chi phí tố tụng: Buộc Công ty BB phải trả cho Công ty AA số tiền tạm ứng chi phí tố tụng đã nộp là 4.816.000đ (Bốn triệu tám trăm mười sáu nghìn đồng).

4. Về án phí:

4.1. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

Công ty BB phải chịu 3.368.000 đồng.

Công ty AA phải chịu 1.448.000 đồng, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 3.040.000 đồng, hoàn trả cho Công ty AA số tiền 1.592.000 đồng theo biên lai số 0001190 ngày 13 tháng 12 năm 2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đắk Song, tỉnh Đ.

4.2. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty BB không phải chịu án phí phúc thẩm, hoàn trả cho Công ty BB số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 0001367 ngày 09/10/2023 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Song, tỉnh Đ.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

264
  • Tên bản án:
    Bản án 02/2024/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng vận chuyển tài sản
  • Số hiệu:
    02/2024/KDTM-PT
  • Cấp xét xử:
    Phúc thẩm
  • Lĩnh vực:
    Kinh tế
  • Ngày ban hành:
    21/03/2024
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 02/2024/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng vận chuyển tài sản

Số hiệu:02/2024/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Nông
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 21/03/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;