Bản án về tranh chấp hợp đồng vận chuyển số 274/2020/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 274/2020/KDTM-PT NGÀY 11/05/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN

Trong các ngày 09 và 23/3, 08/4, 11/5/2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 112/2019/TLPT-KDTM ngày 23/9/2019 về việc “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển”.

Do Bản án sơ thẩm số 794/2019/KDTM-ST ngày 21/5/2019 của Tòa án nhân dân quận B3, Thành phố Hồ Chí Minh có kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 350/2020/QĐ-PT ngày 10/02/2020, và các Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 2227/2020/QĐ-PT ngày 09/3/2020, số 2740/2020/QĐ-PT ngày 23/3/2020 và số 3968/2020/QĐ-PT ngày 08/4/2020, giữa:

1. Nguyên đơn: Tổng Công ty Cổ phần T1 Địa chỉ trụ sở: Tầng 16, Tòa nhà N1, 201- 203 C1, Phường B1, Quận B2, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền:

Ông D1 Bà Y1.

Cùng địa chỉ liên lạc: Tầng 16, Tòa nhà N1, 201- 203 C1, Phường B1, Quận B2, Thành phố Hồ Chí Minh; Cùng Văn bản ủy quyền ngày 05/01/2017 Có mặt

2. Bị đơn: Công ty TNHH V1 Địa chỉ trụ sở: 685/20D T2, Phường HS, quận B3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Phùng Thị Ngọc H1; Địa chỉ: 526 Th1, Phường B4, Quận M1, Thành phố Hồ Chí Minh; Văn bản ủy quyền ngày 17/02/2020. Có mặt 3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH Đ1 Địa chỉ: Phòng 708, nhà 17T4, khu đô thị Ch1, phường Ch1, quận X1, Thành phố Hà Nội. Vắng mặt.

4. Người kháng cáo: Bị đơn Công ty TNHH V1 (Người ký đơn là ông V2- Giám đốc là người đại diện theo pháp luật) có đơn kháng cáo đề ngày 10/7/2019.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tóm tắt nội dung vụ án và quyết định của bản án sơ thẩm như sau:

Theo đơn khởi kiện ngày 05/01/2017, quá trình giải quyết, và tại phiên tòa nguyên đơn trình bày:

Ngày 11/3/2015 Công ty TNHH Một thành viên-Tổng Công ty L1 (VII) và Công ty TNHH V1 ký Hợp đồng vận chuyển số 02/VNF-VH/PHIL-2015. Theo đó: Hàng hóa vận chuyển là lô hàng gạo đóng bao có trọng lượng tịnh 5.000 tấn/100.000 bao từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cảng Cagayan De Oro/Philippines. Hàng hóa có bảo hiểm theo Đơn bảo hiểm hàng hóa số GD0029/15HB08GD ngày 14/4/2015 của Tổng Công ty Cổ phần T1 với VII. Lượng hàng nói trên được chuyển xuống tàu đầy đủ theo Vận đơn số 16/PH-25 ký phát ngày 13/4/2015 và một số chứng từ khác.

Ngày 21/4/2015 tàu đến cảng Cagayan De Oro giao hàng. Trong quá trình làm hàng từ ngày 21/4/2015 đến ngày 08/5/2015, một số hàng hóa bị rách vỡ, rơi vãi, không thu hồi được dẫn đến hàng hóa giao bị thiếu theo các Giấy chứng nhận dỡ hàng ngày 29/4/2015 của các công ty như: Golden Orient Ship Mangement & Agencies Inc và Cargo Tallying & Checkering Services. Cụ thể như sau:

- Số lượng hàng hóa tại Cảng đi: 5.000 tấn/100.000 bao.

- Số lượng hàng hóa còn tốt, nguyên tại Cảng đến: 4.927,175 tấn/99.340 bao.

- Lượng hàng tổn thất: 33 tấn/660 bao.

- Giá trị hàng tổn thất: 330.556.149 đồng (Ba trăm ba mươi triệu năm trăm năm mươi sáu nghìn một trăm bốn mươi chín đồng).

Phần tổn thất này theo Thông báo bồi thường hàng hóa số HT0029/15HB08GD ngày 08/9/2015 của Tổng Công ty T1 đã được thanh toán cho VII tại Giấy biên nhận và thế quyền ngày 15/9/2015.

Nay nguyên đơn truy đòi Người vận chuyển Công ty V1 bồi hoàn giá trị hàng hóa thiếu hụt trong chuyến vận chuyển nêu trên cũng như cùng thương lượng tìm cách giải quyết. Tuy nhiên cho đến nay Công ty V1 vẫn không có thiện chí để giải quyết vụ việc. Do vậy, căn cứ vào các quy định của Luật Hàng hải 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015, Tổng Công ty T1 khởi kiện yêu cầu Công ty V1 bồi thường 330.556.149 đồng (Ba trăm ba mươi triệu năm trăm năm mươi sáu nghìn một trăm bốn mươi chín đồng).

- Bị đơn trình bày:

Ngày 11/3/2015 Công ty V1 ký với Tổng Công ty L1 Hợp đồng số 02/VNF- VH/PHIL-2015, đến ngày 18/3/2015 Công ty V1 ký tiếp với Công ty TNHH Đ1 Hợp đồng số 02/VNF-VH/PHIL-2015. Theo đó: Công ty V1 thuê tàu Dong An Queen do Công ty TNHH Đ1 làm chủ sở hữu và quản lý thuyền viên (Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam số VN-3077-VT ngày 10/02/2010 của cơ quan đăng ký khu vực Hải Phòng) để vận chuyển 5.000 tấn gạo của VII đi từ Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đến Cagayan De Oro, Philippines. Cùng ngày 13/4/2015 tàu Dong An Queen hoàn thành việc xếp hàng tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam được Công ty V1 (Đại lý của chủ tàu Dong An Queen) ký phát Vận đơn số: 16/PH-25 theo ủy quyền của Thuyền trưởng: Nguyen Duy Luy, và khởi hành đến cảng Cagayan De Oro, Philippines giao hàng. Việc dỡ hàng hoàn thành vào ngày 08/5/2015 và xảy ra tổn thất hàng hóa theo các biên bản ký kết giữa các đại diện tàu Dong An Queen và đại diện của người nhận hàng.

Công ty V1 chỉ thực hiện chức năng đại lý vận chuyển, môi giới hàng hải, thuê tàu, không phải chủ tàu.

Ngoài ra, theo hợp đồng thuê tàu (Điều 15 khoản p, j): “Người vận chuyển/ Chủ tàu chịu trách nhiệm cho toàn bộ hàng hóa bị mất/hư hại bao gồm nhưng không giới hạn trong các trường hợp sau: trộm cắp, thiếu hụt, giao hàng thiếu, hàng ướt, tàu chìm, hỏa hoạn và cướp biển”;

“Chủ tàu có trách nhiệm đối với bất kỳ tổn thất và thiệt hại trong quá trình vận chuyển hàng hóa sau khi hàng hóa được chuyển qua lan can tàu ở cảng xếp cho đến khi hàng hóa qua lan can tàu tại cảng dỡ. Chủ tàu chịu trách nhiệm về các thiệt hại hàng hóa do nước thông qua thiết bị thông gió và việc rò rỉ nước và/hoặc dầu từ các ống và/hoặc các van và/hoặc các bình chứa nước,.v.v.. Chủ tàu phải xác nhận các thông báo mất mát và thiệt hại nếu có. Biên bản giao nhận hàng được ký bởi thuyền trưởng và người đại diện của Người thuê tàu/ Người giao nhận hàng của Người thuê tàu”.

Do vậy đề nghị xác định bị đơn là Công ty Đ1 chịu trách nhiệm 5.000 tấn gạo được vận chuyển bởi tàu Dong An Queen theo hai hợp đồng nêu trên. Theo Luật Hàng hải Việt Nam và thông lệ vận tải biển quốc tế thì toàn bộ thiệt hại hàng hóa thì Người nhận hàng giải quyết trực tiếp với Chủ tàu.

Bản án sơ thẩm số 794/2019/KDTM-ST ngày 21/5/2019 của Tòa án nhân dân quận B3, Thành phố Hồ Chí Minh, tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn Công ty TNHH V1 thanh toán cho Tổng Công ty CP T1 330.556.149 đồng (ba trăm ba mươi triệu năm trăm năm mươi sáu nghìn một trăm bốn mươi chín đồng).

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, lãi suất thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 10/7/2019 Bị đơn Công ty TNHH V1 có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, với yêu cầu hủy bản án sơ thẩm. Đến ngày 31/10/2019 bị đơn có văn bản với yêu cầu sửa bản án sơ thẩm đề nghị không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn bổ sung các chứng cứ sau:

Tài liệu bằng tiếng Anh dịch sang tiếng Việt có chứng thực hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, gồm: Giấy chứng nhận dỡ hàng và Báo cáo dỡ hàng cùng ngày 29/4/2015 (chứng thực cùng ngày 09/3/2020); Biên bản giám định số 15COM/AGR/0067-04 ngày 01/6/2015 (chứng thực ngày 24/01/2020); Văn bản của VII ngày 30/6/2015 về tổn thất hàng hóa của Vận đơn số 16/PH-25 ngày 13/4/2015 số tiền 13.893 USD (tài liệu tiếng Anh, không có bản dịch, có chữ ký và con dấu của Công ty V1).

- Nguyên đơn trình bày:

Nguyên đơn rút một phần yêu cầu 123.390.149 đồng và giữ yêu cầu bồi thường 207.166.000 đồng (330.556.149 đồng -123.390.149 đồng). Cụ thể: 340 bao rách vỡ còn một phần- 156 bao khôi phục = 184 bao + 271 rỗng (mất hết) = 455 bao thiệt hại x 50kg/bao = 207.166.000 đồng (Căn cứ vào Báo cáo dỡ hàng). Đây là số lượng hàng tổn thất ngay tại tàu trước khi bốc xuống xe tải chở đến các kho. Lượng hàng chảy từ các bao nói trên một phần (không thu hồi được toàn bộ) được tái chế lại (trong mục C trang 4 của Biên bản giám định Intertek) và phần nhiễm bẩn không dùng được gọi là hàng hốt quét. Toàn bộ hốt quét nêu trên xảy ra tại tàu được đưa về kho Warehourse Gid 4 (Mục B – Trang 5 trong Biên bản giám định để xứ lý). Phần hốt quét toàn bộ không thể dùng làm thức ăn cho người. Theo quy định của Philipine, phần gạo này phải tiến hành hủy bỏ (trong Biên bản giám định – trang 8 đã nêu rất rõ “As Total Loss” có nghĩa là mất giá trị toàn bộ.

Dù còn nguyên seal, niêm phong kẹp chì nắp hầm hàng, thì vẫn còn nhiều các lối khác vào hầm hàng. Quá trình xếp dỡ (ăn cắp, làm rách vỡ khi dỡ hàng...) thì vẫn thuộc trách nhiệm của Người vận chuyển (Khoản 1 Điều 546 Bộ luật dân sự 2005).

Nguyên đơn xác nhận, phạm vi của Đơn bảo hiểm hàng hóa số GD0029/15HB08GD ngày 14/4/2015 là bảo hiểm theo chuyến tới kho người mua. Vận đơn được xem là văn bản xác nhận bên vận tải đã nhận hàng đầy đủ theo thỏa thuận của Thuyền trưởng / Chủ tàu – Quy định tại khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật HHVN 2005 Thế quyền là phần tổn thất từ TP. HCM đến kho cảng, sẽ bao gồm phần tổn thất gây ra bởi quá trình vận chuyển bằng tàu Dong An Queen và bằng xe tải từ tàu về kho cảng. Tuy nhiên phần tổn thất qua xe tải này chúng tôi không tính toán và không truy đòi vì không thuộc trách nhiệm của Người vận chuyển qua tàu Dong An Queen.

Công ty V1 đã ký vào Văn bản ngày 30/6/2015 của VII là đã xác nhận trách nhiệm bồi thường.

Bị đơn trình bày:

Công ty V1 không đồng ý nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện 123.390.149 đồng, và đề nghị bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì không có căn cứ về thiệt hại hàng hóa, Công ty V1 đã hoàn thành hợp đồng vận chuyển giao đủ 100.000 bao gạo.

Đối với Văn bản ngày 30/6/2015 của VII, Công ty V1 không xác nhận trách nhiệm bồi thường. Công ty V1 có trách nhiệm bồi thường hay không phải căn cứ vào hợp đồng vận tải.

Giấy chứng nhận dỡ hàng và Báo cáo dỡ hàng cùng ngày 29/4/2015 và Biên bản giám định số 15COM/AGR/0067-04 ngày 01/6/2015 đều thể hiện khi hàng hóa được chuyển qua lan can tàu ở cảng xếp đến khi qua lan can tàu tại cảng dỡ khớp với vận đơn (Sai lệch/ thiếu hụt: Không). Vận đơn ghi “không rõ trọng lượng”. Vận tải không cân chỉ đếm số bao (trọng lượng/mét), không thiếu. Tại phần Phân tích so sánh số lượng dỡ hàng từ tàu với số lượng nhận tại các kho: Số lượng dỡ từ tàu là 100.000 bao/ 5.000 tấn. Tổng số lượng nhận tại kho: Số bao 100.000 bao/ 4.953.575 tấn. Sai lệch (lỗ): Số bao: không, tấn mét: (-) 46.425. Phần trăm (%): Số bao: không, tấn mét:

0,929.

Công ty V1 chấm dứt trách nhiệm khi hàng hóa bốc dỡ qua lan can tàu. Tại tàu, những bao rách vỡ gạo chảy ra sàn tàu có bạt (cót) được hốt quét thu hồi đã không được xác định trọng lượng. Công ty V1 không chấp nhận số bao rách rỗng là thiệt hại vì chủ hàng có dự phòng 1.500 bao (1,5%) bao rỗng (Có 10 mã hàng xếp dỡ trên lưới lớn trọng lượng không xác định). Có rách vỡ nhưng không bị mất, không thiếu hụt. GIC đưa ra số liệu rách vỡ, thiếu hụt, ẩm ướt không thực tế. Chênh lệch thiếu hụt là ở kho người nhận hàng thuộc trách nhiệm của VII với đơn vị vận chuyển nội địa (Xa cảng khoảng 15km trong điều kiện thời tiết có mưa). Người nhận hàng đã ký nhận hàng và không có khiếu nại về việc không nhận đủ hàng nên không đồng ý bồi thường.

Đối với Văn bản ngày 30/6/2015 của VII có nội dung thông báo về tổn thất, Công ty V1 không xác nhận trách nhiệm bồi thường. Công ty V1 có trách nhiệm bồi thường hay không phải căn cứ vào hợp đồng vận tải.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý và giải quyết vụ án đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tại phiên tòa Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đều tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn thanh toán 207.166.000 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng, quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa.

- Về tố tụng:

[1] Căn cứ Giấy chứng nhận bảo hiểm GIC số: GD0029/15HB08GD ngày 14/4/2015 (với Điều khoản bảo hiểm hàng hóa ICC (mọi rủi ro) A. 1.1.2009 từ cảng đến kho); Căn cứ thông báo bồi thường hàng hóa số HT0029/15HB08GD ngày 08/9/2015 của GIC, Giấy yêu cầu bồi thường ngày 30/6/2015 của VII và Giấy biên nhận và thế quyền ngày 15/9/2015 của VII thể hiện:

Tổng Công ty Cổ phần T1 (GIC, sau đây gọi tắt là T1) là nhà bảo hiểm hàng hóa cho các lô hàng gạo đóng bao của Công ty TNHH Một thành viên-Tổng Công ty L1 (VII).

Ngày 15/9/2015 GIC đã thanh toán cho VII số tiền 330.556.149 đồng (Ba trăm ba mươi triệu năm trăm năm mươi sáu nghìn một trăm bốn mươi chín đồng) bồi thường thiệt hại hàng hóa Vận đơn số 16/PH-25 ngày 13/4/2015 tàu MV Dong An Queen của Công ty TNHH V1 (sau đây viết tắt là Công ty V1) theo Hợp đồng vận chuyển số 02/VNF-VH/PHIL-2015 ngày 11/3/2015. GIC thực hiện quyền của chủ hàng khởi kiện Công ty TNHH V1 tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại hàng hóa theo Khoản 5 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Căn cứ Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam số VN-3077-VT ngày 10/02/2010, của cơ quan đăng ký khu vực Hải Phòng, cấp cho Công ty TNHH Đ1; và Căn cứ Hợp đồng vận chuyển số 02/DA-VH/PHIL-2015 ngày 18/3/2015 giữa Công ty TNHH V1 với Công ty TNHH Đ1. Theo đó Công ty TNHH V1 được xác định là chủ tàu Tàu MV Dong An Queen do thuê tàu từ Công ty TNHH Đ1 để vận tải hàng hóa cho VII. Công ty TNHH Đ1 có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ và xét xử vắng mặt theo khoản 2 Điều 227, Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

- Về kháng cáo của bị đơn:

[3] Công ty TNHH V1 phải chịu trách nhiệm về tổn thất hàng hóa sau khi hàng hóa được chuyển qua lan can tàu ở cảng xếp cho đến khi hàng hóa qua lan can tàu tại cảng dỡ.

Hợp đồng vận chuyển số 02/VNF-VH/PHIL-2015 ngày 11/3/2015 giữa Công ty TNHH Một thành viên-Tổng Công ty L1 (VII) với Công ty TNHH V1 được ký kết phù hợp pháp luật và có hiệu lực, theo đó xác định VII là Người thuê tàu, Công ty V1 là Người vận chuyển (Chủ tàu Dong An Queen). Hàng hóa 100.000 bao gạo/5.000 tấn và 1.500 bao rỗng dự phòng của chủ hàng VII được xếp lên tàu/được cân bởi công nhân do Người thuê vận chuyển thuê thực hiện và trả phí (Điểm a Mục 8 của hợp đồng).

Căn cứ Giấy chứng nhận xếp hàng (Phiếu đóng gói) và Vận đơn số 16/PH-25 ngày 13/4/2015 tàu Dong An Queen. Hàng hóa 100.000 bao gạo/5.000 tấn và 1.500 bao rỗng dự phòng của VII khởi hành ngày 13/4/2015 từ cảng Thành phố Hồ Chí Minh Việt Nam đến cảng Cagayan De Oro/Philippines giao hàng.

Căn cứ Giấy chứng nhận dỡ hàng ngày 29/4/2015 [Có đại diện GOSMA (người nhận hàng), Thuyển Trưởng (hãng tàu), đại diện LIONSHIP PHILS INC (đại lý tàu), đại diện SGS (giám định của người mua), đại diện INTERTEK (giám định bảo hiểm)]; và căn cứ Báo cáo dỡ hàng ngày 29/4/2015 [có đại diện GOSMA (người nhận hàng), Thuyển Trưởng (hãng tàu) và ANTONION V.GABUCAN].

Theo đó so sánh với Vận đơn số 16/PH-25 ngày 13/4/2015 có số liệu trùng khớp: Số bao 100.000, số tấn 5.000 (Ghi chú: Có 10 mã hàng xếp dỡ trên lưới lớn trọng lượng không xác định; và 1.500 bao (1,5%) bao rỗng dự phòng). Sai lệch/ thiếu hụt: Không. Số bao gạo bị rách vỡ, rỗng có được khôi phục bằng bao dự phòng nhưng không được xác định trọng lượng tại tàu trong khi toàn bộ các bên có đại diện tham gia đã ký nhận hàng hóa được bốc dỡ không sai lệch, không thiếu hụt.

Đồng thời Biên bản giám định số 15COM/AGR/0067-04 ngày 01/6/2015 của Intertek thể hiện:

Số lượng trên vận đơn với số lượng dỡ từ tàu: Theo vận đơn số bao là 100.000, số tấn 5.000 và tổng số hàng hóa bốc dỡ theo kiểm đếm của nhân viên kiểm tra số bao là 100.000 và số tấn 5.000 (Có 10 mã hàng xếp dỡ trên lưới lớn trọng lượng không xác định; 1.500 bao (1,5%) bao rỗng dự phòng). Sai lệch/ thiếu hụt: Không.

Số lượng dỡ hàng từ tàu với số lượng nhận tại các kho: Số lượng dỡ từ tàu là 100.000 bao/ 5.000 tấn. Tổng số lượng nhận tại kho: Số bao 100.000 bao/ 4.953.575 tấn. Sai lệch (lỗ): Số bao không, tấn mét (-) 46.425. Phần trăm (%): Số bao không, tấn mét: 0,929.

Theo Điểm j, p Mục 15 của Hợp đồng vận chuyển số 02/VNF-VH/PHIL-2015 ngày 11/3/2015 qui định:

“Chủ tàu chịu tất cả các trách nhiệm đối với bất kỳ tổn hại hay tổn thất hàng hóa nào sau khi hàng đã được đưa qua khỏi lan can tàu tại cảng xếp cho đến khi hàng hóa lại được đưa qua khỏi thành lan can tàu tại cảng dỡ hàng” ; “Người vận chuyển/ Chủ tàu chịu trách nhiệm cho toàn bộ hàng hóa bị mất/hư hại bao gồm nhưng không giới hạn trong các trường hợp sau: trộm cắp, thiếu hụt, giao hàng thiếu, hàng ướt, tàu chìm, hỏa hoạn và cướp biển”.

Do việc giám định được thực hiện tại các kho người nhận hàng nên không thuộc trách nhiệm của Công ty V1.

Kháng cáo của bị đơn Công ty V1 không đồng ý bồi thường tổn thất hàng hóa theo Vận đơn số 16/PH-25 ngày 13/4/2015 là có căn cứ được chấp nhận. Sửa bản án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn thanh toán 330.556.149 đồng (Ba trăm ba mươi triệu năm trăm năm mươi sáu nghìn một trăm bốn mươi chín đồng).

Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí sơ thẩm tính trên số tiền không được chấp nhận 330.556.149 đồng (Vì bị đơn không đồng ý cho nguyên đơn rút lại một phần yêu cầu 123.390.149 đồng).

Do sửa bản án sơ thẩm nên bị đơn kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm và được hoàn trả toàn bộ tạm ứng án phí đã nộp.

Vì lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Căn cứ vào Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Bộ luật dân sự; Luật Hàng hải 2005; Pháp lệnh án phí lệ phí Toà án; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Điều 26 Luật thi hành án dân sự.

Chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH V1. Sửa bản án sơ thẩm.

1. Không chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn là Tổng Công ty Cổ phần T1 đòi Công ty TNHH V1 bồi thường thiệt hại hàng hóa 330.556.149 đồng (Ba trăm ba mươi triệu năm trăm năm mươi sáu nghìn một trăm bốn mươi chín đồng).

2. Án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm 16.527.807 đồng nguyên đơn Tổng Công ty Cổ phần T1 chịu, được khấu trừ 8.264.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2014/0009740 ngày 15/02/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận B3. Nên còn phải nộp tiếp số tiền chênh lệch là 8.263.807 đồng.

3. Hoàn lại tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà Công ty TNHH V1 đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2018/0021360 ngày 23/7/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận B3 là 2.000.000 đồng.

Việc thi hành án được thực hiện tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự Bản án này có hiệu lực pháp luật ngay.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

107
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vận chuyển số 274/2020/KDTM-PT

Số hiệu:274/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 11/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: [email protected]
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;