Bản án 08/2023/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

BẢN ÁN 08/20 2 3 /KDTM- PT NGÀY 22/08/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA

Ngày 22/8/2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 03 / 2 0 23 /TLPT-KDTM ngày 04 tháng 5 năm 2023 về việc: “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa”.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2022/KDTM-ST ngày 08 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân thị xã P bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 08/2023/QĐ-PT ngày 05 tháng 7 năm 2023; Quyết định hoãn phiên tòa số 07/2023/QĐ-PT ngày 21/7/2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Tổng công ty cổ phần B; Địa chỉ: phường N, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Anh T – Tổng Giám đốc;

- Ông Nguyễn Đức H, sinh năm 1989 – Chuyên viên pháp lý và bà Hoàng Thị Ngọc T, sinh năm 1979 – Chuyên viên Ban Bảo hiểm Hàng hải. (Theo Giấy ủy quyền số 1260/2020-BM/VP ngày 09/6/2020) (vắng mặt);

- Ông Nguyễn Hoàng A, sinh năm 1995 – chuyên viên pháp lý. (Theo Giấy ủy quyền bổ sung số 2938/2020-BM/VP ngày 25/12/2020) (có mặt).

2. Bị đơn:

2.1. Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N; Địa chỉ: Thôn V, phường P, thị xã P, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Hồng L – Giám đốc (Vắng mặt) Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn Đ – Phó giám đốc và bà Nguyễn Thị Phương H – Phó phòng logistics (Theo Giấy ủy quyền số 02.NP/2023 ngày 01/01/2023) (Ông Đ vắng mặt, bà H có mặt).

Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp: Luật sư Nguyễn Văn T, Hội Luật gia quận G, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt).

2.2. Công ty Cổ phần Đ; Địa chỉ: Xóm Đ, thôn B, thị trấn M, huyện K, tỉnh Hải Dương;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Văn H – Tổng Giám đốc (Vắng mặt) Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Nguyễn Trung B – Phó tổng giám đốc (Theo Giấy ủy quyền ngày 20/9/2022) (Có mặt).

3. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

3.1. Công ty Cổ phần tập đoàn H; Địa chỉ: Khu công nghiệp S, phường D, thị xã D, tỉnh Bình Dương;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Quốc T – Tổng Giám đốc; (Vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt).

3.2. Công ty Cổ phần T1; Địa chỉ: Khu phố Ô, Phường T, Thị xã P, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;

Ngưi đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Phi H – Giám đốc; (Vắng mặt)

3.3. Công ty TNHH P; Địa chỉ: Phố K, Phường N, Quận B, Thành phố Hà Nội;

Ngưi đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Đăng H – Giám đốc Công ty; (Vắng mặt).

3.4. Công ty TNHH Vận tải T; Địa chỉ: Khu dân cư T, khu phố 2, phường P, Quận N, Thành phố Hồ Chí Minh;

Ngưi đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Đình H – Giám đốc; (Vắng mặt) 4. Người kháng cáo: Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo đơn khởi kiện, các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm, ông Nguyễn Đức H, ông Nguyễn Hoàng A là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, Tổng công ty cổ phần B trình bày:

Vào ngày 12/5/2017, giữa Tổng công ty cổ phần B (sau đây gọi tắt là Công ty B) và Công ty Cổ phần tập đoàn H (sau đây gọi tắt là Công ty H) đã ký kết Hợp đồng bảo hiểm số MCT/013003913 ngày 12/5/2017 cho Hợp đồng Dịch vụ Vận chuyển hàng hóa số 02/2017/HĐNTVC/HS-N ngày 01/5/2017 (gọi tắt là Hợp đồng 02) về việc vận chuyển tôn cán nguội giữa Công ty H và Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N (sau đây gọi là Công ty N) có nội dung như sau:

Công ty B nhận bảo hiểm cho lô hàng 147 cuộn/2.877,505 tấn tôn cán nguội; người được thụ hưởng bảo hiểm: Công ty H; Đối tượng bảo hiểm: 147 cuộn/2.877,505 tấn tôn cán nguội; phương tiện vận chuyển: Tàu biển của Công ty Tàu Đ; hải trình theo hợp đồng: Từ cảnh SSIT C BR-VT đến cảng PTSC N, Thanh Hóa. Phí bảo hiểm: 10.889.245 đồng; Mức bồi thường bảo hiểm 110% hàng hóa bị tổn thất; Trị giá bảo hiểm: 44.996.881.246 đồng;

Ngày 20/5/2017, Tàu của Công ty Đ cập Cảng PTSC N, Thanh Hóa nhưng đã để xảy ra sự cố làm tổn thất hàng hóa. Sau khi điều tra giám định, Công ty cổ phần giám định PB đã kết luận thiệt hại do tổn thất hàng hoá là 760.257.504 đồng; chi phí chi trả giám định là 37.680.500 đồng; tổng cộng thiệt hại được xác định là: 797.938.004 đồng.

Sau khi nhận được kết luận giám định, Công ty N, Công ty H, Công ty Đ đều không có ý kiến gì về nguyên nhân gây thiệt hại và kết luận giám định. Căn cứ vào biên bản giám định, ngày 28/3/2018, Công ty B đã tiến hành chi trả tiền bảo hiểm cho Công ty H số tiền 760.257.504 đồng và chi phí giám định là 37.680.500 đồng. Tổng số tiền mà Công ty B đã chi trả là 797.938.004 đồng. Sau khi chi trả bảo hiểm cho Công ty H, ngày 10/01/2019, Công ty H đã làm Giấy biên nhận và thế nhiệm cho Công ty B được toàn quyền thu hồi đối với số tiền 797.938.004 đồng. Công ty B đã có văn bản yêu cầu Công ty N và Công ty Đ hoàn trả số tiền bảo hiểm mà Công ty B đã bồi thường cho Công ty H nhưng phía Công ty N và Công ty Đ không thực hiện.

Nay Công ty B vẫn giữ nguyên yêu cầu Tòa án buộc Công ty N và Công ty Đ cùng có nghĩa vụ liên đới trả cho Công ty B số tiền 797.938.004 đồng.

2. Trong quá trình tham gia tố tụng,các bị đơn trình bày:

2.1. Ông Nguyễn Văn Đ là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn, Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N trình bày:

Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N và Công ty H có ký Hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng hóa số 02/2017/HĐNTVC/HS-N ngày 01/5/2017 (gọi tắt là Hợp đồng 02) về việc vận chuyển tôn cán nguội.

Ngày 05/01/2017, Công ty N không trực tiếp vận chuyển hàng hoá mà ký hợp đồng vận chuyển với đơn vị vận tải thứ cấp là Công ty cổ phần T1 (sau đây gọi tắt là Công ty T1) theo Hợp đồng nguyên tắc dịch vụ vận chuyển hàng hoá số 01/2017/HĐNTVC/TH-NP/05.01.17 và Phụ lục hợp đồng số 02/PLHĐ/TH-NP.

Quá trình làm việc sau này, Công ty N được biết, sau khi ký hợp đồng với Công ty N thì Công ty T1 tiếp tục ký hợp đồng vận chuyển với công ty vận tải thứ cấp khác. Cụ thể như sau: Ngày 20/4/2017, Công ty T1 đã ký hợp đồng với Công ty TNHH P (sau đây gọi tắt là P) theo Hợp đồng nguyên tắc dịch vụ vận chuyển hàng hoá số 01/2017/HĐNTVC/TH-NP và Phụ lục hợp đồng số 02/PLHĐ/TH- NP/ĐV568-18 ngày 11/5/2017. Sau đó P cũng không trực tiếp vận chuyển mà đã ký hợp đồng vận chuyển với Công ty TNHH vận tải T (sau đây gọi tắt là Công ty T) theo Hợp đồng vận chuyển hàng hoá số 155/2017/HĐVC:PV-TĐĐ ngày 10/5/2017. Ngày 10/5/2017, Công ty T đã ký hợp đồng vận chuyển với Công ty Cổ phần Đ (Đ) theo Hợp đồng vận chuyển hàng hoá số 156/2017/HĐVC: ĐV – TĐĐ ngày 10/5/2017.

Công ty N thừa nhận lời trình bày của Công ty B về sự việc Tàu Đ gặp sự cố dẫn đến việc bị hư hại hàng hóa vào ngày 20/5/2017 cũng như quá trình điều tra, kết luận giám định với số tiền tổn thất là 760.257.504 đồng và tiền chi phí giám định 37.680.500 đồng đúng như phía Công ty B đã trình bày. Lỗi dẫn đến sự cố trên là do Chủ tàu Đ để nước tràn vào boong tàu làm hư hỏng hàng hoá.

Vào ngày 02/7/2017, Công ty H có văn bản yêu cầu N phải bồi thường số tiền tương ứng 120% giá trị hàng hoá bị thiệt hại, tương đương số tiền 258.316.544 đồng. Thực hiện yêu cầu của Công ty H, Công ty N đã gửi yêu cầu Công ty T1 phải bồi thường số tiền trên. Công ty T1 đã chuyển số tiền 258.316.544 đồng cho Công ty N để Công ty N chuyển số tiền này cho Công ty H. Đối với việc Công ty B và Công ty H có thỏa thuận bồi thường như thế nào thì Công ty N không biết nên dẫn đến hiểu nhầm số tiền Công ty H yêu cầu là tổng số tiền mà N phải bồi thường cho H.

Nay, Công ty N đề nghị Toà án tuyên thoả thuận bồi thường số tiền 258.316.544 đồng giữa Công ty N và Công ty T1, giữa Công ty T1 và Công ty P, giữa Công ty P với Công ty T và giữa Công ty T với Công ty Đ bị vô hiệu do nhầm lẫn theo Điều 126, Bộ Luật Dân sự. Công ty N đồng ý trả lại số tiền 258.316.544 đồng và Công ty N không yêu cầu giải quyết về bồi thường thiệt hại.

Đối với yêu cầu của Công ty B đòi Công ty N và Công ty Đ cùng liên đới bồi thường cho Công ty B số tiền 797.938.004 đồng thì đề nghị Toà án giải quyết theo quy định pháp luật.

Công ty N không có ý kiến hay tranh chấp gì đối với việc Công ty N đã chi trả số tiền 258.316.544 đồng cho Công ty H.

2.2. Ông Phạm Trung B là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn, Công ty cổ phần Đ trình bày:

Ngày 10/5/2017, Công ty Đ và Công ty T ký hợp đồng vận chuyển về việc: Công ty T vận chuyển lô tôn cán nguội từ cảng SSIT P đến cụm Cảng N, Thanh Hoá. Phương tiện vận chuyển là Tàu Đ – 18. Tổng giá trị thanh toán 230.962.800 đồng theo hoá đơn GTGT 0000129 ngày 25/5/2017. Do có sự cố vận chuyển dẫn đến nước ngấm vào các cuộn tôn bên trong hầm tàu. Sau khi làm việc với chủ hàng, Công ty T và Công ty Đ xác định mức độ tổn thất và mức bồi thường số tiền 258.316.544 đồng. Đến ngày 02/11/2017, Công ty Đ đã hoàn thành việc thanh toán tiền bồi thường cho Công ty T.

Đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty B thì Công ty Đ yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với vụ án. Công ty Đ cho rằng thời hiệu khởi kiện không còn do từ thời điểm xảy ra thiệt hại đến thời điểm khởi kiện đã quá 02 năm. Công ty Đ không phải là bị đơn trong vụ án bởi vì Công ty Đ không liên quan đến quan hệ giữa Công ty B, Công ty N và Công ty H nên Công ty B, Công ty N không có quyền khởi kiện Công ty Đ. Công ty Đ chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án do có ký hợp đồng với phía Công ty T. Vì vậy, Công ty Đ đã hoàn thành nghĩa vụ bồi thường với Công ty T và không có trách nhiệm hay nghĩa vụ bồi thường đối với bên thứ 3 nào khác.

3. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

3.1. Trong quá trình tham gia tố tụng, Công ty Cổ phần tập đoàn H trình bày: Ngày 01/5/2017, Công ty H và Công ty N có ký Hợp đồng 02 về việc vận chuyển tôn cán nguội. Theo nội dung tại khoản 3 Điều 7 Hợp đồng 02 thì nếu có thiệt hại xảy ra, Công ty N phải bồi thường tương đương với 120% giá trị hàng hoá bị tổn thất cho Công ty H.

Ngày 12/5/2017, Công ty B và Công ty H đã ký kết Hợp đồng bảo hiểm số MCT/013003913 ngày 12/5/2017 cho Hợp đồng 02. Theo nội dung Hợp đồng bảo hiểm số MCT/013003913 ngày 12/5/2017, thì khi có thiệt hại xảy ra, Công ty B có nghĩa vụ bồi thường cho Công ty H tương ứng 110 % thiệt hại xảy ra.

Ngày 20/5/2017, Tàu Đ cập Cảng PTSC N, Thanh Hóa nhưng đã để xảy ra sự cố làm tổn thất hàng hóa. Sau khi điều tra, Công ty Cổ phần giám định PB kết luận thiệt hại do tổn thất hàng hoá cụ thể như sau: Số lượng hàng hoá tổn thất: 17 cuộn tôn; Giá trị hàng hoá bị tổn thất: 1.948.659.372 x 1,1 x 1,1= 2.357.877.470 đồng (đã bao gồm VAT); Chi phí sản xuất hàng hoá bị tổn thất thành phẩm để bán cứu vớt 439.640.134 đồng (đã bao gồm VAT); Số tiền thu hồi bán cứu vớt là 2.037.260.470 đồng (đã bao gồm VAT); Chi phí giám định 37.680.500 đồng; Tổng tổn thất sau khi bán hàng giảm cấp và phí giám định: (2.357.877.470 đồng + 439.640.134 đồng) – 2.037.260.470 đồng + 37.680.500 đồng = 797.938.004 đồng (đã bao gồm VAT).

Sau khi có kết quả giám định, căn cứ Hợp đồng 02 và Hợp đồng bảo hiểm số MCT/013003913 ngày 12/5/2017, Công ty H đã xác định số tiền bồi thường tương đương với 120% giá trị hàng hoá bị tổn thất sau khi đã khấu trừ tiền bán cứu vớt (đã bao gồm VAT), cụ thể như sau: (1.948.659.372 đồng x 1,1 x 1,2) đồng + 439.640.134 đồng - 2.037.260.470 đồng (tiền bán cứu vớt) = 974.610.035 đồng. Ngày 18/11/2017, Công ty H đã gửi Danh mục thông báo bồi thường ngày 18/11/2017, Giấy yêu cầu bồi thường yêu cầu Công ty B phải trả số tiền bảo hiểm 760.257.504 đồng tương ứng 110% và yêu cầu Công ty N bồi thường số tiền 214.352.531 đồng, tương ứng 10% thiệt hại còn lại.

Đến ngày 10/01/2019, do Công ty B đã bồi thường xong cho Công ty H số tiền 797.938.004 đồng và được Công ty H làm giấy thế nhiệm chuyển quyền đòi tiền cho Công ty B.

Đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty B thì Công ty H đề nghị Toà án chấp nhận yêu cầu của Công ty B để buộc các bên gây ra tổn thất phải bồi thường số tiền mà Công ty B đã chi trả cho Công ty H.

3.2. Trong quá trình tố tụng, Công ty Cổ phần T1 trình bày:

Công ty T1 thống nhất với lời trình bày của Công ty N về việc ký kết hợp đồng vận chuyển và việc xảy ra sự cố dẫn đến thiệt hại hàng hoá.

Sau khi ký hợp đồng vận chuyển với Công ty N thì Công ty T1 không trực tiếp vận chuyển lô hàng trên mà ký tiếp với Công ty P theo Hợp đồng vận chuyển 01/2017/HĐNTVC/TH-NP và Phụ lục hợp đồng số 02/PLHĐ/TH-NP/ĐV568-18 ngày 11/5/2017. Việc chủ hàng xác định giá trị tổn thất là 258.316.544 đồng và yêu cầu bồi thường của Công ty N thì phía Công ty T1 đã bồi thường toàn bộ số tiền theo yêu cầu của Công ty N nên Công ty T1 không còn liên quan đến việc yêu cầu bồi thường của Công ty B.

3.3. Trong quá trình tham gia tố tụng, Công ty TNHH P trình bày:

Công ty P thống nhất với lời trình bày của Công ty T1 về việc ký kết hợp đồng vận chuyển và việc xảy ra sự cố dẫn đến thiệt hại hàng hoá.

Sau khi Công ty P ký hợp đồng vận chuyển với Công ty T1 thì Công ty P không trực tiếp vận chuyển lô hàng trên mà ký Hợp đồng vận chuyển hàng hoá số 155/2017/HĐVC:PV-TĐĐ ngày 10/5/2017 với Công ty T. Cùng ngày phía Công ty T đã tiếp tục ký Hợp đồng vận chuyển hàng hoá số 156/2017/HĐVC: ĐV-TĐĐ ngày 10/5/2017 với Công ty Đ. Do đó, Công ty Đ là đơn vị vận chuyển trực tiếp hàng hoá nêu trên. Việc chủ hàng xác định giá trị tổn thất là 258.316.544 đồng và yêu cầu bồi thường của Công ty T1 thì Công ty P đã bồi thường toàn bộ số tiền trên cho Công ty T1 nên Công ty P không còn liên quan đến việc yêu cầu bồi thường của Công ty B.

Đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty B thì Công ty P xác định Công ty P chỉ là người vận tải thứ cấp, còn Công ty Đ là người vận chuyển trực tiếp gây ra sự cố nên Công ty Đ có nghĩa vụ bồi thường cho Công ty B.

3.4. Trong quá trình tố tụng, Công ty TNHH Vận tải T trình bày:

Công ty T thống nhất với lời trình bày của Công ty P về việc ký kết hợp đồng vận chuyển và việc xảy ra sự cố dẫn đến thiệt hại hàng hoá.

Sau khi Công ty T ký hợp đồng vận chuyển với Công ty P thì Công ty T không trực tiếp vận chuyển lô hàng trên mà ký Hợp đồng vận chuyển hàng hoá số 156/2017/HĐVC: ĐV-TĐĐ ngày 10/5/2017 với Công ty Đ. Do đó Công ty Đ là đơn vị vận chuyển trực tiếp hàng hoá nêu trên. Việc chủ hàng xác định giá trị tổn thất là 258.316.544 đồng và Công ty P yêu cầu bồi thường thì Công ty T đã bồi thường toàn bộ số tiền trên cho Công ty P nên Công ty T không còn liên quan đến việc yêu cầu bồi thường của Công ty B.

Đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty B thì Công ty T chỉ là người vận tải thứ cấp còn Công ty Đ là người vận chuyển trực tiếp gây ra sự cố thiệt hại nên Công ty Đ có nghĩa vụ bồi thường cho Công ty B.

4. Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2022/KDTM-ST ngày 08/12/2022 của Tòa án nhân dân thị xã P quyết định:

Tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng công ty cổ phần B đối với Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N và Công ty Cổ phần Đ về việc “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hoá”.

Tuyên thoả thuận bồi thường số tiền 258.316.544 đồng giữa Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N, Công ty cổ phần T1, Công ty TNHH P, Công ty TNHH Vận tải T và Công ty Cổ phần Đ, là vô hiệu.

Buộc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N và Công ty Cổ phần Đ có trách nhiệm liên đới trả cho Tổng công ty cổ phần B số tiền 539.621.460 đồng (Năm trăm ba mươi chín triệu sáu trăm hai mươi mốt nghìn bốn trăm sáu mươi);

Buộc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N trả cho Tổng công ty cổ phần B số tiền 258.316.544 đồng (Hai trăm năm mươi tám triệu ba trăm mười sáu nghìn năm trăm bốn mươi bốn đồng);

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí dân sự sơ thẩm, quyền kháng cáo và thời hạn kháng cáo.

5. Ngày 22/12/2022, Tòa án nhân dân thị xã P nhận được đơn kháng cáo của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N yêu cầu sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty B về việc yêu cầu buộc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N và Công ty Cổ phần Đ có trách nhiệm liên đới trả cho Tổng công ty cổ phần B số tiền 539.621.460 đồng và buộc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N trả cho Tổng công ty cổ phần B số tiền 258.316.544 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự không cung cấp thêm chứng cứ mới, không thỏa thuận được với nhau về vấn đề tranh chấp trong vụ án. Công ty B vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, Công ty N vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

6. Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu:

Trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến khi đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp yêu cầu kháng cáo của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 13/2022/KDTM-ST ngày 08/12/2022 của Tòa án nhân dân thị xã P.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa;

Về áp dụng pháp luật tố tụng:

[1]. Đơn kháng cáo của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N là bị đơn nộp trong thời hạn luật định, phù hợp với quy định tại các Điều 271, 272, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự. Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên đơn kháng cáo của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N hợp lệ.

[2]. Tổng công ty cổ phần B khởi kiện Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N và Công ty Cổ phần Đ để yêu cầu 02 công ty này bồi thường thiệt hại theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa được ký kết giữa Công ty Cổ phần tập đoàn H và Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N. Quan hệ pháp luật tranh chấp của vụ án này được xác định là “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa”. Việc Công ty Bảo hiểm bồi thường xuất phát từ hợp đồng vận chuyển và hợp đồng bảo hiểm. Công ty Đ có lỗi trong khi vận chuyển hàng hóa gây ra thiệt hại thì phải bồi thường nhưng Công ty Đ không ký kết hợp đồng vận chuyển với Công ty N nên không có quan hệ hợp đồng với Công ty N. Công ty B chỉ có quyền yêu cầu Công ty N bồi thường do vi phạm hợp đồng vận chuyển và Công ty N yêu cầu Công ty T1; Công ty T1 yêu cầu Công ty P; Công ty P yêu cầu Công ty T và Công ty T mới có quyền yêu cầu Công ty Đ bồi thường. Tòa án cấp sơ thẩm xác định Công ty Đ là đồng bị đơn là không đúng với quy định tại Điều 370 của Bộ luật dân sự về chuyển giao nghĩa vụ. Như vậy, Công ty Đ không phải là bị đơn trong vụ án mà chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Hợp đồng bắt đầu được thực hiện tại thị xã P, Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N là bị đơn có trụ sở tại thị xã P. Vì vậy, Tòa án nhân dân thị xã P thụ lý vụ án để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là đúng quy định tại các Điều 26, 35, 40 Bộ luật tố tụng dân sự.

[3]. Công ty Đ yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với vụ án. Công ty Đ cho rằng thời hiệu khởi kiện không còn do từ thời điểm xảy ra thiệt hại đến thời điểm khởi kiện đã quá 02 năm.

Theo Điều 118 Bộ luật Hàng hải 2005 quy định “Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến là 02 năm kể từ ngày người khiếu nại biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm.” Nhận thấy, ngày 20/5/2017, Tàu Đ cập Cảng PTSC N, Thanh Hóa nhưng đã để xảy ra sự cố làm tổn thất hàng hóa. Ngày 21/02/2018, Công ty Cổ phần giám định PB có báo cáo giám định xác định giá trị tổn thất hàng hoá. Ngày 10/01/2019, Công ty H có Giấy biên nhận và thế nhiệm chuyển giao quyền khiếu nại để nguyên đơn truy đòi người thứ 3 bồi thường. Ngày 27/02/2019, Toà án nhân dân thị xã P đã nhận được đơn khởi kiện của Công ty B khởi kiện Công ty Đ và Công ty N. Như vậy, thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là ngày 21/02/2018 (ngày xác định giá trị thiệt hại) cho đến ngày 27/02/2019 (ngày Công ty B khởi kiện) nên yêu cầu khởi kiện của Công ty B vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện.

Theo điểm b khoản 1 Điều 132 Bộ luật Dân sự quy định Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày: … Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;” Ngày 21/10/2017, Công ty H đã gửi Danh mục thông báo bồi thường, Giấy yêu cầu Công ty B phải trả số tiền bảo hiểm 760.257.504 đồng tương ứng 110%. Còn Công ty N bồi thường số tiền 214.352.531 đồng, tương ứng 10% thiệt hại còn lại. Ngày 10/01/2019, Công ty H có Giấy biên nhận và thế nhiệm chuyển giao quyền khiếu nại để nguyên đơn truy đòi người thứ 3 bồi thường. Ngày 27/02/2019, Toà án nhân dân thị xã P đã nhận được đơn khởi kiện của Công ty B khởi kiện Công ty Đ và Công ty N. Ngày 21/9/2020, N đã được tiếp cận chứng cứ và nghe B trình bày toàn bộ nội dung và yêu cầu khởi kiện nên mới biết thỏa thuận của Công ty N với Công ty T1, Công ty P, Công ty Vận tải T và Công ty Đ là nhầm lẫn. Vì vậy, thời hiệu để Công ty N yêu cầu tuyên bố thỏa thuận giữa Công ty N với Công ty T1, Công ty P, Công ty Vận tải T và Công ty Đ vô hiệu được tính từ ngày 21/9/2020. Ngày 20/6/2022, Công ty N có đơn yêu cầu tuyên bố thoả thuận bồi thường thiệt hại giữa Công ty N với Công ty T1, Công ty P, Công ty Vận tải T và Công ty Đ là vô hiệu do nhầm lẫn là vẫn trong thời hiệu.

Theo Điều 326 Bộ luật Hàng hải quy định “Khi đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm, người bảo hiểm được quyền truy đòi người có lỗi gây ra tổn thất đó (sau đây gọi là người thứ ba) trong phạm vi số tiền đã trả. Người bảo hiểm thực hiện quyền này theo quy định đối với người được bảo hiểm.” Theo điểm e koản 1 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 sửa đổi năm 2010 quy định Doanh nghiệm bảo hiểm có quyền…yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm do người thứ ba gây ra đối với tài sản và trách nhiệm dân sự”.

Theo Báo cáo giám định số 17120078/HN ngày 21/02/2018 của Công ty Cổ phần giám định PB thì lỗi để xảy ra thiết hại là “Do hết nước sinh hoạt (nước vệ sinh), tàu đã tiến hành bơm nước biển lên két nước sinh hoạt, nước biển đã chảy đầy vào két ballast số 4 (trái) dẫn đến nước tràn vào hầm hàng số 01 qua lỗ thủng ở chân ống thông hơi của két ballast 4 (trái)gây tổn thất cho hàng hóa nêu trên”. Như vậy lỗi gây thiệt hại hàng hòa là do bên vận chuyển hàng hóa. Căn cứ Thông báo bồi thường số C0353723 ngày 12/3/2018 và Giấy biên nhận và thế nhiệm ngày 10/01/2019, Bản tự khai của Công ty H ngày 29/12/2020, Công ty B đã bồi thường cho Công ty H số tiền là 897.504.000 đồng; đồng thời từ bỏ quyền khiếu nại đối với tổn thất của lô hàng trên và chuyển giao quyền khiếu nại để Công ty B truy đòi người thứ 3 bồi thường. Do đó, Công ty B khởi kiện Công ty N là đúng quy định tại khoản 3 Điều 68 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[4]. Ông Vũ Tuấn A là người đại diện theo pháp luật của Tổng công ty cổ phần B vắng mặt nhưng ông A đã ủy quyền cho ông Nguyễn Đức H, bà Hoàng Thị Ngọc T, ông Nguyễn Hoàng A và ông H, bà T vắng mặt, ông Nguyễn Hoàng A có mặt. Ông Phạm Hồng L là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N vắng mặt nhưng ông L đã ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Đ, bà Nguyễn Thị Phương H và ông Đ vắng mặt còn bà H có mặt. Ông Phạm Văn H là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Đ vắng mặt nhưng ông H đã ủy quyền cho ông Nguyễn Trung B và ông B có mặt. Người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần tập đoàn H, ông Trần Quốc T vắng mặt nhưng đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Những người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần T1, ông Nguyễn Phi H; Công ty TNHH P, ông Vũ Đăng H; Công ty TNHH Vận tải T, ông Bùi Đình H đều đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 nhưng đều vắng mặt. Vì vậy, phiên tòa xét xử vắng mặt ông Tuấn A, bà T, ông Hoàng A, ông L, ông Văn H, ông T, ông Phi H, ông H, ông H là phù hợp với các quy định tại các Điều 227, 228, 229 và 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung:

[5]. Vào ngày 01/5/2017, Công ty cổ phần tập đoàn H (Bên A) và Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N (Bên B) ký hợp đồng nguyên tắc dịch vụ vận chuyển hàng hóa số 02/2017/HĐNTVC/HS-N có nội dung: Bên A thuê bên B vận chuyển hàng hóa là Tôn thép cuộn các loại, tôn tấn, xà gồ, ống thép (Tình trạng hàng hóa nguyên đai, nguyên kiện, nguyên cuộn, không móp méo, không biến dạng, không ẩm ướt …) hoặc các loại hàng hóa khác cho bên A trong container các loại 20’ (feet) và/ hoặc 40’ (feet). Các tổn thất về hàng hóa, sai lệch giữa thực tế và chứng từ do bên B thiếu trách nhiệm trong việc bảo quản hàng hóa gây ra cho bên A thì bên B có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là 120% giá trị hàng hóa theo giá trên hóa đơn đã bao gồm thuế GTGT của lô hàng đó. Đồng thời bên B phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh do việc tổn thất, sai lệch hàng hóa nêu trên cho bên A. Ngày 12/5/2017, Tổng công ty cổ phần B và Công ty cổ phần tập đoàn H đã ký kết Hợp đồng bảo hiểm số MCT/013003913 ngày 12/5/2017 cho Hợp đồng Dịch vụ Vận chuyển hàng hóa số 02/2017/HĐNTVC/HS-N ngày 01/5/2017 về việc vận chuyển tôn cán nguội giữa H và Công ty N. Theo hợp đồng bảo hiểm thì Công ty B nhận bảo hiểm cho lô hàng 147 cuộn 2.877,505 tấn tôn cán nguội; Người được thụ hưởng bảo hiểm: Công ty CP tập đoàn H; Đối tượng bảo hiểm: 147 cuộn/2.877,505 tấn tôn cán nguội; Phương tiện vận chuyển: Tàu biển; Hải trình theo hợp đồng: Từ cảng SSIT C BR-VT đến cảng PTSC N, Thanh Hóa. Phí bảo hiểm:

10.889.245 đồng ; Mức bồi thường bảo hiểm 110% hàng hóa bị tổn thất; Trị giá bảo hiểm: 44.996.881.246 đồng.

Công ty N không trực tiếp vận chuyển mà ký tiếp hợp đồng vận chuyển với Công ty cổ phần T1, Công ty T1 tiếp tục ký hợp đồng vận chuyển với Công ty TNHH P. Công ty P cũng không trực tiếp vận chuyển mà đã ký hợp đồng với Công ty TNHH vận tải T. Công ty T đã ký hợp đồng vận chuyển với Công ty Cổ phần Đ. Việc Công ty N ký hợp đồng vận chuyển với Công ty T1 không được sự đồng ý của Công ty H nên Công ty N không được chuyển nghĩa vụ của Công ty T1 cho Công ty H. Ngày 20/5/2017, Tàu Đ cập Cảng PTSC N, Thanh Hóa nhưng đã để xảy ra sự cố làm tổn thất hàng hóa. Số lượng hàng hoá tổn thất: 17 cuộn; Giá trị hàng hoá bị tổn thất: 1.948.659.372 x 1,1 x 1,1= 2.357.877.840 đồng (đã bao gồm VAT);

Chi phí sản xuất hàng hoá bị tổn thất thành phẩm để bán cứu vớt 439.640.134 đồng (đã bao gồm VAT); Số tiền thu hồi bán cứu vớt: 2.037.260.470 đồng (đã bao gồm VAT); Chi phí giám định: 37.680.500 đồng; Tổng tổn thất sau khi bán hàng giảm cấp: (2.357.877.840 đồng + 439.640.134 đồng) – 2.037.260.470 đồng + 37.680.500 đồng = 797.938.004 đồng (đã bao gồm VAT).

Trên cơ sở kết quả giám định và Hợp đồng 02, Hợp đồng bảo hiểm số MCT/013003913 ngày 12/5/2017, Công ty H đã xác định số tiền bồi thường tương đương với 120% giá trị hàng hoá bị tổn thất sau khi đã khấu trừ tiền bán cứu vớt (đã bao gồm VAT), cụ thể như sau: (1.948.659.372 đồng x 1,1 x 1,2) đồng + 439.640.134 đồng - 2.037.260.470 đồng (tiền bán cứu vớt) = 974.610.035 đồng. Ngày 18/11/2017, Công ty H đã gửi Danh mục thông báo bồi thường, Giấy yêu cầu bồi thường. Công ty H yêu cầu Công ty B phải trả số tiền bảo hiểm 760.257.504 đồng tương ứng 110% thiệt hại; Công ty N bồi thường số tiền 214.352.531 đồng, tương ứng 10% thiệt hại.

Do Công ty N hiểu nhầm yêu cầu bồi thường số tiền 214.352.531 đồng của H chính là tổng số tiền mà Công ty N phải trả cho H nên đã có văn bản yêu cầu các công ty vận tải thứ cấp bồi thường số tiền 258.316.544đồng. Sau khi nhận được yêu cầu bồi thường, thông qua hình thức cấn trừ công nợ giữa các bên, Công ty Đ, Công ty T, Công ty P, Công ty T1 đã chuyển số tiền 258.316.544 đồng cho Công ty N để bồi thường cho Công ty H. Ngày 10/01/2019, Công ty B đã bồi thường xong cho Công ty H số tiền 760.257.504 đồng và được Công ty H làm giấy thế nhiệm chuyển quyền để khởi kiện. Công ty B khởi kiện Công ty N, Công ty Đ để yêu cầu bồi hoàn số tiền do thiệt hại về hàng hóa mà Công ty B đã chi trả cho Công ty H.

Căn cứ Báo cáo giám định số 17120078/HN ngày 21/02/2018, Biên bản ghi nhận hiện trường số 17120078/HN ngày 21/5/2017 và Biên bản giám định ngày 24/5/2017, Biên bản họp ngày 22/5/2017 lời trình bày của nguyên đơn, thừa nhận của bị đơn và xác nhận của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, thì thấy: Lỗi dẫn đến thiệt hại hàng hoá thuộc về chủ tàu Đ. Công ty Đ là người vận chuyển thực tế, nên phải có nghĩa vụ bồi thường theo quy định tại Điều 77 Bộ luật Hàng hải nhưng Công ty Đ bồi thường cho Công ty T; Công ty T bồi thường cho Công ty P; Công ty P bồi thường cho Công ty T1; Công ty T1 bồi thường cho Công ty N, Công ty N phải bồi thường cho Công ty H. Trong vụ án này Công ty N, Công ty T1, Công ty P, Công ty T không có đơn yêu cầu bồi thường nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét là đúng quy định tại Điều 5 của Bộ luật tố tụng dân sự. Công ty H đã thế nhiệm quyền yêu cầu bồi thường của người thứ 3 cho Công ty B nên Công ty N phải bồi thường cho Công ty B toàn bộ tổn thất hàng hoá, tương ứng số tiền 797.938.004 đồng mà Công ty B đã chi trả cho Công ty H.

[6]. Tại thời điểm Công ty N với Công ty T1; giữa Công ty T1 với Công ty P; giữa Công ty P với Công ty T; giữa Công ty T với Công ty Đ thoả thuận bồi thường cho Công ty H thì Công ty H, Công ty B chưa làm rõ được trách nhiệm và nghĩa vụ bồi thường của Công ty N dẫn đến Công ty N nhầm lẫn trong việc đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại nên thoả thuận trên bị coi là vô hiệu do nhầm lẫn theo Điều 126, Bộ Luật Dân sự. Vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm tuyên vô hiệu đối với thoả thuận bồi thường số tiền 258.316.544 đồng giữa Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N, Công ty cổ phần T1, Công ty TNHH P, Công ty TNHH Vận tải T và Công ty Cổ phần Đ là có căn cứ. Việc thỏa thuận này bị vô hiệu nên các đương sự có quyền thỏa thuận lại. Tường hợp không chấp nhận thỏa thuận lại thì các công ty có quyền khởi kiện bằng một vụ án khác.

[7]. Từ những phân tích và nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N. Sửa Bản án sơ thẩm số 13/2022/KDTM-ST ngày 08/12/2022 của Tòa án nhân dân thị xã P theo hướng: Buộc Công ty N phải bồi thường cho Công ty B số tiền 797.938.004 đồng. Nếu Công ty N, Công ty T1, Công ty T, Công ty Đ không thỏa thuận được trách nhiệm bồi thường thì có quyền khởi kiện bằng một vụ án khác.

[8] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện của Công ty B được chấp nhận nên Công ty N phải chịu án phí tương ứng với số tiền phải trả cho Công ty B. Án phí được tính là: 20.000.000 đồng + 4% x (797.938.004 – 400.000.000) đồng = 35.917.520 đồng.

Do yêu cầu độc lập của Công ty N về việc tuyên vô hiệu đối với thỏa thuận bồi thường được chấp nhận nên Công ty Cổ phần Đ phải chịu án phí 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại không có giá ngạch.

[9]. Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Yêu cầu kháng cáo của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N được chấp nhận một phần và bản án sơ thẩm bị sửa nên Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 2 Điều 308; khoản 2 Điều 148; các Điều 5, 26, 35, 40, 68, 227, 228, 271, 272, 273, 296 của Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 126, 132, 370 của Bộ luật dân sự; các Điều 118, 326 của Bộ luật hàng hải; Điều 17 của Luật kinh doanh bảo hiểm; các Điều 26, 27, 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Toà án.

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N. Sửa Bản án sơ thẩm số 13/2022/KDTM-ST ngày 08/12/2022 của Tòa án nhân dân thị xã P.

Tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng công ty cổ phần B đối với Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N về việc “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hoá”.

1. Buộc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N phải bồi thường cho Tổng công ty cổ phần B số tiền 797.938.004đồng (Bảy trăm chín mươi bảy triệu, chín trăm ba mươi tám ngàn, không trăm lẻ bốn đồng);

2. Chấp nhận yêu cầu độc lập của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N. Tuyên bố vô hiệu đối với thoả thuận bồi thường số tiền 258.316.544 đồng giữa Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N, Công ty cổ phần T1, Công ty TNHH P, Công ty TNHH Vận tải T và Công ty Cổ phần Đ.

Nếu Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N, Công ty cổ phần T1, Công ty TNHH P, Công ty TNHH Vận tải T và Công ty Cổ phần Đ không thỏa thuận được trách nhiệm bồi thường thì có quyền khởi kiện bằng một vụ án khác.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 điều 468 Bộ luật dân sự.

4. Về án phí:

4.1 Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

- Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 35.917.520 đồng (Ba mươi lăm triệu chín trăm mười bảy nghìn năm trăm hai mươi đồng);

- Công ty Cổ phần Đ phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng).

Hoàn trả số tiền tạm ứng án phí cho Tổng công ty cổ phần B là 17.958.000 đồng (Mười bảy triệu, chín trăm năm mươi tám nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0001022 ngày 04/5/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã P, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Hoàn trả số tiền tạm ứng án phí cho Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N, số tiền 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí toà án số 0006443 ngày 30/9/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã P, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

4.2. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N không phải chịu. Hoàn trả cho Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ vận tải N 2.000.000đồng (Hai triệu đồng) đã nộp theo Biên lai thu số 0006741 ngày 23/12/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã P, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (22/8/2023). 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

111
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 08/2023/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa

Số hiệu:08/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 22/08/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;